Thứ Ba , 5 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / MẸ ƠI

MẸ ƠI

GIỚI THIỆU VÀ PHÊ BÌNH TẬP THƠ “MẸ ƠI”.

 

ba me

Tác giả Uông Nguyễn được mọi người biết đến qua cuộc thi Viết Truyện Ngắn VIẾT CHO NIỀM TIN. Anh cũng có sáng tác về thơ. “Mẹ ơi” là một tập thơ đầu tay (có thể còn nhiều tập khác nữa 🙂  ) mà anh nhờ tôi phê bình và hiệu đính. Dĩ nhiên tôi không phải là nhà phê bình văn học, nhưng tôi bất đắc dĩ phải nhận lời vì rất mến yêu anh chàng điển trai này… 🙂 Thôi thì:
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Vào làng văn học làm nhà bình thơ   🙂

“Mẹ ơi” là những cảm xúc chân thành của tác giả viết về mẹ. Mẹ ở đây mang tính biểu tượng cao. Mẹ không chỉ là mẹ của tác giả mà còn là hình ảnh của bao nhiêu người mẹ quê Việt Nam “trên đồng cạn dưới đồng sâu” với những lam lũ khó khăn. Uông Nguyễn sử dụng thể thơ song thất lục bát – một loại thơ tương đối khó về niêm luật và gieo vần. Có thể anh muốn thử thách chính mình trong một sân chơi mà nhiều người đã rời bỏ! Các cây bút Cơ đốc ngày nay thường làm thơ tự do, không cần những niêm luật, nhưng Uông Nguyễn đã tạo cho chính anh một lối đi riêng. Trong phạm vi bài viết này, tôi không dám đi sâu vào vần và niêm luật của thể thơ song thất lục bát, nhưng chắc chắn những ý tưởng, cung bậc cảm xúc, từ ngữ và …..  sẽ được comment cách nhẹ nhàng. Tôi biết tác giả đủ sức chịu đựng những lời phê bình, nên tôi tha hồ “múa gậy vườn hoang”….. 🙂 Những chữ được tô đậm là những chữ ăn vần với nhau.

 

Trời tạo nên càn khôn vạn vật,
và mẹ là tuyệt phẩm giai nhân

Ngài cho thể xác tâm linh

có cha mẹ với gia đình chung vui.

Khi binh lửa lan tràn đất mẹ

họa chia ly là nỗi bồi hồi.

Làm con thất lạc xa xôi,

đời là một chuỗi chơi vơi cõi lòng.

 

Hoàn cảnh tạo ra tâm hồn thơ, Uông Nguyễn đã đi qua những năm tháng không thể nào quên. Tác giả tưởng đã chết nhưng được sống qua những thời khắc ác liệt nhất của chiến tranh. Cây bút Đào Văn Hiền ở Hải Phòng đã có những bài viết sinh động về cuộc đời Uông Nguyễn được đăng tải trên songdaoonline. Chân dung của tác giả đã từng nằm trên bàn thờ như một liệt sĩ được vinh danh, rồi từ đó anh bước xuống khỏi bàn thờ trở thành một người chăn bầy sau khi từ “cõi chết trở về”. Wow! Hoàn cảnh đặc biệt tạo ra nhân cách cũng khá đặc biệt. Dĩ nhiên muốn hiểu về tác giả, chúng ta không thể bỏ qua background của anh.  Tác giả nhớ lại những dấu ấn thời gian của mẹ:

 Ai xa quê mà không xao xuyến,

dìm hồn trong quyến luyến bâng khuâng?

Nhớ sao một thủa quây quần

dẫu là nghèo khổ con gần mẹ cha!

Con thương mẹ hơn là tất cả,

 đời mẹ bao vất vả bôn ba!

Mẹ ơi giờ tuổi đã già

Tháng năm cơ cực nay đà bảy mươi.

 

Mẹ lấy chồng năm mười bảy tuổi,

vừa chớm thời xuân mới biết vui.

Gái quê trẻ dạ non người,

sống trong thôn xóm chuyện đời biết đâu.

Thời phong kiến mẹ nào được học,

thủa bấy giờ nam trọng nữ khinh.

Ông cha làm chủ cuộc tình

hôn nhân là việc gia đình mối mai.

me oi

Giống như một câu chuyện kể, tác giả nhập đề với bức tranh về người mẹ Việt Nam ở đồng bằng sông Hồng miền Bắc. Trước khi trở thành mẹ, người phụ nữ “bán mặt cho đất, bán lung cho trời” cũng là một thiếu nữ trong lũy tre làng. Cô gái ấy không có quyền chọn bạn trăm năm. Mọi việc hôn nhân đều là “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”.

Coi tử vi lấy ngày, chọn tháng,

họ ước mong vận sáng an khang.

Cả hai họ ở trong làng

đôi bên thề nguyện sẵn sàng thông gia.

Làm con phải theo cha phục mẹ

phận nữ nhi chỉ biết lắng nghe

môn đăng hộ đối theo thì

mẹ không hề biết chút tình yêu.

Không một lần vào trường vô lớp.

Đời mẹ nào nguyện ước cao sang.

Sinh ra trong cảnh điêu tàn

lớn cùng loạn lạc cơ hàn khổ đau.

 

Bao nhiêu người mẹ Việt Nam phải “Sinh ra trong cảnh điêu tàn,

lớn cùng loạn lạc cơ hàn khổ đau.” Đó là một thực tế bi thương của một dân tộc đã đi qua bao nhiêu cuộc chiến với những hệ lụy của nó .

Thời ấy Pháp đã vào xâm lược

muốn đề cao mẫu quốc văn minh.

Người Việt không chịu cúi mình

quyết đuổi giặc Pháp giữ gìn giang sơn.

Kẻ thù dùng đạn bom tàn phá.

Bao xóm làng tan tác thương đau

Hai bên giằng kéo thảo quần

thịt rơi máu đổ muôn phần gian lao.

 

Người mẹ của tác giả sinh ra trong chiến tranh,  phải trải nghiệm những “hương vị” của nó. Bài hát âm vang của Văn Cao ngày đó vẫn còn đây:

Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà, ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn.
Đường ngập bao xương máu tơi bời, đồng không nhà trống tan hoang.

“Mẹ ơi” đi qua những năm tháng thanh xuân trong chiến tranh xâm lược của Pháp. Mẹ  làm sao vui được trong cảnh điêu tàn của làng quê?

 

Vui sao khi binh đao chiến cuộc!

Đẹp sao khi thân thuộc ly tan.

Làng quê nhuốm cảnh điêu tàn,

người dân chịu cảnh gian nan tột cùng.

 

Du kích về nằm vùng trong xóm,

giặc đến càn sáng sớm chiều hôm.

Nhà nhà gặp cảnh đạn bom

lệ tang đã trải đầu thôn cuối làng.

(Còn nữa)

TƯỜNG VI

 

 Bài tiếp theo: https://huongdionline.com/2016/05/18/gioi-thieu-va-phe-binh-tap-tho-me-oi/

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn