Thứ Năm , 9 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / PHI HÀNH GIA JOHN GLENN

PHI HÀNH GIA JOHN GLENN

 

JOHN GLENN,

Một Người Mỹ Phi Thường!

images (18)

Trần Bình Nam

 

Tháng 4 năm 1961 Liên bang Xô viết phóng Yuri Gargarin vào không gian làm cho Hoa Kỳ hoảng hốt. Tổng thống John F. Kennedy yêu cầu Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA) nỗ lực bằng mọi giá để bắt kịp Liên xô, và thách thức Liên xô, trong vòng 10 năm Hoa Kỳ sẽ đưa người lên cung trăng.

Ngày 20 tháng 2 năm 1962, John Glenn, phi hành gia Hoa Kỳ bước lên phi thuyền Mercury, giam mình trong một phòng khép kín, không có máy điện toán bay 3 vòng quanh trái đất trong 5 giờ đồng hồ trước khi được thả dù an toàn xuống Đại tây dương trước sự lo âu và thở dài nhẹ nhõm của hơn 180 triệu người Mỹ. Chuyến bay là một cuộc mạo hiểm phi thường vì chưa có dữ kiện để biết phi thuyền có thắng nổi trọng lực để vào quĩ đạo không, và nếu vào được có trở về trái đất an toàn không. Bà Annie Glenn vợ phi hành gia John Glenn vì lo lắng sụt mất 12 cân Anh.

Ngày 29 tháng 10 năm 1998 John Glenn, đương kim Thượng nghị sĩ bang Ohio trở lại không gian trong một chuyến bay thí nghiệm tác dụng của vô trọng lực đối với sự già nua của cơ thể con người. John Glenn năm nay 77 tuổi, đối với một người bình thường đã quá già để lái một máy bay cánh quạt nhỏ chưa nói đến phi hành vào không gian mà điều kiện sức khỏe rất khắc khe. Mặc dù cơ quan NASA sau khi thẩm định kết luận rằng Thượng nghị sĩ John Glenn có đủ minh mẫn và sức khỏe để tham gia công tác, nhưng ai cũng thừa biết nếu không phải là một Thượng nghị sĩ và không từng là phi hành gia đầu tiên ông khó lọt qua được lưới sức khỏe của Cơ quan Không gian Hoa Kỳ. Chuyến phi hành mang tên “Discovery Mission STS-95” hay Công tác Thám hiểm STS-95 được phóng từ mũi Canaveral ở Florida dự trù bay 144 vòng quanh quả đất ở cao độ 530 cây số trong 9 ngày trước khi đáp xuống mặt đất. Phi hành đoàn 7 người do phi hành gia Curtis L. Brown chỉ huy trong đó có hai người nước ngoài, bà Chiaki Mukai người Nhật 46 tuổi, bác sĩ y khoa chuyên về tim, và ông Pedro Duque 35 tuổi thuộc Cơ quan Không gian Châu Âu, người Tây Ban Nha. John Glenn sẽ tham dự nhiều thí nghiệm quan trọng trong 9 ngày bay vòng quanh trái đất. Trước hết là thí nghiệm về sự khó ngủ trong tình trạng vô trọng lực cùng thực hiện với bà Chiakai Mukai, thứ hai là thí nghiệm để tìm nguyên nhân về sự băng hoại nhanh của chất đạm (protein) trong bắp thịt nơi cơ thể của người già cùng thực hiện với phi hành gia trẻ tuổi Pedro Duque.Và vài thí nghiệm khác ít quan trọng hơn như tìm hiểu xem tình trạng vô trọng lực có làm cho nhịp đập của tim vốn hay bất thường nơi người già có trầm trọng hơn không, và sự hao mòn bắp thịt và xương nơi người già có giống như những người trẻ tuổi không. Sau cùng là thí nghiệm xem trong không gian người già có mất thăng bằng như các phi hành gia trẻ tuổi không?

Một số người thắc mắc: Với tuổi 77 John Glenn có cần tình nguyện tham dự chuyến bay không? Tuyệt đối thì không, vì nếu cần thí nghiệm tác dụng của tình trạng vô trọng lực đối với người già Cơ quan Không gian Hoa Kỳ có hằng tá người ở tuổi 60 hay hơn nữa trong danh sách tình nguyện. Nhưng chuyến đi của John Glenn có thể mang nhiều ý nghĩa khác quan trọng hơn là những cuộc thí nghiệm trong không gian.

Một cách chính thức năm 1962 John Glenn bay vì sự sống còn của Hoa Kỳ vì nếu Hoa Kỳ không chứng tỏ có khả năng không gian hơn Liên bang Xô viết, Nga Xô sẽ không ngần ngại dùng sức mạnh đè bẹp Hoa Kỳ để thôn tính thế giới, thì lần này ông bay vào không gian vì khoa học. Khoa học cần dữ kiện để trả lời các câu hỏi: Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ, và làm thế nào để người già sống được thoải mái không bệnh tật?

Nhưng ít ai đồng ý vì mục tiêu đó John Glenn phải tình nguyện bay vào không gian, nhất là vợ và hai người con. Nếu nhờ sự hy sinh của ông John Glenn mà con người kéo dài được tuổi thọ thì chưa chắc đó là một ân huệ cho thế giới. Vấn đề tìm kiếm lương thực để nuôi số người càng ngày càng đông trên trái đất đang là một vấn nạn của các khoa học gia. Đông người thiếu lương thực, thiếu nhà ở, thiếu giáo dục cần thiết chỉ đem hỗn loạn và bất an cho thế giới nếu không muốn nói là nguyên nhân mang lại chiến tranh. Bà Annie Glenn không tán thành quyết định bay của chồng. Bà nói với một phóng viên rằng, bà đã hiến chồng cho đất nước từ ngày cưới nhau, bây giờ là lúc chồng bà cần được nghỉ ngơi với gia đình. Nhưng bà vẫn để chồng bay vì bà nói: “từ ngày được chọn tham gia chuyến bay John Glenn vui như con nít.” Hai người con, bác sĩ David Glenn 53 tuổi và cô Lynn Glenn 52 tuổi dứt khoát hơn. Một hôm John Glenn giới thiệu David với giám đốc NASA Dan Goldin, ông Goldin nói với David, “chắc ông phấn khởi vì cha ông lắm phải không?” thì David trả lời, “Thưa ông, không, tôi chẳng muốn cha tôi tham dự chương trình bay này chút nào cả.” Cô Lynn nói thẳng với John Glenn : “Con không muốn cha bay nữa.” Thấy vợ và hai con không vui, John Glenn đem hai đứa cháu nội Daniel 16 tuổi và Zach 13 tuổi đến xem phi thuyền Discovery hy vọng tuổi trẻ dễ được thuyết phục. Nhưng khi bà Annie hỏi Zach có thích phi thuyền sắp mang ông nội vào không gian không, Zach trả lời, “Bà nội ơi! Cháu thấy kinh quá.”

John Glenn không cần bay vào không gian với tuổi 77 đầy bất trắc để làm tăng thêm giá trị của bản tiểu sử của ông. Từng bay chiến đấu trong thế chiến II như một phi công của Thủy quân Lục chiến, từng tham chiến tại Bắc Hàn, từng là phi công bay thí nghiệm các loại máy bay chiến đấu mới, từng là phi hành gia đầu tiên của Hoa Kỳ, từng ra ứng cử tổng thống, và là đượng kim Thượng nghị sĩ nhiệm kỳ thứ tư của quốc hội Hoa Kỳ. Chừng đó đã quá đủ. Vậy tại sao John Glenn lại muốn bay?

Trước hết, vì John Glenn thích bay bổng trên không gian. Sau chuyến bay năm 1962 chứng tỏ khả năng kỹ thuật không gian của Hoa Kỳ vuợt trội Liên bang Xô viết ông muốn bay nữa nhưng tổng thống Kennedy không chấp thuận, ngại xẩy ra điều gì cho ông sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín đã được xác lập của Hoa Kỳ, ông đành ngồi nhìn hai phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin đặt chân lên chị Hằng năm 1969 với thèm thuồng luyến tiếc, sau đó nhảy vào con đường chính trị cho khuây khỏa.

Sau này khi hậu thế đọc sử thấy chép rằng vào cuối kỷ nguyên 20 nước Mỹ tìm cách truy tố một vị tổng thống thì người đọc nếu có buồn cũng chỉ buồn nhè nhè khi nhớ rằng đồng thời đó có một người Mỹ khác biết hy sinh tất cả cho uy tín quốc gia. Người đó là John Glenn

Nay sự chạy đua với Liên bang Xô viết không còn là một nhu cầu sinh tử, khoa học đã tiến nhanh trong mấy chục năm qua, sự nghiên cứu về tuổi già và sống lâu đang là một nhu cầu khoa học, John Glenn không bỏ qua cơ hội để trở lại không gian.

Nhưng ngoài thỏa mãn cá nhân biết đâu còn một lý do thầm kín khác John Glenn không nói ra. Ông muốn nêu gương làm việc cho người già lẫn người trẻ tuổi, và chứng tỏ cho thế giới thấy Hoa Kỳ vẫn là một quốc gia đi tiên phong trên thế giới về mọi mặt, không riêng gì về khoa học kỹ thuật.

Sau này khi hậu thế đọc sử thấy chép rằng vào cuối kỷ nguyên 20 nước Mỹ tìm cách truy tố một vị tổng thống thì người đọc nếu có buồn cũng chỉ buồn nhè nhè khi nhớ rằng đồng thời đó có một người Mỹ khác biết hy sinh tất cả cho uy tín quốc gia.

Người đó là John Glenn

———————————————————————————-

Phi hành gia John Glenn

 

HƯỚNG ĐI

other

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Một phóng viên từng phỏng vấn bảy phi hành gia đầu tiên của Hoa Kỳ: “Ai trong các vị muốn là người đầu tiên bay vào vũ trụ?”

GIÁO SƯ:  Bảy nhà du hành đưa đến tám cánh tay lên. Người phóng viên cười to, vì phi hành gia John Glenn đưa cả hai tay lên! 

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Khi đó ông còn chưa biết, nhưng hành động đó đã trở nên một lời tiên tri. Bởi vì Glenn đã được bay vào vũ trụ đến hai lần – cách nhau 36 năm!

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Bốn triệu người đã tham dự buổi lễ vinh danh ông. Buổi lễ đó được xem là sự đối đãi cao quý nhất từng dành cho một công dân Hoa Kỳ. Nhân vật chính của những tấm lòng nhiệt thành đó là John  Glenn, phi hành gia Hoa Kỳ đầu tiên bay vào quỹ đạo trái đất trên một phi thuyền có người lái.                               

GIÁO SƯ:  Nhiều trở ngại đã trì hoãn buổi phóng phi thuyền nhiều lần. Suốt thời gian đó, phi hành gia John Glenn vẫn giữ bình tĩnh, vẫn tiếp tục tập luyện đều đặn, nghiên cứu các bản đồ thời tiết, và đến nhà thờ vào Chủ nhật.

Cuối cùng, buổi sáng thứ Ba ngày 20 tháng Hai năm 1962 cũng đã đến. Vào lúc 2 giờ sáng, Glenn có mặt tại trung tâm vũ trụ ở Cape Canaveral, Florida , ăn sáng với phi hành gia Deke Slayton và ba quan chức khác.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:  Các chuyên gia y tế của NASA khám và kết luận ông là “một người đàn ông lanh lợi, khỏe mạnh và tự tin.”  Bên ngoài, bầu trời đầy mây, nhưng dự báo thời tiết lại dự đoán trời trong. Vài  phút sau 5 giờ sáng, một chiếc xe tải nhỏ đưa ông đến bệ phóng, nhưng mãi cho đến 6 giờ ông mới bước vào phi thuyền vì thời tiết và một trục trặc ở hệ thống không lưu.

GIÁO SƯ:  Các phi hành gia tiên phong thường nói đùa: “Đừng trèo vào tàu Mercury [khoang tàu không gian]; hãy đội nó lên đầu.” John Glenn đã tham gia thiết kế 165 đồng hồ, la bàn, cần điều khiển và đèn tín hiệu, để chúng ở đúng nơi ông muốn trong khoang điều khiển. Glenn nói rằng vào phi thuyền cứ như là “chui xuống dưới một cái giường.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Từ 508 ứng viên đầu tiên của chương trình vũ trụ Hoa Kỳ, NASA đã tuyển chọn ra bảy nhà du hành vũ trụ tương lai.Trong bảy người đó, Glenn có thời gian bay lâu nhất – 5000 giờ. Thuyền trưởng John Glenn đã bay 16 năm trong không gian. Giờ đây ông đã sẵn sàng để bay cao hơn – vào quỹ đạo vòng quanh trái đất.        

GIÁO SƯ: Khi được lựa chọn, phi hành gia Glenn đã phát biểu với báo giới: “Chúng tôi thật may mắn vì đã được ban cho những tài năng dành cho những cơ hội như thế này.   …Tôi nghĩ từng người trong chúng tôi sẽ cảm thấy rất mắc lỗi nếu chúng tôi không tình nguyện sử dụng những tài năng của mình cho những điều hệ trọng đối với quốc gia và thế giới nói chung.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:  Sau đó ông nói rằng ông tin vào Đức Chúa Trời và rằng đức tin đó giúp ông thêm tự tin và giảm bớt lo lắng khi bay vào vũ trụ.  

GIÁO SƯ: Nhưng ông cũng nói rằng có một loại tôn giáo mà ông không tin là điều mà ông gọi là “một loại tôn giáo chữa cháy thúc đẩy một người kêu cầu Đức Chúa Trời chỉ khi nào người đó cần giúp đỡ.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Các nhà khoa học vũ trụ đã cố nghĩ ra tất cả những hiểm họa trong vũ trụ và phương cách để đối phó với chúng. Chẳng hạn như, nếu phi thuyền bị lộn nhào, phi hành gia vẫn phải điều khiển được trong khi bị xoay tròn lên xuống. Vì vậy các kỹ sư đã phát triển một thiết bị giống như tàu siêu tốc, để xoay phi hành gia đồng thời theo ba chiều. Các phi hành gia phải tập suy nghĩ và phản ứng trong bất cứ vị trí nào, và phải điều khiển trong khi bị xoay tròn, để khiến cỗ máy ngừng quay.    

GIÁO SƯ: Khi một phi hành gia được phóng vào không gian ở vận tốc cần thiết để phóng phi thuyền, họ sẽ bị bất tỉnh hoặc yếu quá không nhấc tay lên nổi. Những bộ quần áo điều hòa áp suất bó chặt lấy chân họ giúp máu không bị rút khỏi não bộ. Một thiết bị mới gọi là máy ly tâm giả lập hiệu ứng tăng tốc khi phóng phi thuyền, tạo ra một môi trường để các phi hành gia có thể làm quen với gia tốc lớn và bộ quần áo điều hòa  áp suất giúp họ chịu được trạng thái đó.

Vài tuần trước chuyến bay, một phóng viên đã hỏi thuyền trưởng Glenn rằng ông có cầu nguyện khi gặp phải một tình huống nguy cấp không. Glenn trả lời: “Tôi không tin vào tôn giáo chỉ để kéo mình ra khỏi một tình huống căng thẳng. Khi đã vượt qua khó khăn rồi, thì người ta trở lại nếp sống cũ, và không có gì thay đổi cả.”

Lúc này, chỉ còn 90 giây trước giờ phóng. Bố mẹ ông đang xem trên ti-vi –  và cầu nguyện.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:  Ba mươi lăm giây trước khi phóng phi thuyền, các kỹ thuật viên ngắt kết nối các “dây rốn,” nguồn cung cấp năng lượng và hơi lạnh bên ngoài cho phi thuyền.  

GIÁO SƯ: 18 giây trước khi phóng, phi hành gia Scott Carpenter nói vào một micrô từ mặt đất: “Thành công nhé, John Glenn.” Đếm ngược đến không, và phi thuyền bay vào không gian. Glenn phát biểu cách bình tĩnh: “Đồng hồ đang vận hành. Chúng ta đang trên đường.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:  Khi tên lửa đạt vận tốc 28,000 ki-lô-mét một giờ, trọng lực khiến trọng lượng của Glenn đạt tới 581 ki-lô-gram. Chỉ một lát sau, trọng lượng của ông chỉ còn là zero trong môi trường vô trọng lực.

GIÁO SƯ:  Từ quỹ đạo, Glenn thấy mặt trời phản chiếu trên những đám mây trắng, và thấy từng luồng nước xanh qua những khe hở của các đám mây. Ông liên lạc với trạm điều khiển mặt đất: “Ôi, khung cảnh này thật tuyệt vời.”

Cần 90 phút để bay vòng quanh trái đất. Ông được chứng kiến hoàng hôn lần đầu tiên trên Ấn Độ Dương. Khi bay qua bầu trời đêm của Úc, ông thốt lên: “Đây là ngày ngắn nhất trong đời tôi!”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:  Nhưng ngắm cảnh không làm ảnh hưởng đến công việc của ông. Các thử nghiệm diễn ra từng phút để trả lời những câu hỏi từ các nhà khoa học vũ trụ dưới mặt đất: Con người có thể ăn trong môi trường không trọng lực không? Ông cầm lên một ống nước táo ép, và nặn thức ăn vào miệng mà không làm đổ một giọt nào.  Môi trường không trọng lực ảnh hưởng đến chuyển động của cơ thể như thế nào? Ông cử động đầu lên xuống, rồi xoay qua bên này bên kia. Ông thấy rằng chuyển động rất dễ dàng, thậm chí còn dễ chịu nữa.

GIÁO SƯ:  Khi đến thời điểm để chiếc phi thuyền kiểu 1960 nầy quay về Trái Đất, các tên lửa giảm tốc hạ tốc độ phi thuyền lại. Sau đó một chiếc dù bung ra để giảm tốc độ hơn nữa. Kỹ thuật hạ cánh thời đó yêu cầu phi thuyền giảm bớt chấn động bằng cách hạ cánh xuống Đại Tây Dương.Một con tàu chạy thật nhanh trong khoảng cách 10 ki-lô-mét còn lại để đưa Glenn lên tàu. Tổng thống Kennedy chúc mừng ông qua điện thoại, sau đó Kennedy còn đến tận Cape Canaveral để đích thân chào mừng ông.

Mục sư của gia đình hướng dẫn bà Glenn và các con cầu nguyện để tạ ơn Đức Chúa Trời về một nhiệm vụ thành công.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:  Sau khi trở về từ quỹ đạo, John Glenn đã được vinh danh bởi một cuộc diễu hành khổng lồ ở Washington và New York.  Ông cũng phát biểu với Quốc hội, có vai trò như nghị viện hoặc cơ quan lập pháp của chính phủ. Thường thì hai viện của quốc hội có các cuộc họp khác nhau: Hạ nghị viện và thượng nghị viện. John Glenn đã phát biểu trong một cuộc gặp chung của cả hạ viện và thượng viện.  

GIÁO SƯ:  Ông đã chia xẻ cách cởi mở về những kỳ tích của chuyến bay, ông lặp lại liên tục “chúng tôi” thay vì “tôi.” Ông đã giới thiệu cha, mẹ, vợ, và các con mình. Ông nhìn nhận các phi hành gia khác và ca ngợi họ.

John Glenn kết luận: Càng học hỏi về khoa học, tôi càng cảm thấy mình đang minh chứng cho sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:  Ngài phó tổng thống nói với ông: “Thường thì cuộc gặp chung này chỉ dành cho thống đốc của các bang. Nhưng cả quốc gia đã náo nức muốn gặp ông.” 

GIÁO SƯ: Tại New York, bốn triệu người đã tặng cho Glenn một cơn mưa giấy khổng lồ. Chủ tịch Hội Thánh Kinh New York tặng cho Glenn một cuốn Kinh Thánh đặc biệt, và nói với ông rằng: “Chúng tôi xin tặng ông quyển sách vốn đã là kim chỉ nam cho ông trong nhiều năm.”

Glenn đáp: “Vâng, đã là như vậy và sẽ mãi mãi là như vậy. Đây là món quà tuyệt vời nhất tôi từng được nhận.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:  Sau khi nghỉ hưu ở tập đoàn hàng không, thuyền trưởng John Glenn đã trở thành Thượng Nghị Sĩ John Glenn, một thành viên của Quốc Hội.  Có thể là việc ông đưa cả hai tay lên đã trở thành một lời tiên tri. NASA muốn kiểm tra tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng bay vào không gian của một người như thế nào. Vì vậy vào năm 1998, Glenn đã bay vào vũ trụ lần thứ hai!

GIÁO SƯ:  Phi hành gia Glenn đã nói với các phóng viên: “Du hành vũ trụ chỉ là một bước xa hơn trong việc con người khám phá về môi trường mà Đức Chúa Trời đã ban cho.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:   Ông cho biết một trong những phân đoạn Kinh Thánh ưa thích nhất của ông là Thi Thiên 139: “Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi Thần Chúa? Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó. Ví tôi ở dưới âm phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó. Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông bay qua ở tại cuối cùng biển, tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi.” (câu 7-10)       

GIÁO SƯ:  Và phi hành gia tiên phong, thuyền trưởng John Glenn kết luận: “Càng học hỏi về khoa học, tôi càng cảm thấy mình đang minh chứng cho sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.”   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn