Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / ÔNG HOÀNG CỦA NHỮNG GIẤC MƠ

ÔNG HOÀNG CỦA NHỮNG GIẤC MƠ

giosep2

Giô-sép khoác vào người chiếc áo dài xinh đẹp mà người cha Gia-cốp ban tặng. Chiếc áo kẻ sọc, rực rỡ đầy màu sắc vừa vặn phủ kín cổ tay và mắt cá chân chàng thiếu niên mười bảy tuổi. Nó là niềm mơ ước của nhiều thanh thiếu niên đương thời. Khi Giô-sép mặc áo vào các anh em khác trong gia đình không ganh tị mới là chuyện lạ. “Thằng này được cha yêu nên nó mới nhận được đặc ân đó.” Người anh cả lên tiếng.
Có tiếng xì xầm từ những huynh đệ khác: “Nhìn cái mặt nó sao mà đáng ghét thế, chúng ta phải làm một cái gì đi chứ? – Được rồi chúng ta sẽ cho nó biết thế nào là lễ độ”. Các anh em trong nhà đang tìm cách trừ khử Giô-sép cho bỏ ghét. Những ý tưởng trong lòng họ cứ thế phát triển thành tội giết người hồi nào không hay.
Gia-cốp có mười hai người con trai được sinh ra từ bốn người vợ gồm hai chị em Lê-a, Ra-chên và hai cô hầu gái của hai người này. Giô-sép mà mẹ là Ra-chên là đứa con thứ mười một của Gia-cốp. Gia-cốp có Giô-sép khi tuổi đã cao, nên đương nhiên ông yêu thương cậu con trai này nhiều hơn những đứa khác. Chính điều này đã góp phần tạo nên xung đột giữa vòng các con của ông. Giô-sép cũng đi chăn cừu cùng với các anh của mình. Vốn có bản tính ngay thẳng nên Giô-sép thường mách lại cho cha những chuyện xấu của các anh trong lúc ở ngoài đồng. Từ một lúc nào đó Giô-sép trở thành mật báo viên cho cha, và không khó lắm để các anh cùng cha khác mẹ của Giô-sép nhận ra cây đinh trong mắt họ: “Thằng này chuyên rình mò chuyện của chúng ta để báo lại cho cha, phải tống khứ nó thôi.” Các anh của Giô-sép nuôi ý tưởng đó.

Một ngày kia, Giô-sép nằm mơ và thuật lại giấc mơ cho các anh: Chúng ta đang ở ngoài đồng trong mùa thu hoạch lúa mì. Bó lúa của em đứng thẳng lên trong khi bó lúa của các anh cúi mọp xuống xung quanh bó lúa của em.
Các anh của Giô-sép tức giận: Vậy có nghĩa là mày sẽ làm vua cai trị chúng ta sao. Từ giấc mơ này, hố sâu ngăn cách và lòng ghen ghét của các anh đối cùng Giô-sép càng lớn hơn nữa.
Chưa dừng lại ở đó, Giô-sép có một giấc mơ thứ hai. Cậu ta cũng thuật lại cho anh và cha mình: Tôi thấy mặt trời mặt trăng và mười một ngôi sao khác cúi lạy tôi.
Lúc này thì Gia-cốp lên tiếng: Thằng này nói nhảm, có thể nào ta, mẹ và các anh của mày đều cúi lạy mày sao?
Các anh của Giô-sép tức lộn ruột trước giấc mơ cao ngạo của cậu em trai. Nhưng Gia-cốp bỗng trở nên ưu tư trước sự hiện thấy của Giô-sép: Có thể nào nó sẽ là người lãnh đạo trong tương lai?
Những giấc mơ đẹp đôi khi lại mang tới tai họa. Giô-sép chuẩn bị nếm đòn từ các anh.

Một ngày đẹp trời kia, Gia-cốp sai Giô-sép ra đồng để xem tình hình chăn cừu của các con: Con hãy xuống thăm các anh con đang chăn cừu ở đồng cỏ Sê-chem xem thử có bình yên không rồi trở về báo cáo cho cha.
Giô-sép mặc chiếc áo dài kẻ sọc, sắc màu rực rỡ lên đường dưới ánh nắng ban mai. Lang thang trên cánh đồng rộng lớn từ thung lũng Hếp-rôn đến Sê-chêm, Giô-sép bị lạc đường. Có người thấy Giô-sép bèn hỏi:
– Cậu đi tìm ai?
– Tôi đi tìm các anh tôi đang chăn cừu, ông có thấy họ ở đâu không?

Người đàn ông chỉ về hướng Đô-than và nói:
– Tôi nghe các anh cậu nói chuyện với nhau, và biết họ đi về hướng đó.

Giô-sép tiếp tục đi theo lời hướng dẫn của người đàn ông. Các anh nhìn thấy Giô-sép từ đàng xa, và họ nhanh chóng hội ý với nhau để trừ khử cậu em trai. ..
Giô-sép đến gần các anh thì bất ngờ bị họ tấn công, trấn lột, lấy đi chiếc áo dài xinh đẹp và ném Giô-sép vào một hố sâu không có nước. “Xin các anh đừng giết em, làm ơn đi”. Tiếng kêu khóc thảm thiết của Giô-sép từ dưới hố thẳm vọng lên, nhưng các anh giả vờ không nghe thấy. Thật là một bi kịch cho tình huynh đệ!

Khi nhìn thấy một đoàn lái buôn Mi-đi-an đi ngang qua, các anh em gian ác này kéo Giô-sép lên khỏi hố rồi bán cho họ lấy hai mươi miếng bạc.
Từ đây cuộc đời của Giô-sép bước qua một giai đoạn khác. Các lái buôn mang Giô-sép đến Ai-cập bán cho gia đình của Phô-ti-pha, một sĩ quan chỉ huy đội cận vệ hoàng cung. Tại đây Giô-sép được ơn trước mặt Chúa toàn năng, nên mọi việc chàng làm đều thành công hơn cả mong đợi. Thế là từ một tên nô lệ sai vặt ngoài đồng chàng trai này được cất nhắc lên làm quản gia của Phô-ti-pha. Lúc này Giô-sép là một thanh niên với khuôn mặt sáng sủa, đẹp trai, thân thể cường tráng lọt vào tầm ngắm của vợ Phô-ti-pha. Khi chồng đi vắng, bà chủ Phô-ti-pha “đá lông nheo” đưa tình ong bướm cùng quản gia: “Này, chàng tuổi trẻ đẹp trai, hãy vào phòng riêng với ta.”
Giô-sép phản ứng rất nhanh: “Thưa phu nhân, xin bà hãy tha cho tôi. Tôi không thể phạm tội đại ác dường ấy với Đấng tối cao và với chủ nhân của mình”. Giô-sép có thần minh của Thiên Chúa ở cùng nên trong mọi ý tưởng và hành động, chàng trai này đều quang minh chính trực. Vợ Phô-ti-pha không bỏ cuộc, bà suy tính một kế hoạch nham hiểm hơn… Một hôm nọ nhân lúc chồng không có ở nhà, các gia nhân đang làm việc bên ngoài, Giô-sép đi vào nhà để làm công việc của một quản gia thì bị thiếu phụ sung mãn này bắt lấy: “Giô-sép của ta, hôm nay anh không được từ chối. Chúng ta hãy lên giường…”. Lửa tình đang rừng rực cháy trong thân thể bà chủ đang độ tuổi hồi xuân. Giô-sép vội vàng quay đầu bỏ chạy ra khỏi nhà. Bà chủ Phô-ti-pha nắm lấy chéo áo Giô-sép. Không còn cách nào khác, chàng quản gia đẹp trai tuột áo ngoài cắm đầu phóng chạy như tránh lửa địa ngục. Bấy giờ bà chủ ra đòn: “Bớ làng nước hãy lại mà coi, thằng nô lệ Do Thái định cưỡng hiếp ta, ta chống cự và lấy được áo choàng của nó đây.”
Bị vợ Phô-ti-pha vu cáo quấy rối tình dục, Giô-sép phải vào tù sau đó. Con đường đi của anh thật lắm nhiêu khê! Công lý ở đâu trong những hoàn cảnh này?
Thế nhưng những nghịch cảnh ở đời thường mang lại những trải nghiệm và ơn phước lớn lao cho người của Đức Chúa Trời. Hoạn nạn được sử dụng như một chiếc xe thầm lặng chở Giô-sép lên đài vinh quang!

Nhờ có Thiên Chúa phù trợ, Giô-sép được ơn trước mặt viên cai ngục và các bạn tù. Viên cai ngục bèn cử Giô-sép làm trợ lý cai quản các tù nhân. Sau đó có hai viên quan của hoàng cung là quan dâng rượu và quan làm bánh cũng bị tống giam vào tù vì đã làm cho vua Pha-ra-ôn nổi giận. Trong tù hai ông này nằm mơ với những giấc mơ khác nhau khiến họ bối rối. Giô-sép là người quản lý họ lúc đó bèn hỏi: “Các ông có việc gì mà trông lo lắng thế?” Hai viên quan trả lời chúng tôi có những chiêm bao khác nhau trong đêm qua, nhưng không ai giải thích được. Nghe vậy Giô-sép bảo họ: “Thiên Chúa là Đấng có thể giải thích các chiêm bao, các ông hãy thuật lại cho tôi nghe.” Quan dâng rượu liền kể lại: “Trong chiêm bao, tôi thấy một gốc nho ở trước mặt tôi; gốc nho đó lại có ba nhành. Dường như nhành đã nẩy chồi, trổ bông, chùm có trái chín. Tay tôi đương cầm cái chén của Pha-ra-ôn; tôi hái nho, ép lấy nước, rồi dâng lên vua Pha-ra-ôn”. Giô-sép giải thích: “Ý nghĩa chiêm bao đó là thể nầy: Ba nhành nho tức là ba ngày. Trong ba ngày nữa, Pha-ra-ôn sẽ tha quan ra khỏi ngục, phục chức lại, quan sẽ dâng cái chén của Pha-ra-ôn vào tay người như cũ, như khi còn làm quan tửu chánh”.

Đến lượt quan làm bánh cũng trình bày giấc mơ của mình: “Tôi đội ba giỏ bánh trắng trên đầu; trong giỏ cao hơn hết, có đủ món vật thực của thợ làm bánh hấp cho Pha-ra-ôn; chim đáp vào giỏ trên đầu tôi ăn các món đó”. Giô-sép cắt nghĩa: “Ý nghĩa chiêm bao ba giỏ tức là ba ngày. Trong ba ngày nữa Pha-ra-ôn sẽ xử trảm quan”.

Sau đó ba ngày, những lời giải thích của Giô-sép trở thành hiện thực: viên quan dâng rượu được phục chức trở lại, còn quan làm bánh phải chịu tử hình.
Tri thức của Giô-sép đến từ Đấng toàn năng. Những điều con người không thể hiểu được đều nằm trong mưu luận của Thiên Chúa. Chính Ngài ban cho Giô-sép lời giải thích đúng đến từng chi tiết hai giấc mơ của hai con người với những số phận khác nhau.

Hai năm sau Pha-ra-ôn cũng nằm mơ, nhà vua thấy mình đứng bên bờ sông. Từ dưới sông đi lên bảy con bò mập và tốt, ăn cỏ trong bưng. Rồi nầy bảy con bò khác xấu, gầy guộc, ở dưới sông đi theo lên sau, đến đứng gần các con bò trước trên bờ sông. Bảy con bò xấu, gầy guộc nuốt bảy con bò mập tốt.
Nhà vua thức giấc trước điềm chiêm bao rồi tiếp tục ngủ thì thấy một giấc mơ khác: Bảy gié lúa chắc, tốt tươi mọc chung trên một cộng rạ. Kế đó bảy gié lúa khác lép và bị gió đông thổi háp, mọc theo bảy gié lúa kia. Bảy gié lúa lép nuốt bảy gié lúa chắc.

Sáng hôm sau Pha-ra-ôn triệu tập các học giả và thuật sĩ tài giỏi nhất của hoàng cung thuật lại điềm chiêm bao và yêu cầu họ giải thích. Tất cả đều bó tay, lắc đầu ngơ ngác! Bấy giờ quan tửu chánh nhớ lại câu chuyện của mình hai năm trước ở trong tù được chàng thanh niên Do Thái giải thích giấc mơ. Viên quan này tấu trình lên Pha-ra-ôn: “Muôn tâu bệ hạ, tôi biết một người là trợ lý cho viên sĩ quan cai ngục có thể giải thích chiêm bao của bệ hạ, vì chính anh ta đã từng giải thích giấc mơ của tôi và viên quan làm bánh đúng đến kinh ngạc. Lẽ ra tôi đã giới thiệu duyên cớ, nguyện vọng của anh ta với bệ hạ vào lúc đó…”
Thế là từ trong nhà ngục Giô-sép được thay quần áo mới, cạo râu tươm tất đi vào hoàng cung để giải thích giấc mộng của vua Pha-ra-ôn. Giô-sép, nhà thông thái trẻ tuổi nhờ ơn Chúa mà hiểu được ý nghĩa những giấc mơ khiêm tốn trước mặt vua: “Bản thân tôi không thể giải thích giấc mơ của vua, nhưng Thiên Chúa toàn tri có thể”.

Đấng tối cao có thể sử dụng nhiều phương cách khác nhau (trong đó có những giấc mơ) để bày tỏ đường lối của Ngài trong mọi thời đại. Sự giải thích các chiêm bao thuộc về Chúa qua người phát ngôn của Ngài.

Sau khi nhà vua thuật lại chiêm bao của mình, Giô-sép được thần của Chúa bày tỏ liền giải thích:
– Hai điềm chiêm bao của bệ hạ thấy đó đồng một nghĩa mà thôi; Đức Chúa Trời mách cho bệ hạ biết trước những việc Ngài sẽ làm. Bảy con bò mập tốt tức là bảy năm; bảy gié lúa chắc đó cũng là bảy năm. Ấy chỉ đồng một điềm chiêm bao vậy. Bảy con bò xấu gầy guộc lên theo sau bảy con bò kia, và bảy gié lúa lép bị gió đông thổi háp là hình ảnh về bảy năm đói kém. Đức Chúa Trời cho bệ hạ thấy những việc Ngài sẽ làm. Nầy, trong khắp xứ Ai-cập sẽ có bảy năm được mùa dư dật. Nhưng bảy năm đó lại liền tiếp bảy năm đói kém; dân bổn xứ đều sẽ quên sự dư dật đó, và ách đói kém sẽ làm cho toàn xứ hao mòn. Và vì sự đói kém liên tiếp nầy lớn quá, nên thiên hạ chẳng còn thấy chi về sự dư dật đó nữa. Nếu điềm chiêm bao xảy đến hai lần cho bệ hạ, ấy bởi Đức Chúa Trời đã quyết định điều đó rồi, và Ngài nhanh chóng làm cho thành vậy. Bây giờ bệ hạ khá chọn một người thông minh, tài trí lập lên làm đầu trong đất nước Ai-cập, cùng lập các ủy viên trong xứ, để góp một phần năm số lượng lương thực thâu vào trong bảy năm được mùa dư dật đó. Họ hãy thâu góp hết thảy các loại lương thực, ngũ cốc, lúa mì trong bảy năm được mùa để dành trong các thành. Các lương thực nầy phải dự bị sẵn chuẩn bị cho bảy năm đói kém tiếp theo sẽ đến trong khắp đất nước.

Thật lạ lùng! Lời giải thích từ Giô-sép đã khiến cho vua Pha-ra-ôn và cả triều thần tâm phục khẩu phục. Nhà vua bèn lập Giô-sép lên làm tể tướng đương triều để điều hành mọi công việc quốc gia. Vua Pha-ra-ôn ra chiếu chỉ: “Vì Đức Chúa Trời tỏ cho ngươi biết mọi việc nầy, thì chẳng còn ai được thông minh, uyên bác như ngươi nữa. Vậy ngươi sẽ lên cai trị nhà trẫm; hết thảy dân sự của trẫm đều sẽ vâng theo lời ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngự ngôi vua mà thôi.” Vua cởi chiếc nhẫn trong tay đeo vào tay Giô-sép, truyền mặc áo vải gai mịn, và đeo vòng vàng vào cổ người; rồi truyền cho lên ngồi xe sau xe vua, có người đi trước hô rằng: Hãy quì xuống! Giô-sép được lập lên cầm quyền cả đất nước Ai-cập theo một cách hoành tráng như thế. Pha-ra-ôn cũng ban đặc quyền cho Giô-sép: “Ta là Pha-ra-ôn, nhưng nếu không có pháp lệnh của ngươi, thì trong cả xứ Ai-cập không có ai giơ tay đưa chân lên được.”

Một tù nhân Do Thái trở thành thành thủ tướng đế quốc Ai-cập rộng lớn, thay mặt vua để điều hành đất nước, đặc biệt là chuẩn bị tích trữ nguồn lương thực đối phó với nạn đói trong tương lai. Có bức tranh nào ngoạn mục hơn! Đó chỉ có thể là chương trình của Thiên Chúa trên cuộc đời Giô-sép.

***

Hai mươi năm sau, kể từ ngày “ông hoàng của những giấc mơ” bị quăng xuống hố. Giờ đây Giô-sép đã là nhân vật quan trọng thứ hai trong triều đình Ai-cập và nạn đói đang diễn ra trên khắp đế quốc sau bảy năm được mùa dư dật đúng như giấc mơ của Pha-ra-ôn.

Gia-cốp và gia đình ở Ca-na-an cũng lâm vào tình huống thừa chết thiếu sống. “Ta nghe dưới xứ Ai-cập có lúa bán; các con hãy xuống đó mua lúa hầu cho chúng ta được bảo tồn sự sống.” Gia-cốp bảo các con trai.
Mười người anh cùng cha khác mẹ của Giô-sép lên đường tìm kiếm nguồn lương thực từ Ai-cập. Bên-gia-min, người em ruột cùng cha mẹ của Giô sép không được tháp tùng vì Gia-cốp sợ có điều gì bất trắc xảy ra với đứa con út mà ông rất mực thương yêu sau khi Giô-sép – con trai áp út được báo cáo đã bị thú dữ ăn thịt tại Đô-than với vết tích còn để lại là chiếc áo dài nhiều màu vấy máu.

Các anh em nhà Giô-sép từ Ca-na-an lên đường tìm đến Ai-cập. Họ gặp quan tể tướng và đồng loạt quì xuống xin vị quan rủ lòng thương xót bán lương thực cho. Giô-sép nhận ra họ là anh em của mình nhưng giả vờ không biết, còn các anh thì hoàn toàn không thể ngờ “thằng nằm mộng” ngày xưa giờ đây đã là một nhà cai trị tầm cỡ của Ai-cập. Ngài thủ tướng quyết định phải làm một phép thử để xem sau hai mươi năm tâm tính của các anh mình có thay đổi gì không. Giô-sép hỏi bằng tiếng Ai-cập được phiên dịch qua tiếng Hê-bơ-rơ:
– Các anh từ đâu tới?
– Thưa ngài chúng tôi đến từ Ca-na-an.
– Các anh chính là mật thám đến đây phá hoại đất nước này. Giô-sép đang diễn kịch trước các anh mình mà họ nào có biết. Giấc mơ thứ nhất của hai mươi năm trước đây đã thành hiện thực. “Bó lúa của em đứng thẳng lên trong khi bó lúa của các anh cúi mọp xuống xung quanh bó lúa của em”. Ngài thủ tướng biết Đức Chúa Trời đã ban cho mình một giấc mơ vĩ đại. Còn các anh của ngài thì nổi giận vì giấc mơ ấy. Thế nhưng giờ đây các anh của Giô-sép cúi mọp xuống trước em mình giống như hình ảnh trong chiêm bao năm xưa. Cuộc đời thật kỳ lạ! Oái ăm thay, đứa em mà họ đã từng bán đứng sang Ai-cập lấy hai mươi miếng bạc, giờ đây đã trở thành người lãnh đạo một quốc gia rộng lớn. Thay vì tính sổ với các anh mình về chuyện năm xưa, tấm lòng của ngài thủ tướng bao dung tựa biển khơi. Giô-sép giấu đi cảm xúc thật của mình để rồi sau đó bày tỏ sự hào phóng với các anh. Họ nhận được đặc ân khi ngài thủ tướng chỉ giả vờ trừng phạt bằng cách giam lỏng họ trong ba ngày với cáo buộc làm gián điệp, rồi thì số lương thực cần thiết mà họ muốn đã được ban tặng miễn phí. Nhưng Giô-sép cũng phát đi một thông điệp rõ ràng: “Bằng mọi cách các anh phải đem đứa em út (Bên-gia-min) tới đây cho ta gặp để chứng minh các anh không phải là gián điệp”. Giô-sép đang âm thầm lên một kế hoạch cho gia đình thân yêu của mình. Tạm thời Si-mê-ôn, một trong các người anh của Giô-sép bị giữ lại Ai-cập để làm con tin trước khi Bên-gia-min được đem tới.

Các con của Gia-cốp trở về Ca-na-an với đầy đủ lương thực được cấp ban từ các kho của ngài thủ tướng. Giô-sép cũng bí mật trả lại tiền mua lương thực cho các anh trong những bao tải của họ. Họ về đến quê nhà trình bày mọi diễn tiến của chuyến đi cho cha già Gia-cốp.
Gia-cốp không vui vì ông đã phải mất đi Si-mê-ôn để nhận được số lương thực này. Ông đã bị mất Giô-sép trước đây, còn bây giờ thì thêm một đứa con nữa phải ở lại xứ người làm con tin. Tấm lòng của ông thêm sầu não.
Nạn đói chỉ mới đến cuối năm thứ hai trên vùng đất Ca-na-an và lúc này số lương thực đem về từ Ai-cập cũng đã hết. Các anh của Giô-sép chuẩn bị lên đường sang Ai-cập lần nữa để mua thêm lương thực. Nhưng nếu đi lần này thì họ phải dẫn theo Bên-gia-min, vì ngài thủ tướng đã yêu cầu nếu không có Bên-gia-min đi cùng, họ sẽ không thấy được mặt ngài, và dĩ nhiên không có hy vọng nào cho việc mua được số lương thực cần thiết.
Các anh của Giô-sép thuyết phục mãi Gia-cốp để xin cho Bên-gia-min tháp tùng theo đáp ứng yêu cầu của Giô-sép. Gia-cốp lúc đầu không chịu, nhưng cuối cùng phải chấp nhận rủi ro để Bên-gia-min cùng đi với các anh nó vì không còn cách nào khác.

Vượt qua những cánh đồng, đồi núi, sa mạc hoang vu các anh của Giô-sép lại lên đường về phương Nam xuôi xuống Ai-cập tìm nguồn sống. Lần hội ngộ này của họ với ngài thủ tướng Ai-cập sẽ đi vào lịch sử!

Sau khi tiếp đãi trọng thể các anh em mình như những vị khách VIP, Giô-sép giăng bẫy tìm cách bắt Bên-gia-min ở lại Ai-cập. Muốn có tang chứng vật chứng để buộc tội cậu em út trong đoàn, các gia nhân của Giô-sép đã bí mật đặt vào trong thùng lương thực của Bên-gia-min cái ly bằng bạc quí giá. Phương cách xưa cũ này xem ra vẫn còn hiệu nghiệm trong mọi thời đại!
Câu chuyện tiếp diễn với việc Bên-gia-min bị kết tội ăn cắp chiếc ly bạc khi đang trên đường trở về. Theo pháp lệnh của ngài thủ tướng cậu em này phải bị giữ lại Ai-cập. Nếu tâm tính các con của Gia-cốp vẫn như trước đây thì rất có thể họ sẽ bỏ mặc Bên-gia-min, giống như họ đã từng bán đứng Giô-sép trước đây.
Nhưng sau hai mươi năm tấm lòng các anh em của Giô-sép đã có một sự chuyển biến rõ rệt. Họ thực lòng thương người cha già Gia-cốp và đứa em út cùng cha khác mẹ Bên-gia-min. Họ không muốn làm cho Gia-cốp tổn thương thêm nữa. Dường như họ đã học được bài học yêu thương sau chừng ấy năm!
Các anh của Giô-sép vô cùng bối rối trước tình huống cậu em út bị cáo buộc tội ăn cắp. Họ tìm mọi cách phân trần, lý giải xin ngài thủ tướng tha cho đứa em dại dột. Giu-đa với khả năng ăn nói lưu loát, đứng ra trình bày duyên cớ:
– Thưa ngài thủ tướng, tình thế của gia đình chúng tôi hiện nay như thế này: Cha thương em út tôi vô cùng đến đỗi hai linh hồn khắng khít nhau; nếu bây giờ, khi tôi trở về với cha tôi, mà không có em út chắc người sẽ chết. Khi ấy vô hình trung chính chúng tôi đã làm cho cha qua đời mà không thể nhắm mắt được. Vì tôi đã bảo đảm với cha trước khi lên đường sang Ai-cập lần này: Nếu con không đem em về cho cha, thì sẽ đắc tội lớn với cha. Vậy bây giờ, xin cho tôi ở lại làm nô lệ thế cho Bên-gia-min, đặng nó tháp tùng về với các anh. Vì nếu cậu út này không theo về, làm sao tôi dám về gặp cha tôi? Tôi có thể nào nhìn thấy cha già của tôi sẽ sụp đổ ư? Xin ngài hãy rủ lòng thương xót chúng tôi….
Khi Giu-đa nói xong tấm lòng của Giô-sép như tan ra từng mảnh. “Tôi chính là Giô-sép, em của các anh đây…”. Lúc này ngài thủ tướng thốt ra bằng tiếng Hê-bơ-rơ.

Nước mắt chảy ngọt ngào trên đôi gò má của Giô-sép. Có cảnh tượng nào bi hùng đến vậy! Qua phép thử của mình Giô-sép nhận ra các anh em giờ đây đã là một tập thể yêu thương gắn kết chặt chẽ với nhau, họ sẵn sàng hi sinh cho nhau!

Màn kịch kết thúc, Giô-sép làm cho các anh bàng hoàng, khiếp sợ không nói nên lời! Ru-bên, người anh cả lấy tay dụi mắt: Đây là thật hay mình đang mơ!

“Các anh đã bán tôi qua Ai-cập. Bây giờ, đừng sầu não và cũng đừng tiếc chi về điều đó. Vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh. Kìa hai năm rồi trong xứ đã bị đói kém, và còn năm năm nữa sẽ không có cày cấy, gặt hái chi được hết. Đức Chúa Trời cho tôi đến đây trước, đặng làm cho các anh còn nối dòng trên mặt đất, và nương một sự giải cứu lớn đặng giữ gìn sự sống cho anh em. Không phải các anh sai tôi đến đây đâu, ấy là Đức Chúa Trời. Ngài đặt tôi làm cố vấn cao cấp cho Pha-ra-ôn, cai quản cả nhà người, và cai trị khắp xứ Ai-cập.” Ngài thủ tướng giải thích rõ ràng câu chuyện của mình cho các anh em.
Vua Pha-ra-ôn biết được Giô-sép đã gặp lại các anh em trong gia đình đến từ Ca-na-an. Nhà vua hào phóng ban cho họ và gia đình Gia-cốp những ân huệ sau đó. Thế là cuộc hội ngộ lần này đã mở đường cho Gia-cốp và con cháu, hậu duệ của ông di chuyển đến vùng đất Gô-sen – một nơi màu mỡ tốt tươi thuộc châu thổ sông Nin của Ai-cập rất thuận lợi cho việc chăn nuôi gia súc.

Giô-sép nhìn cuộc đời “lên voi xuống chó” của mình dưới lăng kính của Đấng toàn năng, ngài thủ tướng trấn an các anh khi họ sợ sẽ bị Giô-sép trừng phạt sau khi cha qua đời: “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại làm điều tốt nhất cho tôi qua tay của các anh, hầu cứu sự sống nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và bảo tồn sự sống của toàn thể dân sự. Vậy đừng sợ gì cả (đừng bao giờ có ý tưởng rằng tôi sẽ tính sổ với các anh), tôi sẽ cấp dưỡng các anh và con cái các anh.”

“Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại làm điều tốt nhất cho tôi qua tay của các anh, hầu cứu sự sống nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và bảo tồn sự sống của toàn thể dân sự. Vậy đừng sợ gì cả (đừng bao giờ có ý tưởng rằng tôi sẽ tính sổ với các anh), tôi sẽ cấp dưỡng các anh và con cái các anh.”

Giô-sép – “ông hoàng của những giấc mơ” sống đến cuối đời hưởng thọ một trăm mười tuổi, trong đó có tám mươi năm phục vụ tha nhân. Cuộc đời ông như một ống dẫn kỳ diệu mang nguồn phước của Thiên Chúa đến cho tuyển dân và mọi người. Giô-sép minh họa rõ ràng hình ảnh của Chúa Cứu Thế trong Tân Ước. Trải qua mọi nghịch cảnh rồi lên tới đỉnh vinh quang, phẩm chất tuyệt vời của Giô-sép chiếu sáng như đuốc trong một thế giới đầy rủi ro và biến động.

TƯỜNG VI   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn