Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / TUỔI THƠ CẰN CỖI

TUỔI THƠ CẰN CỖI

Tuổi Thơ Cằn Cỗi

Lý Khoa Văn

tuoitho

Trong cuộc đời của tôi, hình như cái đẹp của tuổi hoa niên là điều chỉ có trong sách vở và tưởng tượng. Nhiều lúc tôi cố nhớ lại quãng đời thơ ấu của mình xem thử có được một lần vui vẻ, hạnh phúc nào không? Nhưng chịu, không thể nào kiếm ra được! Hễ nhắm mắt lại để vận dụng ký ức, là trên màn ảnh nhỏ trong đầu tôi chỉ hiện ra toàn những kỷ niệm buồn phiền, những âm thanh rời rạc vụng về trong tiếng thở dài của độ tuổi còn non nớt, những vùi dập phủ phàng bên cạnh những phấn đấu nghiệt ngã để vươn lên và để ngước mặt nhìn đời…

Tôi sinh ra đời đã là nạn nhân trong việc phủ nhận quyền đích tôn của một dòng họ thượng lưu, phong kiến thời Pháp thuộc. Ông bà nội tôi là người giàu có khét tiếng ở Hội An, và dĩ nhiên cũng rất bảo thủ.

Ba tôi là trưởng nam, là người có đầu óc cấp tiến, có tâm hồn nghệ sĩ, có đôi bàn tay vàng của một nghệ nhân. Điều oái oăm và nghịch lý nhất là ba tôi lại giàu lòng tự ái, dư thừa tính trung thực, ngay thẳng, thích sống tự lập, không thích xu-nịnh và hay nói thẳng. Nên ba tôi gần như bị liệt vào thành phần đối lập với ông bà nội tôi, và là sự ghét bỏ của những người ruột thịt trong gia đình. Đến khi ba tôi tự ý chọn vợ cho mình, bất chấp sự phản đối kịch liệt của dòng họ về giai cấp xã hội và môn đăng hộ đối, thì tình trạng chiến tranh lạnh đã chuyển hướng thành nóng sốt dữ dội. Mọi khoản chi viện về học hành, chi tiêu và liên hệ tình cảm với ba tôi đều bị cắt đứt. Ba tôi bị đặt ra ngoài vòng gia tộc! Ngày hợp hôn, ba tôi xách va ly về ở với ông bà ngoại tôi! Bên ngoại tuy rất nghèo về khoản tiền bạc, nhưng rất nặng về tình thương yêu, che chở đùm bọc. Tuổi thơ ấu của tôi vì thế cứ nổi trôi, lăn lóc trên mảnh đất nghèo nàn của quê ngoại.

Mẹ tôi là người đàn bà rất đẹp, thông minh. Nhưng rủi ro vì là một nhân viên tầm thường trong đại công ty kinh doanh của ông bà nội tôi, nên sau ngày tuyên hôn, mẹ tôi bị ép phải nghỉ việc. Họa vô đơn chí! Tôi lại phải ra đời trong cảnh thất nghiệp, nghèo túng tận cùng của ba mẹ tôi. Ba tôi cầm mảnh bằng Tú tài Pháp đi gõ cửa cùng khắp các công ty xí nghiệp trong thành phố. Đến đâu cũng được thu nhận rồi ngay sau đó lại bị từ chối, vì họ sợ mắc lòng ông nội tôi. Ở thành phố cổ này, ai lại không biết ba tôi là  trưởng tử của một dòng họ tiếng tăm. Cuối cùng, ba tôi đành xoay qua nghề vẽ quảng cáo phim cho các rạp chiếu bóng, làm thú nhồi bông, kết bông vải bông giấy, làm lồng đèn đủ loại để bỏ mối cho các tiệm buôn, các gian hàng hội chợ  của tỉnh. Mặt hàng rất được ưa chuộng. Nhưng chỉ được hưng phấn một thời gian ngắn rồi sau đó bị phá sản vì hàng làm ra đột nhiên không có nơi nào chịu nhận tiêu thụ! Dĩ nhiên là có sự can thiệp của ông bà nội tôi. Một lần vì quá nghèo túng, ba mẹ tôi nghe theo tiếng gọi “chiêu hồi” trở về đầu thú tạ tội. Nhưng lại bị đối xử tồi tệ thua những gia-nhân. Đến bữa ăn, phải ăn sau. Đêm đến, gia nhân được đi ngủ sớm. Ba mẹ tôi phải chong đèn ngồi dưới bếp, mỗi người một góc bàn để thức canh chờ đợi ông tôi sai bảo. Có lần vì mệt mỏi quá, ba mẹ tôi gục đầu xuống bàn ngủ quên. Bất ngờ ông tôi bước xuống thấy vậy, bèn rút cây roi mây có sẵn ở trên vách tường để quất vào người ba mẹ tôi tới tấp! Và… Đó cũng là lần cuối cùng ba mẹ tôi xách gói ra đi để không bao giờ trở lại. Hình như ông nội tôi muốn ba tôi phải nếm thử mùi đau khổ, đắng cay tủi nhục, thất bại não nề khi đã tự ý thoát ly khỏi vỏ bọc sắt của gia đình, để biết ăn năn hối hận.

Ba tôi bất đắc chí sinh buồn rầu, lâm bệnh đau bao tử đến xuất huyết trầm trọng. Nhưng… thà chết chứ không bao giờ chịu đến gõ cửa nhà ông bà nội tôi. Mặc dù ông bà nội tôi tuy cố tạo ra sóng gió, làm thất bại đảo điên bước đường tự lập của ba tôi, nhưng vẫn luôn hé mở cánh cửa sau, để ba tôi còn có cơ hội khi biết thức tĩnh trở về.

Đến khi ông bà ngoại và mẹ tôi hết tiền chạy chữa, đành bất lực khoanh tay ngồi nhìn giây phút hấp hối của ba tôi, thì cô ruột của tôi đột nhiên xuất hiện! Cô đài các bên cạnh một ông bác sĩ Tây rất nổi tiếng tài giỏi và quan liêu trên chiếc xe Traction 15 màu đen bóng loáng, có tài xế mặc đồng phục khúm núm mở cửa xe. Cô vào nhà chẳng để ý đến ai. Kể cả khi đụng vào tôi té lăn kềnh dưới đất cũng chả thèm đở tôi dậy. Riêng tôi khiếp quá cũng chẳng dám khóc, cố lếch vào một góc nhà, trố mắt ngồi nhìn cô tôi.

Mẹ tôi vất vả ngày đêm túc trực săn sóc bên cạnh ba tôi. Bà quên ăn mất ngủ nên người khô khốc tàn tạ một cách thảm hại. Nhiều người khuyên mẹ tôi phải cố gắng chấp nhận nghịch cảnh, giữ gìn chút sức khỏe đã xuống tới mức báo động… Nếu không rồi cũng sẽ phải đi theo ba tôi thôi. Ngày thứ tư, ba tôi tỉnh dậy. Nhận biết có sự hiện diện của cô tôi và vị bác sĩ, ông lẳng lặng quay mặt vào vách và cương quyết không chịu uống thuốc. Lòng kiêu hãnh của cô tôi bị tổn thương, nên bà cũng không bao giờ đến nữa. Ông nội tôi một đôi lần bắn tin muốn ba tôi tự nguyện quay về ăn năn và van xin sự ban ơn tha thứ, nhưng ba tôi thì… không bao giờ! Cứ như thế, cuộc đời của cả ba chúng tôi cứ bấp bênh nghèo khổ cho đến khi gia đình tôi phải bỏ xứ đi tha hương cầu thực để tránh khỏi sự kìm tỏa của ông tôi.

Ở nơi đó, cuộc sống của chúng tôi cũng chẳng khá hơn được bao nhiêu. Vì với căn bệnh đau bao tử kinh niên, ba tôi chẳng kiếm được công việc làm ăn nào ổn định cả. Mỗi khi trời đột ngột thay đổi thời tiết là ba tôi cong người lại, gục đầu trên bàn làm việc để chống chọi với cơn đau như xé ruột gan. Dần dà như thế, ba tôi lại bị cho nghỉ việc. Mẹ tôi với thân hình tiều tụy chỉ còn là da bọc xương, sức sống vật vờ chưa kip phục hồi sau cơn bạo bệnh thập tử nhứt sinh của ba tôi, nên chẳng có ai chịu thuê mướn làm một công việc gì cả. Hoàn cảnh gia đình vì thế cứ đi vào ngõ hẹp bế tắt. Một thời gian ngắn sau, đại công ty của ông bà nội tôi dời về thành phố cảng Qui Nhơn. Gia đình tôi lại dọn về quê cũ. Ba mẹ tôi tự an ủi rằng dù có chết thì được nằm trên mảnh đất quê hương vẫn hơn.

Trên mảnh đất nghèo nàn đượm tình thương yêu của ông bà ngoại tôi, ba tôi hằng ngày vẫn ngồi ôm bụng rên rỉ. Mẹ tôi chạy vạy, thân cò lặn lội đi mua chịu các nông-sản-phẩm của quê nhà, theo các chuyến xe vận tải từ 5 giờ sáng mỗi ngày để chở ra bỏ mối ở chợ Hàn Đà Nẵng. Lời ăn vốn trả. Khấm khá được một thời gian, nhưng rồi cũng bị trắng tay, nợ nần chồng chất vì chủ vựa thu mua nông sản quịt nợ của các bạn hàng mối lái và bỏ trốn vào Nam. Mẹ tôi tuyệt vọng! Bà bị trầm cảm nặng. Hằng ngày chỉ ngồi yên một chỗ. Thỉnh thoảng xoa phủi hai bàn tay và luôn miệng nói “hết rồi, hết rồi…!” Gia đình tôi lại phải gánh thêm một nỗi bất hạnh mới. Đói no, cơm cháo hằng ngày do sự chia sớt cưu mang của ông bà ngoại tôi mà bây giờ cũng đã quá già yếu cơ hàn. Ông bà ngoại tôi phải bán mấy sào ruộng cuối cùng để thanh toán cho các chủ nợ. Tình trạng của mẹ tôi cũng chẳng khá gì hơn ba tôi. Bà cứ thẩn thờ buồn bực chẳng bao giờ có được một nụ cười dù là héo úa trên môi. Lòng dạ người đời đã làm cho mẹ tôi mất hẳn niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Bà nghi ngờ tất cả. Bà không còn nghĩ rằng ba tôi đã dám từ bỏ tất cả tương lai rực rỡ đầy hứa hẹn để có được mẹ tôi. Mối chân tình nầy trước đây mẹ tôi rất trân trọng, nên bà suýt hy sinh cả mạng sống của mình để cứu ba tôi suốt trong thời gian ba tôi lâm trọng bệnh tưởng không qua khỏi. Bởi vậy, thỉnh thoảng bà nói những lời oán trách hận đời, hận cả dòng họ của ba tôi… Đáp lại, ba tôi chỉ im lặng muộn phiền. Ông buông những tiếng thở dài làm đau thắt tim tôi.

Tôi lại đến tuổi phải đi học. Buổi đến trường đầu tiên của tôi không giống như bài chính tả trích trong đoạn văn “Buổi học đầu tiên” của nhà văn Thanh-Tịnh, mà tôi đã đọc cho các bạn cùng lớp viết:

“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần nầy tôi tự nhiên thấy lạ vì cảnh vật chung quanh đều thay đổi, và chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…” Tôi chỉ đến trường một mình. Trên tay còn vụng về cầm một quyển vở, một cây viết chì và tấm giấy cho phép nhập học của Ban Giám Hiệu nhà trường do một người hàng xóm tốt bụng xin hộ. Ba tôi giờ đó còn ngồi ôm bụng. Còn mẹ tôi thì không biết đi đâu từ lúc trời còn mờ sáng. Hình như mẹ tôi tránh, không muốn tiếp tay dẫn tôi đi học để làm cho hạt giống hậu tự của ông bà nội tôi được vươn lên với đời. Bậc tiểu học của tôi cứ vá víu qua đi trong sự nhọc nhằn buồn tủi vì thiếu thốn mọi bề.

Lên trung học, nhu cầu cho học vấn của tôi không còn đơn giản và tùy tiện nữa. Tôi bắt buộc phải có đồng phục, mủ nón, dây nịt, giày dép, sách vở giáo khoa .v.v… Tôi phải tự lo liệu xoay xở lấy: chạy vạy, hợp đồng trao đổi có điều kiện với các học sinh khá giả ở lớp đàn anh để có được những học cụ và đồng phục cũ của họ. Thường thì tôi phải trả bằng chính công sức của mình. Như phải bỏ vài giờ trong ngày nghỉ để dọn dẹp lau chùi phòng học, sắp xếp thứ tự lại các bàn học, các tủ sách gia đình của họ. Hoặc cuốc đất lên luống trồng rau phần phụ trách của họ trong vườn cây nhà trường.

du_lich_hoi_an_viet_travel_media-15_48_51_375

Sự học của tôi ngày càng rộng, tầm suy nghĩ nhận thức ngày càng cao, thì nỗi buồn khổ trong lòng tôi càng thầm thía bội phần. Lại thêm sức khỏe của ba tôi xuống cấp trầm trọng vì không có thuốc men điều trị và ăn uống bồi dưỡng.Tôi buồn và thương ba tôi nhiều lắm! Đôi khi hết giờ học tôi cứ lang thang ngoài bờ sông để khỏi về nhà sớm, để cho tinh thần bớt căng thẳng và tâm hồn được bình an lắng đọng. Có một đêm, mẹ tôi nổi cơn uất giận thốt nên những lời đắng cay làm khổ tâm ba tôi. Bà cứ nói và ba tôi cứ ngồi gục đầu im lặng. Ba tôi hiểu đó là điều  phải có của nỗi thống khổ đang đè nén trong lòng mẹ tôi. Hình như chẳng bao giờ mẹ tôi chịu bình tâm để nghe lời phân giải của tôi. Dần dà hai cha con tôi có thói quen chịu đựng giống nhau. Bà cứ nói và chúng tôi cứ im lặng cho qua việc. Bởi vì tôi nghĩ mẹ tôi đáng thương chứ không đáng trách. Lần đó tôi buồn phiền quá, bỏ đi lang thang một mình xuống biển Cửa Đại cách nhà năm cây số như một kẻ không hồn, đi mà không biết mình đi đâu. Con đường vắng lặng hiu hắt trong đêm, không có một bóng dáng của người bộ hành. Một dòng sông nhỏ chạy dọc theo con đường làng làm gợn lên những tiếng gió rì rào vi vút thổi lướt rờn rợn trên mặt sông, tạo nên những âm thanh ghê sợ. Những tiếng ếch nhái ểnh ương, ve sầu cứ rên rỉ không ngừng. Những bụi cây thấp thoáng đốm lòe bay. Những ánh lửa ma trơi xanh rờn chập chờn từ khu nghĩa địa bên kia bờ sông tạo nên một quang cảnh hoang vắng ghê rợn… Nhưng tôi vẫn không sợ. Hình như nỗi buồn phiền day dứt làm lần át cái sợ tràn đầy trong tôi.

Tôi ngồi một mình trầm ngâm rất lâu trên bải cát vắng lạnh. Một con sóng lớn đập mạnh vào bớ, nước mặn tung tóe phủ kín cả người tôi. Tôi giật mình thức tỉnh suy tư, vội quay trở về nhà với cả thân mình ướt sủng nước. Hình như đã khuya lắm rồi. Cả thôn xóm và nhà tôi đều ngủ say. Chỉ có con Cún vàng là còn thức canh đợi tôi. Nó mừng rỡ nhảy xổ vào người tôi, quấn quít như là lâu lắm mới gặp lại. Tôi ngồi xuống vuốt ve nó. Nó liếm đôi mắt u buồn của tôi rồi dùng chân trước đập nhè nhẹ nhiều lần vào ngực tôi, như muốn hỏi hôm nay tôi có điều gì khác lạ vậy. Tôi ra dấu bảo nó im lặng rồi cùng rón rén vào nhà vì sợ làm đánh thức ba mẹ tôi dậy. Hình như ba mẹ tôi không biết tôi rời nhà từ lúc nào. Tôi cảm động trước mối chân tình của con chó. Bởi làm thân khuyển mã nhà nghèo bữa đói bữa no, quanh năm chỉ ăn cơm thừa canh cặn, đầu tôm xương cá… Lắm khi còn bị chủ vác cây đuổi đánh chạy trối chết mà sau đó vẫn luôn vui mừng, trung thành và không chút oán giận với chủ.

Hình ảnh muộn phiền mệt mỏi của ba tôi cứ gợi lên trong lòng tôi những cảm xúc nghẹn ngào khổ tâm… Nhưng tôi luôn tự nhắc nhở mình là không được chán nản, phải phấn đấu vươn lên, cố gắng học thành tài để giúp đỡ ba mẹ tôi và vì tương lai của tôi nữa. Ngoài giờ học ở trường, tôi kiếm thêm việc làm. Mỗi buổi tối, tôi nhận dạy kèm ở tư gia hai xuất để lấy tiền phụ lực với đồng lương thất thường của ba tôi. Từ 10 giờ tối tới khuya là phần thời gian học bài của riêng tôi. Tôi không thể nào quên được hình ảnh của ba tôi mỗi buổi chiều đi làm về, cứ bước xiêu vẹo thất thểu ngoài đầu đuờng như vừa mới trải qua một ngày mệt mỏi, đau đớn, căng thẳng lắm! Vì vậy dù phải luôn vất vả, bận rộn nhưng tôi phải cố gắng học giỏi để khỏi đóng lệ phí cho nhà trường và để ba tôi vui mà sống lâu hơn nữa.

(Còn nữa)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn