Bài 28
“Ngài phán cùng ba người rằng: Linh hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức.” (Mác 14:34)
Hướng dẫn viên du lịch ở Giê-ru-sa-lem có thể chỉ cho bạn ba nơi khác nhau trên núi Ô-li-ve, là những nơi Chúa Jesus có thể đã cùng với các môn đồ Ngài ở đó. Chính xác là nơi nào? Điều này có quan trọng không? Chúng ta sẽ không chú tâm nhiều đến những địa điểm trên núi Ô-li-ve mà Chúa đã trải qua, nhưng tập chú của chúng ta sẽ là bài học thuộc linh ở đây. Vì vậy câu hỏi ý nghĩa sẽ là: Chúa Jesus đã làm gì ở đó, và điều này có ý nghĩa gì cho Hội thánh ngày hôm nay?
Hình ảnh đầu tiên là khu vườn. Vào thời điểm đó Chúa Jesus đang trên đường tới đồi Calvary để chết vì tội lỗi của nhân loại. Chúng ta nhớ rằng tội lỗi đầu tiên đã bước vào lịch sử loài người trong một khu vườn (Sáng. 3). Từ buổi bình minh, tổ phụ loài người được Chúa cung ứng mọi nhu cầu trong khu vườn đó, và họ vui hưởng phước hạnh của thiên đàng. Tất cả những gì họ phải làm là vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên A-đam đầu tiên đã không vâng lời Chúa – và hệ quả là ông mang sự chết vào trong thế giới. Nhưng A-đam sau cùng là Chúa Jesus đã “vâng phục Cha cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:8; 1 Côr. 15:45), và qua sự chết của Ngài chúng ta được ơn cứu rỗi. Chúa Jesus được chôn ở một ngôi mộ trong khu vườn, không cách xa lắm với nơi Ngài bị đóng đinh (Giăng 19:41-42).
Khu vườn nơi Chúa cầu nguyện được gọi là vườn Ghết-sê-ma-nê, có nghĩa là “dầu ép Ô-li-ve”. Điều này nói lên sự đau khổ (hay thương khó). Trái Ô-li-ve phải được đưa lên bàn ép, để cho ra dầu làm khoan khoái con người. Và đó là hình ảnh của Chúa Jesus. Trước khi lên thập tự giá, Ngài đã truyền bảo các môn đồ: “Linh hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết; các ngươi hãy ở đây, và tỉnh thức.” (Mác 14:34). Nhà bình luận Kinh Thánh Charles B. Williams nói rằng Thiên đàng là thành phố trong một khu vườn xinh đẹp, nhưng nếu Chúa Jesus không nếm trải Ghết-sê-ma-nê và đồi Gô-gô-tha, chúng ta sẽ không có lối để vào Thiên đàng.
Điều này dẫn chúng ta đến hình ảnh thứ hai – chén. Trong Kinh Thánh uống một chén có nghĩa là chấp nhận những gì đã được dành cho người đó. Đôi khi đó là cái chén phước hạnh, nhưng đôi khi nó lại là cái chén của sự đau khổ và đoán phạt. Cái chén mà Cha thiên thượng chuẩn bị cho Con Ngài là chén đau thương. Nhưng đối với những ai đặt lòng tin cậy nơi Chúa Jesus thì đó là chén phước hạnh của sự cứu rỗi. Chúa Jesus đã cầu nguyện: “A-ba, lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén nầy khỏi con; nhưng không theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn.” (Mác 14:36). Vấn đề là cái chén ở đây được tổng hợp bởi ý chỉ của Cha và sự sẵn sàng của Con khi Chúa Jesus tiếp nhận nó. Chúa Jesus biết những lời tiên tri này chỉ về Ngài: “Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì.” (Ê-sai 53:3). Trong chức vụ trên đất, Chúa Jesus đã trải nghiệm niềm vui (Lu-ca 10:21), nhưng Ngài phải chịu thương khó khi bị bắt bớ và trải qua 6 giờ đau đớn thảm khốc trên cây thập tự. Ngài không chỉ nếm trải sự đau khổ nhưng Ngài còn mang nó lên thập tự giá. “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ.” (Ê-sai 53:4). Chúng ta phải hiểu rằng bất cứ chén đau thương nào mà chúng ta uống, thì Chúa Jesus đã từng uống. Nhờ đó Ngài có thể ban cho chúng ta ân điển đúng thời điểm chúng ta cần. Và rồi chúng ta có thể đi từ đau thương đến phước hạnh, từ thập tự giá sỉ nhục đến mão miện vinh quang. Lời hứa của Chúa là: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33). Môn đồ thật là những người “ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có; ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!” (2 Côr. 6:10).
Hình ảnh thứ ba trong câu chuyện này là ngủ. Chúa Jesus đem theo với Ngài ba khuôn mặt sáng giá: Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng để cùng cầu nguyện và khích lệ Ngài, nhưng thay vì vậy ba vị sứ đồ đã ngủ! Ngủ trong Kinh thánh hàm ý đến tính thờ ơ thuộc linh. “Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và dè giữ.” (1 Tês. 5:6). Và “Hãy ăn ở như vậy, vì biết thời kỳ đương lúc chúng ta đây: Giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến, bởi sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin.” (Rôm. 13:11). Có một nhu cầu cho Hội thánh ngày nay là phải cảnh giác và thức canh cầu nguyện. Chúng ta cần được đổ đầy Đức Thánh Linh để tập chú vào “sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo.” (Công. 6:4). Chúa Jesus đang thực hiện chức vụ cầu thay trên thiên đàng, còn chúng ta thì đang ngủ dưới đất này?
“Vậy, các ngươi hãy thức canh, vì không biết chủ nhà về lúc nào, hoặc chiều tối, nửa đêm, lúc gà gáy, hay là sớm mai, e cho người về thình lình, gặp các ngươi ngủ chăng.” (Mác 13:35-36)
Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi