Thứ Năm , 23 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Thế Hệ Thiên Niên Kỷ

Thế Hệ Thiên Niên Kỷ

mill

Khoảng cách giữa cũ và mới, già và trẻ là chuyện có từ ngàn xưa, nhưng tại sao thế hệ Thiên Niên Kỷ, hay còn được gọi là thế hệ Y, có vẻ bị chỉ trích nhiều về nếp sống, niềm tin và giá trị của họ so với những thế hệ đi trước? Nhiều người còn cho là thế hệ trẻ ngày nay dần dần trở nên lạc lối và vô định hơn rất nhiều giữa vô vàn những lựa chọn trong cuộc sống. Trong xã hội, thế hệ này khó khăn lắm mới tìm được chỗ đứng cho riêng mình; còn trong nhà thờ, họ cũng gặp trở ngại thích nghi với môi trường này. Đây là những con người mà một thời hội thánh đã trông đợi để làm “rường cột” và được gọi là “tương lai” của hội thánh. Ngày nay họ đang ở đâu và làm gì? Không phải chỉ hội thánh Việt Nam mới đối diện với câu hỏi khó trả lời này, nhưng các hội thánh của người da trắng hay các sắc tộc khác cũng phải vật lộn với thách thức này. Khi hỏi họ lý do họ rời hội thánh, thì thường câu trả lời là vì sự thờ phượng chán ngắt và sự dạy dỗ không thực tế với họ. Vấn đề ở đây không lệ thuộc hoàn toàn về tâm linh, mà có sự góp phần tích cực của lưu chuyển văn hoá và xã hội.

Thế Hệ Thiên Niên kỷ là những người độ chừng hai mươi đến ba mươi lăm tuổi, là thế hệ cuối cùng của thế kỷ 20. Mỗi thế hệ cách nhau từ hai mươi đến ba mươi năm, là quãng thời gian đủ dài cho một lớp người trưởng thành, hình thành thế hệ mới. Quãng cách thời gian khiến những lớp người có độ tuổi khác nhau đương nhiên tự hình thành những khác biệt về mặt nhận thức, quan niệm, tâm sinh lý, thói quen ứng xử, hành động… dẫn đến những khuôn mẫu, đặc điểm, màu sắc riêng của thế hệ mình. Cha mẹ của họ phần nhiều là những người thuộc thế hệ X, là những người ở hạng tuổi từ ba mươi lăm đến năm mươi, đã có ảnh hưởng nhiều nhất trên thế hệ Y. Để có thể hiểu và gần gũi được nhóm người này, chúng ta cần biết về những biến chuyển trong thời gian từ năm 1980 đến 2000 và những di sản thế hệ X đã để lại cho họ. Sau đây là một vài đặc điểm khác biệt giữa thế hệ Y và những thế hệ đi trước:

1. Sự khác biệt lớn nhất giữa thế hệ X và Y là những trẻ em ở thời thế hệ X thường được gọi là thế hệ bị bỏ rơi, được nuôi dưỡng tại một thời điểm khi mà cả bố và mẹ đều phải đi làm và để những đứa bé tự xoay sở ở nhà một mình. Trong khi đó thế hệ Y được coi là thế hệ nhận được sự chăm sóc của bố mẹ đầy đủ nhất trong lịch sử.

2. Thế hệ Y có hàng trăm người bạn từ các mạng xã hội mà họ tham gia nhưng họ cũng đánh giá sâu sắc các giá trị gia đình. Họ thường bị đánh giá là tự cao và bộp chộp nhưng họ vẫn luôn khao khát học hỏi và cống hiến cho xã hội. Họ luôn muốn kiếm thật nhiều tiền nhưng họ cũng không quên hỗ trợ những cơ quan tình nguyện có ý nghĩa.

3. Có lẽ cũng giống như tất cả những thế hệ đi trước, các thành viên thế hệ Y là một bức tranh đầy xung khắc với thế hệ trước. Và có lẽ điểm nổi bật trong số đó chính là sự lạc quan không ngừng cho dù họ phải lớn lên ở thời điểm khi mà phải chứng kiến học sinh bắn gục học sinh khác ở trường học và khi khủng bố lao máy bay vào những tòa nhà cao. Nhưng thay vì tỏ ra sợ hãi và thu mình lại, thế hệ này lại luôn tràn ngập sự lạc quan và những suy nghĩ tích cực. Điều này dường như cũng xuất phát từ một triết lý rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra nên hãy tận hưởng từng giây phút khi bạn còn có thể làm được.

4. Họ chứng kiến bố mẹ ly hôn và những người bạn của mình bước ra khỏi phòng thay đồ như một người đồng tính, thế hệ Y dần dần đã trở thành một trong những thế hệ cởi mở nhất trước bất cứ những thay đổi nào. Trên thực tế, 93% ủng hộ những mối quan hệ giao lưu giữa các chủng tộc.

5. Mặc dù có khuynh hướng tự do, những thành viên của thế hệ Y có xu hướng cầu toàn hơn nhiều so với thế hệ X.

6. Họ không muốn trở thành bánh răng trong một cỗ máy của công ty, và cũng không muốn bị chỉ bảo phải làm gì bởi một ông sếp độc đoán.

7. Chỉ có 19% nói họ có thể tin cậy một người khác.

m 2

Thế hệ Thiên Niên Kỷ dù bề ngoài trông rất tự tin, nhưng họ có nhiều nội chiến giữa những gì họ tưởng và thực tế. Họ có những nan đề đặc biệt mà những thế hệ trước không phải đối đầu. Dù thành viên của thế hệ này được cho là thế hệ được chăm sóc đầy đủ nhất, họ vẫn cảm thấy mình bất hạnh và là kẻ thất bại khi không được tiếp đón nồng hậu trong thế giới thực tế. Một phần lớn không phải là lỗi của họ, bởi vì họ được cha mẹ cho một ấn tượng là “điều gì họ muốn cũng đạt được,” được dạy dỗ phải đeo đuổi ước mơ (dù không thực tế) và tự tin giả tạo bởi những lời khen tặng không đúng chỗ. Đã vậy, họ lại bị sinh ra trong một xã hội chạy theo chủ nghĩa cá nhân và muốn gì được ngay. Họ được trưởng dưỡng với khái niệm sai lầm rằng thế giới này là của họ và họ chỉ cần đưa tay ra nắm lấy là được. Khi đụng chạm với thực tế đầy cạnh tranh và bon chen, họ không hiểu tại sao những điều họ được dạy dỗ không áp dụng được, rồi đâm ra chán nản. Khi họ sa sút tinh thần, thì họ khám phá ra rằng cộng đồng giả tạo của họ trên các trang mạng xã hội không đem cho họ một vòng tay an ủi, ấm áp như họ tưởng. Có khi họ thấy lẻ loi vì bạn bè họ trên mạng xã hội dường như lúc nào cũng yêu đời và hạnh phúc qua những hình ảnh đẹp đẽ và những buổi vui chơi đầy những thức ăn hấp dẫn. Họ cũng vậy, họ cũng chỉ post những hình ảnh để chứng tỏ mình cũng “hạnh phúc” như bao nhiêu người khác. Những giải trí trên mạng xã hội rất là thu hút, nhưng nó chỉ mang lại sự thoả mãn tạm thời, có khi là giả tạo. Vì gần như mọi việc có thể giải quyết bằng một cái gạt trên máy di động, cho nên họ không có nhu cầu để gặp gỡ nhiều người để tạo nên mối liên hệ mật thiết. Vì vậy, họ không biết cách làm người bạn tốt; cho nên dù họ có rất nhiều người quen qua kết nối trên mạng, nhưng không mấy người thân. Cũng vì thế, họ cũng không biết cách giải quyết xung khắc trong công sở và gia đình và đưa đến những đổ vỡ tình cảm rất dễ dàng. Họ sống trong một thế giới muốn gì có ngay, cho nên họ cũng thiếu kiên nhẫn chờ đợi. Điều này khiến họ dễ bỏ cuộc và trở về với thế giới điện tử để tìm “niềm vui.” So với thế hệ X, tỉ lệ thế hệ Y có khả năng rời bỏ công việc của mình sau hai năm cao gấp hai lần. Một số tài liệu tham khảo cho rằng con số ly dị trong thế hệ Y cao hơn thế hệ X vì họ đã học được bài học từ cha mẹ họ là có cố gắng gìn giữ hôn nhân vì con cái và thể diện, rốt cuộc rồi cũng ly dị. Vì họ sống trong một thế giới đầy dẫy những gia đình ly dị, đối với họ đây không phải là một điều mất mát hay thất bại nữa, nhưng là một sự lựa chọn. Một số tài liệu khác có một cái nhìn rằng con số ly dị thật sự đang đi xuống vì thế hệ này không tin tưởng vào thể chế hôn nhân và gia đình là tế bào của xã hội (dựa vào những gì họ chứng kiến qua thế hệ X), nên họ chỉ chung sống chứ không kết hôn. Khi nói về tôn giáo, thế hệ Thiên Niên Kỷ không có nhiều lòng tin vào các cơ quan tôn giáo, nhưng họ vẫn tin tưởng vào một Đức Chúa Trời. Những gì trong nhà thờ dạy dỗ thường đi ngược lại với những lý tưởng cởi mở và cầu tiến của họ về khoan dung chấp nhận sự khác biệt tôn giáo, chủng tộc, giới tính và xu hướng tình dục.

Khi đọc biết và hiểu được những gì thế hệ Y phải đối diện, chúng ta, nhất là thế hệ X, cần thông cảm và tìm cách giúp đỡ, thay vì chỉ trích. Thế hệ X đã đóng một vai trò khá quan trọng đưa dẫn thế hệ Y đến tình trạng này, vì vậy chúng ta có trách nhiệm chung để giúp đỡ họ. Theo một nghiên cứu mới gọi là Making Space for Millenials, họ phát hiện một vài điểm quan trọng về thế hệ này và đưa ra năm câu hỏi cụ thể để giúp hội thánh Chúa nhận ra được nan đề của mình và tại sao chúng ta không thu hút những người trong thế hệ Y (có một vài điều sẽ làm chúng ta ngạc nhiên là vì thế hệ này có cái nhìn sâu sắc hơn là chúng ta tưởng):

1. Hội thánh của chúng ta là hội thánh thật hay chỉ tìm cách đáp ứng nhu cầu?
Thế hệ Y cần thấy hội thánh Chúa sống thật với những gì được dạy dỗ. Vì tinh thần cởi mở của họ, họ chấp nhận và tôn trọng những ý kiến khác biệt. Có thể họ không đồng ý với sự dạy dỗ hoàn toàn, nhưng ít nhất họ nể nang và tôn trọng cái nhìn và cách sống của chúng ta. Cũng vì họ là những người đầy lý tưởng, họ rất nhạy cảm với những sự giả hình. Khi họ thấy được những lời dạy dỗ không được áp dụng, họ bị dị ứng nặng nề. Sau đó, những gì chúng ta nói sẽ như nước đổ lá môn và chúng ta mất đi cơ hội dẫn dắt họ. Bởi vậy, đời sống chúng ta cần là đời sống thật và gương mẫu. Việc làm của chúng ta trả lời được những thắc mắc của họ hơn là lời nói.

2. Hội thánh của chúng ta có một thông điệp rõ ràng không?
Vì các thế hệ Y được trưởng dưỡng trong một thế giới rất nhiều sự lựa chọn, rất khó để họ nhận ra điều nào đúng, điều nào sai. Nếu hội thánh của Chúa không có một thông điệp rõ ràng, chúng ta sẽ làm họ thêm hoang mang. Nếu họ nhìn chúng ta như một hội đoàn trong bao nhiêu hội đoàn khác, thì tại sao họ phải ở một nơi chán ngắt và không liên quan gì đến họ. Khi chúng ta không cho họ thấy đạo Tin Lành là Con Đường, là Chân lý (Giăng 14:6), họ sẽ để chúng ta vào danh sách của những thuyết tương đối (relativism) mà họ biết. Họ cần thấy Chúa Giê-xu không như các giáo chủ khác và Tin Lành cứu rỗi là một đặc ân chứ không phải việc làm như thấy được trong những tôn giáo khác.

3. Hội thánh của chúng ta là nơi hoạt động hay một nơi nghỉ ngơi?
Thế hệ Y có tinh thần cống hiến cho xã hội và làm đẹp cuộc đời cho nên họ thích tham gia những chương trình từ thiện. Nếu hội thánh Chúa không có những chương trình để họ được phục vụ cộng đồng, tha nhân, họ sẽ thấy nhàm chán và cuộc sống không ý nghĩa và trở nên ích kỷ.

4. Hội thánh của chúng ta có biểu lộ được Chúa Giê-xu qua nếp sống của mình không?
Ông Ghandi nói: “Tôi thích Chúa Giê-xu, nhưng tôi không thích những người theo Chúa Giê-xu.” Dù cái nhìn của ông Ghandi về Chúa Giê-xu có lệch lạc, nhưng cái nhìn của ông về những người theo Chúa có thể đúng. Chúng ta có phải là sự sáng của thế gian để họ thấy những việc lành của chúng ta và ngợi khen Đức Chúa Trời như trong Ma-thi-ơ 5:16 chép không?

5. Hội thánh của chúng ta có giúp thế hệ Y tìm được những người hướng dẫn như một người thầy (mentor) không?

m 3
Người mentor (thầy, sư phụ) khác với người coach (huấn luyện viên). Huấn luyện viên là người mà học trò tìm đến để trau dồi một k năng nào đó. Nhưng người “thầy” hay “sư phụ” là người có thể hướng dẫn và đi bên cạnh học trò trên mọi lãnh vực trong cuộc sống. (Vai trò làm thầy nghe ghê gớm và chắc có lẽ ít ai dám nhận, cho nên chúng ta có thể dùng từ ngữ cha mẹ hay anh chị đỡ đầu thì có lẽ dễ tìm hơn.) Để thế hệ Y có thể nể nang một người và chịu ở dưới sự hướng dẫn của họ trong mọi lãnh vực là cả một thách thức. Họ đã có sẵn một tư tưởng không tin cậy người khác, cho nên nó đòi hỏi người “đỡ đầu” của họ có một đời sống đáng tin cậy, trung tín với Chúa và làm gương cho người xung quanh. Vì thế hệ Y thiếu những tấm gương tốt từ trong gia đình, hội thánh, lẫn xã hội, họ rất cần những người đi trước có phẩm chất tốt hướng dẫn họ.

Lâu nay chúng ta tưởng rằng chúng ta phải có một chương trình hấp dẫn và đầy đủ như các hội thánh Hoa Kỳ, thì chúng ta mới giữ được nhóm người Thiên Niên Kỷ; nhưng các hội thánh Hoa Kỳ cũng đang đối đầu với tình trạng không giữ được thế hệ này trong hội thánh của họ. Sự ảnh hưởng có thể ít hơn các hội thánh Việt Nam vì họ không phải đương đầu với sự khác biệt ngôn ngữ và quá nhiều về văn hoá; nhưng đây là một tình trạng chung của thời đại chúng ta. Ông Jeff Bogue thuộc CE National nói với các đầy tớ Chúa như thế này: “Chúng ta cần hướng dẫn hội thánh của chúng ta trong tiến trình tạo dựng một nơi để thế hệ Thiên Niên Kỷ có thể có sự liên hệ với Chúa và tự do tương giao với Ngài.” Mục-sư Jim Brown, cũng thuộc CE National, góp ý là chúng ta cần:

1. Một người có tấm lòng vì họ cần thấy chúng ta thương họ trước.

2. Một người có đủ kiên nhẫn khi họ có mặt hoặc không có mặt. Nhóm người này không có cam kết lâu dài, nên họ hay trôi dạt từ nơi này đến nơi khác.

3. Một người có lòng lo tưởng đến nhu cầu trong cộng đồng của họ và thế giới và sẵn sàng mở cửa nhà và cửa lòng cho họ.

4. Một người chịu dùng mạng xã hội để tiếp cận họ.

5. Một người coi trọng mối liên hệ thay vì các chương trình.

Những kỹ thuật hiện đại và cách thức tổ chức có thể khác so với các thế hệ đi trước, nhưng thông điệp của Lời Chúa vẫn phải y nguyên. Chúng ta vẫn nên có những sáng kiến về cách thức để không nhàm chán, nhưng không có nghĩa chúng ta phải “làm theo đời này” hay pha loãng sứ điệp để thế hệ Y mới chấp nhận. Lời Chúa vẫn còn đủ hiệu lực qua bao thế hệ để hoán cải một con người, cho nên thế hệ Y không phải rời hội thánh vì Lời Chúa khô khan và lỗi thời, dù có khi họ nói đó là lý do. Nhưng nếu chúng ta nghĩ xa hơn, gốc rễ của vấn đề là vì chúng ta đã không cho họ thấy được quyền năng thay đổi của Chúa trong đời sống của chúng ta, không làm gương tốt, không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu về họ và yêu thương họ đủ để bước đi bên cạnh họ. Mục sư Crawford Lorritts, mục sư trưởng của Fellowship Bible Church tại Roswell, Georgia, nói như thế này: “Sự ảnh hưởng thật sự của chúng ta tùy thuộc vào thế hệ kế tiếp.” Khi chúng ta qua đời, chúng ta để lại những gì cho hậu tự của mình?!

Kim Tranh   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn