Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / LỄ TẠ ƠN

LỄ TẠ ƠN

Lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ

Tác giả: Mala Powers

“Follow the Year – A Family Celebration of Christian Holidays”

images (10)

Đã hàng ngàn năm qua, trên khắp năm châu, đàn ông, đàn bà và các trẻ em đã tụ tập với nhau để cùng dâng lên lời tạ ơn vào dịp thu hoạch mùa màng. Tinh thần tận tụy và biết ơn này cũng đã hiện diện trong ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Mỹ châu. Câu chuyện của những người di dân Pilgrims, và trong dịp nào họ đã bắt đầu ngày lễ này thật là cảm động.

Giữa những cơn sóng dập vùi và bão tố trên biển cả ngoài khơi bờ biển vùng đông bắc Hoa Kỳ vào một ngày buốt giá 21 tháng 12 năm 1620, 18 người đàn ông đã là những người di dân đầu tiên từ chiếc thuyền mang tên Mayflower đặt chân lên một vùng đất sau này trở thành thành phố Plymouth, tiểu bang Massachussetts. Họ là những người Thanh Giáo từ thành phố Plymouth, vùng Devon, Anh Quốc sang Mỹ Châu để khỏi bị đàn áp  tôn giáo tại quê nhà.

Khoảng mười ngày sau thì phần lớn những người còn lại đã lên đất liền để bắt đầu xây dựng khu định cư của họ. Sau cùng thì họ đã đến được bến bờ tự do, là nơi mà họ có thể thờ phượng Chúa một cách tự do không bị đàn áp và bắt bớ. Cuộc hành trình của họ thật là dài và đầy giông tố. Chiếc thuyền thì vô cùng chật chội, thức ăn và nước uống thì vô cùng khan hiếm. Hầu hết những người này đều ốm yếu và bị nhiều tật bệnh hành hạ.

Trong những tháng đầu tiên trên đất mới, những người di dân này thật là khốn khổ bởi đói khát, bệnh tật và cái lạnh buốt xương của mùa đông ở vùng đông bắc Hoa Kỳ. Khi mùa xuân đến thì gần phân nửa số khoảng 100 người trên chiếc thuyền Mayflower đã chết, những người còn lại thì không còn đủ sức khỏe để bắt đầu trồng trọt hầu cho họ có thể sống sót qua một mùa đông nữa. Tương lai của nhóm di dân này thật là đen tối. Nhưng sự cầu nguyện hàng ngày với Đức Chúa Trời là một cách sống của những người này.

Và sự trả lời của Chúa cho những lời cầu nguyện của họ thật là bất ngờ. Một ngày vào giữa tháng ba, một người thổ dân da đỏ bước vào khu định cư và nói với những người này bằng chính tiếng của họ rằng, “Tôi tên là Samoset, xin kính chào các bạn.” Samoset, một người da đỏ Abaki từ vùng đất sau này là tiểu bang Maine, đã học tiếng Anh từ những người giao thương với bộ lạc của anh. Anh đã làm bạn với những người di dân này và sau đó đã đem thêm bạn của anh tên là Tisquantum, “Squanto” đến để giúp đỡ. Squanto cũng biết nói tiếng Anh và anh đã kể chuyện của anh cho các người Pilgrims nghe.

Vài năm trước đây, Squanto đã bị bắt cóc bởi một thuyền trưởng người Anh và bị đem về Anh Quốc. Tai đây anh được tiếp đãi tử tế song anh thường mơ ước được trở về quê hương. Sau nhiều chuyến phiêu lưu thì anh trở về châu Mỹ nhưng lại bị bắt cóc một lần nữa và lần này bị bán làm nô lệ tại Tây Ban Nha.

May mắn thay người chủ nô của anh lần này lại là những người Cơ Đốc Friars và họ đã dạy cho anh về Tin Lành của Chúa. Sau nhiều năm anh đã trở về lại vùng đông bắc nước Mỹ nhưng bộ lạc của anh ngày xưa đã bị hủy diệt hoàn toàn vì một cơn bệnh dịch.

Từ khi anh Squanto đến với những người di dân Pilgrims này, anh và họ không rời nhau nửa bước và anh đã hội nhập vào tôn giáo của họ. Anh dạy cho họ cách sống sót trong đồng không mông quạnh, cách trồng và xay bắp, cách trữ các trái cây dư dả trong mùa hè và cách săn bắt thú và câu cá. Chính anh cũng đã giúp cho nhóm người Pilgrims này đạt được một hiệp ước sống chung hòa bình với Trưởng bộ lạc da đỏ Wampanoag tên là Massassoit. Theo như William Bradford, một trong những thống đốc đầu tiên của vùng đất này, thì Squanto chính là “… một công cụ đặc biệt đến từ Chúa để giúp đỡ cho những người di dân này vượt qua cả những ước vọng của họ.”

Mùa thu ở vùng đông bắc Hoa Kỳ là một mùa thật đẹp và sự thu hoạch bắp đầu tiên của nhóm người di dân thật là dư dật. Trong tinh thần biết ơn Chúa, họ quyết định tổ chức một ngày Lễ Thu Hoạch của Lòng Biết Ơn và cử Squanto đi mời Trưởng bộ lạc Massassoit đến ăn mừng với họ.

Trong ngày lễ này vào năm 1621, thuộc địa nhỏ bé này gồm có khoảng 60 người đàn ông, đàn bà và trẻ con tụ họp lại để chào mừng khách của họ. Hãy tưởng tượng ra sự ngạc nhiên của họ khi Trưởng bộ lạc Massassoit đến, dắt theo khoảng 90 người da đỏ, mặc áo quần bằng da thú và lông con gà tây. Làm sao họ có thể có đủ thức ăn cho chừng này người được? Ông Massassoit bèn ra hiệu cho những người da đỏ, họ bèn xông vào rừng và trong chốc lát trở về với 5 con nai rừng. Thế là cả hai nhóm cùng nhau nướng thịt nai và ăn uống tưng bừng với nhau.

Ngày này ấm áp và nắng đẹp; ngoài thịt nai ra họ còn có thịt gà tây, vịt rừng và ngỗng; tôm hùm, lươn, sò hến và bắp nướng. Có nhiều quả man việt quất (cranberries), nước táo, maple syrup để chan lên những cái bánh bằng bắp do các bà nấu. Thật là một bữa tiệc ăn mừng mùa thu hoạch thành công và bữa tiệc này kéo dài đến ba ngày.

Ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên này được cho là được tổ chức vào tháng 10 và cho đến ngày nay ngày lễ Tạ Ơn ở Canada được tổ chức trong tháng 10. Những người Pilgrims ở vùng đông bắc và con cháu của họ ăn mừng ngày này vào những ngày khác nhau tùy theo năm. Vào năm 1863 Tổng Thống Abraham Lincoln công bố “Một ngày của Sự Tạ Ơn” nhằm ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11. Từ đó ngày này trở thành ngày lễ Tạ Ơn toàn quốc hàng năm tại Hoa Kỳ.

Tôi cầu nguyện rằng ngay từ hôm nay chúng ta sẽ chuẩn bị tấm lòng của chúng ta cho ngày lễ Tạ Ơn này. “Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi” Phi-líp 1:3.

Nguyễn Đức Tín phỏng dịch

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn