Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / GIA-CỐP – CHUYỂN BẠI THÀNH THẮNG

GIA-CỐP – CHUYỂN BẠI THÀNH THẮNG

Sáng Thế Ký 29 & 30
Mục sư Hồ Xuân Phước

Hiểm họa đau thương chờ đón gia đình Gia-cốp ngay từ đầu. Vì nhiều vợ, Gia-cốp gánh hậu quả thương đau dài lâu. Đa thê có phải là đường lối Chúa không? Không! Nếu đa thê là chương trình của Chúa, tại sao Chúa không tạo dựng cho A-đam hai, ba, bốn Ê-va?

Đa thê là hậu quả của tội lỗi, tham dục. Đa-vít và Sa-lô-môn cũng đã bước vào vũng lầy nguy hại nầy. Họ thất bại nghiêm trọng vì nhiều vợ. Nhiều vợ mà Đa-vít vẫn không tránh được tội ngoại tình, cướp vợ và giết người!

Riêng gia đình Gia-cốp, ngoài việc nhiều vợ, họ còn một hủ tục tệ hại khác: mướn người sinh con. Trước kia, vì son sẻ, Sa-ra cho nàng hầu ăn nằm với Áp-ra-ham để sinh con thay mình (STK16). Bây giờ, La-ban gả hai con gái cho Gia-cốp. Cả chị lẫn em đều dùng nàng hầu để sinh con.

Chuyện tình Gia-cốp vì thế không lãng mạn, nên thơ như ta tưởng trong giây phút hạnh ngộ bên giếng ngày nào. Dầu không phải là chuyện tình son sắc, mẫu mực đáng phải có, Chúa vẫn bày tỏ ân sủng tuyệt vời để giúp Gia-cốp Chuyển Bại Thành Thắng.

      Chị và em là nạn nhân của một hủ tục lạc hậu mà quyền quyết định đời mình nằm trong tay ông cha độc đoán, ích kỷ. Lê-a và Ra-chên đâu còn sự lựa chọn nào khác? Quyền thừa hưởng gia tài cho mình và cho con đều tùy thuộc cha và chồng. Chống lại cha là chọn nghèo đói, khốn khổ suốt đời.

Gia-cốp phải sống với người vợ mình không yêu thương. Lê-a như cái gai nhọn đâm vào da thịt Gia-cốp – nhắc nhở mình bị bố vợ lừa phỉnh trắng trợn. Lê-a trở thành tình địch, là đối tượng cho em gái ganh tức, ghét bỏ.

Không được chồng thương yêu, bị em gái khinh rẻ nhưng Chúa không quên Lê-a. Chúa yêu thương Lê-a – nhưNgài yêu thương mọi người, cho dầu chúng ta lầm lỗi, thiếu sót, thất bại. Chúa thương xót Lê-a và cho nàng sinh được bốn con trai liên tiếp, trong khi Ra-chên hoàn toàn son sẻ.

Sinh con trai đầu lòng, Lê-a đặt tên Ru-bên – nghĩa là, “Thấy không, con trai!” – “vì Chúa thấy nỗi thống khổ của tôi. Bây giờ chồng tôi sẽ yêu mến tôi!”(29:32). Nhưng hy vọng vươn lên rồi vụt tắt.

Sinh con trai thứ nhì, Lê-a nói, “Chúa biết tôi bị ghét bỏ, nên cho thêm đứa nầy” (29:33). Nàng đặt tên Si-mê-ôn – nghĩa là “nghe biết.” Lầm lủi qua trủng đắng cay, Lê-a nếm được “hậu” ngọt bùi nhờ tìm đến Chúa. Lê-a là người cầu nguyện. Chúa lắng nghe, xoa dịu, chữa lành. Chúa là nguồn an ủi, là sức lực bền vững cho đường đời khổ đau. Lê-a xác nhận niềm tin và lòng biết ơn Chúa qua tên con mình.

Nàng đặt tên con trai thứ ba Lê-vi – nghĩa là “gắn bó,” tin rằng chồng sẽ bám chặc không rời. Suy nghĩ của nàng hợp lý quá vì đã sinh cho chàng ba quý tử, trong khi Ra-chên, “người yêu lý tưởng” chẳng được “mống” nào! Thế mà, Gia-cốp vẫn tiếp tục si mê Ra-chên – và dùng Lê-a như một “máy đẻ,” không chút tình cảm gắn bó!

Bền bỉ nơi khả năng sinh con, Lê-a nổ lực chinh phục người chồng hờ hửng, vô tình. Nhưng con trai thứ tư ra đời, nàng tự hỏi, “sao anh yêu mà không bảo gì em, để em đợi tiếng thơ buồn vọng lại!”

Hoàn cảnh quá bất hạnh, bất công nhưng thái độ và lòng tin của nàng thật đáng ngưỡng mộ. Thay vì cay đắng, than trách, Lê-a chấp nhận hoàn cảnh đau thương – ngước mặt lên trời tôn thờ Chúa: “Lần nầy con ngợi khen Chúa”(29:35). Nàng đặt tên con Giu-đa – nghĩa là ca ngợi.

Mặc dầu không được chồng thương yêu, Lê-a là người được tràn ân phước Chúa. Hai con của nàng, Lê-vi và Giu-đa trở thành tộc trưởng của hai chi tộc tế lễ, phụng vụ Đền Thờ và hoàng tộc. Con cháu nổi danh của nàng có cả Môi-se – nhà giải phóng dân tộc, A-rôn, vua Đa-vít và Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Bảy năm dài, Ra-chên “thường hay ước mơ – mơ người yêu lý tưởng.” Lấy được chàng, với hai quả tim vàng, túp lều lý tưởng được nâng cấp lên “lâu đài tình ái?” Không dám đâu! Túp lều có đấy nhưng lý tưởng thì chưa. Vì ghen ghét, lâu đài thiếu tình ái nhưng thừa bi ai, sầu thảm.

Lê-a vợ cả, sinh tứ quý vàng son nhưng héo úa vì không được chồng yêu thương chìu đãi. Ra-chên, vợ hai được chồng yêu say đắm nhưng đắng cay, ganh tức thấy chị sinh liên tiếp bốn công tử trong khi mình vẫn mãi son sẻ.

Trong cơn đau quặn thắt, Ra-chên kêu gào: “Em sẽ chết nếu anh không giúp em sinh con!” Nghe như một lời đe dọa, đổ lỗi, Gia-cốp tức tối gằn giọng, “Tại sao em đổ tội không con trên anh? Anh đâu có quyền thay thế Chúa!”

Ngay sau đó, trong khủng hoảng cực kỳ xót xa, Ra-chên yêu cầu Gia-cốp ăn nằm với tớ gái Bi-la để có con thế cho mình. Bi-la sinh con trai, Ra-chên đặt tên Đan – nghĩa là… “Chúa xét tôi công bình, Ngài đã nhậm lời cầu xin và cho tôi con trai.

Bi-la sinh con trai thứ nhì, Ra-chên đặt tên Nép-ta-li, nghĩa là “tranh đấu.” Sai mướn đầy tớ ăn nằm với chồng để sinh con nhưng Ra-chên thỏa mãn, tự đắc vì tưởng đã hơn chị (30:8). Đắc thắng đó có sâu sắc, vinh quang lắm không – trong khi Lê-a thực sự đã sinh tứ quý mà Ra-chên chưa một lần mang thai?

Thấy Ra-chên “mướn” được hai con trai, Lê-a quyết định “lấy lửa chọi lửa.” Nàng bắt Xinh-ba, đầy tớ của mình ăn nằm với Gia-cốp. Và nhờ Gia-cốp tận tình… hợp tác, Xinh-ba sinh con trai. Lê-a đặt tên “Gát,” không phải… chơi gát nhưng có nghĩa là “phước hạnh quá!”

Dĩ độc trị độc!” Lê-a tiếp tục đẩy mạnh trò chơi “sơn tinh, thủy tinh” mà Ra-chên đã khởi xướng. Xinh-ba sinh con trai thứ nhì, Lê-a đặt tên A-se, nghĩa là “vui mừng biết mấy!” Chiến tranh lạnh giữa chị và em càng… nóng bỏng, sôi sục. Gia-cốp nghĩ gì? Ông mệt mỏi, chán chường hay khổ đau, rầu rỉ?

Gia-cốp đổ lỗi La-ban hay bắt đầu nhìn thấy chính mình trong gương? Vì gian tham, xảo trá, vì lừa cha gạt anh – tội ác của Gia-cốp bây giờ quay lại cắn Gia-cốp. Cuộc chiến giữa chị em Lê-a, Ra-chên như tấm gương phản chiếu con người cũ Gia-cốp.

Màn sân khấu lại mở ra. Ru-bên nhặt mấy trái phong già ngoài đồng đem về biếu Lê-a, mẹ mình. Biết nổi khổ của mẹ và muốn giúp mẹ thắng thế trong cuộc đua “sơn tinh thủy tinh,” Ru-bên mong mẹ đẻ thêm em trai như người ta đồn về thần dược nầy?

Khi con “tham chiến” trong vũng lầy của gia đình, ai sẽ thắng cuộc? Ai sẽ vinh danh, hạnh phúc?

Thấy rõ Lê-a đang thắng thế,Ra-chên bung ra khỏi lều. Ruột gan sôi sục nhưng nàng xuống nước năn nỉ Lê-a, xin mấy trái phong già. Ngòi nổ chậm trong thùng thuốc súng Lê-a bùng lên, lóe lửa: “Bộ cướp chồng tui chưa đủ, cô còn muốn lấy luôn mấy trái phong già của con tui hả” (30:15)?

Mặc dầu được chồng cưng yêu nhưng Ra-chên cảm thấy như bị dồn vào chân tường. Thất thế quá, nàng xuống nước thêm lần nữa, “Thôi mà, để ảnh ngủ với chị tối nay, đổi lại em lấy mấy trái phong già của con chị!

Mặc dầu có lợi thế tứ quý trong cuộc đua sinh đẻ, Lê-a chưa dành được chồng và nhất là Ra-chên vẫn làm chủ tình hình trong việc đầu ấp tay gối. Gia-cốp không thể gần gủi Lê-a nếu không được phép của Bà Bé đầy thẩm quyền.

Lê-a chụp ngay lấy cơ hội ngàn vàng. Chiều tối hôm đó, nàng ra tận đầu ngỏ chờ đón đức lang quân. Không phải kêu xin, nài nỉ, Lê-a bảo thẳng chồng, “Anh phải ngủ với em tối nay. Em đã mướn anh, nhờ mấy trái phong già của con em!”

Bao nhiêu lần Lê-a năn nỉ chồng ngủ với mình, bấy nhiêu lần chàng quay lưng bỏ đi – vì sợ phải đối diện với người yêu lý tưởng! Nhưng hôm nay, Lê-a có giấy phép hành sự chính thức. Gia-cốp vững tin, yêu đời… hợp tác một cách hiệu quả (30:16). “Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều vợ cả!” Vợ cả, vợ hai được điều mình muốn: Lê-a được đêm trăng mật, đầu ấp tay gối với chồng, Ra-chên được mấy trái phong già thần dược.

Nhưng “gậy ông đập lưng ông” – Ra-chên không thể ngờ. Mặc dầu không còn phong già nhưng Lê-a lại có thai! Không phải một lần, hai lần mà ba lần! Nàng sinh hai trai và một gái, “vì Chúa nhậm lời cầu nguyện và cho nàng thụ thai trở lại” (30:17). Một cậu tên Y-sa-ca – nghĩa là “đền bù, phần thưởng.” Cậu kia tên Sa-bu-lôn – nghĩa là “danh dự, tôn trọng.” Con gái tên Đi-na.

Rõ ràng là Gia-cốp dứt khoát tiếp tục “hợp tác” với Lê-a – không sợ đối diện Ra-chên như trước nữa? Lê-a như mở cờ trong bụng, vì nàng nói, “Chúa đã thưởng công tôi” (30:18). “Chúa đã tôn trọng tôi” (30:20). Tội nghiệp Lê-a, bao nhiêu năm chìu đãi, chiêu dụ chồng – banh da, xẻ thịt sinh cho chàng sáu con trai, là tộc trưởng sáu chi tộc Israel, tình yêu của nàng vẫn một chiều!

Ôm mấy trái phong già trong tay ba năm nhưng Ra-chên vẫn không con. Dầu vậy, Chúa không quên Ra-chên. Nàng đã chịu đựng dài lâu! “Chúa nhớ lại Ra-chên. Ngài lắng nghe lời nàng cầu xin và cho nàng sinh sản” (30:22). Ra-chên cầu xin Chúa khi nào? Làm chủ tình hình, chèn ép chị, điều khiển chồng, năn nỉ chồng – theo ý mình không xong – bây giờ xin theo ý Chúa!

Ganh ghét chị nhưng Ra-chên thấy chị thành khẩn tin cậy Chúa và chuyên tâm cầu nguyện. Ra-chên cầu nguyện và Chúa nhậm lời. Tất cả phước hạnh đều đến từ Chúa! Ra-chên cũng như Lê-a có con là nhờ lòng thương xót và ân sủng của Chúa. Ra-chên thụ thai, sinh con trai nên nói rằng: “Chúa đã cất điều sỉ nhục tôi” (30:23). Đặt tên con Giô-sép, nàng cầu xin Chúa cho thêm một trai nữa.

Chúa lại lắng nghe, nhậm lời, nhưng Ra-chên phải chờ đợi cho đến khi Gia-cốp hoàn tất bảy năm hợp đồng và gia đình đã lên đường về lại mái nhà xưa của Gia-cốp. Gia đình đến Bê-tên – nơi Gia-cốp gặp Chúa năm xưa, rồi tiếp tục đến Ê-phơ-rát thì Ra-chên chuyển bụng.

Việc sinh nở của nàng lần nầy cực kỳ khó khăn, đau đớn. Biết mình sắp chết, Ra-chên đặt tên con trai là Bê-nô-ni – nghĩa là “con trai của sự đau đớn.” Nàng muốn tên con phản ánh nổi khó khăn của sự sinh  nở – và có lẽ cả cuộc sống gia đình.

Với tình yêu đậm sâu dài lâu và niềm kiêu hãnh về mối tình đầu, Gia-cốp đổi tên đứa bé thành Bên-gia-min – nghĩa là “con trai tay hữu.” Đứa bé là cánh tay mặt của cha – như mẹ nó là cột trụ chính của lòng và cuộc đời (35:18).

Sau nhiều tình huống lãng mạn, buồn vui, hờn ghen, thách đố và kết thúc với cái chết của Ra-chên, màn sân khấu kéo lại. Ra-chên được chôn cất long trọng trên đường về Ê-phơ-rát, tức Bết-lê-hem. Mộ nàng vẫn được tôn kính, viếng thăm cho đến nay. Bết-lê-hem là quê hương của Đa-vít và nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng sinh.

Bài học cho chúng ta hôm nay? Chúa muốn hôn nhân chỉ có một vợ, một chồng. Một A-đam, một Ê-va. Việc Chúa tạo dựng một vợ cho A-đam cho thấy rõ ràng ý định tốt đẹp của Ngài cho cuộc sống gia đình. Lấy nhiều hơn một vợ là đi ngược lại ý định tốt đẹp của Chúa!

Khi con người vi phạm ý định tốt lành của Chúa trong hôn nhân, hậu quả rất nghiêm trọng – nhất là cho con cháu. “Gieo gì, gặt nấy! Gieo trước, gặt sau!”Từng lừa cha, gạt anh – bây giờ Gia-cốp trở thành nạn nhân. Không cố tình, không chủ ý, Gia-cốp lấy cùng một lúc hai vợ.

Mặc dầu “vợ cả, vợ hai, hai vợ đều vợ cả” – bà lớn khao khát được yêu, bà bé gần như tuyệt vọng vì son sẻ. Bà lớn, bà bé đều nhiều chuyện, cay đắng và chua chát với nhau. Con của hai bà và con của hai đầy tớ ganh ghét, nghi ngờ, ám hại nhau. Ai bảo có chị có em cho “vui cửa vui nhà?”

Chị em đua tranh, ganh ghét, thủ đoạn không đạt được mục đích cho Chúa. Nhưng bởi tình thương và ân sủng dồi dào, Chúa cúi xuống chỗ thấp hèn, cô đơn của Lê-a cũng như chỗ tuyệt vọng của Ra-chên để nâng đỡ cứu vớt họ.

Chúa có thể Chuyển Bại Thành Thắng trong cuộc đời những người thành tâm yêu kính Ngài. Mười hai con trai của Gia-cốp, con của bốn bà mẹ – trở thành tộc trưởng của mười hai chi tộc Y-sơ-ra-ên, tuyển dân của Chúa. Mặc dầu họ lầm lỗi, thất bại – Chúa làm trọn lời Ngài đã hứa với Áp-ra-ham (12:2). Ngài dùng những người bất toàn, tội lỗi, thất bại như quý vị và tôi.

Qua Gia-cốp, Chúa Cứu Thế Giê-xu vào đời để tìm cứu con người tội lỗi. Chúa – Con Trời thánh khiết, vô tội đổ huyết đền tội cho mọi người. Ngài sống lại để làm Cứu Chúa của những người tin nhận Ngài. Chúng ta không khác gì Gia-cốp, Lê-a, và Ra-chên – ngay cả La-ban.

Chúng ta đều cần Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hôm nay, Anh, Chị quyết tâm chọn để Chúa Chuyển Bại Thành Thắng trong cuộc đời mình – như Ngài đã thực hiện trong gia đình Gia-cốp? Amen.

                                                              MỤC SƯ HỒ XUÂN PHƯỚC

http://www.songdaoonline.com/n200-gia-cop-chuyen-bai-thanh-thang.html

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn