(Tiếp theo bài trước)
Điều ác dưới mắt chúng ta.
Chính tội ác và sự méo mó trong chúng ta đã không cho chúng ta thấy và nếm trải thế giới toàn thiện của Thượng Đế. Chính tội lỗi chúng ta đã làm mờ hình ảnh, đã khiến chúng ta thay vì làm con cái thánh khiết của Thượng Đế, lại trở thành con cái của sự độc ác. Phao-lô đã lên tiếng thay cho tất cả chúng ta khi ông phát biểu: “Tôi chẳng làm điều mình muốn, lại làm điều xấu mình không muốn” (Rôm. 7:19). Phao-lô đã nhận biết kẻ thù ghê gớm, kẻ đối nghịch của tất cả nhân loại và ông đã kêu lên: “Thật bất hạnh cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát ách nô lệ của thể xác tội lỗi hư hoại này? Tạ ân Thương Đế, tôi được giải cứu nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta” (7:24, 25).
Đối với Phao-lô, có hai thế lực đối nghịch rất rõ rệt và ông đã nhận biết sâu sắc là mình đã bị giằng xé giữa hai từ lực đó. Sức mạnh của điều thiện lôi kéo tâm trí ông hướng về phía Thượng Đế, trong khi sức mạnh của tội ác cố lôi kéo thân thể ông xuống chỗ chết chóc và diệt vong.
Bạn cũng đang bị mắc vào hai mãnh lực đó: sự sống và sự chết. Hãy chọn lấy con đường của Thượng Đế vì đó là sự sống. Nếu bạn chọn con đường của Sa-tan tức là bạn chọn con đường của sự chết.
NỖI TUYỆT VỌNG VÌ CÔ ĐƠN
Tôi bị chúng quên đi như kẻ chết mà lòng không còn nhớ đến.
Tôi giống như một cái bình bể nát
Thi 31:12
Sau khi phu quân của Nữ hoàng Victoria qua đời, bà nói: “Chẳng còn ai để gọi tôi là Victoria nữa”. Tuy là một nữ hoàng, bà vẫn biết rõ cô đơn có nghĩa gì.
Vào sinh nhật thứ sáu mươi lăm của mình, H. G. Wells nói: “Tôi đã sáu mươi lăm tuổi, đang cô đơn, lòng không hề bình an”.
Isadora Duncan, nữ vũ công nhạc kịch lừng danh, từng khiêu vũ trước mặt các bậc đế vương của Âu châu, và được cho là nữ vũ công tài ba nhất của mọi thời đại, nói: “Tôi chưa bao giờ phải ở một mình, nhưng lòng tôi đau đớn, mắt tôi đẫm lệ, tay tôi run rẩy vì mong được sự bình an và niềm vui mà tôi chẳng bao giờ tìm thấy”. Rồi bà nói tiếp rằng, dầu đang sống giữa nhiều triệu người ái mộ mình, thật ra, bà là một người vô cùng cô đơn.
Mấy năm trước đây, một minh tinh trẻ đẹp của Hollywood, là người dường như có đầy đủ tất cả những gì một thiếu nữ có thể mơ ước, đã tự kết liễu đời mình. Cô ghi một lời ngắn ngủi, vô cùng đơn giản để nhắn lại với mọi người rằng cô ta cô đơn đến mức không thể nào chịu đựng nổi nữa.
Tác giả Thi-thiên nói: “Tôi giống như con chàng bè nơi rừng vắng, khác nào chim mèo ở chốn bỏ hoang. Tôi thao thức, tôi giống như chim sẻ hiu quạnh trên mái nhà” (Thi 102:6, 7).
Ông lại nói: “Sự sỉ nhục làm đau thương lòng tôi, tôi đầy sự khổ nhọc; tôi trông đợi có người thương xót tôi, nhưng chẳng có ai; tôi mong chờ người an ủi, song nào có gặp” (Thi 69:20)
Nỗi cô đơn của nơi hoang vắng.
Trước hết, có nỗi cô đơn do vắng vẻ. Tôi cảm nhận nỗi cô đơn của đại dương khi chẳng còn tiếng động nào khác hơn là tiếng rì rào dọc theo một bờ biển lởm chởm những tảng đá. Tôi từng cảm thấy nỗi cô đơn trên một cánh đồng cỏ, thỉnh thoảng mới vang lên tiếng tru não nuột của một con chó sói. Tôi cảm thấy nỗi cô đơn của những rặng núi nhấp nhô, chỉ nghe tiếng gió thở dài.
Người lính canh vì nhiệm vụ phải đứng một mình trong trạm gác; hàng ngàn người sống trong các bệnh viện tâm thần; và những người bị biệt giam trong các lao xá, các trại tập trung, vốn biết rõ ý nghĩa của nỗi cô đơn và nơi hoang vắng.
Louis Zamperini, vận động viên lừng danh trên đường chạy Thế vận hội từng kể lại nỗi cô đơn khủng khiếp của mình giữa cảnh vắng vẻ, khi anh phải lênh đênh bốn mươi ngày trên một chiếc bè cứu sinh, trong trận Thế chiến thứ hai.
Trong quyển sách rất hấp dẫn, quyển ‘Cô Đơn’(Alone), Đô đốc Richard E. Byrd kể lại thời gian ông sống đầy hoang mang, não lòng trong bóng tối. Ông phải nằm trong một nhà lều thật sự bị chôn vùi trong dải đất băng giá bao phủ Nam cực. Ông đã phải chịu đựng năm tháng tại đó. Ngày cũng tối đen như đêm. Trong vòng một trăm dặm,chẳng có một sinh vật bất cứ thuộc loại nào sinh sống cả. Cái lạnh gay gắt đến nỗi ông có thể nghe thấy hơi thở của mình đông cứng lại khi gió thổi nó bay ngang tai ông.
Ông nói: “Ban đêm, trước khi tắt đèn, tôi đã tập thành thói quen thảo kế hoạch cho công việc ngày hôm sau”. Để duy trì sức khỏe, ông buộc phải làm như vậy. Ông tiếp: “Thật là kỳ diệu khi có thể phân chia thời gian như vậy. Nó đòi hỏi tôi phải có một ý thức hết sức phi thường để tự ra lịnh cho chính mình; vì nếu không hoạt động liên tục, các ngày sống ở đó sẽ trở thành vô mục đích; mà nếu vô mục đích, chắc chắn chúng sẽ kết thúc bằng sự tan rã – như những ngày như thế bao giờ cũng kết thúc như vậy”.
Nỗi cô đơn giữa xã hội.
Rất có thể bạn cho rằng sống trong vùng đất hoang vu băng giá như thế, Richard Byrd đã là người cô đơn nhất trong toàn thể mọi người. Nhưng nỗi cô đơn giữa xã hội còn tệ hại hơn cả nỗi cô đơn nơi hoang vắng, vì trong nhiều thành phố lớn, còn có sự cô đơn tệ hại hơn thế nữa.
Những con người khốn khổ sống trong một căn nhà thuê chật hẹp, chẳng bao giờ nhận được một lá thư, nghe một lời khích lệ, được một bạn thân nắm chặt bàn tay; cũng như nhà lãnh tụ xã hội mà tiền bạc dư thừa có thể mua tất cả mọi sự ngoại trừ tình yêu thương và hạnh phúc – đều biết rõ nỗi cô đơn mà ít người có thể cảm thông được.
Có nỗi cô đơn của những người sống đầu đường xó chợ, trên vỉa hè hay dưới những mái lều bằng giấy bồi, vơ vét thức ăn thừa trong hộp – đó là một nỗi cô đơn có một không hai.
Một chương trình truyền hình mới đây cho thấy cảnh cô đơn não lòng của một số người già bị bỏ mặc trong những nhà dưỡng lão đổ nát. Thế ngồi vô mục đích, đôi mắt thất thần của họ đã ám ảnh tôi. Họ là những người chết mà hãy còn sống. Thế nhưng ở phần hậu cảnh, có một cụ già bị bỏ rơi ngồi bên chiếc dương cầm cũ cũng bị bỏ đi, chỉ một ngón tay vào bài thánh ca nhan đề “Chúng ta có một bạn hiền, là Chúa Giê-xu”.
Trong sách Giă. 5:1-47, chúng ta đọc câu chuyện về Chúa Giê-xu; một hôm, Ngài đang đi qua các đường phố hẹp của Giê-ru-sa-lem, đến Cửa Chiên, gần ao Bê-tết-đa, Ngài thấy một đám rất đông người, ngồi chờ nước động. Bỗng Ngài chú ý một người dường như đang gặp khó khăn khổ sở hơn tất cả, Ngài dịu dàng hỏi người ấy: “Bạn có muốn lành bệnh không?” Người bại liệt đã tuyệt vọng ấy ngẩng đầu lên và nói: “Thưa ông, chẳng có ai giúp tôi, để khi nước động, thì ném tôi xuống ao”. Bạn hãy nghĩ xem, suốt ba mươi tám năm mỏi mòn chờ đợi, con người đau khổ này bị xô đẩy, chen lấn, đấm đá bởi cả một đám đông tại Giê-ru-sa-lem, cuối cùng, đã nói với Chúa Giê-xu: “Thưa ông, tôi chẳng có ai đưa tôi xuống ao cả”. Ông ta hoàn toàn không có bạn.
Bạn có thể có được một người bạn, còn thân thiết hơn cả anh em ruột nữa. Chúa Giê-xu có thể giúp bạn có một đời sống vui vẻ, mãn nguyện và vẻ vang. Ở khắp nơi trên thế giới, có triệu triệu người nam lẫn người nữ đang yêu mến và phục vụ Chúa Giê-xu. Ngay lúc tin nhận Ngài, bạn sẽ trở thành thân thiết với họ, hơn cả với bà con thân thuộc của bạn nữa.
Tại Hoa-kỳ, không có một thành phố nào mà không có một Hội thánh ấm cúng để bạn có thể đến và gặp được những con người tuyệt diệu nhất nước Mỹ. Trong tất cả các cộng đồng tại Hoa-kỳ đều có một màng lưới khổng lồ các Cơ Đốc nhân chân chính đang hoạt động. Ngay lúc bạn siết chặt bàn tay họ, bạn biết chắc rằng mình đã có được những người bạn thân.
Nhưng trước hết, bạn phải ăn năn tội, dâng trọn tấm lòng và cuộc đời bạn cho Chúa Cứu Thế. Hãy để Ngài tha thứ các tội lỗi quá khứ của bạn, rồi Ngài sẽ nhận bạn vào gia đình Ngài; Ngài sẽ dẫn bạn đến cạnh lò sưởi, để bạn cảm nhận được hơi ấm của ngọn lửa. Nếu hôm nay bạn cô đơn, tôi nài xin bạn hãy đến ngay với Chúa Cứu Thế để biết rõ tình bạn mà Ngài sẽ đem đến cho bạn.
Nỗi cô đơn do đau khổ.
Thứ ba, có nỗi cô đơn do đau khổ. Mấy năm trước đây, một thính giả nghe chương trình phát thanh của chúng tôi viết thư cho chúng tôi kể rằng, từ năm năm rồi, bà ta bị chứng sưng khớp xương làm cho bại liệt, phải ngồi một chỗ. Suốt năm năm trường mỏi mòn đau đớn, bà không thể nào vươn vai hay nằm duỗi dài ra được. Nhưng bà viết: “Tôi đã sống một mình trong nhiều ngày, nhưng chưa bao giờ bị cô đơn”. Tại sao vậy? Chính Chúa Cứu Thế đã tạo ra chỗ khác nhau đó. Với Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa và là người Bạn chung thủy, thì chính bạn, dù sống một mình, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ bị cô đơn.
Nếu hôm nay bạn đang nằm trên giường của một bệnh viện, bị cô đơn và đau khổ, bạn nên tin chắc rằng Chúa Cứu Thế có thể ban cho bạn ân điển và sức lực của Ngài. Trong lúc nằm đó, bạn vẫn có thể hữu ích cho Ngài. Bạn có thể biết được phần nào về chức vụ cầu thay, là một trong những chức vụ quan trọng nhất trên đất này, khi bạn cầu nguyện cho nhiều người khác.
Nỗi cô đơn do âu sầu.
Thứ tư, có nỗi cô đơn do âu sầu. Trong chương 11 của sách Giăng, chúng ta đọc thấy trường hợp của Ma-ri và Ma-thê. Anh trai của họ là La-xa-rơ vừa qua đời. Chúa Giê-xu vẫn chưa đến. Họ chỉ còn biết đứng bên thi hài anh mình mà khóc.
Có lẽ đối với bạn, cuộc đời cũng là một nghĩa địa mênh mông toàn những mồ mả. Có lẽ bạn hiện đứng trong phòng bệnh để chờ đợi một người thân thiết nhất đang nằm ngoài tầm tay mình. Bạn đang khát khao được một ai đó làm bạn với mình.
Bạn đang cần ai đó, có bàn tay mạnh sức đến với bạn, giúp lau khô những giọt lệ, đưa nụ cười nở lại trên gương mặt, để ban cho bạn niềm vui trong cảnh âu lo sầu muộn. Chúa Giê-xu có thể làm chính điều đó đấy. Kinh Thánh chép: “Hãy trao mọi lo âu cho Chúa, vì Ngài luôn luôn chăm sóc anh em” (I Phi 5:7). Đức Chúa Trời yêu thương con cái Ngài. Nếu bạn sẵn sàng tin cậy và dâng phó chính bạn cho Ngài, thì Ngài có thể gánh lấy nỗi sầu muộn của bạn.
(Còn nữa)
BILLY GRAHAM
Bài trước:
https://huongdionline.com/2016/06/21/su-hien-huu-cua-ma-qui/