Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / BỐN MƯƠI NĂM NHÌN LẠI

BỐN MƯƠI NĂM NHÌN LẠI

40 NĂM NHÌN LẠI

MỤC SƯ ỨC CHIẾN THẮNG

40

Lúc còn ở Âu Châu thỉnh thoảng tôi có xem bộ phim mang tên Dallas, được trình chiếu liên tục trên những kênh truyền hình của nhiều nước. Đây là một trong những cuốn phim được xếp vào hàng dài nhất gồm 357 tập, xoay quanh cuộc hôn nhân của Bobby Ewing và Pamela Barnes một gia đình giàu có tại Texas. Chủ của công ty dầu khí và một trại chăn nuôi lớn, nhưng lại luôn có sự thù nghịch nhau mà những tình tiết éo le, cùng những khung cảnh hấp dẫn trong phim đã khiến cho nhiều người muốn đến thăm thành phố Dallas. Từ khi sang Hoa Kỳ tôi đã có dịp đến Dallas nhiều lần vừa tham quan cùng kèm theo công việc, nhưng mùa hè năm nay thì lại khác. Tôi và nhiều người đến Dallas lần này để tham dự Đại Hội Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam Bắc Mỹ từ ngày 2 đến 5 tháng 7 năm 2015, trong ấy có sự kiện quan trọng là cùng nhau kỷ niệm 40 năm hành trình của người Việt xa xứ.

Đối với người Do Thái 40 năm lang thang trong đồng vắng là cả một hành trình dài đau thương, gian nan và khốn khổ. Còn chúng ta người Việt ly hương ở hải ngoại sau khi trải qua giai đoạn hiểm nguy trên biển cả, trong rừng sâu; thiếu thốn ở các trại tị nạn hay bỡ ngỡ ban đầu tại đất nước định cư, giờ đã được ổn định. Có cuộc sống ấm no hạnh phúc trên một xứ “đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật” thì không ít người cho thời gian trôi qua sao mau chóng quá: “Mới ngày nào đây mà giờ đã 40 năm rồi!” Nên khi nhìn lại cuộc hành trình của 40 năm qua, không ai khỏi phải xót xa ngậm ngùi cho một chuyến đi mà ít nhiều chúng ta đều có sự mất mát.

I. SỰ RA ĐI CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Khi thủ đô Sài Gòn là thành trì tự do của Miền Nam Việt Nam thất thủ, từng đoàn người dân Việt vượt qua bao nỗi sợ hãi, bất chấp mọi hiểm nguy lũ lượt ra “đi mà không biết mình đi đâu” để tìm sự sống. Theo những số liệu thống kê của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì cuộc ra đi ấy chia thành bốn giai đoạn sau:

Giai đoạn đầu là trước và sau 30 tháng 4 năm 1975 không lâu, có khoảng 150,000. Trong đó 140,000 qua Hoa Kỳ và 10,000 người đi qua Âu Châu cùng các nước khác. Giai đoạn hai là từ tháng 6 năm 1975 đến 1979, sau khi tổng thống Gerald R. Ford ban hành “Đạo Luật Về Di Trú và Tị Nạn Đông Dương.” Tổng cộng 326,000 gồm 311,400 thuyền nhân và 14,600 người đi bằng đường bộ. Giai đoạn ba là trước tình hình người Việt ra đi đông đảo, chính phủ Hoa Kỳ ban hành thêm “Đạo Luật Tị Nạn” vào ngày 17 tháng 3 năm 1980. Khoảng 450,000 gồm 428,500 thuyền nhân và 21,500 người đi đường bộ.

Giai đoạn chót là từ 1990 đến 1995, (tức từ khi Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ra lệnh khóa sổ tất cả các trại tị nạn vào năm 1989 cho đến lúc giải tán vĩnh viễn vào năm 1996). Tổng cộng khoảng 63,100 gồm 56,400 thuyền nhân và 6,700 người đường bộ. Thế là tròn 20 năm, từ tháng 4 năm 1975 đến cuối năm 1995, tổng số người Việt ra đi trong bốn đợt, cả đường biển lẫn đường bộ, là 989,100 người. Số người tử nạn thì không thể thống kê chính xác được và người ta phỏng chừng là có khoảng 500,000 thuyền nhân đã bỏ mình trên biển cả hay bị hải tặc bắt giết.

II. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở HẢI NGOẠI

Lịch sử có ghi là trước đây cũng có một số trường hợp người Việt ra đi nước ngoài đông đảo, như khi nhà Lý sụp đổ năm 1225, hoàng thân Lý Long Tường lo ngại bị nhà Trần đàn áp nên cùng đoàn tùy tùng qua Triều Tiên lưu vong năm 1226. Năm 1789 sau khi vua Quang Trung chiến thắng ở Đống Đa, vua Lê Chiêu Thống sợ bị trả thù liền cùng các cận thần qua Trung Hoa lánh nạn. Dưới thời Pháp thuộc trong thế chiến I và II chính phủ Pháp đưa nhiều ngàn binh sĩ Việt Nam qua Pháp chiến đấu, rồi trong thập niên 30 của thế kỷ trước nhiều người Việt lại bị chính phủ Pháp bắt đưa qua quần đảo Tân Calédonie ngoài khơi Thái Bình Dương lao động. Sau chiến tranh cũng như sau thời kỳ lao động một số người ở lại bên đó sinh sống luôn, nhưng chưa lần nào lại tổ chức thành cộng đồng người Việt hải ngoại như sau năm 1975.

Sau chiến tranh cũng như sau thời kỳ lao động một số người ở lại bên đó sinh sống luôn, nhưng chưa lần nào lại tổ chức thành cộng đồng người Việt hải ngoại như sau năm 1975.

Vì lẽ vào đầu thập niên 1970 chỉ khoảng 100,000 người Việt sống ngoài Việt Nam chủ yếu tại các nước Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Pháp nhưng số này tăng vọt sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Tiếp theo những cuộc vượt biên là Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự và diện HO, cùng sự sụp đổ của khối Đông Âu và Liên Xô vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990. Ngày nay có khoảng 4 triệu người Việt sinh sống trên hơn 100 quốc gia ở năm châu lục, trong đó có khoảng 1,800,000 tại Hoa Kỳ.

Cùng đoàn người ra đi khỏi quê hương tản lạc khắp nơi trên thế giới trong giai đoạn đầu ấy, có nhiều Mục sư và tín hữu phần đông đến Hoa Kỳ. Đây là những người vì mệnh nước theo thời cuộc phải ra đi, họ cần có nơi để thờ phượng Chúa, gây dựng đức tin cho các tín hữu và truyền bá Phúc Âm cho cộng đồng ngày càng lớn mạnh, vì thế mà các Hội thánh được thành lập ở những nơi có người Việt sinh sống.

III. LIÊN HỮU BÁP-TÍT VIỆT NAM THÀNH HÌNH

Năm 1911 các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp đem Tin Lành vào Việt Nam, thì vào năm 1959 các giáo sĩ thuộc Giáo Hội Báp-tít Nam Phương đến Việt Nam mở trụ sở truyền giáo, nhà sách và cơ quan xuất bản. Thành lập Viện Thần Học Báp-tít, làm Cô Nhi Viện và phát triển Hội thánh ở nhiều nơi. Khi biến cố 30 tháng 4 xảy ra, các giáo sĩ trở về Hoa Kỳ làm việc giúp đỡ những người tị nạn mới đến như là một tiếp nối công việc đã bắt đầu tại Việt Nam từ nhiều năm trước đó. Nhờ vậy mà không bao lâu sau, vào tháng 7 năm 1975, một Hội thánh Truyền Giáo Báp-tít Việt Nam đầu tiên được thành lập tại El Cajon, California. Rồi lần lượt nhiều Hội thánh Báp-tít khác được thành lập tại những nơi có người Việt định cư, cùng lúc Chúa đã kêu gọi nhiều người dâng mình đi học lời Chúa để phục vụ Ngài.

1) KHÓ KHĂN BAN ĐẦU

Vạn sự khởi đầu nan” là câu mà nhiều người Việt chúng ta thường nhắc bảo nhau, khi làm công việc mới với những khó khăn không thể tránh khỏi lúc ban đầu. Nên với Hội thánh Báp-tít Việt Nam cũng vậy, trong những năm đầu từ 1975 đến 1980 việc liên lạc với nhau rất khó khăn. Đến năm 1980 Cơ Quan Truyền Giáo Quốc Nội mời 13 Mục sư và một nữ giáo sĩ Báp-tít Việt Nam đến tham dự chương trình Đại Hội Lãnh Đạo Báp-tít Việt Nam Nam Phương lần đầu tiên tại Westminster, California từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 7 để thông công, huấn luyện và hội thảo với nhau. Năm 1984 buổi họp Lãnh Đạo Báp-tít Việt Nam lần thứ hai vào ngày 11 và 12 tháng 10 tại Atlanta, Georgia có 12 Mục sư tham dự.

2) GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

Không đầy một năm sau, ngày 26 tháng 6 năm 1985, Cơ Quan Truyền Giáo Quốc Nội mời một số Mục sư Báp-tít Việt Nam họp lại tại trường Đại Học Báp-tít Bolivar, Missouri. Lần này chương trình do người Việt chủ động, nên các Mục sư có nhiều thời giờ bàn thảo và đã đi đến quyết định thành lập tổ chức “Ái Hữu Mục sư Báp-tít Việt Nam Toàn Quốc” với một Ban Chấp Hành được bầu, những Ủy Ban khác cũng được thành lập. Đây được xem là Đại Hội Báp-tít lần thứ nhất của người Việt Nam và từ đó tiếp tục tổ chức hằng năm cho đến ngày nay. Sau Đại Hội này Hội thánh Báp-tít Việt Nam bắt đầu phát triển cách mạnh mẽ.

Có những Mục sư người Việt đã được Giáo Hội bổ nhiệm đảm trách các chức vụ quan trọng ở các tiểu bang, địa hạt, Cơ Quan Truyền Giáo Quốc Nội và Cơ Quan Truyền Giáo Thế Giới. Có Mục sư Báp-tít Việt Nam là sĩ quan tuyên úy trong quân đội Hoa Kỳ, có người đã được bổ nhiệm làm giáo sĩ tại Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Danh xưng từ lúc ban đầu của tổ chức cũng đã nhiều lần được thay đổi để phù hợp với sự lớn lên của Liên Hữu. Chưa hết, vì thấy nhu cầu trên toàn Bắc Mỹ rất lớn với cộng đồng người Việt tại Canada khoảng 200,000 người, một lần nữa tại Đại Hội 28 năm 2012 ở Virginia các đại biểu đã biểu quyết thay đổi từ danh xưng cuối cùng là “Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam Hoa Kỳ” thành “Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam Bắc Mỹ” cho đến nay.

3) KẾT QUẢ HÔM NAY

Để góp phần vào công việc Chúa chung tại Bắc Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới, ngoài việc mở mang Hội thánh tại các địa phương ra, Liên Hữu đã thành lập Viện Thần Học Báp-tít Việt Nam hiện có trung tâm ở nhiều nơi để đào tạo cùng huấn luyện nhân sự hầu việc Chúa. Liên Hữu cũng đã thành lập Cơ Quan Truyền Giáo để mở mang Hội thánh tại Bắc Mỹ, cùng cộng tác với các Hội thánh địa phương tổ chức những chuyến truyền giáo đến các quốc gia có người Việt sinh sống. Đặc biệt là đem Phúc Âm trở về lại quê nhà, nơi mà nhiều người trong chúng ta đã một lần sinh ra, lớn lên và rồi ra đi.

Liên Hữu cũng đã thành lập Liên Đoàn Nam Giới, Phụ Nữ và Thanh Niên, cùng các Uỷ Ban khác nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh cho tất cả mọi người trong mọi giới. Mỗi năm Đại Hội càng thêm nhiều người tham dự, điển hình như năm nay có 1,241 người chính thức ghi danh, không kể đến những người chỉ đến nhóm họp mà không ghi danh. Chương trình Đại Hội mỗi năm càng phong phú, được truyền hình trực tiếp đến cho nhiều người ở nhiều nơi cùng theo dõi trong một lúc. Nên Liên Hữu cũng đã thành lập Uỷ Ban Yểm Trợ Đại Hội và Uỷ Ban Đặc Trách Nhi Đồng & Thiếu Nhi để lo cho các cháu mầm non của Hội thánh.

KẾT LUẬN

Giờ đây sau “40 NĂM NHÌN LẠI” ta có nhiều điều cảm tạ ơn Chúa, vì trước kia nhiều người trong chúng ta ra đi như vào vùng trời vô định, không biết những gì đang chờ đợi chúng ta ở bên kia sau những đêm dài ở trong rừng sâu hay trên biển cả. Nay được Chúa cho chúng ta ổn định trên phần đất tự do, với cuộc sống ấm no trong khung cảnh thanh bình. Còn với Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam thì dù buổi ban đầu với chỉ một nhóm nhỏ các Mục sư khoảng 20 người tham dự ở Đại Hội lần thứ nhất, giờ hiện có 155 Hội thánh tại 28 tiểu bang ở Hoa Kỳ, 3 tỉnh bang ở Canada và 1 Hội thánh Truyển Giáo ở Nam Hàn. Về nhân sự thì ngoài 24 quả phụ Mục sư giáo sĩ hưu trí, Liên Hữu hiện có 217 Mục sư và giáo sĩ đang hầu việc Chúa ở nhiều nơi.

Nay được Chúa cho chúng ta ổn định trên phần đất tự do, với cuộc sống ấm no trong khung cảnh thanh bình. Còn với Liên Hữu Tin Lành Báp-tít Việt Nam thì dù buổi ban đầu với chỉ một nhóm nhỏ các Mục sư khoảng 20 người tham dự ở Đại Hội lần thứ nhất, giờ hiện có 155 Hội thánh tại 28 tiểu bang ở Hoa Kỳ, 3 tỉnh bang ở Canada và 1 Hội thánh Truyển Giáo ở Nam Hàn. Về nhân sự thì ngoài 24 quả phụ Mục sư giáo sĩ hưu trí, Liên Hữu hiện có 217 Mục sư và giáo sĩ đang hầu việc Chúa ở nhiều nơi.

Nhạc sĩ Y Vân xưa có ca khúc “60 Năm Cuộc Đời” với lời hát: “Em ơi có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời.” Cho thấy đời thật ngắn ngủi chẳng có là bao, nên hãy sống ích lợi mỗi một ngày! Nhìn lại 40 năm, phải nói là cả một đoạn đường dài trong đó có những khó khăn, buồn vui lẫn lộn……. Nhưng những ngày tháng tới trong cuộc “HÀNH TRÌNH MỚI” như chủ đề Đại Hội đề ra, chúng ta có hy vọng lớn, vì Chúa sẽ đưa chúng ta đến “một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời” nơi ấy “Ngài đã sắm sẵn cho” chúng ta “một thành” (Hê-bơ-rơ 11:16). Nên xin mời tất cả hãy cùng tôi nhập cuộc, để bước vào cuộc “HÀNH TRÌNH MỚI” thật đầy phước hạnh đang bày ra trước mặt này!

MỤC SƯ ỨC CHIẾN THẮNG

 

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn