Thứ Ba , 31 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / NHÀ CÓ HOA TRẮNG

NHÀ CÓ HOA TRẮNG

NHÀ CÓ HOA TRẮNG

hn

Căn nhà nằm bên phải con dốc tôi đi nhà thờ mỗi tuần. Ở trên một nơi cao nhất của con dốc nên chỉ cần đứng từ ngã tư đường nhìn lên là đã có thể thấy một phần phía bên hông nhà sơn màu xám sẫm và một mảnh sân thường vẫn bị tuyết phủ kín vào mùa đông, và lá vàng vào mùa thu. Căn nhà thật ra rất bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, hoàn toàn chẳng có gì đáng để được chú ý chỉ trừ khi những đóa hoa trắng muốt trước hàng hiên và chung quanh nhà nở rộ.
Khi tôi đến thành phố này được vài tháng thì mùa đông cũng đã vội về. Cái lạnh của miền trung nước Mỹ, nếu so ra với thành phố tôi từng sống nằm dưới chân núi Alpe quanh năm băng giá có lẽ cũng không khác gì mấy. Tôi hay đùa, từ nơi âm hai mươi độ Celcius đổi sang vùng trừ vài độ Fahrenheit có lẽ giống hệt nhau, vì ở đâu cũng phải mặc áo choàng, mang găng tay và quấn khăn quàng cổ. Khi đi ra đường thì ở cả hai nơi, cũng đều phải vội vã nhảy lên xe, chẳng bao giờ có đủ thì giờ ngắm nghía cảnh vật chung quanh mình.
Và có lẽ vì vậy mà mùa xuân năm đầu tiên sống ở đây, khi mấy bà cháu rủ nhau đi bộ để được ngắm những chồi non vừa mới nhú, được nhìn những tảng mây trên bầu trời xanh lơ nghe tiếng chim hót nhẹ nhàng và vui theo bầy sóc đuổi nhau trên những nhánh cây cây già, bất thình lình nhìn thấy những đóa hoa huệ trắng mượt mà trên sân nhà ấy, tôi đã ngẩn người. Sang đến đầu mùa hè thì bên hông nhà, các bụi cẩm tú cầu trắng nõn, nở những đóa hoa lớn như quả bóng và đong đưa trên mái những nhánh clematis thơm ngát còn khiến tôi ngẩn ngơ hơn.
Không biết bao nhiêu lần tôi đã dừng chân bên vệ đường, dán mắt vào hàng hiên nhỏ và khoảng sân ngợp một màu trắng thánh khiết, trắng tinh khôi như màu áo cô dâu ấy, mà ngỡ như mình đang lạc bước vào chiêm bao. Cái màu trắng, trắng đến nao lòng của những đóa hoa huệ và cẩm tú cầu nổi bật trên đám lá xanh biếc làm tôi không còn để ý đến những bức tường gỗ cũ kỹ dường như đã lâu ngày không hề được sơn phết. Cả cái mái lợp nâu đen có nhiều mảnh gãy lỗ chỗ cũng không hiện ra dưới tầm nhìn của tôi khi được che bằng những nhánh hoa có cái tên tiếng Việt rất ngộ nghĩnh, “hoa ông lão”. Nếu tôi nhớ không lầm thì mãi đến cuối thu, khi tất cả những đóa hoa huệ đã tàn úa và những đóa cẩm tú cầu bắt đầu ngả sang xanh hay hồng xám, và clematis chỉ còn trơ lại những sợi dây leo khô khốc đen đủi như đã chết, tôi mới nhận ra vẻ tiêu điều, ảm đạm của căn nhà.
Một căn nhà, một khu vườn thật lạ. Bởi toàn bộ cỏ hoa ở đó chỉ có màu trắng, kể những bụi lily cánh nhỏ và những đóa cúc dại mọc sát ở bờ tường cũng vậy. Nhiều bận bắt gặp khoảng không gian quanh nơi ấy bừng sáng lên một cách hết sức khác thường, tôi cứ tiếc thầm trong bụng. Cứ nghĩ phải chi chủ nhân ngôi nhà bỏ ra chút thì giờ sơn sửa lại, đổi bức tường xám ngoắt kia thành ra màu rượu chát hoặc thay cánh cửa nhàn nhạt u buồn ở trước mặt nhà ra gỗ nâu thì tuyệt biết dường nào. Và tôi gọi đó là nhà có hoa trắng, bắt chước cái tựa truyện “nhà có hoa mimosa vàng” của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn ngày xưa, bởi như Đà lạt, ở nơi này cũng có những hôm trời se se lạnh, cũng có những con dốc cao cao chạy vòng quanh, chỉ thay cho màu vàng kiêu sa của những đóa mimosa bằng màu trắng tinh khôi của huệ, của cẩm tú cầu, của cúc dại…
Tôi thường hay tự hỏi chủ nhân của căn nhà ấy là ai, làm sao có thể có được một hàng hiên, một khu vườn đầy hoa trắng như thế dẫu vẫn biết hoa huệ, loại Cascablanca lilies, hay cẩm tú cầu hydrangea, hoặc hoa “ông lão” clematis vẫn đơm hoa trổ nụ hằng năm sau những ngày chôn mình dưới giá tuyết lạnh lùng. Mỗi Chúa Nhật khi đi ngang qua đó, là câu hỏi “không biết cái ý niệm nào đã khiến người chủ nhà chỉ trồng toàn hoa trắng” lại hiện ra với tôi. Có đôi lúc chỉ để mường tượng cho vui, nhưng tôi cứ nghĩ nếu như bước ra từ bên trong cánh cửa màu xám tro ấy, là một cô gái có dáng dấp mảnh khảnh, tóc xõa ngang vai, hay một thiếu phụ với gương mặt thanh tú pha thêm đôi chút buồn bã, u sầu nhè nhẹ nào đó, hẳn tôi sẽ không ngạc nhiên bao giờ. Vì thế tôi lại còn lãng mạn vẽ thêm trong trí, một bức tranh cuộc đời đầy thơ mộng của một người họa sĩ, một thi nhân đang trú ngụ trong căn nhà ấy…
*
Khi dọn về thành phố này khoảng chừng hơn ba mươi dặm, con gái và rể tôi cứ nghĩ sống ở gần phố sẽ vui hơn và tiện lợi hơn, nên đã chọn khu vực downtown. Tuy nhiên chưa được vài năm, thì cả hai mới biết ra downtown là chỉ dành để… đi uống cà phê, hay đi ăn sáng! Bởi giống như mọi downtown khác, bất cứ thứ gì ở đây cũng đắt đỏ hơn, phiền phức hơn, đã thế nhà cửa vừa nhỏ lại vừa cũ, ra đường kiếm ra chỗ đậu xe cũng khó khăn hơn nơi khác.
Nên các con tôi bắt đầu có ý muốn dọn đi. Một hôm trong bữa cơm chiều, con gái tôi bảo hội đồng thành phố đang chuẩn bị xây dựng lại và sửa đường ở chung quanh khu vực này. Con rể tôi đáp:
– Đường số Ba và đường Mười Bốn nhiều ổ gà, nhà cửa thì xập xệ, cũ và xấu. Nếu không xây dựng lại chắc vài ba năm nữa ở đây sẽ thành những khu nhà ổ chuột.
Con đường trước mặt nhà chúng tôi cũng hục hang nhiều chỗ. Nhà cửa chẳng mới mẻ gì. Có thể nói là gần như chỉ có gia đình chúng tôi và hai người hàng xóm ở phía đối diện còn chịu khó sửa chữa hằng năm, còn lại, nhất là khu chúng cư ở cuối đường, cứ thể như lúc được xây lên ra sao thì cho đến thời điểm ấy vẫn giữ nguyên sy như vậy. Thời tiết miền trung Mỹ vốn khắc nghiệt, hằng năm hứng đủ mọi thảm họa từ tuyết, gió, mưa đá, bão lớn bão nhỏ trọn những mùa xuân, thu và đông, sang đến hè thì nắng gắt gay, nắng cháy bỏng, nếu không được chăm sóc, tu bổ, có lẽ thứ gì cũng có thể thành tồi tệ.
Đề tài mua, bán nhà, nhanh chóng bỗng trở nên rộn rã trong gia đình tôi. Nhưng riêng tôi thì không muốn, vì mới vừa dọn từ Nam bán cầu sang, lại tìm ra được nhà thờ gần, chỉ cần nghĩ đến chuyện phải bắt đầu làm quen với khung cảnh mới và người mới, là tôi thấy ngán đến tận cổ. Tôi bàn ra nhiều lần. Một lần không hiểu sao tôi lại nhắc đến ngôi nhà có hoa trắng ở đường số Mười Bốn và nói thật ra con đường ấy cũng đâu có xấu xí gì. Con rể tôi bật cười, trêu:
– Thì ra mẹ không thích dọn đi chỉ vì ưa căn nhà ấy.
Con gái tôi đùa thêm:
– Vậy nếu dọn qua nhà mới, mẹ sẽ được trọn quyền bỏ hết hoa cũ để trồng lại toàn hoa trắng. Và như vậy thì mẹ khỏi cần phải mất công… lén lút tới ngắm nhà người ta!

 

images
Tôi chống chế vì trường học cho mấy con bé gần, siêu thị chỉ cần vài bước là tới nơi nên không muốn đi. Các con tôi không nói gì. Nhưng cho đến một hôm chúng tôi phát giác ra hai chiếc xe đạp dựng ngoài sân dùng cho mùa hè bị đánh cắp; một chuyện chưa bao giờ xảy ra kể từ khi con rể tôi được sinh ra và lớn lên ở thành phố này, thì tôi mới bắt đầu thấy lao chao. Con gái tôi nói gần đây, khu vực nhà chúng tôi có thêm nhiều người lạ -những người mà thoạt nhìn, dẫu không muốn “đánh giá” vẫn thấy khó có thể tin là người hiền lành. Con tôi bảo không phải chỉ vì dáng dấp bên ngoài, hay bởi cách ăn mặc cẩu thả bẩn thỉu đầu bù tóc rối của họ, cũng không phải vì thấy họ xâm mình đặc kín, mà vì cách ăn nói dữ dằn cùng những tiếng chửi thề liên tục trên miệng, trong mỗi câu nói…
Tôi ái ngại nhớ lại nhiều lần tình cờ trong siêu thị, hay dọc đường đi, nghe những người như vậy chửi thề, tôi cũng đã phải nói nhỏ, nói khéo với hai đứa cháu ngoại rằng họ có cách nói khác với những gì chúng được dạy ở nhà và ở trường, nên cứ xem như là chưa nghe thấy gì. Một lần con bé lớn bảo tôi:
– Mẹ của Hailee cũng có nói giống như vậy.
Tôi hỏi lại:
– Con nghe cô ấy nói như vậy hồi nào?
Con bé đáp thấy Amelia nói chuyện với một người đàn ông ở ngoài khuôn viên nhà thờ lúc phụ với cô giáo trường Chúa Nhật mang đồ đạc ra xe. Phải thành thật mà nói là tôi đã khá bối rối, không biết trả lời như thế nào, vì Amelia là người cùng học chung lớp membership với tôi để trở thành hội viên của nhà thờ. Tôi là hội viên cũ của giáo hội Úc mới chuyển đến, còn Amelia là người mới, chẳng thuộc về một tổ chức tôn giáo nào trước đây. Hôm ấy, để tạo không khí vui vẻ với người mới và để chúng tôi làm quen với nhau, vị mục sư quản nhiệm đã đặt câu hỏi tại sao chúng tôi chọn nhà thờ này. Tôi đùa vì gần nhà và vì ở đây không có nhà thờ người Việt. Người khác thì bảo do được người quen hay người thân giới thiệu. Dường như ai cũng vui vẻ nói giễu đôi ba câu. Chỉ trừ Amelia. Đến lượt mình, người phụ nữ này đã nhún vai đáp tình cờ nhìn thấy một cái nhà thờ nằm sát bên quán rượu, nên tò mò muốn vào thử cho biết. Vị mục sư mỉm cười:
– Rồi các bạn thấy như thế nào khi sinh hoạt ở đây?
Tôi vui vẻ trả lời tôi rất thích vì tôn chỉ và cách thờ phượng của Hội Thánh ông quản nhiệm giống hệt như nơi tôi từng sinh hoạt ở Sydney. Tôi nói thêm vì ở hai lục địa khác nhau và hai cộng đồng cũng khác, một Mỹ, một Việt, nhưng có điểm chung, nên tôi đã yên tâm muốn trở thành hội viên chính thức. Một người trong nhóm cũng trả lời tương tự. Riêng Amelia thì lại nhún vai, nhếch một bên mép, nhát gừng bảo “cũng ok”, rồi uể oải tiếp:
– Chưa thấy có gì đặc biệt.
Cái câu trả lời chẳng có vẻ gì là sợ người khác mích lòng hay phật ý, dẫu có thể rất đúng với những gì mà cô đang nhận xét, cũng không đụng chạm gì đến tôi, nhưng nghe như vậy, rồi nhìn thêm cái nét chán chường vẫn thường thấy ở một số người trẻ có lối sống bất cần đời, bỗng dưng lại khiến tôi thấy khó chịu. Tôi liếc nhìn xuống cánh tay để trần, xâm đủ loại rồng rắn, màu mè, nghĩ thầm trong bụng, không biết người phụ nữ này có tưởng tượng một cái nhà thờ nằm cạnh quán rượu thì sẽ có một sinh hoạt khác thường nào đó so những ngôi nhà thờ nằm một mình trên đồi cao hay không. Rồi tôi lại thắc mắc chẳng biết cô nghĩ gì vì đã “không thấy đặc biệt” mà vẫn muốn trở thành hội viên…
Ngay hôm ấy, tuy không dám nhìn thẳng mặt người phụ nữ này, nhưng những tuần sau đó tôi cứ dán mắt ở đàng sau lưng cô. Trong lòng lại nơm nớp sợ cháu tôi sẽ nghe cô chửi thề ở đâu đó một lần nữa.
*
Hệt như một dạng người mà Chúa Giêxu nhắc đến nhiều lần, loại “hypocrite”, giả hình, tuy ngoài mặt vẫn tươi cười lịch sự nhưng trong lòng hay thích xét đoán, hay chỉ trích người khác, tôi đã âm thầm quan sát rồi nghĩ ngợi lung tung về Amelia, đoán già đoán non về quá khứ của cô. Mà có thể nói là đến hơn chín mươi phần trăm là những suy đoán không hay ho, không đẹp đẽ gì cả.
Amelia có sáu đứa con. Đứa lớn nhất khoảng độ mười bốn tuổi, và đứa bé nhất còn bế trên tay. Chúa Nhật, cứ nhìn thấy bốn đứa lóc nhóc, loai choai đi theo mẹ và thằng lớn nhất đẩy xe cho em, là tôi lại liên tưởng đến những cô bạn hàng xóm bị bế em đến vẹo cả sườn vì mẹ sinh nhiều. Nhưng thay vì thương cảm cho người phụ nữ ấy, tôi lại nghĩ đến những chuyện không ai nhờ tôi… nghĩ giùm. Thay vì thán phục, khen cô giỏi, biết chăm sóc sáu đứa con, chuyện hy hữu ở Mỹ, ở một phụ nữ Mỹ, thì tôi lại cứ nghĩ một cách hết sức hồ đồ rằng đây có thể là một trong những gia đình đang làm xã hội nặng gánh. Trong đầu tôi cứ lẩn quẩn những an sinh xã hội, những welfare…
Tôi không nhớ nổi tên bọn trẻ. Không nhớ rõ đứa nào anh, đứa nào chị, nhưng khi biết ra có vài đứa này không cùng họ với vài đứa khác, thì lòng lại trĩu thêm thành kiến. Tôi không hề nghĩ đến một ngày tôi được nghe chuyện đời cô trong một buổi sinh hoạt phụ nữ sau khi đi nhà thờ khoảng chừng một năm. Amelia kể:
– Tôi lớn lên trong một gia đình tệ mạt không ra gì. Ba tôi là một người vừa nghiện rượu vừa thô bạo, còn mẹ tôi thì yếu đuối và phụ thuộc hoàn toàn vào ba tôi. Tôi chưa bao giờ thấy bà có một quyết định rõ ràng, đúng đắn cho bản thân, nói gì đến cho người khác, cho các con. Mỗi ngày chính mình bị ăn một trận đòn, rồi thấy mấy chị em tôi bị quất bằng roi da, bằng những thanh gỗ nặng, mà bà chỉ biết khóc rồi mặc tình ông muốn làm gì thì làm. Năm tôi mười sáu tuổi, tôi bị một trận đòn thừa chết thiếu sống. Lý do rất khốn nạn là ba tôi đã muốn tôi đồng ý ngủ với một thằng già để lấy tiền xài riêng cho mình. Một thằng già… Phải, một thằng già nhăn nheo ghê tởm, người lúc nào cũng hôi hám, đầy mùi thuốc lá và rượu. Vậy đó mà ba tôi đã nói với tôi, “mày chỉ cần uống thuốc ngừa thai, rồi ngủ với nó chứ có làm gì khác đâu mà không chịu. Tao có bắt mày giết người cướp của đâu mà sợ!”.
Tôi sững người nhìn lên khuôn mặt lành lạnh cố hữu của Amelia. Tưởng chừng như có ai vừa giáng xuống đầu mình một nhát búa. Tôi lùng bùng cả hai tai khi nghe Amelia kể tiếp:
– Giết người cướp của… Giết người cướp của thì ngồi tù, trong khi chịu ngủ với thằng già đó thì ba tôi có tiền và tôi cũng sẽ được chia chát chút đỉnh. Ba tôi quan niệm “khi mày có bạn trai, mày cũng sẽ ngủ với thằng đó nhưng chắc chắn là không có đồng bạc nào hết!”…
Rồi Amelia bật cười:
– Lúc nhỏ mẹ tôi hay nói đến một trong mười điều răn của Chúa, là “hãy hiếu kính với cha mẹ để được sống lâu trên đất”. Hiếu kính và sống lâu… Xin thử tưởng tượng tôi sẽ được sống đến bao lâu khi “hiếu kính” với một người cha như vậy. Thử tưởng tượng tôi sẽ ra như thế nào khi đền đáp “công ơn” ông đã góp phần tạo ra tôi trên cõi đời này bằng cách kiếm tiền cho ông như vậy.
Những giọt nước mắt không tràn ra được trên đôi mắt đỏ hoe của Amelia, cô thở hắt ra một hơi dài và nặng:
– Dĩ nhiên là tôi đã phản đối cho tới cùng. Về phần ba tôi cũng quyết liệt muốn lấy số tiền nào đó của thằng già ấy, nên cuối cùng đã phang cho tôi không phải một mà là nhiều trận. Ban đầu mẹ tôi không hay biết chuyện này. Bà cứ tưởng tôi chỉ bị ăn đòn “như thường lệ”, nên không can thiệp, nhưng cuối cùng, vào cái ngày tôi sinh tử với ba tôi thì mẹ tôi mới bàng hoàng khi nghe tôi la hét như một con điên và nói huỵch toẹt ra, bảo ông có muốn giết thì cứ giết, chứ tôi sẽ không bao giờ ngủ với thằng già hôi hám đó. Mẹ tôi cũng la lên rồi cuối cùng là lao đến, nhào vào giữa những thanh củi đang bổ xuống tôi. Bà hét lên bảo tôi chạy đi…
Amelia chạy ra khỏi nhà. Chạy về phía những đứa thanh thiếu niên hay tụ tập dưới phố. Trong những đứa homeless, lang thang không về nhà ấy, có một đứa học chung với cô lúc còn tiểu học, thỉnh thoảng gặp vẫn còn chào hỏi nhau. Thằng bé này cho cô nhập bọn. Amelia trở thành vô gia cư. Bỏ học. Lang thang. Và rồi thay vì trốn chui trốn nhủi để khỏi bị bắt gặp, Amelia đi Minneapolis, cách tiểu bang chúng tôi gần ba trăm dặm. Sống ở thành phố lớn, không tiền, không nghề nghiệp, cuối cùng Amelia trở thành gái giang hồ. Cô thở ra một hơi mạnh:
– Tôi không liên lạc với bất cứ ai chỉ trừ một lần duy nhất gọi về cho dì tôi, bảo bà nhắn mẹ tôi là đừng ra cảnh sát khai tôi mất tích… Trong mấy năm liền, tôi không hề biết cha mẹ, anh chị em tôi sống chết như thế nào. Không hề gặp bất cứ người quen biết nào, cho tới lúc gặp anh ấy, người chồng đầu tiên của tôi.
John học chung với Amelia năm cuối cùng trước khi cô bỏ nhà đi, người tình cờ nhìn thấy những vết bầm trên tay cô mặc dầu khi đi học, cô đã dấu kín chuyện bị đánh bằng cách mặc áo tay dài. Điểm đặc biệt đã khiến John để ý đến Amelia là thỉnh thoảng khi trời chưa lạnh, cô vẫn quấn khăn quàng cổ. Amelia cười, nụ cười tôi chưa bao giờ nhìn thấy ở cô:
– John nói có một lần ở cuối sân trường, có lẽ do nóng quá mà tưởng chung quanh không có ai, tôi đã kéo ống tay áo lên cho mát, không ngờ anh ngồi ở đàng sau tự bao giờ. John đã thấy những vết bầm đó, và biết ngay là tôi bị đánh vì chính anh cũng là người thường xuyên bị ăn đòn ở nhà. Bố anh cũng là một người nát rượu… Sau khi tôi bỏ nhà đi, thì John vẫn tiếp tục đến trường và sau đó học xong đại học. Chính con người có cuộc đời khá hơn tôi do nhiều nghị lực và ý chí ấy đã lôi tôi ra khỏi vũng bùn. Chúng tôi cưới nhau…
Khuôn mặt Amelia đang sáng, bỗng trở lại u buồn và ảm đạm:
– Nhiều lần John khuyên tôi nên trở về thăm mẹ tôi và các em. Cũng khuyên tôi nên tha thứ cho ba tôi. Anh bảo ba anh cũng đối xử thật tệ bạc với mình thời thơ ấu nhưng anh không hận ông lâu. John nói khi không tha thứ cho người khác được, thì chính mình sẽ là người nặng lòng hơn hết. Tôi cãi lại John vì tôi nghĩ John không biết cái đớn đau của tôi, không hiểu được tôi đã sống tủi nhục như thế nào. John chỉ bị đánh, bị hất hủi, trong khi tôi thì gần như bị bán cho quỷ dữ. John không biết tôi căm hận ba tôi đến độ nào…
Amelia thở dài:
– Chúng tôi ở với nhau được ba đứa con thì đột ngột John trở bịnh. Cái chứng bịnh ung thư quái ác không có những biểu hiện đặc biệt để chúng tôi kịp trở tay. Trong nhiều năm liền tôi vẫn tự hỏi tại sao tôi là người phải chịu đựng những đau đớn, tại sao tôi luôn luôn là nạn nhân, luôn luôn gặp những điều bất hạnh như vậy.
Cả hội trường nín lặng. Không một tiếng thở nào có thể bật ra. Tim tôi càng lúc càng như có ai đang siết cứng. Tôi vừa xấu hổ vì những đoán xét vội vã của mình về người phụ nữ này, vừa thấy thương cô quắt quay. Cô hít thở liên tục để chận cơn xúc động:
– John đã qua đời sau sáu tháng chữa trị. Không còn John, tôi như người hụt chân. Thế giới chung quanh tôi đổ sụp xuống không ngờ. Tôi chẳng tưởng tượng được sao mình lại có thể bơ vơ đến độ ấy. Nếu không vì các con tôi, chắc là tôi đã tự tử lâu lắm rồi.
Một tuần lễ sau khi chôn cất John xong, người nhà của John cũng đã về, quá trơ trọi, Amelia mới bắt đầu nghĩ đến những gì anh đã từng đề nghị với cô. Cô gọi điện thoại về nhà cho mẹ và các em. Đến lúc ấy mới hay mẹ cô bịnh rất nặng, và ba cô thì còn đang ngồi trong tù với tội hành hung gây thương tích cho mẹ cô nhiều lần, và một vài tội danh khác. Nghe vậy, Amelia vội vã đưa các con về thăm và ở lại với bà vài tuần. Cô kể:
– Tôi chỉ về thăm được mẹ tôi lần ấy dầu từ Minneapolis về nhà mẹ tôi không xa. John mất đi rồi, tôi phải bươn chải nuôi con nên rất khó khăn. Tuy nhiên tôi có gọi điện thoại thăm bà gần như mỗi tuần…
Tôi nhớ có nhiều lần Amelia đã cúi nhìn xuống bàn tay mình một cách buồn bã như thể nhìn sự bất lực của mình:
– Mẹ tôi chỉ sống được một thời gian ngắn, chỉ độ hơn nửa năm kể từ sau ngày tôi về thăm bà. Nhưng có lẽ đó là khoảng thời gian quí nhất trong cuộc đời tôi, vì đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình thật sự có một người mẹ, một chốn để nhớ.
Amelia chậc lưỡi, rồi nói một cách bâng quơ như kiểu nói hằng ngày của cô:
– Ai cũng cần có một người mẹ…
Tôi nắm chặt lấy hai tay mình lại với nhau. Amelia tiếp tục câu chuyện của cô:
– Lúc còn sống, mẹ tôi có nói với tôi về những điều bà mơ ước. Bà bảo nếu tôi có được những điều ấy, thì bà mới có được sự bình an khi nhắm mắt xuôi tay. Là bà mong tôi sẽ có được một người chồng tử tế như đã có John. Điều thứ hai là bà muốn tôi có một căn nhà, mua cũng được mướn cũng được, lớn cũng được mà nhỏ cũng không sao, và đẹp hay xấu đều cũng không thành vấn đề, miễn đó sẽ là chỗ mà tôi muốn trú ngụ, là chỗ mà tôi không muốn rời xa cho dẫu bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra trong đời tôi…
Amelia chớp mắt:
– Những mơ ước thật bình thường với mọi người, nhưng có lẽ đối với chúng tôi, từ mẹ tôi cho đến bản thân tôi đều là những điều rất khó để mà thực hiện. Tôi biết tìm đâu ra được một người như John, một người có thể hiểu, có thể thông cảm và có thể chịu đựng những đau đớn vẫn ám ảnh tôi hằng ngày như vậy… Tôi là người không biết cười từ thời còn thơ ấu, là người không muốn thấy mặt trời lên hoàng hôn buông xuống lúc trưởng thành. Trong mắt tôi điều gì cũng không đẹp. Người nào tôi cũng không tin…
Nhưng như vậy đó mà cuối cùng Amelia đã tái hôn. Với một người mà cô bảo không tài giỏi như John, không hiểu cô hoàn toàn như John, nhưng biết thông cảm và sẵn sàng giúp cô lo cho các con. Amelia chép miệng:
– Tôi chỉ tiếc một điều là mẹ tôi đã không thể thấy những nụ cười của tôi bên cạnh người ấy, vì tôi gặp anh hơi muộn, sau khi mẹ tôi qua đời vài năm… Anh hiểu rất rõ hoàn cảnh của tôi, nên đề nghị chúng tôi đi tìm một thành phố khác để sống, để quên đi chuyện cũ. Nhưng sau khi đi lòng vòng vài nơi, cuối cùng tôi nói với anh, tôi chọn về sống lại ở nơi này. Tôi muốn trở về để đối mặt với quá khứ. Bởi tôi nghĩ chỉ khi nào tôi vượt qua được chính mình thì quá khứ mới không còn làm khó dễ tôi nữa… Cả khi tôi đến nhà thờ này, cái nhà thờ nằm cạnh một quán rượu, tôi cũng đã thách thức chính mình, rằng để xem mình bình tịnh đến đâu khi nhìn thầy một hình ảnh như vậy.
Tôi ngước nhìn Amelia, hai bàn tay đặt trong lòng tôi cứ run lên từng chập một. Tôi hồi hộp đến độ muốn nín thở. Chỉ sợ Amelia bật khóc. Chỉ sợ cô nói cô thua cuộc. Phải khó khăn lắm tôi mới nghe tiếp được chuyện lòng của cô:
– Ở tại nơi này tôi nghe nói về lòng nhân ái, về tình yêu thương và sự tha thứ. Nhưng với tôi, chỉ cần nghĩ đến chuyện tìm thăm ba tôi một lần trong tù đã thấy khó rồi, huống gì là tha thứ. Nhiều lần tôi tự nói, cứ kể như ông đã chết rồi nhưng tôi làm không được. Tôi cứ nghĩ đến điều mẹ tôi không dám nói thẳng với tôi, mà nói bóng gió về việc Chúa dạy hãy tha thứ cho kẻ nghịch thù. Mẹ tôi muốn tôi tha thứ.
Amelia rùn vai:
– Tha thứ… Có tha thứ được hay không? Cho một người sẵn sàng đẩy con mình xuống vực, đánh vợ mình ra nông nỗi như vậy. Sau khi tôi đi rồi, mẹ tôi còn bị đánh nhiều lần nữa, cho đến lúc hàng xóm chịu hết nổi nên đã kêu cảnh sát. Nhưng ở tù vài tháng ra, ông lại giở trò vũ phu như trước, và lần cuối cùng là em trai tôi đi thưa với đầy đủ bằng cớ. Tội nọ cộng tội kia, ba tôi bị tống giam cho đến bây giờ.

images (1)
Amelia chùi nước mắt:
– Có thể tha thứ hay không? Tôi loay hoay mãi cho đến hôm quyết định vào khám, muốn mặt đối mặt với ba tôi để xem mình còn căm hận ông đến đâu. Tôi suy nghĩ kỹ càng và chuẩn bị kỹ càng đủ mọi điều. Soạn ra trong đầu những gì sẽ nói, kể cả những câu chửi mắng như có lần tôi chửi một người quen biết cũ của ông ở ngay cạnh sân nhà thờ này khi ông ta nhắc đến ba tôi.
Amelia nói cô vẫn tưởng mình sẽ phản ứng dữ dội lắm.
– Vậy đó mà lúc thấy mặt ông rồi, tôi hoàn toàn không biết phải nói gì. Ông tiều tụy, già nua thì đã hẳn, mà còn như một người mất trí. Ba tôi bị bịnh Alzheimer, không nhớ gì nhiều. Tôi đã ngồi ngó ba tôi, cơ hồ ngó một cái bóng nắng ngã trên đường, ngó một cây cải tàn tạ cuối mùa. Chẳng thăm hỏi cũng chẳng mắng mỏ như đã nghĩ. Tôi chỉ ngó. Rồi tôi đi về. Nhưng tự dưng trước khi tôi quay lưng đi, thình lình ba tôi bỗng hỏi “mấy cái hoa trắng bà ấy trồng có còn sống không vậy?” Tôi sững sờ nhìn lại ba tôi với hình ảnh những giọt nước mắt trào ra hai bên khóe như một ông già hiền lành, chất phác nào đó đang nhắc đến người vợ yêu thương đã qua đời của mình. Mấy cái hoa trắng… Tôi không thể nào ngờ ba tôi còn nhớ mẹ tôi yêu hoa trắng, và trồng hoa trắng như vậy, dù ngày xưa mẹ tôi chưa bao giờ có được một mảnh đất, một miếng vườn để trồng những loại hoa mình thích. Bà chỉ có một hai cái chậu sứt mẻ ở đầu nhà mà ba tôi luôn dọa sẽ đạp đổ… Tôi bật khóc nức nở. Tôi tự hỏi, có phải chăng, con người, khi đến cuối cuộc đời mới biết đâu là cội nguồn?
Amelia kết thúc:
– Có thể ba tôi sẽ được thả khỏi tù sớm vì căn bịnh của mình, và không biết người ta sẽ đưa ông đi đâu, cho ông ở chỗ nào. Thật lòng mà nói, tôi chưa dám chắc mình đã thương yêu, đã tha thứ cho ông đủ để đưa ông về nhà ở, nhưng mỗi bận đi ra vườn, nhìn thấy những bụi cây tôi đã trồng từ ngày về lại thành phố này, thì tôi lại nghĩ tới câu ba tôi hỏi, mấy cái hoa trắng…
HOÀNG NGA   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn