Giáo Hoàng Xin Lỗi Cộng Đồng Tin Lành Ngũ Tuần
Vatican City:
Theo tin từ Vatican, ngày 28/7/2014, Giáo Hoàng Francis đã đến dự lễ thờ phượng với Hội Thánh Ngũ Tuần Chiesa Evangelica Della Riconcilazione tại Caserta, Italy. Trong dịp này, Giáo Hoàng đã chính thức xin lỗi các tín hữu Tin Lành Ngũ Tuần và xin họ tha thứ cho những bách hại mà họ đã gánh chịu từ những người Công giáo.
Giáo Hoàng Francis nhắc lại có một sự thật đáng buồn là trong quá khứ có những luật lệ được đặt ra để bách hại người Tin Lành; những luật lệ đó đã được thánh hóa bởi Giáo hội Công giáo. Một số người đã thành lập những luật lệ đó, cũng như những người đã bách hại, đã lăng mạ những tín hữu Ngũ Tuần, là những người Công giáo.
Mặc dầu Giáo Hoàng không trực tiếp nói rõ những bách hại đó là gì, nhưng theo báo giới, những bách hại này một phần liên hệ đến việc Giáo hội Công giáo đã đàn áp Hội Thánh Ngũ Tuần tại Ý dưới thời Mussolini; và việc các cộng đồng Công giáo tại Nam Mỹ đã bách hại các Hội Thánh Tin Lành, mà phần lớn là Hội Thánh Ngũ Tuần, trong vài chục năm qua.
Giáo Hoàng nói: “Tôi là người chăn dắt các tín hữu Công giáo. Tôi xin quý vị tha thứ cho điều này. Tôi xin tha thứ cho những anh chị em Công giáo, là những người không hiểu biết, bị cám dỗ bởi ma quỷ, đã hành động giống như những anh em của Giô-sép. Tôi cầu xin Chúa để Ngài ban cho chúng ta ân điển để nhìn nhận – và để tha thứ. Xin cảm ơn quý vị!”
Mặc dầu bài giảng của Giáo Hoàng được trình bày tại một nhà thờ Tin Lành, nhưng một phần sứ điệp dường như dành cho các tín hữu Công giáo.
Mở đầu bài giảng, Giáo Hoàng nhắc đến mạng lệnh của Đức Chúa Trời truyền cho Áp-ra-ham: “Hãy bước đi trong sự hiện diện của Ta, và sống thật trọn vẹn” (Sáng Thế Ký 17:1). Giáo Hoàng đã lưu ý người nghe rằng: Điều đáng tiếc là nhiều người tin Chúa có lúc bước đi với Chúa, nhưng nhiều lúc họ không bước đi với Chúa, nhưng họ đã chọn “thần tượng.”
Giáo Hoàng khai triển nhận định đó: “Có những lúc chúng ta không bước đi trong sự hiện diện của Đức Chúa Jesus, bởi vì tất cả chúng ta là những tội nhân.” Và Giáo Hoàng lập lại sự thật đáng buồn đó: “Tất cả chúng ta!”
Dựa vào Rô-ma 3:23, Giáo Hoàng nhắc lại một sự thật, đã được dạy trong Thánh Kinh là: “Mọi người đều đã phạm tội.” Bằng cách công khai nhìn nhận mình, cũng như bao nhiêu người khác, là một tội nhân, Giáo Hoàng trình bày một quan điểm tương phản với quan điểm mà nhiều nhà thần học Công giáo đã dùng để thần thánh hóa Mary và các Giáo Hoàng.
Giáo Hoàng cũng nhắc đến một nhóm người khác không chịu bước đi theo sự dẫn dắt của Chúa nhưng chọn thái độ thụ động. Giáo Hoàng đã so sánh thái độ đó với một vũng nước tù đọng. Nước không chuyển động, nước đó sẽ bị băng hoại. Đời sống của người tin Chúa, nếu không thay đổi theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, cũng giống như vậy.
Để minh họa cho việc bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa, Giáo Hoàng nhắc lại câu chuyện của các anh em Giô-sép. Gia đình Gia-cốp tưởng có thể sống bình yên tại xứ Ca-na-an, nhưng Đức Chúa Trời đã cho một nạn đói xảy ra. Gia-cốp đã nói với 11 người con của mình, trong số đó có 10 người đã phạm tội phản bội vì đã bán đứa em ruột của mình là Giô-sép: “Chúng ta có tiền nhưng không có thức ăn. Hãy đến đó mà mua.” Giáo Hoàng nói: “Và điều tuyệt vời trong chuyến đi là, thay vì tìm thức ăn, họ đã gặp lại người em của mình.”
Trong bài giảng, Giáo Hoàng đã so sánh một số người Công giáo với các anh em của Giô-sép. Giáo Hoàng nói: Từ ban đầu, đa số những người này muốn giết người em – vốn có tánh hay nói thẳng, nói thật, và được cha yêu thương – nhưng cũng có người, như Ru-bên, muốn cứu đứa em này, nhưng không thể làm được, đành chấp nhận theo số đông, đã bán đứng đứa em mình cho dân ngoại.
Giáo Hoàng đã dùng câu chuyện của gia đình Gia-cốp như là một ẩn dụ để trình bày một vài thực trạng đã xảy ra trong Giáo hội Công giáo. Bên cạnh việc bách hại người Tin Lành, tương tự như gia đình Gia-cốp, Giáo hội Công giáo đã từng trải qua cơn đói kém thuộc linh. Sau nhiều thế kỷ các tín hữu Công giáo bị cấm không được đọc Kinh Thánh, khi Công Đồng Vatican II (1962-1965) cho phép đọc Kinh Thánh, tại hàng trăm quốc gia trên thế giới, Giáo hội Công giáo không có Kinh Thánh trong ngôn ngữ địa phương. Có tiền nhưng không có thức ăn, các tín hữu Công giáo được phép – chính thức hay không chính thức – đến mua Kinh Thánh từ các cộng đồng Tin Lành. Và điều đáng mừng là, cũng như Giô-sép trong Thánh Kinh, đứa em từng bị ngược đãi đó đã không trả thù, nhưng ngược lại tận tình giúp đỡ, hết lòng giúp những người anh đã từng bách hại mình.
Lịch sử cho thấy điều đó cũng xảy ra tại Việt Nam. Vào năm 1892 Thánh Kinh Hội đã chính thức hoạt động tại Sài Gòn. Trong tám năm kế tiếp, Thánh Kinh Hội đã phân phối Kinh Thánh khắp Đông Dương. Việc phổ biến Kinh Thánh rộng rãi khiến Giáo hội Công giáo lo ngại nên đã vận động Toàn quyền Paul Doumer ra lệnh cấm toàn bộ hoạt động của Thánh Kinh Hội trên toàn cõi Đông Dương vào năm 1900. Hai năm sau (1902), Toàn quyền Jean Beau đến thay Paul Doumer đã cho phép Thánh Kinh Hội được hoạt động trở lại. Dầu vậy vài chục năm về sau, nhiều nhà truyền giảng và tín hữu Tin Lành vẫn bị nói xấu, bị vu khống, và bị bắt bớ. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cũng giống như trong câu chuyện của Giô-sép, hơn 90 năm sau, khi nhu cầu khao khát Lời Chúa diễn ra tại Việt Nam, Thánh Kinh Hội cũng chính là cơ quan đã giúp các Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, Hà Nội và Nha Trang, xuất bản vài trăm ngàn Thánh Kinh Tân Ước.
Kinh Thánh Tân Ước ấn hành với sự giúp đỡ của Thánh Kinh Hội
Trong bài giảng, dựa trên lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus trong Giăng 17, Giáo Hoàng kêu gọi sự giải hòa, gìn giữ sự hiệp một trong đức tin giữa người Tin Lành và Công giáo. Giáo Hoàng nhìn nhận có sự khác biệt giữa các Hội Thánh, vì Đức Thánh Linh đã thành lập Hội Thánh với những khác biệt như vậy (I Cô-rinh-tô 12); nhưng Giáo Hoàng kêu gọi hai bên đừng nói xấu gây chia rẽ; hãy làm việc hài hòa trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.
Kết thúc bài giảng, Giáo Hoàng lưu ý các tín hữu tại Hội Thánh Caserta rằng “Chúng ta đang bước đi trên hành trình hòa giải giữa những người anh em với nhau.” Giáo Hoàng nhận biết sẽ gặp sự chống đối từ những người Công giáo vì đã có người nói rằng: “Giáo Hoàng đã đến với những người Tin Lành.” Nhưng Giáo Hoàng khẳng định thái độ của mình: “Vâng! Tôi đến để tìm những người anh em của tôi.” Giáo Hoàng nói thêm: “vì thật ra họ đã đến gặp tôi trước.” Giáo Hoàng cho biết tình bạn giữa ông và các mục sư Tin Lành đã được thành lập từ những năm ông hầu việc Chúa tại Buenos Aires, Argentina.
Chỉ vài năm nữa (2017), cộng đồng Tin Lành khắp thế giới sẽ kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Chánh do Martin Luther khởi xướng. Phải mất gần 500 năm Giáo hội Công giáo mới nhìn nhận một số sai lầm. Trong quá khứ, thay vì hướng dẫn Hội Thánh đi theo sự dẫn dắt của Chúa, các nhà lãnh đạo Công giáo đã chọn đi theo những truyền thống và những quan điểm thần học riêng của mình. Điều đáng tiếc là suốt trong khoảng thời gian đó, biết bao đổ vỡ, đau khổ, và tang thương đã xảy đến cho rất nhiều cá nhân, gia đình, và cả những quốc gia.
Có rất nhiều điều cần phải thay đổi trong Giáo hội Công giáo khắp thế giới. Giáo Hoàng Francis đang cố gắng đưa Giáo hội Công giáo trở về với Thánh Kinh. Đây là một công việc rất khó khăn. Nhận biết điều đó, khi kết thúc sứ điệp của mình, Giáo Hoàng Francis đã nói với các tín hữu Tin Lành rằng: “Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Tôi thật sự cần điều đó. Cảm ơn các anh chị em.”
Châu Trân
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org