Có hai câu hỏi quan trọng được nêu lên.
“Nếu điều bạn nói Đức Chúa Giê-su là đúng,
Có phải mọi tôn giáo khác đều sai?”
Không hề như vậy. Đức Chúa Trời Đấng dựng nên trái đất, Đức Chúa Trời Đấng bày tỏ chính mình Ngài qua Đấng Christ đã không để cho không có bằng chứng nào về Ngài trong thế giới này. Mỗi một ý nghĩ tốt, mỗi một tia sáng, mỗi một lời của chân lý được tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào, và cũng trong những triết gia vô thần như chủ nghĩa Mác. Tất cả đều là một phần trong sự tự bày tỏ của Đức Chúa Trời và đều tập trung về một Đấng đã hóa thân làm người. Vậy nên Cơ Đốc Giáo chấp nhận những chân lý từ bất cứ nơi đâu. Khi bạn nhìn vào những niềm tin khác, bạn sẽ thấy một phần rất lớn những điều đúng và giá trị, đó là đạo đức và lòng tốt, nhưng cũng có những điều không đúng. Nhưng bạn sẽ không tìm ra điều gì là tốt và chân thật mà không có trong Đấng Christ. Bạn sẽ không nghe được từ một nơi nào khác về một Đức Chúa Trời quan tâm đến bạn nhiều đến nỗi hy sinh cho bạn, sống lại từ phần mộ để bảo đảm cho tương lai bạn, và sẵn sàng đến và chia sẻ cuộc sống cùng bạn. Bạn sẽ không tìm thấy trong một niềm tin nào khác có sự bày tỏ về Đức Chúa Trời trong những ngôn ngữ hoàn toàn thuộc về con người, một sự giải cứu cho con người khỏi sự ích kỷ và tội lỗi, và lời đề nghị của chính Đức Chúa Trời để đến và sống trong cuộc sống của mỗi một người nam, người nữ hoặc một em thiếu nhi nào tiếp nhận Ngài.
Không phải Cơ Đốc Giáo có cái nhìn thiển cận về những niềm tin khác. Nhưng vì những khẳng định về sự sống lại của Ngài, nếu Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời đến để giải cứu chúng ta thì thật là dại dột hết sức nếu chúng ta chối bỏ Ngài. Và đây là điều mà chúng ta có thể đầu tư cả cuộc đời chúng ta cho lẽ thật này. Chúng ta không phải đối diện với những câu chuyện hoang đường và truyền thuyết. Chẳng hạn như ta không thể biết được Phật đã sống vào khi nào (ước tính khoảng vào năm 1000 đến năm 500 trước Công Nguyên) hoặc những chi tiết về sự sinh ra của người (có đến 547 câu chuyện). Chúng ta đang đối diện với lịch sử. Cơ Đốc nhân tuyên bố rằng Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét đã sống lại vào năm 30 hoặc 31 sau Công Nguyên và đã khởi đầu cộng đồng Cơ Đốc (có nhiều tài liệu chứng minh cho tuyên bố này). Những môn đồ bị tản lạc của Ngài đã không nghĩ Chúa sẽ sống lại. Đầu tiên họ không tin vào sự sống lại của Ngài. Nhưng họ đã bị thúc ép bởi kinh nghiệm của họ với một Giê-su sống lại, và khi họ được thuyết phục, không gì có thể khiến họ im lặng. Bởi vì họ đã khám phá được chìa khóa của sự sống.
Cơ Đốc nhân không chỉ đơn thuần tuyên bố rằng một xác chết đã được sống lại. Điều đó quả là không tốt. Họ tin rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng trong thân xác con người tự nhiên của chúng ta là Đức Chúa Giê-su. Ngài đã chịu đau khổ và chịu chết, và sự chết không thể nắm giữ được Ngài! Sự phục sinh của Ngài khẳng định cho tuyên bố Ngài là đường đi, chân lý và sự sống là đúng. Sự phục sinh của Ngài minh chứng cho tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời. Trong Đức Chúa Giê-su phục sinh, Đức Chúa Trời cho chúng ta một giải pháp trọn vẹn về sự cứu chuộc; nhưng Ngài cũng đòi hỏi chúng ta vâng phục hoàn toàn. Sẽ rất tốt nếu ta quan tâm đến tôn giáo học đối chiếu. Nhưng nếu bạn càng hiểu biết nhiều về những tôn giáo khác, bạn sẽ càng thấy Cơ Đốc Giáo là độc nhất. Và mấu chốt của Cơ Đốc Giáo đó chính là sự phục sinh.
Tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn thận về sự phục sinh trong cuốn sách nhỏ Man Alive (Đấng Sống) và sau này chúng ta sẽ xem nhanh qua các bằng chứng trong chương 9. Nhưng vấn đề đó là: Cơ Đốc Giáo là một tôn giáo mang tính lịch sử. Nó tuyên bố rằng Đức Chúa Trời đã nhận lấy rủi ro để đích thân tham dự vào lịch sử nhân loại, và bạn có thể tìm thấy bằng chứng để kiểm tra điều này với sự nghiêm khắc nhất. Những sự thật vẫn sẽ đứng vững dù phải trải qua những kiểm nghiệm nghiêm nhặt đến đâu. Chưa từng có quyển sách nào trên thế giới trở thành đối tượng được khảo sát một cách tỉ mỉ, chi tiết và sâu sắc bởi những con người trí tuệ nhất suốt nhiều thế kỷ như Thánh Kinh Tân Ước. Hãy tự mình kiểm chứng các bằng chứng và đừng dựa vào những ý kiến của người khác tin vào câu chuyện của Chúa hoặc từ những ai chối bỏ Chúa. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc đời mà bạn phải quyết định. Có phải Đức Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết hay không? Nếu không, bạn có đủ thời gian tìm kiếm những niềm tin khác trên thế giới để tìm sự giúp đỡ trong cuộc sống. Nhưng nếu thật Ngài đã sống lại, và nếu bạn được thuyết phục như vậy thì đó chính là câu trả lời cho bạn nên chọn tôn giáo nào. Đức Chúa Giê-su Christ không chỉ hiện ra với bạn như một con người nữa. Mặc dầu với thân thể hoàn toàn là con người, Ngài đã đem Đức Chúa Trời đến với bạn.
Câu hỏi thứ hai thường hay gặp đó là:
“Nếu điều bạn nói về Đức Chúa Giê-su là đúng,
như vậy những ai không phải là Cơ Đốc nhân chắc chắn bị hư mất?”
Tại đây một lần nữa câu trả lời đó là Không. Điều chắc chắn đó là Kinh Thánh Tân Ước không dạy rằng những ai chưa từng nghe về Đức Chúa Giê-su Christ chắc chắn bị hư mất. Cả Kinh Thánh khẳng định rằng con người sẽ bị Đức Chúa Trời đoán xét bằng một sự công bình tuyệt đối. Con người sẽ bị đoán xét dựa trên đáp ứng của họ đối với những sự sáng mà họ có. Trong một phân đoạn Kinh Thánh nổi tiếng là Rô-ma, Phao-lô khẳng định rằng Đức Chúa Trời không thiên vị. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình. Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê-su Christ mà đoán xét những việc kín nhiệm của loài người” (Rô-ma 2:14-16). Phao-lô muốn nói rằng những quốc gia ngoại đạo không nhận được sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh vẫn có sự hiểu biết về điều đúng và sai; cảm nhận về đạo đức của họ giống như một người lập pháp và thẩm phán ở bên trong họ, tán dương hoặc chỉ trích những việc họ làm. Đức Chúa Trời tuyệt đối công bằng.
Nhưng Phao-lô tiếp tục trình bày rằng cơ hội này cũng không giúp cho họ. Bởi cả người ngoại lẫn người Do Thái đều thất bại trong việc tuân giữ luật pháp Chúa, hoặc thậm chí là những chuẩn mực mang tính tương đối và quy luật lương tâm bên trong con người họ. Chính vì thế không ai được hòa hợp với Đức Chúa Trời vì sự tốt lành và tấm lòng chân thành của chính mình; bởi vì không ai tốt lành và chân thành một cách hoàn hảo – nhưng thực ra là ngược lại. Ba chương đầu tiên của sách Rô-ma, nơi Phao-lô xem xét về đạo đức tôn giáo và thế giới ngoại đạo đã được kết luận một cách long trọng như sau: “miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời” (3:19). Từ đó Phao-lô đưa ra tin vui là không ai có thể tự làm được, cho chính mình hoặc cho người khác trở nên công bình, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho tất cả mọi người, những ai tin vào Ngài, dù họ là người theo tôn giáo hoặc là người ngoại. Chúa đã làm cho chúng ta có thể được chấp nhận trong Con yêu dấu của Ngài là Đức Chúa Giê-su Christ.
Kinh Thánh Tân Ước nói rằng Đấng Christ không chỉ chết vì tội lỗi của chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi của cả thế giới. Ngài chết để những con người đức tin trong thời Cựu Ước được lau sạch tội trạng cáo buộc họ. Giờ đây, Áp-ra-ham và những người khác đã không biết rằng làm thế nào Đức Chúa Trời có thể chấp nhận những người con người tội lỗi như họ. Họ chỉ tin vào Ngài khi Ngài bày tỏ rõ ràng với họ rằng họ được chấp nhận. Với góc nhìn có nhiều lợi thế hơn của chúng ta, chúng ta biết rằng Áp-ra-ham được cứu bởi những việc làm của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ trên cây gỗ ở Gô-gô-tha. Chính vì vậy công việc ân điển của Đức Chúa Trời vẫn sẽ dành cho những ai không nghe về Đấng Christ từ sau khi Ngài chết ở Gô-gô-tha. Nếu họ thực sự ăn năn tội lỗi và trao phó chính mình cho sự thương xót của Đức Chúa Trời, chắc chắn họ sẽ tỉnh dậy ở thế giới bên kia và thấy mình được Đức Chúa Trời chấp nhận. Bởi vì chẳng phải Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta rằng Cha thiên thượng luôn sẵn lòng ban cho những ai cầu xin Ngài, và mở cửa cho những ai gõ cửa sao? Điều kiện cho con người đó là cầu xin, tìm kiếm, gõ cửa và ăn năn đối với sự tốt lành của riêng mình. Tình yêu của Đức Chúa Trời được làm rõ ở thập tự giá. Ngài chuẩn bị để tiếp nhận bất kỳ ai từ bất kỳ sắc tộc nào ở bất kỳ thời điểm nào vào vương quốc trên trời.
Đôi khi người ta nghĩ rằng chấp nhận điều này thì người truyền đạo không cần phải nỗ lực truyền giáo nữa. Nhưng điều đó không đúng. Rất nhiều nhà truyền đạo đã đi đến nơi mà Phúc Âm chưa từng được rao ra. Họ đã nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho tội nhân. Sự đáp ứng của một hoặc hai trong số những người lắng nghe Phúc Âm có nghĩa là: “Chúng tôi đã tìm kiếm một điều gì đó như thế này cả đời. Chúng tôi sẵn lòng ăn năn và đầu phục cuộc sống mình cho Đức Chúa Trời Đấng đã yêu thương chúng tôi. Nhưng tại sao ông không đến nói với chúng tôi trước đây?”
Đôi khi người ta nghĩ rằng chấp nhận “hy vọng rộng lớn” này là giúp chúng ta thoát khỏi trở ngại phải chọn Đức Chúa Giê-su Christ hoặc chống lại Ngài. Nhưng không gì có thể đi xa hơn sự thật. Tìm kiếm chân lý suốt nhiều năm, người ngoại đạo trong một vùng đất ngoại giáo đã ăn năn và tin nhận trong lần đầu tiên nghe thấy Phúc Âm. Ngược lại, những người thờ ơ đến nhà thờ bên Phương Tây thì nói rằng: “Vậy còn những người chưa lắng nghe Phúc Âm thì sao? Chắc chắn mọi tôn giáo đều hướng về Đức Chúa Trời?” Họ chỉ muốn tránh né trách nhiệm. Những người như vậy thật nhẹ dạ. Họ không có lý do gì để biện hộ cho việc chối bỏ Ánh Sáng của thế gian đó là Đức Chúa Giê-su. Bởi vì các bằng chứng về Chúa luôn luôn hiện có cho người ấy trong Kinh Thánh, cuốn sách mà họ có thể mua được với giá vài đô-la. Họ sống giữa vòng Cơ Đốc nhân là những người kinh nghiệm trực tiếp lẽ thật được viết trong Kinh Thánh. Người ấy sẽ không có cớ gì biện hộ nếu anh ta không vâng theo sự dẫn dắt của Kinh Thánh và của những ai đã tìm thấy chân lý mà đến với Chúa Giê-su đầu phục bằng đức tin và sự vâng phục.
Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết một loại người sẽ bị lạc mất. Đó không phải là những người chưa từng nghe Phúc Âm. Nhưng đó là những người nghe nhưng trả lời “Không.” Đó là rất nhiều người Pha-ri-si trong thời của Chúa Giê-su. Ngài phải đau buồn mà nói về họ: “Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời. Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống.” Và khi viết thư tín thứ hai gửi đến các Cơ Đốc nhân tại thành Tê-sa-lô-ni-ca Phao-lô đã nói về sự hiện hữu của địa ngục trong những từ ngữ rất đáng kinh sợ: “hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa,” và theo như Đấng chủ tể của ông, ông khẳng định rằng hình phạt ấy chờ đợi những ai đã lắng nghe tin tức tốt lành về sự giải cứu của Đức Chúa Trời nhưng “không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (1:9). Hãy chắc rằng bạn không thuộc vào số của họ.
MICHAEL GREEN
Translated by Vinh Hien
Các bài trước:
https://huongdionline.com/2015/09/30/niem-tin-cua-nguoi-vo-than/
https://huongdionline.com/2015/10/14/toi-khong-phai-la-nguoi-sung-dao/
https://huongdionline.com/2015/11/16/moi-con-duong-deu-dan-den-la-ma/