Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024

Lòng Biết Ơn

Lòng Biết Ơn

Psalm-103.2-940x705

Nguyễn Đổng Chi là một học giả về văn học dân gian Việt Nam.  Ông từng giữ chức Quyền Viện Trưởng Viện Hán Nôm.  Trong bộ sách “Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam,” Nguyễn Đổng Chi có ghi lại một chuyện cổ tích nhan đề Cứu Vật Trả Ơn, Cứu Nhơn Nhơn Trả Oán.

Chuyện kể rằng có một người đã cứu một con rắn, một bầy kiến, một con chuột, một con trăn và một người đàn ông bị nước lũ cuốn.  Người đàn ông được cứu, về sau vì lòng tham đã phản lại ân nhân của mình. Ngược lại, những con vật trong câu chuyện vì biết ơn nên đã giúp ân nhân trong lúc người này bị nạn.  Câu chuyện ngụ ngôn của người xưa mặc dầu mang tính thậm xưng vì cho rằng con người thua loài vật về lòng biết ơn; tuy nhiên, câu chuyện đã nói lên một sự thật đáng buồn đó là không phải mọi người đều có lòng biết ơn.

Thánh Kinh Tân Ước thuật lại việc Chúa Giê-xu chữa lành cho mười người bị bệnh phung.  Lúc đó, Chúa Giê-xu đang trên đường về Giê-ru-sa-lem. Khi Ngài đi ngang qua vùng đất giữa xứ Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Ngài ghé lại một làng nọ.  Tại đó, có mười người bị phung đến gặp Ngài.  Họ kêu xin với Chúa rằng:  Lạy Thầy!  Xin thương xót chúng con.  Chúa truyền cho những người bị phung hãy đến gặp những thầy tế lễ để khám nghiệm về bệnh tình của họ.  Trên đường đi, tất cả khám phá ra rằng mình đã được chữa lành.

Trong số mười người được Chúa chữa lành có một người, là người Sa-ma-ri, đã quay lại cảm ơn Chúa.  Khi người này đến quỳ trước mặt Chúa bày tỏ lòng biết ơn, Chúa Giê-xu hỏi:  “Không phải tất cả mười người đã được chữa lành sao?  Còn chín người kia ở đâu?”  Chín người kia, có lẽ vì quá vui mừng đã đi luôn mà không quay lại nói một lời cảm ơn Chúa.   Thái độ thiếu lòng biết ơn Chúa của họ tiêu biểu cho một thực trạng đáng buồn rất phổ biến từ xưa đến nay.

Điều gì khiến người Sa-ma-ri quay lại tạ ơn Chúa. Có người cho rằng người có lòng biết ơn nhiều nhất là người đã kinh nghiệm nhiều khổ đau nhất.  Điều này dường như đúng trong trường hợp của người Sa-ma-ri. Dân tộc Sa-ma-ri là kết quả của việc lập gia đình giữa người Do Thái với các dân tộc ngoại bang từ hàng trăm năm trước.

Người Do Thái thời đó khinh thường người Sa-ma-ri vì cho rằng họ không thuần chủng. Sự kỳ thị của người Do Thái đối với người Sa-ma-ri rất nặng.  Phong tục thời đó cho biết người Do Thái không tiếp xúc với người Sa-ma-ri.  Nếu chẳng may một người Do Thái khi đi đường mà bóng của người Sa-ma-ri chạm trên người Do Thái, người Do Thái đó phải trở về nhà tắm nhiều lần cho được tinh sạch.  Người Do Thái xem cả dòng giống Sa-ma-ri bị ô uế và liệt người Sa-ma-ri vào loại thứ dân trong xã hội Do Thái.  Chúng ta đều biết không ai có quyền chọn lựa cha mẹ hay dân tộc cho chính mình.  Người Sa-ma-ri trong câu chuyện này chẳng may sinh ra đời là người Sa-ma-ri và do đó anh bị khinh rẻ.

Bên cạnh việc bị kỳ thị, người Sa-ma-ri trong câu chuyện này gặp một chuyện đáng buồn hơn, đó là anh bị bệnh phung.  Vì lý do y tế, tất cả người phung phải bị cách ly. Vào thời đó xã hội Do Thái không có bệnh viện cho người bị phung nên họ bị đuổi ra khỏi làng mạc, họ phải sống trong các nghĩa địa hay nhà mồ.  Khi nào có việc phải vào thành phố, họ phải vừa đi vừa la lớn: “Ô-uế! Ô-uế!”  để những người khác biết và tránh xa.

Từ địa vị công dân hạng hai, bệnh phung đã đưa người Sa-ma-ri trong câu chuyện này xuống tận đáy xã hội.  Cuộc đời anh thấm thía nỗi đau của một người bị người đời xa cách và khinh rẻ.  Tuy nhiên, tại đáy của xã hội, thành kiến dân tộc bị phá vỡ, bệnh phung đã đem người Sa-ma-ri này đến với chín người Do Thái kia. Điều đáng buồn là khi được chữa lành, chín người kia trở về với cuộc sống bình thường của họ;  người Sa-ma-ri trở lại với địa vị thứ dân của mình; bức tường thành kiến được xây trở lại; và anh không được tiếp xúc với những người bạn cũ nữa.

Tuy nhiên, những điều đó đối với anh không quan trọng.  Giờ đây anh đã được chữa lành.  Anh sẽ trở về với làng mạc, với gia đình, với những người thân yêu của mình. Dầu phải trở lại cuộc đời của một thứ dân, giờ đây anh không còn phải sống cuộc sống lây lất giữa vòng những người đã chết nữa. Phước hạnh đó đối với anh quá lớn, anh không thể nào không cảm ơn người đã cứu giúp anh.

Hơn thế nữa, suốt cả cuộc đời, anh bị công khai sỉ nhục quá nhiều lần.  Giờ đây, chẳng có gì phải xấu hổ để anh làm một điều đúng, đó là công khai bày tỏ lòng tri ân của mình đối với Chúa.   Đến với Chúa, anh khám phá ra một điều bất ngờ.  Chúa không kỳ thị anh. Chúa tiếp anh và Ngài nâng anh lên.  Chúa phán với anh: Hãy đứng dậy! Đức tin của con đã cứu con,

Giống như người Sa-ma-ri trong câu chuyện này, những di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ đã khổ đau rất nhiều.  Vì đức tin, họ bị kỳ thị tại Anh Quốc. Họ di tản đến Hòa Lan nhưng áp lực của chính phủ Anh vẫn còn.  Họ phải liều mình vượt đại dương đi xa hơn để tìm tự do.  Hành trình tìm tự do khiến nhiều người đau ốm.  Cuộc sống tại vùng đất mới làm nhiều người qua đời.  Bệnh tật, tang chế, mùa màng thất bát, thời tiết khắc nghiệt, bất hạnh này đến bất hạnh khác  tiếp nối nhau.

Tuy nhiên, tất cả những bất hạnh đó không làm họ oán trách nhưng khiến họ suy gẫm và biết ơn Chúa sâu xa.  Họ tạ ơn Chúa vì Ngài cứu giúp họ trong hoàn cảnh khó khăn. Họ tạ ơn Chúa vì Ngài tiếp trợ những nhu cầu khi họ có cần.  Họ tạ ơn Chúa vì họ vẫn còn sống, vì hơi thở Chúa ban cho họ mỗi ngày, vì những cơ hội trước mặt, vì cuộc sống tự do và vì viễn tượng tươi sáng trong tương lai.  Đức tin khiến họ biết ơn.  Lòng biết ơn khiến những di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ tổ chức lễ Tạ Ơn.  Đức tin và lòng biết ơn đó đã làm nên lịch sử.  Chúa nâng họ lên.  Từ một nhóm người yếu ớt, vài trăm năm sau, họ đã trở thành một cường quốc.

Trong câu chuyện cổ tích mà học giả Nguyễn Đổng Chi ghi lại, kẻ vô ơn kết cuộc bị trừng phạt.  Ký thuật trong Thánh Kinh cho thấy người biết ơn được ghi nhớ, còn những người vô ơn bị lãng quên.  Lịch sử Hoa Kỳ là một bằng chứng cụ thể cho việc người có lòng tri ân được phước.

Thanksgiving-Brownscombe

Chắc không mấy ai trong chúng ta muốn xem mình là kẻ bội ơn.  Chúng ta không muốn mình giống như những người phung trong câu chuyện này khi gặp khó khăn thì tha thiết kêu cầu Chúa, còn khi được cứu giúp thì lẵng lặng ra đi.

Loài người không thể thua loài vật về lòng biết ơn. Mùa Tạ Ơn là dịp chúng ta được nhắc nhở để làm một điều đúng, đó là công khai bày tỏ lòng tri ân của mình nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng, cứu giúp và ban phước cho mỗi chúng ta.

Phước Nguyên

Chân Trời Mới 

Thư Viện Tin Lành
leper-healed-GoodSalt-stdas0288

Kinh Thánh Tham Khảo – Lu Ca 17:11-19

Chúa Chữa Lành Mười Người Phung

11. Trên đường đi đến Giê-ru-sa-lem Ðức Chúa Jesus đi qua ranh giới giữa miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12. Khi Ngài vào một làng nọ, có mười người phung đến gặp Ngài. Họ đứng đằng xa, 13. lớn tiếng nài xin, “Lạy Jesus! Thầy ôi, xin thương xót chúng con.” 14. Thấy vậy, Ngài bảo họ, “Hãy đến trình với các thầy tế lễ.” Ðang khi đi đường, họ thấy vết phung trên người biến sạch.

15. Có một người trong số những người đó thấy mình được chữa lành liền quay lại, lớn tiếng tôn vinh Ðức Chúa Trời. 16. Người ấy phủ phục nơi chân Chúa và cảm ơn Ngài. Người ấy là một người Sa-ma-ri.  17. Ðức Chúa Jesus hỏi, “Chẳng phải cả mười người đều được sạch phung sao? Còn chín người kia ở đâu? 18. Tại sao không ai trở lại tôn vinh Ðức Chúa Trời ngoại trừ người ngoại quốc nầy?”

19. Rồi Ngài nói với người ấy: “Hãy đứng dậy và đi. Ðức tin của con đã chữa lành con.”

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn