Vị Mục sư nói nhiều lần mà tôi tình cờ nghe được qua mấy buổi giao tiếp gặp gỡ ở Maryland, Vancouver và San Jose. Tôi biết mình đam mê không chỉ một mà ba bốn thứ. Mỗi thứ dành thì giờ một chút, suy nghĩ một chút, làm một chút, viết một chút, nói một chút, đi một chút… miễn hết lòng hết sức thì coi như Chúa hài lòng. Khi nhìn lại thấy kết quả thật khiêm nhường đến độ cảm thấy như cái cây vừa ra lác đác vài nụ. Nói như Phao-Lô tôi đang chạy bá vơ, đánh gió. Lần ấy Mục sư đến thăm gia đình tôi. Mục sư hàn huyên về chuyện viết văn. Tôi như gặp một người thầy. Mục sư nói:
– Nếu con có một niềm đam mê, thì sẽ thành công.
Tôi hỏi:
– Ðam mê gì vậy thưa Mục sư?
– Ðam mê Chúa. Yêu Chúa đến mức độ… đam mê Chúa. Chúa là số một.
Thật vậy, Mục sư đã đam mê Chúa và gọi Chúa là Chàng trong quyển Vẽ Lại Chân Dung Chàng. Chàng Trên Biển và Chàng Trên Ðảo, Chàng Và Giáng Sinh Ðến Cùng Một Lần, Chàng Ðang Ở Trong Rừng Thu, Chàng Là Hoa Huệ Trắng Thơm và Mới Tinh, Chàng Như Một Tinh Cầu Xa Nhưng Lại Rất Gần,Chàng Như Mùi Thơm Của Hoa Dại Nở Cùng Một Lần… Không ai gọi Chúa là Chàng cả, chỉ một người. Tôi tìm và đọc về Chàng. Tôi hiểu đôi điều và có khi chẳng hiểu gì cả. Có lẽ tôi chưa đủ trình độ, hay mối tâm giao này quá cao thượng thánh khiết. Dầu vậy tôi phải nói một lời văn chương quá tuyệt vời trong cách dùng từ ẩn dụ miêu tả và sức tưởng tượng tưởng chừng xa xôi nhưng lại rất gần. Mục sư đam mê Chàng ngay từ buổi đầu, đó là tình yêu ban đầu cũng là tình yêu cuối cùng. Cứ thơm ngát, lan tỏa và kết quả. Niềm đam mê ấy Mục sư ấp ủ hơn mười năm. Ước ao mở sân chơi cho nhiều người viết về Chàng. Cho đến khi niềm ấp ủ tuôn trào ra, như mạch nước phải chảy ra, như người mẹ cưu mang chín tháng mười ngày… đến ngày đến giờ phải sanh con. Thực hiện ba năm, mỗi năm đều có quả. Năm thứ ba có thể nói trĩu quả. Dư mười hai giỏ. Ðến nay Mục sư có những đứa con viết văn, đứa con tinh thần, truyền nghề như Phao-Lô truyền lại cho Ti-mô-thê.
Tạ ơn Chúa, tôi là một cây bút tham gia viết ba năm. Qua đó Chúa cho tôi làm việc với các giám khảo, nhà lãnh đạo. Cho tôi bài học quí báu, bài học mồ hôi nước mắt thậm chí là xương là máu. Cái gì trị giá thì có giá trị. Niềm đam mê để sống với tận hiến hi sinh, cái giá của nó khá đắt đỏ. Tiền bạc là chuyện nhỏ, mạng sống và gia đình mới thật sự đáng cho tôi quan tâm. Một giám khảo phải chịu bắt bớ. Giám khảo phải thức khuya hai ba giờ sáng để chấm bài, ban ngày đi làm kiếm sống nuôi gia đình… Giám khảo thì làm mọi cách để đem văn chương ra bên ngoài truyền thông truyền giáo… mỗi người một việc nhưng chung mục đích. Một ngày có năm canh sáu khắc. Nếu đem lên cấp số nhân qua tháng năm thì thử hỏi các vị giám khảo thức trắng là bao! Không đếm được trăn trở …duy trì và phát triển. Ðiều nầy khiến tôi gẫm lại chính mình, có bao giờ mình ngồi viết suốt hai ba giờ sáng không nhỉ? Bao nhiêu lần mình viết mặc cho con đau con ốm? Hay viết giữa lúc khó khăn thử thách? Mình viết khi rãnh rỗi, viết khi đầu óc thư giãn, viết khi có ý tưởng, viết lúc muốn viết bởi cảm xúc…vân vân.
Tôi đọc sách của các giám khảo, họ là nhà văn ngoài đời và trong đạo. Vị giám khảo viết thần học không khô khan cứng cỏi đâu mà như dòng suối chảy, khi uống thì ngọt lịm. Vị giám khảo viết hài hước, vui buồn lẫn lộn. Có khi làm cho người đọc dừng lại suy tư, ông viết đa dạng nhiều sắc màu. Vị giám khảo nhà văn viết không ai chê trách được tỉ mỉ từng lời từng câu, ý tứ từng chữ. Càng đọc càng bị lôi cuốn. Vị giám khảo ca nhạc sĩ, văn sĩ, kiêm chủ biên website, đa dạng kết hợp giữa văn hóa Cơ đốc và nghệ thuật làm cho tác phẩm giàu cảm xúc, hoành tráng hơn. Họ là những nhà văn chuyện nghiệp, những nhà làm nghệ thuật chuyên nghiệp, nhà truyền giáo chuyên nghiệp của Chúa.
Kết quả ba quyển sách trên năm trăm trang, hơn sáu mươi tác giả. Chúng ta thấy độ dày về niềm tin Cơ Đốc và giá trị của nó. Mở rộng thêm dịch sang tiếng Anh cho con cháu học đòi đức tin của thế hệ đi trước. Ðáng trân trọng.
Niềm đam mê Chúa cộng thêm đam mê nghệ thuật. Trau dồi luyện tập duy trì phát triển nó một cách tự tin nhờ cậy Chúa, chắc chắn sẽ thành công. Tạ ơn Chúa cho tôi dạy học mười năm, sau đó khăn gói theo chồng nuôi con, coi như mất dạy. Bỏ nghề. Nói về truyện Cơ Đốc hầu như Hội Thánh Tin Lành chỉ có vài tập truyện xưa như Tình Thương Mạnh Hơn Bão Tuyết, Thảo và Ðứa Em Sinh Ðôi, Thảo Và Ðồi Gió, Chuyện Của Lũy mà tôi đọc qua. Và hầu hết toàn bộ sách nước ngoài dịch sang tiếng Việt về bồi linh, thần học, nghiên cứu…Tình cờ đọc được mấy truyện ngắn trên báo Hướng Ði, đọc thông báo điều lệ nội quy thi, giải thưởng… thế nên tay chân ngứa, ngứa nghề. Tạ ơn Chúa cho tôi viết tình yêu Chúa, câu chuyện gia đình bạn bè Hội thánh, giá trị niềm tin, kinh nghiệm theo Chúa. Ước ao để lại cho con cháu học tập. Hầu như năm thứ hai tôi viết rất sung, có bao nhiêu cứ viết, viết hết chẳng giữ lại gì cả. Viết xong dâng hết cho Chúa. Ngấm ngầm mình sẽ thắng.
Lần ấy tôi nói Mục sư:
-Con có đối thủ
Mục sư bảo:
-Ai vậy?
-Dạ, tầm bắn khá xa. Người này viết triết lý.
–Có đối thủ thì con càng phải viết hay hơn, không được thụt lùi. Phải vượt qua chính mình, đừng có hài lòng với những gì mình viết.Viết dài hơi hơn nữa. Nhiều bài viết hay tạo nên tác phẩm tác giả.
Lời thách thức của Mục sư khiến tôi phải dừng lại. Dừng lại suy tư, phải làm sao viết hay hơn. Tôi dừng chân gẫm đôi điều. Hầu hết phái đàn ông nhìn xa trông rộng, còn phụ nữ gắn liền cuộc sống. Vì thế hai trường phái viết khác nhau. Ðàn ông viết triết lý, phụ nữ mang tính giáo dục. Ðó là bản năng tự nhiên do Chúa ban cho. Tất cả mang vẻ đẹp đức tin, văn hóa Cơ Đốc.
Tôi khá thất vọng năm thứ hai giải khuyến khích. Hầu hết các cây bút đều nỗ lực đáng kể. Vì thế thứ hạng hơi gay go. Kết thúc tôi vẫn nể các anh chị nhất nhì ba, Họ xứng đáng. Sau đêm trao giải ấy, tôi trò chuyện với cô giám khảo. Tôi muốn biết ba giải cao viết như thế nào, chấm như thế nào, chỉ để học hỏi.
Cô bảo:
– VP văn phong vững vàng. UN rất triết lý. HC như dòng nước. Ba người ba đặc tính, ba cách viết.
Cô khuyên tôi chỉ dẫn:
– Quan sát. Đừng viết hết cảm xúc. Hãy giữ lại một chút gì đó, để viết tiếp những bài sau.
Tôi nhớ cô nói ít nhất hai lần. Khi lời nói nhấn mạnh hoặc lặp lại thì ấy là vấn đề mình cần nghe và quan tâm. Về đến nhà, tôi chẳng nói gì, ông xã nhìn tôi, anh khuyên:
–Thay vì viết hai chục bài, viết năm bài thật chất lượng.
Tôi thấy mình bị hụt hơi. Tưởng bỏ cuộc. Tôi đến gần Chúa ăn năn những thái độ háo thắng ích kỉ. Tôi ăn năn vài lời cằn nhằn giám khảo. Tôi nghe tiếng Chúa nói như vầy:
– Ðủ rồi con. Hãy im lặng. Ta là Ðức Chúa Trời của con.
Sáu tháng sau Chúa cho tôi viết tiếp. Tôi viết cho năm thứ ba chỉ có năm bài, không biết chất lượng ra sao.
Tôi nói Mục sư:
–Viết một bài là tán gia bại sản.
Mục sư cười.
– Tài sản con vẫn còn đấy. Tin tôi đi.
Trong đầu tôi ở đâu đó ra ý tưởng:
–Chẳng lẽ tài sản mình ngần bấy nhiêu thôi?
Ừm…
Tạ ơn Chúa cho tôi nỗ lực và nhận giải nhì năm ba. Thật ra không phải tôi viết chừng đó, chỉ vì tôi không có thì giờ. Tôi đi làm một ngày mười tiếng trong hãng và hai tiếng lái xe. Buổi tối tôi cần nghỉ ngơi lấy lại sức cho ngày mai, ngoài ra phải làm một vài việc cho Hội Thánh. Tôi thèm viết lắm, đến nỗi xin Chúa cho hãng làm ít giờ lại, viết cho Chúa. Tôi thèm viết như thèm món canh chua cá kho tộ mà chỉ nhấm vào tháng sáu, tháng bảy.
Mục sư cười bảo:
– Người ta muốn làm nhiều giờ để có tiền, còn con thì xin cho hãng làm ít lại.
Tôi thưa:
–Người hầu việc Chúa không tham tiền.
Trong giờ làm việc, Chúa cho tôi ý tưởng cảm xúc cất vào ngăn tủ tâm hồn. Nhưng không sao, gừng càng già càng cay. Càng lâu càng thấm càng sâu càng chất lượng. Tôi còn viết. Viết, viết nữa, viết mãi.
Tạ ơn Chúa cho tôi tham dự lễ phát giải lần thứ nhất ở Taxes, lần thứ hai Vancouver, lần ba San Jose. Mỗi chuyến đi để lại bao kỉ niệm, đặc biệt Chúa cho tôi làm việc và học hỏi ở ban tổ chức, các vị giám khảo. Nghe tâm tình, chia sẻ để nhận ra mình là thủy thủ trên con thuyền. Lần nầy kết thúc cuộc thi các vị giám khảo có một lực lượng hùng hậu để đi tiếp sự nghiệp văn chương. Nhóm ba người giải nhất, nhóm năm người giải nhì, nhóm bảy người giải ba. Chưa có cuộc thi nào mười lăm người Top three!? Các giải thưởng ngoài đời là hoa hậu, á hậu, hoặc giải danh dự, giải đặc biệt, giải tác giả tác phẩm. Mỗi giải chỉ một. Ban giám khảo làm việc cật lực. Mục sư nói với tôi sau khi bàn luận cầu nguyện đưa đến quyết định. Ðây là quyết định mang tinh thần Cơ Đốc hóa. Ðáng cho tôi học tập. Tôi bồi hồi xúc động. Chúa nâng chúng ta lên. Ban tổ chức nâng chúng ta lên. Thật đẹp khi mười lăm con chim bay trên vùng trời trên những cánh đại bàng.
Giải thưởng trong chốc lát, vui đó hào hứng đó, xúc động, hồi hộp … chỉ trong giây lát rồi cũng qua. Ðể lại trong tôi bao thổn thức bên trong quá trình tổ chức, khó khăn thử thách, chịu đấm ăn xôi, bị dội bom khủng bố áp đảo tinh thần… các vị lãnh đạo gánh chịu. Tạ ơn Chúa giải tỏa hết và ban phần thưởng. Ðấng làm nên lịch sử văn chương Cơ Đốc. Lịch sử thì đổ máu. Chúa yêu quý làm nên lịch sử bằng máu phải không!
o0o
Tôi không biết nhiều về chuyện thi viết nhạc. Chuyện của ban lãnh đạo. Hai hôm ở San Jose đi chung xe, ngồi ăn chung với cô. Tôi hiểu nhiều về chuyện viết nhạc. Hầu hết nhân tài là các bạn trẻ ở Việt Nam, nhạc sĩ của Chúa. Có bạn vì niềm đam mê mà ăn mì gói viết nhạc làm nhạc. Một Mục sư viết nhạc khi những sóng gió ùa vào chức vụ. Ông vui vẻ ca ngợi Chúa bởi đam mê Chúa. Cuối cùng Chúa giải quyết ban phần thưởng. Nghe lời làm chứng, tôi thấy Chúa ban phần thưởng cho ông hạng nhất là xứng đáng. Tìm Về Bêt-lê-hem, phần điệp khúc trong sáng cao vời như thiên sứ hát vậy. Cảm nhận của tôi cũng là cảm nhận của Mục sư và anh chị em. Bên cạnh đó còn vài lời kiện tụng khiếu nại anh em mình. Ðánh mất vẻ đẹp Cơ Đốc. Tôi nghĩ họ có giải, có phần thưởng. Tôi tin chắc rằng Chúa dạy họ bài học nhớ đời.
Tạ ơn Chúa sự nghiệp văn chương Cơ Đốc không dừng, mở thêm viết nhạc. Hai vị giám khảo bảo tôi viết nhạc gửi thi. Tôi vâng lời, đây là lần đầu tiên viết nhạc. Làm soundtrack mời ca sĩ hát rồi gửi thi. Có lẽ tôi là người duy nhất thi cả hai bên văn và nhạc. Vậy cũng vui. Lần ấy nói với nhạc sĩ ở Việt Nam làm soundtrack để mình hát cho vui, như góp thêm hương vào vườn hoa. Kết quả vào vòng bán kết, bẩy bài ca được chọn vào tuyển tập nhạc Viết Cho Niềm Tin. Như thế rộn ràng tâm hồn. Mục sư trong gia đình bảo:
– Người hát người đàn có thể sửa đổi lời hay sửa nốt khi họ không thể trình bày tốt không?
Tôi im lặng, chờ Mục sư trả lời
– Ðã dâng cho Chúa, thì thuộc về người sử dụng.
Tôi nhớ cô nhạc sĩ nói về điều nầy. Hồi mười ba mười bốn tuổi cô đàn và hát. Cô viết rất dễ, cầm đàn lên khảy là cho ra đời một bản. Cô viết cả trăm bài rồi dâng hết cho Chúa. Một bài bỏ tiền túi ra ít nhất hai trăm đồng. Dâng hết cho Chúa cô không nhớ đến nó nữa. Tôi bảo:
-Em thích viết văn hơn viết nhạc. Viết văn tâm hồn lai láng. Viết nhạc đòi hỏi kĩ thuật sáng tác.
Dầu gì đi nữa vẫn là niềm đam mê. Tôi còn đam mê Chúa không? Ở mức độ nào? Tôi dám đam mê đến nỗi từ bỏ tất cả chạy theo thời gian để chiếm trọn trái tim Chúa không?
Chúa thực hiện giấc mơ qua ba năm. Làm cho anh em có giấc mơ, sống với giấc mơ, thực hiện giấc mơ. Cứ lớn lên. Tôi thấy tâm hồn đam mê, tôi thấy giá trị của đức tin, tôi học đức tính mỹ miều người Cơ Đốc. Nếp sống cao đẹp hầu việc Chúa khiêm nhường. Dâng hết cho Chúa. Tạ ơn Chúa, Ðấng làm nên lịch sử.
KIM HÂN |