Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / ĐẠO ĐỨC CƠ ĐỐC

ĐẠO ĐỨC CƠ ĐỐC

CÁC KHÁI NIỆM VỀ ĐẠO ĐỨC.

gal 2 20
Trước khi nói đến đạo đức Cơ đốc, chúng ta sẽ xem xét các khái niệm về đạo đức.
Đạo đức là một hiện tượng xã hội phản ánh các mối quan hệ hiện thực bắt nguồn từ bản thân cuộc sống của con người. Đạo đức là tập hợp những quan điểm của một xã hội, của một tầng lớp xã hội, của một tập hợp người nhất định về thế giới, về cách sống. Nhờ đó con người điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội.

Khái niệm đạo đức

Trong tâm lý học, đạo đức có thể được định nghĩa theo các khía cạnh sau:
– Nghĩa hẹp: Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp các quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực xã hội nhờ nó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích và hạnh phúc của con người, với tiến bộ xã hội trong quan hệ cá nhân – cá nhân và quan hệ cá nhân – xã hội.
– Nghĩa rộng: Đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực biểu hiện sự tự giác trong quan hệ con người với con người, con người với cộng đồng xã hội, với tự nhiên và với cả bản thân mình.

Một số phạm trù cơ bản của đạo đức:

– Nghĩa vụ của đạo đức thể hiện ở chỗ khi con người tham gia vào các hoạt động cộng đồng, anh ta ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với người khác và đối với cộng đồng. Nghĩa vụ đạo đức đã xuất hiện rất sớm và nó tồn tại với thời gian, tồn tại qua các giai đoạn phát triển của lịch sử loài người. Điều đáng chú ý là việc thực hiện nghĩa vụ đạo đức bao giờ cũng mang tính tự giác và do chính bản thân đã nhận thức rõ vấn đề. Do vậy, khi thực hiện nghĩa vụ đạo đức con người luôn có cảm giác hạnh phúc, hài lòng vì tình cảm cao thượng, vì lòng tự trọng và phẩm giá của con người. Nghĩa vụ đạo đức của con người có mối liên hệ chặt chẽ với nghĩa vụ pháp lý. Nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý của con người đều có chung mục đích là nhằm điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp với quy tắc, chuẩn mực chung của xã hội.
Nghĩa vụ không hình thành một cách tự nhiên, nhất thời mà nó được hình thành và hoàn thiện trong quá trình giáo dục, tự giáo dục, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn của mỗi cá nhân, thậm chí qua quá trình đấu tranh, thử thách của cuộc sống.

– Lương tâm có thể được hiểu như tiếng nói bên trong đầy quyền uy chỉ dẫn, thôi thúc con người ta làm những điều tốt, ngăn cản, chỉ trích làm những điều xấu. Khi con người làm điều xấu, lương tâm sẽ “bật đèn đỏ” cảnh báo: dừng lại. Khi con người làm điều tốt sẽ cảm nhận một lương tâm thanh thản.
Theo quan điểm biện chứng của đạo đức học thì lương tâm là ý thức trách nhiệm và tình cảm đạo đức của cá nhân về sự tự đánh giá những hành vi, cách cư xử của mình trong đời sống xã hội. Sự hình thành lương tâm vốn đã có từ buổi bình minh lịch sử và nó tiếp tục phát triển trong lịch sử của con người. Có thể nêu ra các mức độ phát triển của lương tâm như sau:
• Ý thức về cái cần phải làm do sự sợ hãi bị trừng phạt bởi thiết chế xã hội hoặc ý niệm tâm linh.
• Ý thức về cái cần phải làm, cần phải tránh vì xấu hổ trước người khác và trước dư luận xã hội.
• Ý thức về cái cần phải làm vì xấu hổ với bản thân. Khi cá nhân xấu hổ với bản thân, với những hành vi của mình là bước đầu của cảm giác lương tâm. Từ cảm giác đó đến sự phán xét các suy nghĩ, hành vi của mình thì đó chính là lương tâm. Vì thế lương tâm có quan hệ chặt chẽ với ý thức nghĩa vụ của con người.

Khi con người làm những điều xấu, độc ác thì lương tâm cắn rứt. Trái lại khi cá nhân làm những điều tốt, cao thượng thì lương tâm thanh thản. Do vậy, trong cấu trúc của lương tâm tồn tại khái niệm xấu hổ, hối hận. Giữ cho lương tâm trong sạch là một tiêu chí hạnh phúc và tiêu chí sống của con người.

– Thiện và Ác là cặp phạm trù đối lập nhau trong mọi thời đại, là thước đo đời sống đạo đức của mọi cá nhân. Thiện và Ác cũng là phạm trù cơ bản làm thước đo đời sống đạo đức của con người.
Cái Thiện là cái tốt đẹp biểu hiện lòng nhân ái của con người trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là hành vi thể hiện lợi ích của cá nhân phù hợp với yêu cầu và sự tiến bộ xã hội. Cái thiện phải được thể hiện qua việc góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, đem lại lợi ích cho mọi người trong xã hội. Làm điều thiện là phấn đấu cho cuộc sống của con người ngày càng trở nên cao thượng hơn, tốt đẹp hơn và giàu tính nhân văn hơn.
Cái Ác là cái đáng ghét, ghê tởm, cái cần phải gạt bỏ trong đời sống cá nhân và xã hội. Cái ác làm mất đi cái văn minh, cao thượng của cuộc sống con người. Quan điểm về thiện và ác mang tính lịch sử và có thể hoán đổi cho nhau. Cái thiện và ác được chúng ta đánh giá tùy thuộc vào nó có thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của xã hội, hạnh phúc của con người. (1)

Đạo đức dưới lăng kính của Thần học.

Trước khi có Kinh Thánh thì đạo đức đã có và tồn tại với con người và xã hội loài người (2). Đạo đức được Đấng tạo hóa phú cho con người theo luật lương tâm, điều này xem như là mặc khải tổng quát ứng dụng trong phương diện đạo đức. Luật này dựa trên khuynh hướng tự nhiên của tạo vật để hành động đúng hay hướng đến điều đúng. Từ ngữ đạo đức trong tiếng Hy lạp là ethos, nomos có nghĩa là những thói quen hay tập tục được nhiều người chấp nhận, nó là những qui ước chung trở thành chuẩn mực đạo đức. Từ góc độ này thì đạo đức là một hiện tượng tinh thần, môt hình thái ý thức xã hội nảy sinh do nhu cầu của đời sống xã hội con người.

Trong quan điểm của Phương Tây, đạo đức có hai phần gắn liền: đạo và đức. Đạo là thực thể tuyệt đối có trước khi trời đất sinh ra, là cội nguồn, là đường đi, là sự sống (3). Đức là biểu hiện của Đạo, là nguyên tắc luân lý mà mỗi người phải tuân theo (4).
Một bài nghiên cứu của tác giả Đặng thị Lan nhấn mạnh: Con người cần quay trở về hay gắn bó với Đạo mới có sự sống và sự hòa hợp hạnh phúc giữa vũ trụ. Đạo gắn liền với đức trong quá trình phản ánh tồn tại xã hội, giữa hình thái ý thức tôn giáo và hình thái ý thức đạo đức luôn có mối quan hệ tương tác, đan xen và thâm nhập lẫn nhau. (5)

William Barlay, một học giả về Kinh Thánh cho rằng: Đạo đức và tôn giáo có mối liên hệ gắn bó, vì đạo đức là một phần trong giáo lý tôn giáo dạy con người phải ứng xử như thế nào? (6)
Bây giờ chúng ta nói đến đạo đức Cơ đốc.

2 co 5 17
1. Đạo đức Cơ đốc là gì?
Đạo đức Cơ đốc là đạo đức của Chúa Jesus Christ. Nói rõ hơn, nó là đạo đức theo gương mẫu đời sống và những lời dạy của Chúa Jesus. Những tiêu chí và giá trị của đạo đức Cơ đốc là:

– Đạo đức Cơ đốc được thiết lập trên nền tảng của Kinh Thánh.

– Tinh hoa của đạo đức Cơ đốc xuất phát từ mười điều răn. Trong đó có bốn điều liên quan đến Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa, và sáu điều răn còn lại dành cho con người khi chung sống với nhau. Trong Tân Ước Chúa Jesus tóm lược luật pháp trong hai điều: kính Chúa, yêu người (7). Hai điều tóm lược này nhấn mạnh nguyên tắc phát xuất từ nội tâm yêu kính Chúa và thương yêu tha nhân như chính mình. Đạo đức Cơ đốc được xây dựng trên cơ sở kính sợ Chúa. Nếu không có nền tảng căn bản này thì mọi điều còn lại sẽ không bao giờ trở nên thực tế. Và sứ đồ Phao-lô cũng nói trong 1 Cô-rin-tô 13:13, “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương”. Tình yêu thương là tinh hoa, là điểm cao nhất của đạo đức Cơ đốc. Tình yêu thương này chỉ có khi Chúa Jesus làm chủ cai trị tấm lòng của con người. “Đức Chúa Trời là tình yêu.” (1Giăng 4:8). Điều này có nghĩa con người có khả năng yêu thương và hy sinh cho nhau khi trong lòng họ có Đức Chúa Trời. Những loại tình yêu khác chưa đi qua con đường thập tự giá của Chúa Jesus đều có một giới hạn nhất định.

– Đạo đức Cơ đốc nhấn mạnh đến nguồn gốc đạo đức lưu xuất từ chính Đức Chúa Trời, bản chất của nó phản ánh ý chỉ của Đấng tối cao trong sự tạo dựng và cứu rỗi nhân loại. Đạo đức Cơ đốc là đạo đức của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua thân vị và công tác của Chúa Jesus Christ trên đất.

– Giáo lý của Cơ đốc giáo chủ trương đạo đức Cơ đốc có nghĩa là môn đồ của Chúa có ơn kêu gọi, có thiên chức do Chúa chỉ định gắn liền với trách nhiệm xã hội của chính người đó (1 Côr. 7:17-24). Sự chu toàn các bổn phận trong thế gian tương ứng với chức phận trong cuộc sống dành cho mỗi người trong cộng đồng xã hội. Những quan điểm trước đây của Giáo hội cho rằng chỉ có công việc của hàng giáo phẩm và các tu sĩ trong các chủng viện mới được gọi là thánh chức, thì ngày nay không còn phù hợp với các hội thánh Tin lành. Với quan điểm của Martin Luther căn cứ trên Kinh Thánh (1 Côr. 1:26; 4:1-4; 2 Tês. 1:11; 2 Phil. 1:10) thì chức nghiệp của mỗi người đang làm đều có giá trị tôn giáo, đáng trân trọng và có giá trị thiêng liêng giữa xã hội.

martin luther

(Martin Luther)

– Nhận thức đúng đắn của người tín hữu Cơ đốc về Đức Chúa Trời và ân sủng của Ngài là một yếu tố tích cực thuyết phục họ bắt chước theo gương mẫu đạo đức của Chúa Jesus Christ. Tham gia vào các công tác xã hội phục vụ cộng đồng, cứu giúp người nghèo khổ, bảo vệ môi trường xanh…. là những công tác tự nhiên của Cơ đốc nhân. Người tín hữu Cơ đốc làm những điều này không phải vì bị ép buộc hay chạy theo một phong trào, nhưng đó là hành động tình nguyện được phát sinh từ sự sống của Đấng Christ bên trong người đó.

– Max Weber đã viết trong tác phẩm của ông là bổn phận được thực hiện thông qua các nghề nghiệp trần thế là hoạt động đạo đức cao nhất mà con người có thể đảm nhận ở đời này (8). Điều này biểu lộ trong quan điểm Thần học của các giáo phái Tin Lành về mục đích và nghĩa vụ của cuộc sống. Đạo đức Cơ đốc không còn là bổn phận nặng nề nhưng là thánh chức của mỗi Cơ đốc nhân. Điều này đối kháng với chủ trương của Giáo hội thời trung cổ vốn phân biệt các điều răn của đạo đức thành những mệnh lệnh hay nếp sống đạo đức cao đẹp phải vượt lên trên luân lý thế tục bằng lối sống khép kín trong các tu viện (9). Cái đó chắc chắn không phải là đạo đức Cơ đốc.

– Đạo đức Cơ đốc hay đạo đức của Chúa Jesus thì cao hơn những tiêu chuẩn đạo đức trong Cựu Ước. Chúa Jesus đã dạy:
Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ. Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác. (Ma-thi-ơ 5: 38-45)
Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi. (Ma-thi-ơ 5:27-28).

new

• Như vậy ở đây Chúa Jesus đã đưa chuẩn mực đạo đức trong Tân Ước lên cao hơn Cựu Ước. Làm sao để người tín hữu có thể thực hiện hay áp dụng lời dạy của Chúa Jesus? Nếu bằng sức riêng con người thì mạng lệnh mà Chúa Jesus đưa ra là bất khả thi. Nhưng với Đức Chúa Trời thì không việc gì là không thể. Chính sự sống của Chúa Jesus bên trong người tín hữu sẽ thực hiện các mạng lệnh “bất khả thi” mà Đức Chúa Trời muốn con cái của Ngài phải đạt đến sự trọn lành. Đây chính là điều mà sứ đồ Phao-lô muốn nói đến trong thư tín Ga-la-ti, “Tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Gal 2:20). Khi Đấng Christ nội trú bên trong tâm hồn, tâm linh của người tín hữu, thì đạo đức Cơ đốc bên trong của người đó được lưu xuất một cách tự nhiên ra bên ngoài. Đây là điểm khác biệt giữa đạo đức Cơ đốc với các giá trị, tiêu chuẩn đạo đức của các nền văn hóa và tôn giáo khác trên thế giới. Đạo đức của các nền văn hóa và tôn giáo là con người nhờ giáo dục, tu thân, tự điều chỉnh bản thân để trở nên tốt đẹp. Nhưng đạo đức Cơ đốc thì khác. Đó là đạo đức của Chúa Jesus đang nội trú bên trong người tín hữu được lưu xuất ra bên ngoài qua hành động. Chính bản thân người tín hữu không có khả năng sống đời sống theo tiêu chuẩn đạo đức Cơ đốc, nhưng sự sống của Chúa Jesus ở bên trong sẽ chi phối, kiểm soát và hướng dẫn người tín hữu vươn tới chuẩn mực của Đức Chúa Trời. Con người không thể làm được. Nhưng với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều có thể.

2. Một xã hội không có nền đạo đức Cơ đốc sẽ như thế nào?

Chúng ta không phủ nhận một nền đạo đức theo tiêu chuẩn con người. Từ trong sâu thẳm của lương tâm và trái tim, con người muốn vươn đến chân thiện mỹ để hoàn thiện chính mình, nhưng mọi nỗ lực cá nhân đều thất bại khi con người loại bỏ Chúa Jesus ra khỏi cuộc sống. Một xã hội mà không có nền đạo đức Cơ đốc thì giống như thế giới này không có muối và ánh sáng. Hãy suy gẫm về những lời dạy của Chúa Jesus:

Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân. Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được: Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các người hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời (Ma-thi-ơ 5:13-16).

Nền đạo đức Cơ đốc chiếm vai trò chủ đạo và nó phải ảnh hưởng lên các giá trị đạo đức của con người. Nếu nền đạo đức đó không tồn tại trên thế giới, thì thế giới này sẽ rơi vào tình trạng không có muối và ánh sáng. Hậu quả là gì? Người viết không thể hình dung được một thế giới không có muối và ánh sáng!
Khi một xã hội hay một quốc gia loại bỏ những tiêu chuẩn đạo đức theo Kinh Thánh, chắc chắn những cộng đồng đó sẽ sống trong tình trạng xáo trộn. Nơi đó người ta coi việc nói dối hay gian trá với nhau là điều bình thường. Khi Chúa Jesus bị loại bỏ thì con người sẽ thay vào đó những tiêu chí, tiêu chuẩn của họ. Và những điều đó trước mặt Chúa là đáng hổ thẹn. Kinh Thánh nói gì về điều này?
Chúng đều dùng lời dối trá mà nói lẫn nhau,
Lấy môi dua nịnh và hai lòng,
Mà trò chuyện nhau. (Thi 12:2)
Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? (Giê-rê-mi 17:9)
Một dân tộc hay một quốc gia chỉ có thể vươn lên khỏi vũng bùn lấm về phương diện đạo đức khi mà dân tộc hay quốc gia đó thực sự nhìn biết Đức Chúa Trời.

Một xã hội không có nền đạo đức Cơ đốc sẽ rơi vào những tình huống sau đây:

a. Con người sẽ thay thế đạo đức Cơ đốc bằng đạo đức tự nhiên theo luật lương tâm. Và đôi khi lương tâm này cũng bị chính con người làm cho sai trật. Những cảm nhận của nó không còn đúng nữa. Nền đạo đức của con người có thể tốt trong một chừng mực nào đó, nhưng chắc chắn nó có nhiều khiếm khuyết. Một nền đạo đức đúng nghĩa phải ra từ Đức Chúa Trời và hướng về Đức Chúa Trời nhằm tôn vinh Ngài.

b. Một nền giáo dục tốt như Nhật Bản cũng có thể tạo ra những nhân cách tốt, thế nhưng cái mà con người xem là tốt đẹp thì đôi khi lại trái ngược với cái nhìn của Đức Chúa Trời (10). Nói một cách tổng quát, một xã hội không có nền đạo đức Cơ đốc luôn là một xã hội mà mọi giá trị luân lý của nó được xây dựng theo mô hình của tháp Ba-bên – nghĩa là con người tự tôn cao chính mình, hoặc tôn cao lãnh tụ trần gian, hoặc tôn cao một học thuyết mà bị vua cầm quyền chốn không trung là Sa-tan chi phối. Và cuối cùng của tháp Ba-bên (Sáng 11) là gì? Đó là ngôn ngữ bất đồng, người ta không thể hiểu nhau, ai nói người ấy nghe và họ tự phân tán ra mỗi người một lãnh địa.

c. Khi một xã hội không có đạo đức Cơ đốc chi phối hay gây ảnh hưởng, thì mọi giá trị đạo đức bị xáo trộn và đảo ngược. Tại đó người ta thay thế sự chân thật bằng những điều dối trá, hận thù được kích hoạt và không có chỗ đứng cho tình yêu thương, sự tha thứ hay lòng bao dung. Điều này là một thực tế đau thương cho các quốc gia đã loại bỏ Đức Chúa Trời và Lời của Ngài là Kinh Thánh. Hậu quả của một xã hội phi Cơ đốc chính là bạo lực, hận thù, gian dối và quyền làm người bị loại bỏ, nhân phẩm phụ nữ bị chà đạp. Một hiện tượng gần đây nhất là tổ chức khủng bố IS, nó đã gây nên bao nỗi kinh hoàng trên thế giới. Tại sao? Vì trong tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo IS đó, những người lãnh đạo đã thay thế Đức Chúa Trời và Kinh Thánh bằng học thuyết của họ. Khi Kinh Thánh bị con người loại bỏ sang một bên, thì bất cứ điều gian ác, tệ hại nào cũng có thể xảy ra. Những tội ác của Nhà nước Hồi giáo IS như: giết con tin, bắt cóc, chặt đầu nhà báo, binh lính, và gần đây nhất vào thứ sáu ngày 13 tháng 11 năm 2015 là vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới (11). Tại sao như thế? Vì con người đã loại bỏ đạo đức Cơ đốc và chọn cho mình con đường diệt vong.

paris

Khi Kinh Thánh bị con người loại bỏ sang một bên, thì bất cứ điều gian ác, tệ hại nào cũng có thể xảy ra. Những tội ác của Nhà nước Hồi giáo IS như: giết con tin, bắt cóc, chặt đầu nhà báo, binh lính, và gần đây nhất vào thứ sáu ngày 13 tháng 11 năm 2015 là vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới (11). Tại sao như thế? Vì con người đã loại bỏ đạo đức Cơ đốc và chọn cho mình con đường diệt vong.

3.Làm thế nào để đạo đức Cơ đốc đi vào xã hội?

Đạo đức Cơ đốc chỉ có thể đi vào xã hội khi công tác truyền bá Phúc Âm kết quả lan rộng trong xã hội. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là điều kiện đủ để trả lời cho câu hỏi này. Nếu mỗi môn đồ của Chúa Jesus không sống đúng với Lời dạy của Chúa thì rõ ràng là chúng ta sẽ không có câu trả lời ở đây. Tuy nhiên có một thực tế đáng mừng là đạo đức Cơ đốc đã và đang tiếp tục đi vào các hoạt động trong đời sống. Lúc đầu tiên nó có thể chỉ là một ngọn lửa bé nhỏ từ một que diêm, nhưng khi có hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người đốt lên những que diêm khác thì đó sẽ là một ánh sáng lớn lan tỏa chung quanh. Trong tác phẩm Nền Đạo đức Tin Lành và tinh thần của Chủ nghĩa tư bản tác giả đã nhận định: “Nền đạo đức Cơ đốc đã có một vai trò rất lớn góp phần trong việc mang đến sự phồn vinh thịnh vượng của Phương Tây và Hoa kỳ.” Một học thuyết đạo đức như vậy nên được áp dụng cho mọi quốc gia. Điều này tùy thuộc vào sự cầu nguyện của Hội thánh, bởi vì khi Hội thánh cầu nguyện thì Đức Chúa Trời hành động. Lòng các vua ở trong tầm kiểm soát của Chúa, Ngài có thể điều khiển họ theo ý Ngài (Châm 21:1). Thực ra chính Hội thánh của Đức Chúa Trời nắm quyền điều khiển dòng lịch sử của mọi quốc gia bằng sự cầu nguyện. Đây là uy quyền mà Chúa đã ban cho Hội thánh, như lời Chúa Jesus đã phán dạy trong Phúc Âm Ma-thi-ơ (12).. Khi Hội thánh thực hiện chức năng đóng và mở ở dưới đất, thì trên trời Chúa cũng sẽ đóng và mở. Vì vậy người viết lịch sử không phải là các thể chế đời này mà chính là Hội thánh. Thế nhưng khi Hội thánh đánh mất uy quyền quản trị thế giới của mình vì cớ tội lỗi, thì đó là một bi kịch. Khi ấy Satan dường như thắng thế, nhưng đến cuối cùng nó chắc chắn sẽ bị tiêu diệt (13).

Trong phạm vi bài viết này, người viết xin trình bày một số phương án để đạo đức Cơ đốc đi vào xã hội:

• Các hội thánh Tin lành nên đẩy mạnh sự tham gia và mở rộng các hoạt động xã hội vì cộng đồng. Khi Hội thánh trưởng thành về phương diện thuộc linh thì Hội thánh cũng được Chúa ban phước để có thể tiến hành các chương trình phục vụ cộng đồng.

• Mỗi một Cơ đốc nhân cần được dạy dỗ và ý thức trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nếp sống đạo giữa xã hội. Những người làm công tác mục sư phải làm gương trong điều này, và dạy cho các thành viên trong hội thánh. Không có công tác nào có thể thay thế cho nếp sống đạo của Cơ đốc nhân. Nếu có những công tác tốt nhưng phẩm hạnh của người Cơ đốc không tốt theo tiêu chuẩn của Kinh thánh thì hệ quả theo sau nó là người ta sẽ không tin vào hệ thống hay học thuật đạo đức Cơ đốc. “Các anh dạy cho người ta sống tốt theo gương mẫu Chúa Jesus, nhưng cách sống của các anh thì ngược lại với những gì anh dạy”. Lời phản ánh này sẽ là một bi kịch cho Cơ đốc giáo và nền đạo đức Cơ đốc. Đạo đức Cơ đốc có nghĩa là người môn đồ của Chúa Jesus phải sống giống như thầy mình. Đó là con đường thập tự giá.

• Những nhà lãnh đạo Cơ đốc phải là những người xây dựng chiến lược và kế hoạch để quảng bá đạo đức Cơ đốc ra toàn xã hội. Muốn thực hiện điều này, nhu cầu hiện nay của hội thánh là phải có những người lãnh đạo được học tập và trang bị mọi kiến thức, hiểu biết về nghệ thuật lãnh đạo. Khi chưa xuất hiện những nhà lãnh đạo như vậy, hội thánh chỉ có thể thực hiện những công tác giới hạn theo tầm nhìn của hội thánh. Hãy nhìn xem Hội thánh Saddleback ở miền Nam California do Mục sư Rick Warren quản nhiệm. Đây là một hội thánh có chiến lược quảng bá nền đạo đức Cơ đốc ra bên ngoài xã hội thông qua các chương trình phục vụ cộng đồng (14). Sự thành công của Mục sư Rich Warren được nhà báo Đoàn Thanh Liêm ghi nhận như sau:
“Điều đáng ghi nhận hơn cả về vị mục sư danh tiếng này, chính là việc ông đã tổ chức cho các tín đồ và các bạn hữu thân tín của mình tham gia dấn thân nhập cuộc với các dự án hết sức lớn lao về xã hội, y tế, giáo dục và phát triển có tầm vóc toàn cầu.” (15)

muc-su-Rick-Warren-227x300

• Như vậy đạo đức Cơ đốc không còn là giáo điều, nhưng là hành động cụ thể vì phúc lợi của cộng đồng. Cộng đồng đó có thể là một quốc gia nghèo đói ở Châu Phi đang cần tình yêu của Chúa Jesus chia sẻ cho họ hay bất kỳ một nhóm người nào trên thế giới đang sống trong những điều kiện thiếu thốn và chưa có cơ hội tiếp xúc với Kinh Thánh.

4. Kết luận.

Đạo đức Cơ đốc là đạo đức của Chúa Jesus Christ. “Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống” (1 Giăng 5:12). “Sự sống” mà câu Kinh Thánh này đề cập đến bao hàm luôn cả đạo đức Chúa Jesus trong đó. Đạo đức Cơ đốc bắt đầu từ khi Chúa Jesus nhập thế làm người, và nó sẽ tiếp diễn cho đến khi Chúa Jesus Christ tái lâm và cả trong cõi đời đời, vì nó chính là đạo đức của Đức Chúa Trời.
Chúng ta với tư cách là những Cơ đốc nhân, chúng ta có Thánh Linh sự sống (Rô-ma 8:2) ở bên trong có thể thoát khỏi những ràng buộc của luật pháp, để có khả năng tái hiện đời sống Chúa Jesus trên đất. Đây chính là đạo đức Cơ đốc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) https://vi.wikipedia.org
(2) Charles E. Curran, Richard A. McComick. Reading in Moral Theology, Volume 7, Nxb Paulist Press, Newyork , 1991, tr 239
(3) Giăng 1:4-5.
(4) Nguyễn Ngọc Long, Giáo trình Đạo đức học, Nxb Chính Trị Quốc gia, H. 2000, tr. 8.
(5) Đặng thị Lan. Về vai trò của đạo đức tôn giáo trong đời sống xã hội. Tạp chí Triết học. http://chungta.com
(6) William Barlay. Ethics in a Permissive Society, Harper & Row, Publisher, Inc, Newyork 1971, p. 13.
(7) Ma-thi-ơ 22:37-39
(8) Max Weber. Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Nxb. Trí thức, 2008, tr. 131-145.
(9) Đạo đức thời kỳ này được Giáo hội Công Giáo ngày nay đánh giá rằng: “nặng về mặt tiêu cực, dạy điều cấm hơn khuyên phải làm, dạy tránh tội hơn là làm phước, sợ hình phạt do phạm tội hơn là mất ân sủng của Chúa ban. Đạo Chúa như là con đường đi qua bãi mìn hơn là con đường thoải mái đưa đến hạnh phúc thật”. Trương Như Vương. Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong Kinh Thánh. Nxb. Tôn giáo. Tr. 2.
(10) 1 Sa-mu-ên 16:7
(11) http://vietdaikynguyen.com/
(12) Ma-thi-ơ 18:18
(13) Khải huyền 20:10
(14) https://vietbao.com/
(15) https://vietbao.com/

TƯỜNG VI   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn