Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / GIỚI THIỆU PHÚC ÂM LU-CA

GIỚI THIỆU PHÚC ÂM LU-CA

Lu Ca là Phúc Âm Thứ Ba trong Thánh Kinh Tân Ước.  Theo các sử liệu hiện có, Phúc Âm Lu Ca là sách đầu tiên trong Kinh Thánh được dịch sang tiếng Việt. Bản dịch Việt ngữ đầu tiên của Phúc Âm Lu Ca đã được xuất bản vào năm 1890 tại Paris, cách đây 122 năm.

Bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 năm 2012, hằng tuần Thư Viện Tin Lành sẽ phổ biến một bài học Kinh Thánh.  Chương trình sẽ bắt đầu với Phúc Âm Lu Ca. Mời bạn đọc cùng tham dự học Kinh Thánh.  Dưới đây là lời giới thiệu vắn tắt về Phúc Âm Lu Ca.

(Ảnh: Thư Viện Tin Lành)
Source: Christian & Missionary Alliance Archive

Phúc Âm Lu Ca

Tác Giả

Phúc Âm Lu Ca là sách thứ ba trong Thánh Kinh Tân Ước. Mặc dầu sách không ghi rõ ai là tác giả, nhiều tài liệu trong Hội Thánh từ những thế kỷ đầu tiên đã công nhận Lu Ca là tác giả của sách này.  Irenaeus, một nhà thần học và cũng là một lãnh đạo Hội Thánh Ban Đầu, trong các tác phẩm của ông vào cuối thế kỷ thứ hai đã ghi nhận Lu Ca là tác giả của Phúc Âm Thứ Ba.  Titus Flavius Clement (150-215), Origen Adamantius (184-254), Quintus Septimius Florens Tertullian (160-225), những nhà thần học nổi tiếng sống vào cuối thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ ba, cũng có cùng quan điểm như trên.

Mặc dù không rõ tên người viết Phúc Âm Lu Ca, các học giả đều nhìn nhận rằng tác giả Phúc Âm Lu Ca là người có trình độ học vấn cao.  Tác giả đã làm công việc của một nhà nghiên cứu: sưu tầm tài liệu, phân tích dữ kiện, đối chiếu sự kiện, sắp xếp và biên soạn vấn đề cách có hệ thống để những người mới tìm hiểu về Chúa Jesus có thể hiểu được một số điểm căn bản.

Tác giả cũng là người có kiến thức rộng và hiểu biết nhiều văn hóa.  Phúc Âm Lu Ca là sách dài nhất trong Thánh Kinh Tân Ước. Sách gồm 24 đoạn, 1151 câu, chứa đựng nhiều chi tiết về Chúa Jesus hơn nhiều sách khác trong Tân Ước. Mục đích của sách được viết để giới thiệu Chúa cho người ngoại quốc là những người không quen thuộc với văn hóa Do Thái. Một số khái niệm và từ ngữ của người Do Thái (Hebrew) đã được tác giả trình bày rất ngắn gọn và rõ ràng trong tiếng Hy Lạp (Greek).

Tác giả Phúc Âm Lu Ca cũng là người hiểu rất rõ Thánh Kinh Cựu Ước. Thánh Kinh Cựu Ước gồm 39 sách. Phúc Âm Lu Ca trích dẫn hoặc phân tích những khái niệm từ 31 sách trong Thánh Kinh Cựu Ước. Điều chúng ta cần lưu ý là tác giả sống vào thế kỷ thứ nhất, cách đây gần 2000 năm;  vào lúc đó, Thánh Kinh Cựu Ước không phổ biến rộng rãi cho công chúng như ngày nay.  Kiến thức sâu rộng về Cựu Ước chứng tỏ tác giả  có thể là một người Hy Lạp gốc Do Thái, hoặc là một người ngoại quốc, nhưng đã dành rất nhiều thì giờ để nghiên cứu Thánh Kinh Cựu Ước trước khi viết Phúc Âm Lu Ca.

Tác giả cũng là người có trình độ viết văn xuất sắc trong tiếng Hy Lạp.  Một số phân đoạn trong Phúc Âm Lu Ca được các học giả công nhận là mẫu mực cho văn cổ điển Hy Lạp vào thế kỷ thứ nhất.

Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng Phúc Âm Lu Ca và sách Công Vụ có cùng một tác giả.  Cả hai tác phẩm đều được đề tặng cho cùng một nhân vật có tên là Theophilus.  Cách hành văn, từ ngữ và mục đích của hai tác phẩm giống nhau.  Trong phần mở đầu của sách Công Vụ, tác giả nhắc đến cuốn sách đầu tiên mà ông viết về Chúa đó là Phúc Âm Lu Ca.  Vì sách Công Vụ được nhiều nhà nghiên cứu công nhận do Lu Ca viết, cho nên đa số nhìn nhận Lu Ca cũng là tác giả của Phúc Âm Thứ Ba.

Kinh Thánh nói rất ít về Lu Ca.  Nhân vật Lu Ca chỉ được nhắc đến ba lần, rất vắn tắt, trong Thánh Kinh Tân Ước. Các thư tín của Phao Lô ghi nhận Lu Ca là một bác sĩ được Sứ đồ Phao Lô quý mến (Cô-lô-se 4:14).  Ông là người cộng tác với Sứ đồ Phao Lô trong công việc truyền giáo (Phi-lê-môn 1:24).  Trong những năm cuối đời, Sứ đồ Phao Lô bị người La Mã cầm tù, phải sống cô đơn (II Ti-mô-thê 4:6-11), Lu Ca là người duy nhất đã sống bên cạnh Sứ đồ Phao Lô trong hoàn cảnh đó.

Qua những dòng chữ ngắn ngủi được Sứ đồ Phao Lô ghi lại trong các bức thư của ông, người đọc có thể nhìn thấy nhân cách của Lu Ca.  Lu Ca được mô tả là một người có trình độ chuyên môn, có nhân cách đáng quý, tận tụy hầu việc Chúa, và là người bạn trung thành.  Trong sách Công Vụ, tác giả dùng chữ “chúng tôi” (Công Vụ 16:10-17; 27:1-28:16), chi tiết này cho thấy tác giả đã cùng tham gia với Sứ đồ Phao Lô trong một số hành trình truyền giáo.

Niên Đại

Phúc Âm Lu Ca được viết vào thế kỷ thứ nhất.  Tác giả cho biết ông không phải là người trực tiếp gặp Chúa Jesus nhưng ông được nghe những người từng chứng kiến những việc Chúa làm kể lại (Lu Ca 1:2).  Chi tiết này giúp chúng ta biết Phúc Âm Lu Ca đã được viết vào thế kỷ thứ nhất, lúc những nhân chứng từng gặp Chúa Jesus vẫn còn sống.

Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng Phúc Âm Lu Ca đã được viết vào thế kỷ thứ nhất; dầu vậy, các nhà nghiên cứu vẫn tranh luận về việc sách đã được hoàn tất trong khoảng thời gian nào. Có vài quan điểm khác nhau về khoảng thời gian này.

Quan điểm đầu tiên tin rằng Phúc Âm Lu Ca được viết trong khoảng thời gian từ năm 37-66.  Quan điểm này cho rằng Theophilus, người nhận Phúc Âm Lu Ca, có thể là Theophilus ben Ananus, thầy tế lễ thượng phẩm tại Jerusalem từ năm 37-41, hoặc con trai ông là Mattathias ben Theophilus,  thầy tế lễ thượng phẩm từ năm 65-66.  Cả hai cha con Theophilus đều được người La Mã bổ nhiệm vào chức vụ tế lễ thượng phẩm.  Tác giả Phúc Âm Lu Ca đã giới thiệu Chúa cho Theophilus khi nhân vật này vẫn còn trong chức vụ.  Tác giả đã dùng chữ “quý nhân” (BD1925), “khả kính” (BD2010), hay “kính mến” (BD2011) để bày tỏ lòng kính trọng với Theophilus.

Theo các tài liệu lịch sử của người Do Thái, Theophilus ben Ananus có một người con trai tên là Jonathan, người này là cha của Gian-nơ (Joanna), một phụ nữ quý tộc Do Thái.  Joanna được nhắc hai đến hai lần trong Thánh Kinh, và cả hai lần đều được ghi lại trong Phúc Âm Lu Ca.  Joanna là vợ của Chu-xa, quan quản gia của vua Hê-rốt.  Theo Kinh Thánh, Joanna là một trong những người được Chúa chữa bệnh. Bà cùng một số phụ nữ khác thường đi theo để giúp phái đoàn truyền giáo của Chúa trong vấn đề tài chánh (Lu Ca 8:1-3).  Sau khi Chúa Jesus hy sinh, Joanna là một trong những phụ nữ đã đến viếng phần mộ của Chúa trong ngày Chúa phục sinh (Lu Ca 24:10).  Năm 1986, Tạp Chí Khảo Cứu Do Thái (Israel Exploration Journal) đã đăng một bài viết cho biết các nhà khảo cổ Do Thái đã tìm thấy bình đựng hài cốt của Joanna. Trên bình đựng hài cốt này có ghi dòng chữ: “Joanna, cháu nội của Theophilus, thầy tế lễ thượng phẩm.”

Nếu Theophilus ben Ananus là người nhận Phúc Âm Lu Ca, Phúc Âm này đã được viết trước năm 41.  Nếu Mattathias ben Theophilus là người nhận Phúc Âm Lu Ca, Phúc Âm Lu Ca phải được viết trước năm 66.  Lúc Mattathias ben Theophilus làm thầy tế lễ thượng phẩm, người Do Thái nổi dậy chống lại đế quốc La Mã.  Sau đó, quân La Mã đã đến hủy diệt thành Jerusalem vào năm 70.

Quan điểm thứ hai cho rằng Phúc Âm Lu Ca trích dẫn rất nhiều tài liệu từ Phúc Âm Mác;  vì Phúc Âm Mác được viết vào khoảng năm 65-70 cho nên Phúc Âm Lu Ca phải được viết sau đó, có thể trong thời gian từ năm 75-100.  Tuy nhiên, một ý kiến khác cho rằng những chi tiết giống nhau giữa Phúc Âm Lu Ca với Phúc Âm Mác, và Phúc Âm Ma-thi-ơ, có thể vì cả ba Phúc Âm đều trích cùng một tài liệu chung nào đó mà ngày nay chúng ta không có.  Do đó, không nhất thiết Phúc Âm Lu Ca phải được viết sau Phúc Âm Mác và sau khi thành Jerusalem bị thiêu hủy.  Hơn nữa, nếu Phúc Âm Lu Ca được viết sau năm 70, có lẽ tác giả đã không ngần ngại trích dẫn sự kiện thành Jerusalem bị thiêu hủy như là một bằng chứng quan trọng về lời tiên tri của Chúa loan báo Jerusalem bị hủy diệt phải được ứng nghiệm.  Do đó, Phúc Âm Lu Ca có thể đã được viết trước năm 70.

Độc Giả

Phúc Âm Lu Ca được viết cho độc giả không phải là người Do Thái, hoặc những người Do Thái sống tại ngoại quốc.  Sách được đề tặng cho Theophilus, một nhân vật cao trọng (Lu Ca 1:1).

Có vài ý kiến khác nhau về nhân vật Theophilus.  Ý kiến thứ nhất, được đa số các học giả ủng hộ, cho rằng Theophilus là một người ngoại quốc và có lẽ là một viên chức cao cấp người La Mã, hoặc do người La Mã bổ nhiệm.  Ý kiến thứ hai cho rằng nhân vật Theophilus không hẳn là một người ngoại quốc. Theophilus có thể là một người ngoại quốc gốc Do Thái, hoặc người Do Thái chịu ảnh hưởng Hy Lạp nên lấy tên Hy Lạp.  Điều này cũng tương tự như ngày nay nhiều người Việt tại hải ngoại lấy tên ngoại quốc; hoặc người Việt đang sống trong nước nhưng chịu ảnh hưởng của văn hóa mới nên lấy tên ngoại quốc dù vẫn còn sống trong nước.  Ý kiến thứ ba cho rằng chữ Theophilus không dùng để chỉ một nhân vật cá biệt, nhưng ám chỉ một số người. Trong nguyên văn Hy Lạp, chữ Theophilus được viết là Θεόφιλος.Đây là một danh từ kép gồm hai chữ θεός (Đức Chúa Trời) và φιλία (tình yêu hoặc trìu mến).  Chữ Theophilus có thể dịch là tình yêu của Đức Chúa Trời hay người yêu mến Chúa. Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, chữ Theophilus có thể là một danh từ chung, chỉ về những người yêu mến Chúa.

Bố Cục

Nội dung Phúc Âm Lu Ca có thể được chia là bảy phần như sau:

  1. Lời giới thiệu (1:1-1:4)
  2. Sự giáng sinh và thời niên thiếu của Chúa Jesus (1:5-2:52)
  3. Giai đoạn Chúa Jesus chuẩn bị bước vào chức vụ (3:1-4:13)
  4. Chức vụ của Chúa tại vùng Ga-li-lê (4:14-9:50)
  5. Chức vụ của Chúa trong hành trình từ Ga-li-lê đến Jerusalem (9:51-19:27)
  6. Chức vụ của Chúa tại Jerusalem (19:8-21:38)
  7. Sự thương khó, hy sinh và phục sinh của Chúa Jesus (22:1-24:53)

Đặc Điểm

Chữ Phúc Âm, trong nguyên văn Hy Lạp và trong danh từ Hán Việt, có nghĩa là tin mừng.  Phúc Âm Lu Ca là một Phúc Âm nhắc đến niềm vui.  Sách mở đầu với câu chuyện loan báo tin vui về Đấng Cứu Thế sẽ ra đời.  Sách kết thúc với niềm hân hoan về sự thăng thiên của Chúa Jesus.

Niềm vui trong Phúc Âm Lu Ca được thể hiện qua nụ cười (6:21, 6:23), qua yến tiệc (15:23, 15:32), qua những bài thánh ca.  Phúc Âm Lu Ca là Phúc Âm duy nhất ghi lại bốn bài thánh ca Tôn Ngợi (Magnificat – 1:46-1:55), Chúc Tụng (Benedictus – 1:68-1:79), Tôn Vinh (Gloria in Excelsis  – 2:4) và Ngợi Khen (Nunc Dimittis – 2:29-2:32).  Phúc Âm Lu Ca cũng nhấn mạnh đến sự cầu nguyện.  Tác giả ghi lại những lời giảng dạy của Chúa về sự cầu nguyện và chép lại chín lời cầu nguyện của Chúa Jesus.

Tin vui mà Phúc Âm Lu Ca muốn trình bày cho độc giả đó là Đức Chúa Jesus không phải chỉ là cứu tinh của người Do Thái nhưng là Cứu Chúa của cả nhân loại. Tin vui đó khác hẳn với quan điểm của Do Thái giáo dạy rằng người ngoại quốc không được vào nhà của Đức Chúa Trời.  Tác giả cho biết Đức Chúa Trời có chương trình cứu rỗi cho mọi người, thuộc mọi chủng tộc. Tin vui cho toàn nhân loại đó đã được các thiên thần loan báo (2:10),  được Si-mê-ôn nói tiên tri (2:32), và được chính Chúa Jesus công bố (13:29).

Để khích lệ độc giả, là những người ngoại quốc, hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của tin vui này, đồng thời nhằm khuyên họ đón nhận tin vui đó, tác giả đã ghi lại lời khen của Chúa Jesus về người góa phụ tại Sa-rép-ta và đức tin của Na-ha-man, là những người ngoại quốc được ghi lại trong Thánh Kinh Cựu Ước (4:25-4:28).  Chúa Jesus cũng khen đức tin của một sĩ quan La Mã đã khiêm cung cầu xin sự thương xót của Ngài (7:9).

Phúc Âm Lu Ca nhấn mạnh tin vui về chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời không phải chỉ dành cho người quyền thế, học thức, hay giàu có, nhưng cũng dành cho những thành phần thấp kém trong xã hội.  Vào thế kỷ thứ nhất tại Trung Đông, cũng như một số nơi ngày nay, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật và người nghèo thường bị đối xử rất tệ hại.  Phúc Âm Lu Ca cho biết Chúa đến đem niềm vui và hy vọng cho những người yếu kém trong xã hội.  Chúa quan tâm và yêu thương họ. Phúc Âm Lu Ca ghi nhiều câu chuyện liên quan đến việc Chúa quan tâm và cứu giúp phụ nữ (4:38-39, 7:11-17, 7:36-50, 8:2-3, 8:40-56, 10:38-42, 23:27-30). Chúa nhiều lần dùng hình ảnh người nữ trong sự giảng dạy của Ngài (18:1-8, 21:1-4). Tác giả cũng ghi lại tên 13 phụ nữ không được ghi lại trong các Phúc Âm khác. Đối với trẻ em, Phúc Âm Lu Ca cho biết, không những Chúa dành thì giờ tiếp xúc với trẻ em (18:15-17), nhưng Ngài dạy rằng Tin Lành, theo ý của Đức Chúa Trời, sẽ được mặc khải cho trẻ em (10:21). Đối với những người tàn tật, Chúa chữa lành bệnh cho họ (5:11-26, 6:6-11, 18:39-43).  Ngài hiểu những đau thương mất mát mà họ phải cam chịu. Đối với người nghèo, tác giả cho biết Đức Chúa Jesus quan tâm và chăm sóc họ (4:18, 7:22).  Chúa Jesus dạy những người theo Ngài hãy chăm sóc người nghèo và những người bất hạnh trong xã hội (10:25-37, 14:11-13, 16:19-31).

Bên cạnh những người yếu thế trong xã hội, một số thành phần khác bị xã hội khinh miệt cũng được Chúa lưu tâm. Tiêu biểu là cho nhóm người này là những người thâu thuế (5:27-32, 19:1-10), trộm cướp (23:39-43), đĩ điếm (7:36-50) và những người bị bệnh mãn tính (5:12-15, 17:11-19).  Chúa Jesus hiểu nỗi đau của những người này.  Ngài đối xử với họ bình đẳng như những thành phần khác trong xã hội.  Chúa đến để cứu họ ra khỏi tội lỗi, khỏi vũng lầy, khỏi hoàn cảnh đáng thương mà họ đã vướng vào.

Phong Cách

Phúc Âm Lu Ca được viết cho các độc giả không quen thuộc với văn hóa Do Thái.  Để có thể giúp cho độc giả hiểu được vấn đề từ một nền văn hóa khác, tác giả phải là người hiểu rõ cả hai nền văn hóa.  Tác giả Phúc Âm Lu Ca đã hoàn tất công việc này một cách xuất sắc.  Ông đã mô tả sự kiện với cái nhìn của một người có kiến thức, có trình độ chuyên môn và hiểu biết sâu sắc.

Khi viết về thời điểm Giăng Báp-tít bước vào chức vụ, tác giả đã dùng sáu dữ kiện để độc giả đối chiếu: “(1) Năm thứ mười lăm dưới triều Sê-sa Ti-be-rơ, (2) khi Bôn-xơ Phi-lát làm tổng đốc xứ Giu-đê, (3) Hê-rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê, (4) Phi-líp, em vua ấy, làm vua chư hầu xứ Y-tu-rê và Tra-cô-ni, (5) Ly-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-by-len, (6) An-ne và Cai-phe làm thầy tế lễ thượng phẩm, thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng.” (Lu Ca 3:1-2). Trong khi Phúc Âm Ma-thi-ơ và Mác không ghi rõ thời gian Chúa Jesus giáng sinh, tác giả Phúc âm Lu Ca ghi rằng Chúa giáng sinh trong khoảng thời gian Sê-sa Au-gút-tơ ra lệnh thống kê dân số. Mác và Ma-thi-ơ mô tả bệnh tật với ngôn ngữ phổ thông nhưng Lu Ca trình bày bệnh tật với những từ ngữ y khoa.  Mác và Ma-thi-ơ, trong cái nhìn của người Do Thái, gọi Chúa Jesus là Thầy, Lu Ca gọi Ngài là Chúa.    Mác và Ma-thi-ơ, theo ngôn ngữ địa phương, gọi Ga-li-lê là biển; Lu Ca, trong cái nhìn của nhiều người trên thế giới, gọi Ga-li-lê là hồ.  Mác và Ma-thi-ơ chứng minh nguồn gốc của Chúa Jesus liên hệ đến Áp-ra-ham, tổ tiên của người Do Thái; Lu Ca trưng dẫn nguồn gốc của Chúa Jesus liên hệ đến A-đam, tổ phụ của cả loài người.

Với cách trình bày đó, tác giả Phúc Âm Lu Ca giúp độc giả nhận biết Đức Chúa Jesus không phải chỉ là cứu tinh của người Do Thái nhưng là Cứu Chúa của cả nhân loại.

Bản Dịch Việt Ngữ

Theo các sử liệu hiện có, Phúc Âm Lu Ca là sách đầu tiên trong Kinh Thánh được dịch sang tiếng Việt. Jean Pierre Joseph Bonet (1844-1907), giáo sư của trường Ngôn Ngữ Đông Phương tại Paris (Paris School of Oriental Languages), đã dịch Phúc Âm Lu Ca sang chữ quốc ngữ và chữ Nôm vào cuối thập kỷ 1880.  Công trình này được thực hiện với sự bảo trợ của Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (British and Foreign Bible Society).

Sau khi Jean Bonet dịch xong Phúc Âm Lu Ca, Chas Schefer, đại diện của Thánh Kinh Hội tại Paris đã đề nghị in Phúc Âm Lu Ca bằng chữ Nôm trước vì lúc đó số người Việt biết chữ quốc ngữ chưa nhiều. Tuy nhiên do Thánh Kinh Hội không có mẫu chữ Nôm để làm bản kẻm in Kinh Thánh nên Thánh Kinh Hội quyết định phát hành bản dịch chữ quốc ngữ trước.

Bản dịch quốc ngữ được Thánh Kinh Hội xuất bản tại Paris vào năm 1890 với số lượng mười ngàn cuốn. Tựa đề của sách là Lộ-gia Phước Âm.  Sách được phân phối tại Sài Gòn từ năm 1891.  Đến năm 1898 bản dịch quốc ngữ Phúc Âm Lu Ca được Thánh Kinh Hội tái bản lần thứ hai. Và sau đó, cứ khoảng vài năm thì Phúc Âm Lu Ca được tái bản một lần.

Phúc Âm Lu Ca ấn bản năm 1922
(Ảnh: Thư Viện Tin Lành)

Sau khi các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance) đến hoạt động tại Việt Nam, năm 1916 Mục sư và bà William Cadman đã dựa trên bản dịch của Giáo sư Bonet để dịch lại Phúc Âm Lu Ca. Bản dịch này được in thành sách nhỏ để phân phối cho độc giả bên ngoài Hội Thánh. Bản dịch mới của Phúc Âm Lu Ca được phổ biến vào lúc chữ Quốc Ngữ bắt đầu thịnh hành Việt Nam. Với số lượng xuất bản vài chục ngàn cuốn, Phúc Âm Lu Ca có lẽ là một trong những cuốn sách quốc ngữ phát hành với số lượng nhiều nhất vào đầu thế kỷ 20.

Bản dịch Phúc Âm Lu Ca của Mục sư và bà William Cadman sau đó được in trong Thánh Kinh Tân Ước, xuất bản năm 1922, và toàn bộ Kinh Thánh, xuất bản  năm 1925 và 1926.  Đã 94 năm trôi qua, bản dịch Phúc Âm Lu Ca của Mục sư và bà William Cadman vẫn còn được sử dụng rộng rãi cho tới nay.

Bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 năm 2012, Thư Viện Tin Lành sẽ phổ biến loạt bài học Kinh Thánh về Phúc Âm Lu Ca. Mời bạn đọc cùng tham gia.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn