Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / NHỮNG CHIẾC BÌNH CÒN DƠ

NHỮNG CHIẾC BÌNH CÒN DƠ

binh

Một sinh viên thần học đang chuẩn bị học xong chương trình thạc sỹ thần đạo của mình. Theo tiêu chí của viện thần học này thì muốn được hoàn tất học vị từ cử nhân đến thạc sỹ, mỗi sinh viên của trường đều phải tập huấn ở một Hội Thánh địa phương. Đây là một chương trình bắt buộc. Sinh viên không được thực tập trong Hội Thánh mà các cô các cậu đã quen biết, Hội Thánh phải là nơi khác và xa nhà. Tiêu chí đã đề ra và từ thầy hiệu trưởng cùng những giáo sư của trường đã nhấn mạnh rằng, nếu không hoàn thành Field Ministry không ai có thể lấy bằng thần đạo.

Chuẩn bị theo sự hướng dẫn của giáo sư trông coi bộ môn, sinh viên nọ đã tìm ra cho mình một Mục sư làm người hướng dẫn viên cho mình. Sự khắt khe của trường là Mục sư làm hướng dẫn viên cũng phải được qua lược tuyển. Ngay chính vị Mục sư khi chấp nhận cho người thực tập cũng sẽ phải trực tiếp báo cáo cho trường về lịch trình, cách học, cách đối diện với mọi người, mọi nan đề của sinh viên mà ông kèm cặp trong thời gian dài ấy. Cái sợ nhất cho tất cả sinh viên là họ phải thực hành mục vụ cách độc lập, nhưng lại luôn luôn phải quan sát cách làm của Mục sư địa phương để viết tường trình.

Khi sinh viên đến và yêu cầu Mục sư nọ, cậu ta trình bày lý do và yêu cầu Mục sư giúp đỡ. Vị Mục sư cũng biết đa số các giáo sư và cả thầy hiệu trưởng của viện thần học cho nên ông tiếp đón sinh viên một cách hân hoan. Cậu sinh viên cảm thấy rất ấn tượng với cách mà Mục sư đối diện với mình. Ông ta đã làm cho  cậu ta cảm thấy yêu thích chức vụ và mọi người trong Hội Thánh, hơn thế nữa vị Mục sư này sẵn sàng dẫn dắt, trả lời và khích lệ cậu ta tấn tới trong trọng trách mà Chúa giao cho.

Theo lịch trình thì thời gian tập huấn của sinh viên cũng đã gần đến buổi nước rút. Tình cảm của Mục sư và người tập huấn đã không còn là thầy trò mà như là cha con. Sinh viên kia càng ngày càng tự tin với Mục sư. Sinh viên được quyền hỏi những câu hỏi liên quan đến thần học, mục vụ, thuật soạn bài giảng luận và phong cách lãnh đạo, bởi vì đây là những phương diện hoàn toàn khác nhau trong học đường và thực tiễn.

Hôm nay sau một ngày học hỏi và thăm viếng những người trong Hội Thánh. Họ vào ngồi trong một tiệm càfe ở cuối phố dưới những lùm cây xanh để cậu sinh viên có thể trao đổi về những gì mà cậu ta học hỏi qua quan sát cách Mục sư đã làm. Cậu sinh viên bỗng nhiên hỏi một câu tưởng như là ngớ ngẩn với Mục sư hướng dẫn.

-“Mục sư! Tại sao tôi cần phải có một hướng dẫn viên (mentor), khi tôi có thể ngồi trong thư viện nghiên cứu sâu hơn về thần học?” Cậu ta hỏi và nêu tiếp quan điểm. “Tôi tưởng mình chỉ cần biết nhiều thần học, biết nhiều Thánh Kinh là có thể đủ trang bị cho chức vụ…!”

Mục sư nghe vậy và ông trả lời một cách khá khôi hài.

-“Vì Mục sư là người đem thực tế của thần đạo ra thành mục vụ… Thần học và hiểu biết trong Thánh Kinh là cần thiết, nhưng cũng rất dễ làm cho sinh viên trở thành đám đầu bự… Biết nhiều, nói lắm… cái gì tưởng cũng biết… nhưng khi đi vào thực tế của người chăn bầy thì họ dễ làm hỏng bầy đàn của Chúa  hơn là gây dựng!”

Ông trả lời xong và cười khà khà. Mục sư này có cách cười đặc biệt là ông cười rất to, cười thoải mái, cười hết cỡ miệng chứ không dấu diếm. Và cách mà ông cười cũng khiến cậu sinh viên nhiều lúc phải cười theo. Với vị Mục sư này thì sinh viên đã nhận ra, nhìn ông ta ra sao sẽ là như vậy, không uẩn khúc, không hai mặt… và đó cũng là lý do khiến cậu ta càng gần ông Mục sư bao nhiêu thì cậu ta càng mến mộ ông bấy nhiêu.

-“Cậu biết không?” Ông ta hỏi. “Đầu to, cổ bé, chân tay ngắn, miệng lớn mà tâm hồn mỏng manh là gì?” Sinh viên nghe câu hỏi nhưng chưa nắm ra cách làm việc và vận hành kiến thức và chưa kịp trả lời thì Mục sư đã lại cười và trả lời tiếp cho cậu ta.

-“Là dị nhân đấy!” Nói xong và ông ta lại cười to hơn.

Đến lúc này cậu sinh viên mới vỡ lẽ. “À thì ra bây giờ ta mới biết tại sao khi mình điền tên vị Mục sư này và nói rằng người này sẽ là người hướng dẫn mình trong quá trình sáu tháng thì hầu hết từ hiệu trưởng đến các giáo sư đều gật gù mà rằng, ‘Nếu ông ta có thời gian cho cậu, hãy cố gắng lấy hết tất cả kho kiến thức, kinh nghiệm và cách mà ông ta làm mục vụ… Cậu sẽ không bao giờ chán. Hãy nhìn vào  những người trong Hội Thánh cậu sẽ biết Mục sư…!’”

Khoảnh khắc khôi hài đã qua và vị Mục sư đi ngay vào vấn đề một cách nghiêm chỉnh.

-“Chủ đề để chúng ta bàn luận hôm nay là gì? Cậu đã học được gì ở những con người mà ta đã thăm viếng hôm nay? Cậu sẽ phải nói rõ cho tôi xem là cậu đã đúc kết được những gì trong cách mà tôi đối diện với mọi người trong những sắc tộc khác nhau…?” Đó là những câu hỏi mà cậu sinh viên sẽ phải trả lời bằng kiến thức và ông Mục sư còn nêu tiếp.

-“Ta sẽ làm gì, và làm ra sao để mục vụ của Chúa trong Hội Thánh mà con cái của Chúa sẽ cảm thấy họ được chúc phước hơn?” Nghe hỏi và sinh niên đang tập sự mục vụ suy nghĩ đăm chiêu. Sau đó cậu ta nhìn thẳng vào Mục sư thổ lộ.

-“Tôi muốn biết cách làm sao ta có thể chuyển tải từ Ân Điển của Chúa ra thành cách sống… cách giảng dạy và hướng dẫn các dân sự của Chúa trong Hội Thánh?”

-“Cậu là người khôn ngoan! Người khôn ngoan không hỏi về kiến thức mà hỏi về cách đem tâm hồn Chúa ra thành cuộc sống… Tớ cũng thật sự rất khoái cậu…!” Ông ta cười và khích lệ.

-“Được rồi! Hôm nay chúng ta sẽ bàn về chủ đề Ân Điển của Chúa. Đây là chủ đề mà ta hay nghe nói đến nhất và cũng là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất.” Vị Mục sư nhấm nháp ly càfê và nói chuyện về cách mà ông đã quan sát trong Thánh Kinh.

gr

Nghe vậy và sinh viên thực tập hỏi lại. “Thế theo ông, thì ông sẽ định nghĩa Ân Điển ra sao?”

Nhấm nháp chút càfê đen và ông ta tiếp với một giọng cười khá lớn và ông nhìn nheo nheo con mắt.

-“Cậu đang hỏi mình theo cách suy nghĩ của người Do Thái, hay theo cách tư duy của người Hy Lạp?” Mục sư hỏi lại để trắc nghiệm sinh viên.

Bị hỏi lại sinh viên nheo mắt trả lời.

-“Tại sao ông hay hỏi lại tôi? Tôi đặt ra câu hỏi và thường hay bị ông hỏi lại… Tôi thật ra không biết trả lời làm sao!”

Khà khà khà là cách mà ông ta cười để làm giảm thiểu mọi căng thẳng.

-“Với người Do Thái, và theo Thánh Kinh thì không có kiểu phải định nghĩa như cậu nghĩ, mà cách cậu hỏi là vì cậu đã bị ảnh hưởng sâu xa với tư duy Hy Lạp… Tư duy Tây phương do ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý Hy Lạp tiếp đến với thời phục hưng cho nên người ta bị ảnh hưởng sâu nặng với triết lý này và hay định nghĩa mọi vấn đề!”

-“Tớ muốn hỏi cậu câu hỏi này đây, và phải suy nghĩ cho kỹ để trả lời.” Ông Mục sư nói và muốn sinh viên chú ý.

-“Có bao nhiêu lần Chúa Giê-su định nghĩa những vấn đề của thời đại khi Ngài sống và truyền giảng Phúc Âm giữa vòng nhân gian?”

Cậu sinh viên im lặng trong khoảnh khắc khá lâu để trắc nghiệm về kiến thức trong Thánh Kinh và thần học của mình. Cậu ta biết Mục sư đang giúp mình giải trình cách nhìn và làm mục vụ theo Chúa cho nên cậu ta luôn luôn cố gắng và với ông Mục sư này thì khi hỏi là phải trả lời chính xác bằng không thì phải học và đọc lại. Cậu ta run và sợ những câu hỏi lại đó.

-“Hình như là không có, mà Chúa sử dụng rất nhiều ngụ ngôn, châm ngôn và những câu chuyện… để làm sáng tỏ vấn đề… Tôi thấy hình như chỉ mỗi Phao-lô là định nghĩa về tình yêu trong 1 Cô-rinh-tô 13.” Cậu ta bẽn lẽn nêu quan điểm.

-“Cậu đã trả lời câu hỏi của tôi rất tốt!” Mục sư nói và bắt đầu dẫn giải.

-“Người Do Thái, hay người Phương Đông hay có suy tư diễn tả sự việc bằng câu chuyện, bài văn, ngụ ngôn, châm ngôn… để minh họa chứ không định nghĩa kiểu lối cho toa như người Tây Phương… Phao-lô định nghĩa tình yêu vì ông đang viết thư cho người Cô-rinh-tô, những hậu thân của văn hoá Hy Lạp… Cậu phải biết quan sát, và khi cậu quan sát Thánh Kinh tốt là khi cậu đã làm trọn vẹn được một nửa phần quan trọng của mục vụ…”

Ông ta còn nhắc nhở thêm, “Cậu không bao giờ quên vai trò của Đấng Thánh Linh trong việc hiểu Thánh Kinh và làm mục vụ trong Hội Thánh của Ngài. Cậu nhớ chứ? Thánh Kinh được viết bởi bàn tay con người nhưng được cảm động bởi Đấng Thánh Linh do vậy không bao giờ ỷ vào khả năng, kiến thức và kinh nghiệm của mình.” Và ông tiếp với những gì mà ông muốn giải thích những câu hỏi của cậu sinh viên.

-“Khi định nghĩa vấn đề là khi ta muốn cho toa thuốc vậy đó.  Ân Điển của Chúa hay đa số những gì thuộc về Chúa, khó có thể định nghĩa…” Và ông giải thích thêm.

-“Khi ta muốn định nghĩa vật thực hay những gì mà ta quan sát được là ta đã vô tình đóng khung vật thực đó vào trong khuôn khổ của kiến thức và ngôn ngữ mà ta đang có. Ngôn ngữ của con người rất giới hạn. Ngôn ngữ dùng để tả sự việc và sự vật nhưng cũng chưa hết chứ đừng nói đến dùng ngôn ngữ của con người để diễn tả về Đức Chúa Trời và Ân Điển của Ngài. Ân Điển của Chúa là một trong những bản tính của Chúa. Tâm tình của Ngài cũng tương tự, khi ta cố gắng tìm cho ra một định nghĩa, mà như cậu đã hỏi tôi. Tôi không dám trả lời và muốn cho cậu hay rằng cậu sẽ vận hành cuộc sống và chức vụ của cậu theo suy nghĩ về Chúa như người Do Thái hay theo tư duy của người Tây phương!”  Ông nói và cười để cho sinh viên kia biết rằng tìm định nghĩa về Ân Điển là khiếm khuyết và luôn luôn bị phiếm diện.

“Cách đây gần hai ngàn năm đã có một con cái của Chúa đã hỏi câu này, ‘Giê-ru-sa-lem và Nhã Điển có ăn nhằm gì với nhau?’ Cậu có nghe câu hỏi này rồi chứ?”

-“Cậu sẽ là một Mục sư trong tương lai, nhưng nhớ nhé; để làm hoàn thành trọng trách của một người chăn bầy, cậu phải biết tiếp nhận Đấng Thánh Linh và theo với Chúa. Nắm vào Chúa và đi cùng với Ngài. Đây là yêu cầu tối thượng nhưng cũng phải được trang bị thần học, cách phân tích, nhận dạng, định nghĩa của ngươi Tây Phương. Có như vậy cậu mới thành công trong mục vụ. Theo với Chúa là primary ‘chủ yếu’ và học thần học là secondary ‘thứ yếu’ bởi vì thần học giúp cho cậu hiểu thêm về niềm tin… Làm gia tăng tình cảm của Chúa và cậu. Khi cậu đi ngược lại có nghĩa là lấy thần học làm cốt lõi và Chúa là thứ yếu thì không phải là cậu sẽ gặp nhiều nan đề, cậu sẽ đổ vỡ và kéo theo bao nhiêu linh hồn trong Hội Thánh của Chúa cũng bị chao đảo.”

Vị Mục sư nói và bắt đầu chỉ ra cho người tập sự những khám phá của mình.

-“Người ta thường bảo rằng, ta phải sạch, phải trong, phải thế này, thế khác Chúa mới đại dụng, và cứ theo vết xe đổ đó mà người ta cứ tự làm khổ chính mình. Theo tôi; đó không phải là ý chỉ của Chúa, và cũng không phải là Ân Điển của Ngài.”

-“Những con người được Chúa đại dụng chỉ là những con người bình thường, và bình thường đến độ mà ta không thể ngờ được. Chúa dùng họ, chỉ vì họ sẵn lòng. Họ biết rõ họ là những cái bình chứa còn dơ. Chúa dùng họ là dùng những cái bình còn dơ và rồi trong cả cuộc hành trình và phục vụ Chúa mà họ được thánh hóa dần dần.” Ông Mục sư nói để cho người thanh niên tập sự hiểu hơn.

-“Thánh Kinh nói, ‘cả thế gian đều phạm tội và đánh mất vinh hiển của Đức Chúa Trời,’ có đúng không? Hay ta có thể nói một cách dễ hiểu hơn là tất cả mọi người đều bị dơ và mãi mãi còn dơ. Một ngày ta còn làm người trong thế gian là một ngày ta vẫn còn bị cám dỗ với những dơ bẩn. Những con người phải đối diện với những cám dỗ trong đó có tôi, có cậu, và cả những người có chức sắc… Nhưng dù là những cái bình này còn dơ, nhưng Chúa vẫn đại dụng họ. Lý do tại sao?” Ông hỏi và cách mà ông hỏi lúc này có kèm theo một cái nhìn sắc như dao ném vào sinh viên.

-“Tại vì, Ân Điển của Chúa đó. Ngài đại dụng họ chỉ vì họ sẵn lòng để cho Chúa đại dụng họ mà thôi! Và chỉ khi họ biết rõ rằng trong họ còn vật lộn, còn có nhiều góc khuất, còn có nhiều những ý tưởng điên rồ và bất hảo nhưng họ không ngừng nắm lấy Chúa, và luôn luôn mở lòng để cho Đấng Thánh Linh dẫn lối, có như vậy họ mới không kiệt quệ khi cám dỗ.”

-“Này cậu!” Vị Mục sư nhìn cậu thanh niên và nói như quả quyết rằng, “đằng sau những cái định nghĩa thường là những bản tính thích đi tắt của con người.” Sau khi tin và quan sát cách làm việc của Chúa tự nhiên ông nhận ra con người của Chúa Giê-su là ân điển. Có lẽ vì tràn đầy ân điển cho nên Chúa muốn người ta cũng biết đi chậm và nên đi thật chậm vào chân lý và ân điển.

“Chúa biết bản tính của nhân gian là đã đánh mất vinh hiển cho nên khi bị chất vấn Ngài thường thường không trả lời những người chất vấn trực tiếp mà bằng những câu chuyện chứ không phải bằng cách định nghĩa. Ngay cả khi đối diện với tổng trấn Pontus Phi-lát và cái chết như gần kề. Ngài biết thân thể của Ngài sẽ phải trải qua những đòn tra tấn. Ngài biết cảm xúc của Ngài sẽ phải trải qua bị chối bỏ… mọi gian nguy sẽ xảy ra, nhưng vì Ân Điển mà Chúa vẫn dùng câu những câu chuyện, và cách sáng tạo để trả lời cho Phi-lát.”

Ông ngừng lại và hỏi sinh viên thực tập. “Cậu có biết Chúa nói gì với tổng trấn Pontus Phi-lát khi ông ta chỉ ngái ngái muốn biết chân lý và hỏi Chúa “Lẽ thật là gì?” và Chúa trả lời ra sao cậu biết không?”

Sinh viên nghe và thực sự lắc đầu.

-“Chúa cũng không trả lời trực tiếp mà có lẽ Phi-lát cũng không để tâm để nghe. Chúa không muốn định nghĩa mà muốn người ta hiểu về Ân Điển, và Ân Điển mà đi tắt, nắm bắt theo định nghĩa thì không phải là Ân Điển.”
“Tại sao Ân Điển lại phải như vậy ta?” Người sinh viên tập sự nhìn Mục sư và hỏi vì cậu ta hình như có thể hiểu trong lý trí nhưng chưa hiểu trong tâm hồn.
“Sáng tạo nên càn khôn và vạn vật là Ân Điển đó… Trao cho con người quyền làm chủ tất cả như trong Sáng-Thế-Ký 1:26-18 cũng là Ân Điển đó… Khi phạm tội mà Chúa vẫn thương và bao phủ họ là Ân Điển đó… Ý định cứu chuộc họ ra khỏi bị hủy diệt cũng là ân Ân Điển. Và Chúa Giê-su đến để cứu rỗi cũng là Ân Điển đó…”

1-2-peter-jude-grow-in-the-grace-and-knowledge-of-jesus

“Bao nhiêu thời gian? Lâu lắm cả bao nhiêu ngàn năm. Chúa đến đúng lúc… khi con người vô vọng… và từ trong vô vọng Chúa cho họ có hy vọng… và trong hy vọng này mà Chúa không bao giờ hấp tấp vội vàng.” Ông Mục sư nói một hơi và ông ngưng để xem liệu cậu sinh viên tập sự có bắt kịp dòng chảy của tư duy hay không. Nhìn thấy cậu ta còn lưỡng lự ông hỏi tiếp.
“Cậu có thể định nghĩa tâm trí là gì không?”

Cậu sinh viên giật mình vì câu hỏi mà cậu ta chưa bao giờ nghĩ ra. “Ừ nhỉ… ta không biết nên phải định nghĩa tâm trí là gì…”

Cậu ta nheo nheo con mắt và gật đầu đồng ý.

-“Mục sư nhận xét đúng đó. Theo tôi thì Chúa lại làm ngược lại. Trong những câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê-su kể, và xem những người theo Ngài, tôi nhận ra, cách mà ông nghĩ…”

-“Cậu có bao giờ thấy trong Tân Ước Chúa bảo ‘ngươi phải sạch, phải thánh khiết rồi mới theo ta không?’

-“Không! Thánh Kinh chỉ bảo rằng, ‘các ngươi phải thánh khiết vì ta là thánh khiết’ (1 Phie-rơ 1:16) Đây là cách mà Phie-rơ viết cho các tín hữu và khích lệ những người theo Ngài nhớ rằng Chúa là Đấng thánh khiết và hãy thực tập mọi điều thánh khiết để chứng tỏ ta là môn đệ của Ngài.” Cậu sinh viên trả lời.

Mục sư rung đùi, cười khoái trá.

-“Cậu nói hay quá, đúng quá. Chúa đã thăm viếng và ban cho cậu sự khôn ngoan.” Và ông tiếp tục để cả hai cùng bàn thảo trong Thánh Kinh về Ân Điển của Đức Chúa Trời.

-“Cậu có coi câu chuyện trong Sách Các-Vua thứ 2 chương 4:1-7không? Tôi thì rất kết câu chuyện này trong rất nhiều khía cạnh. Nhưng trong chủ đề mà chúng ta nói chuyện hôm nay thì phải là vấn đề ta xoay quanh về Ân Điển của Chúa, và Ân Điển ra sao với những con người mà biểu tượng là những cái bình còn dơ mà Chúa vẫn xài, vẫn toả ra vinh hiển của Ngài.”

Thời buổi hiện đại có cái hay của khoa học kỹ thuật vì trong các Smart Phone đều có vài bản Thánh Kinh và vài bản giải nghĩa. Khi nói đến Thánh Kinh và theo chương thì chỉ ba bốn cái bấm, và những tiếng tích tích được mở ra, và họ có thể đọc Thánh Kinh bất cứ lúc nào và nơi nào.

-“Cậu đã xem và đã coi rồi chứ?” Mục sư hỏi.

-“Vâng tôi đang coi và theo cách trình bày của ông… Tôi đang muốn hình dung và tưởng tượng.”

-Tớ muốn cậu hãy nhìn vào Thánh Kinh một cách trung thực trong góc cạnh của người viết câu chuyện. Nhớ rằng không phải là Ân Điển của người có ơn tiên tri, cũng không phải là Ân Điển từ người đàn bà góa mà là sự hiện diện của Chúa. Ở trong câu chuyện này cho ta thấy, nhà tiên tri kia phải tuân thủ lời sai khiến của Cha thiên thượng, và đàn bà góa kia cũng có một sự vâng lời không kém. Ân Điển là ở đó. Là hai người biết lắng nghe và những gì Chúa muốn thực hiện đã xảy ra.”

-“Cậu có thể tưởng tượng câu chuyện của tiên tri và bà goá chứ?” Mục sư hỏi để xem tính sáng tạo và sự tưởng tượng trong tâm trí của học trò.

-“Câu chuyện của họ ra sao? Có phải họ sẽ đối đàm với nhau như thế này hay không?” Mục sư dẫn dắt sinh viên.

-“Bà có vật gì ở trong nhà?”

-“Trong nhà của tôi không còn gì ngoài một hũ dầu ô-liu!”

-“Nhà bà có nhiều bình chứa dầu không?” Nhà tiên tri kia lại hỏi tiếp.

-“Nhà tôi không có nhiều bình chứa… mà chỉ có một cái mà thôi!” Và đó là câu trả lời trong cái vẻ buồn rầu của phụ nữ góa chồng.

-“Cũng được!” Tiên tri kia khẳng định.

-“Nhưng bà và con trai có thể chạy sang các nhà của bà con chòm xóm quanh đây và mượn hết tất cả các bình chứa về đây cho tôi. Bà hãy mang về đây càng nhiều những cái bình chứa càng tốt. To nhỏ không thành vấn đề nhưng càng nhiều càng tốt…”

-“Cậu thử tưởng tượng xem trong thời gian vội vàng như vậy mà bà góa kia cũng không biết mục đích của việc đi nhặt những chiếc bình, do đó, biết bao nhiêu là những cái bình lâu rồi không sử dụng tới, chắc chắn nó sẽ còn rất dơ, rất bẩn từ bên trong đến bên ngoài. Vả lại trong thời gian hạn hán lâu như vậy, toàn xứ khô khan, mà biên giới thì bị bao vây, không có nước, cỏ cây chết hết, do vậy không ai có dầu để giữ cho các bình chứa sạch sẽ. Bình chứa chỉ sạch sẽ khi nó có dầu ô-liu để đựng mà thôi…”

-“Có bao nhiêu cái bình chứa thật sự được rửa sạch?”  Vị Mục sư hỏi và tự trả lời.

-“Chắc có lẽ chỉ có mỗi cái bình trong nhà của bà góa may ra được coi là tạm sạch còn tất cả những cái bình khác, ai đâu có thời gian mà rửa, mà lau, mà chùi cho sạch…? Con người ta cũng như những cái bình mà bà góa kia lắng nghe lời của Ê-li tiên tri của Chúa lượm về và trở thành vật chứa những ân phước của Ngài.”

-“Cậu còn nhớ chứ? Khi Chúa Giê-su kể về câu chuyện về người giầu đãi tiệc đi ra và gọi tất cả, không cần biết là ai, họ đến dự tiệc, thì đây là Ân Điển đó. Ân điển của ông chủ giầu sang là Chúa, và ngay cả những người ra đi gọi mời mọi người cũng phải vận hành cuộc sống theo Ân Điển của Chúa đó. Cậu có thấy không?”

Cậu thanh niên gật đầu hiểu ra vấn đề của Ân Điển.

-“Người chăn bầy, Mục sư là ở chỗ này đây… khi Chúa của Ân Điển mời gọi tất cả vào trong nhà Chúa. Ngài sẽ đãi tiệc, và Mục sư là những người chạy bàn đó… Mệt không? Còn nhà thần học? Nhiều tay đầu to, cổ bé… chân ngắn nhưng không thể làm mục vụ… vì lý do họ hiểu về Ân Điển nhưng không thể thực hiện Ân Điển…”

Cậu sinh viên cười to cùng Mục sư và nhận ta tầm quan trọng của người mà Chúa gọi vào trong chức vụ. Người chăn bầy là đại diện Chúa môn đồ hoá tất cả những người kia… Ông Mục sư nói vậy mà tay của ông thì đặt lên vai của cậu trai trẻ, miệng ông khích lệ cậu ta tấn tới theo lời Chúa gọi vào chức vụ để hầu việc Ngài.

-“Tất cả những gì là trong phẩm giá của ta và những gì mà ta đang có trong ta… đều xuất phát trong Ân Điển của Đức Chúa Trời. Hãy hoan hỷ với những gì mình có và ước nguyện vinh danh Ngài trong mọi phương diện, mọi góc độ của đời, cậu sẽ vui tươi… Ta đã nhận Ân Điển và sẽ sống và làm việc trong Ân Điển nhé cậu!”

Dường như cảm thấy chưa đủ đô cho câu chuyện Mục sư nhìn vào sinh viên thực tập mà rằng.

-“Ta học gì trong Ê-sai 6:1-9?”

-“Không phải nhà tiên tri Ê-sai đã nói rất nhiều tiên tri? Năm chương và đến chương thứ sáu là chương mà ông ta gặp Chúa. Trong sự gặp gỡ đó mà nhà tiên tri đã biết rõ rằng mình cũng chỉ là một cái bình còn dơ, vậy mà Chúa vẫn đại dụng… Hãy cố gắng vươn lên trong Chúa và trong cộng đồng của Ngài, nhưng nhớ rằng trước mặt Chúa ta luôn luôn không bao giờ được tự gọi hay là tự cho mình là thiêng liêng được…”

“Còn Tân Ước thì sao?” Mục sư hỏi khi sinh viên còn đang choáng ngợp bởi suy nghĩ về cuộc đời và trách nhiệm của đại tiên tri Ê-sai và cách mà ông ta quan sát Thánh Kinh Cựu Ước.

-“Phao-lô viết gì cho Ti-mộ-thư khi ông đã ở gần cuối cuộc đời, đặc biệt là trong thư thứ nhất chương 1 từ câu 15-16?”

Sinh viên như bị dẫn dắt. Anh ta lại dùng Smart Phone để kiểm tra trong Thánh Kinh.

-“Cậu hãy để ý văn phạm trong Anh ngữ nhé. Không phải Phao-lô bảo rằng ông ta vẫn là kẻ… đáng tội?”

-“Cả hai nhân vật này trong Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, dù họ biết mình giới hạn, nhưng không ngừng vươn lên với Chúa của họ. Đó là những gì mà con người của Ân Điển biết và thực hành trong đời…”

Sinh viên thực tập kia sau đó về nhà suy nghĩ mông lung với cách suy tư của vị Mục sư mới di dân đến xứ của anh ta.

-“À thì ra Ân Điển nếu định nghĩa thì sẽ ngồi tại văn phòng hay thư viện, nhưng khi không định nghĩa mà vẫn cứ lần theo Chúa, bám vào Ngài, thì sẽ đi theo Ngài và vận hành cùng Ngài tới cùng trời cuối đất. Chỉ có vận hành theo Ngài mà Phao-lô bảo rằng, thế lực của thế gian, bệnh tật, … tất cả đều không thể nào tách người yêu Chúa ra khỏi tình yêu của Ngài…”

Mục sư thường nhắc nhở sinh viên trước khi họ bắt tay vào những mục vụ mới.

-“Khi ta biết cả thế gian đều mất vinh hiển của Chúa, trong đó có tôi, có bạn, có tất cả các Mục sư hay ngay cả Giáo hoàng. Tất cả đều là những cái bình còn dơ, nhưng được Chúa đại dụng… Vậy ta phải vững tâm mà vận hành trong cuộc sống, trong chực vụ… Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài dám xài chúng ta… những cái bình còn dơ. Chỉ khi ta không cho ta là còn dơ mới thực sự là nan đề. Cứ tiếp bước mà đi trong trong Ân Điển của Chúa nhé.”

 UÔNG NGUYỄN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn