Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / NHỮNG RÀO CẢN CỦA SỰ CẦU NGUYỆN

NHỮNG RÀO CẢN CỦA SỰ CẦU NGUYỆN

this could

Người Việt Nam xưa nay có một kinh nghiệm rất hay, đó là: “Trời cho không ai thấy, Trời lấy không ai hay.” Câu nầy nói lên lòng tin và kinh nghiệm của người Việt đối với Ông Trời. Ông Trời là Đấng quyền năng không ai thấy nhưng có thật. Ngài có đó và Ngài ban ơn cho chúng ta. Chúng ta sống được là nhờ Trời. Con người còn kêu Trời là vì Trời sống, Trời nghe. Bạn và tôi cần thiết phải mãi mãi thờ Trời và cầu Trời. Cầu Trời là duy trì mối liên hệ hằng ngày giữa chúng ta với Đức Chúa Trời.

Giống như cha mẹ thường đáp ứng các nhu cầu của con cái thì Cha Thiên Thượng của chúng ta cũng thích nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Trong cuộc đời 67 năm của tôi, tôi có thể nói lý do tôi còn sống và còn được bình an như ngày hôm nay với sức khỏe, gia đình và chức vụ hầu việc Chúa, tất cả đều là nhờ Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của tôi. Chúa nhậm lời cầu nguyện của tôi vì Chúa thương xót tôi.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu thêm về nguyên tắc và ý nghĩa của sự cầu nguyện. Kinh Thánh dạy rõ điều nầy từ lâu mà chúng ta ít để ý.

Cầu nguyện không phải là đến với Chúa và cứ cầu xin và xin. Cầu nguyện là một kinh nghiệm quý báu về sự thông công và thờ phượng Chúa giữa người với Trời. Cầu nguyện giúp chúng ta biết Chúa và biết mình nhiều hơn. Cầu nguyện là một trong những đặc ân lớn nhất mà chúng ta có được trong đời sống theo Chúa. Đức Chúa Trời thích nhậm lời cầu nguyện. Chúa Cứu Thế Giê-su đã từng dạy: Vậy nếu các con vốn là người xấu, còn biết cho con mình các vật tốt, huống chi Cha các con ở trên trời lại không ban những vật tốt cho những người xin Ngài sao? (Ma-thi-ơ 7:11).

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao có lúc Chúa không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta? Chúng ta cần học về vấn đề nầy. Tại sao Chúa không nhậm lời cầu nguyện của tôi? Trước đây tôi giống như nhiều Mục Sư khác hay lý luận rằng Đức Chúa Trời luôn luôn nhậm lời cầu nguyện. Theo đó Chúa nhậm lời cầu nguyện theo 3 cách: 1. Vâng, 2. Không được và 3. Hãy đợi. Sự thật như thế nào? Tại sao có những lời cầu nguyện Chúa không nhậm? Tại sao Chúa không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta?

Tôi tạ ơn Chúa đã học được cách sâu sắc hơn về sự cầu nguyện và muốn chia sẻ với tất cà anh chị em là người đã tin nhận Chúa. Chúng ta cần học luôn để biết tin cậy và vâng lời Chúa.

Trong sự cầu nguyện sự thật là đôi khi Chúa trì hoãn nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Thời giờ của Chúa khác hơn thời giờ của chúng ta. Hãy suy nghĩ đến trường hợp của ông La-xa-rơ. Khi ông bị bệnh nặng, hai người em gái của ông là Ma-thê và Ma-ry đã vội sai người đi báo tin cho Chúa Giê-su. Thế nhưng Chúa Giê-su cố tình chờ đợi cho đến lúc Ngài đến. Cuối cùng khi Chúa đến nhà ông La-xa-rơ ở Bê-tha-ni, thì ông nầy đã chết và được chôn trong mộ bốn ngày rồi. Lý do Chúa trì hoãn một cách cố ý như thế là nhằm đem lại sự vinh hiển sáng chói hơn cho Danh Chúa bằng cách khiến người đàn ông nầy sống lại từ cõi chết. Xem trong sách Giăng 11:1-44. Trong trường hợp nầy Chúa trì hoãn nhậm lời cầu nguyện là vì thời giờ của Chúa chưa đúng theo mục đích nhậm lời của Chúa.

Ngoài vấn đề thời điểm, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đôi khi trì hoãn hay từ chối một lời cầu nguyện nào đó là vì Ngài có một phước hạnh lớn hơn đang chờ ban cho chúng ta. Nhiều lần chúng ta giống như trẻ em cứ muốn có những thứ đồ chơi rẽ tiền ngay lập tức. Nhưng cha mẹ thì muốn ban cho con cái điều tốt hơn. Cũng vậy, Đức Chúa Trời là Cha Thiên Thượng không ban cho chúng ta theo thời điểm chúng ta muốn bởi vì Chúa muốn ban cho chúng ta điều tốt hơn đã dành cho chúng ta.

Như vậy, ngay cả khi chúng ta đang cầu nguyện trong ý Chúa, vì lòng yêu thương, Chúa sẽ thay đổi hoặc trì hoãn nhậm lời vì mục đích tốt hơn cho chúng ta. Và đây là những hình thức Chúa nhậm lời cầu nguyện của chúng ta.

Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy rằng có những lúc thậm chí Đức Chúa Trời không nghe và không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Những lời cầu nguyện Chúa không nghe, không nhậm nầy đã xảy ra không phải vì Chúa không có quyền năng để nghe và trả lời nhưng chính là vì những rào cản mà chúng ta đã dựng lên trong lòng và trong đời sống của chúng ta. Vậy chúng ta có thể kết luận rằng những lời cầu nguyện Chúa không nhậm đã có nguyên nhân từ phía chúng ta chứ không phài từ phía Chúa. Chúa sẽ không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta nếu những lời cầu xin đó không theo ý Chúa và không phù hợp với bản tính của Chúa.

Những rào cản nào đã phân cách mối giao thông của chúng ta với Chúa? Trong khi Kinh Thánh có nêu lên một số những ngăn trở đối với sự cầu nguyện, theo lời một Mục Sư người Báp-tít Mỹ mà tôi yêu thích, Mục Sư Warren W. Wiersbe, thì có bốn rào cản quan trọng nhất tạo ra vấn đề trầm trọng nhất cho đời sống cầu nguyện của chúng ta.

Bốn rào cản cho sự cầu nguyện đó là gì?

  1. Tội lỗi tỏ tường.
  2. Lòng ích kỷ.
  3. Mối bất hòa trong gia đình.
  4. Từ khước Lời của Chúa.

codocgiaoduc 1

Tội lỗi tỏ tường.

Rào cản thứ nhất cho lời cầu nguyện được nhậm là tội lỗi rõ ràng trong đời sống của chúng ta.

Thi Thiên 66:18 dạy, Nếu lòng tôi có chú về tội ác, Ắt Chúa chẳng nghe tôi.

Trong câu nầy tác giả không nói về bản chất tội lỗi của con người. Bất cứ người nào sống trên thế gian nầy đều mang bản chất tội lỗi. Ngoại trừ Chúa Cứu Thế Giê-su là người duy nhất vô tội. Kinh Thánh chép, “Ngài không biết tội lỗi” (2 Cô-rinh-tô 5:21). “Ngài không hề phạm tội” (1 Phi-e-rơ 2:22). “Trong Ngài không có tội lỗi” (1 Giăng 3:5).

Dầu con người chúng ta mang bản chất tội lỗi, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện. Nhưng nguyên nhân “chú về tội ác” mới làm cho sự cầu nguyện của chúng ta không được Chúa nhậm lời. Chú về tội ác nghĩa là chúng ta biết đó là tội ác, chúng ta chấp thuận và không làm gì cả để từ bỏ tội lỗi đó. Vậy có thể nói muốn có lời nguyện được Chúa nhậm thì trước hết hãy xem lại đời sống chúng ta có đang “chú vào tội ác” mà chúng ta đang biết rõ hay không. Khi Chúa Thánh Linh cáo trách, chúng ta phải ăn năn, từ bỏ tội đó ngay, một cách dứt khoát và tin tưởng. Một người có tội rõ ràng mà không ăn năn thì trước mắt Chúa người đó là kẻ giả hình. Chúa không thích người giả hình. Kinh Thánh chép, Nếu chúng ta nói mình được tương giao với Chúa mà vẫn bước đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không làm theo chân lý (1 Giăng 1:6). Chúng ta nói một đàng mà làm một ngã. Che đậy tội lỗi là lỗi lớn trước mắt Chúa, bởi vì, nếu chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, thì chúng ta cho Ngài là người nói dối, và lời Ngài không ở trong chúng ta (1 Giăng 1:10).

Ông Gióp là người lên án kẻ giả hình. Ông nói, Dẫu kẻ ác được tài sản, Đức Chúa Trời cất lấy linh hồn nó đi; Vậy, sự trông cậy kẻ ác là gì? Khi sự hoạn nạn xảy đến cùng hắn, Đức Chúa Trời há sẽ nghe tiếng của hắn sao? (Gióp 27:8-9).

Ngày nay có nhiều người, kể cả người Việt chúng ta, đang bận rộn tích lũy của cải vật chất mà coi thường tội lỗi và thờ ơ hững hờ đối với Đức Chúa Trời. Hãy coi chừng bạn và gia đình bạn đang bị lừa dối đi theo một tôn giáo phủ nhận Trời và không biết thờ Trời. Bạn vẫn sống, vẫn “được tài sản” nhưng bạn không có tương lai. Không thờ Trời, cũng không cầu Trời là không có mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Không có mối liên hệ với Đức Chúa Trời là một trọng tội. Vô tín là một cản trở lớn nhất trong mọi mối liên hệ. Hãy tưởng tượng khi những người không thờ Trời, không từng cầu Trời nhưng đến khi gặp hiểm nguy hoặc đối diện với cái chết, cuối cùng họ cũng sẽ kêu Trời. Nhưng Chúa Trời sẽ trả lời thế nào? Ngài chắc sẽ phán, “Ngươi đã không tin ta và không từng kêu cầu ta trước đây, tại sao ta phải nhậm lời ngươi lúc nầy?”

Khi chúng ta đang chú ý, tham gia, âm mưu, ấp ủ một tội lỗi rõ ràng trong đời sống mình, Chúa sẽ không nghe và không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta đâu. Có người dám nói “Chúa đang hình phạt chúng ta khi Ngài nhậm tất cả mọi lời cầu xin của chúng ta.” Chú về tội ác có nghĩa là chúng ta phạm tội đó cách bí mật, suy nghĩ về tội đó, vui vẻ khi nghĩ đến tội đó, không thành thật đối diện với tội đó. Một người tin Chúa và muốn duy trì tốt đẹp mối liên hệ với Chúa phải biết kiên quyết, dứt khoát giải quyết tội lỗi rõ ràng hay kín dấu trong đời sống. Chúa Giê-su đã từng phán, Nếu mắt bên phải khiến con phạm tội; hãy móc và ném nó đi; vì thà con mất một phần thân thể, còn hơn là cả thân thể bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của con gây cho con phạm tội; hãy chặt và ném nó đi; vì thà con mất một phần thân thể, còn hơn là cả thân thể phải đi vào hỏa ngục (Ma-thi-ơ 5:29, 30). Rõ ràng ở đây Chúa không nói theo nghĩa đen. Giải phẩu thể xác không thể tạo ra sự sống tâm linh. Ở đây Chúa muốn nói, “Hãy từ bỏ tội lỗi trước khi nó ăn lan ra và hủy diệt cả đời sống của bạn.”

Kinh nghiệm cụ thể cho mỗi người chúng ta là mỗi khi đến với Chúa trong sự cầu nguyện, chúng ta trước hết cần có thời gian để xưng tội và tẩy sạch tội lỗi. Sứ đồ Giăng viết, Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác(1 Giăng 1:9).
Trong thời Cựu Ước, hãy suy nghĩ đến phong tục thờ phượng trong đền tạm hay trong đền thờ, trước khi các thầy tế lễ có thể vào nơi thánh để xông hương tại bàn thờ, họ phải dừng lại ở chậu nước và rửa sạch cả chân và tay. Đây là hình thức xưng tội, tẩy sạch tội lỗi, ô uế khi bước vào sự hiện diện của Chúa. Bạn và tôi cần được tẩy sạch. Hãy cùng tôi cầu nguyện Chúa, noi gương vua Đa-vít xưa, Xin hãy lấy chùm kinh giới tẩy sạch tội lỗi tôi, thì tôi sẽ được tinh sạch; Cầu Chúa hãy rửa tôi, thì tôi sẽ nên trắng hơn tuyết (Thi Thiên 51:7).

Lòng ích kỷ

Rào cản thứ hai ngăn cản sự cầu nguyện được nhậm của chúng ta là lòng ích kỷ. Tác giả Kinh Thánh sách Gia-cơ đã chỉ ra rõ ràng là nếu chúng ta ích kỷ trong sự cầu nguyện, Chúa sẽ không nghe chúng ta, Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao? Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin. Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình(Gia-cơ 4:1-3).

Khi dạy về sự cầu nguyện, Chúa Giê-su muốn chúng ta để ý đến mối quan tâm của Chúa trước mối quan tâm của chúng ta. ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời;
Danh Cha được tôn thánh;
Vương quốc Cha được đến,
Ý Cha được nên, ở đất như ở trời!
(Ma-thi-ơ 6:9-10). Một khi chúng ta cầu nguyện theo mối quan tâm của Chúa trước, chúng ta sau đó có thể cầu xin, Xin cho chúng con hôm nay thức ăn đủ ngày” (câu 11). Điều nầy không có nghĩa cầu nguyện cho mình là sai. Nhiều người trong Kinh Thánh đã cầu nguyện cho mình. Hãy nghe vua Đa-vít cầu nguyện. Ông thường cầu nguyện cho chính mình. Ông cầu xin sự tẩy sạch tâm linh, xin quyền năng, xin Chúa bảo vệ và giải cứu ông trước những kẻ thù. Trong Tân Ước, Chúa Giê-su cũng cầu nguyện cho mình. Phao-lô cũng vậy. Chúng ta có thể cầu nguyện cho mình. Tuy nhiên, sự cầu nguyện ích kỷ nói đến ở đây không phải là sự cầu nguyện cho mình. Chúng ta phải cầu nguyện cho mình để chúng ta có thể phục vụ cho người khác. Chúng ta cầu nguyện cho nhu cầu của mình để chúng ta có thể đáp ứng các nhu cầu của người khác. Sự cầu nguyện nầy khác hẳn với thái độ cầu nguyện mà Gia-cơ nói đến, “Anh em tham lam mà chẳng được, nên anh em giết người. Anh em thèm muốn mà không thể đạt được, nên xung đột và tranh chiến. Anh em không có gì cả, vì anh em không cầu xin. Anh em cầu xin mà không nhận được, vì anh em cầu xin với dụng ý xấu, để dùng cho dục vọng riêng của mình (Gia-cơ 4:2-3). Trong trường hợp nầy một người cầu nguyện chỉ có mục đích làm thỏa mãn dục vọng, vui thích và tham muốn riêng của mình.

nhavodich

Bằng chứng của thái độ cầu nguyện ích kỷ là gì? Tôi học được điều nầy trong sách Gia-cơ trước các thái độ xảy ra trong Hội Thánh của ông.

Trước tiên là chúng ta trở nên khó sống với người khác. Chúng ta thường xuyên tranh đấu và tranh luận cãi cọ với người khác. Chúng ta chỉ muốn được lòng mình và thỏa mãn chính mình. Chúng ta không thích làm vinh hiển Chúa. Chúng ta sống ích kỷ. Chúng ta chỉ muốn yên thân, sống chết mặc ai. Cầu nguyện không phải để làm thỏa mãn dục vọng của chính mình. Mục đích của sự cầu nguyện là làm thành ý muốn của Chúa. Sứ đồ Giăng đã chỉ dẫn rõ ràng, Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài (1 Giăng 5:14-15). Như vậy, khi chúng ta cầu xin theo ý Chúa, Chúa hứa ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin.

Một tác giả giải kinh đã viết rất hay như sau: “Mục đích của sự cầu nguyện không phải là xin ý con được nên trên trời mà là xin ý Chúa được nên dưới đất.” Chúng ta muốn biết ý Chúa chỉ có cách hay nhất là đọc lời Chúa và suy gẫm lời Chúa mỗi ngày. Ý Chúa nằm trong Kinh Thánh. Hãy đọc và cầu xin Chúa Thánh Linh chỉ dẫn soi sáng để bạn hiểu ý Chúa. Tôi tin chúng ta có thể hiểu rõ ý Chúa khi chúng ta vừa đọc Kinh Thánh vừa nói với lòng mình, “Tôi sẽ làm theo ý Chúa.” Tin cậy và vâng lời Chúa là bí quyết thành công trong đời sống theo Chúa của mỗi người chúng ta.

Bất hòa trong gia đình.

Rào cản thứ ba của sự cầu nguyện là mối bất hòa trong gia đình. Lẽ thật căn bản nầy được sứ đồ Phi-e-rơ nói đến trong thư tín của ông, Những người làm chồng cũng vậy, hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ mình, quí trọng vợ như phái yếu hơn, vì họ sẽ cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống, để không có điều gì ngăn trở sự cầu nguyện của anh em (1 Phi-e-rơ 3:7). Trong câu nầy, ngày nay tôi nghĩ không dành cho mấy ông chồng nhưng cũng dành cho mấy bà vợ nữa. Sự cầu nguyện có thể bị ngăn trở khi trong quan hệ vợ chồng có sự bất hòa, cãi vả, thiếu bình an, thiếu hòa thuận. Khi có sự bất hòa trong gia đình thì giống như vợ chồng đang chất lên những chướng ngại trên đường giao thông ơn phước do Chúa đang mang đến.

Qua lời dạy của sứ đồ Phi-e-rơ, một người có bà gia được Chúa chữa lành bệnh, có một bà vợ mà ông đã dẫn đi chung trong các cuộc hành trình truyền giáo, một người lãnh đạo có kinh nghiệm về gia đình, tôi thấy có một số bài học chúng ta cần lưu ý.

Cầu nguyện là quan trọng trong gia đình. Mỗi gia đình. Mỗi ngày người chồng và người vợ đều phải dành thời giờ cầu nguyện với nhau. Đây là thói quen mà chúng ta đang thiếu sót. Hãy quan tâm và tái lập giờ cầu nguyện của vợ và chồng. Nền tảng bền vững của một gia đình là sự cầu nguyện chung giữa vợ chồng và con cái. “Family pray together stay together.”

Cầu nguyện là duy trì và phát triển tầm quan trọng của mối giao thông với Chúa và với nhau. Chúng ta phải rất cẩn thận trong cách ăn ở và cư xử với nhau giữa vợ với chồng. Hãy để ý đến lời nói của Phi-e-rơ. Ông khuyên, “hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ mình, quí trọng vợ như phái yếu hơn, vì họ sẽ cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống.” Quí trọng vợ là một trong những điều kiện để Chúa nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Tôi thấy Chúa coi trọng gia đình của chúng ta. Tôi cảm ơn Chúa về gia đình của tôi. Chắc chưa phải là gia đình hoàn hảo nhưng là một gia đình được phước. Được phước vì có Chúa, vì Chúa đang sống và đang dạy dỗ, bảo vệ tất cả mỗi người trong gia đình chúng tôi. Tôi cảm ơn Chúa vì thấy con và cháu đều tin Chúa và yêu Chúa. Tôi cũng cảm ơn Chúa về Hội Thánh. Hội Thánh là gia đình của những gia đình.

Khi Chúa không nhậm lời cầu nguyện của vợ chồng thì điều nầy tổn thương cho hạnh phúc gia đình, và cũng tổn thương cà Hội Thánh nữa. Trường hợp nầy đặc biệt đúng đối với các Mục Sư và Chấp sự, Giáo viên, Giáo sĩ trong Hội Thánh. Nếu chúng ta không cầu nguyện và không sống chung hòa thuận với gia đình, thì làm sao chúng ta có thể giúp ích gì cho Hội Thánh được? Nhiều tín hữu đang cầu nguyện xin Chúa phấn hưng Hội Thánh. Nhưng thiết nghĩ trước khi có sự phấn hưng trong Hội Thánh, chúng ta phải có sự phấn hưng trong hôn nhân và gia đình của mỗi chúng ta. Hãy bắt đầu sự phấn hưng bằng sự bắt đầu đọc Kinh Thánh và cầu nguyện từ trong gia đình. Tôi đang cầu nguyện xin Chúa giúp tôi làm được điều gì cụ thể để giúp các tín hữu và môn đồ bắt đầu phục hưng từ trong gia đình mình mỗi ngày. Hãy bắt đầu thói quen đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Đọc Kinh Thánh mỗi ngày một chương.

Từ khước Lời Chúa.

 

images (12)

Chất chứa tội lỗi trong lòng, cầu xin ích kỷ, không giải quyết mối bất hòa trong gia đình là những rào cản cho sự cầu nguyện được Chúa nhậm. Một cản trở thứ tư trong đời sống cầu nguyện của chúng ta chính là sự từ khước Lời Chúa. Châm ngôn 28:9 chép, Người nào xây tai không khứng nghe luật pháp, Lời cầu nguyện người ấy cũng là một sự gớm ghiếc.”

Lời Chúa và sự cầu nguyện luôn đi đôi với nhau. Chúa Giê-su dạy, Nếu các con cứ ở trong Ta và lời Ta cứ ở trong các con, hãy cầu xin bất cứ điều gì mình muốn, thì các con sẽ nhận được điều đó(Giăng 15:7).

Trong Hội Thánh đầu tiên, chúng ta thấy các nhà lãnh đạo như Phi-e-rơ đã liên tực dâng mình cho chức vụ cầu nguyện và nghiên cứu Lời Chúa. Cầu nguyện và đọc Kinh Thánh phải đi đôi với nhau vì nhờ Kinh Thánh mà chúng ta biết rõ ý Chúa, lòng Chúa và quyết định của Chúa. Khi biết rõ Lời Chúa chúng ta sẽ nương dựa trên lời hứa của Chúa và quyền năng của Chúa để cầu nguyện cho những nhu cầu của chúng ta.

Cầu nguyện cũng không phải là cố gắng riêng của chúng ta. Cầu nguyện là kết quả của Linh Chúa và Lời Chúa làm việc trong đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta từ khước Lời Chúa thì Chúa không nghe và không nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa không thể nhậm lời cầu nguyện nào vi phạm đến đức thánh khiết và bản tính của Chúa.

Là Đấng yêu thương, Chúa muốn nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng Chúa không thể nhậm lời cầu nguyện của chúng ta khi chúng ta đặt những lực cản giữa chúng ta với Chúa. Đó là vấn đề của chúng ta. Chúng ta phải thay đổi trước khi biết được những lực cản nầy. Chúng ta phải xưng tội và từ bỏ tội trong đời sống, chúng ta nên giải quyết ngay mối bất hòa trong gia đình, chúng ta không thể coi thường lời Chúa. Mọi cản trở được cất đi, mối giao thông tái lập, chúng ta sẽ sống phước hạnh và bình an.

Bây giờ đề nghị bạn cùng tôi đọc Thi Thiên 51.

hue 1

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Tham khảo:

Warren W. Wiersbe, Famous Unanswered Prayers, Lincoln, Nebraska: Back To The Bible, 1986.

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn