Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / BẠN TIN GÌ KHÔNG QUAN TRỌNG, MIỄN LÀ THÀNH TÂM?

BẠN TIN GÌ KHÔNG QUAN TRỌNG, MIỄN LÀ THÀNH TÂM?

Bạn Tin Gì Không Quan Trọng

Miễn Bạn Thành Tâm

MICHAEL GREEN

images (3)

Một quan niệm rất hấp dẫn, nhưng sai.

Rất nhiều người dường như tin vào quan niệm này. Dĩ nhiên đây là một quan điểm rất hấp dẫn để tin. Một mặt, nó thể hiện rõ ràng sự bao dung; và sự bao dung lại chính là ưu điểm giúp tránh được sự hoài nghi đang gặm nhấm trong thời đại của chúng ta. Nó nghe có vẻ như là một tín điều tự do và sáng tỏ bởi nó có nghĩa là tất cả mọi người đều chiến thắng cuộc đua; mọi người đều nhận được phần thưởng.

Còn có một lý do khác khiến quan điểm này hấp dẫn. Đó là nó xóa bỏ ngay tức khắc vấn đề của việc tìm kiếm lẽ thật, sự bối rối trước thách thức của lẽ thật. Và quan điểm này thật dễ chấp nhận. Rốt lại, ngày nay chúng ta quá bận rộn và không có thời gian để kiểm chứng tất cả sự khác biệt giữa những tôn giáo trên thế giới, và chúng ta cũng chẳng mong muốn bị lột trần cuộc sống của chính mình khi đối diện với lẽ thật.

Còn gì nữa, quan điểm cho rằng bạn tin gì không quan trọng, miễn là bạn thành tâm có một ưu điểm lớn khi lên tiếng cho sự tệ hại thầm kín của chúng ta đối với sự giả dối. Khi một người hay một quốc gia lớn tiếng tuyên bố một điều A nhưng lại làm một điều B thì đó là một tai họa. Một ví dụ điển hình cho sự giả dối này xảy ra không lâu về trước là trường hợp của vị vua quá cố Haile Selassie, quốc vương Ethiopia tham quyền cố vị. Một thời gian ngắn ông bị truất phế bởi quân đội Y-ta-li xâm lược vào năm 1935. Ông được phục hồi vào năm 1941 một phần nhờ vào sự giúp đỡ của Chính Phủ Nam Phi. Để đáp ơn, ông tuyên thệ mối liên hệ hữu nghị vĩnh viễn đối với họ, nhưng sau đó ông lại thành lập một tổ chức khác có tên: Tổ Chức Hiệp Nhất Châu Phi. Nhiều người cho rằng một trong những mục tiêu chính của tổ chức này là đánh đổ những cấu trúc xã hội đương thời của Châu Phi! Ông tự xưng là người giải phóng dân tộc, nhưng hai phần ba dân số của ông là giai cấp nông nô. Ông tuyên bố ủng hộ công lý và công bằng, nhưng ông và giới quý tộc nắm giữ phần lớn đất đai tốt nhất của quốc gia. Bất chấp mọi tuyên bố đầy yêu thương đối với dân tộc, ông bằng lòng với việc xuất một lượng lớn vàng ra nước ngoài, trong khi hàng trăm ngàn thần dân của ông phải chết vì đói hoặc vì bệnh dịch tả. Con người này không thành thật. Và ông ta đã bị lật đổ khỏi quyền lực. Điều đó khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ rằng việc ông bị phế truất là đúng đắn và hợp lý. Ta nói: “Đó là điều mà ông ấy đã gây ra,” bởi vì sự thành thật là một đức tính rất quan trọng, và dù rộng lượng đến đâu, chúng ta cũng không thể dung thứ cho một người hai mặt.

Một cá nhân không thành thật đã là tồi tệ. Nhưng cả một quốc gia giả dối lại còn tệ hại hơn. Vào buổi sáng đang khi viết chương sách này, tôi đã nghe trên Radio một số phần trích dẫn từ bài phát biểu của Pik Botha, đại sứ Nam Phi trước Liên Hiệp Quốc khi ông cố tránh né sự  chống đối hướng vào Nam Phi từ cộng đồng thế giới . Ông khẳng định rằng quốc gia của ông không phân biệt đối xử dựa trên màu da, chủng tộc của một người. Tính vô liêm sỉ và hoàn toàn giả dối của tuyên bố này thật là hấp dẫn đối với những ai, trong đó có tôi, đang sống tại Nam Phi và mỗi ngày chứng kiến sự phân biệt đối xử dang diễn ra xung quanh. Nhưng còn những nước châu Phi khác đang theo sát Nam Phi về sự phân biệt chủng tộc cũng đang hiện diện tại Liên Hiệp Quốc thì sao? Phải chăng không có sự phân biệt chủng tộc tại Kenya giữa người Kikuyu và người Luo? Hoặc không có sự phân biệt chủng tộc khi người Tutsi tàn sát người Jutu tại Burundi? Hoặc những người châu Á tại Uganda bị tống đi một cách dã man chỉ vì màu da của họ? Sự giả dối bốc lên mùi hôi thối ở bất cứ nơi nào nó được tìm thấy.

Nhưng có lẽ loại giả dối tồi tệ nhất đó là không thành thật trong tôn giáo. Sự mục nát của giáo hội thuộc chế độ Nga Hoàng trong thế kỷ mười chín tại Nga, hoặc của giáo hội Cơ Đốc Ai Cập tại Ethiopia ngày nay là những dẫn chứng khiến ta hoàn toàn cảm thấy thất vọng. Trong thế kỷ vừa qua tại Anh Quốc, hàng ngàn lao động đi nhà thờ chỉ vì muốn giữ hòa khí với ông chủ của họ chứ không phải vì họ là Cơ Đốc Nhân. Chúng ta không có thời gian cho những việc không thành thật như thế. Và mỗi khi chúng ta nghe về việc một tổ chức nhà thờ đòi tiền thuế quá cao từ người nghèo, hoặc chuyện một linh mục bỏ trốn cùng một cô nhân viên quầy rượu, chúng ta cảm thấy mình bị lừa đảo và thất vọng.

Một số người nói rằng: “Không quan trọng một người tin gì, miễn là họ thật lòng.”

Tuy nhiên dù cho quan điểm này rất hấp dẫn, nó vẫn sẽ không có kết quả. Nếu bạn nói bạn tin vào điều này, tôi sẽ nghĩ rằng: “Chắc bạn đùa.” Có ba lý do thuyết phục tại sao tôi không tin quan niệm này.

how-to-build-trust-in-relationship

Cuộc sống dạy chúng ta rằng thành tâm vẫn chưa đủ.

Một phút ngẫm nghĩ ta sẽ thấy đó là một phương châm thật đáng buồn cười! Chúng ta sẽ chẳng khi nào áp dụng nó vào những điều quan trọng, đúng không? Đối với vấn đề chính trị chẳng hạn. Nhà chính trị sẽ chấp nhận những gì nếu quan điểm không quan trọng, bạn tin gì mặc kệ miễn là bạn thành tâm? Điều đó sẽ phá hủy sự khác biệt giữa người theo chủ nghĩa Quân Chủ và Cộng Hòa, giữa người theo chủ nghĩa Cộng Sản và Tư Bản, giữa người theo chủ nghĩa Dân Tộc và Cấp Tiến. Theo quan điểm này thì không có cách gì để phê bình cuộc xâm lược của Nga đối với Tiệp Khắc. Theo quan điểm này thì bạn có thể biện minh cho sự tàn sát nhẫn tâm sáu triệu người Do Thái của Hitler khi theo đuổi chính sách dân tộc thượng đẳng thống trị – Herrenvolk! Không! Trong lĩnh vực chính trị bạn tin gì rất quan trọng.

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ áp dụng luận điệu về sự chân thành là đủ đối với lĩnh vực kinh tế hoặc cho các kiểm chứng. Ai dám cho rằng bạn đầu tư tiền bạc vào công ty nào không quan trọng miễn là bạn thành thật tin rằng điều bạn đang làm là ổn? Ai sẽ cứ tin rằng không quan trọng bạn tin gì khi bạn viết một bài kiểm tra? Bạn có thể viết điều có nghĩa hoặc vô nghĩa; nó sẽ không khác biệt gì, miễn là bạn chân thành! Chúng ta đều biết rõ, bạn có thể rất chân thành và cũng rất sai.

Thật ra, bạn sẽ không bao giờ phải đi làm vào buổi sáng nếu bạn làm theo nguyên tắc về sự chân thành này: không quan trọng bạn tin một cách tha thiết như thế nào về hệ thống giao thông công cộng, bạn sẽ bỏ lỡ chuyến tàu hoặc không thể đến nơi bạn muốn đến nếu bạn không để ý đến thời gian biểu của hệ thống nhà tàu và cứ tiếp tục cho rằng tin gì không quan trọng miễn là thành tâm.

Ta hãy tạm ngưng suy ngẫm về vấn đề này trong chốc lát. Quan điểm mà chúng ta đang xem xét không chỉ hoàn toàn là lố bịch nhưng nó còn thật sự tàn nhẫn. Hãy thử nghĩ việc áp dụng quan điểm này để khuyên một người què khi nào cần băng qua đường: “Bạn tin gì về vận tốc và khi nào những chiếc xe sẽ chạy qua không quan trọng. Bạn chỉ cần tiếp tục chân thành tiến về phía trước băng qua bên kia đường, và bạn sẽ ổn thôi!” Dù quan điểm này ban đầu có vẻ tự do và thể hiện sự dung thứ, nhưng thực chất lại chứa nhiều điểm yếu và tàn nhẫn. Dưới lớp vỏ nhân đạo, phương châm này che dấu sự lãnh đạm đến nhẫn tâm đối với chân lý. Theo một phương diện nào đó, nó giống như một dạng tội phạm vậy.

Vâng, cuộc sống dạy cho ta một cách rõ ràng rằng những gì chúng ta tin thật sự quan trọng. Chúng ta cần phải chân thành với chính mình: chúng ta cần phải tin vào những điều đúng đắn.

(Còn nữa)

Translated by Le Khac Vinh Hien
Bài trước:

https://huongdionline.com/2015/11/16/moi-con-duong-deu-dan-den-la-ma/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn