Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / GIÃ TỪ MÀU ÁO SINH VIÊN

GIÃ TỪ MÀU ÁO SINH VIÊN

quy

Trần Văn Thanh là sinh viên khoa Toán của Đại học Sư phạm Qui Nhơn trong những năm 1980. Trước đó Thanh đã từng sử dụng bùa Năm Ông (một loại ma thuật) để luyện võ lúc nửa đêm, nhưng sau những trải nghiệm mới mẻ về Chúa Jesus, cậu sinh viên này đã thay đổi tất cả.

Trong vòng một tuần Thanh đã đọc hết quyển Tân Ước của Hội Ghi-đê-ôn và sau đó anh nghiền ngẫm quyển “Nếp Sống Bình Thường Của Cơ Đốc Nhân” được Mục sư Watchman Nee viết.

Thanh đã sẵn sàng để trở thành chứng nhân cho Chúa Jesus tại ngôi trường mình đang học.

Cùng lúc đó Nguyễn Anh Hưng, sinh viên khoa Văn, học cùng Trường với Thanh cũng trở lại tin Chúa sau những năm tháng lang thang bên ngoài thánh đường. Dường như có một sự chuyển động nào đó của Thánh Linh tại thành phố biển hiền hòa này!

Hai chàng sinh viên tuổi đôi mươi này gặp nhau ở Đại học Sư phạm thật là “ý hợp tâm đầu.”

Thanh và Hưng bắt đầu đi nhà thờ Tin lành ở số 71 Hai Bà Trưng, Qui Nhơn. Trở về lại Ký túc xá của Trường Đại học, hai sinh viên này đã tổ chức những buổi nhóm học Kinh Thánh cùng với các sinh viên khác của Trường. Điều này trái với nội qui ở đây, và nếu bị phát hiện thì chắc chắn sẽ bị kỷ luật. Thanh trở thành thầy dạy Kinh Thánh cho các bạn học của mình. Bên cạnh đó Hưng bổ túc thêm những sự dạy dỗ khác trong Lời Chúa.

Nô-ên năm 1983 các sinh viên Cơ đốc của Trường trốn ra khỏi Ký túc xá để dự Lễ Giáng Sinh chung với Hội Thánh thành phố Qui Nhơn. Hành động liều lĩnh này được xem như  “chịu đấm ăn xôi”. Vì chắc chắn các thầy giám thị của Khu Ký túc xá sinh viên sẽ điểm mặt những sinh viên nào dám đi ra ngoài dự Lễ Giáng Sinh. Vào thời điểm đó  việc này là trái nội qui của Trường.

Điều gì đến rồi cũng đến. Thanh và Hưng bị phát hiện là những sinh viên trốn ra khỏi khu Ký túc xá trong đêm Giáng sinh và dám truyền bá đạo Tin Lành trong môi trường Sư phạm. Hai sinh viên này được mời lên phòng tổ chức của Đại học Sư phạm để giải trình về điều này.

Một viên chức của Trường phụ trách công tác sinh viên nói chuyện với Thanh và Hưng:

– Các em biết đấy, nội qui của Trường là không được sinh hoạt tôn giáo trong Khu Ký Túc Xá sinh viên. Các em không được phép truyền bá đạo Tin Lành, không được phép cộng tác với nhà thờ bên ngoài để làm các công tác của họ. Còn nếu các em cứ tiếp tục như thế, thì tốt nhất là nên viết đơn xin nghỉ học để tránh bị xử lý kỷ luật từ phía nhà trường. Các em có một tuần để suy nghĩ về việc làm của mình. Sau đó các em phải có câu trả lời cho Phòng quản lý sinh viên.

Có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời đi học của Thanh và Hưng. Nếu viết đơn xin nghỉ học thì tương lai sẽ ra sao? Điều gì đang chờ đợi phía trước? Và những người thân yêu trong gia đình sẽ nghĩ gì?

Buổi tối thứ bảy trong tuần đó, như thường lệ Thanh và Hưng đi dự buổi nhóm học Kinh Thánh của Ban thanh niên Hội Thánh Qui Nhơn. Trong giờ tôn vinh Chúa, một cô giáo Anh văn trẻ tuổi đứng lên hát bài Thánh Ca “Chim sẻ mắt Chúa vẫn chú vào, còn tôi Jesus bỏ sao?” Lời bài hát quá hay được thể hiện bằng một chất giọng Đà lạt truyền cảm  đã tác  động vào suy nghĩ của hai sinh viên này. Và cuối cùng họ đã đi đến một sự chọn lựa  khó khăn: viết đơn xin nghỉ học để có thể tiếp tục với sự kêu gọi thiêng liêng từ Chúa.

Vậy là Thanh và Hưng giã từ khung trời Đại học với biết bao nhiêu mơ ước của tuổi học trò. Nhớ ngày nào  nộp đơn thi vào Trường Đại học, có ai đó đã nói thế này:

“Cổng trường Đại học cao vời vợi

Mười thằng mơ ước chín thằng rơi.”

Hai người bạn trẻ đã vào được cổng trường Đại học, nhưng cuộc sống trớ trêu, họ phải chia tay với giảng đường là điều ngoài mong đợi.

Thế là bây giờ sau gần bốn năm mài đũng quần ở giảng đường, Thanh và Hưng buồn bã khăn gói trở về quê với một tương lai vô định.

Không ai có thể dự đoán được điều gì xảy ra cho cuộc đời của Thanh và Hưng. Lúc bắt đầu con đường đức tin, hai sinh viên này dường như cộng hưởng với nhau, hai trái tim cùng chung một tần số. Nhưng rồi với những đổi thay và cạm bẫy của cuộc sống, liệu hai chàng trẻ tuổi này có giữ được đức tin nơi Chúa hay không?

Thanh trở về Tuy Hòa, Hưng về Đà Nẵng. Hai người bạn này không còn có cơ hội gặp nhau nữa, nhưng vẫn tìm mọi cách để biết tin tức của nhau.

cay-cau-chu-y-doc-dao-nhat-sai-gon-chinh-thuc-khanh-thanh

Mười ba năm sau đó, Thanh và Hưng lại gặp nhau trong một khóa huấn luyện Kinh Thánh của Liên Đoàn Truyền Giáo Phúc Âm tại chân Cầu chữ Y, Quận 5 Sài Gòn. Hai người bạn hồ hởi chào hỏi nhau:

– Trái đất tròn thật, bây giờ chúng mình lại gặp nhau tại khóa huấn luyện Kinh Thánh này. Thanh nói.

– Chúa rất nhân từ với tôi. Sau khi rời khỏi Trường Đại Học tôi làm đủ nghề để kiếm sống. Cái nghề đơn giản nhất là làm “dân biểu”. Dân biểu sao thì làm vậy, có lúc thì bổ củi, có lúc dạy kèm. Nhưng nhiều nhất là chạy xe đạp thồ: “Nè, cậu kia chở tôi đến chỗ này, chỗ kia”… Nhưng rồi cuối cùng không có  cái nghề nào cao quí hơn là phục vụ Chúa. Bây giờ tôi đi học lớp Kinh Thánh “Cây Gậy Người Chăn Bầy”để  về chăn một bầy nhỏ ở Đà Nẵng. Mình hầu việc Chúa, Chúa lo chu cấp mọi nhu cầu. Tôi đang bước đi bởi đức tin.” Hưng bắt đầu câu chuyện của mình.

Thật là kỳ lạ! Hai cuộc đời, hai số phận sao mà giống nhau đến thế.

Hưng hỏi Thanh:

– Còn anh thì sao? Mười ba năm qua anh đã sống như thế nào?

– Tôi cũng không khác gì anh, trở về nhà thì bị gia đình từ bỏ. Vì gia đình tôi chưa có ai tin Chúa cả. Thế là tôi lang thang, bụi đời đường phố. Hôm nay ở Tuy Hòa, ngày mai về Nha Trang, cũng làm cửu vạn để sống – không khác gì anh. Dầu vậy tôi thường xuyên có mặt ở nhà thờ, tham gia hầu việc Chúa chung với Ban Thanh Niên. Và bây giờ tôi có mặt ở đây để được huấn luyện về Thần học và mục vụ, sẵn sàng cho mùa gặt sắp tới.

Một chút suy tư trên khuôn mặt của Hưng:

– Làm  sao anh có thể sống sót được sau khi bị gia đình từ bỏ? Vào thời điểm đó Chúa phán gì với anh?

Thanh từ tốn trả lời:

– Câu trả lời của tôi có vẻ giống như một truyện dài nhiều tập. Nhưng đại khái  là như thế này: Tôi bị gia đình từ bỏ, nhưng Lời Chúa phán êm dịu nhỏ nhẹ với tôi trong tâm trí: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ  tiếp nhận tôi.”(Thi thiên 27:10). Được Chúa tiếp nhận – đối với tôi thế là đủ. Tôi còn ao ước gì hơn nữa! Anh chắc nhớ bài hát “Làm Con Vua Thánh Trên Trời”? Tôi vẫn hát bài này mỗi ngày để tự nhắc nhở mình. Phải bước đi trong gian truân đủ điều, nhưng lạ lùng thay trong lòng tôi Phúc Âm vẫn  luôn chiếu sáng. Những gì tôi đã học từ Kinh Thánh  tiếp tục nẩy mầm, phát triển trong tâm hồn tôi, và tôi đã có một sự chọn lựa: Hầu việc Chúa phải là mục đích của  đời sống tôi.

Hưng tiếp tục với một câu  hỏi khác:

– Anh có hối tiếc về quyết định trước đây là đã viết đơn xin nghỉ học?

– Cũng có lúc trong lòng tôi có sự nuối tiếc đó, nhưng chỉ thoáng qua thôi. Ngày tôi viết đơn xin nghỉ học, thầy chủ nhiệm Khoa đã nói những lời này  với tôi: “Thầy rất tiếc phải để cho em ra đi khỏi Trường Đại học, vì  em là một sinh viên có tiềm năng – giỏi hơn những sinh viên khác. Nhưng đây là sự lựa chọn của em. Đối với em thì chúng tôi và ngôi trường này chỉ là ảo ảnh, chỉ có niềm tin của em là thực. Thôi thì tôi chúc cho em đi trọn con đường của em. Mỗi một con người điều có lý tưởng của riêng mình. Tôi thấy tiếc cho em, nhưng tôi không thể làm gì khác hơn được để giúp đỡ em…” Ông thầy giáo khả kính đã nói chuyện với tôi đại ý như vậy. Anh biết đấy, Lời Chúa dạy rằng: “Ai đã tra tay cầm cày nhưng còn ngó lại đằng sau thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời.”(Lu-ca 9:62). Tôi được thách thức từ những lời đó và rồi tôi bước đi tới trước mà không biết điều chi sẽ chờ đợi mình. Nhưng trong lòng tôi tin chắc một điều: Nhiều thánh đồ trong các thời đại đã chọn con đường này, tôi chỉ đi theo  dấu chân của họ  và tin cậy nơi lời hứa của Chúa: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin Lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng,  mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau.” (Mác 10:39-30). Có thể ngày hôm nay tôi chưa nhận lãnh điều Chúa đã hứa cho mình. Nhưng Lời Ngài là chân thật và thành tín, tôi không cảm thấy khó khăn khi tin cậy Lời của Ngài. Gần đây tôi nghe một bài giảng về Ru-tơ, tôi nhận ra Ru-tơ đã có một  sự chọn lựa khó khăn trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Có lẽ chúng mình cũng giống như Ru-tơ thời ấy: Mặc dù không biết trước tương lai nhưng vẫn xác định chọn lựa Chúa Jesus là con đường sống duy nhất của mình.

Đôi bạn trẻ thời sinh viên có chung một tần số cộng hưởng đức tin, và bây giờ sau một thời gian dài xa cách gặp lại họ vẫn như thế. Cả hai người, Thanh và Hưng trở thành những nhân sự hầu việc Chúa bán thời gian. Họ vẫn phải lo với những việc kinh tế gia đình nhưng điều ưu tiên trong cuộc đời của họ là sử dụng mọi cơ hội để phục vụ Chúa và rao giảng Phúc Âm của Ngài.

Kết thúc khóa học “Cây Gậy Người Chăn Bầy” Thanh và Hưng lại trở về với đời sống thường nhật của mình. Những con người bình thường này tiếp tục lớn lên trong ân điển Chúa bất chấp những thách thức từ cuộc sống. Đời sống đức tin của họ cũng đã khích lệ được nhiều tín hữu khác vững vàng theo Chúa cho dù đôi lúc phải chấp nhận trả một giá cao cho niềm tin của mình.

TƯỜNG VI 

 

Bài đã được đăng tại:
https://www.thuvientinlanh.org/gia-tu-mau-ao-sinh-vien/ 

http://songdaoonline.com/e1933-gia-tu-mau-ao-sinh-vien-tuong-vi-bai-chon-dang-so-99-.html   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn