Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / GIẢI PHÁP NÀO CHO LOÀI NGƯỜI TỘI LỖI?

GIẢI PHÁP NÀO CHO LOÀI NGƯỜI TỘI LỖI?

2 su

GIẢI PHÁP NÀO CHO LOÀI NGƯỜI TỘI LỖI?

Tôi trở về thăm quê hương Việt Nam vào dịp Hè nắng gắt năm nay. Có một người bạn ở Sài Gòn nói với tôi: “Ở đây chúng tôi có hai mùa: mùa nóng và mùa nóng nhất.” Tôi đang ở giữa mùa nóng nhất. Tôi thấy anh bạn nầy nói đúng, vì trời mới 8 giờ sáng cả người của tôi đều toát mồ hôi. Tôi không dám dang nắng ngoài trời. Mỗi ngày tôi có thể tắm đến ba bốn lần mà cứ cảm thấy nóng. May mà trong nhà tôi ở có máy lạnh. Nhiều người không có máy lạnh thì dùng quạt máy. Có tiệm ăn phun hơi nước cho đỡ nóng.
Dù đã về Mỹ rồi tôi vẫn không quên hai việc quan trọng đã ảnh hưởng đến cả nước Việt Nam ngày nay. Thứ nhất đó trời hạn hán, cạn nước, thiếu nước ở miền cao, thiếu nước cả ở đồng bằng Sông Cửu Long. Tôi đọc báo Tuổi Trẻ ngày 5 tháng 4, 2016: “Tháng 4 với hình ảnh lãng mạn “mùa ong hút mật” ở Tây Nguyên đang lùi vào xa vắng. Những ngày nầy, trên khắp cao nguyên và ngay tại tỉnh Daklak ở đâu đất đai cũng nứt nẻ, khô quạnh. Hiện đang có 118 hồ trên số 599 hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh khô trơ đáy.” (hết trích).
Thứ hai là vụ cá chết dưới biển kéo dài qua nhiều tỉnh ven biển miền Trung. Trong vụ hạn hán mùa Hè, người dân có thể chịu đựng và trông chờ mùa mưa, và chờ xả đập ở thượng nguồn. Nhưng vụ cá chết thì ảnh hưởng thật là trầm trọng không biết lúc nào mới dứt. Người dân sợ ăn cá chết, sợ ăn muối, ngay cả sợ ăn nước mắm. Người dân biểu tình… Chắc chắn thiên tai rồi nhân tai sẽ kéo đến hoài hoài khi người dân không biết lý do hạn hán và giải pháp cho các thiên tai.
Tôi bỗng nhớ một lời hứa của Chúa, “Nếu ta đóng các từng trời lại, không cho mưa xuống, khiến cào cào phá hại thổ sản, và giáng ôn dịch giữa dân sự ta; và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ”
(2 Sử Ký 7:13-14).

Tôi không biết có bao nhiêu người Việt ghi nhớ và áp dụng được lời hứa nầy? Tôi tin bất cứ việc gì xảy đến trên thế giới cũng đều mang ý nghĩa.Trước mắt Chúa, mọi người đều phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Không phải chỉ người Việt nhưng hết thảy các dân tộc và quốc gia khác trên thế giới đều như vậy. Mọi người đều phạm tội với Đức Chúa Trời. Mặc dầu loài người có màu da, chủng tộc, đất nước, truyền thống khác nhau, nhưng điều lạ là mọi người trên khắp thế giới đều có những nét giống nhau. Mọi người đều có ông bà cha mẹ, có thân thể, có tâm hồn, có văn hóa, có giáo dục, có tiếng nói, có áo quần, có ăn cơm uống nước, có đi lại, có làm việc, có học hành, có kỷ luật,
có ràng buộc, có ước mơ và có đức tin. Loài người dầu khác màu da chủng tộc vẫn có thể lấy nhau và sinh con đẻ cái như thường. Loài người có nhiều nét chung như thế là vì loài người có cùng một gốc mà ra. Kinh Thánh chép:
“Từ một người, Ngài đã làm nên mọi dân tộc và khiến họ sống trên khắp mặt đất. Ngài ấn định thời kỳ và ranh giới cho họ cư trú, để họ dò dẫm, tìm kiếm Đức Chúa Trời và có thể gặp được Ngài, mặc dù Ngài chẳng ở xa mỗi người trong chúng ta.
(Công Vụ 17:28-29).

sin

 Định nghĩa tội lỗi:
Loài người phạm tội nhưng tội lỗi là gì? Tội lỗi là bất cứ sự vi phạm nào đối với luật đạo đức của Đức Chúa Trời trong hành động, trong thái độ và trong bản chất. Tội lỗi không chỉ là thiếu hụt tiêu chuẩn của Chúa, nhưng tội lỗi chủ yếu là không vâng lời của Đức Chúa Trời. Tội lỗi không chỉ là sai trật mục tiêu, nhưng tội lỗi là bắn đến mục tiêu sai. Nói cách khác, tội lỗi không chỉ là thiếu sót làm điều lành, điều đúng, nhưng tội lỗi là làm điều sai và làm điều không nên làm. Sở dĩ Chúa đặt tiêu chuẩn cao là vì Chúa là Đấng Thánh Khiết. Sự thánh khiết là nền tảng xây dựng luật pháp của Chúa và là tiêu chuẩn để phán xét của Ngài. Chúa phán, “Các ngươi phải nên thánh vì ta là thánh” (Lê-vi 19:2).
Trong Tân Ước, sự thánh khiết của Đức Chúa Trời vẫn là tiêu chuẩn. Tội lỗi là thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23). Mọi điều người tin Chúa làm, đều phải làm vì sự vinh hiển của Chúa và bất cứ điều gì chúng ta làm không đem lại vinh hiển cho Chúa đều là tội lỗi (1 Cô-rinh-tô 10:31). Sứ đồ Gia-cơ trình bày tội lỗi như là đứng về phía chống nghịch lại Chúa (Gia 4:4). Ai làm bạn với thế gian là “tự mình trở nên kẻ thù nghịch với Đức Chúa Trời.”
Sứ đồ Phi-e-rơ cũng kêu gọi người tín đồ sống đời thánh khiết, bởi có chép rằng, “Hãy nên thánh vì ta là thánh” (1 Phi-e-rơ 1:16).
Sự thánh khiết của bản thân chúng ta dựa trên bản tính thánh khiết của Đức Chúa Trời. Đó là hình ảnh con giống Cha.

 Nguồn gốc của tội lỗi:
Ai phạm tội đầu tiên nhất? Mới nghe chúng ta cứ tưởng tổ phụ A-đam và Ê-va là những người phạm tội đầu tiên nhứt, nhưng đọc kỹ Kinh Thánh hơn, chúng ta thấy tổ phụ của chúng ta không phải là những tạo vật thông minh đầu tiên đã vi phạm luật pháp và bản tính của Chúa. Trong Sáng Thế ký 3, chúng ta biết có một kẻ gọi là Sa-tan, mang hình con rắn, vốn đã là kẻ thù nghịch của Đức Chúa Trời trước và đã cám dỗ tổ phụ đầu tiên của loài người ăn trái cây cấm, bất tuân luật Chúa rõ ràng không được phép ăn. Kinh
Thánh không cho biết cụ thể khi nào Sa-tan phạm tội. Sa-tan là kẻ thù địch chính của Đức Chúa Trời, là lãnh đạo của các thiên sứ sa ngã và của các quỷ sứ. Sa-tan sa ngã phải xảy ra trước khi nó xuất hiện trong Vườn Ê-đen. Có hai khúc Kinh Thánh quan trọng nói về bản tính của Sa-tan là Ê-sai 14:12-17 và Ê-xê-chi-ên 28: 11-19. Qua đó ta thấy sự kiêu ngạo là tội lỗi của Sa-tan. Sa-tan là Lucifer phạm tội trước tiên. Nó phạm tội kiêu ngạo, ước muốn trở nên ngang hàng với Đấng Chí Cao. Khi Sa-tan phạm tội, có nhiều thiên sứ khác đã gia nhập theo nó trong tội lỗi. Chúng phản nghịch với Đức Chúa Trời.
Từ đó tôi lỗi nhập vào vũ trụ. Sứ đồ Phi-e-rơ lên án các thiên sứ đã phạm tội và cho biết chúng “bị quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét” (2 Phi 2:4).

Tội lỗi của tổ phụ A-đam và Ê-va.
Nguồn gốc tội lỗi của nhân loại bắt đầu với tổ phụ đầu tiên của chúng ta, ông A-đam và bà Ê-va. Ông bà A-đam và Ê-va là người thật, được sống ở một nơi có thật gọi là vườn Ê-đen và đã phạm một tội thật tại một thời điểm thật. Câu chuyện phạm tội nầy của hai người được chép ở Sáng thế ký 1-3 phù hợp hoàn toàn với những lời khác nói  về việc phạm tội nầy trong Kinh Thánh. Ma quỷ đã thành công trong việc cám dỗ tổ phụ chúng ta phạm tội trên đất đúng như những gì chúng đã làm trên trời. Đó là hành động đi ngược lại ý muốn của Chúa. Đó cũng là điều chúng đang ra sức cám dỗ loài người phạm tội cho đến nay.

Adam-Eve-in-the-garden-of-Eden
Câu chuyện trong vườn Ê-đen cần được nhắc lại. Ê-đen là khu vườn phước hạnh, trọn vẹn. Cả những đặc ân và lệnh cấm đã được Chúa nhắc đến rõ ràng (Sáng 2:15, 20). Đặc ân thì được Chúa cho rất nhiều và điều cấm chỉ có một (Sáng thế 2:17). Chúa nói rõ
hậu quả việc bất tuân lệnh Chúa là chắc chắn chết. Giống như tổ phụ, ai nấy trong chúng ta đều dửng dưng trước mạng lịnh và lời cảnh cáo của Chúa Trời. Chúng ta không biết nhiều về loại trái cấm “có vẻ ăn ngon, đẹp mắt và quý” như thế nào, nhưng điều quan trọng là Chúa cấm ông bà A-đam và Ê-va ăn trái đó. Sau khi ăn trái cấm “biết điều thiện và điều ác”, tổ phụ chúng ta không còn được phép đến gần “cây sự sống”. Từ đó mọi người đều phải chết một lần và sẽ bị phán xét. Tổ phụ loài người đã đứng trước sự lựa chọn vâng lời Chúa hay không vâng lời Chúa và họ đã chọn sai. Loài người sa ngã. Sự sa ngã của tổ phụ chúng ta đã ảnh hưởng lên cả vũ trụ. Kinh Thánh chép rõ, “Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất
sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”
(Sáng thế 3: 17-19)

Cả muôn vật đều bị ô nhiễm tội, “Vì muôn vật đã bị bắt phục sự hư không, chẳng phải tự ý mình, bèn là bởi cớ Đấng bắt phục. Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay
(Rô-ma 8: 20-21)

Tất cả các hình thức đau khổ, hư hoại của loài người đều bao gồm trong sự rủa sả nầy. Loài người đang đau khổ vì cớ ảnh hưởng tội lỗi tổ phụ truyền lại. Mọi người đều nhìn thấy hậu quả: sanh ra, lớn lên, lao nhọc, đau khổ, bệnh tật và chết. Sự rủa sả nầy chỉ được cất đi khi Chúa Cứu Thế Giê-su trở lại thế gian lần nữa, xây dựng vương
quốc bình an của Ngài.

Dấu hiệu chương trình cứu rỗi.

Từ câu chuyện của tổ phụ loài người ở vườn Ê-đen chúng ta đã thấy ánh sáng tin mừng. Ân điển dư dật của Chúa đã bày tỏ ra ngay sau khi loài người sa ngã. Điều đầu tiên Chúa làm là Ngài đã đi tìm tội nhân. Khi tổ phụ thấy mình lõa lồ, cảm biết tội lỗi, sợ hãi, trốn tránh, thì Chúa đến và kêu, “A-đam, con ở đâu?” Kinh Thánh ghi lại nỗ lực của Chúa tìm kiếm tội nhân để ban ơn cứu rỗi cho họ. Sự tìm kiếm của Chúa cũng bày tỏ sự công chính của Chúa.

Tội lỗi phải bị phán xét.
Sự biện minh yếu ớt của tổ phụ hoàn toàn không được Chúa Trời chấp nhận. Giải pháp để được tha thứ phải là mạng sống, huyết báu thay thế. Chỉ có sự can thiệp của Chúa tượng trưng bằng việc một con vật phải bị giết, đổ huyết, lấy da làm áo che thân mới đền chuộc tội cho tổ phụ. Chúa không chấp nhận sự trả giá nào từ phía tội nhân đóng góp để đền tội cho mình.
Ngày xưa, ngày nay và mãi mãi cũng y như vậy. Tuy nhiên trước khi con vật bị giết lấy áo che thân, Chúa đã ban cho tổ phụ lời hứa về dòng giống người nữ, Đấng giày đạp đầu con rắn Sa-tan (Sáng 3:15).
Lời tiên tri nầy cho thấy luôn có sự thù nghịch giữa con rắn và người nữ, giữa Sa-tan và loài người, giữa Đấng Cứu Thế và Satan. Ở thập tự giá, Sa-tan đã cắn gót chân Chúa và Ngài đã chết nhưng Chúa đã sống lại chiến thắng sự chết, chiến thắng Sa-tan. Sa-tan là kẻ thù bại trận. Trong ngày phán xét tương lai, án phạt nầy sẽ được thi hành, Sa-tan bị ném xuống hồ lửa và bị hình phạt mãi mãi. Loài người đang đứng trước sự lựa chọn nghe lời Chúa hay nghe lời Sa-tan.

 Biểu hiệu của tội lỗi

Tội lỗi ảnh hưởng trên mỗi người chúng ta cho đến ngày nay. Chúa Giê-su đã chỉ ra sự thật, “Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người! Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người (Mác 7:20-23).
Sứ đồ Phao-lô cũng phân tích rõ, “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời. (Ga-la-ti 5:19-21).

seven_deadly_sins_of_man__oc__colored__by_nizzie12-d70n9dc 

Hậu quả của tội lỗi

Tội lỗi đã ảnh hưởng gì trên nhân loại, cụ thể tội lỗi của tổ phụ đã ảnh hưởng thế nào đến bạn và tôi hôm nay? Một nhà thần học tên là Lewis Sperry Chafer, người sáng lập Dallas Theological Seminary đã giải thích, “Trong mối liên hệ giữa loài người với Chúa, Kinh
Thánh mô tả ba mối liên hệ di truyền:
a. di truyền tội của A-đam cho cả nhân loại.
b. di truyền tội của loài người cho Đấng thay thế là Christ.
c. di truyền sự công bình của Chúa cho người tin…”
Qua đó ta thấy, Chúa xem A-đam là người đứng đầu đại diện cho nhân loại. Kinh Thánh chép, “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”
(Rô-ma 5:12)
Nói cách khác, khi A-đam phạm tội cả nhân loại phạm tội trong ông. Khi ông A-đam phạm tội, bạn và tôi đã phạm tội với ông. Ông không chỉ đại diện chúng ta, nhưng chúng ta đã phạm tội trong và qua ông. Vì thế mọi người đều phạm tội và nhận cùng hình phạt là sự chết. Phao-lô còn giải thích, “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại (1 Cô-rinh-tô 15:22).

Tội lỗi di truyền.
Vua Đa-vít nói, “Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi (Thi 51:5)
Chính tội của tổ phụ A-đam đã di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác tiếp tục qua bao nhiêu con cháu loài người cho đến nay. Ngoại trừ Chúa Giê-su ra, ai nấy đều là tội nhân, mang bản chất tội. “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?”
(Giê-rê-mi 17:9).
Sứ đồ Phao-lô giải thích, “Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác”
(Ê-phê-sô 2:3).
Vì mang bản chất tội lỗi từ lúc sinh ra nên không ai cần được dạy để phạm tội. Tội lỗi đến với loài người cách tự nhiên. Mỗi người đều mắc tội riêng. Mỗi người đứng trước Chúa là một tội nhân. Thần học cho rằng con người hoàn toàn bại hoại. Con người hoàn
toàn thiếu hụt sự công chính. Mỗi người mắc tội với các cấp bực tội khác nhau. Không một người nào xứng đáng hưởng ân huệ Chúa. Cho nên Chúa phải đi bước đầu, từ cõi đời đời trong quá khứ Chúa đã lập phương giải hòa với loài người qua sự hy sinh của Con Một Ngài. Vì cả loài người phạm tội, nên cả loài người đều được sinh ra trong
tình trạng phân cách khỏi Đức Chúa Trời. Mọi người đều chết thuộc linh và không cảm động gì về mọi sự thuộc Chúa. Mọi người đều ngoài Chúa, không có hy vọng gì về sự cứu chuộc trên thập tự giá.
Loài người tội lỗi phân cách VỚI CHÚA là Đấng thánh khiết. Khi phạm tội một người sợ, trốn tránh, xa lánh. Hình ảnh đứa con trai hoang đàng chỉ rõ, càng xa nhà, chìm sâu trong tội lỗi, người con khó trở về nhà.
Loài người tội lỗi cũng phân cách VỚI NHAU, vì ai cũng mang bản chất bại hoại của tội lỗi tự trong lòng. Xa lánh, cô đơn, chia rẽ, không tha thứ, trả thù, hay giận, thù dai là những biểu hiệu.
Bạn có thấy mình đang bị phân cách với Đức Chúa Trời là Cha thiêng liêng của mình không? Có phải bạn đang xa lánh Chúa, bạn phó mặc cuộc đời, bạn lo sợ, bạn bất an, bạn cảm thấy gánh nặng trong lòng, bạn nhớ lại và bạn ước mong nhưng bạn không muốn thay đổi, bạn không dám ăn năn, hối cải, bạn không biết và không dám quay trở về nhà cha?
Chỉ khi nào bạn thấy rõ chính mình tội lỗi, bạn mới trông mong được Chúa tha thứ. Chỉ khi nào bạn hiểu rõ mình đang mang ách nô lệ với tội lỗi bạn mới muốn được tự do. Chỉ khi nào bạn thấy mình đang bị phân cách với Chúa, bạn mới muốn quay về. Bạn muốn
hỏi, “Tôi phải làm chi?”
Tôi có một tin mừng cho bạn qua lời Kinh Thánh, “Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép
báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi (Công vụ 2: 37-39).
Hãy bắt đầu sống với lời Chúa hứa:

– bạn sẽ được Chúa tha tội,
– bạn sẽ sống đời sống mới (nhờ đồng chết đồng sống với Chúa),
– bạn sẽ nhận lãnh Thánh Linh. Chúa ngự vào lòng.
Bạn có muốn được Chúa tha tội và được đến gần với Chúa ngay hôm nay không?

 

FullSizeRender

MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ

QUANG-CAO-TREN-BAO-1

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn