“Chúa trải bắc cực ra trên vùng trống,
Treo trái đất trong khoảng không không.” (Gióp 26:7)
Sau gần một năm không có khí trời trong lành trong môi trường chật hẹp gần như không trọng lực của Trạm Không gian Quốc tế ISS, phi hành gia người Mỹ Scott Kelly và phi hành gia người Nga Mikhail Kornienko có vẻ khỏe mạnh một cách đáng kinh ngạc khi về lại Trái Đất mùa xuân vừa rồi.
Họ vừa hoàn thành nhiệm vụ 340 ngày trên tàu vũ trụ trong quỹ đạo, một trong những chuyến du hành không gian dài nhất trong những năm gần đây.
Đó là hai trong số hơn 200 người có may mắn đến trạm ISS, và nằm trong số hàng trăm người từng du hành vào không gian.
Để tìm hiểu cuộc sống như thế sẽ ra sao, trong vòng 48 giờ, tôi đã thử sống như một phi hành gia – nỗ lực theo kế hoạch của các phi hành gia trên trạm ISS.
Trong phần 48 giờ bất hạnh thử làm phi hành gia, tôi đã chia sẻ với các bạn về những thử thách khắc nghiệt của những người lên đường ra khỏi Trái Đất đi chinh phục không gian.
Thế nhưng bên cạnh đó, thì họ cũng được hưởng những cảm giác vô cùng khó quên.
Một ngôi sao khác trên bầu trời
Trong khi các thành viên trong phi hành đoàn trên trạm ISS có được góc nhìn tuyệt đẹp từ Trái Đất và có thể kết nối gần như ngay lập tức với nhóm hỗ trợ trên mặt đất, thì có một phi hành đoàn liên tục thay đổi thành viên đi cùng những chuyến tàu thường xuyên đem nhu yếu phẩm từ Trái Đất, và các phi hành gia đến Sao Hỏa, sẽ phải đối mặt với sự cô đơn cùng cực.
Ngoài thời gian nhiệm vụ dài hơn, phi hành gia phải mất đến 20 phút mỗi chiều khi gửi thông tin liên lạc đi. Điều này có nghĩa là sẽ có 40 phút độ trễ trước khi phi hành gia có được phản hồi từ đơn vị điều khiển nhiệm vụ hoặc từ bất cứ ai ở Trái Đất. Độ trễ này cũng được mô phỏng trong nhiệm vụ Hi-Seas và Mars500.
Jocelyn Dunn trải qua tám tháng làm một thành viên trong phi hành đoàn gồm sáu người sống trong một khối cầu trong Nhiệm vụ Hi-Seas ở Hawaii.
Tòa nhà hai tầng có diện tích 900 feet vuông làm không gian sinh hoạt chung, với các góc nhỏ riêng tư cho từng người, và thí nghiệm bao gồm công việc mô phỏng trên “Sao Hỏa” ở những cánh đồng dung nham bao quanh.
Người tham gia thử nghiệm phải mặc áo phi hành gia bất kỳ khi nào đi ra ngoài, và có trách nhiệm tiến hành các nhiệm vụ địa chất theo từng nhóm.
“Với cá nhân tôi, việc giao tiếp khó khăn tới mức không tưởng,” Dunn nói. “Không chỉ vì độ trễ thời gian mà còn vì chỉ có duy nhất qua email. Chúng ta đã trở thành một xã hội sử dụng chữ viết rất nhanh và thật kinh ngạc nhiều người vẫn không giỏi liên lạc theo cách đó. Điều này đặc biệt khó khăn vì mạng xã hội có tác động đến sự tính cách bạn.”
Hơn thế nữa, Trái Đất sẽ trông giống như một ngôi sao trên bầu trời từ Sao Hỏa. Điều này có thể dẫn đến hội chứng mà các nhà khoa học gọi là “Hội chứng mất Trái Đất khỏi tầm nhìn” và điều đó có thể khiến tăng cảm giác bị cô lập.
Các khảo sát từ phi hành gia cho thấy việc ngắm nhìn và ngưỡng mộ vẻ đẹp và sự mong manh của Trái Đất từ không gian có tầm quan trọng vô cùng to lớn.
Một số nghiên cứu cho thấy trải nghiệm này khiến người ta ít coi trọng tính cá nhân hơn và coi trọng những điều phổ quát và tâm linh hơn.
“Nhìn Trái Đất từ góc nhìn đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của bất cứ ai có cơ hội ngắm nhìn,” Lindgren nói. “Bạn thực sự có cơ hội nhận thấy chúng ta đang ở trên một hành tinh cực kỳ tuyệt vời và độc nhất vô nhị so với bất cứ gì bạn có thể thấy. Và dù bạn có thể thấy vũ trụ và điều đó khiến mọi người đôi khi cảm thấy mình nhỏ bé, bạn nhận ra rằng không có gì trong tầm mắt và trải nghiệm của bạn sánh kịp với Trái Đất.”
Ông nói trải nghiệm đó khiến ông nhận ra Trái Đất là một tàu vũ trụ của nhân loại và con người chính là phi hành đoàn. “Tôi dành 30% của mình vào việc bảo trì trạm không gian, phương tiện cung cấp khí oxygen và thức ăn, và sự bảo vệ tránh khỏi phóng xạ,” ông giải thích. “Và bạn nhìn xuống Trái Đất và nghĩ, đó là tàu vũ trụ của nhân loại. Điều tương tự cũng xảy ra với các phi hành đoàn và nhân loại – chúng ta phải chăm sóc lẫn nhau.”
Không có những hình ảnh đó có thể gây ra trải nghiệm tiêu cực ảnh hưởng tới các phi hành gia. Và cùng với sự tù túng, điều này khiến mọi thứ trở nên thêm căng thẳng.
Căng thẳng từ sự tù túng
Với tôi, vào ngày thứ hai, sự háo hức muốn biết cảm giác của việc mắc kẹt trong một ngôi nhà với toàn thức ăn khô không lấy gì làm ngon lành đã hoàn toàn bay mất, vậy là chồng tôi khi trở về nhà đã phải chứng kiến một bà vợ cực kỳ bẳn tính.
Cũng chán ngán như cuộc thử nghiệm trên mặt đất của tôi, sự đơn điệu do tình trạng tù túng có lẽ chính là một trong những thách thức lớn nhất mà con người phải đối mặt với nhiệm vụ đến Sao Hỏa.
Dunn, người thu thập mẫu sinh học để theo dõi mức độ căng thẳng trong suốt thời gian trong nghiên cứu với Hi-Seas, cho biết bà đã đánh giá thấp tác động của sự tù túng với trải nghiệm của bà.
“Mọi người không nghĩ về sự tù túng nhiều lắm,” bà cho biết. “Họ nghĩ về sự cô độc, bạn không có mọi thứ xung quanh như bình thường trên thế giới, nhưng sự tù túng cũng khó chịu như vậy, nếu không muốn nói là tệ hơn, vì nó rất khó chịu về mặt xã hội. Bạn không thể đi đâu cuối tuần, bạn không thể thay đổi quang cảnh, con người. Tôi thực sự đã nhớ, đã thèm cảm giác mình đi dạo trên đường hoặc làm điều gì đó bộc phát, hoặc khám phá thứ gì mới.”
Dunn, người tham gia vào nhóm nghiên cứu trong vai trò điều tra viên chính trong thời gian 12 tháng ở Hi-Seas, đã kết luận như vậy vào tháng 8/2016 và giờ đây đang phân tích mức độ căng thẳng của từng thành viên thay đổi ra sao sau thời gian họ sống trong tòa nhà giả định.
“Mọi người bước vào với mức độ căng thẳng khá cao vì họ đến đây lần đầu tiên và cảm thấy thích thú, nhưng sau đó sự háo hức dần lắng xuống khi họ có thể điều chỉnh với môi trường,” bà nói. “Sau đó, qua thời gian, mức độ căng thẳng lại tăng dần lên khi họ sống trong môi trường, mặc dù chính xác khi nào và ra sao thì còn tùy vào từng cá nhân.”
Mức độ căng thẳng tăng cao có thể góp phần gây ra nhiều xung đột xã hội hơn vì các phi hành gia sống với nhau trong thời gian dài.
Một phân tích năm 2010 trên tạp chí của phi hành gia do Nasa phát hành cho thấy trung bình xung đột giữa mọi người tăng lên khoảng 20% trong nửa sau thời gian chuyến đi.
Dù không hẳn lúc nào cũng đúng, ít nhất có một số nhà nghiên cứu đã quan sát thấy hiện tượng trạng gia tăng tâm trạng hung hăng và dễ thất thường về cảm xúc tại một số thời điểm sau khi đi được nửa hành trình trong sứ mệnh không gian.
Trong dự án Mars500, được tiến hành từ tháng 7/2010-11/2011 và là nghiên cứu mô phỏng môi trường không gian dài nhất cho tới nay, các nhà nghiên cứu nhận thấy người tham gia giảm dần sự nhân từ khi thời gian trôi qua, thậm chí một vài người tham dự đã từ chối giao tiếp với những người khác. Điều này đặc biệt rõ ràng vào thời gian giữa tháng Năm và tháng Tám, được coi là “quý ba” tính từ thời gian những người tham dự được lên lịch sẽ rời khỏi phòng nghiên cứu vào tháng 11.
“Điều chúng ta nhận thấy là khi con người bị giam giữ trong một thời gian dài, đến một lúc nào đó sự tù túng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tâm lý, đặc biệt nếu bạn ở trong môi trường kích thích rất cấm đoán,” Sandal nói.
“Sau một thời gian, bạn trở nên rất dễ cáu kỉnh trước bất cứ âm thanh hay kích thích gì có vẻ quá nhiều. Điều đó sẽ gây khó chịu cho bạn. Và đó là những gì chúng tôi quan sát được ở Mars500. Dĩ nhiên có sự khác biệt giữa từng cá nhân, nhưng một số thành viên phi hành đoàn thu mình không giao tiếp nữa, đó là cách tôi gọi là một phương pháp tự bảo vệ bản thân của họ.”
Người ta cũng quan sát thấy một hiện tượng tâm lý tên là “tách biệt” từ một số thành viên phi hành đoàn, người sẽ tách bản thân khỏi môi trường và đi sâu vào thế giới bên trong. “Họ có vẻ như tự bảo vệ bản thân và đi vào thế giới nội tâm,” Sandal giải thích. “Và chúng ta cũng thấy hiện tượng này trong một nghiên cứu tình trạng cô độc ở Nam Cực.”
Tất nhiên, có nhiều khác biệt riêng tùy theo từng người, và người ta có thể vẫn ổn trong hoàn cảnh cực đoan. Đó cũng là điều mà dự án Hi-Seas và các nhà nghiên cứu khác đang tích cực làm sáng tỏ.
Các tiêu chuẩn chọn lựa cho các sứ mệnh không gian dài hạn sẽ rất nghiêm khắc, và quá trình huấn luyện trên Trái Đất có thể kéo dài nhiều năm.
Mặc dù vẫn có nhiều thách thức, các công ty về không gian vẫn không gặp trở ngại nào trong quá trình tìm kiếm người ứng tuyển cho nhiệm vụ đầu tiên đến Sao Hỏa.
Thậm chí các nhà nghiên cứu tiến hành nghiên cứu tình trạng sống hoàn toàn cô lập trên Trái Đất đã nhận được hàng trăm đơn ứng tuyển từ các tình nguyện viên, những người sẵn sàng nếm trải cảm giác như đang đi vào không gian trong một thời gian dài sẽ ra sao.
Các dự án phi chính phủ đang đánh cược vào việc đưa người thường lên Sao Hỏa. Chương trình không gian SpaceX của Elon Musk hi vọng gửi khách du lịch đến Hành Tinh Đỏ, trong khi dự án phi chính phủ của Hà Lan tên MarsOne dự định sẽ thiết lập căn cứ cố định của con người trên đó.
Còn với tôi, vào khoảnh khắc kết thúc hai ngày, tôi bước khỏi ngôi nhà với một sự trân trọng hoàn toàn mới dành cho không khí trong lành và thức ăn tươi. Tôi sẽ không đăng ký hành trình vào không gian nào nữa.
Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.