MỘT SỐ NHẬN BIẾT THỰC TIỄN
1. Khi nào thì phụ nữ có thể công bố lời Chúa?
Phụ nữ có thể công bố lời Chúa bất cứ lúc nào tại bất cứ nơi đâu, ngoại trừ khi Hội Thánh nhóm nhau lại để thờ phượng. Tân Ước cho một số ví dụ về Mary và An-ne công bố lẽ thật (Lu-ca 1:46-55; 2:36-38).
2. Trong buổi học Kinh Thánh, một phụ nữ có thể chia sẻ những gì họ học được không?
Có, trong bối cảnh thích hợp thì không có gì sai khi phụ nữ chia sẻ những gì Đức Thánh Linh đã dạy từ lời Chúa.
3. Phụ nữ có thể cầu nguyện nơi công cộng không?
Có, phụ nữ có thể cầu nguyện nơi công cộng. Công Vụ 1:13-14 mô tả một buổi nhóm cầu nguyện nơi các môn đồ của Chúa Giê-su cũng như một số phụ nữ có mặt. Có một thời điểm và nơi chốn hoàn toàn thích hợp để phụ nữ cầu nguyện nơi công cộng.
Khi Phao-lô viết trong 1 Ti-mô-thê 2:11, “Phụ nữ phải yên lặng mà nghe dạy”, ông có ý rằng phụ nữ không được dạy dỗ trong suốt buổi nhóm chính thức của Hội Thánh. Trách nhiệm của người giảng đạo, giáo sư, hay người hướng dẫn cầu nguyện trong buổi nhóm là vai trò dành cho nam giới.
Phụ nữ phải ngưng tin vào lời nói dối của ma quỷ rằng vai trò duy nhất có ý nghĩa là vai trò lãnh đạo. Người ta thường khao khát những địa vị cao – chứ không phải phục vụ người khác cách khiêm nhường, nhưng để tôn lên bản ngã của mình và đạt uy quyền kiểm soát. Tuy nhiên, lãnh đạo mang một gánh nặng và trách nhiệm, và vai trò phụ tá thường có sự bình an và hạnh phúc lớn hơn. Phụ tá không phải là một sự trừng phạt, mà là một đặc ân.
Ôn lại:
1. Thành Ê-phê-sô chịu ảnh hưởng bởi văn hóa và tín ngưỡng.
2. Đúng hoặc sai: Phụ nữ vui hưởng một sự tự do cá nhân lớn trong xã hội Hi-lạp, thường đóng vai trò tích cực trong những buổi hội họp công cộng.
3. Hai điểm mà Phao-lô nêu trong 1 Ti-mô-thê 2:11 về vai trò của phụ nữ trong Hội Thánh?
4. Đúng hoặc sai: Phao-lô bảo rằng phụ nữ phải giữ im lặng trong Hội Thánh có nghĩa là một phụ nữ không được nói chuyện trong bất cứ tình huống nào.
5. Lý do phụ nữ không được giảng dạy trong Hội Thánh là gì?
6. Hãy mô tả sự ảnh hưởng của tôn giáo Delphic đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.
7. Phao-lô đã hướng dẫn người Cô-rinh-tô sửa chữa những nan đề trong Hội Thánh như thế nào?
8. Tại sao người nam trong hội thánh Cô-rinh-tô cầu nguyện mà trùm đầu là sai?
9. 1 cô-rinh-tô 11:5 có dạy rằng phụ nữ có thể công bố lời Chúa trong buổi nhóm của Hội Thánh không? Hãy chứng minh.
10. Tại sao việc phụ nữ khước từ vai trò Chúa ban cho trong gia đình và xã hội lại là vấn đề nghiêm trọng như vậy?
Suy ngẫm
1. Một số phụ nữ trong Hội Thánh Ê-phê-sô và Cô-rinh-tô đã quan tâm nhiều đến quyền lợi của họ hơn là trách nhiệm với Chúa và Hội Thánh. Còn bạn thì sao? Bạn tập trung vào nhận hay cho? Bạn thường đòi hỏi quyền lợi cho mình hay hoàn thành nhiệm vụ của bạn? Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đến không phải để “được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mat. 25:28). Nếu sự tập trung của bạn từ từ thay đổi từ việc phục vụ nhu cầu người khác qua việc tìm kiếm quyền lợi riêng của mình thì bạn có thể trở lại tình trạng ban đầu bằng việc ghi nhớ Phi-líp 2:3-4.
2. Chúng ta đã học trong chương này rằng cả nam lẫn nữ đều có thể (dưới mọi tình huống) chia sẻ lẽ thật của Chúa. Bạn có thường tìm dịp để chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với bạn bè, hàng xóm, vợ hoặc chồng hay con cái bạn không? Để truyền thông những lẽ thật của Kinh Thánh thì bản thân chúng ta phải học những lẽ thật đó trước. Điều đó đòi hỏi sự học tập liên tục. Nếu bạn không đang học lời Chúa cách thường xuyên, hãy thực hiện một cam kết với Chúa để bắt đầu ngay hôm nay.
4. Sự Kêu Gọi Cao cả Của Chúa Dành Cho Người Nữ
1Ti-mô-thê 2:12-15
Khi Phao-lô tập họp những trưởng lão Ê-phê-sô tại Mi-lê trong Công-vụ 20:17, và sau đó thảo luận với họ những ưu tiên của mục vụ, ông kết thúc buổi thảo luận với một phần cảnh báo. Phần đó bày tỏ những nỗi sợ sâu xa nhất của ông đối với hội chúng đó. Bắt đầu câu 29 Phao-lô nói rằng:
“Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu; lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ. Vậy, hãy tỉnh thức nhớ lại rằng trong ba năm hằng đêm và ngày, tôi hằng chảy nước mắt ra mà khuyên bảo cho mọi người luôn. Bây giờ tôi giao phó anh em cho Đức Chúa Trời và cho đạo của ơn Ngài, là giao phó cho Đấng có thể gây dựng và ban gia tài cho anh em chung với hết thảy những người được nên thánh.” (c. 29-32)
Phao-lô bày tỏ mối lo sợ lớn rằng các giáo sư giả sẽ dấy lên giữa vòng Hội thánh và bên ngoài Hội Thánh. Hội thánh tại Ê-phê-sô có một khởi đầu thật lớn lao và tuyệt vời. Hội Thánh ra đời bởi một cơn phấn hưng lớn. Hội Thánh thoát ra khỏi chủ nghĩa ngoại giáo với sự rõ ràng về mục đích và ý định trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Tuy vậy Phao-lô biết chắc chắn rằng dù khởi đầu có tốt đi nữa, dù là chức vụ ba năm của bản thân ông ở đó có ảnh hưởng tốt mấy đi nữa, thì rõ ràng là kẻ thù sẽ bắt đầu tấn công Hội Thánh bằng cách đưa vào những giáo sư giả và những lãnh đạo không tin kính để làm yếu đi sự ảnh hưởng của Hội Thánh. Chắc chắn, nỗi sợ tồi tệ nhất của Phao-lô đã thành hiện thực. Vào thời điểm ông kết thúc lần ở tù đầu tiên tại La-mã, ông gặp Ti-mô-thê tại Ê-phê-sô, và được biết rằng Hội Thánh trong trái tim ông – Hội Thánh mà đã lấy đi rất nhiều năm trong mục vụ khá ngắn ngủi của ông, Hội Thánh mà ông yêu cách sâu sắc, và cầu thay thường xuyên đó đã trở thành mồi cho những giáo sư giả ủng hộ lối sống không tin kính.
Nên khi ông và Ti-mô-thê gặp nhau tại đó, Phao-lô loại ra khỏi Hội Thánh hai lãnh đạo chủ chốt nhất được nêu tên trong 1 Ti-mô-thê 1:20 – Hy-mê-nê và A-léc-xan-đờ-ri-a. Họ bị “phó cho ma quỷ”. Ý nói rằng chính bản thân Phao-lô đã xử lý với họ. Sau đó ông phải tiếp tục di chuyển về phía tây Hi-lạp, để lại Ti-mô-thê tại Ê-phê-sô để dàn xếp mọi sự còn lại cho ổn thỏa. Bạn sẽ lưu ý trong chương 3:15 một chìa khóa cho cả thư tín. Phao-lô nói: “nhưng viết thơ nầy, phòng ta có chậm đến, thì con biết làm thể nào trong nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật vậy.” Nói cách khác, “Ta viết thư này để con biết cách ứng xử trong Hội Thánh và con có thể làm bất cứ điều gì cần thiết và truyền lại cho dân sự những gì họ cần nghe.”
Nan đề chính trong Hội Thánh Ê-phê-sô là lãnh đạo giả mạo. Bắt đầu chương 3 và xuyên suốt đến cuối thư tín, luôn nhắc đến những lãnh đạo giả mạo này. Một số đoạn viết về vấn đề này nhiều hơn phân đoạn khác, nhưng chủ đề đan xen suốt đoạn 1 Ti-mô-thê 3-6 chủ yếu nói về các lãnh đạo không tin kính. Cả sách là một cuộc bút chiến chống lại lãnh đạo giả mạo đã dấy lên giữa Hội Thánh tại Ê-phê-sô.
Những lãnh đạo giả mạo này đem vào trong Hội Thánh rất nhiều hành trang. Sự không tin kính của họ lộ ra theo nhiều cách, gồm cả vấn đề về vai trò của phụ nữ trong Hội Thánh. Rõ ràng rằng tại Ê-phê-sô có một số phụ nữ khao khát nắm lấy vị trí của một giáo sư chính thức và chiếm lấy quyền lãnh đạo từ những người nam.
Có thể lắm dù chúng ta không biết chắc chắn rằng một số giáo sư giả không chỉ binh vực một vai trò không phù hợp Kinh Thánh của phụ nữ mà chính họ cũng là nữ. Đó là lý do vì sao Phao-lô trong chương 3 đưa ra những phẩm chất của một trưởng lão là những phẩm chất đặc trưng của nam giới, như là chồng của một vợ và người nam biết cách cai quản nhà riêng mình. Nên Phao-lô phải xử lý đặc biệt đối với vai trò phụ nữ trong Hội Thánh trước khi ông nêu ra vấn đề lãnh đạo giả trong đoạn 3. Từ câu 9-15, Phao-lô đã cho chúng ta 6 yếu tố của sự hướng dẫn rất quan trọng này.
Bạn sẽ nhớ rằng điều đầu tiên Phao-lô nói đến là vẻ bề ngoài của phụ nữ – vẻ bề ngoài nào họ nên có trong Hội Thánh? Câu 9 nói rằng phụ nữ phải che mình, ăn mặc gọn gang. Nói cách khác, họ phải xuất hiện theo cách bày tỏ tình yêu dành cho Chúa, tôn kính sự thánh khiết của Ngài, và với thái độ nghiêm túc khi thờ phượng. Phần sau của câu ý nói rằng họ không được bị choáng ngợp bởi trang sức bề ngoài. Họ không được phô trương sự giàu có của mình. Ông nhắc đến “tóc gióc” (hay tết bện) với vàng và châu báu, một văn hóa phổ biến của thời đó khi mà phụ nữ đeo đầy từ cổ tới đất để khoe khoang sự giàu có bằng kiểu tóc của mình. Họ sẽ đeo vàng và châu ngọc và cài lược mai rùa lên tóc mình.
Điều Phao-lô nói ở đây đó là những thói quen này không nên có trong Hội Thánh. Phụ nữ có xu hướng bị choáng ngợp bởi trang sức bề ngoài chỉ bày tỏ nhục dục trong lòng họ – ăn mặc để phô trương sự giàu có mình, để quyến rũ người nam và khao khát tình dục, và biểu lộ một tinh thần ngỗ nghịch đối với chồng. Những điều này là cấm kỵ đối với phụ nữ đến để thờ phượng Chúa.
Thứ hai, như chúng ta đã thấy trước đó, Phao-lô nói về thái độ người nữ. Ở giữa câu 9, chúng ta được biết rằng thái độ của họ là phải nết na và đức hạnh. “Đức hạnh” đến từ một từ gốc có nghĩa là họ có cảm giác hổ thẹn. Nói cách khác, phụ nữ nên xấu hổ vì khiến ai đó phân tâm khỏi sự thờ phượng và vinh hiển của Chúa. Họ phải có một nhận thức đúng đắn về sự xấu hổ dẫn đến sự khiêm tốn. “Nết na” nói đến việc có khả năng kiểm soát khát khao và ham muốn. Phụ nữ phải bày tỏ mình có lòng khiêm nhượng và hạ mình, chứng tỏ sự tự chủ hoàn toàn trên khát khao của mình và xuất hiện theo cách thu hút sự chú ý đến với sự tin kính và đức hạnh của họ.
Thứ ba, trong câu 10, chúng ta thảo luận về lời chứng của người nữ. Nếu họ công bố sự tin kính thì họ nên củng cố lời công bố đó với những việc lành. Để công việc lành của họ có thể chứng minh cho lời tuyên xưng tin kính mà họ có.
Điều đó dẫn chúng ta đến với điều thứ tư, đến với vai trò người nữ trong câu 11 và 12. Đây thật sự là trọng tâm điều chúng ta đang xem xét – chức năng của họ trong Hội Thánh. Điều đầu tiên chúng ta chú ý đến trong câu 11 đó là điều vị sứ đồ nói “Đàn bà phải yên lặng mà nghe…” Chúng ta nhận thấy rằng từ văn hóa Do Thái đương thời và ngoại bang, phụ nữ bị đặt trong tầng lớp thứ hai và thân phận của họ có lẽ là ở thân phận của một người đầy tớ, trong một số trường hợp thậm chí là thân phận của thú vật. Trong tâm trí người Do Thái lúc bấy giờ thì rất ít quan tâm rằng phụ nữ có học hành gì hay không vì họ thật sự không phải là một phần của phần đông người có học. Đó là phần của nam giới, và nam giới có trách nhiệm truyền lại lẽ thật. Không can hệ gì tới họ nếu phụ nữ có đến nhà hội hay những buổi tiệc hay lễ hội hay không.
Thái độ đối với việc giáo dục của phụ nữ trong văn hóa Hi-lạp cũng tương tự. Nên tương phản với tất cả những nền văn hóa đó, Phao-lô nói rằng: “Đàn bà phải yên lặng mà nghe dạy”, khẳng định với chúng ta về: sự bình đẳng, đặc ân thuộc linh, quyền lợi thuộc linh, các phước hạnh, và những lời hứa cho nam và nữ. Và như Ga-la-ti 3:28 nói, trong Đấng Christ, “không còn đàn ông hoặc đàn bà.” Nhưng nói về vai trò, Phao-lô xác định tính chất việc học của họ mà nói rằng: “yên lặng mà vâng phục mọi đàng”, và điều đó định nghĩa vai trò của người nữ.
Trong chương này, chúng ta tiếp tục với câu 12 trong việc nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong việc dạy dỗ trong Hội Thánh.
(Còn nữa)
John MacArthur
Translated by Van Pham