Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / BIỂN RỘNG HAI VAI

BIỂN RỘNG HAI VAI

Đọc “Biển Rộng Hai Vai”

….  🙂

Phô diễn vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu người mẹ, người mẹ của chính mình (và hầu như người mẹ nào cũng vậy thôi), tác giả đã dùng hình ảnh của một đại dương với các dòng sông để thể hiện tình mẫu tử dành cho con cái thật bao la, rộng lớn biết nhường nào: “Nhưng mà,  trong những ngày đó, mới thấm thía hết tất cả vẻ đẹp của những dòng suối khi chảy mãi về lòng đại dương. Và hình ảnh đại dương dang rộng vòng tay ôm hết những dòng suối vào lòng. Ngay cả những dòng suối đã trở thành sông, chia thành những sông con, lòng đại dương vẫn rộng mở. Bà mẹ thành bà ngoại, bà nội, chắt chiu cho con, rồi cho cháu.” (Biển Rộng Hai Vai, p. 153).

Tôi thích thú vô cùng khi đọc đoạn kết trong truyện “Biển Rộng Hai Vai”: “Trăng có khi già, gọi là trăng già, nhưng biển thì chẳng bao giờ già. Đâu có ai gọi là biển già. Biển rộng cả hai vai…” (p. 163). Trăng thì có khi già, nhưng biển thì không. Quả là một phát hiện thú vị và chí lý. Ôi, lòng mẹ bao la làm sao! Mẹ thì có thể già, nhưng lòng mẹ, tình mẹ thì giống như biển, không hề già.

Một trong những tình cảm nổi bật mà tác giả thể hiện trong tập truyện của mình làm tôi rất tâm đắc và cảm động, đó là tình cảm dành cho những linh hồn đồng bào Việt Nam thân yêu đang hư mất, cần đến sự cứu rỗi của Chúa Giê-su dành cho họ. Với những đồng bào Việt Nam chưa được cứu, trái tim của tác giả như luôn hướng về họ với những gì yêu thương nhất và luôn mong ước, khát khao họ sớm đến với Chúa Giê-su như mình để được sống trong bình an, hạnh phúc như mình đã hưởng. Hãy nghe những lời yêu thương ấy của tác giả: “Không có gì làm cho người ta hạnh phúc khi sống trong tình yêu. Bạn là ai, đang đau buồn vì mất mát tình cảm, người thân qua đời, bị phản bội, bị lừa dối, thiếu thốn, khó khăn, bệnh tật…, bạn đang ở trong hoàn cảnh nào mặc dầu, bạn có một người yêu, yêu bạn đến nỗi sẵn sàng chết cho bạn và trung thành với bạn cho đến giây phút cuối cùng. Dù mưa, dù nắng, dù băng giá, dù bão bùng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người ấy cũng ở ngay bên cạnh bạn. Bạn có biết điều ấy không? Bạn yêu dấu, bạn nên biết.” (Mùa Xuân Chắp Cánh Bay, p. 115).

Tôi đã từng nhiều lần có lời gọi mời thân hữu tiếp nhận Chúa trong những buổi truyền giảng tại nhà thờ, nhưng tôi vẫn rất ấn tượng khi đọc lời gọi mời thân hữu của tác giả như sau: “Tôi muốn mời bạn đến ngôi nhà ấy. Mỗi Chúa Nhật, hãy đến để gặp Đấng mà tôi đã gặp Sau Hơn Ba Mươi Năm Nằm Ngủ, Đấng đã thay đổi cuộc đời tôi, biến những nhọc nhằn thành niềm vui, những bất an thành sự an bình, đã yêu và sẽ mãi yêu. Đấng ấy sẽ làm những điều tương tự cho cuộc đời bạn như đã làm cho tôi, đến để sống những ngày phước hạnh trên đời.” (Ngôi Nhà Trong Mơ Ước, p. 25). Một lời mời gọi thật tha thiết, thật nhẹ nhàng, êm ái, nhưng đầy sức thuyết phục. Đúng là nhà văn mời có khác. Tạ ơn Chúa!

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết rằng: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người.” Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một quê hương để mà yêu thương, để mà nhung nhớ, và rồi ai trong chúng ta cũng có một cách khác nhau để thể hiện lòng yêu quê hương của mình. Tác giả BRHV có cách yêu quê hương thật độc đáo và chí lí làm sao, đó là đem tình yêu của Chúa Giê-su đến cho đồng bào Việt Nam thân yêu: “Tôi muốn nói với cháu tôi rằng bây giờ, tôi đã chọn cách yêu quê hương tôi khác hơn, không bằng cách tranh đấu, biểu tình… Tôi đi một con đường khác, con đường mà Chúa Giê-su ngày xưa đã đi… Tôi yêu dân tộc tôi và mơ thấy một ngày gặp những người đồng hương yêu dấu trên thiên đàng… Tôi sẽ đi ra… nhưng không để hô hào những khẩu hiệu chống đối, căm thù. Tôi đi ra để nói cho đồng bào tôi biết rằng “tình thương xóa bỏ hận thù” và chỉ có tình yêu thương vô bờ bến của Đức Chúa Trời mới có thể dập tắt những căm thù và đem chúng ta đến những bến bờ thật sự yêu thương, hàn gắn lại những đổ vỡ của đời sống.” (Ba Mươi Năm Viễn Xứ, p. 180). Tôi ưng chịu cách yêu quê hương nầy của tác giả. Có thể nó đây là cách yêu quê hương Việt Nam tốt nhất mà mỗi tín hữu Tin Lành cần thực hiện để góp phần làm cho dân tộc của chúng ta ngày một hạnh phúc hơn, đất nước của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn như những quốc gia Cơ Đốc giáo  trên thế giới. Tôi cũng đã, đang và sẽ tiếp tục học yêu quê hương Việt Nam bằng cách như Lữ Thành Kiến đã yêu.

Tình yêu thiên nhiên, cảnh vật cũng dạt dào trong BRHV. Có thi sĩ văn nhân nào mà không yêu thiên nhiên, cảnh vật, cỏ hoa đâu?


Nguyễn – Đình – Bùi – Thị   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn