Thứ Bảy , 11 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / SỬ DỤNG THỜI GIAN

SỬ DỤNG THỜI GIAN

Kay-and-Chuck-Smith

(Tác giả Kay Smith và phu nhân)

Mỗi năm vào ngày sinh nhật của mình, tôi dành thời gian đầu tiên trong ngày để đọc câu Kinh Thánh:

Kìa, Chúa khiến ngày giờ tôi dài bằng bàn tay,
Và đời tôi như không không trước mặt Chúa;
Phải, mỗi người, dầu đứng vững, chỉ là hư không
(Thi thiên 39:5)

Tôi cho rằng nhắc nhở chính mình về sự thật này là một viêc cần làm. Nhưng sau đó Đức Chúa Trời khắc ghi một ấn tượng khác trong lòng tôi ở câu Kinh Thánh trước đó:

Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết cuối cùng tôi,
Và số các ngày tôi là thể nào;
Xin cho tôi biết mình mỏng mảnh là bao. (Thi thiên 39:4)

Trong chú thích tham khảo bên lề Kinh Thánh của tôi. Cụm từ biết mình mỏng mảnh là bao, tôi chú thích: Những thì giờ nào tôi có. Nói cách khác câu này được hiểu là: Lạy chúa, xin cho tôi biết những thì giờ nào tôi có. Bản Kinh Thánh The Living Bible dịch câu này: Lạy Chúa xin giúp con cách tổng kết thời gian của con trên trái đất này. Đó chính là những gì David đang cầu nguyện. Ông ta đang hỏi Đức Chúa Trời hãy cho ông biết số ngày của cuộc đời ông.

Bạn không cầu nguyện tương tự như thế sao? Tôi ước gì Chúa có thể cho tôi biết chính xác còn bao lâu nữa tôi sẽ ra đi khỏi thế giới này. Kay, con chỉ còn có 10 ngày. Con chỉ còn có 10 năm, hay thậm chí ngắn hơn: Con chỉ còn có 5 phút trên thế giới này. Đức Chúa Trời đang phát đi những tín hiệu cảnh báo chúng ta về thời gian. Chúng ta thực sự không có nhiều thời gian trên mặt đất này.

CÁC DẤU HIỆU CỦA NHỮNG NGÀY SAU CÙNG

Hãy mở ra trong 2 Phi-e-rơ chương 3 chúng ta sẽ được Chúa dạy bảo về tình hình của thế giới trong những ngày sau cùng. Lúc âý nhiều người sẽ mê ăn uống, sống theo tư dục của mình. Họ quên mất Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên các từng trời và mặt đất. Rồi chúng ta đọc thấy trong câu 11 và 12:

Vì mọi vật đều phải bị hủy diệt như thế, nên anh em càng phải sống cuộc đời thánh khiết và tin kính, trong lúc nóng lòng trông đợi ngày của Đức Chúa Trời mau đến. Đó là Ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu đốt và hủy diệt, các nguyên tố sẽ bị tan chảy trong lửa!

Từ hủy diệt được dùng 2 lần trong phân đoạn này. Hiển nhiên là Đức Chúa Trời nhắc chúng ta biết rằng tất cả mọi thứ cuối cùng sẽ bị tiêu tan trong lửa. Không còn gì tồn tại mãi mãi chỉ trừ linh hồn chúng ta. Chỉ có những gì chúng ta làm cho Ngài – đó không phải là gỗ, cỏ khô, rơm rạ nhưng là vàng tinh khiết đã được thử nghiệm qua lửa sẽ còn lại đời đời. Đây chính là những gì Đức Chúa Trời đang cảnh báo.

Những thảm họa thiên nhiên cũng là một cảnh báo khác từ Đức Chúa Trời. Núi lửa phun, động đất, bão lớn, lụt lội, lở đất, những đám cháy lớn… nói lên một điều là con người bất lực không thể kiểm soát nổi chúng. Những điều đó cảnh báo cho chúng ta biết đây là những ngày sau cùng.

Tình hình kinh tế bấp bênh cũng là dấu hiệu của sự cảnh báo. Giá nhiên liệu đang ở mức cao nhất và không có dấu hiệu là sẽ bình ổn một mức giá hợp lý. Có phải gần đây bạn vừa mới mua một đôi giày? Tôi cho rằng nhiều bà mẹ có ba hay bốn đứa con cũng không dễ dàng gì mua cùng lúc giày đi học cho các cháu. Mọi thứ có vẻ khó khăn hơn trong những ngày sau rốt.

Chiến tranh đương nhiên là một dấu hiệu của thời kỳ cuối cùng. Đức Chúa Jesus phán:

Vì dân nầy sẽ nổi lên nghịch với dân khác, nước nọ chống đối nước kia; đói kém, động đất xảy ra ở nhiều nơi.
Tất cả những điều nầy chỉ là khởi đầu của các cơn đau chuyển bụng (Ma-thi-ơ 24:7-8)

Đất nước của chúng ta đang tham chiến tại Trung Đông. Y¬-sơ-ra-ên thường xuyên đánh nhau với quân du kích Héc-bô-la ở Le-ba-non. Bắc Triều Tiên thử tên lửa hạt nhân ở miền duyên hải phía Tây đất nước họ. I-Ran bị nghi nghờ chương trình hạt nhân của họ là để sản xuất vũ khí hạt nhân. Và đất nước này không che giấu ý định là sẽ hủy diệt cả Y-rơ-ra-ên và Hoa-Kỳ. Trong bối cảnh thế giới như vậy, bạn không thể không thấy là chúng ta đang ở trong thời kỳ sau cùng.

Đức Chúa Trời không bao giờ hủy diệt một xã hội mà Ngài lại không cảnh báo cho xã hội đó. Trong thời của Nô-Ê, những người cùng thời với ông đã nhìn thấy ông đóng tàu trong suốt thời gian trên một trăm năm. Cùng lúc đó Nô-ê giảng đạo công bình và báo động rằng nước lụt sẽ đến. Ngày hôm nay cũng tương tự như thế. Đức Chúa Trời đang cảnh báo rằng sự hủy diệt đang đến rất gần.

ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN GÌ?

Trong 2 Phi-e-rơ 3 có một câu hỏi. Điều gì là quan trọng nhất cho Cơ đốc nhân trong những ngày sau cùng? Loại người nào mà bạn phải trở thành? Nói một cách khác thời gian chúng ta ở trên đất rất ngắn và Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải làm gì với số thời gian đó? Nếu tôi có 20 năm, vài tháng hay vài tuần, hoặc thậm chí là vài giờ còn ở lại trên đất này. Đức Chúa Trời muốn tôi phải làm gì trong khoảng thời gian đó?

Giả định là Chúa Jesus đến với Hội Thánh Ngài ngay bây giờ. Bạn muốn khi Ngài đến thì bạn đang làm gì? Bạn có muốn là bạn đang cầu nguyện? làm chứng? hay là bạn đang tắm cho em bé, nấu bữa ăn tối hay làm việc trong văn phòng? Thái độ nào bạn có trong tấm lòng bạn?

Càng ngày càng có thêm nhiều lời tiên tri được ứng nghiệm trong những năm qua. Sự nhận thức rằng Đức Chúa Trời có thể trở lại bất cứ lúc nào đã khuấy động tôi đặt ra những câu hỏi này. Và kể từ khi đọc đoạn Kinh Thánh 2 Phi-e-rơ 3, điều này trở nên sáng tỏ hơn cho tôi. Trước thực tế đó chúng ta phải siêng năng trong mục vụ, giữ gìn đời sống thánh khiết. Chúng ta phải có một nếp sống chuẩn mực để làm vui lòng Đức Chúa Trời. Nói một cách chính xác thì điều đó nghĩa là gì? Nó có nghĩa điều ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời của chúng ta là sống để làm vui lòng Đức Chúa Trời.

Tôi được nghe một câu chuyện minh họa về thái độ này. Có một lần Ramona Jensen một nhà truyền giáo được mời đến nói chuyện với sinh viên của Trường Kinh Thánh Evangelical Sisterhood of Mary tại Darmstar, Đức. Vào lúc đó Ramona 28 tuổi. Khi cô đến, một người phụ nữ trạc 60 tuổi ra đón và yêu cầu được mang giúp hành lý của cô. Ramona lịch sự: Ồ không tôi tự di chuyển hành lý được. Nhưng người phụ nữ trả lời: Tôi sẵn sàng giúp cô. Hãy để cho tôi làm. Và thế là người chị em lớn tuổi này giúp Ramona mang hành lý đến phòng lễ tân của Trường. Và đang khi hai người cùng đi với nhau, người chị em này bắt đầu phỏng vấn Ramona về sở thích của cô ấy. Ramona thích màu gì nhất? Loại hoa nào ưng ý nhất? Thích loại thức uống nào? Đâu là đoạn Kinh Thánh mà Ramona thích nhất? Người chị em lớn tuổi giới thiệu với Ramona những người mà họ gặp bên ngoài hành lang. Ramona ghi tên mình vào sổ của phòng lễ tân và nói chuyện xã giao với những người mới quen. Sau đó cô được đưa về phòng. Khi Ramona bước vào phòng cô nhận thấy có một người nào đó đã vào phòng trước và chuẩn bị mọi thứ theo sở thích của cô. Màu của chiếc khăn tắm chính là màu cô ưa thích được chuẩn bị sẵn sàng móc lên giá đỡ trên tường. Một bình hoa trên bàn đúng là loại hoa mà cô thích. Bên cạnh bình hoa là loại nước uống cô thích- một bình trà vẫn còn đang bốc hơi. Và có cả một cái khung trên tường với một đoạn Kinh Thánh viết bằng tay – đúng là đoạn Kinh Thánh cô thích. Nhưng sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Khi cô đi xuống phòng ăn chuẩn bị ăn tối. Romona đã dễ dàng nhận ra chỗ ngồi của mình, chung quanh đĩa thức ăn của cô là những vòng hoa và sô-cô-la cô ưa thích. Và khi cô ngồi xuống chuẩn bị ăn thì những người trong phòng đứng dậy hát bài: “Cầu xin Chúa chúc phước cho bạn Ramona”.
Ramona đã rất phước hạnh trong suốt một tuần lễ ở đó. Trước khi cô ra đi, Ramona được tặng một quyển sách nhỏ. Và khi cô đọc nó trên phi cơ, Ramona nhận ra một điều: Cô được đối xử vô cùng lịch sự không phải vì cô là Ramona. Nhưng tất cả các diễn giả tới Trường Kinh Thánh đó đều được đối xử như thế. Ramona hiểu rằng họ đã làm điều đó để làm vui lòng Đức Chúa Trời .

LÀM VUI LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI

Làm vui lòng một người nào có nghĩa là làm cho người đó cảm thấy phấn khích, thỏa mãn, hài lòng. Khi mục đích của chúng ta là làm vui lòng Đức Chúa Trời chúng ta sẽ tổ chức kiểm soát các hành động của mình và đánh giá xem những hành động đó có làm vui lòng Đức Chúa Trời hay không? Hành động của chúng ta làm không phải chỉ vì vâng phục lời Chúa. Chúng ta làm điều đó phải là thái độ của tình yêu. Hai điều này có sự khác nhau rõ rệt. Nếu bạn có con cái, bạn biết là chúng có thể vâng phục bạn bằng cách dọn dẹp rác rưởi để khỏi bị la mắng, cùng lúc đó chúng vẫn tiếp tục vung vãi rác trên những lối đi khác. Rồi một buổi sáng kia bạn nhìn thấy rác được dọn sạch chỉ để làm vui lòng bạn. Bạn sẽ biết có sự khác biệt ở đó. Và Đức Chúa Trời cũng muốn như thế.
Đôi khi chúng ta có những ý tưởng lạ lẫm về những gì có thể làm Đức Chúa Trời vui lòng. Chúng ta không hiểu rằng ngay cả những việc nhỏ nhất nhưng nếu chúng ta trung tín thực hiện để làm vinh hiển danh Chúa thì vẫn làm Chúa vui lòng. Amy Carmichael, là người đã dành toàn bộ cuộc đời mình để phục vụ tại Ấn Độ, kể chuyện về một buổi tối đặc biệt tại một trại trẻ mồ côi mà cô đã thành lập. Vào trước giờ đi ngủ của đêm hôm đó vẫn còn có 5 em bé có nhu cầu thay tả lót, uống sữa, ăn thức ăn mềm và chăm sóc chúng. Một chị em đang trông nom chúng. Nhưng khi chuông nhà thờ reo báo hiệu giờ nhóm sắp đến. Người chị em này phải bỏ lại những đứa trẻ đang có nhu cầu chăm sóc để đến với buổi nhóm. Cô ấy nói: Đã đến giờ tôi phải đi nhóm với Hội Thánh.Và thế là Amy Carmichael phải ở lại với 5 em bé để phục vụ chúng. Cô biết có sự khác biệt giữa việc vâng phục nội qui và làm vui lòng Đức Chúa Trời. Làm một điều nào đó trong một thời điểm cấp bách chỉ để làm vui lòng Đức Chúa Trời chắc chắn khác với việc phải làm vì sự phân công của tổ chức.

Lần đầu tiên khi tôi bắt đầu hiểu sự khác biệt này. Tôi bắt đầu tự vấn: Tôi đang sống cho điều gì? Tôi đặt mọi điều phải đi qua một bộ lọc: Điều này có làm vui lòng Đức Chúa Trời hay không? Đây không phải là một khải thị mới cho bạn và tôi. Nó giống như một sự thay đổi tư duy, đó là toàn bộ đời sống của tôi, tôi muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời. Bạn biết điều đó có nghĩa gì? Một ngày nào đó chúng ta thực sự muốn làm vui lòng Đức Chúa Trời và rồi một ngày khác chúng ta lại phàn nàn kêu ca vì buộc phải vâng phục.

Tôi tin rằng hầu hết chúng ta là những Cơ đốc nhân bất nhất. Tôi muốn nói rằng có lúc chúng ta vâng phục Lời Chúa và có lúc chúng ta bất phục. Rồi một ngày kia chúng ta khám phá một lẽ thật quan trọng về Đức Chúa Trời và mọi điều trong cuộc sống chúng ta xoay quanh lẽ thật này. Điều này đã đến với tôi khi tôi và Chuck khởi sự chức vụ hầu việc Chúa – mọi thứ đều là đức tin. Chúng tôi không có tiền bạc gì nhưng Đức Chúa Trời đã cung cấp mọi nhu cầu. Vào lúc đó tôi nghĩ đức tin là điều lớn nhất mà bạn phải có khi bước đi với Chúa. Vì vậy tôi thường kiểm tra mọi người tôi gặp xem họ có đức tin hay không? Họ có thể có những điều khác ngoài đức tin, nhưng với tôi những điều khác của họ là không thành vấn đề.
Rồi một ngày kia tôi khám phá tình yêu. Thế là tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất và những cái khác chỉ là thứ yếu. Và tôi bắt đầu thách đố mọi người xem họ có tình yêu hay không? Họ có yêu mến người khác? Họ có yêu mến Đức Chúa Trời?
Sau đó tôi khám phá về sự vâng phục. Và rồi cái chu kỳ này lại tiếp tục.
Sau đó tôi bắt đầu hiểu rằng đời sống Cơ đốc nhân giống như một cây cảnh bạn đem về nhà và bạn phải chăm sóc chúng. Bạn nói: Tôi biết rằng cái cây này cần nước hơn bất cứ một thứ gì khác. Và rồi sáng, trưa, chiều, tối bạn đều tưới nước cho nó. Và điều tệ hại nhất đã xảy ra: Nhiều cây bị chết vì bạn đã tưới quá nhiều nước.
Bây giờ bạn lại bước sang một nhận thức khác. Bạn nói: Tôi cho rằng cây này cần ánh sang. Vì vậy bạn đặt nó tại một nơi mà có nhiều ánh sáng nhất trong ngôi nhà của bạn. Ánh nắng mặt trời chói chang làm lá nó úa vàng và chẳng bao lâu nó thành ra một cây khô. Đến lúc này bạn nói: Đất. Cây này cần loại đất tốt.

Sự thật là cây của bạn cần tất cả những điều này: không khí, nước, ánh sáng và đất tốt. Nó không thể chỉ cần một yếu tố duy nhất và loại bỏ những yếu tố khác. Câu hỏi thực sự về cái cây đó là: Nó có mặt trong nhà bạn để làm gì? Đó chính là đem niềm vui thú đến cho bạn và cho những ai bước vào trong ngôi nhà của bạn. Mục đích của cái cây chính là làm đẹp cho ngôi nhà của bạn. Không ai đi mua một cây hoang dại, đầy bụi bặm, hôi hám về đặt ở giữa bàn trong phòng khách bao giờ.

VÌ SỰ THỎA LÒNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Tôi càng suy nghĩ về ý tưởng này thì Đức Chúa Trời càng gia tăng sức mạnh trong lòng tôi. Ngài xác nhận điều này trong tôi rất rõ ràng khi tôi tản bộ chung quanh căn nhà và hát vang bài Thánh ca ngợi khen Chúa: “Ngài thật xứng đáng để ca ngợi, Ngài đã sáng tạo nên muôn vật và ấy là vì sự vui thích của Ngài mà muôn vật đã được dựng nên”. Thình lình tôi nhận ra trong lời ca ấy có một thực tế sinh động: Tôi đã được dựng nên vì sự thỏa lòng của Đức Chúa Trời. Tôi dừng lại và suy gẫm về điều này. Trong suốt nhiều năm khi tuổi còn thơ ấu tôi luôn suy nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu Chúa đặt để tôi trong một gia đình cơ đốc? Đời sống tôi có thể đã hoàn toàn khác biệt. Nhưng Ngài đã có một kế hoạch khác cho tôi. Và kế hoạch ấy là đời sống tôi phải mang lại niềm vui thỏa cho Ngài. Đó quả thực là một ý tưởng sâu sắc: Tôi được dựng nên để làm vui lòng Đức Chúa Trời.
Và bạn cũng như tôi. Chúng ta được dựng nên để làm vui lòng Đức Chúa Trời. Tại sao lại như thế? Tại sao Chúa quyết định như thế? Tôi không biết. Và có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết. Nhưng Lời Chúa bày tỏ rõ ràng là chúng ta được tạo dựng để làm vui lòng Ngài.

Tôi phấn chấn với sự mặc khải này, tôi quay về với phần Kinh Thánh trong Khải huyền 4:11 là ý tưởng chủ đạo của bài Thánh Ca. Tôi đọc lại câu này nhiều lần trong những bản dịch Kinh Thánh khác mà tôi đang có ở trong nhà. Tôi cảm biết tôi được soi sáng và chúc phước từ những lời này thật nhiều. Lời này trở nên sinh động trong kinh nghiệm cá nhân của tôi và tôi nhận thức sâu sắc là toàn bộ quãng thời gian còn lại của đời sống, tôi phải tập chú cho điều này. Đó là đường lối mà Đức Chúa Trời muốn tôi sống và nó phải là điều ưu tiên nhất trong tâm trí tôi.

“Lạy Chúa là Đức Chúa Trời của chúng con,
Chúa xứng đáng nhận vinh quang, danh dự và quyền năng,
Vì Chúa đã sáng tạo vạn vật,
Và vì sự vui thỏa của Ngài, mà vạn vật hiện hữu và được sáng tạo.” Khải 4:11 (Bản Kinh Thánh KING JAMES VERSION)

Đó chính là sự thật từ buổi ban đầu. Vì sự vui lòng của Chúa mà Adam và Eve được tạo nên. Nhưng đáng tiếc họ đã chọn hướng đi làm vui lòng chính họ thay vì làm vui lòng Đức Chúa Trời. Hậu quả là mối tương giao của họ với Đức Chúa Trời bị sụp đổ từ buổi ban đầu. Tội lỗi và đau khổ đương nhiên tháp tùng theo sau hệ quả này. Ngày hôm nay sự lựa chọn tương tự như thế cũng có trước mặt mỗi chúng ta. Nếu chúng ta chọn con đường làm vui lòng chính mình, khi ấy chúng ta sẽ đánh mất đi niềm vui thiên thượng trong mối tương giao với Đức Chúa Trời hằng sống.
Một sự xác nhận khác về Lẽ thật này lại đến, khi tôi đọc trong Phúc Âm Giăng 8:29. Chúa Jesus, một khuôn mẫu sống động cho Lẽ thật này khi Ngài bày tỏ:

“Và Đấng sai Ta lúc nào cũng ở với Ta; Ngài chẳng bao giờ bỏ Ta một mình, vì Ta luôn làm đẹp lòng Ngài.” Tôi hiểu Chúa Jesus theo đuổi mục đích luôn luôn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Và tôi không thể nào sống khác hơn cách mà Chúa Jesus đang sống.

Lần thứ ba lẽ thật này lại đến khi tôi đang đọc một quyển sách suy niệm Lời Chúa rất cổ xưa mà tôi để trên đầu giường. Ngày hôm nay nếu tôi muốn có những thông tin cập nhật để hiểu được Lời Chúa bày tỏ trong những ngày sau cùng, thì chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ tìm đọc những cuốn sách đã xuất bản cách đây một trăm năm. Nhưng thực tế này đã xảy ra khi tôi đang suy gẫm về chủ đề trên đây từ một quyển sách cũ, và nó đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi hỏi Chúa: Con có phải chia sẻ điều này không? Thư tín Cô-lô-se 3:23 nói:
Bất luận làm gì, hãy tận tâm mà làm, như làm cho Chúa, không phải làm cho người ta.

Lẽ thật này sáng tỏ trong tâm trí tôi một lần nữa. Tôi thưa với Chúa: Bất cứ điều gì con làm là để đẹp lòng Đức Chúa Trời. Con sẽ làm điều đó trong niềm vui được làm cho Chúa – vinh danh Ngài, không phải để vinh danh con người. Lời kết trong quyển sách mỏng suy niệm Lời Chúa đó là một bài bài thơ ngắn:

Hỡi Chúa là Vua, xin hãy dạy con.
Trong tất cả mọi sự.
Và mọi điều con làm.
Là để làm vui lòng Ngài.

ĐƠN GIẢN HÓA ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC NHÂN.

Sau khi tôi đọc các bài dưỡng linh về chủ đề này, tôi hỏi Chúa: Đây chính là đường lối mà Ngài muốn con sống? Ngài muốn con bước đi mỗi ngày để làm đẹp lòng Ngài? Và rồi tôi thưa với Chúa: Chúa ôi, xin hãy bày tỏ trong lòng con về điều này. Ngay lập tức cái tên Hê–nóc hiện ra trong tâm trí tôi. Tôi mở Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 11:5, trong câu này Hê-nóc được nói đến trong danh sách các tổ phụ đức tin.
Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không trải qua sự chết; người ta không thấy ông nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp ông lên. Bởi trước khi được tiếp lên, ông được chứng nhận là đã sống hài lòng Đức Chúa Trời.

Khi tôi còn niên thiếu tôi được dạy rằng Hê-nóc là hình bóng biểu trưng của Hội Thánh được cất lên. Nô-ê là hình bóng về những người Do Thái được bảo vệ trong suốt cơn đại nạn. Hê-nóc cũng có thể bị hủy diệt dễ dàng trong trận đại hồng thủy như bao nhiêu người khác. Nhưng Sáng thế ký 5:24 làm chứng về ông như sau:
Hê-nóc đồng đi với Đức Chúa Trời rồi biệt tăm vì Đức Chúa Trời đã đem ông đi.

Hê-nóc đã được minh chứng là sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Và điều này cũng áp dụng cho Hội Thánh là cô dâu của Đấng Christ hôm nay. Chúng ta cũng phải sống theo cách làm đẹp lòng Đức Chúa Trời giống như Hê-nóc.

Điều tốt nhất để sống theo cách này – và một trong những lý do mà tôi cho rằng sứ điệp này rất quan trọng cho các chị em ngày hôm nay, đó là đơn giản hóa đời sống cơ đốc nhân, hãy sống và sử dụng thời gian ngắn ngủi trên đất này để làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Điều quan trọng không phải là chúng ta sống bao lâu, nhưng là chúng ta sống như thế nào.

KAY SMITH

(Translated by Tuong Vi)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn