Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / GÓC KHUẤT

GÓC KHUẤT

 

Đây là một ngọn núi của người nghèo sinh sống, nơi tập trung những mảng màu tối, nơi những mảnh đời bị cuộc sống hào nhoáng bỏ qua một bên không thèm nhìn mặt.
Nhìn từ xa thì cũng đã thấy nó nghèo nàn, cũ kỹ vì chẳng có nhiều cây xanh, dường như cái gì có thể qui ra tiền là họ chẳng để cho sống. Đến gần hơn một chút nữa, ngay dưới chân núi nơi có những hoạt động nhộn nhịp của những con người rảnh rỗi, họ tụ tập để sát phạt nhau qua những ván bài ăn tiền, có nhóm thì cụng ly côm cốp rôm rả, còn những người đàn bà đen đúa ngồi tụm năm tụm ba nói cười ha hả, những đứa trẻ nheo nhóc ngồi lết dưới đất chẳng cần quần, những con ruồi đen bóng cứ vo ve xung quanh và hơi của biển phả vào mặt tanh nồng.
Nghề chính của người dân ở đây là bám biển, hằng ngày những người nam ăn ngủ chè chén thoải mái đến hai giờ chiều thì vác dầm lên vai, ra ghe và bắt đầu thức trọn đêm với biển cho đến sáng hôm sau. Cuộc sống chỉ có thế!
Những bước chân đầu tiên của chúng tôi ngập ngừng e ngại khi tiếp cận với nơi nầy, những con người trắng trẻo trong những bộ quần áo lịch sự, sạch sẽ vác đủ thứ lỉnh lỉnh thực phẩm lên núi là đề tài chỉ trỏ, nói nhỏ của nhiều người, những cái nhìn nghi ngại với cả những ánh mắt thèm thuồng của trẻ nhỏ cứ vấn víu bước chân chúng tôi… Và cứ thế quen dần!
Từ nơi nầy, những bài học về làm người, về lòng yêu thương, sự tương trợ lẫn nhau đã đánh động đến chúng tôi. Nơi góc khuất ấy, nhiều điều đã xảy ra xung quanh một ngôi nhà nhỏ!

nAPOLEON
I. NGÔI NHÀ XIÊU VẸO.
Hai vợ chồng trẻ với ba đứa con nheo nhóc đã tin nhận Chúa sau lần nuôi tôm hùm bị phá sản trắng tay, chẳng còn gì để bấu víu. Họ xin cất nhà nhờ trên một miếng đất nhỏ được khai hoang, ở đó và giữ đất cho người ta.
Màn đêm đã ập xuống hoàn toàn, trong ngôi nhà trống trước trống sau, gió rít qua những miếng tôn nghe ù ù, bần bật. Ánh sáng le lói từ trong nhà hắt ra mờ mờ chẳng thể thấy nổi gương mặt của người đứng kế bên, có tiếng người chồng nhỏ nhẹ xa vắng:
– Em à! Anh vừa xin một chủ ghe để đi bạn (cách gọi một người làm thuê trên ghe) cho họ. Họ đồng ý rồi nhưng ghe mà anh đi xa lắm, cách nhà mấy trăm cây số, xa hơn những hòn đảo lấp ló ngoài kia, nơi đó sóng điện thoại không phủ tới được. Anh đi vài tháng mới về thăm nhà một lần, em và các con cố gắng nhé, dù không có anh nhưng chúng ta có Chúa mà, Ngài sẽ luôn ngự trị trong ngôi nhà nhỏ này, bảo vệ, che chở em và các con, em nhé!
Giọt nước mắt lặng lẽ chảy trên đôi gò má gầy gò của người vợ trẻ, một nách ba con nheo nhóc, không chồng bên cạnh, không tiền trong túi, không biết có còn thấy mặt chồng lần nào nữa không… Chẳng có nỗi đau nào giống nhau và trên ngọn núi này thì ai cũng mang một hay nhiều nỗi đau, nó đã trở thành chuyện bình thường, đã sống thì phải chấp nhận:
– Anh cứ yên tâm mà đi, ở nhà em và các con còn có hàng xóm mà, không sao đâu anh, Chúa không bỏ chúng ta đâu, em tin điều đó.
Ánh đèn vụt tắt, nhường chỗ cho bóng tối bao trùm lên cái lạnh của núi rừng, tiếng chặc lưỡi của thạch sùng nghe ảo não tâm can, tiếng gió vi vu lướt trên từng cành cây kẽ lá như ru những con người cùng khổ vào giấc mộng chơi vơi, như xoa dịu nỗi đau vò võ đợi chồng về của người vợ trẻ.
II. TIẾNG CHỔI TRE
“Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác…
Bài thơ của Tố Hữu chắc ai cũng đã từng đọc qua, nhưng ai đã từng im lặng lắng nghe tiếng chổi tre trong đêm hè vắng vẻ. Âm thanh xạt xạt chẳng có chút gì thi vị, vui tai nhưng ẩn chứa trong từng nhát chổi là mỗi mảnh đời riêng biệt, mỗi hoàn cảnh đắng cay.
Anh Đức- một người lao công quét đường sống kề bên ngôi nhà xiêu vẹo đó. Người bạn thân của anh chính là cây chổi lớn với chiếc xe rác kềnh càng, anh có một hoàn cảnh trái ngang mà khi tiếp cận thì người đối diện sẽ chạnh lòng và ngại đề cập đến.
Những lần lân la qua ngồi nói chuyện tâm tình với mục đích chính là tôi muốn đem Chúa Giê Xu đến với góc khuất của cuộc sống nơi đây, đã kéo những người đàn ông lại gần hơn trong những chia sẻ với nhau. Hôm nay cũng là một buổi chiều thứ bảy như thường lệ, vì suốt cả tuần tôi phải vật lộn với cuộc sống để mưu sinh, riêng ngày thứ bảy chúng tôi dành ra để thăm viếng, chăm sóc và làm chứng về Chúa. Còn ngày Chúa nhật thì dâng trọn cho Chúa là lẽ đương nhiên, khỏi cần bàn cãi. Nhìn thấy anh ngồi thẩn thờ trước cửa, tôi bước tới:
– Chào anh Đức! Hôm nay có vẻ anh lại trầm tư? Công việc vất vả hơn hay sao vậy anh?
– Hôm nay tôi vừa lên toà kí đơn ly hôn xong, tôi được quyền nuôi bé Na nhưng phải bán nhà chia cho cô ta một nửa sau khi cô ta đã ôm hết vốn liếng của tôi chạy theo người đàn ông khác, thật bất công.
– Rồi anh cứ mãi đem bé Na theo quét rác hằng đêm vậy sao? Đó không phải là cách tốt nhất đâu anh!
– Biết làm sao được, đang vào hè mà anh…
Ánh mắt xa xăm buồn bã hướng vào khoảng thinh không vô định như muốn bám víu vào một cái gì đó để làm phao cho một kẻ sắp rơi vào tuyệt vọng. Còn bé Na chỉ vừa tròn bốn tuổi, chẳng hiểu hết tình đời đen bạc là như thế nào, vẫn vui đùa cùng mấy đứa trẻ cùng xóm, lâu lâu lại ngước đôi mắt đen láy nhìn ba mình cười hít mắt, thật muốn vô tư như con trẻ biết bao.
III. SANG CHẢNH
Đối diện ngôi nhà tôn xiêu tó có một ngôi nhà tường kiên cố, hàng rào chắc nịch, máy lạnh gắn chạy ù ù, mấy con chó sủa inh ỏi khi có người đứng trước cửa nói chuyện. Đây là cái nhà đẹp nhất nhì ở khu vực núi nầy, trong nhà cũng có hai vợ chồng trẻ, người chồng làm nghề thợ bạc, người vợ ở nhà cho vay, hưởng thụ cuộc sống như dân sành điệu. Cô đi bar, đánh bài, tán dóc và cả tọc mạch chuyện nhà người, hễ điều gì vui thì cô làm.
Ngôi nhà với đầy đủ trang thiết bị của dân phố thị, nền gạch men bóng loáng, mát lạnh mà mọi ánh mắt của người dân nơi đây đều thèm thuồng được đặt lưng nằm trên ấy trong những ngày hè nóng bức bối nầy. Sự sang chảnh còn thể hiện rõ nét trong cách ăn, mặc, trang sức và cả phẫu thuật thẩm mỹ của người vợ. Tất cả vẻ bề ngoài ấy toát lên sự giàu có và chủ nhân của nó chảnh chọe cũng là điều dễ hiểu.
Hôm nay cũng là một buổi chiều bình thường như mọi ngày, những ánh đèn vàng vọt vừa được thắp lên đủ để cho những bà mẹ và đám con nít thấy mâm cơm để đôi đũa không gắp trật. Chợt cả xóm giật mình buông đũa vì âm thanh loảng xoảng của đồ sành sứ văng vào tường kèm theo tiếng thịch, đụi, tiếng la, tiếng khóc trong ngôi nhà đẹp với những con người sang chảnh kia:
– Tại sao mày đổ đốn vậy hả con kia? Sung sướng quá hoá điên rồi hay sao? Tao đi làm đầu tắt mặt tối đem tiền về nhà, mày có biết là đồng tiền tao kiếm được vất vả lắm không? Tao phải cà hai con mắt vô từng chút một mới có được cái nhà nầy, mày có biết tao khổ lắm không mà mày đổ đốn, đú đỡn, đem tiền cho trai ăn, đã ăn vụng mà còn không biết chùi mép, cho thấu tới tai tao… Kèm theo mỗi tiếng chửi là mỗi cái tát, cái đạp tới tấp vào người vợ chanh chua, chảnh chọe mà cả xóm núi đều không ưa.
– Mày đi làm cắm mặt kiếm tiền, bỏ tao thui thủi một mình với căn nhà lạnh ngắt, mày đem tiền về cho tao nhiều làm chi, tao đâu có ngủ với tiền, mày có biết là tao cô đơn lắm không? Tao phải dùng tiền đi kiếm niềm vui cho mình chớ!
Nước mắt tèm lem, mặt sưng vù, đầu tóc rối bời, lỗ mũi sửa bị vẹo qua một bên trông thảm hại hết sức. Bà con chòm xóm toàn đàn bà với con nít bu đông nghẹt, đàn ông xóm núi đã đi biển hết rồi còn đâu, những người nầy xông vào kéo hai con người đang đỏ mặt tía tai kia ra, khuyên lơn nhỏ to đủ điều cho nguôi cơn giận, khoảng một tiếng đồng hồ sau thì ai về nhà nấy, nhìn mâm cơm lạnh ngắt mà lắc đầu chán ngán cho một kiếp nhân sinh. Ngôi nhà tường cũng đã tắt đèn, trả lại không gian im ắng cho núi rừng, chỉ còn nghe đâu đó tiếng thút thít, sụt sùi như gương mặt ai được vùi vào vai ấm áp. Màn đêm lại tĩnh lặng như nó vốn có, tiếng ếch nhái kêu rỉ rả gọi bạn cùng tiếng rù rì của núi rừng lại bao phủ mọi nóc nhà nơi đây.
IV. CHỊ.
Cứ mỗi lần lên núi thăm bốn mẹ con trong căn nhà kèo cột lung lay đó là chúng tôi gặp chị, lúc đầu thấy chị thì tôi sợ. Phụ nữ mà ăn nói bỗ bã, chửi thề, miệng ngậm điếu thuốc phun khói phì phèo trong khi trên tay vẫn kè kè gói thuốc đầy ứ’, chị cứ ngồi đó, nói gần nói xa, chửi đỏng chửi đảnh vu vơ, lâu lâu lại liếc xéo qua tôi với đôi mắt mang hình viên đạn. Nhà chị cũng ở phía trong đó một chút, tôi được nghe kể về cuộc đời của chị qua một người khác, hiểu thêm về nỗi ám ảnh ghét đàn ông của chị. Ngày xưa chị rất xinh xắn, hiền lành, không hề biết nói một chữ bậy nào, chị có chồng là một người thợ làm cầu đường , khi chị bụng mang dạ chửa thì hắn cũng làm xong cái cầu và ra đi “để chị tôi ngóng trông mắt lệ mờ” như lời một bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến. Chị đã bỏ xứ ra đi và trôi giạt đến núi nầy. Khi đã tiếp cận và nói chuyện một vài lần thì chị nhẹ nhàng hơn, mỉm cười cùng tôi, để chị tin vào cuộc sống không phải ai”mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” cũng đều là họ Sở. Chúng tôi nói với chị về tình yêu của Cứu Chúa Giê Xu -Đấng rịt lành mọi vết thương lòng cho những kẻ biết mở lòng ra đón nhận.
Chị cám cảnh cho thân một mẹ cùng ba con nhỏ trong căn nhà xiêu vẹo nên hay giúp đỡ, lúc ký gạo, lúc hộp sữa và cả những tờ tiền lẻ nhàu nát mà chị dúi vào tay người mẹ trẻ sau một ngày làm mướn dưới cảng cá. Những tờ tiền tanh nồng mùi cá, thấm mặn mồ hôi của người cho vừa bị thấm ướt bởi những giọt nước mắt của người nhận.
Đôi khi trong cái cô tịch của núi rừng, trong cái lạnh âm ỉ của sương khuya, vẫn nghe văng vẳng lời ru của người đàn bà với tấm lòng tan vỡ, mệt mỏi trong cuộc sống, lời ru buồn bã như muốn với tới một nơi xa xôi, nghe thật ai oán, bi thương:
Anh nói với em
Như dao chém xuống đá
Như rựa chém xuống đất
Như mật rót vào tai.
Bây chừ anh đã nghe ai
Bỏ em giữa chốn thuyền chài rứa ri…
V. TRÀNG HẠT
Nằm phía trên ngôi nhà xiêu vẹo đó có một bà cụ sống đơn thân, không ai biết bà từ đâu chuyển đến, bà không con, không cháu. Hằng ngày bà đi nhặt từng vỏ lon, mảnh giấy vụn để bán kiếm sống, niềm vui của bà là khi chiều xuống, nắng tắt, bà lại bận bộ đồ nâu sầu đi xuống chân núi nơi có cái chùa rất lớn nằm chễm chệ, khói nhang nghi ngút để tụng kinh gõ mõ, tay lần tràn hạt với đôi mắt nhắm nghiền, không ai biết bà đang nghĩ gì vì bà chẳng bao giờ cho ai tới gần mình.
Tôi lại chú ý tới bà với dáng vẻ đơn lẻ đó, cố tìm ra cơ hội tiếp mà chưa được.
Có một hôm bà thở phì phò khi leo lên dốc núi, trông bà có vẻ không khỏe, lúc đó chúng tôi cũng vừa mới qua tới. Từ xa vợ tôi chạy đến đỡ tay bà cụ, bà gạt ra, nhìn khó chịu, tôi hơi bất ngờ nhưng vợ tôi lại nói:
– Bà ơi!nhìn bà con lại nhớ ngoại con quá, xin cho con đi với bà một đoạn, bà giúp con nhé!
Gương mặt chằng chịt vết chân chim giãn ra, rồi bà cụ để yên bàn tay nhăn nheo của mình trong tay vợ tôi, hai bà cháu bước từng bước một, không biết là hai người nói gì với nhau nhưng có vẻ tâm đắc lắm vì thấy cả hai một già một trẻ cùng cười.
Những ngày thứ bảy sau đó có một người già cứ đợi một người trẻ nơi dốc núi, rồi cứ từng bước leo lại lên núi, đôi mắt bà không còn u uất như xưa, bàn tay đã chẳng còn bấu chặt vào tràng hạt nữa, bây giờ bà chỉ chờ đến thứ bảy để có con cháu ngoại nhà ai đó đi lên với bà một đoạn, giải thích cho bà nghe về tình yêu thương lớn lao của Ông Trời đối với tất cả nhân loại khổ đau.
VI. HỒI KẾT
Trong mảng màu đen tối của cuộc sống nơi đây, đâu đó vẫn thấm đẫm tình yêu thương giữa người với người. Một ngọn núi với biết bao mảnh đời, biết bao số phận được gắn tạm bợ vào đó. Núi oằn vai chịu đựng những hỉ, nộ, ái, ố của những con người nơi đây, những dục vọng thấp hèn vẫn mon men chen vào giữa kẻ hở trong đời sống vợ chồng, những tệ nạn cờ bạc, hút sách, lêu lỏng vẫn diễn ra hằng ngày, những ánh mắt u hoài nhìn đời với một màu đen cố hữu, những đứa trẻ lớn lên sẽ giẫm vào chính bước chân của những người đi trước, mọi việc sẽ lập lại y như thế.
Điều họ cần là gì?
– Ánh điện sáng choang với tiếng nhạc sập sình sành điệu?
– Bữa ăn hoành tráng với sơn hào hải vị đầy ắp?
– Chiếc giường êm ái với nệm cao su đắt tiền?
Không! Họ chẳng quen điều đó.
Điều họ cần làm dòng huyết cứu rỗi của Cứu Chúa Giê-su chảy ngược lên trên ngọn núi nghèo hèn đó. Chính dòng huyết yêu thương ấy sẽ chảy vào từng nhà, thấm vào từng người, luồn lách vào trong mọi ngõ ngách của tấm lòng mỗi người dân nơi đây, rịt lại vết thương cho người tan vỡ, xoá đi những nỗi đau của ngày hôm qua.
Dòng huyết ấy sẽ tuôn tràn như mạch nước, kéo người với người xích lại gần nhau, lau khô giọt nước mắt cho người vợ trẻ, bảo vệ người đàn ông nơi đầu sóng ngọn gió giữa biển khơi, đỡ nâng người lao công khỏi những tư tưởng trả thù dại dột, xoa dịu vết thương trên gương mật người đàn bà thiếu hơi ấm cỦa chồng, xoá đi nỗi đau của người đàn ông bị vợ cắm sừng trên trán, bảo vệ người già, chăm nom chị goá bụa…

Điều họ cần làm dòng huyết cứu rỗi của Cứu Chúa Giê-su chảy ngược lên trên ngọn núi nghèo hèn đó. Chính dòng huyết yêu thương ấy sẽ chảy vào từng nhà, thấm vào từng người, luồn lách vào trong mọi ngõ ngách của tấm lòng mỗi người dân nơi đây, rịt lại vết thương cho người tan vỡ, xoá đi những nỗi đau của ngày hôm qua.
Những ước ao đó hình thành trong tôi, nỗi ấp ủ ngày càng lớn như đứa con ta thai nghén đủ ngày đủ tháng.
Một chương trình truyền giảng rộng rãi cho những người dân sống trên ngọn núi nầy sẽ được thực hiện vào ngày 1/12 sắp tới.
Chương trình đã có, diễn giả đã mời, thân hữu thì quá nhiều, những dự chi đã được đưa ra, bữa ăn nhỏ với những bài biệt thánh ca đã có người đăng ký hát,những câu đố xoay quanh chủ đề giáng sinh cho thân hữu đã được soạn… Vậy còn mong chờ chi nữa?
Cửa sổ vẫn chưa thấy hé nói chi đến cửa lớn đây? Biết rằng chờ đợi là một phương thuốc hay nhưng Chúa ôi! Xin hãy cho con thấy liều thuốc, để con có thể vượt qua những trở ngại, để con tin cậy bước tiếp và đến nhận liều thuốc ấy, xin đừng để con nhìn liều thuốc từ xa và chết mỏn dần.
Chúa ôi!
Con sẽ đợi nơi góc khuất này.

thienquoc

NGUYỄN THIÊN QUỐC, thành viên của Nhóm Facebook VIẾT CHO NIỀM TIN

PHẢN HỒI:

Tinh Le: That cam dong cho bai Viet Nay, dia chi O dau? Nguyen Chua ban phuoc tren Su truyen giao cua Thien Quoc Nguyen O Goc khuat Nay. Amen.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn