THUYỀN HỒN NEO BẾN
Được trưởng dưỡng trong môi trường tam giáo: Khổng – Thích – Lão, khi tiến tới thì sử dụng đạo làm người của Khổng, khi thoái thì có tư tưởng thoát tục của Lão Trang, còn cuộc sống tâm linh về sau thì trao cho Đức Phật, tôi thấy đã quá đủ. Tôi thích tư tưởng của các vị tiên nho xưa như Nguyễn Công Trứ khi học hành, thi cử, làm việc cũng như lúc hưởng nhàn. Cha mẹ tôi thờ cúng ông bà theo quan niệm của đạo Lão như đại đa số dân Việt thường làm. Lúc tôi còn nhỏ, vào các lễ lớn như rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10, mẹ tôi thường đưa anh em chúng tôi đi chùa, lạy Phật, ăn chay. Cậu tôi làm hòa thượng tại một chùa ở Tân Vạn, Biên Hòa, là một nhà tu hành đạo cao, đức trọng. Ông rất có uy tín với mọi người trong họ vì không những ông có kiến thức rộng rãi, mà còn có tâm hiền lành, từ bi như Đức Phật. Mỗi lần gặp gỡ, nói chuyện với ông, tôi thấy lòng lâng lâng thoát tục. Tuy có cảm tình đặc biệt, nhưng thú thật là tôi không hiểu được hết triết lý của đạo Phật. Tư tưởng thoát tục, yếm thế của đạo Phật lại làm cho tôi nghĩ rằng đạo này chỉ thích hợp khi tôi ở vào tuổi mùa Đông cuộc đời.
Tôi chỉ biết mơ hồ về đạo Chúa và cũng không thấy hứng thú tìm hiểu thêm, mặc dù thỉnh thoảng theo bạn bè đi dự các buổi lễ, tôi thấy không khí nhà thờ rất trang nghiêm, người theo đạo lúc nào cũng vui tươi, từ tốn. Có điều không hay là vào thời Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963), có sự đối xử phân biệt thiếu tế nhị ở các cấp chính quyền, thiên vị thuận lợi cho người Công giáo hơn người các tôn giáo khác. Rồi đến thời đệ nhị Cộng hòa (sau 1963 đến cuối tháng 4 năm 1975), nhiều chuyện rối ren xảy ra, phần nhiều là do những phần tử cực đoan, quá khích của Phật giáo và Công giáo. Điều này làm tôi chán ngán, không muốn tìm hiểu thêm hai tôn giáo lớn này nữa. Tôi có tìm đến sinh hoạt với hội Thông Thiên Học một thời gian, nhưng rồi phải chìm đắm trong việc học hành để ra trường, rồi bị trưng dụng vào quân đội.
Sau năm 1975, bị quay cuồng trong cơn lốc đời, song hành với những biến cố đau buồn của dân tộc, tôi suy gẫm nhiều về kiếp người, về cuộc đời. Tôi như bị hụt hẫng, không còn niềm tin vào đâu nữa, tôi thấy tương lai của mình và của con cái thật là đen tối.
Năm 1979, gia đình chúng tôi tị nạn tại Nam Dương, ban đầu tại đảo nhỏ Kuku, sau đó được chuyển tới đảo Galang. Một điều đánh mạnh vào sự suy nghĩ của tôi trong thời gian này là tôi thấy các vị linh mục Công Giáo, các mục sư Tin Lành từ các xứ khác tới để giúp đỡ cho người tị nạn trên các đảo. Các vị này quả có lòng bác ái như Chúa dạy cho họ. Tiền bạc, thư từ chuyển qua tay các vị thì không sợ thất lạc. Họ cũng truyền giáo, nhất là các mục sư Tin Lành, nhưng tôi thấy nghĩa cử của họ nói lên rất nhiều về đạo Chúa. Tôi có đi nghe vài ông mục sư Tin Lành giảng đạo và thấy có cảm tình với những người theo đạo này qua đời sống của họ, nhưng lúc đó, tâm tư tôi rối bời nên không nghĩ tới việc tìm hiểu sâu hơn.
Tháng 7-1980, gia đình chúng tôi đến định cư tại Falls Church, tiểu bang Virginia.
Vào giữa năm 1982, trong khi đợi kết quả kỳ thi FLEX, một bằng hành nghề y khoa ở Hoa kỳ, tôi đi tìm việc làm tạm để phụ vợ tôi nuôi con. Chạy ngang qua nhà thờ Fairfax Circle Baptist Church (ở thành phố Fairfax, Virginia), tôi nhìn thấy tấm bảng treo trên tường, đề “Vacation Bible School”. À, đây là lớp dạy Thánh Kinh mùa hè.
Tôi đã có dịp đọc vài Kinh Phật, tôi đã đọc Kinh Dịch, còn Kinh Thánh? Ngoài một ít câu trưng dẫn Kinh Thánh tôi tìm thấy trong những sách Học Làm Người của ông Hoàng Xuân Việt, thú thật tôi rất dốt Kinh Thánh. Văn chương Âu Mỹ chịu ảnh hưởng Kinh Thánh rất nhiều, cho nên tôi nghĩ rằng không đọc qua Kinh Thánh là một điều thiếu sót rất lớn cho tôi. Tôi nghĩ mình nên lợi dụng thời gian rảnh rỗi này để tìm hiểu Kinh Thánh.
Tôi dừng xe, tiến tới gõ cửa văn phòng nhà thờ. Mục sư Gennings tiếp tôi, sau khi nghe tôi muốn tham dự lớp học Thánh Kinh, ông cười và cho biết rằng lớp này chỉ dành cho trẻ em, và ông chưa bao giờ thấy có người lớn nào tới xin học. Thấy tôi có lòng muốn học Kinh Thánh, ông hứa tìm người tình nguyện dạy cho tôi. Vài ngày sau, ông gọi điện thoại cho tôi biết, có 2 người: ông Bill Pettus và bà Lorraine Perry chịu dạy Thánh Kinh cho tôi vào mỗi sáng Chúa Nhật từ 9:30 đến 10:30. Tôi rủ vợ tôi cùng đi học. Vợ tôi phản đối, hỏi tôi chắc hết chuyện làm rồi sao mà đi nhà thờ học Kinh Thánh. Tôi nói “em cứ coi như mình đi học Anh ngữ vì mình cần trau dồi thêm tiếng Anh”. Vợ tôi nghe có lý nên bằng lòng và dẫn theo hai đứa con nhỏ của chúng tôi: Minh Triết 9 tuổi, Minh Ngọc 8 tuổi. Các con tôi vào lớp thiếu nhi, còn vợ chồng tôi có lớp riêng do hai người Mỹ nói trên dạy. Chúng tôi học sách Sáng Thế ký (Genesis), sách Êdíptô ký (Exodus), rồi sau đó qua Tân Ước, bằng sách Giăng (John). Khi thấy chúng tôi có vẻ cảm động về đời sống và sự hy sinh của Chúa Giê-Xu, hai người hướng dẫn này mời chúng tôi tin nhận Chúa để được sự cứu rỗi. Chúng tôi cảm ơn, và cho họ biết rằng chúng tôi cần tìm hiểu thêm, cần thời gian để suy nghĩ xem có niềm tin thật sự không. Có lúc tôi cũng bực mình vì thấy họ muốn thúc đẩy mình tin nhận Chúa sớm. Về sau thì tôi hiểu và thông cảm được với họ vì lối suy nghĩ của người Tây phương là cấp tốc, muốn thấy làm là có kết quả ngay, không giống lối suy nghĩ của người Đông phương là có chiều sâu và cần thời gian để cân nhắc.
Khi sinh hoạt chung với nhà thờ Fairfax Circle Baptist Church này, chúng tôi nhận thấy những người tin kính Chúa là những người rất tốt, họ đối xử với chúng tôi như anh em. Họ thương yêu, giúp đỡ nhau. Con cái họ rất ngoan, không hút thuốc, không nhậu nhẹt, không xài cần sa ma túy. Khi định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi thường lo lắng cho các con mình, sợ chúng tập nhiễm những cái xấu của nền văn minh vật chất bản xứ mà hư hỏng đi. Nay, chúng tôi ước ao con mình có được niềm tin và có đời sống thánh thiện tốt đẹp như các thanh niên trong Hội Thánh này. Tôi nhận thấy nhiều người Tin Lành rất siêng năng: siêng học, siêng làm, siêng đạo. Công thức Tam Siêng này giúp cho họ sống đắc thắng ngoài đời cũng như trong đạo.
Vài bạn bè gọi điện thoại khuyên tôi nên dạy con giữ truyền thống. Đồng ý là có vài truyền thống cũ của người mình cần bảo tồn như kính trọng người lớn tuổi chẳng hạn, nhưng có những phong tục đã lỗi thời không thể ép con cái theo được. Tam giáo tuy thâm thúy nhưng con trẻ sống tại Hoa Kỳ không thể hiểu được. Thánh Kinh thì có nhiều bản dịch khác nhau, giá rẻ; nhà thờ thì nhan nhản, thành thị cũng như thôn quê đều có; trong trường trung học, đại học thì có “Bible Club”. Con trẻ chừng lớn đi học xa vẫn có thể đi nhà thờ để học hỏi, để sinh hoạt cho đời sống tâm linh của chúng. Sau một năm rưỡi tìm hiểu đạo cũng như lòng mình, chúng tôi vui lòng đầu phục, tiếp nhận Chúa làm Cứu Chúa của đời mình. Thời gian tìm hiểu của chúng tôi có hơi lâu có lẽ vì tiếng Anh của mình còn yếu lúc đó. Nếu có Hội Thánh Việt Nam hay có đồng hương đi trước chỉ dẫn thì chắc chúng tôi đã lãnh hội nhanh hơn.
Nghĩ lại lúc đầu chúng tôi muốn lợi dụng nhà thờ để học tiếng Anh, học Kinh Thánh, không dè tình yêu của Chúa thu hút và quyền uy Chúa bắt phục chúng tôi. Thật cuộc đời có những khúc quanh bất ngờ. Vậy thì Chúa chọn tôi hay tôi tìm chọn Chúa?
Hồi mới qua Mỹ, có người bạn đi trước báo động rằng qua xứ này, người Tin Lành họ dụ dữ lắm, có thể tới với họ lúc đầu để được giúp đỡ rồi sau đó tránh đi, đừng theo Tin Lành vì mình phải giữ đạo ông bà mình chứ. Thấy anh ta thiên kiến, tôi cười và nói đùa: “Tưởng theo tin dữ thì tôi sợ, chứ tin lành thì tôi cho dụ”. Kết tội người đi giảng đạo là “dụ” thì không đúng vì họ không dụ dỗ người khác làm chuyện quấy, mà là giới thiệu người khác về một nguồn phước mà họ đang nếm và muốn người khác cũng được hưởng như họ. Vậy nói rằng họ muốn chia sẻ niềm tin, chia sẻ ơn phước thì đúng hơn. Khi người bán hàng quảng cáo một món hàng xấu mà chính cá nhân họ, hay gia đình họ không xài thì đó chính là “dụ”. Tôi thấy người truyền giáo như người được ăn một tô phở ngon tại tiệm Z, muốn quảng cáo cho người khác biết mà vào tiệm đó ăn. Tuy nhiên, nếu gặp người đang đói thì thật tốt vì người đói sẽ sẵn sàng bước vào ăn, nhưng nếu gặp người đang no, thì có cho thêm vàng anh ta cũng không thể ăn nổi. (Viết đến đây, tôi mới hiểu được Lời Chúa trong Mathiơ 5:3 khi Chúa Giê-Xu cho rằng những người nghèo khó, đói khát về tâm linh là người có phước vì họ chịu nghe, tìm hiểu và nhận tình yêu và sự cứu rỗi của Chúa dễ dàng).
Sau hơn 20 năm ở trong nhà Chúa, tôi đã nếm trải được nhiều sự dạy dỗ, uốn nắn từ Chúa, sự an ủi, khuyên nhủ của anh em trong Chúa của mình. Tôi thấy tôi thay đổi nhiều. Tôi thấy mình bớt khó chịu mà chịu khó hơn, bớt xét nét mà độ lượng hơn, bớt nóng nảy mà trầm tĩnh hơn, không coi trọng những sự tạm bợ mà biết yêu quí những gì trường tồn. Vợ tôi, các con tôi, cùng dâu và rể đều có niềm tin vững chắc trong Chúa. Những “chồi ô-liu” của thế hệ thứ ba đã được sinh ra, đang lớn lên trong nhà Chúa.
Tôi cứ suy nghĩ mãi một câu nói không biết xuất xứ từ đâu, mà nhiều nguồn tài liệu cho rằng đây là câu cách ngôn của Trung Hoa: Khi có ai chia sẻ cho bạn những gì có giá trị và bạn nhận được lợi ích từ đó, bạn có bổn phận tinh thần chia sẻ lại cho người khác (When someone shares something of value with you and you benefit from it, you have a moral obligation to share it with others.)
Tôi có 3 điều để chia sẻ lại với các bạn:
1/ Tôi thấy mình không uổng công theo Chúa, dù những thiệt thòi mà tôi gặp phải là 4 cái mất: mất thì giờ, mất tiền bạc, mất một số bạn và mất … vui (vì cuối tuần, người ta đi chơi, còn mình thì làm bạn với Kinh Thánh, với nhà thờ). Những cái mất nhỏ đó là cái giá phải trả để được phước hạnh lớn và sự thương xót vô bờ mà Chúa đã ban mình. Những ơn phước diệu kỳ cũng như những phép lạ xảy ra đúng lúc trong đời làm tôi không khỏi ngạc nhiên. Tôi chỉ biết cúi đầu tạ ơn Chúa.
2/ Điều làm tôi vui nhất là giúp cho các con tôi có niềm tin trong Chúa. Trong mấy thập niên qua, tôi đã đầu tư vào thứ nọ thứ kia, nhưng tạo niềm tin yêu và hy vọng cho con cái, tôi cho là một đầu tư tốt nhất và tôi ưng ý nhất. Một lần, con gái tôi có bày tỏ cảm tưởng là món quà vĩ đại mà cha mẹ cho nó chính là niềm tin của chính nó vào Chúa Cứu Thế. Lời này là một an ủi cho vợ chồng chúng tôi rất nhiều, vì nhớ lại lúc đầu chúng tôi đi tìm chân lý là vì hạnh phúc của con cái*. Tôi tin rằng nơi nào, dù là gia đình, dòng họ, hay dân tộc có Chúa ngự trị thì nơi đó sẽ được phước. Nhiều nơi trong Kinh Thánh nhắc đến những phước hạnh của con dân trung tín trong Chúa truyền xuống nhiều thế hệ sau. (Xuất Êdíptô 20:6 sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta).
3/ Tôi được cứu rỗi vì Chúa ban cho sự cứu rỗi mà các tôn giáo khác không có. Tất cả các tôn giáo đều giống nhau ở phần căn bản là dạy người ta làm lành lánh dữ, nhưng chỉ có đạo Chúa mới có sự cứu rỗi của linh hồn. Nếu chỉ có cái nhìn “hình nhi hạ” thì đạo nào cũng tốt, nhưng đi sâu xa hơn thì mỗi tôn giáo mỗi khác. Vì Chúa Giê-Xu là Thượng Đế nên có thể tha tội cho tôi, và ban cho tôi sự cứu rỗi để linh hồn của tôi được thanh thản mà trở về bên Chúa đời đời.
Bước đi trong Chúa chỉ vì lời hứa của Chúa là hành vi khôn ngoan hay dại dột? Nếu vì lời hứa hão huyền mà mình tin theo thì thật là dại dột, nhưng nếu Chúa có thật và Ngài thành tín trong lời hứa mà không tin thì thật đáng tiếc. Bám chặt lấy hứa ngôn của Chúa như tin cậy vào ánh sáng cuối đường hầm, như người sắp chết đuối bám chặt lấy cái phao, tôi thấy đường đi theo Chúa là một phiêu lưu kỳ thú. Cuộc phiêu lưu này có đầy những ơn phước ngọt ngào, nhưng cũng không thiếu những hoạn nạn; có những phút bình tịnh như du thuyền trên dòng sông vào mùa thu, nhưng cũng không thiếu những cám dỗ, những bẫy dò lúc mình không tỉnh thức; có những lúc sung sướng tiên hưởng phước Thiên đàng, nhưng cũng không phải không có những hồi đau khổ. Thử thách, hoạn nạn, cám dỗ là ba thứ mà ta luôn gặp để rèn luyện đức tin của chúng ta. Tôi tin chắc rằng lúc mình gặp những khó khăn đó là lúc Chúa dõi mắt quan phòng nhiều nhất.
Trôi nổi trên biển đời lao xao bất ổn, cuồng phong bão tố có thể bất chợt xảy ra, niềm tin trong Chúa giúp tôi có được sự bình an mà thế gian không thể cho. Có thể ví như thuyền hồn tôi tìm được bến để thả neo: Bến Chúa.
Dù biển đời xao động
Bao sóng gió đảo điên
Thuyền hồn neo bến Chúa
Được bình yên, bình yên.
Châu Sa
- Tâm lý con người chúng ta rất sợ sự thay đổi, nhất là thay đổi những gì thuộc truyền thống gia đình, cũng như tâm lý học nhận rằng “unlearning” là điều không phải dễ. (Có thể dịch Unlearning là “tháo và thế”, tháo bỏ cái cũ, thay thế bằng cái gì mới). Trong dòng họ, phải có người can đảm bước đi trước, để các thế hệ sau đi theo, nên tôi thấy rằng trong gia tộc, tôi là người phiêu lưu.