Tuổi Bạc, Tuổi Vàng
Tôi hân hạnh được tham dự buổi họp của một nhóm cao niên tại tiểu bang Florida. Nhóm này chỉ hơn 10 người và có tinh thần học hỏi cao. Trước khi vào phần ăn uống, họ có phần trà đàm về một vài vấn đề liên quan đến tuổi cao niên. Hai tuần trước, anh trưởng nhóm đã thông báo “agenda” là hôm nay trước khi ăn sẽ bàn về sức khỏe cao niên, sau đó là mừng sinh nhật chị Bốn “Thất tuần thượng thọ” 70 tuổi.
Giờ mạn đàm bắt đầu mà đã thấy sôi nổi, khi anh Tám, người mới về hưu vài tháng nay khai hỏa trước: “Tôi đặt cho thời gian từ tuổi 50 cho đến lúc về hưu là tuổi bạc, lúc này phần lớn chúng ta thấy nợ nần bắt đầu mòn, con cái bắt đầu lớn, đời sống thấy bớt vất vả, có thể bắt đầu để dành tiền hưu. Người được 50 tuổi có thể gia nhập hội cao niên AARP ở Hoa Kỳ. Rồi sau khi nghĩ hưu, chúng ta có dư thì giờ, nếu tiền nong không eo hẹp và còn sức khỏe thì có thể gọi đó là tuổi vàng.” Một chị bạn lên tiếng: “Má tôi năm nay 95 tuổi, mà còn sáng suốt, còn đọc sách báo, đi đứng, nói năng, ăn uống không trở ngại gì thì tôi thấy quý hơn vàng nữa, tôi gọi là tuổi platinum hoặc tuổi kim cương”. Một anh hỏi: “Tôi đồng ý với 3 danh xưng này, nhưng còn tuổi trước 50 là gì?” Anh trưởng nhóm lên tiếng: “Nhớ lại, thời trước tuổi 50, ai cũng vất vả làm việc trong thời người khôn của khó, phải nuôi dạy con cái, nhiều lúc xanh mặt với nợ nhà, nợ xe, nợ học… Có thể gọi thời gian này là tuổi chì vì “chì” lắm mới tồn tại được thời “chịu đấm ăn xôi” này. Chị Bốn, nhân vật chính ngày hôm nay, lên tiếng: “Tụi mình, tuổi suýt soát nhau, trên dưới 70, còn sức khỏe, chúng ta nên cảm ơn Thượng Đế vì bây giờ nghĩ lại tôi thấy không gì quý hơn sức khỏe.” Anh Sáu góp lời: “Vợ chồng tôi thường tạ ơn Thiên Chúa còn gìn giữ cơ thể mình mọi thứ còn được thông, chưa chỗ nào bị nghẽn nghẹt. Tính ra, tôi thấy vợ chồng tôi, cũng như các anh chị có 5 điều THÔNG: Tuần hoàn thông, Hô hấp thông, Ống tiêu hóa thông, Niệu tiết thông, Gân cốt thông.
Chúng tôi cũng cảm tạ 4 điều mình chưa bị theo ABCĐ: A/ chưa bị Ai-xây-mơ (Alzheimer’s disease: lú lẫn); B/ chưa bị Bại liệt; C/ chưa bị Căng-xe (Cancer: Ung thư); D/ chưa bị Đái đường.” Chị Mười trầm ngâm nói: “Đã làm trong Nursing Home nhiều năm, tôi thấy một thế giới khác, một thế giới thê lương của những người bị những bệnh mà họ không thể tự săn sóc mình được và mỗi ngày đều phải nhờ đến người khác giúp. Bị méo mó nghề nghiệp, tôi chỉ thấy con người phân làm hai dạng: dạng còn có thể đi đứng, và dạng chỉ có thể nằm hoặc ngồi vì đứng lâu hay bước đi là té ngã. Người ở dạng “đi đứng” chắc chắn đỡ khổ hơn người ở dạng “nằm ngồi”. Người ở dạng sau ngày càng tệ hơn, rất hiếm khi đi đứng trở lại. Có người rất trẻ bị tai nạn nằm liệt luôn, mọi sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo, tiêu tiểu, di chuyển đều tùy thuộc vào người khác. Các anh chị phân tuổi ra tuổi bạc, tuổi vàng rất đẹp, nhưng những người không may này thì thấy quả là bạc… bẽo và vàng… vọt! Những người này không thể gọi là sống lâu, sống thọ mà có thể gọi là chết trễ.
Anh trưởng nhóm góp ý: “Về dự đoán tuổi thọ (life expectancy), theo CDC (Centers for Disease Control) vào năm 2012, người ở tuổi 65 thì đàn ông sống thêm 17 năm, đàn bà có thể thêm 20 năm. Những năm gần đây, người ta hay nói về những con số thực dụng hơn là dự đoán năm sống khỏe mạnh (Healthy Life Expectancy). Theo cơ quan WHO (World Health Organization) thì trung bình cho người tại Hoa Kỳ, số năm sống khỏe mạnh (HLY: Healthy Life Years) cho đàn ông là 68, đàn bà là 72. Nói cách khác, tính theo trung bình, một ông sống khỏe mạnh cho đến năm 68 tuổi, sau đó vì bệnh tật, vì tai nạn, sức khỏe bị suy sụp, có thể phải đổi từ diện “đi đứng” sang diện “nằm ngồi”, phải vô viện dưỡng lão, cho đến năm 82 tuổi thì chết. Vậy ông nào trên 68 tuổi mà còn khỏe mạnh là phước hơn nhiều công dân khác tại Mỹ rồi đó. Vấn đề cần cho chúng ta suy nghĩ là làm cách nào để thời gian khỏe mạnh được kéo dài. HLY càng cao càng tốt, thời gian sống dật dờ, như chết chưa chôn càng ngắn càng hay. Chúng ta đã nhiều lần nói về dưỡng sinh rồi. Những phương cách dưỡng sinh giúp cho HLY của chúng ta được tăng thêm. Tránh thuốc lá, tránh uống rượu quá độ.” Anh nói tiếp: “Trong tiếng Anh có chữ Wellness có thể dịch là An Khang, chữ này có 8 chữ cái, có thể giúp chúng ta nhớ đến 8 bí quyết dưỡng sinh từ nay cho ngày cuối cuộc đời:
W: WATER (nhớ uống đủ nước sạch mỗi ngày)
E: ENVIRONMENT (tìm môi trường lành mạnh, có không khí trong lành, khí hậu thời tiết không quá khắc nghiệt mà sống)
L: LIGHT (cần ánh sáng mặt trời, 15 phút phơi nắng mỗi ngày là đủ).
L: LAUGH (nhớ cười nhiều, cười thường xuyên vì một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ)
N: NUTRITION (cần thức ăn lành mạnh, nhiều rau quả, ngô khoai đậu hạt)
E: EXERCISES (hoạt động thể xác, tinh thần. Đi bộ 30 phút mỗi ngày là đủ)
S: SLEEP (ngủ 7-8 giờ mỗi đêm, đừng lấy đêm làm ngày)
S: SERENITY (giữ lòng thanh thản là rất cần thiết để tránh sôi máu!) và SAFETY (an toàn: người cao niên dễ bị tai nạn lưu thông, hay té ngã, nên cần cẩn thận hết sức).
Sau đó đến phần ăn uống “potluck” với nhau và phần chót của chương trình là mừng sinh nhật chị Bốn. Chị tuy mất chồng 10 năm, nhưng sống vậy, không tái giá mặc dù có vài ông ước được đi nốt khoảng đời còn lại cùng chị. Khi được phỏng vấn, chị cho biết chị thông cảm với những người thấy cô đơn. Ông muốn tục huyền vì muốn bếp có ánh lửa hồng, bàn ăn có cơm nóng canh ngon; bà muốn tái giá vì muốn có người để …nhỏng nhẻo và để … chỉ huy. Nhưng chị Bốn, tánh khí cương cường, thích tự lập, tự liệu, chỉ muốn có bạn để xã giao mà thôi. Chị nói trong tình bạn, người ta hay chiều chuộng, quý trọng nhau; còn khi sống trong tình vợ chồng là phải chịu đựng nhau, phải “lụy” nhau. Mọi người hát chúc mừng sinh nhật cho chị Bốn. Quà tặng của nhóm hùn tiền mua là chiếc đồng hồ có tiếng chim hót từng giờ (singing bird clock). Chị cảm ơn các bạn cho món quà có ý nghĩa vì chị là người thích đúng giờ giấc và yêu thiên nhiên. Phía sau cái đồng hồ treo tường, các bạn cho in một bài thơ xưa:
Ta xem một chiếc đồng hồ,
Nếu không có thợ, bao giờ thành thân,
Phương chi máy tạo xoay vần,
Tứ thời bát tiết muôn phần lạ hơn,
Nên ta phải lấy trí khôn,
Luận rằng có Đấng Chí Tôn sinh thành.
Con chim nó hót trên cành,
Nếu trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có thì sao có mình?
Dưới bài thơ, có ghi câu “Trời là gốc của vạn vật” và câu chữ Hán: Thiên giả, quần vật chi tổ dã 天者群物之祖也 (Đổng Trọng Thư).
Mọi người cười vui vẻ khi thấy bài thơ cổ với tác giả khuyết danh mà anh trưởng nhóm tìm tòi được rất thích hợp với chị Bốn. Các bạn nhớ lại hai tháng trước khi nhóm bàn về Thuyết Tiến Hóa và Thuyết Sáng Tạo, chị Bốn là người hăng say bảo vệ thuyết Sáng Tạo và chị tuyệt đối tin tưởng vào sự tể trị của Đức Chúa Trời trên vũ trụ, vạn vật cũng như đời sống cá nhân của chị.
Để kết thúc buổi nhóm, anh trưởng nhóm ngâm đọc bài thơ “Còn Bao Lâu Nữa?” của BS TNT:
Tụi mình trên dưới bảy mươi
Nhìn đi ngó lại chỉ mười năm thôi.
Số đông biến mất đâu rồi
Số hên còn lại lẻ loi chắc buồn.
Đếm kỹ còn mấy trăm tuần
Thời gian vùn vụt, bao lần gặp nhau?
Thôi thì còn lại ngày nào
Hãy vui ngày ấy, miệng chào thật tươi.
Khác biệt gì cũng thế thôi
Mai kia nằm xuống để rồi được chi.
Sao bằng ta cứ vui đi
Hơn thua dẹp hết, ôm ghì bạn xưa.
Trước khi chia tay, anh trưởng nhóm chúc mọi người được mạnh khỏe để tận hưởng tuổi vàng, an hưởng tuổi trời và vui hưởng mùa Xuân bất tận trong lòng.
Châu Sa ghi chép