Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / NGƯỜI BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI

NGƯỜI BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI

images (2)

Trong lịch sử của nhân loại không có một người nào có ảnh hưởng tốt cho thế giới nầy hơn Chúa Giê-su. Danh Chúa Giê-su được nhắc đến, được tôn vinh hơn tất cả mọi danh. Âm nhạc, nghệ thuật, sách báo xưa nay đều ca ngợi Ngài. Sự xuất hiện của Chúa Giê-su trên thế giới đã chia đôi dòng lịch sử của nhân loại. Không một người nào có ngày sinh hay ngày chết mà không dựa trên năm sinh của Chúa Giê-su. Hiện nay có hơn 2 tỉ người tin nhận Chúa Giê-su, tôn thờ Ngài là Đấng Cứu Thế, cầu nguyện với Ngài và noi gương Ngài để tiếp tục biến đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

NGÀI ĐÃ ĐẾN TRONG THẾ GIỚI CÓ QUÁ NHIỀU NGƯỜI NÔ LỆ

Chúa Giê-su đã giáng thế cách nay hơn 2000 năm. Các môn đồ đầu tiên của Ngài đều là người Do Thái, nhưng nền văn hóa thế tục lúc bấy giờ chịu ảnh hưởng nặng bởi văn hóa Hy Lạp và La Mã. Ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp do A-lịch-sơn Đại Đế truyền bá đã thâm nhập vào Đế Quốc La Mã tiếp theo sau đó và đã tạo nên văn hóa Hy-La. Ngôn ngữ Hy Lạp được phát triển như một sinh ngữ quốc tế trong thế giới đương thời giống như tiếng Anh trong thế giới ngày nay. Kinh Thánh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp. Nhưng văn hóa Hy-La không coi trọng con người, chẳng hạn các triết gia Hy Lạp như Aristote và Plato tin rằng hầu hết nhân loại đều mang bản tính nô lệ và chỉ xứng đáng làm nô lệ. Tinh thần tương tự như thế đã mang vào nền văn hóa của người La-mã. Theo Học giả William Barclay, “Có khoảng 60,000,000 người nô lệ trong Đế Quốc La-mã, mỗi người nô lệ dưới mắt luật pháp không phải là một người nhưng chỉ là một vật, không có quyền gì cả.”

Chúa Giê-su đã đến và sống giữa một thế giới mà con người không được coi trọng. Tuy nhiên, Ngài đã coi trọng con người vì mỗi người đều mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Các môn đồ đầu tiên của Ngài là những người bình dân, người đánh cá. Ngài tiếp xúc và đi lại giữa những người nghèo. Ngài nói chuyện với những người thâu thuế, những người phụ nữ sa ngã, những người bệnh tật, những thiếu nhi. Ngài được  mô tả là “ăn chung với phường thâu thế và những tội nhân” (Mác 2:16). Về sau ảnh hưởng của Ngài gia tăng khi những người giàu có, những nhà tri thức, những thầy tế lễ, những nhà chính trị, những nhà lãnh đạo trở lại tin nhận Chúa. Dưới thời Hoàng Đế Constantine (313) đạo Chúa đã được công nhận khắp cả đế quốc La-mã sau mấy trăm năm người theo Chúa bị hiểu lầm, bị ngược đãi.

Các môn đồ của Chúa đều chấp nhận sự kiện rằng trong cộng đồng tân tạo của Chúa là Hội Thánh, mọi thành viên đều bình đẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô mô tả, “Tại đây không còn chia ra người Do Thái hoặc người Hy-lạp, không còn người nô lệ hay chủ nhân, không còn đàn ông hay đàn bà, vì trong Đức Chúa Giê-su Christ, anh em thảy đều làm một” (Ga-la-ti 3:28; Cô-lô-se 3:10-11). Sứ đồ Phao-lô  cũng đã viết thư cho người bạn tên là Phi-lê-môn vốn là một tín hữu có một nô lệ tên là Ô-nê-sim bỏ trốn. Phao-lô đã dẫn dắt người nô lệ nầy đến với Chúa và đã gởi anh trở về chủ cũ với những lời tâm huyết, “để anh nhận lấy người mãi mãi, không coi như tôi mọi nữa, nhưng coi hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu… cả về phần xác, cả về phần trong Chúa nữa!” Trong Chúa Giê-su mối quan hệ chủ tớ đã không còn nặng nề nghiêm khắc nữa. Tình huynh đệ của con người đã được lên ngôi. Nhờ Chúa Giê-su mà ngày nay nhân quyền được tôn trọng khắp nơi.

NGÀI DẠY MỌI NGƯỜI ĐỀU BÌNH ĐẲNG TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI

Quan điểm của Chúa Giê-su về sự bình đẳng của mọi người trước mặt Đức Chúa Trời đã làm cho người đương thời sửng sốt, ngạc nhiên. Ngài phá đổ mọi bức tường ngăn cách giữa người với người. Ngài mở rộng mối quan hệ với tất cả mọi người. Các môn đồ của Chúa thuộc đủ mọi thành phần xã hội không phân biệt nam nữ, trẻ già, giàu nghèo, mạnh yếu, có học hay thất học. Dưới chân thập giá mọi người đều bằng nhau. Hội Thánh không chủ trương thay đổi ngay cục diện xã hội đương thời vì Chúa Giê-su muốn xây dựng vương quốc thiêng liêng trong lòng người, những người được thay đổi từ bên trong. Chúa Giê-su phán, “Nước ta không thuộc thế gian nầy.” Một thế kỷ trước Chúa, có một người tên Spartacus lãnh đạo một cuộc nổi dậy của những người nô lệ, hậu quả là cuộc nổi dậy đã bị đàn áp thẳng tay và có 6,000 người nô lệ đã bị tử hình. Truyền thống văn hóa của con người không dễ đổi thay. Người theo Chúa luôn luôn kiên nhẫn, chờ đợi thời điểm của Chúa làm. Cuối cùng chế độ nô lệ đã chấm dứt, bắt đầu bằng những người tin Chúa được thúc đẩy bởi tư tưởng của Chúa Giê-su. Tín hữu Chúa Giê-su là nhóm người đầu tiên phát động phong trào chống tệ buôn bán nô lệ tàn bạo trong thế kỷ 19. Ở Anh Quốc có William Wiberforce chỉ nhờ niềm tin nơi lời dạy của Chúa Giê-su đã tranh đấu cho việc chấm dứt chế độ nô lệ và sau rất nhiều gian khổ ông đã thành công. Năm 1833 chế độ nô lệ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Anh Quốc. Bị áp lực bởi những nhóm tín hữu trong nước, Anh Quốc đã đi đầu trong việc chống lại nạn nô lệ trên thế giới. Việc nầy ảnh hưởng đến Hoa Kỳ và nạn nô lệ tại đây đã chấm dứt trong thời Tổng Thống Abraham Lincoln.

lincoln_4_31.7_kienthuc.net_godk

Nhờ Chúa Giê-su mà ý niệm “mọi người do Đức Chúa Trời sinh ra đều bình đẳng” đã được nói đến trong nhiều bản hiếp pháp của nhiều quốc gia. Nhờ tinh thần bất bạo động thể hiện trong “Bài Giảng Trên Núi” của Chúa Giê-su mà Mahatma Gandhi đã dấy lên phong trào tranh đấu độc lập bất bạo động ở Ấn Độ và đã thành công. Giá trả cho nhân quyền nhiều khi phải đổi bằng máu. Do những nổ lực không ngừng cổ vũ cho tình huynh đệ giữa những người Ấn Giáo và Hồi Giáo đã gây ra sự bất mãn trong những người Ấn Giáo quá khích, và một trong những người quá khích đó đã ám sát nhà lãnh đạo bất bạo động khi ông đang trên đường đi cầu nguyện. Cũng noi gương đấu tranh bất bạo động của Chúa Giê-su mà Mục sư Báp-tít Martin Luther King, Jr. đã lãnh đạo cuộc đấu tranh dân quyền “Tôi Có Một Ước Mơ” ở Hoa Kỳ dẫn đến thành công. Ông cũng bị ám sát bởi một người bạo động. Chính Chúa Giê-su đã trả giá đền tội cho nhân loại để loài người có được nhân quyền bằng chính huyết của Ngài.  Giá trả cho tự do, nhân quyền, bình đẳng thật cao, thời nào cũng vậy. Nhờ Chúa Giê-su và những người theo Ngài, con người đã được đánh giá bằng phẩm hạnh bên trong chứ không phải bằng màu da bên ngoài. Ảnh hưởng dẫn đến ảnh hưởng. Ngày nay (11-2008) nước Mỹ đã có vị Tổng Thống da đen đầu tiên. Màu da không còn là vấn đề ở Mỹ. Tất cả các Tổng Thống Mỹ xưa nay đều là tín hữu của Chúa Giê-su và đều đặt tay tuyên thệ nhậm chức “So Help Me God” trên quyển Thánh Kinh.

NHỜ NGÀI, GIỚI PHỤ NỮ ĐƯỢC TÔN TRỌNG

Most-Beautiful-First-Ladies

Văn hóa thế kỷ thứ nhất coi người phụ nữ như đồ vật chứ không như con người. Dưới nền văn minh Hy-lạp, phụ nữ phải ở trong nhà và vâng lời chồng. “Họ phải thấy ít, nghe ít và nói ít.” Họ không thể sống độc lập nhưng có thể bị chồng bỏ cách dễ dàng. Dưới luật La-mã, người phụ nữ không có quyền hạn gì. Họ mãi mãi giống như những đứa con nít. Ở nhà họ ở dưới quyền cha, theo đó người cha có quyền để cho sống hay giết chết, khi có chồng thì họ được chuyển qua quyền của chồng giống y như vậy. Học giả William Barclay cho biết một người La-mã tên là Cato the Censor đã viết, “Nếu anh bắt được vợ anh đang có hành động bất trung, anh có thể giết nàng mà không cần xét xử.”

Trong văn hóa Do-thái thế kỷ thứ nhất, người phụ nữ cũng bị coi thường. Lời làm chứng của họ được xem không có giá trị, vì thế họ thường không được phép làm chứng trước toà. Phụ nữ cũng được xem là không xứng đáng để được dạy dỗ những việc thuộc linh. Các môn đồ của Chúa Giê-su đều là người Do-thái, họ chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hóa đương thời và đã kinh ngạc trước lời dạy và thái độ cũa Chúa Giê-su với giới phụ nữ. Họ kinh ngạc khi Chúa Giê-su nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri, một phụ nữ và là người dân thuộc về một dân tộc bị người Do-thái coi khinh. Nhưng Chúa Giê-su đã nêu gương tốt yêu thương kính trọng mọi người, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo và sau này các môn đồ đã noi theo gương Ngài. Họ đã dạy dỗ các phụ nữ (một đặc quyền chỉ dành cho nam giới) và chấp nhận phụ nữ có đủ tư cách thành viên trong Hội Thánh. Một môn đồ của Chúa Giê-su là Phi-e-rơ đã viết cho những người chồng rằng vợ của họ “sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ” (1 Phi-e-rơ 3:7). Sứ đồ Phao-lô cũng kính nể và làm việc chung với giới phụ nữ. Ông nhắc đến nhiều người phụ nữ danh tiếng đã giữ chức vụ lãnh đạo trong thư ông gởi cho Hội Thánh Rô-ma (Rô-ma 16:12). Giới phụ nữ đã không được kính trọng như thế trong truyền thống các tôn giáo khác. Nếu không có Chúa Giê-su và những giáo huấn của Ngài, tình trạng “trọng nam khinh nữ” sẽ khó mà thay đổi trong xã hội loài người. Ở Ấn Độ, khi các giáo sĩ Tin Lành đến truyền giáo đã nhìn thấy hủ tục “suttee” theo đó những góa phụ (tình nguyện hay không tình nguyện) đã chịu hỏa thiêu cùng với chồng khi chồng chết. Các giáo sĩ đã kiên trì nhắc đến hủ tục nầy với nhà cầm quyền Anh lúc bấy giờ và mãi đến đầu thế kỷ 19 tập tục nầy mới chấm dứt. Ở Trung Quốc, hủ tục bó chân của người phụ nữ cũng dần dần được xoá bỏ nhờ sự can thiệp kiên trì của các giáo sĩ Tin Lành. Nhờ ảnh hưởng của Chúa Giê-su mà nữ giới ngày nay bình đẳng với nam giới trong mọi phương diện.

NHỜ NGÀI, TRẺ EM ĐƯỢC BẢO VỆ VÀ YÊU THƯƠNG

Trẻ em là thành phần dễ bị thương tổn trong xã hội. Xã hội Hy-La đối xử tàn bạo và lạnh lùng với giới trẻ em. Nhưng trong thời Cơ-đốc giáo thì khác. Ngay từ đầu Cơ-đốc giáo đã tử tế yêu thương, bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ em. Việc giết chết trẻ em rất phổ biến ngoài xã hội. Những trẻ em mới sinh bị dị dạng, yếu sức thường bị trấn nước cho chết. Những bé gái mới sinh không được bảo vệ. Rất hiếm có gia đình Hy-lạp nuôi nhiều hơn một cô con gái cho dù gia đình đó giàu có đến đâu. Trong xã hội La-mã những ông cha giàu có thường quyết định giết con để khỏi phiền phức chia gia tài. Trẻ em cũng bị bỏ rơi. Thế giới Hy-La vứt bỏ trẻ em ra đường, ai muốn nuôi thì đem về nuôi. Thông thường những người theo Chúa chẳng những lên án hành động vứt bỏ trẻ con nhưng đã đem các em về làm con nuôi. Truyền thống “Adoption” (nhận con nuôi) bắt đầu từ những người theo Chúa.

Nạn giết và vứt bỏ trẻ em đã không thấy xảy ra trong xã hội Do-thái vào thế kỷ thứ nhất. Chắc chắn truyền thống nầy chịu ảnh hưởng bởi lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh Cựu Ước. Qua lời Chúa dạy, người Do-thái tin rằng mỗi người sinh ra đều mang hình ảnh Đức Chúa Trời và vì thế họ tin mạng sống con người là quý. Tuy nhiên Chúa Giê-su đã đi xa hơn xã hội đương thời trong thái độ đối với trẻ em. Trong Ma-thi-ơ 19:13-14, Chúa Giê-su bảo các môn đồ, hãy để con trẻ đến cùng Ngài, đừng ngăn cản, vì nước trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy. Xem thêm Lu-ca 18:15 cũng có lời Chúa dạy như thế. Đối với Chúa Giê-su, trẻ em là quan trọng và Ngài dạy chúng ta hãy nên đối xử với các em một cách yêu thương, đặc biệt quan tâm chăm sóc, không bao giờ làm cho trẻ em vấp phạm. Sứ đồ Phao-lô cũng dạy, “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó (Ê-phê-sô 6:4). Trẻ em là quà tặng, là cơ nghiệp Chúa ban và cũng hưởng ơn cứu rỗi giống như cha mẹ. Nhờ Chúa Giê-su mà thiếu nhi ngày nay được yêu thương, quý trọng và có tương lai.

NHỜ NGÀI, NHỮNG NGƯỜI ĐAU ỐM TẬT NGUYỀN ĐƯỢC THƯƠNG XÓT, CHỮA LÀNH

Thế giới thế kỷ thứ nhất không có chút cảm tình với người đau ốm tật nguyền. Không ai quan tâm đến việc làm giảm bớt khổ đau cho dân chúng. Lòng thương xót thật hiếm, chẳng hạn Plato (427-347 B.C.) nói rằng một người nghèo… không làm việc được nữa vì bệnh phải để cho chết. Khi đến thế gian trong một thế giới thiếu lòng thương người như thế, Chúa Giê-su đã có thái độ khác biệt hoàn toàn. Ma-thi-ơ 14:14 mô tả, “Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bệnh được lành.” Luca 9:1-2 mô tả, “Chúa Giê-su nhóm họp 12 sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỷ chữa bệnh. Rồi Ngài sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bệnh.” Thế kỷ đầu tiên không có bệnh viện, nhà thương. Sau nầy những cơ sở từ thiện và bệnh viện đều là do các Hội Thánh của Chúa xây dựng và phát triển. Một sử gia đã viết, “Vào năm 750 sự phát triển của các bệnh viện Cơ-đốc, hoặc đứng riêng hoặc dính với các tu viện, đã lan tràn từ lục địa Âu Châu đến Anh Quốc.”  Trong thời hiện đại, nhất là thế kỷ 20, nhiều bệnh viện lớn được xây dựng ở các nước Tây Phương. Ảnh hưởng của nền văn hóa Cơ-đốc về tình thương đối với người bệnh được tỏ ra trong con số rất lớn những bệnh viện danh tiếng mang tên của những tín hữu Cơ-đốc, những nhà lãnh đạo Cơ-đốc hay theo tên những Hệ Phái Tin Lành. Nhờ Chúa Giê-su mà nỗi đau của nhân loại đã vơi đi rất nhiều.

NHỜ NGÀI, TRAI GÁI ĐỀU ĐƯỢC HỌC HÀNH

images (3)

Trường học không phải là mới trong thế kỷ thứ nhất. Thế nhưng chỉ có Cơ-đốc giáo mới đem lại quyền được học hành của mọi người, cả nam lẫn nữ, trai lẫn gái. Trong nền văn hóa Hy-La chỉ có con trai của những người nhà giàu khá giả mới được học hành. Khi Hội Thánh được thành lập mọi tín hữu được khuyến khích học tập, để biết đọc và làm theo lời Chúa. Dần dần ảnh hưởng giáo dục của Hội Thánh lan tràn ra xã hội. Nhiều trường đại học đầu tiên ở Mỹ và Anh đều được thành lập với mục đích đào tạo giới lãnh đạo Hội Thánh và giúp các sinh viên học Kinh Thánh. Chẳng hạn khi trường Harvard College…được chính thức thành lập năm 1650 nhằm mục đích giáo dục “những người trẻ của quốc gia nầy trong sự hiểu biết và tin kính Chúa”. Cơ-đốc Giáo là cha đẻ của nền giáo dục hiện đại. Ở hầu hết các nước trên thế giới, nạn thất học đã được đẩy lùi, chữ viết và sách vở được xuất bản, Kinh Thánh đã được phổ biến. Đây không phải là chuyện tình cờ nhưng là kết quả do những cố gắng của các giáo sĩ đem đến các nước với lòng mong muốn mọi người đều được biết chữ để chẳng những đọc được Lời Chúa nhưng để thoát cảnh tối tăm và theo kịp đà tiến của nhân loại. Chúng ta không quên chữ Quốc Ngữ (Việt Ngữ) do một Linh mục Công Giáo sáng chế và phổ biến. Các giáo sĩ Hội Tin Lành Dịch Kinh Thánh Wycliff cũng đã tạo ra chữ viết cho hàng ngàn dân tộc trên khắp thế giới. Kinh Thánh đã được dịch ra hơn 2000 thứ tiếng. Nhờ Chúa Giê-su mà nạn dốt chữ đang được đẩy lùi.

NHỜ NGÀI, NGƯỜI NGHÈO ĐƯỢC GIÚP ĐỠ

Trong xã hội Hy-La, tinh thần vị kỷ “sống chết mặc ai” rất phổ biến như một lối sống. Chúa Giê-su đem đến lối sống vị tha, thương người như thể thương thân, hy sinh cứu giúp người khác, quên mình vì chính nghĩa, coi người khác như tôn trọng hơn mình. So với những người ngoại đạo, các tín hữu của Chúa Giê-su là những người rộng rãi nhất, họ ban ơn mà không mong người nhận ơn trả lại. Hơn nữa họ không chỉ ban cho những tín hữu khác mà còn ban cho cả người không tin nữa. Sứ đồ Phao-lô dạy, “Trong lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em cùng đức tin (Ga-la-ti 6:10). Đạo đức học Cơ-đốc luôn khuyến khích sự ban cho cách rộng rãi. Lời Chúa Giê-su luôn được nhắc đến, “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.” Gương người Sa-ma-ri nhân lành do Chúa kể là gương thương người, cứu người hoạn nạn đã trở thành động cơ mạnh mẽ của những hội từ thiện khắp thế giới. Những đức tính khiêm nhường, thương xót, tha thứ, hy sinh vì người khác đều là những lời dạy và lối sống do Chúa Giê-su mang đến cho nhân loại.

Lòng rộng rãi của người Mỹ được thể hiện trong những kỷ lục dâng hiến vào quỹ từ thiện. Theo một thống kê, 89% các gia đình người Mỹ mỗi năm đều dâng hiến vào quỹ từ thiện, trung bình mỗi người dâng $1,620. Chính phủ Mỹ cũng dành quyền lợi trừ thuế cho những người dâng tiền và tài sản vào quỹ từ thiện.

rick-warren

Mục sư Warren W. Wiersbe, một học giả Tin Lành Báp-tít, đã có lần chia sẻ: “Cơ-đốc nhân là người quản lý các thứ ơn của Đức Chúa Trời và chúng ta phải dùng những ơn ban của Chúa để phục vụ tha nhân. Kẻ trộm nói, “Cái gì của anh là của tôi—tôi sẽ lấy!” Người ích kỷ nói, “Cái gì của tôi là của tôi—tôi sẽ giữ!” Nhưng Cơ-đốc nhân phải nói, “Cái gì của tôi là quà tặng của Chúa ban cho tôi—tôi sẽ chia sẻ cho người khác.”

Nhiều người Việt hiện nay cũng đang làm theo gương Chúa Giê-su. Chúa Giê-su dạy, “Điều gì các con muốn người ta làm cho mình thì hãy làm điều đó cho họ.” Xã hội loài người có thay đổi lớn là nhờ ảnh hưởng của Chúa Giê-su. Một học giả Tây phương đã viết, “Dù là người tin hay không tin bạn cũng phải kính trọng Cơ-đốc giáo như là một phong trào đã tạo ra nền văn minh của chúng ta” (Believer and non-believer alike should respect Christianity as the movement that created our civilization. -D’Souza).

NGÀI LÀ MỘT NGƯỜI DO THÁI…

Chúa Giê-su đến thế gian không phải làm người Trung Hoa, Ấn Độ hay Việt Nam, Ngài đến trong dòng giống người Do-thái. Ngài phán, “Sự cứu rỗi từ người Do-thái mà đến.” Vậy bạn không nên nhờ cậy người Trung Hoa hay người Ấn Độ để được cứu rỗi nữa. Hãy nghe lời dạy của Chúa Giê-su. Hãy làm theo lời khuyên của Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã chọn Áp-ra-ham, tổ phụ của dân Do-thái, để làm nguồn phước cho các dân tộc trên thế giới. Áp-ra-ham là tổ phụ đức tin của cả khối người theo Do-thái Giáo, Cơ-đốc Giáo và Hồi Giáo. Ngày nay người Do Thái vẫn là một dân tộc đặc biệt trên thế giới. Từ năm 1901 đến năm 2007 trên thế giới có 777 giải Nobel dành cho những nhà bác học giỏi nhất và những nhân tài lỗi lạc nhất trên thế giới. Trong số đó có 176 người Do Thái được chọn trúng giải Nobel. Dân số Do-thái hiện nay khoảng 13 triệu người trên thế giới, nghĩa là chưa đến tỉ lệ 1% dân số thế giới, nhưng họ đã chiếm được 23.6% số giải Nobel trên thế giới. Thế giới vẫn tiếp tục ngạc nhiên về người Do-thái và lịch sử dân tộc Do-thái.

Dân số Do-thái hiện nay khoảng 13 triệu người trên thế giới, nghĩa là chưa đến tỉ lệ 1% dân số thế giới, nhưng họ đã chiếm được 23.6% số giải Nobel trên thế giới. Thế giới vẫn tiếp tục ngạc nhiên về người Do-thái và lịch sử dân tộc Do-thái.

Bạn thân mến,

Trải qua hơn hai ngàn năm, thế giới có dân Do-thái tản lạc, tồn tại và hồi hương lập quốc. Nhân dân khắp năm châu có Cơ-đốc Giáo, có Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, có ngày Chúa Nhật, có niên hiệu Dương lịch Trước Chúa (TC) và Sau Chúa (SC), hằng năm có hàng triệu người hành hương thánh địa, có di tích ngôi mộ trống, có một phần ba dân số thế giới xưng mình là Cơ-đốc nhân (Christian), có nhà thờ, bệnh viện, có các Trường Đại Học, có các Đại Chủng Viện, có Hội Hồng Thập Tự và các tổ chức bác ái từ thiện, có nền văn minh, văn hóa hiện đại, có khoa học kỹ thuật tiên tiến, đời sống phụ nữ và trẻ em được nâng cao, nhân quyền được tôn trọng v.v… Rồi còn bao nhiêu cuộc đời đã được đổi mới với kinh nghiệm ngọt ngào, vui tươi, sống động khi gặp gỡ Chúa Cứu Thế Giê-su.

Tất cả những thực tế đó là kết quả của đời sống và ảnh hưởng của Chúa Giê-su. Chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Nhân Độ Thế và thế giới không được như ngày nay nếu không có Ngài.

Những bằng chứng thực tế hùng hồn nói trên về đời sống và ảnh hưởng của Chúa Giê-su có làm cho bạn suy nghĩ ít nhiều về bổn phận của bạn đối với Chúa Giê-su hay không? Chỉ cần bình tĩnh sáng suốt suy nghĩ một chút cũng đủ để chúng ta tin Ngài, chạy đến với Ngài, cảm tạ Ngài và cảm kích tôn thờ Ngài. Chúa Giê-su xứng đáng làm Chúa, làm chủ của lòng bạn và lòng tôi.

 

hue

MS Nguyễn Văn Huệ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn