Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / BẠN ĐÃ ĐƯỢC TÁI SANH?

BẠN ĐÃ ĐƯỢC TÁI SANH?

CÁC NGƯƠI PHẢI SANH LẠI

ni

Chúa Jesus phán dạy rằng những cánh cổng của thiên đàng sẽ đóng lại đối với chúng ta trừ phi chúng ta được sinh lại. Vì thế, chúng ta hỏi: Bạn ơi, anh (chị) đã được sinh lại chưa? Các thành viên trong Hội Thánh đã được sinh lại chưa? Nếu chưa được sinh lại các bạn sẽ bị hư mất. Bởi vì Chúa Jesus phán: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:3).

Có thể bạn sẽ hỏi: “Được sanh lại nghĩa là gì?” Ngày hôm nay có nhiều quan niệm sai về sự tái sinh. Nó không phải là phép báp-têm, bởi vì có người nhận lãnh phép báp têm nhưng không được sinh lại (Công vụ 8:18-25). Nó cũng không phải là sự gia nhập vào trong Hội Thánh, bởi vì có người giả mạo lẻn vào trong Hội Thánh (Ga-la-ti 2:4).  Nó không phải là sự dự tiệc thánh, vì một số người không xứng đáng và phải bị kết án (1 Cô-rin-tô 11:29). Nó không phải là sự cải cách hay cố gắng thay đổi để sống tốt hơn. “Ngài đáp rằng: Hãy gắng sức vào cửa hẹp, vì, ta nói cùng các ngươi, nhiều người sẽ tìm cách vào mà không vào được.” (Lu-ca 13:24). Nó không phải là sự cầu nguyện, vì Chúa Jesus phán: “Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm” (Ma-thi-ơ 15:8)

Một số người nói rằng nếu tôi cố gắng làm tất cả những gì tôi có thể làm, như là ban cho người nghèo, thăm viếng người bệnh, và cố gắng sống tốt mỗi ngày thì chắc là tôi đã được sinh lại (Ma-thi-ơ 25:41-45). Không, chúng ta không thể làm theo cách của mình: “Vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được.” (Rô-ma 8:7).  Chúng ta phải có một sự thay đổi từ trong tấm lòng. Chúa phán qua tiên tri của Ngài: “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi” (Ê-xê-chi-ên 36:26).

“Vậy thì, sự sinh lại là gì?” Sự sinh lại bao gồm sự thay đổi tấm lòng từ một đời sống phục vụ chính mình chuyển sang phục vụ Đức Chúa Trời.  Điều này xảy ra khi chúng ta cảm thấy ăn năn về đời sống tội lỗi của mình và bởi đức tin nhìn xem Chúa Jesus để nhận được sự tha thứ. Khi một đứa trẻ được sinh ra, đó là một sự sống mới được khai phóng – một người mới trong xác thịt. Cũng vậy, khi chúng ta được sinh lại thì một đời sống mới trong Chúa Jesus Christ, đi theo Đức Thánh Linh được khai phóng. Vì vậy chúng ta gọi đó là sự sinh ra – một đời sống mới trong Chúa Jesus Christ. “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (2 Phi-e-rơ 3:9).

2-pe

“ Tôi có thể trông đợi được sinh lại khi nào?” Kinh Thánh dạy: “Ngày hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài” (Hê-bơ-rơ 3:7). Điều này có nghĩa là bất kể tuổi tác, thời gian, nơi chốn. Nếu bạn nghe tiếng Ngài, bạn đáp ứng thì bạn sẽ được tái sinh bởi Đức Thánh Linh.

“Sẽ tốn thời gian bao lâu? Tôi không phải trưởng thành trong sự sống mới hay sao?” Không, chúng ta được sinh lại vào trong vương quốc Đức Chúa Trời, điều này làm chúng ta trở thành con cái và kẻ thừa tự. “Nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự” (Rô-ma 8:37). Điều này xảy ra khi bạn qui hàng tất cả mọi nỗ lực cá nhân và đến với Chúa Jesus trong sự ăn năn.

“Bằng cách nào và khi nào chúng tôi nhận được điều đó?” Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấu trong lòng, Ngài nhìn thấy sự chân thành của bạn. Ngài đến với bạn qua quyền năng của Đức Thánh Linh và tạo dựng trong bạn một tâm linh ngay thẳng. (Thi thiên 51:10).  Vì vậy khi bạn được sinh lại – bạn là một tân tạo vật trong Chúa Jesus Christ bởi đức tin nơi Ngài (2 Cô-rin-tô 5:17).

Cuối cùng: “Làm thế nào tôi biết mình được sinh lại?”. Phao-lô nói trong Rô-ma 8:10, “Nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” Kinh Thánh dạy rằng người hư mất thì đã chết trong tội lỗi, bị kết án và có một lương tâm chai cứng. Họ sở hữu một tâm trí tham dục, xác thịt, không có hy vọng, bất phục tùng và chối bỏ Đức Chúa Trời. Nhưng một cơ đốc nhân  được sinh lại là con cái của Đức Chúa Trời, đang ở trong Đấng Christ, được cứu khỏi tình trạng hư mất, không bị kết tội và có một lương tâm tốt. Người đó cũng có một tâm trí thuộc linh, được đổ đầy Thánh Linh, đức tin và có hy vọng về một đời sống vĩnh cữu. Tội lỗi của người đó được tẩy sạch bởi huyết Chúa Jesus. Tấm lòng người đó được đổ đầy tình yêu và sự bình an của Đức Chúa Trời mà vượt quá sự hiểu biết. Người được sinh lại yêu thích, ước muốn và có quyền năng để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.  Người đó ấp ủ một hy vọng ở bên kia hầm mộ và lời hứa về một chỗ ở trên thiên đường. Có ai đã kinh nghiệm về sự biến đổi đời sống mà lại không nhận thức ra những điều này? Hầu như không có, vì “Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 8:16).

Nếu bạn chưa có những kinh nghiệm này cộng với sự bình an và vui mừng trong tâm hồn thì đừng yên nghỉ. Bạn đang coi thường Đức Chúa Trời và linh hồn của bạn. Bạn phải được sinh lại.

 

(Translated by Hon Pham)


 

GẶP CHÚA TRONG ĐÊM

-Bà lấy giùm tôi cái áo choàng, tôi sẽ ra ngoài để tìm gặp một con người đặc biệt.

-Tại sao ông phải đi vào ban đêm?

-Ồ, tôi có một lý do riêng, bà sẽ biết nhanh thôi.

Ni-cô-đem khoác vội chiếc áo choàng từ tay của người vợ, ông đến để gặp một con người đã làm ông ngưỡng mộ trong những ngày gần đây.

Đó là một đêm tối trời của năm 30. Giê-xu, người Na-xa-rét đang ở trong ngôi nhà của một bạn hữu trên bước đường lưu hành giảng đạo xuyên qua vùng Ga-li-lê, Ngài đã bắt đầu chức vụ từ sáu tháng trước đó.  Có tiếng gõ cửa bên ngoài:

-Tôi muốn tìm gặp một người đàn ông tên là Giê-xu.

-Chính là ta.

Ni-cô-đem được mời vào nhà, ngồi đối diện với Chúa Giê-xu, ông bắt đầu câu chuyện:

-Thưa Ra-bi, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì nếu không có Đức Chúa Trời ở cùng, thì chẳng ai có thể làm được những dấu lạ mà thầy đã làm đó. Cá nhân tôi muốn được thầy chỉ giáo thêm.

Mặc dù Ni-cô-đem  là giáo sư thuộc hệ thống hàng giáo phẩm Pha-ri-si dạy về luật pháp cho dân Do Thái nhưng ông là một con người khiêm nhường hiếm có giữa vòng sáu ngàn người Pha-ri-si vào lúc đó. Ni-cô-đem cũng là thành viên của một tổ chức gồm bảy mươi người lãnh đạo tuyển dân có tên San-he-rin (Tòa Công Luận), và sứ đồ Giăng viết về họ là “những người cai trị  dân Giu-đa”. Tổ chức San-he-rin này tương đương với Tối Cao Pháp Viện và Thượng Viện Hoa Kỳ. Ni-cô-đem thuộc về ê-kíp lãnh đạo cả Do Thái Giáo và tuyển dân. Chức vụ của ông ngang bằng với một thượng nghị sĩ kiêm thẩm phán tối cao của chính phủ liên bang hiện nay. Như vậy Ni-cô-đem là quan chức với phẩm hàm lớn, được kính trọng và hưởng nhiều đặc quyền trong vòng dân sự lúc bấy giờ. Ông đã âm thầm quan sát các phép lạ, lắng nghe các bài giảng của Chúa Giê-xu và ông biết mình đang nói chuyện với một bậc thầy có uy quyền. Ông chọn một đêm tối trời, kín đáo đến với Chúa để “tầm sư học đạo”. Ông không muốn bị người khác theo dõi, vì có thể họ sẽ tố cáo ông giao thiệp với Chúa Giê-xu – đây lại là điều không nên có với một người lãnh đạo như ông. Nếu chuyện này bị đồn ra ngoài, sinh mạng chính trị của ông có thể bị nguy hiểm. Người ta thường nói rằng khi hai thầy thuốc ở cùng trong một khu vực thì không có ông nào thích ông nào. Về một phương diện Chúa Giê-xu cũng là một giáo sư giống như Ni-cô-đem, nhưng lời Ngài dạy có uy quyền mà một giáo sư bình thường trong tuyển dân không hề có. Hơn nữa Chúa Giê-xu còn thực hiện các phép lạ đồng thời với công tác giảng dạy của Ngài, chính điều này đã làm cho Ni-cô-đem trở nên hiếu kỳ xen lẫn ngạc nhiên. Ông tìm đến với Chúa Giê-xu để hỏi Ngài những điều mà trong lòng ông chưa có câu trả lời. Ni-cô-đem cũng biết bản thân ông không thể nào có một phong cách giảng dạy đầy quyền uy và các dấu lạ giống như Chúa Giê-xu đã thực hiện. Những gì ông truyền đạt cho tuyển dân chỉ là những bài học luật pháp khô khan mà chính trong lòng ông cũng không được thuyết phục về nội dung của nó. Bi kịch của nền giáo dục Do Thái Giáo thời bấy giờ chắc vẫn còn tái diễn trong mọi thời đại!

people-apostle-disciple-goodsalt-wjpas0391

Chúa Giê-xu biết câu hỏi trong lòng Ni-cô-đem. Ngài bắt đầu khai sáng tâm trí ông:

-Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu người nào chưa được tái sanh, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.

“Tái sanh”, lần đầu tiên trong cuộc đời Ni-cô-đem nghe từ này. Chúa Giê-xu nói đến ý nghĩa thuộc linh của từ “tái sanh”, nhưng vị giáo sư của dân Do Thái lại hiểu theo một ý nghĩa vật lý. Ông hỏi lại Chúa Giê-xu:

-Người đã già thì làm sao tái sanh  được? Có thể nào vào lòng mẹ lần thứ hai mà sanh ra nữa sao?

Một tâm trí tự nhiên chưa nhận được ánh sáng thiên thượng thì không thể nào hiểu được những điều thuộc linh. Ni-cô-đem đã từng là một sinh viên xuất sắc khi còn trong chủng viện thần học. Tốt nghiệp ra trường ông là một trong những giáo sư ưu tú của người  Pha-ri-si, rồi được tiến cử trở nên thành viên của tòa án tối cao Do Thái. Ông hẳn là người có kiến thức uyên bác so với những người cùng thời. Nhưng khi Chúa Giê-xu nói đến sự tái sinh, ông ngẩn người ra, ú ớ không hiểu gì cả.

Chúa Giê-xu  tiếp tục giải thích cho Ni-cô-đem những điều thuộc linh:

-Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu người nào chẳng bởi nước và Thánh Linh mà sanh, thì không thể vào nước Đức Chúa Trời được.  Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt, hễ chi sanh bởi Linh là linh.  Chớ lấy làm lạ vì cớ ta đã nói với ngươi: ‘Các ngươi cần phải tái sanh.’  Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng nó, nhưng chẳng biết nó đến từ đâu và đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy.”

Ni-cô-đem vẫn chưa thể hiểu được bài học Chúa dạy vượt quá tâm trí khôn ngoan của ông. Một giáo sư giữa vòng dân Do Thái lại không thể hiểu những điều Chúa phán! Chúa có ý gì khi thông điệp của Ngài dường như vẫn còn bị niêm phong với Ni-cô-đem? Chúa Giê-xu biết cách để trao khải tượng cho từng môn đệ, Ngài biết lúc này Ni-cô-đem chưa ngộ ra những gì ông ta nghe được từ Ngài, nhưng trong tương lai ông ta chắc sẽ nắm bắt được.

Cuộc viếng thăm bí mật của Ni-cô-đem với Chúa Giê-xu  chỉ diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ. Ni-cô-đem hỏi, Chúa trả lời, nhưng trong lòng ông vẫn còn trĩu nặng với những nghi vấn. Ông chưa thể hiểu được sự tái sanh vào lúc này, nhưng dù sao ông cũng đã được tiếp xúc với một con người mà từ lần diện kiến đó cuộc đời ông bắt đầu có sự chuyển hướng. Lịch sử ghi lại nhiều sự kiện là có vô số người đã thay đổi khi họ gặp được Chúa Giê-xu.

Ni-cô-đem yên lặng trở về nhà sau chuyến viếng thăm trong đêm. Chúa Giê-xu tiếp tục cuộc hành trình của Ngài đến Giu-đê. Ni-cô-đem không ngừng theo dõi những bước chân của Chúa và suy gẫm những gì mà ông đã nghe Chúa phán dạy.

Tái sanh là gì? Ta không thể hiểu được điều này. Ni-cô-đem tự nói với chính mình. Ông bắt đầu suy tư và đi vào sự cầu nguyện tìm kiếm một lời giải từ thiên thượng. Lời dạy của Chúa Giê-xu dành cho ông là một thách thức lớn: “Nếu người nào chẳng bởi nước và Thánh Linh mà sanh, thì không thể vào nước Đức Chúa Trời được”. Trong suy nghĩ miên man, những ý tưởng của ông vụt lóe sáng thành lời cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho con hiểu được nước và Thánh Linh có ý nghĩa gì? Con muốn được vào nước Đức Chúa Trời.

Đôi khi lời cầu nguyện chân thành cũng cần có thời gian nhất định để nhận được câu  trả lời từ Chúa.

Vào lúc này Ni-cô-đem cũng chỉ dừng lại trong một nhận thức: Chúa Giê-xu là giáo sư vĩ đại đến từ Đức Chúa Trời. Tâm trí của ông chưa vượt xa hơn về thân vị và chức vụ của Chúa Giê-xu trên đất. Điều này là lẽ tự nhiên, vì lúc này ngay cả các sứ đồ cũng chưa thể có một nhận thức rõ ràng về người thầy siêu việt của họ.

Dù sao thì Ni-cô-đem cũng đã có một khởi đầu tốt với Chúa Giê-Xu. Ai tìm kiếm Chúa hết lòng, người đó sẽ gặp được Ngài. Nhưng sau khi tiếp xúc cá nhân với Chúa Giê-xu, ông cũng chỉ mới biết Ngài theo cách bề ngoài thông thường.

Chức vụ của Chúa Giê-xu bị chống đối liên tục từ những người Pha-ri-si trong những năm sau đó. Họ không thể nào chấp nhận lời giảng của Ngài đối kháng với truyền thống của Giáo Hội đương thời. Vào năm 32  khi Lễ Lều Tạm diễn ra các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si đã sai quân lính đi bắt Chúa Giê-xu vì những gì Ngài dạy gây chia rẽ giữa vòng tuyển dân. Bọn lính ra đi rồi trở về thưa rằng: “Chẳng hề có người nào đã nói như người nầy”. Các người Pha-ri-si tỏ thái độ khinh miệt họ: “Các ngươi cũng đã bị phỉnh dỗ sao? Có một người nào trong các quan hay là trong những người Pha-ri-si tin đến người đó chăng? Song lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là một dân đáng rủa!” Lúc này Ni-cô-đem ra mặt bênh vực Chúa Giê-xu: “Luật chúng ta há bắt tội một người nào chưa tra hỏi đến, và chưa biết điều người ấy đã làm, hay sao?”

Trong lòng Ni-cô-đem đã có cảm tình đặc biệt với Chúa Giê-xu, ông vượt qua sự sợ hãi khi công khai bênh vực chức vụ của Ngài giữa vòng những bạn đồng liêu. Ông đã có một cảm nhận từ trái tim là cuộc đời ông sẽ trở nên hụt hẫng nếu không có Ngài.

Tạm thời Chúa chưa bị bắt vì mục vụ của Ngài trên đất vẫn còn, và giờ G định mệnh chưa đến.

Cho đến một ngày kia…

Chức vụ của Chúa Giê-xu bước qua năm thứ ba. Sự chống đối của những người lãnh đạo Do Thái Giáo đối với Ngài đã lên tới đỉnh điểm. Chúa Giê-xu lên Giê-ru-sa-lem chuẩn bị hoàn tất chương trình cứu chuộc. Kẻ thù đã chuẩn bị một kế hoạch để bắt Chúa. Và rồi điều tệ hại nhất đã đến, Ni-cô-đem bàng hoàng khi nghe tin Chúa Giê-Xu bị bắt và kẻ thù chuẩn bị đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Bỗng dưng ông nhớ lại những gì Chúa dạy trong đêm đặc biệt đó: “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.  Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”

– Đúng rồi, “Con Người” mà giáo sư Giê-xu nói ở đây chính là Ngài. Ngài phải bị treo trên cây gỗ. Ngài là Con Một của Đức Chúa Trời. Ta  đã tìm thấy rồi, Ni-cô-đem tự nói lớn với chính mình trong phòng riêng đến nỗi bà vợ ông phải ngạc nhiên:

– Ông vừa nói cái gì thế?

– Bà ơi, hãy nghe đây: Giê-xu – người Na-xa-rét chính là Con Một của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Ni-cô-đem nói lại với vợ mình nguyên văn lời Chúa Giê-xu đã nói với ông trước đây. Ánh sáng thiên thượng đã đến và ông hiểu ra những gì Chúa phán dạy trước đó.

“Lạy Chúa con muốn được sanh lại bởi quyền năng Thánh Linh”. Ni-cô-đem thốt lên lời cầu nguyện.

Ni-cô-đem lập tức đến hiện trường – nơi Chúa Giê-Xu bị đóng đinh trên thập tự giá. Tự nhiên ông có một linh cảm: Không dễ gì Chúa Giê-xu, Con Một của Đức Chúa Trời lại phải trải qua một cái chết thông thường.

Ni-cô-đem lên đồi Gô-gô-tha vào buổi chiều lịch sử sau khi Chúa trút hơi thở cuối cùng. Từng cơn gió hiu hắt trên đồi hoang như một khúc nhạc bi tráng đi vào tâm hồn người nghị viên của Tòa Công Luận. Ni-cô-đem đứng đó nhìn vào ba thi thể trên thập tự giá, ông nhận ra khuôn mặt của Chúa Giê-xu giữa hai khuôn mặt khác. Ni-cô-đem muốn bật khóc nhưng lạ chưa khóe mắt ông vẫn ráo hoảnh – những giòng lệ đã khô cạn tự bao giờ. Tâm hồn ông chùng xuống giữa đất trời một màu tang tóc thê lương! Tuy nhiên tận sâu thẳm trong cõi lòng Ni-cô-đem cảm biết điều ngoạn mục sẽ xảy ra sau sự chết của Chúa.

Ni-cô-đem biết điều ông phải làm vào lúc này.

Lúc bấy giờ Giô-sép người A-ri-ma-thê, môn đồ Đức Chúa Giê-xu một cách kín giấu là một người giàu có và cũng là nghị viên của Tòa Công Luận đến gặp quan tổng đốc Phi-lát xin phép lấy xác Chúa Giê-xu để chuẩn bị thủ tục mai táng. Quan tổng đốc chấp thuận lời thỉnh cầu của Giô-sép. Điều này trái với lẽ thường là các thi hài của những kẻ chết vì tội dấy loạn sẽ bị quăng vào một ngôi mộ tầm thường nào đó. Nhưng ngôi mộ mà Giô-sép dùng để chuẩn bị mai táng xác Chúa là một ngôi mộ sang trọng dành cho người giàu có gần nơi Chúa bị đóng đinh. Khi Giô-sép chuyển thi hài của Chúa xuống khỏi thập tự giá thì Ni-cô-đem cũng đến đem theo một trăm cân một dược (đơn vị đo lường của La Mã lúc đó tương đương 33 kg) hòa với lư hội.  Cả hai người Giô-sép và Ni-cô-đem lấy xác Đức Chúa Jêsus, dùng vải gai và thuốc thơm gói lại, theo đúng thủ  tục khâm liệm của dân Do Thái.

Giô-sép và Ni-cô-đem đã thắng hơn sự sợ hãi, hai ông đã dũng cảm công khai niềm tin vào Chúa Giê-xu với công chúng khi hành động mai táng xác Chúa với sự trân trọng hiếm thấy. Đáng lý ra công việc này phải thuộc về nhóm mười hai sứ đồ. Các sứ đồ đi đâu vào lúc này?  Có thể họ bấn loạn tinh thần nên đã bỏ của chạy lấy người! Và trong hoàn cảnh đặc biệt đó hai nghị viên của Tòa Công Luận đã thực hiện sứ mạng đặc biệt của mình.

Sau ba ngày nằm trong mộ địa, Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi  chết một cách khải hoàn.

Điều trông đợi của Ni-cô-đem đã thành hiện thực: Giê-xu, người Na-xa-rét không thể chết theo cách bình thường, Ngài đã sống lại!

lord-woman-man-goodsalt-wjpas0025

Ni-cô-đem nhận ra ánh sáng chân lý sau khi Chúa phục sinh. Cuộc đời ông thay đổi từ đây. “Lạy Chúa Giê-xu con tin Ngài là Con của Đức Chúa Trời, đã đến thế gian để chết đền tội cho con và Ngài đã sống lại”. Ni-cô-đem tuôn ra lời cầu nguyện tự nhiên như một dòng suối được khai thông.

Sự sống mới tràn vào tâm hồn Ni-cô-đem. Ông bước ra khỏi Do Thái Giáo với những giáo điều khô cứng để trở nên một môn đệ công khai, can đảm của Chúa Giê-xu. Hành động đức tin của ông đã làm cho các thành viên còn lại của Tòa Công Luận sửng sốt. Nhưng trường hợp của ông cũng tạo niềm cảm hứng Tiếp Nhận Chúa Giê-xu cho những người khác còn ở trong vòng trói buộc của những quyền lợi đời này. Trong bất kỳ thời đại nào thì Phúc Âm của Chúa luôn có quyền năng vô đối để giải phóng con người ra khỏi những rào cản, cho dù họ thuộc tầng lớp nào của xã hội.

Không bao lâu sau đó, Ni-cô-đem đã đến với các sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng nhận lãnh phép báp-tem. Chấp nhận bị cách chức nghị viên của Tòa Công Luận và bị trục xuất ra khỏi Giê-ru-sa-lem vì tin Chúa Giê-xu, Ni-cô-đem cũng cởi bỏ chiếc áo Pha-ri-si để trung tín phục vụ Chúa Giê-xu và Phúc Âm của Ngài cho đến cuối đời. Danh vọng, địa vị, quyền lợi của ông trong Giáo Hội không là gì cả vì ông đã tìm gặp được Cứu Chúa của mình.

TƯỜNG VI

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn