Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / TUỔI THƠ CẰN CỖI – 2

TUỔI THƠ CẰN CỖI – 2

TUỔI THƠ CẰN CỖI

 

 

images

TUỔI THƠ CẰN CỖI
LÝ KHOA VĂN
(Phần 2)

Cho đến một buổi chiều, tôi đi xem kết quả kỳ thi Tú Tài 2 được niêm yết trước cổng trường Quốc Học. Thấy tên mình trúng tuyển, tôi mừng quá, quay lưng chạy về nhà thì… chạm mạnh vào nàng đang vô tình đứng sau lưng tôi lúc nào tôi chẳng biết. Nàng loạng choạng sắp ngã. Tôi vội choàng tay ôm lấy nàng giữ lại. Hai đứa tôi sững sờ nhìn nhau không nói nên lời! Không biết đây có phải là định mệnh buồn, hay cơ-duyên may để kết hợp hai đứa tôi lại với nhau. Nàng cho biết đã cùng với hai cô bạn học ra Huế tuần trước để dự thi sư phạm và ngày mai sẽ trở về lại Hội An. Đây là khóa sư phạm một năm cuối cùng được mở ra tại Huế. Lúc đi chơi ngang qua Trường Quốc Học, thấy người ta đứng đông nên cũng tò mò vào xem thử, và không ngờ lại đừng ngay sau lưng tôi nên mới sinh chuyện…
Ngay tối hôm đó, hai đứa chúng tôi nắm tay nhau ngồi bên bờ sông Hương để hàn huyên tâm sự và tỏ tình với nhau. Nàng trách tôi vô tình, ra đi không nói một lời. Chuyến ra Huế nầy, nàng hy vọng sẽ gặp lại cố nhân… Không ngờ kết quả lại đẹp ngoài sức tưởng tượng. Bây giờ không còn nghịch cảnh hay mặc cảm nào có thể ngăn cách chúng tôi được, vì tương lai của đời tôi đã hé mở ở cuối đường hầm. Sau khi hiểu rõ hoàn cảnh của tôi, nàng yêu thương hơn. Giọt nước mắt cảm động đã lấp lánh trên hai hàng mi mắt của nàng. Nàng hứa khi về Hội An sẽ đến thăm viếng và chăm sóc ba mẹ tôi.Niên khóa tới tôi vào Đại học Văn Khoa và nàng ra Huế để nhập học khóa sư phạm cuối cùng. Hai chúng tôi có biết bao là kỷ niệm đẹp và thơ mộng bên nhau. Những ngày nghỉ học cuối tuần, tôi thường chở nàng trên chiếc xe đạp cà-tàng đi chơi hầu hết các danh lam thắng cảnh, đền đài, cung điện, lăng tẩm các vì vua, đến thôn Vỹ Dạ để “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”… Rồì đi ăn các món đặc sản bình dân như bánh bèo mini ở chân núi Ngự Bình, bún bò nổi tiếng vừa ăn vừa khóc ở chân cầu Gia Hội, bánh xèo giòn-rụm ở bên hông chợ Đông-ba .v.v…
Nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang! Cuối năm đó nàng tốt nghiệp sư phạm và được bổ nhiệm làm giáo viên ở chính nơi quê hương của mình. Những ngày nghỉ cuối tuần và những buổi chiều dạy học về, nàng thường ghé chợ rồi đến nhà tôi để giúp ba mẹ tôi. Dọn quét, nấu nướng, bưng cơm nước lên ép ba tôi ăn cho bằng được. Sau đó lại pha cà phê và trà thơm cho ba tôi. Ba tôi rất thích hai món tiêu khiển thanh tao nầy mà trước đây hiếm khi được thưởng thức. Xóm giềng thường khen ba mẹ tôi có phước được cô dâu hiền thục xinh đẹp. Mẹ tôi sau nầy cũng bình tâm và luôn kề cận để hết lòng lo cho ba tôi.
Tôi đang ở cuối năm thứ 2 của Văn Khoa thì nhận được lệnh tổng động viên, vì chiến trường đang ở thời kỳ sôi sục và khốc liệt nhất. Trước ngày lên đường nhập ngũ Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, tôi trở về Hội An thăm ba mẹ tôi và cũng để cảm ơn từ giã nàng. Thật bối rối bất ngờ khi ba mẹ tôi ngỏ ý muốn đi dạm hỏi nàng trước ngày tôi ra đi! Vì bị ám ảnh triền miên về nỗi khổ của một gia đình bất hạnh, nên tôi rất sợ có vợ. Từ lâu, tôi đã tự hứa với lòng mình là nếu phải lấy vợ, thì phải chờ đến khi nào mình đã có công danh sự nghiệp vững vàng rồi mới tính tới sau, để khỏi làm khổ cho vợ con sau nầy. Nhưng vì quá thương ba tôi, muốn cho ba mẹ tôi có niềm vui an lòng trước khi tôi lên đường khoác áo chinh nhân. Mà đời lính thì biết bao người đã một đi không trở lại…! Hơn nữa về nhiều đức tính của một người con gái hiền thục, thì ít có ai hơn nàng được. Tôi đành ưng thuận theo ý muốn của ba mẹ tôi. Tôi chẳng bao giờ quên một buổi tối đẹp trời hôm đó, ba mẹ tôi hớn hở mang lễ vật đến nhà nàng với biết bao là tin yêu hy vọng. Và cũng có thể đó là một ngày đẹp nhất đời của ba tôi. Nhưng… ông anh trưởng nam của nàng từ chối, nại cớ không thể gả cho người ngoại đạo. Nhìn vẻ mặt u tối thất vọng của ba tôi, lòng tôi quặn đau như cắt. Tôi cảm thấy thấm thía với bài hát Lời Người Ngoại Đạo: “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng con tin có Chúa ngự trên Trời… Trong lòng con có vòng hoa trắng, cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!”
Buổi sáng ngày hôm sau nàng đến sớm để an ủi ba mẹ tôi và hứa với tôi là dù gì chăng nữa, thì ngày tôi trở về, nàng cũng vẫn là của tôi và mãi mãi…Mới 2 tháng miệt mài gian khổ nơi Quân Trường, tôi được một người bạn ở gần nhà nàng nhắn tin cho biết nàng đã có người danh-giá đồng đạo đi dặm hỏi và gia đình đã nhận lời. Tôi không hiểu đây là nỗi buồn lớn cho tôi hay là cho ba mẹ tôi. Tôi xé vội tờ giấy, kê trên chiếc ba lô còn sặc mùi khói súng, vì lúc đó tôi đang học tác xạ ở ngoài sân bắn, để viết cho nàng mấy câu thơ:

Tôi nghe em sắp bước sang sông
Sắp sửa ra đi, sắp có chồng.
Pháo đỏ đường hoa đầy hạnh phúc
Em còn có nhớ đến tôi không!?

Hơn một tuần sau, bưu tín viên của nhà trường trao cho tôi một phong thư của nàng, trong đó chỉ vỏn vẹn có mấy câu:
“Anh yên chí học tập và rèn luyện đức tính can-trường của một quân nhân, hơn nữa là một sĩ quan. Ngày anh ra trường, em vẫn là của anh. Vì em đã đích thân mua sắm đủ lễ vật mang đến nhà để trả lại cho người ta rồi. Bây giờ, em đã có đời sống tự lập và chẳng bị lệ thuộc vào ai cả. Em vẫn thường xuyên thăm viếng, chăm sóc ba mẹ. Anh an tâm”.
Tôi bàng hoàng xúc động trước một tâm tình quả cảm và cao quý như vậy.
Sau đêm làm lễ Tuyên thệ mãn khóa trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, tôi được hưởng 2 tuần nghỉ phép về thăm nhà trước khi trình diện đơn vị chiến đấu. Niềm vui tiếp nối niềm vui. Mẹ vợ tôi tuyên bố gả nàng cho tôi bất chấp về tôn giáo và quyền Huynh Thế Phụ. Đám cưới được diễn ra một cách đơn giản tại nhà của nàng. Chỉ có Mục sư chủ tọa Hội thánh cầu nguyện chứng kiến buổi lễ, mẹ và hai chị em gái của nàng thôi. Ông anh trưởng tránh mặt. Tôi cảm thấy kính phục mẹ của nàng. Một người hiền mẫu can đảm, không câu nệ tiếng tăm, dư luận thường tình, miễn có niềm vui cao đẹp và hạnh phúc cho con mình là được. Bà là góa phụ của một vị Truyền Đạo đã tử vì đạo. Bà hy vọng qua gương đức độ của bà và phẩm chất nhân hậu, chung thủy của vợ tôi, cùng tâm tình cao quý của những người trong Đạo, tôi cũng sẽ là một con cái trung tín của Chúa. Tôi trân trọng và biết ơn tình yêu cao đẹp của vợ tôi. Đời một người con gái có Đạo gốc, ai lại không mơ ước đám cưới đầu đời của mình được tổ chức linh đình trang trọng tại nhà thờ, với đoàn xe rước dâu sang trọng kết hoa tươi thắm, với Mục sư chủ lễ, với hai họ nhà Trai nhà Gái, hớn hở hãnh diện trong trang phục trịnh-trọng, và cô dâu chú rể xiêm y lộng lẫy đi như trôi nhẹ giữa hai hàng phụ dâu phụ rể sắc màu rực rỡ, với các tiểu đồng như bay lượn rắc những cánh hoa hồng đỏ thắm theo mỗi bước đi đễ dẫn đường cho Tân-lang và Tân giai-nhân tiến lên phía trước đền thờ…Nàng hy vọng Chúa sẽ biết tất cả. Ngài sẽ tha thứ và chúc phước trên đời sống mới của đôi vợ chồng. Nàng quên tất cả mọi hình thức thường-tình để mình được sống cho nhau.
Một tuần sau, tôi lên đường trình diện đơn vị tác chiến. Tội nghiệp cho người vợ trẻ ngày đêm thương nhớ mỏi mòn chờ đợi. Lại thêm bổn phận dâu con cứ đè nặng lên đôi vai gầy yếu của một người mảnh mai, vừa mới bước qua thời con gái.

Từ đó tôi đi vạn nẻo đường
Bờ vai lính trận rách phong sương
Sáng Sài Gòn, trưa Bến Hải, chiều Thừa Thiên
Đêm biên giới sụt sùi mưa chiến tuyến
Thân phiêu bạt khắp bốn vùng chiến thuật
Đời phong trần không đếm nỗi bước gian truân…

www.allwallpapersfree.org

Đã là thân lính chiến, hiếm khi được gần nhà, cứ miệt mài tung hoành ngang dọc, vào sinh ra tử trên khắp các địa đầu giới tuyến, ai không mong một ngày quê hương sớm thanh bình để được đoàn tụ với gia đình thân yêu. Nhưng… sau tháng 4/1975, tôi bàng hoàng đến tuyệt vọng! Thẫn thờ xách gói vào traị tù cải tạo, để bỏ lại tất cả sau lưng cái giờ phút kinh hoàng đen tối, uất ức tủi nhục cùng những vinh quang ngắn ngủi của một thời vang bóng!
Vợ và các con tôi bị đẩy vào vùng kinh tế mới tại khu rừng già Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và được cấp 2 công rừng (2000m2) để khẩn hoang canh tác. Với sức lực của một người đàn bà trói gà không chặt, với một đàn con thơ dại mà đứa lớn nhất mới 7 tuổi, đứa út còn bò ở dưới đất, thì làm sao mà đốn hạ được những thân cây bằng-lăng lớn một vòng tay ôm không xuể! Cuối cùng, vợ tôi đành bỏ cuộc, dắt díu mấy đứa con lớn đi hái mướn hạt cà phê chín trong vườn cà phê của các người Nùng trong thôn xóm địa phương. Hoặc dẫn nhau xuống các đám ruộng người ta vừa mới gặt xong để mót những bông lúa chín còn sót lại. Nhiều chủ ruộng và thợ gặt thương tình, cố ý bỏ sót lại nhiều bông lúa để mẹ con thu hoạch. Chiều tối trở về nhà, mẹ con xúm nhau lại tuốt những hạt lúa bỏ vào chiếc nón sắt của lính giả, để gom lại những nắm gạo lức còn nguyên cám, nấu một nồi cháo “đại dương” để mẹ con cầm hơi qua ngày. Nhà cửa, tiền bạc, danh vọng… di tản mất hết, chỉ còn lại những hình hài vất vưởng nghèo khó tận cùng của xã hội! Suốt nhiều tháng năm lao động cải tạo, tôi chỉ báo tin thăm nuôi cho vợ tôi có một lần thôi. Nàng phải lặn lội biết bao nhiêu đường bộ, sông nước ghe xuồng để được gặp tôi ở tại vùng sâu của rừng U-Minh! Tôi nghẹn ngào thấy vợ tôi tiều tụy quá. Đôi bàn tay búp măng trắng muốt ngày xưa của nhà mô phạm, nay chỉ còn chai cứng sần sùi, đen sạm. Mái tóc thề óng mượt ngang vai ngày trước vẫn còn đẹp quyến rũ dù đã 5 con… nay trở nên vàng úa lưa thưa, được cắt ngắn và cuộn thành một búi nhỏ trên đầu… ôi, tội nghiệp quá! Từ đó, tôi không bao giờ báo tin thăm nuôi nữa, vì tôi không muốn chia sẻ bớt phần ăn quá kham khổ, thiếu thốn cơ cực của vợ và các con tôi. Mặc dù tôi luôn luôn bị đói khát và thèm ăn đủ mọi thứ…Tháng 10/95 gia đình tôi được tái định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Cảm tạ ơn Chúa đã cho chúng tôi đến được đất nước tự do nầy. Đến vùng đất hứa mà cả hàng trăm triệu người khác trên thế giới dù có mơ đến hết cuộc đời của mình, để được may mắn như chúng ta, thì giấc mơ đó cũng khó có thể trở thành sự thật.
Tôi cảm ơn Chúa nhưng không quên cám ơn người Mỹ đã mở rộng vòng tay nhân ái tiếp đón cả triệu người Việt tha hương tỵ nạn chúng ta, cho chúng ta có được một quê hương thứ hai vô cùng tốt đẹp! Sau cơn mưa đêm, trời lại sáng. Tưởng rằng chúng tôi sẽ cùng nhau đi trọn con đường trần rực rỡ ánh bình minh nầy như ý nguyện. Nhưng… mới năm ngoái đây, nhà tôi đã vĩnh viễn nằm xuống tại khu nghĩa trang Gethsemani ở Portland sau một cơn bạo bệnh hiểm nghèo! Trước phút lâm chung, nhà tôi nắm lấy tay tôi dặn dò:
“Từ nay, em không còn được chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho anh nữa, anh phải tự lo cho mình lấy… Bây giờ em chết ở đây, thì sau nầy anh cũng phải chết ở đây (ở Mỹ) và nằm ngay bên cạnh của em…” Nhà tôi đập nhẹ bàn tay run run vào chiếc nệm đang nằm và nói với tôi như vậy. Tôi gật đầu cúi xuống, cố dấu hai dòng lệ chan hòa trên khóe mắt để vợ tôi yên lòng ra đi!
Tất cả rồi cũng sẽ qua đi, sẽ không tồn tại mãi, vì đời nầy là cõi tạm. Của phù du, thân cát bụi lại trở về với hư không cát bụi. Người ta tạm thời chia tay nhau ở cõi tạm nầy, nhưng rồi tất cả sẽ được gặp lại nhau ở “cõi sống”, cõi vinh hiển ngàn đời không có tiếng khóc than đau khổ. Mà món quà quý nhất, đẹp nhất để tặng nhau trong ngày tái ngộ, đó là tình yêu thương và lòng chung thủy. Nên tôi đã trang trọng khắc vào mộ bia của nhà tôi 2 câu thơ (để tưởng nhớ vợ hiền Phan-Thị-Phước):

Đường về Thiên Quốc không xa,
Chờ nhau trao tặng món quà thủy chung.

Như một lời hứa hẹn!
LÝ KHOA VĂN
HTTL Hy Vọng Portland, OR   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn