Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / LÒNG TRẮC ẨN

LÒNG TRẮC ẨN

LÒNG TRẮC ẨN – MONO NO AWARE – COMPASSION

Mục sư Tiến sĩ Christian Phan Phước Lành

phanphuoclanh

Tôi bắt đầu thích hoa Anh Đào từ khi được đến vùng Thủ Đô Washington quản nhiệm nhà thờ.  Lần đần tiên được các bạn thanh niên dẫn đi dọc theo bờ sông Potomac để ngắm xem loại hoa này dưới cơn nắng vàng ánh đầu xuân thật tuyệt vời làm sao!  Ngắm những cánh hoa Anh Đào (Sakura) nở rộ tuyệt đẹp trong Mùa Xuân liên tưởng đến Mùa Chay, Chúa Giê-su chịu khổ nạn, đưa chúng ta về lại với ý nghĩa triết lý sâu sắc của ba chữ Lòng Trắc Ẩn.

ĐỊNH NGHĨA

Cụm từ “lòng trắc ẩn” không phải dễ dàng định nghĩa.  Dầu vậy để tóm gọn ý nghĩa của cụm từ này, tôi xin tạm đưa ra một định nghĩa như sau.  Lòng trắc ẩn là tình cảm thương xót trước cảnh khốn khổ và vô thường của nhân loại hay những tạo vật khác.  Nó phản ảnh lòng yêu thương vô điều kiện của Thượng Đế tiềm tàng kín đáo trong tâm hồn của mỗi con người.

TÍNH CHẤT CỦA LÒNG TRẮC ẨN

Lòng trắc ẩn là thực hữu.  Lòng trắc ẩn không phải là cảm xúc (emotional feelings), nó là một sự hiện hữu đích thực trong tâm hồn của nhân loại.  Nó là một món quà thiêng liêng đã được đặt trong tâm hồn con người.  Nó không đến rồi đi hoặc là nay có mai không.

Lòng trắc ẩn là một tiến trình.  Lòng trắc ẩn được gieo vào tâm hồn con người như là một hạt giống sống động, cần được nẩy chồi, tăng trưởng và kết quả.  Thể hiện lòng trắc ẩn khiến con người trở nên quảng đại hơn, bao dung hơn và cao lớn hơn so với thân thể nhỏ bé giới hạn của mình.  Vì thế chúng ta cần phải nuôi dưỡng, phát huy và làm lớn lên lòng trắc ẩn trên trong tâm hồn chính mình.

Lòng trắc ẩn là hành động tận hiến.  Ai cũng có lòng thương cảm, nhưng lòng trắc ẩn vượt lên trên lòng thương cảm, đó là hành động tận hiến, thậm chí “phó sự sống mình” vì người khác.  Hành động tận hiến là làm điều lành trổi hơn những gì mà khả năng chúng ta có thể làm được và không đòi hỏi sự hoàn trả dù ở dưới bất cứ hình thức nào.

Lòng trắc ẩn là đỉnh cao của lòng yêu thương.  Tình yêu thương luôn ngự trị trong tâm hồn nhân loại.  Tiếng Hy-lạp, ngôn ngữ của Kinh thánh Tân ước và triết học, có bốn từ dùng để diễn tả tình yêu thương.  (1) Eros là tình yêu nam nữ, tình yêu lãng mạn, đây là loại tình yêu làm đầu đề cho nhiều bài văn, thơ và nhạc trong mọi thời đại; (2) Storge là tình yêu tự nhiên, còn được gọi là tình yêu gia đình, yêu cha, yêu mẹ, yêu anh chị em, yêu người thân thuộc; (3) Phileo là tình yêu bằng hữu, tình yêu nhân loại; (4) Agape là tình yêu vô điều kiện đã được thể hiện qua tình yêu của Cứu Chúa Giê-su yêu thương và hi sinh cho nhân loại.  Tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đã tuôn chảy vào lòng trắc ẩn của con người.  Với một tác động mới của tình yêu vô điều kiện, lòng trắc ẩn được thăng hoa đến giá trị đích thực của nó: “yêu người lân cận như chính mình” (Mác 12:31) và hơn thế nữa là “yêu kẻ thù” (Ma-thi-ơ 5:44).

Lòng trắc ẩn là vô hạn.  Con người nhỏ bé trong thể xác nhưng tình yêu thương thì vô bờ.    Lòng thương xót được lớn dần lên theo thời gian và biên giới của lòng trắc ẩn trong con người là vô cùng.  Khi bạn ban phát tình yêu thương thì tâm hồn bạn lại càng tràn ngập tình yêu thương.  Càng ban cho tình yêu thương thì tình yêu thương trong bạn lại càng nhiều hơn.  Đây là sự mầu nhiệm của lòng trắc ẩn.

MONO NO AWARE

Người Nhật sống với một triết lý rất đặc thù: “Mono no aware.”  Chính triết lý này đã hình thành những con người Nhật Bản chịu đựng, hy sinh, tận hiến…

Tiếng Nhật chữ “mono” nghĩa là “vạn vật” và chữ “aware” nghĩa là “nhạy cảm,” “thương cảm” hay “thương xót.”  Cụm từ “mono no aware” tạm dịch là “Lòng trắc ẩn cho vạn vật.”  Triết lý này bắt nguồn từ sự nhận diện về vạn vật là vô hảo và vô thường (không trọn vẹn và không vĩnh cửu).  Vạn vật xung quanh là vô hảo và vô thường cho nên ta cần quan tâm cách chân tình cộng với hành động cách đặc biệt.

Triết lý này cũng được khoát lên cho cành đào mong manh “thoắt nở thoắt tàn.”  Cái đẹp tuyệt đỉnh của hoa Anh Đào không phải là lúc cánh hoa đầy hương sắc mà là khi nó tàn vì nó đã cống hiến trọn vẹn ý nghĩa của nó mặc dầu sự hiện hữu của nó chỉ trong một thời gian rất ngắn.  Với Người Nhật, hoa Anh Đào tượng trưng cho biểu tượng của “con đường chết vinh,” tinh thần võ sĩ đạo của các Samurai.  Sống tận hiến như hoa Anh Đào và chết trong khoảnh khắc như hoa Anh Đào.

Trong ý nghĩa này vạn vật thật sự tuyệt đẹp khi hiện hữu đúng mục đích của nó vì ích lợi của người khác.  Như vậy, âm thanh hay không phải ngay lúc nó vừa phát tiếng mà chính là lúc nó phai nhạt dần, chiếc lá đẹp không phải là lúc nó màu xanh trong mùa xuân mà là khi nó đã vàng úa trong mùa thu, trăng đẹp không phải là lúc trăng tròn giữa tháng mà là khi trăng tàn cuối tháng, hoa đẹp không phải là lúc hoa kheo sắc thắm mà là khi hoa đã hoàn tất giai đoạn cống hiến hương thơm sắc thắm cho cuộc đời, người đẹp không phải là ở tuổi thanh xuân mà là khi người giã từ cuộc đời như là một con người hoàn tất một cuộc hành trình đầy ý nghĩa.  Cuối cùng của đời người là tuyệt đỉnh của vẻ đẹp mà một cuộc đời đó đã trãi qua.  Như vậy, sống một cuộc đời tận hiến thật có giá trị biết là chừng nào.  Tục ngữ cũng có câu “cọp chết để da, người ta chết để tiếng thơm.”  Thế mới thấy các cụ càng ngày càng đẹp, đặc biệt là những đời sống làm gương, tận hiến, trung kiên…  Con người bên ngoài tuy yếu dần nhưng con người bên trong thì luôn toả ngát mùa thơm của ý nghĩa một đời người!

LÒNG TRẮC ẨN CỦA THIÊN CHÚA

Một trong những bản chất của Thượng Đế là lòng trắc ẩn.  Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi ở trong tâm hồn mỗi con người, tạo vật của Ngài, cũng chan chứa lòng trắc ẩn.  Sách Thi-thiên 86:15 “Lạy Chúa, chính Ngài là Đức Chúa Trời có lòng thương xót và hay ban ơn; Chậm nóng giận, đầy tình yêu thương và thành tín.”

Lòng trắc ẩn của Thiên Chúa được bày tỏ qua Chúa Cứu Thế, Thiên Chúa Ngôi Hai giáng trần.  Đức Chúa Giê-su khởi hành chức vụ khi Ngài ba mươi tuổi.  Ngài đi khắp các thành phố, làng mạc để dạy dỗ Chân Lý Đạo Trời, giảng Phúc Âm Cứu Rỗi trong những nhà hội (nhà thờ của Người Do-thái), chữa bệnh cho dân chúng, đuổi quỉ và thể hiện nhiều phép lạ.  Khi thấy đoàn dân đông đi theo thì Ngài động lòng thương xót vì họ khốn khổ và tan lạc (Mathiơ 9:36).  Trong câu chuyện Chúa Giê-su thực hiện phép lạ hóa bánh cho trên năm ngàn người ăn bày tỏ lòng trắc ẩn của Ngài.  Ngài từ thuyền bước lên bờ, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót (lòng trắc ẩn), mà chữa cho người bệnh được lành (Ma-thi-ơ 14:14).

Cuộc đời của Chúa Cứu Thế như cánh hoa đào, tận hiến chính mình cho mọi người.  Ngài là bản thể Thiên Chúa, nhưng chính Ngài tự bỏ mình, mang lấy bản thể của một tôi tớ, trở nên giống như loài người, có hình dạng như một người.  Ngài đã tự hạ mình xuống, chịu vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập tự giá.  Chức vụ ba năm trên đất ngắn ngũi của Ngài đã nở rộ tình yêu thiên thượng và sự cứu rỗi vô giá đến cho nhân loại.  Ngài đã hi sinh.  Sự hi sinh của Ngài tuyệt đẹp, đẹp hơn cả những phép lạ, việc lành, chữa bệnh mà Ngài đã thực hiện cho mọi người trong ba năm chức vụ.

LÒNG TRẮC ẨN TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN TRONG KINH THÁNH


Người Sa-ma-ri Nhân Lành – Good Samaritan
.  Chắc bạn cũng đã từng nghe câu chuyện nổi tiếng này.  Chúa Giê-su kể: Một người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, lâm vào tay bọn cướp. Chúng lột hết áo quần, đánh đập, rồi bỏ đi, để người đó dở sống dở chết.  Nhằm lúc ấy, một vị tế lễ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân, thì đi tránh qua bên kia đường.  Tương tự như thế, một người Lê-vi đến nơi, thấy vậy, cũng tránh qua bên kia đường.  Nhưng một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân, động lòng thương xót (lòng trắc ẩn), áp lại, băng bó vết thương, thoa dầu, bóp rượu; rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, chở đến quán trọ săn sóc.  Hôm sau, người ấy lấy hai đồng đê-na-ri đưa cho chủ quán và dặn: “Hãy hãy săn sóc nạn nhân, tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả cho!” (Luca 10:30-35).  Lòng trắc ẩn của người Sa-ma-ri nhân lành dành cho người lân cận mình.

Người Con Trai Hoang Đàng.  Một người kia có hai con trai.  Đứa em thưa với cha: “Cha ơi, xin cha cho con phần tài sản của con.”  Người Cha chia gia tài cho các con.  Chẳng bao lâu, đứa em thu hết tài sản, lên đường đi đến một nơi xa, ở đó ăn chơi trác táng, tiêu sạch gia tài mình.  Khi nó đã tiêu hết tiền, cả xứ ấy bị nạn đói trầm trọng, nên nó bắt đầu túng ngặt.  Nó đi làm thuê cho một người dân bản xứ, và được sai ra đồng chăn lợn.  Nó mơ ước được ăn vỏ đậu lợn ăn để lấp đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.  Nó tỉnh ngộ, tự nhủ: “Bao nhiêu kẻ làm thuê của cha ta đều có bánh ăn dư dật, mà nơi đây ta lại đang chết đói.  Ta sẽ đứng dậy đi về với cha ta và thưa: Cha ơi, con đã phạm tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa. Xin cha coi con như là một người làm thuê của cha.”  Rồi nó đứng dậy, trở về với cha mình. Nhưng khi nó còn ở đàng xa, người cha thấy nó thì động lòng thương xót (lòng trắc ẩn), liền chạy ra ôm cổ nó mà hôn.  Người con thưa: “Cha ơi, con đã phạm tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa.”   Nhưng cha nó bảo các đầy tớ: “Hãy mau mau đem áo dài đẹp nhất mặc cho cậu, đeo nhẫn vào tay, mang dép vào chân.  Cũng hãy bắt con bò tơ mập làm thịt để ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà tìm lại được.”  Vậy họ bắt đầu ăn mừng (Luca 15:11-24).  Lòng trắc ẩn của người cha dành cho con mình.

Ao ước mỗi chúng ta cũng quyết tâm làm thăng hoa lòng trấc ẩn trong tâm hồn mình thể hiện qua đời sống yêu thương và tận hiến theo gương của Chúa Cứu Thế Giê-su kính yêu.

Mục sư Tiến sĩ Christian Phan Phước Lành

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn