Họ Phải Yên Lặng Mà Nghe Dạy
(câu 11a, xem 1 Cô 14:34)
“Phụ nữ phải yên lặng mà nghe dạy.”
1 Cô-rinh-tô 14:34 lặp lại tư tưởng của 1 Ti-mô-thê 2:11. Phao-lô viết: “đàn bà phải nín lặng trong đám hội của anh em: họ không có phép nói tại nơi đó, nhưng phải phục tùng cũng như luật pháp dạy.”
“Hãy” (epitrepo) luôn được dùng trong Tân Ước để nói đến việc cho phép ai đó làm điều họ muốn. Sự lựa chọn từ ngữ của Phao-lô có thể hàm ý rằng một số phụ nữ tại Ê-phê-sô mong muốn trở thành diễn giả công khai – và vì vậy mà có quyền trên hội chúng – như trong Hội Thánh ngày nay. Tuy nhiên, Phao-lô đang nói trên cương vị một sứ đồ chính thức của Chúa Giê-su Christ, không cho phép điều đó. Vai trò trưởng lão, truyền đạo, hay mục sư, giáo sư chỉ dành cho nam giới mà thôi.
Lý do phụ nữ không được phép giảng trong hội thánh không có liên quan gì đến kết cấu tâm lý hay khả năng tư duy của họ. Những người khẳng định rằng sự lệ thuộc và sự bình đẳng khai trừ nhau nên nhận biết tốt hơn về mối quan hệ của Đấng Christ đối với Đức Chúa Cha. Trong khi còn trên đất, Chúa Giê-su đóng vai trò lệ thuộc, nhưng Ngài không hề thấp kém hơn. 1 Cô-rinh-tô 11:3 viết: “Dầu vậy, tôi muốn anh em biết Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn ông là đầu người đàn bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ.”
Câu cuối trong 1 Cô-rinh-tô 14 ý nói sự yên lặng mà Phao-lô ra lệnh hoàn toàn không có ý ngăn ngừa không cho phụ nữ nói chuyện, mà là ngăn họ nói tiếng lạ và tiên tri trong Hội Thánh. Bối cảnh văn hóa của khu vực giúp ích trong việc soi sáng cho sự dạy dỗ này.
Thành Delphi nằm trong ngang vịnh Cô-rinh-tô, là nơi cư ngự của một tôn giáo hàng đầu bởi một người nữ được biết đến với cái tên Pythia, hoặc tiên tri của Delphi. Để được chính thức công nhận là nữ tu trong tôn giáo này, một phụ nữ phải là một gái đồng trinh trẻ tuổi. Sau này, phụ nữ có chồng trên 50 tuổi cũng được chọn lựa, nhưng họ phải ăn mặc như những người hầu. Mỗi nữ tu là một đồng bóng liên hệ với các tà linh.
Một người nam muốn cầu vấn tiên tri (không có người nữ nào được phép cầu vấn) thì dâng một con thú trong khi một vài nữ tu chấm điểm. Nếu họ được chọn, người nam sẽ được vào nơi điện thờ bên trong. Sau khi vào, người này sẽ viết xuống nhu cầu của mình trên một tấm bảng (các nhà khảo cổ đã khai quật được khu vực điện thờ và tìm thấy một số bảng đó vẫn còn nguyên vẹn), có lẽ sau đó sẽ được đọc cho Pythia. Thần Pythia ngồi trên một tháp ba chân, nghe nói là nằm trên một vực sâu có hơi bốc lên một cách huyền bí từ dưới đất. Trước khi ngồi xuống, bà uống nước từ dòng nước được gọi là Kassotis và ăn lá cây nguyệt quế thánh. Để đáp lại những gì được viết trong tấm bảng, bà thốt ra những tiếng rời rạc được dịch lại (thường trong những câu thơ sáu âm trọn vẹn) bởi một tiên tri nam đang đứng cạnh bên. Lời dịch, thường là mơ hồ và đa dạng, thường khiến người cầu vấn hoang mang hơn trước khi ông ta đến hỏi.
Những sinh hoạt của người ngoại có ảnh hưởng tiêu cực đến Hội Thánh tại thành Cô-rinh-tô. Một số người đến trong một buổi nhóm của người Cô-rinh-tô và thốt ra những câu nói huyền bí tương tự, cho là từ năng quyền Đức Thánh Linh. Điều đó dẫn đến sự hỗn độn trong Hội Thánh Cô-rinh-tô. Ân tứ thật về nói tiếng mới và tiên tri trở nên rối ren vì những hình thức giả dạng quỉ quái.
Tại Cô-rinh-tô cũng như tại thành Ê-phê-sô, phụ nữ khoe khoang bản năng tình dục của họ. Có lẽ bị ảnh hưởng bởi tôn giáo Delphic, họ tìm kiếm địa vị cao trong Hội Thánh Cô-rinh-tô bằng cách lạm dụng những ân tứ nói tiếng mới và nói tiên tri.
Phản ứng lại với nan đề trên, Phao-lô viết: “Hỡi anh em, nên nói thể nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói tiếng lạ, hoặc giải tiếng lạ chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng”(1 Cô-rinh-tô 14:26). Phao-lô tiếp tục nói rằng không quá hai hoặc ba người nói tiếng mới và không bao giờ không có người diễn giải ở đó. Chỉ có hai hoặc ba tiên tri nói tiên tri, và những người khác thì đánh giá xem đó có phải là lẽ thật hay không (c. 27-29). Quan điểm của Phao-lô rằng Chúa không phải là Đấng tạo ra sự rối loạn (c.33). Cuối cùng ông hướng dẫn phụ nữ giữ im lặng (c.34). Họ không được nói tiếng mới hay tiên tri trong buổi nhóm chung của Hội Thánh.
Trước hết, 1 Ti-mô-thê 2:11-12 và 1 Cô-rinh-tô 14: 34-35 cho chúng ta biết rằng khi Hội Thánh nhóm lại phụ nữ không được nói tiếng mới, nói tiên tri, hay dạy lời Chúa. Khi nhóm nhau lại thì người nam được chỉ định sẽ dạy lời Chúa.
Tuy nhiên, đó không có nghĩa là phụ nữ không bao giờ được chia sẻ lời Chúa. Chúa dùng những người nữ như Mi-ri-am (Xuất 15:20-21), Đê-bô-ra (Các quan xét 4:4), Hun-đai (2 Các Vua 22:14-22) và An-ne (Lu-ca 2:36-38) để phát ngôn cho Ngài. Phao-lô nói với nhiều Hội Thánh và nhà hội suốt các hành trình truyền giáo của ông, trả lời thắc mắc cho cà nam lẫn nữ (Công 17:2-4). Tôi tin có thời điểm và nơi chốn cho phụ nữ để công khai dâng lời ngợi khen Chúa. Tôi không tin rằng Phao-lô có ý rằng phụ nữ không bao giờ được hầu việc trong khả năng này. Nhưng ông cấm phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trong Hội Thánh.
Họ Phải Vâng Phục Mọi Đàng
(C 11b, 1 Cô-rinh-tô 11:3)
“Đàn bà phải yên lặng mà nghe dạy,… lại phải vâng phục mọi đàng.”
Trong 1 Cô-rinh-tô 11:3 Phao-lô viết: “Dầu vậy, tôi muốn anh em biết Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn ông là đầu người đàn bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ.” Câu đó dạy rằng người nữ phải phục người nam trong vai trò lãnh đạo trong Hội Thánh, là vai trò chỉ dành riêng cho những người nam đủ phẩm chất.
Không có tín hữu nào nghi ngờ rằng Đấng Christ không phải là đầu của người nam. Và tín hữu cũng hiểu rằng Đức Chúa Cha là đầu của Đấng Christ. Phi-líp 2:5-8 dạy rằng Đấng Christ đã mặc lấy hình hài của một đầy tớ trọn thời gian nhập thể. Vì Đấng Christ là đầu người nam, và Đức Chúa Cha là đầu Đấng Christ, vậy tại sao chúng ta tranh cãi xem người nam có phải là đầu người nữ hay không?
Tại Cô-rinh-tô, có một thông tục dành cho người nữ có chồng phải trùm đầu để thể hiện sự kín đáo. Đó là dấu hiệu họ kết ước với chồng và không thể có gì với những người nam khác. Mặt khác, đàn ông thì không trùm đầu như một dấu chỉ về nam tính của họ. Trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, những dấu hiệu mang tính văn hóa đó đã được đảo ngược: phụ nữ cầu nguyện và nói tiên tri mà không trùm đầu – như vậy là định dạng mình giống với những người nữ tự do trong thành Cô-rinh-tô – và những người nam – có lẽ do ảnh hưởng của Do Thái Giáo– trùm đầu mình trong khi cầu nguyện. Phao-lô khiển trách những người nam trong câu 4: “Phàm người đàn ông cầu nguyện hoặc giảng đạo mà trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình.” Điều đó có phải là tội khi người nam có trùm gì đó trên đầu khi cầu nguyện không? Không, trừ phi văn hóa của bạn nhìn nhận điều đó là nữ tính. Trong câu 5 Phao-lô trách những người nữ: “Nhưng phàm người đàn bà cầu nguyện hoặc giảng đạo mà không trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình: thật chẳng khác gì đã cạo đầu vậy” (một cái đầu bị cạo là biểu tượng cho sự xấu hổ).
Chúng ta nên định dạng với những biểu tượng của xã hội về nam tính hay nữ tính trừ phi chúng nghịch lại với lời Chúa hay quy định của Chúa về đạo đức. Những biểu tượng này trong xã hội chúng ta có thể dễ nhận ra. Chúng ta có thể nêu ra sự khác biệt giữa một phụ nữ có nữ tính và một phụ nữ trông như cô ta đang nghịch lại với nữ tính. Chúng ta có thể nhìn vào một người nam và bởi cách ăn mặc và đi đứng, mà nói rằng người đó có khước từ những biểu tượng văn hóa của nam tính hay không.
Thế còn 1 Cô-rinh-tô 11:5 thì sao? Câu này có cho phép diễn giả nữ giảng luận không? Một số người dạy rằng việc phụ nữ cầu nguyện và nói tiên tri trong đoạn 11:5 diễn ra trong buổi thờ phượng. Tuy nhiên đoạn văn không nói như vậy. Có lẽ Phao-lô đang nói về việc cầu nguyện và nói tiên tri một cách chung chung. Cho đến đoạn 11:18 Phao-lô mới lần đầu tiên nói về buổi nhóm chính thức của Hội Thánh: “Trước hết, tôi nghe rằng khi anh em có sự nhóm họp Hội thánh, thì sanh ra sự phân rẽ; tôi cũng hơi tin điều đó.” Trước câu 18 rõ ràng là ông không nói về buổi nhóm thờ phượng.
Có lẽ Phao-lô nói trong câu 5 về việc phụ nữ cầu nguyện và công bố lời Chúa trong một buổi học Kinh Thánh tại nhà hay trong giờ cầu nguyện của gia đình. Điểm chính của ông là bất cứ khi nào Cơ Đốc Nhân nhóm nhau lại, phụ nữ phải ở trong tư thế vâng phục, nam giới phải ở trong vai trò lãnh đạo. Nếu một phụ nữ trùm đầu khi cầu nguyện, cô ta đang chứng minh nữ tính của mình và khẳng định sự vâng phục đối với chồng. Cô ấy nhận biết rằng người nam là ảnh tượng và vinh hiển của Chúa và cô là sự vinh hiển của chồng (c.7). Nam giới là biểu tượng cho sự tể trị vinh quang của Chúa, và phụ nữ là biểu tượng của người nam đi theo sau.
Đức Chúa Trời tạo dựng con người để thực hiện các mối quan hệ. Và trong các mối quan hệ đó, là những vai trò khác nhau. Tuy nhiên, trong xã hội chúng ta, chúng ta nhấn mạnh cá nhân trên mối quan hệ. Các cá nhân tập trung vào quyền của họ, và tìm kiếm sự thỏa mãn cho chính mình. Trong một xã hội như thế, có một xu hướng xem mọi người đều có cùng một vai trò. Nhưng khi phụ nữ khước từ vai trò Chúa ban trong Hội Thánh và gia đình, họ xem nhẹ thiết kế nền tảng của Chúa trong những điều này và vì thế sự ổn định của xã hội bị đe dọa.
(Còn nữa)
John MacArthur
Translated by Van Pham