Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / CHẾT LÀ HẾT?

CHẾT LÀ HẾT?

Bài trước:

LỜI TUYÊN XƯNG CỦA VIÊN SĨ QUAN THI HÀNH ÁN

CHẾT LÀ HẾT?
Bertrand Russell từng nói: “Tôi tin rằng khi chết tôi sẽ bị thối rửa”. Không gì phải tranh cãi. Hiển nhiên đó là điều đúng. Nhưng đó có phải là toàn bộ sự thật? Có phải “tôi” thật sự sẽ biến mất?

questionoflife

Một câu hỏi lôi cuốn.
Cứ mỗi mấy năm lại có một tờ nhật báo chính thức hoặc các báo ra ngày Chúa Nhật đề cập đến vấn đề này. Họ phát hành một loạt bài có những tựa đề như “Sự sống sau cái chết – Điều huyền bí vĩ đại”. Các công ty bảo hiểm tận dụng cơ hội này với ngập tràn những lời quảng cáo đại loại: Nơi Ẩn Náu Của Cuộc Sống. Câu hỏi về một sự sống bên kia phần mộ đã thu hút con người từ thuở sơ khai của lịch sử nhân loại. Tôi nhớ đã từng đến một trong những ngôi mộ cổ nhất còn tồn tại ở Byblos, Li-ban. Những bộ xương được chôn cất có tư thế rất gợi mở. Đầu gối được xếp lại dưới cằm, và chúng được cho vào một cái lu đất giống như một quả trứng. Nói cách khác, những người trong thời đại xa xưa ấy đã ấp ủ hy vọng về một sự sống mới sẽ nảy nở từ quả trứng của sự chết. Họ hy vọng rằng sau khi một người chết đi, bằng một cách nào đó họ sẽ sống lại.
Trong một lần đến Ý, tôi còn nhớ mình đã phấn khích như thế nào khi thấy người La Mã bận tâm về chủ đề này. Có rất nhiều tranh ghép mảnh về chủ đề cái chết và thế giới bên kia tại Pompeii, một thành phố của nước Ý bị thiêu hủy hoàn toàn sau lần núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79 sau Công Nguyên. Nhiều bức tranh về những bộ xương đang nắm lấy những chiếc hủ trên tay, những bức tranh về cái chết với nhiều khung cảnh khác nhau, và một bức tranh đáng nhớ về chim phượng hoàng, một loài chim huyền bí được cho rằng sẽ sống lại nếu đốt trên giàn hỏa thiêu. Bên dưới bức tranh, tác giả đã viết: “Phượng hoàng, ngươi may mắn làm sao!”
Bạn chết khi bạn không còn thở, đúng là như vậy. Câu chuyện đến đó là chấm dứt. Không ai sống lại sau khi chết. Nhưng có phải đối với bạn thế đã là hết? Hay đâu đó còn có một sự sống nào khác? Đó là một câu hỏi rất thú vị.
Tuy nhiên có một khía cạnh khác của câu hỏi này.

Một câu hỏi mang tính đe dọa.
Nếu có một cuộc sống bên kia cái chết, vậy nó sẽ như thế nào? Nếu chết là hết đã đủ đau buồn, thì chết không phải là hết sẽ còn tệ hơn. Epicurus, một triết gia thiên hướng khoái lạc người Hy Lạp rất lâu về trước đã nói: “Điều con người sợ hãi không phải sự chết là hủy diệt, nhưng là điều ngược lại.” Vâng, trong bài thơ của ông tựa đề Chết đã mô tả chính xác xúc cảm đó:
Không sợ hãi cũng chẳng hy vọng
Một động vật đang chết đi.
Một người chờ đợi cái kết của đời mình
Sợ hãi và hy vọng mọi điều.

most-important-question

Sẽ ra sao nếu chúng ta đều phải giải trình về cuộc sống mà chúng ta đã trải qua? Sẽ ra sao nếu giống như Tân Ước đã nói: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét”? Hãy bỏ suy nghĩ ấy đi, nó quá khủng khiếp! Tuy nhiên điều đó là công bằng phải không? Như thế mới xứng đáng với sự tự do của chúng ta. Chúng ta đều biết rõ rằng tự do và giải trình là hai mặt của một đồng xu. Một sinh viên dường như hoàn toàn có sự tự do: nhưng sẽ đến một ngày anh ta phải giải trình về mình trong bài thi cuối khóa. Một kiến trúc sư được tự do thiết kế và xây dựng căn nhà. Nhưng đến cuối ngày, anh phải báo cáo lại với người chủ của mình. Vậy sẽ ra sao nếu sự sống cũng giống như vậy? Sẽ ra sao nếu đó là sự thật khi: “mỗi một người trong chúng ta đều phải giải trình về chính mình trước Đức Chúa Trời”?
Sẽ ra sao nếu câu chuyện Đức Chúa Giê-su kể về người giàu có dại dột là sự thật? Một người đã sống như thể đời sống này là tất cả; ông biến thành công, tiền bạc, của cải thành những thần tượng của mình, và bỏ Chúa ra ngoài. Và rồi một đêm ông qua đời. Đức Chúa Trời phán cùng ông: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” Một câu chuyện đầy ám ảnh, rất phù hợp cho thế hệ quá thiên về vật chất của chúng ta ngày nay. Có thể nào Đức Chúa Giê-su đã nói đúng không? Nếu có, thật không vui chút nào khi nghe Đức Chúa Trời phán với bạn rằng: “Hỡi kẻ dại”. Không lâu về trước tôi thấy một quảng cáo bảo hiểm nhân thọ khuyên bạn hãy đầu tư vào công ty đó. Quảng cáo kết thúc bằng một câu đầy mỉa mai: “Hãy để những ai nghĩ rằng họ sẽ sống mãi tự lo cho mình.” Sẽ ra sao nếu chúng ta phải sống phụ thuộc – và không thể tự lo cho mình?
Sẽ ra sao nếu những điều trong câu chuyện của Đức Chúa Giê-su về người giàu và La-xa-rơ là sự thật? Sẽ ra sao nếu có một thế giới bên kia và chúng ta phải giải trình về những việc làm của mình trên đời này? Vì ích kỷ, chúng ta nhẫn tâm coi thường nhu cầu của La-xa-rơ, người ở ngay trước cửa nhà, đó là chưa kể đến một nửa dân số thế giới đang sống trong tình trạng nghèo ngặt bởi chính sách kinh tế mà các quốc gia đang theo đuổi. Sẽ ra sao nếu trong ngày đó chúng ta sẽ bị phán xét vì cách mà chúng ta đã đối xử với người tài xế da màu, người thu nhặt rác, hay một người già trong một bệnh viện địa phương? Dĩ nhiên, sự thành kiến – trong đó có phân biệt chủng tộc – có hai mặt của nó. Gần đây, một lãnh đạo Cơ Đốc người da đen đã thách thức những tín hữu da đen của mình như vầy: “Trong ngày phán xét, Chúa sẽ nói với chúng ta: “Tại sao con không giảng Phúc Âm cho tất cả những người da trắng tội nghiệp đang lạc mất trong giàu có và tham vọng?” Sẽ ra sao nếu một điều không mấy thú vị như thế cuối cùng hóa ra lại là sự thật?
“À,” bạn nói, “đó hoàn toàn chỉ là suy đoán mà thôi. Làm sao có thể biết chắc được?”

vh1

(Còn nữa)

MICHAEL GREEN

Translated by Vinh Hien.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn