LỜI GIỚI THIỆU CỦA HOÀNG LÂM:
Quyển sách nổi danh “Bình An Trong Thượng Đế” của Billy Graham, một nhà diễn thuyết tài ba nhất thế kỷ 20, mặc dù ra đời từ năm 1953 nhưng giá trị của nó vẫn không hề suy giảm theo thời gian. Đây có lẽ là quyển sách được nhiều người Châu Á đọc nhất. Suốt sự nghiệp truyền giảng của mình, Billy Graham đã đem đức tin nơi Chúa Jesus đến không chỉ hàng triệu người mà là hàng tỷ người trên khắp thế giới.
Ông là cố vấn tâm linh của nhiều đời tổng thống Hoa kỳ từ Harry Truman đến Dwight Eisenhower, John Kennedy, Richard Nixon, Lyndon B. Johnson, Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, Bill Clinton và các thành viên thuộc gia tộc Bush. Ông là người kề cận và mục vụ cho các chính khách lúc họ thành công cũng như gặp khó khăn: Ông là khách mời của Ronald Reagan trong lễ nhậm chức tổng thống, ở bên cạnh G. W Bush trước lúc khởi phát chiến tranh vùng Vịnh, Nixon ngã vào vòng tay ông trong lễ tang của mẹ, Bill Clinton yêu cầu Billy Graham ngồi bên cạnh giường một người bạn hấp hối… Billy Graham là chỗ dựa tinh thần cho nhiều thế hệ lãnh đạo Hoa kỳ và trên thế giới. Ông liên tục có tên trong danh sách “Mười nhân vật được ngưỡng mộ nhất thế giới” do Viện Gallup thăm dò. Trong năm 2009 ông đứng thứ 6 trong danh sách ‘Mười nhân vật được kính trọng nhất trên thế giới’, trong số đó có tên tổng thống Barack Obama và Đức giáo hoàng Pope Benedict XVI.
Cuốn “Peace with God” (Bình an Trong Thượng Đế) là một quyển sách nhất thiết nên đọc, trong đó chứa đựng nhiều chân lý vĩnh cữu cho bất kỳ ai mong muốn tìm hiểu và giải quyết những bất an trong tâm hồn mình để tìm kiếm bình an thật trong một thế giới đầy tối tăm, băng hoại và đầy dẫy bạo hành trong thời kỳ sau rốt như bây giờ.
Nguồn: https://viethungpham.com
KINH THÁNH
Trời đất sẽ tiêu tan, nhưng Lời ta vẫn còn mãi mãi. (Mat. 24:35 )
THỜI GIỜ gần hết. Phút giây sẽ điểm vào nửa đêm. Nhân loại sắp lao mình vào chỗ chết. Chúng ta sẽ quay về đường nào đây? Còn có uy quyền nào không? Có đường lối nào chúng ta có thể theo không? Có ánh sáng nào xuyên thấu bóng tối địa phủ không? Liệu chúng ta có thể tìm ra chìa khóa mật mã cho những vấn đề nan giải của chúng ta chăng? Có nguồn uy quyền nào để chúng ta nương tựa? Có phải Tạo hóa hay năng lực vô danh nào đó chỉ đặt để chúng ta nơi đây mà không mảy may cho biết chúng ta từ đâu đến, tại sao ở đây, và sẽ về đâu?
Câu trả lời là không. Chúng ta có một cuốn mật mã. Chúng ta có một chìa khóa. Chúng ta có nguồn tài liệu căn cội đầy quyền uy. Chúng ta tìm thấy những điều đó trong cuốn sách lịch sử cổ xưa gọi là Kinh Thánh. Sách này lưu truyền đến chúng ta qua các thời đại, qua tay nhiều người, xuất hiện dưới nhiều hình thức – và sống còn qua bao cuộc tấn công. Sự phá hoại man rợ hay sự thông thái văn minh chẳng động đến Kinh Thánh được. Lửa thiêu đốt hay tiếng cười của chủ nghĩa hoài nghi cũng chẳng hủy diệt được Kinh Thánh. Qua nhiều thời đại đen tối của con người, những lời hứa vinh hiển của Kinh Thánh vẫn còn tồn tại, bất biến.
Trụ sở Thánh Kinh Hội Anh quốc và Hải ngoại vốn tọa lạc trên phố Giê-ru-sa-lem, là một trong những đường phố chính của thủ đô Ba-lan hồi Đệ nhị thế chiến. Lúc người Đức bắt đầu ném bom thành phố ấy, vợ của ông giám đốc vào kho sách, đem khoảng 2000 quyển Kinh Thánh xuống gian nhà hầm. Bà bị kẹt trong trận ném bom ấy và về sau bị người Đức bắt đưa vào một trại tù binh. Bà tìm cách vượt ngục, sau khi chiến tranh kết thúc, bà đã tìm lại được 2000 quyển Kinh Thánh ấy và đem phân phát cho người có cần. Thủ đô Warsaw bị san bằng, nhưng trên phố Giê-ru-sa-lem, bức tường của trụ sở Thánh Kinh Hội và Hải ngoại vẫn còn đứng sừng sững. Trên đó có câu Kinh Thánh được sơn bằng chữ thật to: “TRỜI ĐẤT SẼ TIÊU TAN, NHƯNG LỜI TA VẪN CÒN MÃI MÃI”.
Giờ đây, khi chúng ta đang tiến đến gần thời gian được coi như là giờ quyết định mới mẻ của lịch sử thế giới, chúng ta nên xem xét lại quyển sách bất diệt của sự khôn ngoan và lời tiên tri. Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao quyển sách đặc biệt này đã đứng vững trước mọi thử thách và là nguồn gốc vững vàng của đức tin và sức mạnh thiêng liêng cho con người.
Kinh Thánh vượt xa một áng văn hay.
Có người cho rằng Kinh Thánh chính là lịch sử của Israel (Do-thái). Nhiều người khác công nhận Kinh Thánh nêu lên những nguyên tắc đạo đức chánh đáng chưa từng có. Những điều này tuy quan trọng nhưng chỉ có tính cách phụ thuộc đối với chủ đề thật của Kinh Thánh là công trình cứu chuộc của Thượng Đế thể hiện trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tờ ‘Diễn Đàn Quốc tế ‘(International Herald Tribune) số ra ngày 30 tháng sáu 1983, giới thiệu nên đọc Kinh Thánh như đọc một tác phẩm văn chương, bởi vì “Bản Kinh Thánh Anh văn là một áng văn hay”. Những ai đọc Kinh Thánh như đọc một áng văn tuyệt tác, một tập thơ hay, hoặc một đoạn sử hấp dẫn mà bỏ qua chuyện cứu rỗi, tức là bỏ sót ý nghĩa và sứ điệp thật sự của Kinh Thánh.
Thượng Đế khiến Kinh Thánh được viết ra chính là để bày tỏ kế hoạch cứu chuộc của Ngài dành cho con người. Thượng Đế cũng khiến Kinh Thánh được viết ra để làm sáng tỏ những luật pháp vĩnh cửu của Ngài, hầu cho các con cái Ngài nhận được sự khôn ngoan tối thượng của Ngài làm chỉ nam và tình yêu cao cả của Ngài làm nguồn an ủi trong lúc bước đi trên đường đời. Vì không có Kinh Thánh, thế giới này hẳn sẽ thành một nơi tối tăm kinh khiếp, không có bảng chỉ đường hay một ánh đèn soi lối.
Ta có thể thấy ngay Kinh Thánh là sách duy nhất chứa đựng mặc khải của Thượng Đế. Có nhiều kinh của các tôn giáo khác nhau: kinh Koran của Hồi giáo, kinh Phật của Phật giáo, kinh Zendavosta của Bái hỏa giáo và kinh Vệ-đà của Bà-la-môn. Nhờ bản dịch đáng tin cậy chúng ta có thể đọc và phân định giá trị của những kinh sách này, và biết ngay tất cả những kinh sách đó đều được khai triển theo chiều hướng sai lầm. Tất cả đều mở đầu với vài tia sáng chân thật rồi kết thúc trong tối tăm mờ mịt. Thoạt nhìn ai ai cũng thấy Kinh Thánh có sự khác biệt hoàn toàn. Đó là cuốn sách duy nhất cống hiến sự cứu chuộc cho con người và chỉ lối cho họ thoát khỏi những hoàn cảnh khó khăn.
Phải mất một ngàn sáu trăm năm mới hoàn tất việc biên soạn Kinh Thánh. Đó là công trình của hơn ba mươi người được Thượng Đế chọn để chép Lời Ngài. Đa số những người này sống trong nhiều thế hệ khác nhau và họ không ghi lại những điều họ nghĩ hay kỳ vọng. Họ đã hành động như một phương tiện của Thượng Đế, để viết theo điều Ngài phán dạy. Bởi sự soi dẫn thiên thượng, họ nhận thức được những chân lý cao cả không dời đổi và ghi lại cho những người khác cũng có thể biết và hiểu như họ.
Trong khoảng một ngàn sáu trăm năm đó, nhiều nhân vật thuộc các thời đại khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau và sống trong những quốc gia khác nhau đã chép nên sáu mươi sáu sách trong Kinh Thánh về các vấn đề khác nhau, nhưng nội dung chỉ có một sứ điệp. Thượng Đế đã phán với từng người bằng chính ngôn ngữ của họ, ngay trong thời đại của họ, nhưng trong mọi trường hợp sứ điệp của Ngài vẫn giống nhau. Khi những nhà học giả uyên thâm sưu tập những bản thảo xưa bằng tiếng Do-thái, Ai Cập và Hy-lạp rồi dịch ra bằng ngôn ngữ hiện đại, họ thấy những lời hứa của Thượng Đế vẫn không thay đổi. Sứ điệp cao cả của Ngài gởi cho con người vẫn bất biến. Ngày nay, khi đọc những giòng chữ vượt thời gian này, chúng ta thấy rằng những quy luật xử thế mới mẻ và đầy ý nghĩa cho thế hệ này, cũng giống như cho thế hệ của Chúa Giê-xu. John Prokin nói: “Kinh Thánh là quyển sách đáp ứng những nan đề của đời sống, của định mệnh cho những ai chịu suy nghĩ; là lời giải đáp của Thượng Đế cho lòng tìm kiếm chân thành”.
Quyển sách bán chạy nhất thế giới.
Vì vậy Kinh Thánh luôn luôn là sách bán chạy nhất thế giới. Không sách nào có thể sánh kịp sự khôn ngoan sâu sắc, vẻ đẹp thơ mộng và sự chính xác của sử liệu hay lời tiên tri trong Kinh Thánh. Những người bài bác Kinh Thánh cho rằng Kinh Thánh đầy dẫy ngụy tạo, giả tưởng và những lời hứa suông, chỉ tìm thấy khó khăn trong chính họ chứ không ở trong Kinh Thánh. Các công cuộc nghiên cứu uyên bác và công phu cho thấy sở dĩ có những mâu thuẫn bề ngoài là do dịch thuật không đúng chứ không do sự bất nhất thiên thượng. Cần sửa đổi chính con người chứ không phải Kinh Thánh. Có người đã nói: “Kinh Thánh không cần phải viết lại nhưng cần đọc lại”.
Tuy nhiên nhiều gia đình và nhiều người được gọi là có học thường hay chế giễu Kinh Thánh và cho đó là một vật vô dụng chứ không phải là lời sống động của Thượng Đế. Khi được mục sư hỏi trong Kinh Thánh có gì, một bé gái đã hãnh diện trả lời là bé biết mọi điều ở trong đó và liệt kê: “Có hình bạn trai của chị, có phiếu mua dầu thơm của mẹ, có nhúm tóc của đứa em trai, có giấy mua đồng hồ của bố!” Nhiều gia đình dùng Kinh Thánh làm chỗ cất giấu thư cũ và hoa ép, và hoàn toàn quên lãng sự giúp đỡ và bảo đảm mà Thượng Đế muốn Kinh Thánh mang lại cho họ.
Ngày nay thái độ này đã thay đổi và đang thay đổi nhanh chóng! Những sự giả tạo và tô điểm vô nghĩa của đời sống đang bị lột bỏ. Những lời hứa hão mà người ta đã lập với nhau bây giờ chỉ còn là những sai lầm sờ sờ trước mắt. Nếu chúng ta lo sợ nhìn quanh để tìm xem cái gì thật, đúng và vững bền thì một lần nữa chúng ta lại phải quay về với Kinh Thánh, quyển sách cổ xưa đã từng ban sự an ủi, khích lệ và sự cứu rỗi cho hàng triệu người trong những thế kỷ qua. Có lần nhà tôi bảo: “Nếu con cái chúng ta lớn lên trong một gia đình tin kính và hạnh phúc luôn vững tin Kinh Thánh là Lời của Thượng Đế chắc chắn không lực lượng hỏa ngục nào có thể lay chuyển chúng được”. Tôi tạ ơn Chúa vì lòng tin kính của bà đã ảnh hưởng trên cuộc đời các con chúng tôi.
Thật vậy, người ta đang “tái khám phá” Kinh Thánh. Người ta đang đi tìm các bản Kinh Thánh cũ hoặc mua những quyển mới, và nhận thấy rằng những từ quen thuộc suýt bị mai một mang một ý nghĩa mới mẻ khiến họ có cảm tưởng Kinh Thánh chỉ mới viết ngày hôm qua. Điều này xảy ra là vì Kinh Thánh bao hàm tất cả những tri thức mà con người cần có để thỏa mãn sự khao khát của tâm hồn và giải quyết những vấn đề của mình. Đó là bản họa đồ xây cất của vị Kiến Trúc Sư Lỗi Lạc, và chỉ bằng cách theo đúng chỉ dẫn của họa đồ đó chúng ta mới có thể xây đắp được đời sống mà chúng ta đang tìm kiếm.
Chân lý sẽ giải phóng chúng ta.
Mỗi quốc gia đều có một bản hiến pháp. Bản hiến pháp này được quốc hội soạn thảo và phê chuẩn theo nguyện vọng nhân dân. Những người đã soạn thảo hiến pháp đều biết họ đã viết ra một tài liệu căn bản cho chính phủ dân chủ; họ nhận thức rằng con người chỉ có thể sống tự do và độc lập nếu mỗi người đều biết luật pháp. Người dân phải biết những quyền lợi, đặc ân và giới hạn của mình. Họ được bình đẳng trước tòa án, trước sự xét xử công minh của các vị thẩm phán là những người tôn trọng luật pháp trong mọi trường hợp.
Người ta nhận thấy rằng nếu người dân biết luật pháp và sống theo luật pháp, họ có thể hiểu biết đúng vai trò của mình. Người dân có những quyền hạn và trách nhiệm hiến định. Nếu một người vi phạm hiến pháp, người khác sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều cử tri đã nhận thấy rằng chỉ vì sử dụng lá phiếu không thận trọng, họ đã đưa những người họ không thích vào trong các cơ sở chính quyền cũng như cơ quan dân cử.
Quốc gia chúng ta càng trưởng thành và thịnh vượng trong khuôn khổ của hiến pháp thể nào thì Cơ Đốc giáo cũng đã nẩy nở và bành trướng theo những luật định trong Kinh Thánh thể ấy. Nếu hiến pháp được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người thể nào thì Kinh Thánh cũng là Hiến pháp tối cao cho toàn thể nhân loại thể ấy. Các luật lệ của Kinh Thánh được áp dụng bình đẳng cho tất cả những ai sống trong ảnh hưởng Kinh Thánh, không có ngoại lệ hoặc sự phân biệt nào.
Hiến pháp là luật pháp tối cao của quốc gia thể nào thì Kinh Thánh là luật pháp tối cao của Thượng Đế thể ấy. Chính trong Kinh Thánh, Thượng Đế trình bày những luật lệ thiêng liêng của Ngài. Chính trong Kinh Thánh Thượng Đế đã lập những lời hứa vĩnh cửu. Chính trong Kinh Thánh Thượng Đế đã khải thị kế hoạch cứu chuộc nhân loại của Ngài.
Trong tất cả những kỳ quan của thiên nhiên, chúng ta đều thấy định luật của Thượng Đế. Ai đã từng ngắm nhìn các vì sao trong một đêm thanh vắng mà không thầm kinh ngạc trước sự vinh quang trong công trình tuyệt diệu của Thượng Đế? Ai đã không cảm thấy tim mình rào rạt niềm vui khi thấy tất cả mọi tạo vật bừng lên sức sống và sinh lực mới trong mùa xuân? Chúng ta thấy rõ quyền năng của Thượng Đế và kế hoạch chi tiết vô tận của Ngài trong thiên nhiên, nhưng thiên nhiên không cho chúng ta biết gì về tình yêu thương và ân điển của Ngài. Chúng ta không tìm ra lời hứa cho sự cứu chuộc cá nhân chúng ta trong thiên nhiên.
Trong thâm tâm, chúng ta cảm biết sự hiện diện của Thượng Đế và sự khác biệt giữa điều thiện và điều ác; nhưng đó chỉ là một sứ điệp gián đoạn, không rõ ràng và bao quát như những bài học trong Kinh Thánh. Chỉ trong Kinh Thánh chúng ta mới tìm được sứ điệp rõ ràng không nhầm lẫn mà Cơ Đốc giáo chân chính dùng làm căn bản.
Tất cả những giáo lý Cơ Đốc (do chữ Chúa Cứu Thế, Christian, Christianity, có nghĩa là của Chúa Cứu Thế Giê-xu hay là thuộc về Cứu Chúa Giê-xu) đều được trình bày trong Kinh Thánh và người Cơ Đốc chân chính không phủ nhận phần nào cũng không cố thêm điều gì vào Lời Thượng Đế. Trong khi hiến pháp có thể bị tu chính, thì Kinh Thánh không cần sửa đổi bao giờ. Chúng tôi tin quyết rằng những nhà soạn thảo Kinh Thánh đã được Thánh Linh hướng dẫn cả trong tư tưởng lẫn ngôn từ. Một môn đồ của Chúa Giê-xu là Phê-rơ đã nói: “Vì không có lời tiên tri nào trong Thánh Kinh do các tiên tri tự nghĩ ra, nhưng chính Chúa Thánh Linh đã cảm ứng họ nói ra lời của Thượng Đế” (II Phi. 1:21).
Sứ đồ Phao-lô (khi trước có tên là Sau-lơ, là một người sùng đạo Do-thái thường hay bắt bớ các Cơ Đốc nhân. Sau đó ông được Chúa kêu gọi và trở nên nhà truyền giáo danh tiếng nhất) cũng đã viết: “Cả Kinh Thánh đều được Thượng Đế cảm ứng, có ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, đào luyện con người theo sự công chính. Nhờ đó, người của Thượng Đế được thành thục, có khả năng làm mọi việc lành” (II Tim. 3:16, 17).
Khi viết ra những sứ điệp chân chính các trước giả Kinh Thánh không bao giờ cố ý thêm bớt các thực tại của cuộc đời. Tội lỗi của người lớn kẻ nhỏ được phô bày, những sự yếu đuối của bản tính con người được nhìn nhận và đời sống vào thời Kinh Thánh đã được tường trình một cách trung thực. Điều lạ lùng là những nét sinh hoạt và nguyên do hành động của những người đã sống trong thời quá xa xôi như vậy vẫn có một phong vị vô cùng mới mẻ! Khi chúng ta đọc, các trang Kinh Thánh giống như những tấm gương đặt trước tâm trí chúng ta, phản chiếu những sự kiêu hãnh và thành kiến, thất bại và tủi nhục, tội lỗi và đau khổ của chính chúng ta.
Chân lý vượt thời gian. Từ thời đại này qua thời đại khác, từ dân tộc này đến dân tộc khác, từ địa phương này đến địa phương khác. Chân lý vẫn không biến đổi. Tư tưởng con người có thể khác nhau, tập quán con người có thể thay đổi, các tiêu chuẩn đạo đức có thể biến thiên, nhưng chân lý siêu việt lớn lao vẫn tồn tại vĩnh viễn với thời gian.
Sứ điệp của Chúa Cứu Thế Giê-xu là Kinh Thánh, truyện tích về sự cứu rỗi. Những học giả Kinh Thánh uyên thâm đã tìm thấy truyện Chúa Cứu Thế Giê-xu ngay từ lúc khởi đầu Cựu Ước vì Ngài là chủ đề đích thực của Cựu Ước lẫn Tân Ước.
Chúa Giê-xu là sứ điệp đời đời của Kinh Thánh, là câu chuyện về sự sống, sự bình an, sự vĩnh cửu và Thiên đàng. Kinh Thánh không có một mục đích ẩn giấu nào cả. Kinh Thánh không cần phải giải thích một cách đặc biệt. Kinh Thánh có một sứ điệp duy nhất, trong sáng và mạnh mẽ cho mọi người, sứ điệp của Chúa Cứu Thế đề nghị hòa thuận với Thượng Đế.
Một ngày kia, Chúa Giê-xu và các môn đồ quây quần cùng nhau trên một ngọn núi gần Ca-bê-nam (một thành phố nhỏ phía Tây Bắc hồ Ga-li-lê) . Có lẽ Phê-rơ ngồi một bên và Giăng (một môn đồ của Chúa Giê-xu, là người đã viết sách Phúc Âm thứ tư, ba thơ tín và sách Khải-thị) ngồi bên kia. Chắc hẳn Chúa Giê-xu đã im lặng và trìu mến nhìn các môn đồ trung tín của Ngài, như một người cha nhìn con cái trong gia đình – yêu thương từng đứa con một, mỗi đứa vì một lý do đặc biệt, khiến ai nấy đều cảm thấy mình được biệt riêng trong sự âu yếm. Chắc chắn đó là cách Chúa Giê-xu yêu thương các môn đồ Ngài.
Các môn đồ chắc đã vô cùng kính cẩn trước cái nhìn bình tĩnh và yêu thương của Chúa. Chắc họ đã ý thức được một sự êm đềm trong tâm tư, một linh cảm về vấn đề trọng đại sẽ được bày tỏ, vấn đề họ phải ghi nhớ, phải truyền rao cho những người khác trên khắp thế gian chưa được hưởng đặc ân trực tiếp nghe Lời Ngài phán như họ đã hưởng.
Vì chính trên ngọn núi này, đứng dưới những cây ô-li-ve xanh, Chúa Giê-xu đã rao truyền một bài giảng vĩ đại nhất mà tai người chưa từng nghe, Ngài đã giải thích về tinh hoa của đời sống Cơ Đốc. Khi Ngài phán xong, một sự im lặng thiêng liêng đã giáng trên các thính giả, họ “ngạc nhiên về lời dạy của Chúa. Vì Ngài giảng dạy đầy uy quyền, khác hẳn các thầy dạy luật Do-thái” (Mat. 7:28, 29).
Thật vậy, Ngài đã dạy với quyền uy, quyền uy của chính Thượng Đế. Những luật lệ Ngài trình bày chính là luật lệ của Thượng Đế, những luật lệ mà mỗi Cơ Đốc nhân có lòng mong mỏi được cứu phải noi theo.
BILLY GRAHAM
(Còn nữa)
Bài trước: https://huongdionline.com/2016/05/27/su-quyen-ru-cua-khoa-hoc/