Khi con gái tôi kể chuyện cháu gặp trong phòng ăn tại trường học, tôi lập tức nghĩ cách để giải quyết nan đề cho con. Nhưng suy nghĩ khác lại hiện lên. Có thể Chúa cho phép nan đề đó xảy ra để con tôi thấy Ngài hành động và biết Ngài hơn. Thay vì chạy đi giải cứu con, tôi quyết định cầu nguyện với cháu. Nan đề đó đã được giải quyết mà không cần đến sự giúp đỡ của tôi.
Tình huống này cho con gái nhỏ của tôi thấy Chúa quan tâm đến cháu, Ngài lắng nghe khi cháu cầu nguyện, và Ngài đáp lời cầu nguyện. Kinh Thánh nói rằng học biết điều này từ khi còn nhỏ là việc quan trọng. Nếu chúng ta “dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó” (Châm. 22:6). Khi bắt đầu cho trẻ nhận thức về Chúa Giê-xu và năng quyền của Ngài, chúng ta cho chúng nơi để chạy về nếu chúng lạc đường và nền tảng cho sự tăng trưởng tâm linh suốt đời.
Hãy xem xét cách bạn nuôi dưỡng đức tin trong con trẻ. Hãy chỉ ra bàn tay sáng tạo của Chúa trong thiên nhiên, hãy kể chúng nghe cách Ngài đã cứu giúp bạn, hoặc mời con trẻ cảm tạ Chúa cùng với bạn khi mọi điều diễn ra tốt đẹp. Chúa có thể làm việc qua bạn để truyền rao sự tốt lành của Ngài cho mọi thế hệ.
5 ĐIỀU ĐANG HỦY HOẠI CUỘC SỐNG CỦA CON TRẺ
Sống trong một xã hội hiện đại với nền công nghệ bùng nổ, bạn sẽ bị choáng ngợp trước rất nhiều trang bài viết nói về cách dạy con, điều này khiến nhiều gia đình cơ đốc lúng túng không biết nên dạy con thế nào? Đôi lúc bạn bị rơi vào những cạm bẫy “ngọt ngào” mà không hay biết, có những thái độ hay cách cư xử với con không tốt nhưng bạn lại không nhận ra vì nó đã ăn sâu vào văn hóa và truyền thống của chúng ta.
Dưới đây là 5 điều các bậc phụ huynh thường hay làm, nhưng lại vô tình đang dần HỦY HOẠI tương lai của con trẻ:
1/ Vui chơi được đặt ưu tiên hàng đầu.
Chúng ta không muốn con em mình chán nản hoặc la hét ở những nơi công cộng, do vậy chúng ta đưa những thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng… để chúng chơi. Điều này dần trở thành thói quen, con cái bạn sẽ học cách đòi hỏi vui chơi và giải trí. Và trong tiềm thức của chúng, sẽ dần in sâu vào tâm trí chúng với suy nghĩ “trẻ con được phép vui chơi thoải mái” hoặc “đòi gì bố mẹ cho nấy”. Bố mẹ nên lên kế hoạch dành thời gian chất lượng mỗi ngày với con trẻ, chẳng hạn đi chơi cùng nhau, ăn bên ngoài, để các bé nhận thấy thời gian bên gia đình rất ý nghĩa, chứ không phải cuộc sống ảo trong một thế giới công nghệ hiện đại.
2/ Phải là người chiến thắng.
Một vài năm trước, khi con tôi tham gia một trại hè bóng rổ, đội của chúng được đấu với một đội giỏi hơn hơn rất nhiều. Sau khoảng 5 phút thi đấu, chúng quay lại nhìn bảng điểm bị dừng vì không thể đọc được, với tỷ số 98:0. Chúng buồn và thất vọng. Khi này tôi nhận ra rằng chúng tôi đã không dạy chúng cách nhìn nhận “thắng, thua” trong các cuộc thi. Cuộc sống là vậy, người thắng và kẻ thua. Hãy dạy con bạn rằng giá trị của chúng không được tìm thấy trên bảng điểm nhưng chúng phải luôn phấn đấu làm hết sức mình. Điều này khích lệ chúng đạt được thành công bằng mồ hôi, công sức và sự quyết tâm chứ không phải là do sự giúp đỡ của cha mẹ. Hãy dạy con trẻ giá trị thật của chúng ở trong Chúa, chứ không phải qua những chiến thắng vẻ vang, hay các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, lớp trưởng, lớp phó... trong lớp học của chúng.
3/ Cảm xúc làm chủ mọi thứ.
Khi con đi học về, chúng ta luôn hỏi “Con cảm thấy thế nào?”. Chúng ta tập trung quá nhiều về cảm xúc của con. Thay vì thế, chúng ta nên hỏi “Con nghĩ gì về ngày hôm nay của con, lớp học của con…? Như vậy sẽ khiến chúng suy nghĩ chứ không phải chỉ bày tỏ cảm xúc, và sẽ kích thích tâm trí chúng nhận ra điều gì nên và không nên làm. Con của bạn có thể không cảm thấy thích việc làm bài tập về nhà, cảm xúc là không thích và chán, nhưng chúng sẽ suy nghĩ rằng cần làm bài tập về nhà bởi đó là một phần trong việc học tập của chúng. Hãy thường xuyên hỏi trẻ “Con nghĩ gì?” chứ không phải “Con cảm thấy thế nào?”
4/ Ít / không học Kinh Thánh và Cầu nguyện trong gia đình.
Con cái của bạn có quan sát bạn đọc Kinh Thánh hay cầu nguyện hàng ngày không? Nếu chúng chỉ nhìn thấy bạn dành thời gian của mình với Chúa trong 4-5 ngày Chúa nhật trong tháng với khoảng 2 tiếng đồng hồ/ mỗi lần ở nhà thờ, như vậy có khích lệ chúng tìm kiếm Chúa mỗi ngày không? Chắc chắn không. Nếu bạn đang muốn có một bước đột phá trong gia đình bạn, hãy bắt đầu cùng tĩnh nguyện trong gia đình, như vậy sẽ khích lệ chúng nhận thấy tầm quan trọng của sự cầu nguyện và học lời Chúa mỗi ngày. Nếu con trẻ còn bé, hoặc chưa có thói quen học Kinh Thánh cùng bố mẹ, hãy ưu tiên học cùng chồng/vợ, như vậy sẽ làm gương tốt cho con cái. Bạn có thể cầu nguyện cùng con về trường học, bạn bè của chúng…..Khi mới bắt đầu, có thể cùng đọc Thi thiên trước hoặc sau khi ăn sáng (tùy thời gian của mỗi gia đình), mỗi tuần cả nhà cùng học thuộc câu Kinh Thánh. Tìm một cá nhân/ tổ chức/ trại trẻ mồ côi để cùng phục vụ; có thể trông con cho những bà mẹ độc thân để họ được đi mua sắm; nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi; hoặc cùng gây quỹ yêu thương giúp đỡ người già đơn thân…. Hãy để con của bạn nhìn thấy đức tin của bố mẹ thông qua hành động, chứ không phải những lời nói suông.
5/ Cha mẹ xem nhẹ cuộc hôn nhân.
Gia đình nào cũng hạnh phúc khi chào đón những thành viên mới, và nhiều khi chúng ta hạnh phúc quá, thường chỉ tập trung vào con cái và xem nhẹ mối quan hệ với người chồng/ người vợ của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đặt con bạn lên hàng đầu, sau đó là hôn nhân của bạn, chắc chắn bạn sẽ làm tổn thương con bạn. Bởi con cái được ảnh hưởng tích cực khi cha mẹ chúng yêu thương nhau và chăm sóc lẫn nhau. Bạn có thể biết được gia đình hạnh phúc thông qua đời sống của đứa trẻ. Vì vậy, hãy gạt bỏ cái tôi và những lý do “Con khóc, con quấy, con còn nhỏ nên cần chăm sóc nhiều hơn…” để dành thời gian và tình yêu thương cho người phối ngẫu của bạn.
Món quà lớn nhất bạn có thể cho con cái mình là sự bền chặt trong hôn nhân, bởi nó cung cấp sự đảm bảo, sự gần gũi thân mật và một tình yêu lành mạnh, minh chứng cho một tương lai vững mạnh của con trẻ.
Không bao giờ là quá muộn. Nếu bạn đang ở trong những tình trạng trên, hãy cầu xin Thiên Chúa giúp bạn dạy con theo ý của Ngài để con trẻ được phát triển theo sự mong muốn của Chúa, chứ không phải của cá nhân bạn hay của xã hội.
Tin bài: Thoa Trần
Lược dịch từ: CrossWalk.com
Đôi điều về tác giả
Arlene Pellicane là một diễn giả và là tác giả của cuốn Phát triển xã hội: Nâng cao mối quan hệ với trẻ qua lăng kính thế giới và 31 ngày để trở thành người vợ hạnh phúc. Cô ấy đã từng là một vị khách mời trên Today Show, Family Life Today, 700 câu lạc bộ và Bước ngoặt với David Jeremiah. Arlene và chồng của cô là James sống cùng với ba đứa con tại San Diego.
NGUỒN:
http://www.hoithanhhanoi.com/