Gần Giáng Sinh, con gái tôi mang về nhà một chiếc nhẫn nhặt được ở chỗ làm. Một chiếc nhẫn kim cương không biết là bao nhiêu carat, nhưng lớn, đẹp và lấp lánh. Chúng tôi ước lượng giá của nó có rẻ lắm cũng trên ba ngàn đồng. Một chiếc nhẫn trông có vẻ như là nhẫn đính hôn, hoặc là nhẫn đi cặp với nhẫn cưới đã khiến tôi ngẩn ngơ hỏi tại sao nó lại bị rơi xuống đất. Con tôi đáp cũng không rõ, nhưng khi nghe tôi hỏi đi hỏi lại, thì còn bé phì cười, chỉ tay lên không trung, đùa, “mẹ hỏi Đấng ngồi trên ngôi ấy”. Sau đó tôi cứ lẩn thẩn cầm chiếc nhẫn lên xem, lật tới lật lui, lại thắc mắc một câu có vẻ hơi thừa là sao con tôi không để ở chỗ “lost and found” mà mang về nhà làm gì. Con gái tôi lắc đầu:
– Con đã để thông báo có nhặt được một chiếc nhẫn. Chưa biết giá trị của nó như thế nào, nhưng general manager bảo để ở chỗ làm không tiện vì có nhiều người vào ra, nhỡ bị mất đến khi có người tới nhận thì không biết nói như thế nào.
Bụng dạ tôi không yên, tôi hỏi:
– Nhưng nếu có người đến nhận mà không phải là của họ thì làm sao hả con?
Con gái tôi bật cười:
– Mẹ… ngây thơ ghê! Khi có người đến gặp tụi con, nếu không đưa biên lai ra thì ít nhất cũng phải tả cho đúng chi tiết của chiếc nhẫn như thế nào chứ.
Tôi nhớ đến chuyện cách đây không lâu, một cô bạn của con gái tôi vừa cưới xong đánh mất chiếc bông tai của bà mẹ chồng tặng ở bãi biển, đã phải “sè sẹ” đi mua đến cả bạc ngàn. Con tôi cũng gặp chuyện tương tự trong một chuyến về quê. Tôi bảo có lẽ người ấy sẽ vui lắm khi được giao lại đồ đã bị mất. Con bé gật đầu:
– Hẳn nhiên rồi mẹ. Tưởng tượng trước đây có ai đó nhặt được và đưa “giùm” lại chiếc bông tai cưới cho con là hiểu ra ngay cái cảm giác ấy.
Sang ngày hôm sau con gái tôi vừa đi làm về đến nhà, là tôi đã vội hỏi ngay có người đến nhận lại chiếc nhẫn chưa. Con bé lắc đầu. Tôi ngạc nhiên:
– Sao kỳ vậy ha? Sao lại tháo nhẫn ra khỏi tay để làm rơi xuống đất mà không trở lại tìm…? Nhất là đã không phải tháo ra ở nhà vệ sinh nữa!
Con gái tôi đoán có lẽ người ấy đã không định thần được mình làm rơi hay để quên ở đâu. Vì vậy sau đó tôi cứ băn khoăn, sợ người bị mất của gặp rắc rối hay có chuyện chẳng lành với người phối ngẫu của mình. Cuối cùng, tôi đành kết luận một câu như thể cho… yên lòng:
– Hay là không phải đồ thiệt?
Con gái tôi bật cười, chỉ cho tôi xem những dấu hiệu trên chiếc nhẫn để có thể biết là đồ thật hay giả. Tôi vốn không rành và không thích đồ trang sức, cũng chẳng bao giờ mua sắm những thứ quá đắt tiền, nhưng khi nhìn kỹ như lời con bé nói, tôi lại càng… lo hơn cho người đánh rơi chiếc nhẫn. Tôi chậc lưỡi:
– Chắc thế nào nhân vật này cũng mất ăn mất ngủ.
Con tôi bảo nếu trong vòng vài ngày nữa không ai đến nhận, sẽ đem ra trình báo cảnh sát. Tôi thở phào, nghĩ bụng như vậy thì con bé sẽ hết… “ách giữa đàng mang vào cổ”, nhưng rồi lại bâng khuâng nhớ đến câu chuyện… Chúa đi tìm con chiên lạc thứ một trăm và chuyện “người con trai hoang đàng” trong Phúc Âm Luca. Con gái tôi lại đùa chắc có lẽ bắt đầu từ lúc ấy cứ hễ nghe đến “lost and found” là tôi sẽ nhớ đến dụ ngôn này.
Dụ ngôn Chúa Giê xu kể về một anh chàng đòi cha chia phần gia tài của mình đem đi ăn chơi phung phí đến nỗi không còn một xu dính túi phải đi chăn heo, cho tới lúc không được ăn cả thức ăn của heo mới nhớ đến cha và gia đình, bèn quyết định quay về định xin cha tha thứ và cho mình làm người giúp việc; nhưng ngược lại với điều cậu nghĩ, khi về đến nhà, cậu được cha mừng rỡ ôm vào lòng, sau đó còn được cha mở tiệc mừng, được mang áo sống, giày dép đẹp nhất, lại còn được thêm nhẫn vàng, trang sức quí giá; tôi nghĩ chắc có lẽ là tín đồ, thì ai cũng biết. Và ai cũng biết đó là một câu chuyện rất sức cảm động. Tôi nhớ trong một bài giảng nào đó, Mục Sư Nguyễn Bá Quang đã giễu, nếu như đến đoạn “qui cố hương” này mà xuống một câu vọng cổ thì ôi thôi, là mủi lòng!
Đã có nhiều văn, thi sĩ, và đạo diễn nổi tiếng dựa trên chuyện ấy mà dựng nên những vở kịch, những bộ phim chạm lòng độc giả, khán giả. Các đại danh họa thời phục hưng như Bartolomé Esteban Murillo, Rembrandt, Gerard van Honthorst Salvatore Rosa… vân vân, còn có những họa phẩm tuyệt vời vẫn còn được lưu giữ cho đến hiện nay. Tôi có cái may mắn đã được đến căn nhà của Rembrandt tại Amsterdam, Hòa Lan, có cơ hội nhìn thấy nhiều bức họa nổi tiếng của ông, trong đó có bản sao của bức họa dựa theo câu chuyện người con trai hoang đàng này (bản chính ở bảo tàng viện Saint Petersburg), và những bức họa cùng đề tài của các họa sĩ lừng danh khác ở những viện bảo tàng ở Áo, Đức, Mỹ…
Nhưng phải nói điều may mắn hơn thế là tôi biết được chân lý và tình yêu của Chúa.
Tuy nhiên lúc mới học Kinh Thánh, tôi đã cho rằng Chúa… unfair, không công bình trong câu chuyện người con hoang đàng. Vì trong phân đoạn Kinh Thánh ấy còn nhắc đến một người con khác đã làm việc cực nhọc bao năm nhưng chưa hề được cha cho làm thịt một con dê để ăn uống vui chơi với bạn bè. Lúc thấy em trở về, không những không bị trách mắng mà còn được cha tiếp đón mừng rỡ, cậu đã giận dữ đến độ không muốn vào nhà, cuối cùng cậu thẳng thắn nói với cha:
– Cái thằng con kia của cha là đứa đã phá hết gia tài của cha với phưỡng đĩ điếm rồi trở về mà cha lại làm tiệc tùng, lại cho nó quần áo đẹp đến thế!
Lúc còn trẻ tuổi đời trẻ, trẻ tuổi đạo, tôi không hiểu được tình yêu của một người cha dành cho con là thể nào, càng không hiểu nổi Chúa đã thương con cái Ngài ra sao, nên đã có cái nhận xét rất “người”, rất “công lý” của luật pháp của thế gian. Tôi đã nghĩ người anh cả hoàn toàn có lý khi trách cứ cha như vậy, mà không hiểu trong luật pháp Chúa còn có cả tình yêu và sự tha thứ (I Giăng 1:9: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”). Tôi cũng không hiểu rằng Chúa sẽ không bao giờ để cho kẻ trung tín phục vụ Ngài phải chịu thiệt hại. (Khải huyền 22:12: “Nầy, Ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với Ta, để trả cho mỗi người tuỳ theo công việc họ làm”). Cũng không hiểu rõ sự thành tín của Ngài (“Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, và chẳng bao giờ bỏ ngươi” Hêbơrơ 13:5)…
*
Câu chuyện người con hoang đàng đi theo tôi nhiều năm, tôi lớn lên theo với lời Chúa. Tuy nhiên cũng trong nhiều năm, tôi không nhận ra chính mình từng là kẻ đã mang hết gia tài Chúa dành cho mình đi lêu lổng với thế gian. Tuy không sống cuộc sống của kẻ hoang đàng, nhưng như người chưa hề có Chúa, tôi dùng hết thì giờ của mình vào công việc, vào những điều chẳng hề đem lại cho tôi chút lợi ích thuộc linh nào. Mà có lẽ còn tệ hơn người chưa có Chúa vì người chưa biết Chúa không biết rằng Chúa luôn chờ đợi những đứa con lạc lối; còn tôi, là kẻ đã từng quỳ gối gọi Chúa là Cha, đã thấy ánh mắt Ngài dõi theo mình, đã nhìn thấy vòng tay Ngài nhẫn nại chờ đợi, vậy mà vẫn cố tình như một con chiên đi lạc. Vẫn gắng sức đi theo con đường Chúa không chọn cho mình.
Một năm trước đây tôi viết câu chuyện về cô Chonteaul trong Hội Thánh tôi đang nhóm họp. Cô là một người có cuộc sống bê tha, hoàn toàn chẳng phương hướng, đã làm đủ mọi điều xấu xa, từ trộm cắp, buôn bán ma túy, đến cả mãi dâm dẫn đến chuyện vào tù ra khám như cơm bữa. Đã có những lúc cô rất muốn có một sống đời sống hiền hòa, lương thiện, nhưng quẩn quanh cô chỉ là những kẻ đồng hội đồng thuyền, nên cuối cùng lại rơi vào những điều ác mà không sợ hãi, không bị lương tâm cắn rứt như thể đó là nhu cầu ăn uống, hít thở của cô. Cho đến một ngày cô biết Chúa, quay trở lại với Ngài, thì Chonteaul đã trở thành người khác hẳn. Cô vào ban hát dẫn, là người hầu việc Chúa tích cực trong Hội Thánh của chúng tôi. Chúa đã khiến cô trở nên một người vô cùng được ơn trước mặt Ngài. Cô trở thành người mẹ gương mẫu cho các con noi theo trong việc nhóm họp, học Kinh Thánh, là người an ủi khích lệ anh chị em khác trong nhà Chúa, là môn đồ chăm việc đưa người cách xa Chúa quay về nhà Ngài.
Đời sống rất mới của Chonteaul đã mở mắt cho thấy tình yêu vô ngần của Chúa đối với những kẻ biết ăn năn. Cho tôi nhận ra Ngài là người cha luôn luôn hân hoan chào đón những đứa con biết quay về nhà cho dẫu hư hỏng, xấu xa như thế nào đi chăng nữa.
Gần đây, tôi lại nghe thêm chuyện của Chonteaul. Một câu chuyện cũng hết sức diệu lỳ. Là Chúa đã mở rộng vòng tay yêu thương của Ngài đón người em trai bụi đời, homeless của Chonteaul trở về nhà. Con chiên thứ một trăm đã tìm ra đường để quay lại bên máng cỏ bình tịnh của mình.
Hai chị em cô Chonteaul đã gặp lại nhau trong một kỳ Đại Hội tại Las Vegas. Giữa hàng ngàn người, Chonteual đã nhìn thấy em cô sau nhiều năm trời không liên lạc. Steve hoàn toàn thay đổi vì anh đã là người tin Chúa. Anh không còn nghiện ngập, không còn lang thang nơi nọ nơi kia. Từ một người thuộc nhóm Juggalo (*), sống bụi đời, và bê tha trác táng, anh trở nên là chứng nhân cho Chúa. Anh đi làm, có cuộc sống ổn định, đàng hoàng…, và đã làm chứng về cuộc đời được biến đổi một cách lạ lùng và kỳ diệu tại đại hội ở Las Vegas ấy.
Khi nghe chuyện của Chonteaul, tôi ngỡ như đã nghe một câu chuyện huyền thoại, nghe thêm chuyện của Steve, tôi cảm thấy không còn phải lưỡng lự bất cứ điều gì nữa. Tôi đã tự nhủ lòng, phải thức canh và cầu nguyện, phải đề phòng sự cám dỗ, và phải bám trụ cách chắc chắn nơi chốn quay về của mình.
Cuối năm, kiểm lại đời sống, nghĩ đến những bài học Chúa dạy, nghĩ đến tình yêu Chúa ban cho, tôi đã mường tượng ra cảnh nếu người con hoang đàng trở về nhà nhưng chỉ gặp người anh vốn hay ganh tị, vốn không thông cảm vì Cha đã không còn ở đấy nữa, tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra? Rồi tôi cũng tự hỏi, nếu như mình không quỳ gối xuống trước khi quá muộn, thì ngày mai đây tôi sẽ ra như thế nào?
Vì vậy bạn ơi, ngày hôm nay tôi muốn nói với bạn rằng, trước khi quá muộn xin hãy dừng bước chân lang thang của mình lại, xin hãy ngoái đầu, xin hãy trở về nhà Cha, nơi có vòng tay yêu thương đang chờ đón bạn.
HOÀNG NGA
(*) Juggalo: tương tự như Hippy của những thập niên 60, 70; Juggalo là một phong trào mới dấy lên từ những năm 1980 tại Hoa Kỳ. Họ thường vẽ mặt hay thân thể bằng sơn, nghe nhạc horrocore hay underground rap, có lễ hội riêng hằng năm được sự hỗ trợ của những nhóm nhạc nổi tiếng như Busta Rhymes, Ice Cube, MC Hammer… Một vài nhóm Juggalo ở New York, hay Denver, Colorado… có những chương trình hoạt động xã hội hoặc từ thiện, nhưng rất nhiều juggalos khác họp thành băng đảng, xử dụng ma túy, trộm cướp… Em trai của Chonteaul từng là thành viên của nhóm thứ hai.