Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / ĐIỀU GÌ XẢY RA SAU KHI CHẾT?

ĐIỀU GÌ XẢY RA SAU KHI CHẾT?

Nỗi cô đơn do tội lỗi

ĐIỀU GÌ XẢY RA SAU KHI CHẾT?

Chỉ còn một bước cách tôi và sự chết mà thôi.
I Sam. 20:3

Người ta thường nghe nói rằng cả cuộc đời chỉ là để chuẩn bị cho cái chết.

Tác giả Thi-thiên nói: “Ai là người sống mà sẽ chẳng thấy sự chết” (Thi.  89:48).

Có thể coi ngày nay là một thời đại tự do tư tưởng của thực nghiệm cấp tiến. Chúng ta đã cố tìm cách thay đổi thế giới và những định luật chi phối nó bằng kiến thức, khoa học, phát minh, khám phá, triết học và tư tưởng duy vật. Chúng ta đã cố đặt lên ngôi những vị thần giả hiệu, tiền tài, danh vọng, và sự khôn ngoan của con người; nhưng dù chúng ta có cố gắng đến đâu chăng nữa, cuối cùng vẫn là: “Theo thông lệ mỗi người chỉ chết một lần rồi bị Chúa xét xử” (Hêb. 9:27).

Giữa cuộc sống, chúng ta thấy sự chết khắp mọi nơi. Tiếng rú của xe cứu thương, đèn hiệu ở những nhà xác, nghĩa địa chúng ta thường đi qua, chiếc xe tang lách mình giữa những dòng xe, tất cả nhắc nhở chúng ta rằng tử thần có thể gọi chúng ta bất cứ lúc nào. Không ai trong chúng ta biết chắc lúc nào việc đó xảy ra nhưng chúng ta biết rõ là nó có thể đến bất cứ lúc nào.

Có người đã nói: “Điều chắc chắn duy nhất về đời sống, là sự chết”. Oscar Wilde nói: “Từ nay trở đi, con người có thể thắng mọi sự để tồn tại – ngoại trừ sự chết”. Các sách đề cập sự chết và trạng thái hấp hối đã được tung ra rất nhiều mấy lúc gần đây – cũng như có nhiều sách của những người tự xưng là đã trải qua sự chết rồi sống lại kể về nó. Thay vì tìm phương cách phục hòa với Thượng Đế, người đời lại mở nhiều lớp học để dạy về tình trạng hấp hối và phương pháp đối diện với cái chết – chấp nhận đó là một thành phần bình thường của đời sống. Thật vậy, cả nhân loại đang xếp hàng ngồi chờ chết, đang thọ án tử hình. Chúng ta sẽ chết cách nào hay bao giờ sẽ chết, thì không phải là vấn đề chính yếu, mà vấn đề là sau khi chết, chúng ta sẽ đi đâu?

sau

Mỗi năm có hằng trăm ngàn người bước lên xe và không ngờ rằng đó là chuyến đi cuối cùng của họ. Dù đã áp dụng và tăng cường tất cả các biện pháp an ninh, hằng trăm ngàn người khác vẫn chết vì tai nạn tại nhà, khi đầu óc họ không hề có một ý nghĩ gì về sự chết. Vì sự chết không ngừng rình rập con người, và mặc dù y khoa và những kỹ sư khai chiến liên miên với nó, rốt cục, sự chết vẫn luôn luôn chiến thắng.

Nhờ cuộc chiến trường kỳ của khoa học, giờ đây chúng ta kéo dài cuộc sống thêm vài năm nữa, nhưng sự chết vẫn sừng sững ở cuối đường, và tuổi thọ trung bình của một người không quá xa điều Kinh Thánh ghi nhận là bảy mươi năm.

Bệnh đau tim vẫn cướp đi quá nhiều người giữa thời xuân xanh. Bệnh ung thư vẫn giáng nỗi đau đớn vào cơ thể hàng vạn người. Bệnh lao, hoại huyết, tê liệt, sưng phổi vẫn hoành hành, mặc dù sự nghiên cứu y khoa đã giảm thiểu rất nhiều số nạn nhân hằng năm. Ung thư da và Liệt kháng (AIDS hay SIDA) là hai chứng bệnh của thập kỷ 80. Chúng đang lộng hành trên thế giới và được báo động là đã hiện diện trên tất cả các đại lục. Nhưng dù thống kê tình trạng có lạc quan đến đâu, tuổi thọ chúng ta từ năm 1900 đến nay có gia tăng bao nhiêu, hay những con số ghi nhận các vụ giết người, tự tử và những hình thức chết bất đắc kỳ tử khác có thế nào đi nữa, sự kiện không tránh được là cái chết vẫn không thay đổi – vẫn là kinh nghiệm cuối cùng của chúng ta trên quả đất!

Cuộc chiến đấu suốt đời.

Từ lúc một hài nhi ra đời, cuộc chiến chống tử thần bắt đầu. Người mẹ dành nhiều năm chăm chú vào sự bảo vệ đời sống của đứa trẻ. Bà chăm sóc thức ăn, quần áo, môi trường sinh hoạt, khám sức khỏe, tiêm chủng, nhưng dù có chăm sóc và yêu thương đến đâu, đứa trẻ cũng đã bắt đầu chết dần.

Không bao lâu, những dấu hiệu hiển nhiên của sự suy nhược trở nên rõ rệt. Nha sĩ sẽ xem xét những chiếc răng hư của chúng ta. Kính mắt sẽ được dùng đến để hỗ trợ thị giác đang suy yếu. Da mặt sẽ nhăn và trễ xuống với thời gian, đôi vai chúng ta sẽ khòm, bước đi chúng ta sẽ chậm lại và kém vững vàng. Xương cốt cũng dễ gãy hơn khi sức lực chúng ta giảm sút và chúng ta cứ tiến dần về sự chết mà không hay biết.

Sự bảo hiểm sức khoẻ và bệnh viện được đem áp dụng để giúp chúng ta chịu đựng nhẹ nhàng. Người ta đóng bảo hiểm nhân thọ để dự phòng những chi phí cuối cùng và chúng ta sẽ chợt nhận ra rằng trọn cả cuộc đời chúng ta là một trận chiến vĩ đại và không bao giờ dứt với sự chết. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng tất cả chúng ta đang dự một cuộc đua, điều chúng ta hy vọng nhiều nhất trong đó là được một ít thì giờ nữa, và thắng kẻ đối địch được chừng nào hay chừng nấy, nhưng cuối cùng ta biết là sự chết sẽ luôn luôn chiến thắng!

Kẻ thù của chúng ta là gì mà bí mật như vậy – bí mật như chính sự sống. Vì chúng ta thấy sự sống đầy dẫy chung quanh ta, trong cây cỏ, muông thú cũng như trong con người, chúng ta không thể tạo ra cũng không thể giải thích được. Chúng ta cũng không thể giải thích được sự chết mặc dù chúng ta ý thức là có sự chết cũng như có sự sống vậy. Tuy nhiên chúng ta ít muốn đề cập đến sự chết hay suy xét về tầm quan trọng của nó! Khi sự sống xuất hiện và khi một đứa trẻ ra đời, chúng ta vui mừng. Khi sự sống ra đi và một người qua đời, chúng ta cố quên càng sớm càng tốt.

Ngày nay có hơn bốn tỷ người sống trên hành tinh này. Hầu hết đều sẽ chết trong vòng một trăm năm. Thân thể họ sẽ không còn cảm giác gì. Nhưng còn linh hồn họ – phần quan yếu và vĩnh cửu của sự sống? Đây mới là chỗ huyền nhiệm. Cái gì mất đi khi con người chết? Và cái mất đi sẽ về đâu?

Tại sao loài người chối bỏ Thượng Đế?

fighting-against-god

Mấy năm trước đây có một ký giả qua đời tại Denver thuộc tiểu bang Colorado. Giữa tang lễ, tang gia nghe tiếng ông nói đã được ghi âm như sau: “Đây là tang lễ của tôi. Tôi là một người vô thần và có thái độ này trong nhiều năm rồi. Tôi tuyệt đối khinh miệt sự vô nghĩa của thần học. Các tu sĩ là những người có tinh thần khiếp nhược. Các phép lạ là sản phẩm của tưởng tượng. Nếu bốn phóng viên được phái đi dự một cuộc hành hình và viết bài tường thuật một cách méo mó như những sứ đồ trong Kinh Thánh đã làm thì phải đuổi họ ngay lập tức. Tôi không muốn nghe bài hát tôn giáo. Đám tang này phải được cử hành một cách hoàn toàn hợp lý”.

Hãy đối chiếu đoạn văn trên với bài thơ đẹp đẽ về cái chết, mà Alfred Lord Tennyson đã mô tả trong ‘In Memorian: “Ngón tay của Thượng Đế chạm đến anh ta, và anh ta ngủ”.

Mỗi thời đại đều sản sinh những hạng người vì chống nghịch Thượng Đế nên đã cố tình chế nhạo và gièm pha Hội thánh, Kinh Thánh và Chúa Cứu Thế Giê-xu. Họ la lối để chống lại tiếng nói của Thượng Đế nhưng không nêu được một bằng chứng hiển nhiên nào. Lịch sử cho thấy có nhiều George Bernard Shaw, nhiều Robert Ingersoll, nhiều B. F. Shinner và nhiều triết gia, đã tìm đủ lý lẽ mong hủy diệt sự khiếp sợ trước cái chết.

Hãy nghe nhà nhân chủng học nói về cái chết trong rừng sâu. Tại đó không có sự “vô lý của thần học” vì không ai nghe nói về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vậy sự chết tại đây là cái gì? Trong một vài bộ lạc, người già bị đem bỏ vào bụi cho thú dữ ăn. Như thế tránh cho người trẻ phải chứng kiến sự chết. Trong một bộ lạc khác, người chết bị lột hết quần áo và thân thể bị sơn trắng. Giờ này qua giờ khác, những tiếng than khóc và gào thét báo cho thế giới biết là một linh hồn sắp lìa khỏi xác. Sự chết ngoài vòng ảnh hưởng Cơ Đốc giáo mang đầy vẻ ghê gớm và tuyệt vọng. Chẳng hạn với những người Hồi giáo thì người ta trông mong được chết trước hạn kỳ, vì người Hồi giáo tin rằng có nhiều thú vui đang chờ đợi người tận trung – nếu họ chết trong lúc tàn sát những kẻ bất trung hay đang chiến đấu vì đạo của mình.

Hãy so sánh với cái chết của một Cơ Đốc nhân. Khi Chúa Cứu Thế xuống thế gian, Ngài đã đem lại một hướng nhìn mới đối với sự chết. Con người luôn luôn xem sự chết như kẻ thù, nhưng Chúa Giê-xu phán là Ngài đã chinh phục được sự chết và đã trừ khử được nọc của nó. Cứu Chúa Giê-xu là Nhà Đại Hiện Thực khi Ngài khuyến cáo con người hãy chuẩn bị cho sự chết, chắc chắn thế nào cũng xảy đến. Chúa Giê-xu phán chớ lo lắng về sự chết của thể xác, nhưng nên lo lắng về cái chết vĩnh viễn của linh hồn thì hơn.

Tôi nghĩ đến bà Helen Morken, chờ chết, chồng và con cái vây quanh để hát thánh ca trong bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Thật ra, bà đang ca hát trước mặt Chúa. Và tôi nghĩ đến các thánh đồ của Thượng Đế mà Alexander Smellie đã mô tả trong quyển sách của ông nhan đề ‘Những nhân vật của giao ước’. Ông kể về các vĩ nhân có đức tin đã chịu chết trong “các giai đoạn tàn sát” tại Tô-cách-lan, khi những cuộc xử tử là một cái gì rất lý thú. Bấy giờ chưa có ghế điện, chẳng có tiểu đội xử bắn, chẳng có thuốc mê tiêm vào khiến cho kẻ chết càng bị ít đau đớn càng hay. Ấy là thời kỳ của cực hình tra tấn – rút móng tay, đánh gãy ống quyển, treo cổ và sau đó là phân thây. Vì lý do ấy mà mỗi người được Smellie mô tả đều kinh sợ cái chết. Thế nhưng, khi phải chết họ đều chết trong niềm vui xuất thần!

Kinh Thánh cho biết có hai sự chết: một là sự chết vật chất và sự chết kia là sự chết đời đời. Chúa Giê-xu cảnh cáo rằng chúng ta phải sợ cái chết thứ nhì gấp bội cái chết thứ nhất. Ngài gọi sự chết thứ nhì là địa ngục, là sự chia cách đối với Thượng Đế. Ngài phán rằng cái chết của thể xác bạn chẳng có nghĩa gì so với một linh hồn bị cố tình phân rẽ đời đời với Thượng Đế.

(Còn nữa)

 

images   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn