Không thêm bớt Lời Chuá
Thánh Phao lô cảnh giác chúng ta:
“1Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy cùng đứng vững vàng trong đạo ấy 2và nhờ đạo ấy anh em được cứu rỗi miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho; bằng không thì anh em dù có tin cũng vô ích”.
Nhưng làm thế nào mà “Giữ lấy y như” được vì với thời gian, cái gì cũng thay đổi ?
Thành tâm và vô tư mà nói thì quả thực không có tôn giáo nào lại muốn thêm, bớt lời dạy cuả Giáo Chủ . Tuy nhiên, trên thực tế thì các hệ phái Kytô giáo ngày nay có nhiều điều khác biệt với Lời Chuá . Tại sao vậy ?
Thưa đó là vì thiện chí bình thường cuả con người muốn Đạo thích ứng với đời.
Con người, vì muốn Đạo cuả mình (= Lý tưởng cao đẹp nhất cuả mình) phải được:
– Phát triển đến mọi nơi, nên phải thích nghi với điạ phương;
– Phải được trường tồn với thời gian nên phải thích nghi với thời đại.
Ngoài ra, ngươì ta còn muốn có:
– Sự tôn trọng và
– Quyền lợi xứng đáng với phẩm trật trong đạo,
nên phải bày ra một vài quy luật mà đạo nguyên thủy không có. Những cái “Muốn” ấy, ban đầu, ai cũng thấy là tự nhiên, là phải lẽ. Dần dần, với thơì gian, thế hệ này bày thêm một ít, thế hệ sau nối vào một ít nưã, cứ thế, nên đạo nào cũng đã biến thể it hoặc nhiều. Càng tổ chức chặt chẽ bao nhiêu thì càng có nhiều biến dịch (thay đổi) bấy nhiêu.
A . Biến dịch trong Phật Giáo:
Phật Giáo, nguyên thủy chỉ có một mục đích duy nhất là diệt khổ để giải thoát. Đức Phật công khai và nhiều lần cấm mọi hình thức mê tín dị đoan. Trong Kim Cang Kinh, Đức Thế Tôn dạy:
“ Dụng sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai”
(Dùng màu sắc mà thấy ta
Dùng âm thanh mà cầu ta,
Thì người ấy tu đạo tà
Không thấy được Như Lai (Như Lai tức là Đức Phật)
Nhưng, với thời gian, chuông mõ (âm thanh), tượng phật (sắc), hai phái Tiểu Thưà và Đại Thưà xuất hiện. Sau đó là, cầu hồn, cầu siêu, xin xăm, cúng cô hồn… Cửa thiền quả nhiên đã chịu nhiều biến dịch!
- Biến dịch trong Do Thái Giáo
- Mặc dù Môi se đã căn dặn dân Do Thái:
“Các người chớ thêm chi và đừng bớt chi trong lời ta dạy dỗ. Hãy tuân theo các giới răn Chuá là Thiên Chuá do ta truyền lại cho các ngươi” (Phục 4:2)
Nhưng dân Do Thái đã chẳng cần thêm, bớt gì lời Chuá, họ bỏ luôn cả Luật Pháp Môise lẫn Đức Giêhôva mà đi thờ các thần khác.
Sau Môi se, tiên tri Giôsuê đã căn dặn: “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì nhờ vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.”
Thế nhưng các vua Do Thái, kể cả vùng Israel ở phiá bắc,lẫn vùng Giuđa ở phía nam (thời kỳ đất nước chia đôi, xin xem II Sử Ký 10 và 11) cùng với các thày Tế lễ cả đã say mê thế quyền hơn kính yêu Thiên Chuá nên họ chẳng bao giờ đọc Quyển sách Luật pháp (Kinh Thánh) . Họ đã đánh mất cuốn Kinh Thánh. Trong thời gian khá dài này, họ đã hoà đồng tôn giáo và đã thờ đủ mọi thứ thần thánh. Mãi sau này, thời vua Giôsia, cuốn Kinh Thánh mới lại được tìm thấy!(II Sử Ký 34:14-21)
- Biến dịch trong Kytô Giáo:
Ky Tô giáo bị bách hại ngay từ đầu cho tới năm 325. Trong thời gian này, các nhóm nhỏ, sống theo gương và lời dạy cuả Chuá Giêsu, là những hội kín! Trọng tâm cuả họ là SỐNG NHƯ CHUÁ và cố gắng tránh bị tiêu diệt bởi các hoàng đế La Mã. Họ chưa có nhu cầu THỐNG NHẤT TỔ CHỨC vì lúc đó SỐNG CÒN và SỐNG ĐẠO là tất cả những gì họ mong mỏi.
Để cai trị một đế quốc rộng lớn và phức tạp vì nhiều khác biệt về nòi giống, văn hoá, ngôn ngữ và, quan hệ hơn cả, là tôn giáo, các Hòang đế La mã đã thấy rõ cái nguy hiểm cuả sự xung đột tôn giáo, nên họ đã ra một điều luật chung cho mọi dân mọi nước cuả đế quốc đó là TÔN LẪN KÍNH CHUNG : Tôn kính các tôn giáo bạn bằng cách Thờ thần cuả họ, để họ cũng thờ thần cuả mình. Dân Do Thái đã từ chối không vâng phục đạo luật này vì nó trái ngược với Luật cuả Đức Chuá Trời: “Thờ một mình Đức Giêhôva mà thôi!”. Ban đầu, các Hoàng đế Babylon và sau này, các hoàng đế La Mã đã thẳng tay trừng trị dân này vì họ không vâng phục luật. Nhiều người, nhiều thế hệ, đã kiên cường chịu chết để bảo vệ đức tin và giữ luật Môise .
Sau nhiều thế kỷ bền bỉ chịu bách hại vì không thờ thần cuả các dân tộc cùng sống chung trong một đế quốc, Do Thái Giáo đã được các Hoàng Đế La Mã ban cho đặc ân: “Không phải TÔN LẪN KÍNH CHUNG” các thần thánh dân ngoại!
Ban đầu, chính quyền La Mã tưởng rằng Kytô giáo chỉ là một chi nhánh cuả DoThái giáo nên khi các Kytô hữu từ chối thờ phượng các thần dân ngoại, họ không bị bắt bớ. Tuy nhiên, Khi Kytô giáo phát triển, Các hoàng đế La Mã bắt đầu lo lắng, vì nhận ra rằng đây không còn là một chi nhánh cuả Do Thái Giáo nưã, nó đã vượt xa “tôn giáo cuả một quốc gia”, nó lan tràn qua mọi biên giới cuả nhiều quốc gia, và tuy không phải là Do Thái giáo, nhóm này cũng đi ngược lại chủ trương SỐNG CHUNG HOÀ BÌNH TÔN LẪN KÍNH CHUNG cuả triều đình! Thảm hoạ chia rẽ nội bộ (và có khi nội chiến) rất có thể sảy ra! Cấm đạo Kytô là giải pháp tốt nhất! Các hoàng đế La Mã liên tiếp cấm đạo Kytô, khi thì khi chừng mực, lúc thì nghiêm ngặt. Càng cấm, “tôn giáo mới” này càng phát triển, mặc dù mọi hình phạt tàn ác nhất đã được đem ra thi hành!
Năm 313 sau Tây lịch, một hoàng đế và là một chính trị gia lỗi lạc Constantin xuất hiện. Tuy chẳng thấm nhuần, cũng không tin tưởng gì ở Tin Mừng, Constantin nhận ra ngay một tiềm lực vô cùng mạnh mẽ nơi Kytô Giáo. Ông tự hỏi “ Tại sao ta lại không lợi dụng tiềm lực này để củng cố ngai vàng cuả ta ?” . Thế là, thay vì bắt bớ, đàn áp, Hoàng đế đã ra chiếu chỉ Milan năm 313, công nhận Kytô giáo và khôn khéo dùng các vị lãnh đạo hội thánh điạ phương như những cộng tác viên đắc lực.
Hoàng đế cần có một tôn giáo đông tín đồ, mạnh và thống nhất ! Phải thống nhất mới mạnh, bất kể là thống nhất thế nào! Đức tin và giáo lý thì không phải là mối quan tâm cuả vị hoàng đế trần tục này. Hoàng đế chỉ cần thống nhất mà thôi. Hãy chọn theo đa số! Thiểu số phải phục tùng đa sô! Ai cãi lệnh: Giết ! Đại công đồng Nicêa được triệu tập để thống nhất đức tin Kytô Giáo!
Thật là một tin mừng lớn cho giáo hội! Từ nay giáo hữu sẽ không còn bị bắt bớ tù đày hay giết hại nưã!
Thế nhưng, thật như Lão Tử đã nói:
“Hoạ hề, phúc chi sở ỷ
Phước hề, hoạ chi sở phục”
(Tai hoạ à? đừng lo, vì ơn phúc đang dưạ vào đó,
Ơn phước à? đừng mừng vì tai hoạ đang mai phục ở đó)
Giáo quyền và thế quyền bắt đầu pha lẫn vào nhau ! Những yếu đuối cuả con người muôn thuả, (mà các nghị phụ hồi đó cũng không hoàn toàn thoát ra khỏi) đã từ từ nẩy sinh trong cộng đồng dân Chuá: Giáo hội Chuá Kytô cũng từ từ biến đổi! Nhiều giáo lý cuả Hội Thánh (tức là cuả loài người) cũng bắt đầu xuất hiện.
Ngày trước, đa số các nhóm tín hữu, nhu mì, kính kiềng, giản dị, sống sát Lời Chuá nhưng luôn luôn sợ bị bắt bớ ; thì nay, sau khi chính quyền biểu quyết thống nhất đức tin, bỗng trở nên “Con cưng cuả hoàng đế” và từ ngày đại công đồng Nicêa đó, Kytô giáo được một đặc ân từ hoàng đế: Danh xưng từ nay sẽ là ĐẠO CÔNG CỘNG ! và vị giám mục đứng đầu được gọi là VUA CỦA ĐẠO. Những giáo lý tinh tuyền và đơn sơ ngày trước, nay được giáo hội, với tất cả thành tâm và thiện chí, kiện toàn, thêm bớt cho phù hợp với nhu cầu truyền đạo khắp nơi trên thế giới!
Nhiều người bất đồng ý kiến, nhưng, vì ngoan ngoãn tuân lệnh cuả hoàng đế, nên giữ im lặng tức là giữ được mạng sống mình. Nhiều nhóm công khai và mạnh mẽ phản đối, thì Giáo hội gọi những nhóm này là những “Bè Rối” .
Nếu như CHÍNH TRỊ cứ đứng ngoài TÔN GIÁO, thì điều đó hết sức chỉ gây nên sự lủng củng nội bộ, và nếu tệ lắm là “đường ai nấy đi”, ai tin tưởng giáo phái nào thì cứ bước theo giáo phái đó! Tiếc thay! Hoàng đế lợi dụng tôn giáo và tôn giáo lợi dụng hoàng đế! Để giữ kỷ luật nghiêm minh cuả cộng đoàn dân Chuá, qúy vị chủ chăn cuả chúng ta đã phải đau lòng trừng trị và tận diệt (với sự tiếp tay cuả Hoàng đế) những bè rối này.
Giáo lý cuả Chuá Giêsu Kytô đã được “canh tân” và “kiện toàn” rất nhiều từ ngày có đại công đồng Nicêa.
- Biến dịch trong Hồi Giáo:
Đến năm 610 sau công nguyên, Đức giáo chủ Muhammad (Mô ha mết) viết kinh KORAN và thành lập Hồi Giáo.
Mọi tín đồ Hồi Giáo đều tin rằng kinh KORAN là lời cuả Thượng Đế (Allah) nên phải được tuyệt đối tôn trọng và thực hành. Một trong những giáo lý căn bản cuả kinh Koran là “Mọi người Hồi Giáo, không phân biệt chủng tộc, màu da, và vị trí xã hội, đều bình đẳng và đều là anh em, nên phải yêu thương nhau”.
Tuy nhiên, ngay sau khi tiên tri Muhammad nằm xuống (632), thì những anh em Hồi Giáo trong cùng một quốc gia đã vô cùng hăng say chém giết nhau, chỉ vì : Phái Xi-ai (chiites) thì cho rằng, “Người kế vị Muhammad phải là dòng dõi cuả Ali, người con rể cuả Muhammad”, trong khi phái Son-ny (sunnites) thì lại tin rằng “Người kế vị Muhammad không nhất thiết phải là dòng dõi cuả vị tiên tri ấy” (Chú thích: Các con trai cuả tiên tri Muhammad đã chết trong tuổi vị thành niên). Cho tới hôm nay, tháng 9 năm 2006, sự hăng say chém giết ấy vẫn còn đang cháy bùng bùng ở Irac !
Sau khi duyệt qua vài sự biến dịch như trên, chúng ta có thể kết luận rằng :
Biến dịch là lẽ tự nhiên từ trong vũ trụ và trong lòng người bình thường!
Thế nhưng chính Chuá cuả chúng ta lại cảnh cáo:
“8 Dân này lấy môi miệng thờ kính ta, nhưng lòng chúng xa ta lắm. 9 Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, vì chúng nó dạy theo những điều răn do người ta bày đặt ra” (Mt 15:8 & 9)
Muốn không bị biến dịch, vong thân, thờ Chúa một cách vô ích, thì ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác. Chớ sống theo bản năng cuả loài người, nhưng phải ngày đêm lo lắng sao cho giữ đúng Lời Chuá không thêm, không bớt.
Làm thế nào để giữ đạo y như đạo ban đầu do các tông đồ truyền dạy ?
Làm thế nào để giữ đạo y như đạo ban đầu, khi mà đạo đã được lan đi tới những vùng có điạ dư khác nhau, chính trị và văn hoá khác nhau ?
Làm thế nào để giữ đạo y như đạo ban đầu, khi mà hội thánh phải lớn lên! Lớn lên chứ không phải y như cũ ?
Làm thế nào để giữ đạo y như đạo ban đầu, khi mà giáo dân phải đối đầu với những tiện nghi mới, nhu cầu mới ?
Chúng ta không thấy Chuá Giêsu trả lời những câu hỏi ấy nhưng Ngài đã khải thị câu trả lời cho vị tông đồ mà Ngài chọn sau cùng: Anh Phao lô yêu qúy cuả Phêrô .
Phao Lô đã chỉ dạy cho chúng ta một phương pháp mà có lẽ đa số chúng ta đều đã nghe qua nhưng ít ai nghiền ngẫm:
“Dù chúng tôi ( Các Tông Đồ) hoặc cả Thiên Sứ trên trời xuống, rao giảng cho anh em điều gì, ngoài những điều chúng tôi (Các Tông Đồ) đã giảng cho, anh em cũng phải đả đảo” Galati 1:8 (Bản dịch Linh Mục Trần Đức Huân).
Xin mời anh chị em thử ngừng lại, thử suy nghĩ mà xem, qúy anh chị em sẽ thấy một điều lạ vì chúng ta tưởng rằng Phao lô lẽ ra, theo lẽ bình thường, phải viết là :
“Dù chúng tôi ( Các Tông Đồ) hoặc cả Thiên Sứ trên trời xuống, rao giảng cho anh em điều gì, trái với những điều chúng tôi (Các Tông Đồ) đã giảng cho, anh em cũng phải đả đảo”.
hoặc là:
“Dù chúng tôi ( Các Tông Đồ) hoặc cả Thiên Sứ trên trời xuống, rao giảng cho anh em điều gì, mà chúng tôi (Các Tông Đồ) đã cấm thì, anh em cũng phải đả đảo”.
Không! Phao lô, dưới sự linh ứng cuả Chuá, đã không dạy như thế, không viết “trái với “, và ” đã cấm “, mà đã viết:
“Dù chúng tôi ( Các Tông Đồ) hoặc cả Thiên Sứ trên trời xuống, rao giảng cho anh em điều gì, ngoài những điều chúng tôi (Các Tông Đồ) đã giảng cho, anh em cũng phải đả đảo” Galati 1:8.
Như vậy, theo như lời dạy trên thì:
- Ngày nay, bất cứ ai, dù là các Thiên Thần hay các đấng “kế vị tông đồ” dạy điều gì,
nếu không có ghi trong Tân Ước thì chúng ta, những giáo dân, không những “không tuân theo” mà còn phải “đả đảo”; Các bạn có đồng ý như vậy không? Tôi tin rằng đại đa số những người có tâm thần bình thường đều trả lời là “Có , đồng ý” vì câu Kinh Thánh trên thật là giản dị và rõ ràng.
- Chúng ta phải bỏ hẳn câu hỏi quen dùng cuả những người bình thường:
“ Tại sao anh phản đối ? Hãy chỉ cho tôi sách nào, đoạn nào, câu nào trong Kinh Thánh, cấm tôi làm điều đó”
Câu hỏi đó đã sai từ căn bản vì : Theo Galati 1:8 thì chúng ta sẽ:
- a) Không được phép làm những gì Tân Ước cấm ;
- b) Không được phép làm những gì Tân Ước không cấm ;
- c) Chỉ được phép làm những gì Tân Ước có dạy làm hoặc có nêu gương mà thôi.
Xin nhắc qúy anh chị em: trong câu hỏi đúng nêu trên, chữ “Tân Ước” đã được dùng thay cho chữ “Kinh Thánh” vì hiện nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ cuả Giao Ước Mới, một giao ước giữa Đức Chuá Trời và toàn thể nhân loại (chứ không phải với chỉ dân Do Thái).
Ai cũng biết ý nghiã cuả hai chữ “Giao Ước”, đó là sự thoả thuận giưã hai bên. Mỗi khi giao ước đã được hai bên đồng ý thì không bên nào được tự ý thêm vào hay bớt đi điều gì . Phao lô viết:
“Thưa anh em, tôi nói theo cách loài người: Dầu là giao ước cuả phàm nhân, một khi đã xác nhận, thì chẳng ai được khinh thường hoặc thêm bớt gì nưã “ (Galati 3:15).
Các tín hữu cuả hơn 450 hệ phái Kytô giáo ngày nay đều yêu mến Chuá, tôn trọng Lời Chuá và đều đồng ý là không được thêm bớt lời Chúa ! Thế nhưng tại sao họ lại khác nhau quá nhiều và có giáo phái lại đi quá xa khỏi Lời Chuá như vậy ? Xin thưa:
- Có hai lý do:
- Lý do thứ nhất: Không thêm bớt Kinh Thánh, nhưng họ viết thêm một cuốn sách khác và dạy tín hữu cuả họ “Phải tin cho được rỗi linh hồn”. Họ nói rằng những lời dạy mới này, thực ra, không có gì là “Mới”, chúng ngấm ngầm nằm trong Tân Ước mà xưa nay chưa có ai được khải thị để nói rõ ra .
Họ làm như vậy với hai thiện ý rõ ràng:
Thiện ý thứ nhất là : HT (Hội Thánh) phải lớn lên. Lớn lên chứ không phải cứ y như cũ. Lớn lên thì dĩ nhiên HT phải có những nhu cầu mới mà một vài nhóm nhỏ ngày xa xưa bên Do Thái không có! HT có bổn phận phải ban lời khuyên để hướng dẫn giáo dân.
Thiện ý thứ hai: Thời đại mới kéo theo nhu cầu mới mà những người thợ mộc và dân chài cách đây 2000 năm không có! Lời khuyên mới cần được thêm vào để giúp đỡ giáo hữu trong thời đại mới!
Về hai thiện ý nêu trên, nếu HT thực sự chỉ “ban lời khuyên” chứ không “truyền điều răn HT”, chúng ta hẳn phải đồng ý với HT đó. Nhưng khi mà “lời khuyên” đã trở thành “điều răn”, những điều răn phải giữ “cho được rỗi linh hồn”, thì khi đó HT đã đi quá quyền hạn cuả HT. Chúng ta hãy nghe chính Chuá Giêsu nói về điều răn do loài người lập ra:
“8Dân này lấy môi miệng thờ kính ta, nhưng lòng chúng xa ta lắm. 9 Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích vì chúng nó dạy theo những điều răn do ngươì ta bày đặt ra” (Mt 15:8 & 9);
Chúng ta có nên tuân theo những giáo lý ấy hay là cần đả đảo? Phao lô trả lời:
“Dù chúng tôi ( Các Tông Đồ) hoặc cả Thiên Sứ trên trời xuống, rao giảng cho anh em điều gì, ngoài những điều chúng tôi (Các Tông Đồ) đã giảng cho, anh em cũng phải đả đảo”. Galati 1:8 .
Các điều răn HT có nằm ngoài những điều Các Tông Đồ đã giảng cho hay không ?
- Lý do thứ hai: Làm tất cả những gì Chuá không cấm.
Câu châm ngôn cuả họ là:
“Không làm những gì Chuá cấm! Chỉ làm những gì Chuá không cấm mà thôi”
Thoạt nghe, ai cũng tưởng có lý! Nhưng chúng ta hãy tự hỏi:
- Có đoạn câu nào cấm chúng ta cử hành Tiệc Thánh (Phép Mình Thánh Chuá) bằng bánh chưng và nước trà không?
- Có đoạn câu nào cấm chúng ta nhóm họp thờ phượng Chuá bằng cách mở TV ra xem thay vì mất công đi nhóm họp hay không?
- Có đoạn câu nào cấm chúng ta giết hài nhi trong bụng mẹ hay không?
- Có đoạn câu nào cấm chúng ta cầu nguyện với ông thánh A, bà thánh B hay không?
- Có đoạn câu nào cấm chúng ta lập đền thờ Mẹ Têrêsa không?
- Có đoạn câu nào cấm chúng ta mở sòng bài hay sổ số để gây quỹ xây nhà thờ hay không ?
- ……….
Cứ hỏi như thế, chúng ta sẽ nhận được nhiều ngàn câu trả lời là “Không”. Nhưng “Châm Ngôn” ấy sẽ dẫn chúng ta đi rất xa với Lời Chuá ! xa đến nỗi, một ngày nào đó, chúng ta mới giật mình ăn năn mà rằng “chúng ta đã làm chết mất Lời Chuá trong Hội Thánh” và cuống cuồng kêu gọi “Phục Sinh Lời Chuá” rồi “Chuyển Hướng Về Nguồn”!
Tóm lại:
Chúng ta đừng nới rộng “con đường hẹp” mà Chuá chúng ta đã khai phá! Đừng biến nó thành con đường “rộng rãi thênh thang”. Chúng ta hãy theo sát câu Châm Ngôn mà Phao lồ đã hô hào: “Chỉ làm những gì mà Chuá và các Tông Đồ có dạy”. Nói khác đi “Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước”. Tuy chúng ta không tìm thấy câu Châm Ngôn đó, từng chữ một, trong Kinh Thánh nhưng ý nghiã thì rõ ràng nằm trong Galati đoạn một, câu tám:
“Dù chúng tôi ( Các Tông Đồ) hoặc cả Thiên Sứ trên trời xuống, rao giảng cho anh em điều gì, ngoài những điều chúng tôi (Các Tông Đồ) đã giảng cho, anh em cũng phải đả đảo”. Galati 1:8 .
Câu Kinh Thánh trên, chúng ta không thể hiểu cách nào khác ngoài một ý duy nhất và giản dị này là : Dù cho là các Tông Đồ của Chúa hoặc các Thiên Thần từ trời hiện xuống dạy chúng ta điều gì ngoài những điều các Tông Đồ đã dạy thì chúng ta phải phản đối, phải đả đảo!
Vậy thì: “Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước” không phải là một lập trường “bảo thủ” cuả một giáo phái “bảo thủ cực đoan”, bèn là một mệnh lệnh có ghi rõ ràng trong Tân Ước! Đây không phải là một “chọn lưạ” nhưng là một mệnh lệnh. Ước gì đoạn thư gửi người Galati đoạn một câu tám đã được viết nhẹ đi một chút như:
“Dù chúng tôi hoặc cả Thiên Sứ trên trời xuống, rao giảng cho anh em điều gì ngoài những điều chúng tôi đã giảng cho, anh em cũng có quyền đả đảo” .
Nếu là “có quyền” đả đảo thì câu KT đó đã mở ra cho chúng ta một chọn lưạ! Nhưng không, Galati 1:8 đã không dùng chữ “có quyền” mà lại dùng chữ “phải”
“Dù chúng tôi hoặc cả Thiên Sứ trên trời xuống, rao giảng cho anh em điều gì ngoài những điều chúng tôi đã giảng cho, anh em cũng phải đả đảo” .
Tuân hành lời dạy trên, chúng ta không còn phải lưạ chọn gì cả, chúng ta phải đả đảo những giáo lý không có chép trong Tân Ước !
Có một vài nhà thần học phản đối lập trường nói trên, quá khắt khe. Họ lý luận rằng “Tân Ước không chép được hết tất cả những gì Chuá và các Tông Đồ giảng. (Giăng 21:25). “Chỉ thực hành những gì có chép trong Tân Ước” tức là các anh đã làm theo một số điều mà các Tông Đồ đã dạy ” .
Xin trả lời:
- Đồng ý rằng những điều có chép trong Tân Ước không phải là tất cả những gì Chuá và các Tông Đồ đã làm và giảng, nhưng, một điều chắc chắn là những điều có chép trong Tân Ước, ắt phải là những gì Chuá và các Tông Đồ đã thực sự có làm hoặc đã giảng. Chúng tôi “Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước” tức là chúng tôi đang đứng ở phiá an toàn.
- Mặc dù Tân Ước không ghi được tất cả những gì Chuá và các Tông Đồ đã làm hoặc dạy, nhưng Tân Ước đã cung cấp cho chúng tôi vừa đủ mọi chi tiết cần thiết để thờ phượng Đức Chuá Trời.
Thí dụ:
- “Đâu là thứ tự phẩm trật trong Hội Thánh?”
Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở I Cor 12:28
- “Có phải giữ Luật Môise trong thời Tân Ước hay không?”;
Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở Công Vụ 15: 20-28
- c) “Nhóm họp thờ phượng Đức Chuá Trời và cử hành tiệc thánh vào ngày nào ?”
Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở Công Vụ 20:7
- “Điều kiện để được chịu phép thánh tẩy là những gì ?”
Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở Mc 16:16
- e) “Phải xưng hô thế nào với các ‘Đấng bề trên khả kính’ trong HT” ?
Chúng ta tìm thấy câu trả lời ở Mt 23:8,9
v.v…..
Tóm lại, Tân Ước quả có cung cấp cho chúng ta vừa đủ để sống đạo và hành đạo !
“Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước” thì quả là không có gì là vui nhộn, kích thích và sôi động, nhưng một điều chắc chắn là chúng ta sẽ hướng nội, nhìn vào bên trong của chúng ta qua sư thinh lặng, tương giao vơi Đức Chuá Trời qua sự cầu nguyện cũng như lắng nghe Lời cuả Ngài, và chắc chắn chúng ta sẽ không đi lạc quá xa với Lời Chuá. (Xin nhắc anh chị em rằng các Ân Tứ Thánh Linh là những điều có ghi trong Tân Ước)
Hy vọng rằng anh chị em chúng ta, những người kính sợ Chuá, đều, đã, đang hoặc sẽ thờ phượng Đức Cuá Trời theo câu châm ngôn “Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước”. Chữ “sẽ” được tô đậm để nhắc nhở chúng ta hãy tự xét mình xem Hội Thánh điạ phương cuả chúng ta có làm điều gì, trong việc thờ phượng Đức Chuá Trời, mà lại không tìm thấy gương trong Tân Ước hay không.
Đừng quá lạc quan:
Đừng quá lạc quan! Đừng tưởng rằng : “Sau khi chúng ta thực hành câu châm ngôn: Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước thì các Hội Thánh, kể cả các nhóm tại gia, đều sẽ thờ phượng Đức Chuá Trời giống hệt nhau” !
Không! Cho dù các Hội Thánh có cố gắng Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước, chúng ta vẫn có những khác biệt nho nhỏ . Điều quan trọng còn lại mà chúng ta phải làm là “Chấp nhận những khác biệt ắt có giưã anh chị em”
Thí dụ:
Sau biến cố 4-1975, chúng tôi tới định cư ở một tỉnh nhỏ tên là Carthage, tiểu bang Missouri bên Hoa kỳ. Ở đây có rất nhiều nhà thờ cho mọi giáo phái. Chúng tôi đã chọn một nhóm nhỏ Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước. Tổng số tín hữu chỉ khoảng độ 300 người trên toàn thành phố. Tôi không dám gọi họ là một “giáo phái” vì họ luôn luôn cải chính: “Chúng tôi cố tránh tinh thần giáo phái cho nên mới Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước”. Một hôm các trưởng lão và chấp sự họp lại định làm thêm một dãy mắc áo để treo mũ và áo lạnh (vì ở đây vào mùa đông tuyết rơi nhiều, người ta mang áo choàng rất dày và khá cồng kềnh). Một vị chấp sự hỏi “Có đoạn, câu nào trong Tân Ước, cho phép chúng ta làm như thế hay không?”
-Không, nhưng chúng ta cứ làm vì đây là cái nhà chứ không phải là hội thánh!
– Nhưng là nhà để thờ phượng Chuá !
Lời qua, tiếng lại ngày càng gay cấn! Tiếc thay! cuối cùng nhóm 300 người ấy phải phân rẽ nhau! Hơn 100 người đã tách ra để được Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước dưới cách hiểu cuả họ. Cũng còn may là tuy phân rẽ nhau nhưng họ không lên án nhau! Cả hai phiá đều nhận rằng họ hành động theo Tân Ước và qua sự hiểu biết chủ quan cuả họ.
Đấy không phải là một thí dụ duy nhất. Khi dọn về Texas, tôi còn được một vài tín hữu điạ phương khuyên không nên đi nhóm với cộng đoàn A vì họ làm không sát với Lời Chuá. Lý do là họ dùng tiền cuả hội thánh để xây viện mồ côi, điều không thấy trong Tân Ước hoặc không nên đi nhóm với cộng đoàn B vì họ dùng nhiều ly nhiều bánh khi cử hành tiệc thánh. “Đi lính bảo vệ quốc gia” hay “Không cầm súng giết người”, “Dùng máy phóng thanh hay không” trong nhà thờ, “Lót thảm cho nền nhà thờ”, đôi khi cũng trở thành một vấn đề tranh cãi vì họ muốn Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước qua cách hiểu của họ.
Còn nhiều và rất nhiều những khác biệt, mặc dù họ đều đồng ý là Chỉ thờ phượng Đức Chuá Trời theo những gì có chép trong Tân Ước. Nhưng đừng để những khác biệt đó đưa chúng ta tới đố kỵ chia rẽ và đôi khi thù ghét nhau, điều mà ma quỷ rất vui mừng và đang chờ đợi.
Đừng lên án nhau khi thấy người ta khác mình, vì Thiên Chúa sinh ra loài người chúng ta, tuy có rất nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có vài điểm khác biệt về cả thể chất lẫn tâm thần! Đừng mơ ước viển vông rằng “Mọi tín hữu phải hoàn toàn đồng nhất trong đức tin”, vì lúc này còn quá sớm! Hiện nay Chúa còn chỉ định “cho người này làm thày giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư”. Kinh Thánh tiết lộ rằng sự chỉ định đó chỉ sảy ra trong thời gian chúng ta chưa hoàn toàn hợp một trong đức tin mà thôi. Sự bổ nhiệm ấy chỉ tạm xảy ra cho đến chừng chúng ta hiệp một trong đức tin:
11 “Ấy chính Ngài đã cho người này làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thày giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư,
12để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ
13 cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ ” (Eph.4:11-13)
Vậy thì chừng nào chúng ta còn thấy có Mục sư, Giáo sư và Thày Giảng Tin Mừng thì hãy biết rằng chừng đó chúng ta chưa hoàn toàn hợp một trong mọi chi tiết cuả đức tin.
Hãy chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau! Hãy lấy yêu thương mà nhịn nhau, vì tình yêu thương “Che đậy vô số tội lỗi”. Nếu anh chị em có nhìn thấy khuyết điểm nào nơi người khác hoặc nơi giáo phái khác, thì hãy biết chắc chắn rằng chính anh chị em đang có khuyết điểm lớn hơn! Lớn hơn bao nhiêu ? Xin thưa : lớn như cây đà so với cọng rác !
Nguyện xin Lời Chuá là ngọn đèn soi chân anh chị em, và là ánh sáng cho đường lối của Hội Thánh Đức Chuá Trời . Xin cảm ơn quý anh chị em.
Tóm tắt là:
- Không làm những gì Chuá cấm
- Không làm những gì Chuá Không cấm
- Chỉ làm những gì có trong Tân Ước mà thôi.
***********************************************************************
Trên đây chỉ là một góp ý cuả tôi về đề tài “Không thêm bớt Lời Chuá” .Qúy anh chị em nào có điều gì muốn dạy bảo thì xin liên lạc về :
Vũ Qúy Hảo, 24825 Magnolia Road Hockley, TX 77447 USA <[email protected]>
=====================================================
“11 Chính Ngài cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm truyền giáo, một số làm mục sư và giáo sư, 12 nhằm mục đích trang bị các thánh đồ cho công tác phục vụ, gây dựng Thân Thể Chúa Cứu Thế, 13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt đến sự hợp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con của Đức Chúa Trời, đến mức trưởng thành, đến tầm thước vóc dáng đầy trọn của Chúa Cứu Thế. 14 Lúc ấy, chúng ta sẽ không còn là trẻ con nữa, bị sóng đánh trôi giạt và cuốn theo mọi luồng gió đạo lý của những người bịp bợm, xảo trá dùng thủ đoạn lừa gạt” (Eph.4:11-14; 5*)