http://vnsalvation.com/
Tác giả: Cyril J. Davey
Soạn dịch: Cố Mục sư Trần Như Biên
Lời giới thiệu: Mục sư Trần Như Biên đã từng Quản nhiệm Hội Thánh Báp tít Thứ Nhất tại Lanham , Maryland . Vào năm 1995, ông có dịch một truyện ngắn về cuộc đời của Sadhu Sundar Singh của tác giả Cyril J. Davey. Ông đưa bản dịch đó cho tôi để tìm cách phổ biến. Lúc đó tập san Tinh Thần chưa ra đời. Sau đó ông qua đời trong chuyến trở về Việt Nam . Bản thảo đó bị chìm trong đống sách vở bề bộn của tôi và tôi không còn nhớ tôi có giữ một di cảo của Mục sư Biên. Gần đây, trong lúc dọn dẹp văn phòng, tôi tìm thấy lại bản dịch này. Ðể thực hiện ước muốn của người đã quá cố, chúng tôi đánh máy lại và cho đăng trên tập san Tinh Thần 10, 11 và 12 để tưởng niệm một Mục sư khả ái mà tôi hết lòng kính mến. MS Trần Nhựt Thăng.
CUỘC PHỤC HƯNG TẠI ẤN ÐỘ
Một trong những nước có nền văn hóa lâu đời nhất là Ấn độ. Tôn giáo phức tạp, cộng với phong tục tập quán cổ hủ đã ăn sâu vào đời sống người bản xứ từ giai cấp quý tộc đến thứ dân. Quốc gia Ấn độ có chính thức 14 ngôn ngữ, nhưng có khoảng 800 thổ âm trong đó có 26 thứ tiếng đã có Kinh Thánh, và 48 tiếng khác có Tân Ước.
Có những tôn giáo chính thức như: Ấn độ giáo (Hinduism) chiếm 80%, Hồi giáo (islam) 11%, Sikhs 2%, Phật giáo 0.7%. Riêng Cơ đốc giáo chiếm được 3.4% trong đó Tin Lành có 1.5%, Công giáo 1.5% và Syrian Chính thống giáo 0.3%. Tính đến năm 1979 có 4,371,000 tín đồ Tin lành có mặt tại quốc gia này. Ðây là kết quả sau cuộc phục hưng xảy ra vào năm 1905 đầu thế kỷ 20. Trước và sau cuộc phục hưng đó, Ðức Chúa Trời dấy lên hai nhân vật thật đặc biệt như là hai anh hùng đức tin. Ðó là Sadhu Sandar Singh và Bakht Singh. Họ như hai vì sao sáng giữa vòm trời tối om do đám mây đen của tôn giáo truyền thống, tập tục mê tín của quốc gia Ấn độ thời cổ xưa. Chúng ta ghi nhận sự kêu gọi thiên thượng cùng sự nghiệp truyền giáo của hai nhân vật đặc biệt này. Sau đây là đời sống và sự nghiệp truyền giáo của Sadhu Sundar Singh do Cyrill J. Darvey thu thập tài liệu và viết ra cuốn sách này.
SADHU SUNDAR SINGH
Những tài liệu đầu tay về đời sống của ông Sadhu Sundar Singh (kể từ nay viết tắt là Singh) ít ai tìm thấy; dầu vậy ông đã để lại cho hậu thế những kỷ niệm không phai nhòa trong lòng nhiều người. Sách ông viết về chính cá nhân mình rất hiếm hoi. Ông có phát hành một ít sách về đời sống thuộc linh, nhưng về các chuyến lưu hành của ông thật khó tìm thấy hoặc từ nơi báo chí hay các hồi ký. Còn những chuyến đi mạo hiểm thì ta có thể căn cứ vào hai người viết về tiểu sử của ông hay về những minh chứng mà ông thường sử dụng trong các bài truyền giảng hay các bài thuyết trình. Thật ra cũng không dễ dàng quyết đoán các chứng từ ấy là những sự thực đã xảy ra hoặc đó chỉ là kết quả của một vài kinh nghiệm huyền diệu qua đời sống của ông. Mỗi người bạn càng thân thích với ông nhiều bao nhiều thì lại bày tỏ quan điểm về ông một cách khác nhau bấy nhiêu.
Sách Sadhu Sundar Singh của bà Arthur Parker có tên là “Called of God” được phép ông cho phát hành lúc sinh tiền. Sách của tác giả C F Andrews viết về ông Singh là một hồi ký cá nhân được phát hành bốn năm sau khi ông qua đời. Ðó là kết quả của tình bằng hữu lâu dài giữa hai người. Ðiều chắc chắn là chẳng ai có thể đi sâu vào lối suy tư của vị tu sĩ này. Hai quyển sách trên còn tồn tại được xem như là nguồn tài liệu căn bản về tiểu sử, về đời sống của ông. Các sách của tiến sĩ Streeter và tiến sĩ Appaswamy “The Sadhu” và tiến sĩ Heiler Marburg với quyển “The Gospel of Sadhu Sandar Singh” cho biết giá trị về kinh nghiệm tôn giáo và sự giảng dạy.
Các sách do chính Sundar viết trọng tâm vào vấn đề tĩnh nguyện và những bản sao lại các bài giảng luận. Những sách nổi tiếng nhất của ông là: “Visions of the Spiritual World” , “Reality and Religion”, “The Spiritual Life”, “The Search after Reality” và “With and Without Christ”.
TU SĨ TRONG RỪNG (1896)
Trời thật oi bức tại các căn nhà của làng Rampur, nơi Sundar sanh ra. Băng qua khu rừng, cậu bé và người mẹ bước đi nặng nề. Ðây chẳng còn mới lạ với cậu vì từ thuở cón bé bỏng, mẹ cậu đã từng ẵm cậu bên hông và phải tốn hai tuần đi bộ mới đến gặp được vị thánh đang sống giữa các cây rừng hoang dã. Dầu vậy cuộc hành trình hôm nay có phần khác hơn mọi khi. Hôm nay là sinh nhật thứ bảy của cậu.
Sundar phải trả bài, đọc thuộc sách Gita cho vị Thánh nghe.
Gita không phải là một sách thánh riêng của cậu, vì cậu là người theo đạo Sikh, mà trong các miếu thờ đạo Sikh còn có sách Granth Sahib, được viết ra bốn trăm năm trước đây, luôn luôn được đặt nằm trên chiếc gối lụa. Nhưng sách Gita được quí trọng trên toàn quốc Ấn độ. Ðó là sách Hindu (Ấn độ giáo). Mẹ của Sundar tin rằng Thượng đế phán truyền bằng nhiều cách, cho nhiều niềm tin và bà dạy cho con trai bà tư tưởng đó. Ngay khi cậu vừa biết nói, cậu đã thuộc lòng những bài kinh của dân tộc mình, và biết lắng nghe những mẫu chuyện trong sách thánh mà không đãng trí, dù có con thằn lằn bò ngang trên tường. Cậu bắt đầu tự học đạo và không bao lâu cậu có thể kể lại nhiều chuyện tích, nhiều câu nói giống như những ngôn từ mà mẹ cậu thường dùng. Bà cũng dạy cho cậu những chương Gita dài. Các danh từ khác biệt, thơ văn, lý lẽ thần đạo. Thật là khó hiểu đối với cậu. Dầu vậy cậu ta rất ưa thích.
Họ bước trên lối đi đầy cỏ rậm vòng quanh chật hẹp. Sundar và mẹ đi tìm vị thánh. Vị tu sĩ này (Sadhu) đang trụ trì tại một nơi mà cậu có cảm tưởng ông đã ngồi chỗ ấy thật lâu lắm rồi. Ông ta đã sống nhiều năm trong rừng mà chẳng ai rõ về tiểu sử của ông. Thông thường các tu sĩ như thế sống rất dơ dáy, tóc bù rối, da xủi mốc lên. Trái lại vị thánh này rất sạch sẽ, mắt sáng quắc, áo vàng của ông giặt sạch, dù nó cũng phai màu theo năm tháng. Ông sẵn sàng nói chuyện với bất cứ ai đến tìm ông.
Người mẹ dẫn cậu con đến vị thánh để họ nói chuyện với nhau. Ông mỉm cười hài lòng nghe cậu trả lời và đọc lại những gì cậu thuộc lòng về kinh Gita. “Con giỏi lắm! nhưng con quá hãnh diện về điều mình làm. Hãnh diện là kẻ thù của chúng ta. Hãy học Gita nhưng cũng phải học sự khiêm nhường nữa. Ðó là con đường dẫn chúng ta đến Thượng đế”. Sundar nhìn xuống. Vị Thánh nói đúng, cậu kiêu hãnh quá. Ông nói tiếp
“Gita bảo ta cách gì để thỏa lòng Thượng đế con?”
“Cách làm hài lòng Thượng đế là giữ gìn mọi luật lệ, mọi truyền thống mà tổ tiên để lại…”
“Còn con đướng nào khác không?”
“Có chớ. Có cách tĩnh nguyện, từ bỏ mình. Ðó là cách của cách tu sĩ tự tách hẳn cuộc đời mình ra khỏi thế tục của loài người và chỉ nghĩ đến mọi sự thuộc về Thượng đế”
Vị tu sĩ đưa mắt cười thỏa lòng và nói: “Cậu bé ăn nói vững lắm”. Bà mẹ cúi mặt xuống tỏ bày khiêm nhường, “Nào ai biết được, một ngày nó sẽ trở nên một Sadhu!”
Sundar cùng mẹ trở về bước ngang vùng sa mạc nóng cháy với những lời vủa vị thánh còn vang dội trong tai. Bên ngoài mặt trời mỗi lúc một nóng hơn.
Trong gia đình thì có nhiều ý kiến khác nhau. Người cha, Sirdar Sher Singh, là người cao lớn, vặm vỡ, râu đen, là người quen tính nghiêm khắc. Ông Sirdar là một địa chủ có quyền thế chức trọng tại tiểu bang Patiala. Dòng họ bà con là địa chủ, luật sư thảy đều giàu có, có thế lực như ông. Trong tương lai Sundar với người anh cả sẽ kết nghiệp cha. Bởi thế nếu liên hệ với tôn giáo quá nhiều sẽ không giúp ích cho việc nội bộ gia đình khi cơ sự xảy đến.
Ông Sher Singh không chống đối tôn giáo hay việc hành đạo. Những tín hữu Sikh tin nhận đạo rất nghiêm chỉnh. Bởi vậy, ông Sher Singh là con người mộ đạo rất hãnh diện về vợ mình đã được tôn kính như một Bhakta, một thánh nữ của cả quận. Ðiều làm cho ông lo lắng là bà đã có ý định làm cho Sundar trở thành thánh quá sớm. Cậu bé dậy sớm với mẹ, đọc thuộc lời kinh cầu bên cạnh mẹ trong căn phòng thờ phượng, và sẽ không được uống ly sữa cho đến khi cả nhà làm xong việc lễ bái.
Người Sikh không bao giờ quên Hoàng đế Maharaj Singh của họ chiến đấu chống Anh quốc tại Chilianwala vào thời đế quốc vĩ đại Sikh hưng thịnh. Nhưng đến thế kỷ thứ 18, họ bị tiêu diệt toàn bộ. Người lãnh đạo tôn giáo bấy giờ (guru) tổ chức quân đội nhân dân và đặt cho mỗi người một tên họ là Singh (sư tử) ra lịnh cho họ chiến đấu đến chết vì danh dự giống nòi. Người Sikh không cạo râu, không cắt tóc đó là dấu hiệu của họ để nhận diện.
Sher Singh nói lằm bằm trong miệng: “Nó sẽ trở nên một thánh nhân hay là một tên khùng”. Biết rằng bàn thảo với vợ là vô ích, ông trình bày nỗi ưu tư của mình với vị tu sĩ thân tín: “Tôi không biết cách nào xây dựng con trai tôi. Nó không giống như bao đứa trẻ khác.” Lời nói sau đây của vị tu sĩ làm cho ông Sher Singh không bao giờ quên: “Nó sẽ trở nên một vĩ nhân, nếu nó không làm nhục chúng ta mà đi con đường khác.”
(Còn nữa)