Dầu đến buổi già bạc, họ sẽ còn sanh bông trái,
Được thạnh mậu và xanh tươi. Thi 92:14
Một bài viết dành cho người cao tuổi và những ai chuẩn bị làm người cao tuổi. Nó cũng thích hợp cho các bạn trẻ là những người quan tâm đến người cao tuổi.
🙂
Tản Mạn Về Tuổi “Xế Chiều”
Vẫn biết diễn tiến sự vật trên đời này là “thành, trụ, hoại, diệt”, con người không ai tránh khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”; nhưng tâm lý con người vẫn không khỏi một thoáng buồn khi có ai nhắc mình đang ở tuổi già. Nhất là đối với phái nữ, câu hỏi về tuổi tác được xem là kém tế nhị. Do vậy tựa đề của bài này tôi cũng không muốn viết là “tản mạn về tuổi già” mà chỉ đề là “tản mạn về tuổi xế chiều”, mặc dù nội dung sẽ chỉ nói toàn những chuyện lặt vặt quanh tuổi già. Tuổi hoàng hôn, tuổi xế chiều; và tuổi thọ hơn nhiều được gọi là tuổi hạc cũng nhằm thi vị hóa một giai đoạn cuối [già] của đời người. Hơn nữa nếu biết cách sống thì “thân già nhưng tâm hồn không già” và chúng ta cũng sẽ hạnh phúc!
Ở tuổi nào được gọi là già? Nếu chúng ta có dịp vào nghĩa trang người Việt, nhìn lên các bia thì thấy người chết dưới 60 tuổi, bia khắc có chữ hưởng dương…; còn trên 60 tuổi thì ghi là hưởng thọ. Còn sống tới 70, người xưa được xem là hiếm, nên nhà thơ Đổ Phủ [nhà Đường bên Trung Hoa] có nói “nhân sinh thất thập cổ lai hi”. Hiện nay ở các nước, tỷ lệ người sống trên 70 được xem là phổ biến. Nhiều người tuy tuổi đã cao trên 70 nhưng vẫn còn phong độ, trông như dưới 50. Để cho gọn, ta chọn tuổi 60 làm mức ngưỡng cửa, bắt đầu của giai đoạn tuổi già.
Những bạn nào trên 60 giờ hãy nhớ là mình đang bắt đầu già rồi đấy. Nhớ để biết, để mà không buồn… vì già là lẽ đương nhiên và cuộc sống người già của mình cũng có những điều nên hãnh diện lắm.
Sự cảm nhận “mình đã già” cũng khác nhau ở mỗi người. Có người thì thấy “buổi chiều” của đời mình đến thật lặng lẽ, nhẹ nhàng, nhưng cũng có người sao thấy “chiều tối” buông xuống nhanh quá và ngỡ ngàng, như “cái già sồng sộc” đến của nhà thơ Hồ Xuân Hương. Ở phụ nữ thường xuyên trang điểm, nhận thấy mình bắt đầu có những vết nhăn kín đáo nơi khóe mắt, hay da bắt đầu bớt mịn màng, có một vài vết nám mờ, những nếp nhăn thật dễ ghét, hai khóe miệng có vết hằn khi cười nhẹ… thì trong lòng mình đã bắt đầu lâng lâng buồn. Ở phái nam, do cuộc sống có nhiều lo toan và bận rộn, nhiều khi không để ý đến bề ngoài; bỗng nhiên một ngày nào khi soi gương, ngạc nhiên thấy “sợi tóc trắng của ai vướng trên tóc mình”! Bạn bè thân quen đã lâu ngày xa nhau, nay gặp lại hai bên đều trố mắt nhìn, nói chẳng hết lời: “Sao bây giờ mày…”, “Ủa! Tóc ông sao mà…” Cả hai đều bật cười, rồi cảm nhận một chút xót xa vì lâu nay đâu biết rằng mình đang già và .. già lắm! Người già có tật hay “nói nhiều, nói dài, nói dai”, đàn ông thì hay nói cộc lốc, nóng nảy, không dịu dàng tế nhị; còn các bà cụ thì hay cằn nhằn, lải nhải, nhăn nhó.
Các cụ thường hay can thiệp vào đời sống riêng tư của con cháu, nên trong sinh hoạt gia đình, cha mẹ con cái bắt đầu có những bất đồng do khác biệt về nhiều thứ giữa hai thế hệ. Ngay trong đời sống vợ chồng, những cử chỉ biểu lộ tình cảm yêu đương cũng dần dần thận trọng, kín đáo trước mặt con cái. Cách xưng hô thân mật “anh, em, mình ơi” giữa vợ chồng với nhau cũng có khi được thay thế bằng “ông ơi, bà ơi, ba thằng hai, má con năm…” Riêng tôi, tôi cảm nhận tuổi già của mình đến chậm và nhẹ nhàng. Tôi ghi nhận qua từng tháng năm, khi tóc bắt đầu có màu muối tiêu rồi bạc; rồi những dấu hiệu trước đây tôi chưa từng có bắt đầu xuất hiện. Tôi hay quên, thiếu tập trung, loay hoay kiếm tìm chìa khóa xe hay cặp kính trong khi nó đang ở trên người. Mắt tôi bắt đầu mờ, gương tăng độ dần. Tai tôi bắt đầu nghễnh ngãng. Bệnh nhân cũng lần hồi thay đổi cách xưng hô với tôi qua từng thập niên. Lúc đầu bệnh nhân của tôi “thưa anh…” rồi thì mười năm, hai mươi năm sau thì “thưa chú…” “thưa bác…” và thật ngỡ ngàng; mới đây trong dịp đi hội chợ, tôi hỏi đường, một cậu thanh niên người Bắc trả lời “ông ngoại đi đường này…” khiến tôi phì cười. Chẳng lẽ mình đã già đến thế sao!
Dung nhan của người già kể cũng khó coi: da khô, nhăn, hai má chảy xệ, nhất là đầu tóc bạc trông xơ xác làm sao! Vì vậy phải tốn tiền đi thẩm mỹ viện, căng da, xẻ mắt hay nhuộm tóc cho dễ coi và cũng để được an ủi khi có người khen mình trẻ lại. Trước khi nhuộm tóc vì bạc nhiều quá, có một thời gian tóc bạc còn ít, nên rất ngứa; người ta rất thích được nhổ tóc bạc, mong xóa đi vết tích của thời gian. Viết đến đây tôi lại liên tưởng đến một hiện tượng buồn cười đang có ở Việt Nam, mà báo trong nước có đăng. Đó là “mốt thời thượng”của cánh đàn ông tại Hà Nội: “dịch vụ nhổ tóc bạc” hoạt động sung túc tại một khu phố. Còn gì thích thú hơn, được nằm trên ghế, trong phòng mở máy lạnh và nhạc êm dịu, có một cô gái xinh đẹp vừa nhổ tóc,vừa tâm sự bằng giọng nói nũng nịu, xưng hô “anh, em” ngọt như mía lùi. Các ông viện cớ ở nhà nhổ tóc không sướng, vợ thì bận bịu việc cơm nước, khi ngồi mà nhổ được tóc cho chồng thì nhăn nhó, có khi mắt kém bà nhổ luôn cả sợi tóc đen. Còn cháu nội thì mới nhổ vài sợi đã bỏ chạy khi bạn bè rủ đi chơi, vui hơn. Các cửa hiệu này lúc đầu chỉ có những ông có nhu cầu nhổ tóc bạc, nay thì cả những người tóc muối tiêu và tóc còn đen cũng vào nườm nượp. Dịch vụ này hiện nay đang phát triển rầm rộ, sung túc. Tuổi già mà theo mốt thời thượng này chắc chắn hại cho sức khỏe nhiều hơn!
Trừ lứa tuổi còn nhỏ, sinh hoạt của con người không ngoài bốn nhu cầu: ăn, ngủ, sinh hoạt tình dục và đại tiểu tiện. Tuổi già thì những nhu cầu này càng quan trọng hơn. Ăn thế nào cho đúng cách hợp với tuổi già? Ngủ thế nào cho đầy đủ sức khỏe? Có nên sinh hoạt tình dục không? Và tại sao phải gìn giữ việc đại tiện được ổn định, bình thường? Vẫn biết nghệ thuật sống là theo sự mách bảo của cơ thể [listen to your body], nhưng ta không thể chiều theo những mách bảo xét thấy có hại đến sức khỏe. Những nhu cầu như ăn, ngủ, đại tiện cũng đã được nhiều sách y học hướng dẫn chi tiết, ở đây ta chỉ đề cập đến một số điểm chính. Trước hết người già không cần ăn uống nhiều, nên ăn uống vừa phải, không no lắm. Chỉ cần ngon miệng. Món ăn thịnh soạn, nhiều chất bổ chưa hẳn là món ngon đối với người già. Nhiều khi những món rất đơn giản, con cháu xem thường, nhưng món đó lại là những món ăn đã quen dùng, gắn kết với biết bao kỷ niệm. Người già thường sống vào những ký ức, những kỷ niệm xưa. Trước một món ăn thèm thuồng, nước bọt và dịch vị tăng tiết, góp phần làm dễ tiêu hóa, không bị chướng hơi, khó tiêu. Cho nên con cháu nên để các cụ ăn tùy thích. Tôi còn nhớ lúc mẹ tôi còn sống, mỗi khi về VN cụ cứ đòi nấu canh mít non nấu đậu phọng thêm chút mắm ruốc và món mít non kho nước dừa… Bây giờ kiếm mít non ở thành phố rất là khó, các chợ không thấy bán như ngày xưa. Khi nhìn thấy mẹ ăn với vẻ thích thú ngon lành, khiến tôi thấy mình đi kiếm mua mít non thật không uổng công. Nếu trong bụng không thấy đói thì cũng không cần phải ăn đúng giờ. Uống thì nên tránh uống nhiều nước ngọt có hơi, trái cây tươi vẫn tốt hơn. Ngủ cũng vậy! Không cần ngủ nhiều quá 7 giờ/ngày, chỉ cần ngủ say, ngon giấc là được. Cố gắng tránh dùng đều đặn thuốc an thần như là một thói quen khi khó ngủ. Các món ăn uống trong buổi ăn cũng có phần nào ảnh hưởng đến giấc ngủ và việc bài tiết. Hiện nay thực phẩm nhiễm hóa chất độc khá nhiều nên càng góp thêm vào danh sách những bệnh xâm nhập qua đường tiêu hóa. Khi bị bón, chất độc ứ đọng trong ruột thấm vào máu làm tính tình dễ sinh gắt gỏng khó chịu, dễ đụng chạm với người khác nên tuổi già mà bị bón thật là điều bất lợi. Chúng ta tản mạn sang một nhu cầu tế nhị, nhạy cảm hơn là tình dục ở tuổi già.
Đây là một nhu cầu sinh lý bình thường. Do hoàn cảnh xã hội đạo đức gò bó của Á Đông nên nhiều cặp vợ chồng già VN không dám đề cập công khai vì sợ mang tiếng là “già gân” hay “già dịch”. Tình dục tùy thuộc vào yếu tố di truyền, thể chất tâm sinh lý và điều kiện dinh dưỡng, cũng như hoàn cảnh xã hội của mỗi người, mỗi nơi cũng có khác nhau; nhưng hầu hết sau 60 tuổi nam nữ vẫn có những đòi hỏi về tình dục.
Con người có nhiều mối lo sợ, lúc nhỏ thì sợ ma, về già thì sợ đủ thứ. Thường thì có ba nỗi sợ chính là: sợ đói, sợ bệnh tật, sợ cô đơn. Riêng sự cô đơn là nỗi ám ảnh của người già. Do sự khác biệt về quan niệm sống giữa hai thế hệ nên không tránh khỏi những xung khắc, giận hờn. Do đó người già nếu sống chung với con cái thì phải hỷ xả, chịu đựng và tha thứ. Cuộc sống hiện nay, con cái lo việc sinh kế, bận rộn…
Trong gia đình nhiều khi mọi người chỉ gặp nhau cuối tuần, và rất ít có thời giờ tâm sự. Con cái dù có thương cha mẹ bao nhiêu cũng buộc lòng gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn. Tại đây dù có được chăm sóc tốt đến đâu, cha mẹ vẫn cảm thấy cô đơn và buồn tủi. Làm con nên mỗi ngày có gắng thay phiên nhau vào thăm, an ủi. Ngược lại người già chúng ta phải tập tính tha thứ, thông cảm với cuộc sống của các con, không trách cứ giận hờn, bắt lỗi, nếu không thì tinh thần mình sẽ thêm bi lụy, hại cho sức khỏe. Trong những gia đình may mắn có điều kiện sống tốt hơn, hai ba thế hệ ở cùng nhau dưới một mái nhà; tuy là con cháu lo đầy đủ, người già bấy giờ cũng nên kiếm bạn qua môi trường đoàn thể tôn giáo, theo nhóm bạn già để sinh hoạt thể dục, họp mặt văn nghệ… để vui chơi. Những cuộc gặp gỡ bạn bè rất là cần thiết để nuôi dưỡng tình bằng hữu, khơi dậy kỷ niệm, giúp làm chậm sự lão hóa của não bộ. Được nhìn thấy nhau, được biết bạn mình bình an [dù sức khỏe mỗi ngày suy kém], nhưng được thấy mặt nhau là một an ủi lớn. Tôi còn nhớ bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến [1835-1884] tả việc bạn đến thăm nhà:
Đã bấy lâu nay bác đến nhà
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu sóng cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta.
Dù biết là nhà thơ viết dưới giọng điệu trào phúng, nhưng qua đó ta thấy tình bạn thật đậm đà và thắm thiết. Nhiều khi chỉ cần nhìn thấy nhau, biết bạn mình “còn đó” cũng là một niềm hạnh phúc. Tuổi già không thể thiếu bạn tâm đầu ý hiệp. Vợ cũng là một người bạn, người bạn đời theo đúng nghĩa. Nên khi có những cặp vợ chồng, không may một trong hai người mất đi, người còn lại cảm thấy cô đơn, suy sụp tinh thần; nếu không biết cách sống, nương theo hoàn cảnh thì sẽ sớm nối gót đi theo.
Bắt đầu bước vào cái tuổi xế chiều, người ta hay nghĩ nhiều về quá khứ. Đa số đều tự hào về những điều mình đã làm được, những kinh nghiệm sống, đã lo cho gia đình các con ngày hôm nay thành đạt. Họ nhớ về những ngày tháng còn chung một mái trường với bè bạn, những trận chiến oai hùng, mối tình đầu đẹp và trong sáng, những năm tháng vinh nhục của cuộc đời… Rồi giờ đây ở vào tuổi xế chiều, khi gặp lại được người bạn thân xưa, nhìn thấy một hình ảnh gợi nhớ như đôi mắt đẹp hay một giàn “hoa bâng khuâng” rực rỡ là kỷ niệm về người xưa, mối tình cũ trở về, khiến lòng mình nhung nhớ, thương tiếc rồi viết ra những bài thơ tình lãng mạn. Ngược lại không ít những người già, trong đó có những nhà thơ, nhà văn, và cả nhà chính trị nổi tiếng thì viết hồi ký, di cảo hay tâm sự về những thành công lẫn thất bại của mình như một lời phản tỉnh, ăn năn xin mọi người thông cảm và tha thứ trước khi chết. Khi có chuyện gì quá căng thẳng hay đau khổ, người già chúng ta thường hay than “biết vậy thà chết còn sướng hơn”. Vậy mà lúc sắp gặp Thần Chết thì mình lại lo sợ cuống cuồng, mong sống thêm nữa vì còn nhiều việc chưa làm xong! Như vậy rõ ràng là cuộc đời đáng sống lắm chứ!
Muốn vậy, ta phải sống theo sự chỉ dẫn chi tiết của những tạp chí Y học, hay đơn giản hơn là rút từ những hướng dẫn của báo Nếp Sống Mới tóm gọn như sau:
1. Trong tất cả các sinh hoạt, nhu cầu và giải trí, người già phải tùy duyên, tùy hoàn cảnh hợp với sức khỏe thể xác, tinh thần và tình cảm của mình. Làm việc gì chúng ta cũng phải từ tốn, theo từng nhịp thở đều và nhẹ [cách thở bụng] để khỏi mất năng lượng. Chọn thái độ “trung đạo”, xa rời hai thái cực trong các hoạt động thể chất và tinh thần.
2. Tập xả bỏ, tha thứ để tâm hồn an vui, tự tại. Nếu phải thấy, phải nghe, phải nói, phải biết thì cũng nên vui vẻ, nhưng đừng nhập tâm suy nghĩ và sinh phiền muộn. Lúc nào cũng nên hoan hỉ với nụ cười trên môi; vì cười là một liều thuốc bổ, mà lại chẳng tốn tiền chút nào.
3. Nâng cao thể lực bằng những bài tập thể dục nhẹ nhàng hợp với sức khoẻ tuổi già. Những môn thể thao mạnh, mất nhiều năng lượng nên thận trọng.
4. Tùy hoàn cảnh nên tham gia các hội đoàn tôn giáo, câu lạc bộ, nhóm bạn …để giải trí lành mạnh như đọc sách [nhất là sách truyện cười] chơi cờ, chơi vi tính, viết văn, làm thơ, họa, chụp ảnh, du lịch… cũng nhằm làm chậm tiến trình suy thoái tế bào não.
Thực hiện tốt những điều trên, chúng ta sẽ không còn băn khoăn tự hỏi liệu người già có thể sống hạnh phúc không? Hy vọng mỗi người chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc trong “tuổi xế chiều cho đến tuổi hạc”của mình.
Vy Kính
Nguồn: Báo Nếp sống mới