Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Ý Nghĩa Về Sự Chết Của Đức Chúa Jesus

Ý Nghĩa Về Sự Chết Của Đức Chúa Jesus

 cross-and-manger

Tìm Hiểu: Vài Ý Nghĩa Về Sự Chết Của Đức Chúa Jesus

Trong mùa tưởng niệm Chúa hy sinh, mời bạn cùng ôn lại vài ý nghĩa liên hệ đến sự chết của Đức Chúa Jesus.

1.      Chúa chết để minh chứng cho tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.

Thánh Kinh trình bày nhiều khía cạnh khác nhau về sự hy sinh của Đức Chúa Jesus. Một trong những ý nghĩa quan trọng mà Thánh Kinh nhắc đến đó là Đức Chúa Jesus đã chết để minh chứng cho tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.

Phúc Âm Giăng cho biết Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại vô cùng. Vì tình yêu đó, Đức Chúa Trời bằng lòng ban Con Một yêu dấu của Ngài cho nhân loại (Giăng 3:16).

Tình yêu của Đức Chúa Trời thật sâu đậm và lớn lao. Đức Chúa Jesus giải thích rằng không có nghĩa cử nào thể hiện tình yêu sâu đậm hơn là việc bằng lòng chết thay cho người mình yêu (Giăng 15:13).  Đức Chúa Jesus không chỉ dạy nhưng Ngài đã thực hiện điều đó.  Đức Chúa Jesus đã chết trên thập tự để minh chứng cho tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.

Điều đáng lưu ý là Chúa không chỉ yêu thương và hy sinh cho những người tốt, xứng đáng, nhưng Ngài bằng lòng chết thay cho tội nhân. Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh đặc điểm tình yêu kỳ diệu này của Đức Chúa Trời đã được thể hiện qua sự hy sinh của Đức Chúa Jesus, cho các tín hữu trong thế kỷ đầu tiên.  Sứ đồ Phao-lô phân tích như sau: “Khó có ai bằng lòng chết thay cho người công chính; họa hoằn lắm mới có người chịu chết thay cho người thiện lành. Nhưng Ðức Chúa Trời đã thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta, trong khi chúng ta còn là người có tội, Ðấng Christ đã chết thay cho chúng ta” (Rô-ma 5:6-7).    Trong thư gởi cho Hội Thánh Ê-phê-sô, Phao-lô viết: “Ðấng Christ đã yêu chúng ta và phó chính mình Ngài vì chúng ta” (Ê-phê-sô 5:2).

2.      Chúa chết như một sinh tế thay cho tội lỗi loài người.

Khi trình bày Phúc Âm cho những người theo Do Thái giáo, các Sứ Đồ đã dựa vào Thánh Kinh Cựu Ước giải thích sự hy sinh của Đức Chúa Jesus chính là sinh tế để đền tội cho loài người.

Trong nghi thức thờ phượng của người Do Thái, chiên được dùng làm vật hiến tế hy sinh chuộc tội thay cho tội nhân.  Trong Thánh Kinh tiếng Việt, sinh vật hiến tế được gọi là sinh tế.  Trong bản dịch mới, được gọi là vật hiến tế.

Trong Thánh Kinh Tân Ước, Chiên Con của Đức Chúa Trời là danh hiệu được dùng để chỉ về Đức Chúa Jesus. Giăng Baptist là người đầu tiên, và cũng là người duy nhất, dùng danh hiệu này trong Kinh Thánh. Khi các học giả Do Thái từ Jerusalem đến gặp Giăng Baptist, ông đã giới thiệu Đức Chúa Jesus cho họ như sau: “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29).

images

Trong niềm tin của người Do Thái, ý nghĩa của việc dâng chiên gắn liền với sự hy sinh, sự chuộc tội, và sự giải phóng. Để giúp cho người Do Thái hiểu rõ vấn đề cách chính xác, Tiên tri Ê-sai đã tóm tắt những ý nghĩa đó, và đã giải thích rằng tất cả những nghi thức thờ phượng của người Do Thái trong việc dâng chiên làm sinh tế, cùng ý nghĩa của những điều đó, chỉ là biểu tượng về Đấng Cứu Thế sẽ đến.  Ngài sẽ hy sinh như một con chiên chết thay cho tội lỗi cho dân Ngài. Tiên tri Ê-sai viết như sau:

“Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người. Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. …..

Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Đức Giê-hô-va nhờ tay người được thạnh vượng. Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn. Tôi tớ công bình của ta sẽ lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công bình; và người sẽ gánh lấy tội lỗi họ. …. Người đã đổ mạng sống mình cho đến chết; đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người, và cầu thay cho những kẻ phạm tội.” (Ê-sai 53:4-11).

Lúc Giăng Baptist giới thiệu Đức Chúa Jesus là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi,” những người Do Thái nghe ông hiểu rất rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của danh hiệu mà Giăng Baptist muốn nói: Đức Chúa Jesus chính là Đấng Cứu Thế, là Đấng mà Tiên tri Ê-sai đã dự ngôn. Đức Chúa Jesus sẽ hy sinh gánh thay tội lỗi cho nhiều người.

Lời công bố của Giăng Baptist cũng nhấn mạnh hai vấn đề rất quan trọng.  Thứ nhất, Đức Chúa Jesus không phải là chiên con của một gia đình, chiên con của quốc gia Do Thái, nhưng là Chiên Con của Đức Chúa Trời.  Đức Chúa Jesus đã thuận phục hy sinh theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, chứ không phải theo ý của một cá nhân, một gia đình hay một dân tộc.  Thứ hai, Đức Chúa Jesus không chỉ chết cho một cá nhân, hoặc chỉ cho dân Do Thái, nhưng Ngài chết thay cho cả nhân loại.

Hơn hai năm sau khi Giăng Baptist công bố danh hiệu Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jesus đã bị giết vào ngày lễ Vượt Qua.  Sự hy sinh của Chúa không những chỉ mang lại sự giải phóng cho người Do Thái, nhưng cho mọi người khắp nơi trên thế giới, đúng như Giăng Baptist đã viết.

Trong niềm tin Cơ Đốc,  Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng Đức Chúa Jesus chính là “con chiên của lễ Vượt Qua” (I Cô-rinh-tô 5:7).  Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết người tin Chúa đã được thánh hóa nhờ huyết của Đức Chúa Jesus, “là Chiên Con đã được chuẩn bị sẵn từ trước khi sáng thế” (I Phi-e-rơ 1:18-20).  Tác giả thơ Giăng thứ nhất viết rằng: “Đức Chúa Trời … yêu chúng ta và sai Con Ngài làm vật hiến tế chuộc tội chúng ta” (I Giăng 4:10).  Tác giả thơ Hê-bơ-rơ nói rằng Đức Chúa Jesus chính là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Ngài không dâng huyết chiên con, nhưng dâng “chính huyết Ngài” và “một lần đủ cả” để làm của lễ “chuộc tội đời đời” (Hê-bơ-rơ 9:12; 10:10).

Khi hoạn quan của Nữ hoàng Ê-thi-ô-pi thắc mắc về ý nghĩa của lời Tiên tri Ê-sai 53:7-8 viết về hình ảnh Chiên Con của Đấng Cứu Thế trong Cựu Ước, Chấp sự Phi-líp đã giải thích ý nghĩa của chân lý này liên hệ đến Đức Chúa Jesus.  Sau đó, vị quan hiểu, đã tin Chúa và chịu thánh lễ báp-têm.

Sách Khải Huyền nhắc đến danh hiệu Chiên Con 28 lần. Chiên Con là Đấng có Mười Hai Sứ Đồ (Khải Huyền 21:14). Chiên Con đã từng bị giết, và là Đấng có quyền mở sách và bảy ấn trên thiên đàng (Khải Huyền 5:1-14).  Những người tin Chúa sẽ đến trình diện trước Đức Chúa Trời và Chiên Con.  Họ sẽ được Chiên Con chăn dắt và hướng dẫn (Khải Huyền 7:1-17; 14:1-5).    Những điều mô tả trong sách Khải Huyền xác nhận Chiên Con đó chính là Đức Chúa Jesus.

Thánh Kinh cho biết Đức Chúa Jesus chính là Đấng Cứu Thế, là “Chiên Con đã được chuẩn bị sẵn từ trước khi sáng thế” để đền tội cho nhân loại.  Ngài đã đến thế gian để hoàn tất chương trình cứu chuộc đó.

3.      Chúa chết để trả giá chuộc tội cho nhân loại.

Thánh Kinh dùng một hình ảnh khác để giải thích về ý nghĩa sự hy sinh của Đức Chúa Jesus cho những người không quen thuộc với khái niệm sinh tế của Do Thái giáo.   Vào thời xưa, khi chế độ nô lệ tồn tại, người nô lệ phải sống trong khổ đau. Người nô lệ không có quyền tự do nhưng cuộc sống và tính mạng của họ tùy thuộc vào người chủ.

Người nô lệ có thể được phóng thích nếu có người bằng lòng trả cho người chủ nô một số tiền chuộc.  Trong văn hóa La Mã, để thực hiện điều này, người nô lệ, người đi chuộc, và người chủ nô cùng đến một đền thờ;  người đi chuộc trả tiền chuộc cho chủ nô, rồi họ cùng thực hiện một nghi lễ. Nghi lễ xác nhận rằng người nô lệ này đã được chuộc cho nên không còn thuộc quyền sở hữu của người chủ cũ nữa.

Trong bối cảnh văn hóa đó, Đức Chúa Jesus giải thích mục đích Ngài đến thế gian như sau: “Con Người đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Mác 10:45, Ma-thi-ơ 20:28).  Đức Chúa Jesus nói rõ Ngài sẽ hy sinh, và mạng sống của Ngài là cái giá phải trả để cứu chuộc nhiều người khỏi ách nô lệ của tội lỗi.

Khi viết thư cho Ti-mô-thê, Sứ đồ Phao-lô đã nhắc lại ý nghĩa Đức Chúa Jesus tình nguyện hiến thân Ngài làm giá chuộc cho mọi người (I Ti-mô-thê 2:6).  Sứ đồ Phi-e-rơ lưu ý người tin Chúa rằng họ đã được Chúa chuộc khỏi những nếp hư không trong quá khứ để sống trong sự yêu thương và thanh khiết (I Phi-e-rơ 1:17-22).  Trong thư viết cho Tít, Sứ đồ Phao-lô nhắc lại điều này.  Chúa chấp nhận trả giá hy sinh để cứu chuộc tội nhân khỏi cuộc sống nô lệ trong tội lỗi xấu xa; Ngài thanh tẩy người được cứu chuộc để trở thành dân thuộc về Ngài, và để họ thực hiện những điều tốt lành (Tít 2:14). Sứ đồ Phao-lô lưu ý các tín hữu tại Hội Thánh Cô-rinh-tô rằng cái giá mà Chúa bằng lòng trả để cứu chuộc họ rất cao, và trên nguyên tắc họ đang thuộc về Chúa; và do đó, hãy dùng cuộc đời mình làm tôn cao danh Chúa.

4.      Chúa chết thay cho chúng ta.

Đức Chúa Jesus đã chết như một sinh tế, hay để trả giá chuộc tội chúng ta; điều đó hàm ý Ngài chết thay vào chỗ của chúng ta.

Praying-Defnding-the-Christian-faith-e1349305115650

Theo luật pháp, một người có tội phải bị trừng phạt vì tội của mình.  Thánh Kinh cho biết: “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23) – cái giá để trả cho hậu quả của tội lỗi là sự chết.   Đức Chúa Jesus bằng lòng chết thay cho tội lỗi của cả nhân loại. Ngài chấp nhận trả giá đó để nhân loại được cứu.

Đức Chúa Jesus đã gánh thay tội cho chúng ta. Tiên tri Ê-sai lưu ý: Đức Chúa Jesus không chỉ gánh thay những đau thương sầu khổ cho chúng ta (Ê-sai 53:4), nhận lấy những lằn roi trừng phạt, dành cho kẻ có tội, thay cho chúng ta (Ê-sai 53:5), nhưng tất cả tội lỗi của chúng ta đã được chất trên Ngài (Ê-sai 53:6), và Ngài dâng mạng sống của Ngài như một tế lễ chuộc tội và hy sinh thay cho chúng ta (Ê-sai 53:12).

Tiên tri Ê-sai cho biết Đức Chúa Jesus không chỉ gánh thay tội lỗi cho một người, hay một số người, nhưng Ngài gánh thay tội lỗi cho tất cả nhân loại (Ê-sai 53:6, 12).  Trước tội lỗi quá lớn của cả nhân loại, Đức Chúa Jesus đã yên lặng, không nói một lời bào chữa (Ê-sai 53:7).

Đức Chúa Jesus chấp nhận hình phạt thay tội nhân, trong đó có bạn và tôi. Nhờ sự hy sinh của Ngài, nhiều người được xưng là công chính và được cứu (Ê-sai 53:11).

5.      Chúa chết để chúng ta được sống

Thánh Kinh cho biết mục đích của Đức Chúa Jesus đến thế gian là để cứu rỗi nhân loại và ban cho nhân loại sự sống. Đức Chúa Jesus nói rõ mục đích của Ngài như sau: “Ta đến để chiên được sự sống và sự sống dư dật” (Giăng 10:10).

Sự hy sinh của Chúa trên thập giá là một phần trong chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời đã được thực hiện với mục đích này.  Đức Chúa Jesus chết để người tin nhận Ngài được sống.

Tác giả thư I Giăng ghi lại tín lý quan trọng này như sau: “Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta được bày tỏ ra trong điều này:  Đức Chúa Trời sai Con Một của Ngài đến trần gian để chúng ta nhờ Con ấy được sống. … Đức Chúa Trời … yêu thương chúng ta và sai Con Một Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta” (I Giăng 4:9-10).

Việc Chúa chết để nhân loại được sống được Chúa giải thích qua ẩn dụ bánh sự sống.  Phúc Âm Giăng ghi lại lời Chúa nói với những người Do Thái như sau: “Ta là bánh sự sống từ trời xuống; nếu ai ăn bánh nầy thì sẽ sống đời đời.  Bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian, chính là thịt Ta” (Giăng 6:51).  Trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Phúc Âm Lu-ca chép: “Ngài lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, đưa cho họ, và nói: ‘Ðây là thân thể Ta vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ Ta.’” (Lu-ca 22:19). Đức Chúa Jesus dùng ẩn dụ bánh bị tan vỡ để mô tả về sự hy sinh của Ngài; và qua sự hy sinh đó, những người nào tin nhận Ngài, sẽ nhận được sự sống.

Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc lại ý nghĩa quan trọng của việc Chúa hy sinh để cho người tin nhận Ngài nhận được sự sống như sau: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.” (I Phi-e-rơ 2:23).

Tóm Lược

Thánh Kinh cho biết Đức Chúa Jesus đã chết để bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời cho nhân loại; Ngài chết để làm sinh tế cho tội lỗi của cả loài người; Ngài hy sinh để trả giá cứu chuộc chúng ta khỏi cuộc sống nô lệ cho tội lỗi; Ngài chết thay cho chúng ta; và Ngài chết để chúng ta được sống.

Đức Chúa Jesus đã thực hiện những điều này vì Ngài yêu chúng ta. Trước khi hy sinh, Chúa đã dặn các môn đồ rằng: “Hãy làm điều này để nhớ đến Ta.”  Hoài niệm sự hy sinh của Chúa là trách nhiệm của người tin Chúa.  Tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa giúp chúng ta hiểu được sự thống khổ của Ngài, hiểu được tình yêu sâu xa kỳ diệu của Ngài; qua đó, giúp chúng ta có thêm năng lực để sống xứng đáng với tình yêu mà Chúa đã dành cho chúng ta.

Nếu bạn là người đang tìm hiểu về Chúa, có lẽ có nhiều khái niệm trong bài viết này bạn chưa quen thuộc, nhưng điều quan trọng nhất Chúa muốn bạn biết là Ngài yêu bạn vô cùng.  Trước khi bạn biết Chúa, Ngài đã biết bạn và hy sinh cho chính bạn. Ngài muốn cứu bạn không phải chỉ khỏi những bệnh tật, khổ đau, nhưng Ngài muốn ban cho bạn sự sống phước hạnh vĩnh cửu.

Đức Chúa Jesus phán rằng “Ta là đường đi, chân lý và sự sống.” Mời bạn tiếp nhận chân lý cứu rỗi của Chúa, bước đi theo Ngài, để nhận được sự sống phước hạnh trong Chúa.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

 

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn