Được gặp em trong ngày lễ thánh.
Anh thầm biết ơn Thiên Chúa trên cao.
Cho phép anh quen cô gái dịu hiền.
Mà mỗi nụ cười ánh mắt làn môi.
Đều trào dâng trong lòng anh sự sống.
Anh đã chết và sống cùng với Christ.
Và giờ đây anh vui thỏa bên em.
Ha-lê-lu-gia ngợi khen Thượng Đế.
Linh hồn con đã hết cô đơn.
Để hôm nay thêm ấm áp tình đời.
Năm hai mươi tuổi tuổi Trọng Phan bắt đầu sản xuất thơ tình. Trên đây là bài thơ đầu tay mà anh gởi cho người bạn gái. Hai đứa quen nhau trong đêm giáng sinh của một thánh đường nhỏ hẹp ở một tỉnh lẻ miền Trung. Có ai đó đã nói rằng khi yêu nhau người ta sẽ làm thơ. Điều này không sai chút nào trong trường hợp của Trọng Phan.
Mối tình của Trọng Phan và Tường Vân thơ mộng như một làn khói mỏng bay lên sau những mái tranh nghèo vào những hoàng hôn bên dòng Sông Ngang. Tường Vân lúc bấy giờ là nữ sinh của Trường Trung Học Sư Phạm Qui Nhơn, còn Trọng Phan là sinh viên khoa Toán của Đại học Sư Phạm trong cùng thành phố.
Từ khi yêu Tường Vân, Trọng Phan đều đặn cho ra đời những bài thơ tình giống như một con gà mái tới mùa đẻ trứng. Mỗi lần đẻ ra một quả trứng, con gà mái kêu: “Cù tác, cù cù tác.” Còn Trọng Phan tuy không kêu lên nhưng lặng lẽ, âm thầm gởi những bài thơ tình nóng bỏng cho người mình yêu mến. Tường Vân là một cô gái khôn ngoan, kín đáo. Mặc dù trong lòng cũng có thích Trọng Phan nhưng cô ấy giấu đi cảm xúc thật của mình. Vì thế Trọng Phan không thể biết được tình yêu của mình có được hồi đáp hay không. Thế nhưng thời gian trôi qua đã chứng minh tất cả. Đôi bạn trẻ “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Hai người thường xuyên gặp nhau sau những buổi nhóm trong ngôi nhà thờ bé nhỏ ở đường Hai Bà Trưng. Cuối tuần, cùng dạo chơi trên phố biển dưới một chiều mưa, Trọng Phan viết bài thơ này:
Phố biển chiều nay mưa lất phất
Anh đưa em về trời mây tím giăng giăng
Qua những hàng hiên ướt lạnh vai mềm
Anh ngậm ngùi thương em làm thân con gái
Hai đứa trốn mưa trên hè phố
Ngượng ngập làm sao anh cứ ấp úng hoài
Không nói được cùng em dù chỉ một lời yêu
Đến phút chia tay anh nghẹn ngào hối hận…
Tường Vân không hồi đáp nhưng im lặng tiếp nhận những bài thơ gởi đến. Hai người trở thành thân thiết với nhau và tình yêu của họ lớn dần theo năm tháng. Sáu năm sau đó Trọng Phan chính thức kết hôn cùng Tường Vân trong một đám cưới nhiều cảm xúc.
Mười năm tiếp theo hai người đã có với nhau hai đứa con gái kháu khỉnh. Cuộc sống êm đềm trôi, cả hai đều là giáo viên nên nuôi dạy con đúng theo phong cách sư phạm. Vì thế Nhã Ca và Ru-tơ – tên hai cô con gái của họ, được hấp thụ những ảnh hưởng tích cực từ phía cha mẹ. Cuộc sống của gia đình này cũng phải đi qua những thăng trầm, khó khăn, vất vả như bao nhiêu gia đình khác trong cuộc mưu sinh và góp phần hầu việc Chúa. Cuộc đời của họ không phải lúc nào cũng bình lặng như mặt nước hồ êm ả. Thỉnh thoảng cũng có những cơn sóng ngầm đâu đó nổi lên, nhưng nhờ ân điển Chúa cả gia đình đã vượt qua tất cả. Trọng Phan có những lần phải đi xa, theo học chương trình Cao Học Toán tại Sài Gòn hoặc có lúc đi công tác ở các tỉnh khác theo yêu cầu của nhà trường. Và đó là khoảng thời gian mà thầy giáo này tiếp tục viết những bài thơ tự sự tràn đầy tình cảm trong quyển nhật ký:
Sài Gòn chiều mưa, phố xá lầy lội nước.
Anh trở về quán trọ buồn tênh.
Nhớ Qui Nhơn, nhớ từng con sóng nhỏ.
Phủ lên bờ cát biển công viên.
Nhớ Ghềnh Ráng biển trời xinh đẹp.
Kỷ niệm xưa còn đó khó phai mờ.
Nhìn thiên hạ ngược xuôi ngoài phố.
Khẽ gọi tên em như một kẻ mất hồn.
Ở nơi ấy giờ này em có biết.
Có một người lặng lẽ đứng buồn xo.
Ở tuổi sáu mươi cặp đôi này đã có hai đứa cháu ngoại. Các con gái của họ bây giờ đã là những người thành đạt và có học vị cao trong xã hội. Họ về hưu và sống vui thỏa với con cháu. Khi tuổi già đến, sức khỏe hai người cũng giảm sút. Họ chỉ có thể làm việc vừa phải, nhẹ nhàng kết hợp với tập thể dục và điều trị những căn bệnh của người cao tuổi. Nhưng Trọng Phan vẫn còn viết lách, làm thơ và góp phần hầu việc Chúa với hội thánh địa phương.
Trong một lần chở đứa cháu gái đi ngang qua Chợ Cây Me trên đường Trần Hưng Đạo, Trọng Phan nhìn vào một ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn sau giàn thiên lý. Cô bé gái ngẫu nhiên hỏi:
– Ông ngoại nhìn gì thế?
– À ông nhìn ngôi nhà – nơi có người ông thương.
– Lạ chưa, chứ không phải ông thương bà ngoại sao?
– Ờ, thì thương.
– Còn người ông thương ở ngôi nhà này là ai?
– À, đó là người ông thương ngày xưa.
– Ông nói gì lộn xộn quá, cháu không hiểu. Vậy ông thương ai?
– Thì ông thương người ông thương. Cháu không hiểu đâu.
Đứa cháu gái nhăn mặt, suy nghĩ. Trong đầu nó bỗng nhiên thấy ông ngoại trở thành một người khó hiểu nhất trần gian…
Trong một góc khuất của tâm hồn. Trọng Phan là một con người đa cảm với những nỗi niềm riêng tư khó giải bày.
Khi đã bước sang U chín mươi, Trọng Phan lúc bấy giờ đã là một ông lão với râu tóc bạc phơ, nhưng hồn thơ của lão thi sĩ vẫn còn sinh động. Trong lần kỷ niệm sáu mươi năm ngày cưới, lão thi sĩ viết bài thơ này tặng hiền thê yêu quí của mình:
Tôi viết cho bà bài thơ của một kẻ sắp đi xa.
Không biết tôi hay bà sẽ lên tàu vào sáng mai hay chiều đến.
Thôi thì chuẩn bị tạ từ rồi có ngày gặp lại.
Trong nước đời đời tôi vẫn đợi chờ em.
Tình chúng ta vượt thời gian từ những ngày xưa thân ái.
Và sẽ mãi bên nhau nơi dòng sông sự sống.
Ta đã già nhưng linh hồn bất tử.
Thân xác này sẽ trở lại tuổi thanh xuân.
Và nếu cho ta nhắc lại một lời thôi.
Thì trọn đời ta vẫn nói yêu em.
Trong dịp này một thanh niên trong hội thánh địa phương phỏng vấn ông cụ Trọng Phan:
– Xin hỏi ông, bí quyết nào để ông duy trì một cuộc tình hạnh phúc như vậy trong suốt nhiều năm?
– À, không khó lắm đâu cháu ạ. Vấn đề nằm ở chỗ này: Khi tôi chấp nhận kết hôn với bà xã tôi, thì tôi không chỉ yêu những ưu điểm của bà ấy nhưng cũng yêu luôn cả những khuyết điểm. Tôi nhớ ông Bill Clinton có nói đại khái như thế này: “Những ưu điểm của nước Mỹ chữa lành cho những khuyết điểm của nó”. Vợ tôi cũng thế thôi. Bà ấy có nhiều ưu điểm, và những ưu điểm đó bù đắp cho những cái xấu của bà ấy. Chắc chắn là nhờ vào ân điển Chúa mà tôi có thể yêu được những cái không thể yêu của bà ấy. Chỉ có thế thôi.
Một nữ chấp sự trong hội thánh hỏi bà cụ Tường Vân:
– Bà ơi, hãy cho chúng cháu biết làm thế nào để bà và ông có thể duy trì một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc như vậy?
– Cháu thực sự muốn biết sao?
– Vâng, cháu muốn biết lắm.
Thì đây này, người ta nói “có chồng như gông đeo cổ”, nhưng cảm tạ Chúa, cái gông của tôi là một cái gông trang sức làm bằng nhựa plastic, cho nên cũng không nặng nề gì. Tôi đã mang nó cho đến hôm nay và sẽ tiếp tục mãi mãi về sau, hằng ngày tôi cảm nhận nó khá thoải mái, nhẹ nhàng. Tất nhiên là ông cụ nhà tôi cũng có những cố tật xấu không thể sửa đổi được, nhưng có hề gì. Tôi chấp nhận thua ông ấy thì đã sao? “Giang sơn dễ đổi, bản chất khó dời”. Đừng cố gắng thay đổi tính cách của người khác nhưng phải bằng lòng sống chung với nó.
Rất cám ơn bà. Bà có lời khuyên nào dành cho lớp trẻ chúng cháu đây?
– Chỉ có bốn chữ thôi.
– Bốn chữ gì?
– Kính Chúa yêu người.
– Cám ơn bà cụ. Xin Chúa ban phước cho tuổi già của ông bà.
TƯỜNG VI