Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / ÂN TỨ GIẢNG DẠY

ÂN TỨ GIẢNG DẠY

 Đức Chúa Trời lập trong Hội Thánh người có ân tứ… giảng dạy.

1 Cô-rin-tô 12:28

Khi tôi còn ở trường Kinh Thánh, vị giáo sư tài giỏi nhất ở đó không có ân tứ giảng dạy – và các giờ dạy của ông là những giờ buồn chán nhất cho chúng tôi. Những vị giáo sư khác được xem là không tài giỏi bằng lại có ân tứ giảng dạy và họ làm cho chúng tôi có hứng thú học. Họ làm cho buổi học hấp dẫn.

Tôi ghét phải thừa nhận điều ấy, nhưng tôi không thể nhớ nỗi một điều gì từ sự giảng dạy của vị giáo sư được cho là tài giỏi đó. Tuy nhiên tôi lại học được những lẽ thật từ những vị giáo sư khác mà cho đến bây giờ nó vẫn là một phần trong đời sống tôi. Lẽ thật không đến từ sự tài giỏi mà đến từ ân tứ giảng dạy.

CÒN HƠN LÀ MỘT KỸ NĂNG

Phao-lô cho chúng  biết Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh trước hết là các sứ đồ, rồi đến các tiên tri và sau đó là các thầy giảng. Cả ba đều được chỉ định bởi Đức Chúa Trời để giảng giải Lời của Đức Chúa Trời.

Có ân tứ  giảng dạy, cũng như những loại ân tứ thuộc linh khác. Tôi nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã ban cho tôi ân tứ giảng dạy vì sự xây dựng thân thể của Đấng Christ.

Khi đang chuẩn bị cho bài giảng, tôi trông đợi chính Chúa cho bài giảng, tìm kiếm ý muốn từ Chúa và sự soi sáng của Đức Thánh Linh trên Lời của Chúa. Đức Chúa Trời ban phát tình yêu và lẽ thật của Ngài vào lòng tôi. Chỉ khi đó tôi mới chuẩn bị chia xẻ những điều mà tôi nhận được từ Thánh Linh và rao giảng lẽ thật của Đức Chúa Trời cho dân Ngài.

Phao-lô đã viết cho Hội Thánh tại Cô-rin-tô rằng: “Điều tôi nhận được từ Chúa thì tôi cũng phân phát lại cho anh em” (1Cô-rin-tô 11:23). Bất cứ khi nào đứng trước Hội Thánh  để giảng dạy Lời Chúa, tôi đều dùng câu nói của Phao-lô để mở lời: “Điều tôi đã nhận được từ Chúa tôi cũng phân phát cho anh em”.

Tuy nhiên có một điều đáng chú ý là không phải ân tứ giảng dạy lúc nào cũng có thể được thi hành. Có những lúc tôi chuẩn bị để giảng dạy nhưng sự xức dầu của Đức Thánh Linh không có nơi tôi. Điều ấy làm tôi bị áp lực và tôi ghét điều ấy. Tôi chỉ cố gượng ép mà không có dòng chảy của Thánh Linh một cách tự nhiên. Tôi biết rằng lời rao giảng của tôi  bị thất bại và lý do là không có sự xức dầu tại thời điểm đó.

Tuy nhiên cũng có những lần khác tôi chuẩn bị và sứ điệp cứ tuôn chảy. Tất cả những suy nghĩ, những ý tưởng, những cảm thúc, dầu xức cứ liên tục tuôn ra như một dòng suối tuôn chảy xuống đồi. Những lúc đó thật dễ dàng. Có những điều khiến cho chúng ta vui mừng và phấn khởi khi Đức Chúa Trời tuôn chảy qua chúng ta để phân phát Lẽ thật của Ngài cho những người khác.

Thật sự mà nói, đôi khi lời giảng dạy có hiệu quả và cũng có những lúc lời giảng dạy không có hiệu quả bao nhiêu.  Điều nầy chỉ ra giảng dạy không phải là khả năng tự nhiên, bạn không thể giảng dạy bất cứ lúc nào bạn thích. Vì đó là ân tứ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải nhờ cậy nơi Ngài để ân tứ có thể được thực hành. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể tự giảng dạy thì khi đó Đức Chúa Trời sẽ cất ân tứ đi. Khi đó bạn cần đến với Chúa và nói: “Lạy Chúa, xin đừng cất ân tứ đi. Xin Ngài đừng thực hiện điều ấy nữa. Con cần Ngài. Con tùy thuộc vào Ngài. Con không thể giảng dạy mà không có Ngài”. Giảng dạy là một loại ân tứ phải lệ thuộc vào sự xức dầu của Thánh Linh để sứ điệp được tự do tuôn chảy.

DẠY DỖ HAY RAO GIẢNG

Sứ đồ Phao-lô đã vui hưởng một chức vụ gồm ba  mặt. Ông nói rằng ông “được xức dầu để là một người rao giảng, sứ đồ, và giáo sư cho người ngoại bang” (2 Ti-mô-thê 1:11). Sự phân biệt của ông cho chúng ta thấy sự khác nhau giữa ân tứ rao giảng và ân tứ  dạy dỗ. Hội thánh đã gặp nhiều khó khăn vì đã không nhận ra sự khác nhau này.

Rao giảng là công bố hay tuyên bố lẽ thật của Đức Chúa Trời để đem con người đến sự cứu rỗi qua sự thông hiểu về Jesus Christ. Đó là công tác truyền bá phúc âm, công bố Tin Lành của Đức Chúa Trời rằng Ngài ban cho chúng ta sự tha tội bởi sự đóng đinh của Jesus Christ, Đấng đã gánh thay tội lỗi và chết vì chúng ta. Rao giảng là công tác thuyết phục con người tiếp nhận Jesus Christ là Cứu Chúa của họ.

Mặt khác giảng dạy, hay dạy dỗ thì dành cho những tín hữu chứ không dành cho người vô tín. Giảng dạy làm cho những người đã tiếp nhận Chúa tiếp tục được lớn lên trong ân điển và sự thông biết Đức Chúa Trời. Rao giảng thì dành cho tội nhân, còn giảng dạy thì dành cho tín đồ.

Trong Hội Thánh  đã có nhiều sự rao giảng mà lại ít sự giảng dạy. Hội Thánh cần sự giảng dạy nhiều hơn để các tín đồ lớn lên và đạt đến sự trưởng thành trong mối tương giao với Chúa Jesus Christ.

Trước giả sách Hê-bơ-rơ đã có lời cảnh báo: “Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. Vả kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu”. Nói theo cách khác câu ấy có nghĩa là: “Kìa hãy nhìn xem, đã quá đủ cho anh em rồi. Lẽ ra anh em đã có thể giảng dạy Lời của Đức Chúa Trời, nhưng đến bây giờ mà anh em vẫn cần được dạy dỗ”. Tại sao như thế? Bởi vì họ vẫn còn học những điều sơ học của Phúc âm. Họ đã được nghe Phúc âm nhưng họ không được dạy dỗ, ăn thức ăn đặc để có thể trưởng thành.

Trong các câu sau tác giả tiếp tục viết một cách thực tế, ngụ ý : “ Chúng ta hãy đạt đến sự trưởng thành. Chúng ta đừng quay lại và đừng chỉ cứ giữ lấy nền tảng cũ kỹ. Nền tảng thì quan trọng, nhưng chúng ta cần xây dựng lên trên nền tảng. Một khi nền tảng đã được lập, chúng ta phải thiết kế công trình. Vì vậy chúng ta hãy phát triển, hãy lớn lên trong mối tương giao với Chúa và đồng bước đi với Ngài. Đừng dừng lại ở mức độ con trẻ. Hãy đạt đến sự trưởng thành”.

Những tín đồ tại Cô-rin-tô đã gặp phải một nan đề tương tự. Phao-lô muốn dạy dỗ họ những điều sâu nhiệm hơn về Thánh Linh, tuy nhiên ông thấy mình bị hạn chế vì họ đã không lớn lên. “ Về phần tôi, hỡi anh em, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy. Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được” (1 Cô-rin-tô 3:1-2). Nói theo cách khác có nghĩa là: “Có nhiều điều tôi muốn nói với anh em, nhưng anh em chưa sẵn sàng để nghe. Vì vậy tôi cho anh em ăn thức ăn sữa. Và có vẻ như anh em vẫn cần nuôi bằng sữa bởi vì anh em vẫn chưa lớn lên.”

Mục đích của ân tứ giảng dạy là khiến cho tình trạng thuộc linh của tín đồ lớn lên và phát triển. Nhiều người đã mắc sai lầm lớn khi nghĩ rằng sự tăng trưởng thuộc linh chỉ đến từ những kinh nghiệm; nhưng điều ấy là sai. Sự tăng trưởng thuộc linh đến từ sự cung ứng Lời của Đức Chúa Trời. Đó là lý do vì sao ân tứ giảng dạy lại vô cùng quan trọng và cần thiết cho Hội Thánh .

Nếu như có khi nào đó ân tứ giảng dạy cần được thi hành thì thời điểm đó chính là thời đại hôm nay. Ngày hôm nay sự ham muốn xác thịt mạnh mẽ như trong thời đại của Hội Thánh tại Cô-rin-tô, và kết quả là làm cho tình trạng thuộc linh không phát triển được. Vào lúc mà lẽ ra chúng ta cần phải trưởng thành, lớn lên và phát triển thì chúng ta lại vẫn còn là con trẻ. Đó thật sự là một bi kịch!

Khi một người xưng nhận đức tin vào Chúa Jesus Christ, nhu cầu lớn nhất của người ấy là được dạy dỗ Lời Chúa. Chức vụ của một mục sư- giáo sư là “ để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vọc giạc trọn ven của Đấng Christ. Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. “(Ê-phê-sô 4:12-15).

Nếu như không có thức ăn thuộc linh cứng từ Lời Đức Chúa Trời thì các tín đồ vẫn còn bị trì trệ trong tình trạng thuộc linh. Trong sách Ô-sê, Chúa đã phán rằng: “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết. Bởi ngươi bỏ sự thông biết thì ta cũng bỏ ngươi, đặng ngươi không làm thầy tế lễ cho ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Đức Chúa Trời mình, thì ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” (Ô-sê 4:6).

Chúng ta vẫn chỉ là con trẻ nếu cứ học hoài về Phúc Âm của Chúa Jesus Christ chết cho chúng ta và chúng ta cần ăn năn tội mình. Sứ điệp của Phúc Âm thì rất kỳ diệu, và tội nhân cần phải biết về nó. Tuy nhiên tất cả các tín đồ đã biết về điều ấy. Chúng ta đã chấp nhận lẽ thật Chúa Jesus Christ chết vì chúng ta. Bây giờ chúng ta cần tiếp tục đồng hành với Ngài. Chúng ta cần lớn lên và đạt đến sự trưởng thành đầy trọn về mọi điều trong Đấng Christ. Điều đó chỉ xảy ra qua chức vụ giảng dạy Lời của Đức Chúa Trời.

SỰ GIẢNG DẠY TRONG CỰU ƯỚC

Ân tứ giảng dạy lần đầu tiên được đề cập là trong Xuất Ai-cập ký 4:12, Đức Chúa Trời phán với Môi-se: “Vậy bây giờ hãy đi, ta sẽ ở cùng miệng ngươi và dạy ngươi những lời phải nói”. Chúa hứa với Môi-se rằng Ngài là dạy Môi-se khiến cho ông có khả năng dạy dỗ lại dân Y-sơ-ra-ên. Ba câu Kinh Thánh ngay sau đó, Đức Chúa Trời đã nói về A-rôn: “Vậy ngươi hãy nói cùng người và sắp để những lời trong miệng người. Khi hai ngươi nói, ta sẽ ở cùng miệng ngươi và miệng anh ngươi, dạy các ngươi những điều gì phải làm”. Lúc đầu Chúa hứa sẽ dạy dỗ Môi-se những gì phải nói, sau đó Ngài nói rằng sẽ hướng dẫn Môi-se việc phải làm. Cả hai điều này đều cần thiết.

Vài thế kỷ sau đó dân Y-sơ-ra-ên phải ở trong tình trạng thảm khốc. Lý do cho tai họa ấy là vì “đã lâu ngày, Y-sơ-ra-ên không có Chúa thật, không có sự dạy dỗ của thầy tế lễ”. (2 Sử-ký 15:3). Sự thiếu hụt trong sự dạy dỗ gây ra tình trạng khốn đốn của họ, làm cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời không có ở giữa họ.

Dạy dỗ rất quan trọng cho dân Đức Chúa Trời. Đó là lý do vì sao lời hứa trong Nê-hê-mi 9:20 thì rất quý báu: “Chúa cũng ban cho họ Thần Linh lương thiện của Ngài để dạy dỗ họ”. Chúng ta thật cần ân tứ này mọi lúc mọi nơi.

DẠY DỖ TRONG TÂN ƯỚC

Chức vụ của Chúa Giê-xu Christ là chức vụ dạy dỗ. Qua các sách Phúc âm chúng ta thấy Ngài dạy dỗ dân chúng về Cha của Ngài. Có năm mươi tám lần người ta xưng Ngài là “thưa thầy”. Ngài được bày tỏ ra và được nhận biết như là một giáo sư – người dạy dỗ.

Bởi vậy không ngạc nhiên khi trong cuối sách Phúc âm thứ nhất Chúa Jesus đã nói với các sứ đồ rằng: “Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Cha, Con, và Thánh Linh mà làm báp-tem cho họ, dạy họ giữ hết mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:19-20).

Sứ đồ  Phao-lô đã nhận lấy mạng lệnh này một cách nghiêm túc. Sau khi cải đạo và ở lại sa mạc A-ra-bi ít lâu, Phao-lô đã quay lại Giê-ru-sa-lem. Hội thánh tại đây nhận thấy Phao-lô rất nôn nả, nóng cháy chưa thể sử dụng tính cách của ông được. Ông quá nhiệt thành nên không thể để ông tiếp tục theo chân các lãnh đạo Do thái giáo, đặc biệt là với người Pha-ri-si. Vì vậy Hội Thánh đã thuyết phục ông đến Tạt-Sơ ẩn cư một thời gian.

Nhưng Phao-lô không thể cứ loay hoay mãi ở Tạt-sơ. Ba-na-ba biết rằng Phao-lô có một nền tảng văn hóa Hy-lạp và ông cũng được người Hê-bơ-rơ huấn luyện, vì vậy Ba-na-ba kết luận rằng chính con người này mà trước kia bắt bớ Hội thánh sẽ là một người phụng sự tuyệt vời cho Hội Thánh người ngoại bang tại An-ti-ốt. Công vụ 11:29 cho chúng ta biết Ba- na- ba đã đến Tạt-sơ để tìm Phao- Lô “tìm gặp rồi bèn đưa đến thành An-ti-ốt. Trọn một năm hai người cùng nhóm với Hội thánh và dạy dỗ nhiều người”.

Phao-lô (tên cũ là Sau-lơ) được xưng trong Công vụ 13:1 là một giáo sư tại Hội thánh An-ti-ốt. Công vụ 15:35 chép: “Nhưng Phao-lô và Ba-na-ba ở lại tại thành An-ti-ốt, giảng Tin lành và dạy đạo Chúa cho nhiều người khác.” Phao-lô không chỉ dạy dỗ mà còn rao giảng, ông thực thi ân tứ kết hợp mà ngày hôm nay chúng ta vẫn thường thấy. Những ân tứ kết hợp này bổ sung cho nhau.

Phao-lô trải qua một năm dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời tại An-ti-ốt, một năm rưỡi dạy dỗ tại Cô-rin-tô (Công vụ 18:11) và hai hoặc ba năm dạy dỗ tại Ê-phê-sô. Trong Công vụ 20:20, Phao-lô công bố với các trưởng lão tại Ê-phê-sô ông đã không giữ lại bất cứ điều gì có lợi cho họ: “Nên bữa nay tôi nói quyết với anh em rằng tôi tinh sạch về huyết anh em hết thảy. Vì tôi không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời.” (Công vụ 20:26-27).

Đó thật sự là một sự công bố tuyệt vời cho bất kỳ một chức vụ nào khi nói với giáo đoàn của mình rằng: “ Tôi đã tỏ ra cho anh em hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời”. Tôi biết rằng chỉ có một cách có thể công bố được như vậy là bằng cách dẫn dắt người khác đi hết toàn bộ Kinh Thánh từ Sáng-thế-ký đến Khải-huyền. Chỉ khi nào đã xuyên suốt Kinh Thánh nhiều lần thì anh em mới đủ tự tin để nói “Tôi đã tỏ ra cho anh em hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời”. Cảm tạ Chúa đã cho tôi có cơ hội dẫn dắt con cái Chúa đi xuyên suốt Kinh Thánh bảy lần trong suốt chức vụ của tôi tại Hội Thánh Calvary Chapel, mỗi lần như vậy thật tuyệt vời. Không gì có thể so sánh bằng việc đào sâu vào trong Lời Chúa, hết câu nầy đến câu khác, hết sách nầy đến sách khác.

Bởi sự rao giảng dạy dỗ như vậy mà E-xơ-ra, thầy thông giáo và Nê-hê-mi đã bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên về việc tái xây dựng Giê-ru-sa-lem vào cuối thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên bị thống trị bởi của người Ba-by-lôn. Dân Đức Chúa Trời đã tụ họp lại và lắng nghe luật pháp truyền ra và được giải bày cho họ. Nê-hê-mi 8:8 chép: “Họ đọc rõ ràng trong sách Luật Pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc”. Đây chính là sự dạy dỗ Lời của Đức Chúa Trời, và điều ấy nuôi dưỡng bầy chiên của Chúa hơn bất cứ điều gì khác.

ĐƯỢC XỨC DẦU ĐỂ DẠY DỖ

Điều quan trọng là chúng ta cần được Đức Chúa Trời xức dầu cho ân tứ dạy dỗ. Nếu không có sự xức dầu từ Đức Thánh Linh, chúng ta thậm chí còn không hiểu những lẽ thật thuộc linh chứ chưa nói tới việc dạy dỗ lẽ thật. “Vả người có tánh xác thịt không nhận lãnh được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người ấy coi sự đó như là rồ dại, vì phải xem xét cách thiêng liêng”. (1Cô-rin-tô 2:14).

Gần đây dấy lên một quan điểm kinh điển, đặt lại vấn đề là tại sao chúng ta lại phải cần đến Đức Thánh Linh khi mà chúng ta có thể hiểu chính xác Lời của Đức Chúa Trời  Một nhóm các học giả tự xưng là “nhóm nghiên cứu về Chúa Jesus Christ” đã nhóm lại thường xuyên với nhau và nói với chúng tôi rằng trong Kinh Thánh đâu là những câu thật sự mô tả về Chúa Jesus Christ và đâu là những câu bịa đặt ra? Những người này làm chúng tôi có ấn tượng rằng nếu chúng tôi không chấp nhận những kết luận của họ thì chúng tôi là những người khờ khạo, chẳng biết gì. Chỉ có họ mới đích thực là những chuyên gia nghiên cứu!

Trong buổi nhóm gần đây nhất của họ, những người này tuyên bố rằng Chúa Jesus Christ không bao giờ hứa sẽ quay trở lại để thiết lập vương quốc của Ngài. Họ nói rằng ý tưởng đó xuất hiện khi các môn đồ của Chúa Jesus Christ thất vọng về sự chết của Ngài. Các môn đồ đã bịa đặt ra toàn bộ điều này khi nói như vậy.

Họ cũng nói rằng Ma-thi-ơ đã viết sai khi ông chép lại lời của Chúa Jesus rằng: “Khi ấy điềm Con Người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống” (Ma-thi-ơ 24:30).

Một ví dụ tương tự khác được mô tả lại trong Giăng 14:1-3, khi Chúa Jesus Christ được ghi lại là đã nói với các môn đồ Ngài rằng: “Lòng các ngươi chớ hề bối rối, hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” Những học giả này nói rằng Chúa Jesus Christ không nói như vậy, đây chỉ là ý tưởng của Giăng.

Tương tự chúng ta cũng có một ví dụ về tên cướp bị đóng đinh cùng với Chúa Jesus và nhìn thấy tấm bảng ghi là: “Giê-xu người Na-xa-rét, Vua dân Do-thái”. Sách Lu-ca ghi lại rằng tên cướp quay sang Giê-xu và nói: “Thưa Chúa xin nhớ đến tôi khi Ngài vào vương quốc Ngài”. Chúa Giê-xu đã phán: “Hôm nay ngươi sẽ ở với ta trong Ba-ra-đi.” Nhưng dĩ nhiên những học giả này nói rằng đó chẳng qua chỉ là lời chép lại của sách Lu-ca chứ thật ra Chúa Giê-xu đã mong muốn vương quốc Ngài được thiết lập trên đất ngay khi Ngài còn sống, nhưng cuối cùng thật thất vọng vì điều ấy đã không xảy ra. Thật đúng là những học giả nghiên cứu về Chúa Jesus!

Chúng ta cần phải quyết định. Chúng ta nên tin vào các trước  giả Kinh Thánh là những người được cảm thúc bởi Đức Thánh Linh hay chúng ta tin vào những học giả ngày nay là những người cố gắng thông giải Lời của Đức Chúa Trời qua tâm trí lý luận của con người?

Kinh Thánh công bố rằng khi Chúa Giê-xu thăng thiên, một đám mây đã che khuất Ngài khỏi các môn đồ. Khi họ đang nhìn lên trời xem Ngài biến đi, thình lình có hai người mặc áo trắng tinh xuất hiện và nói: “ Hỡi những người Ga-li-lê, sao các ông ngó chăm lên trời? Chúa Giê-xu này, người đã được cất lên trời cũng sẽ trở lại y như cách mà các ông thấy Ngài lên trời vậy” (Công vụ 1:11). Đó là những gì Kinh Thánh công bố và chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ.

Nếu bạn muốn thông biết Đức Chúa Trời và hiểu Lời Ngài mà bằng tâm trí của con người, không nhờ cậy vào Đức Thánh Linh thì sẽ không bao giờ có kết quả. Nếu không có sự dạy dỗ của Chúa thì không một con người nào có thể hiểu những điều của Thánh Linh. Có một phương diện về sự hiểu biết vượt xa lý luận và hiểu biết của con người. Đức Thánh Linh dạy chúng ta những điều của Đức Chúa Trời thông qua quyền năng và sự xức dầu của Ngài.

Đó chính là bài học chúng ta học được từ Phao-lô. Chúng ta biết rằng Phao-lô là người rất khôn ngoan. Khi đọc các thư tín của Phao-lô chúng ta nhìn thấy được sự khôn ngoan của ông. Phao-lô nói rằng ông được dạy dỗ dưới chân thầy thông giáo Ga-ma-li-ên, một trong những thầy thông giáo lớn bấy giờ. Tuy nhiên trong các thư tín, Phao-lô không cố gắng thuyết phục con người bằng lý luận. Thay vì vậy Phao-lô mong muốn sự rao giảng của mình là một sự biểu lộ quyền năng của Thánh Linh. Đó là lý do mà Phao-lô viết cho người Cô-rin-tô rằng: “Lời nói và sự rao giảng của tôi không dựa vào lời thuyết phục của sự khôn ngoan từ con người, nhưng bởi sự biểu lộ của Thánh Linh và quyền năng, bởi đó đức tin của anh em được lập nền trên quyền năng của Đức Chúa Trời chứ không phải bởi sự khôn ngoan của con người” (I Cô-rin-tô 2:4-5).

Có một sự khác nhau giữa sự cải đạo bởi tâm trí và sự cải đạo bởi tấm lòng, giữa việc tin bởi tâm trí và việc tin bởi tấm lòng. Phao-lô quan tâm đến tấm lòng. Ông biết rằng Thánh Linh chinh phục lòng người chứ không chỉ bởi sự khôn ngoan từ tâm trí.

Ngày hôm nay chúng ta càng cần ghi khắc điều này trong lòng. Hãy tin vào Thánh Linh là Đấng ban cho chúng ta sự khôn ngoan, sự hướng dẫn và thông biết. Giăng đã viết: “Các con không cần ai dạy dỗ các con, vì ơn xức dầu dạy dỗ các con mọi sự, mà ơn ấy là thật” (I Giăng 2:27). Đức Thánh Linh dạy dỗ chúng ta và xức dầu trên chúng ta. Ngoài Đức Thánh Linh, không có sự dạy dỗ thật nào về Lời Đức Chúa Trời.

Tôi đã nói nhiều lần rằng một người không có học vấn nhưng được đổ đầy bởi Thánh Linh thì lẽ thật họ nói ra con đáng tin cậy hơn những học giả thông hiểu tiếng Hy-lạp, Hê-bơ-rơ và Ả-rập nhưng lại không được tái sanh. Chỉ có Đức Thánh Linh mới có thể giúp chúng ta thông hiểu và bước đi với Đức Chúa Trời. Và đó cũng chính là điều lòng Ngài mong muốn.

KẾT QUẢ CỦA SỰ DẠY DỖ ĐÚNG ĐẮN

Không khó khăn mấy để thấy kết quả của sự dạy dỗ đúng đắn trên đời sống của một cơ đốc nhân. Ê-sai 54:13-14 ghi lại một bức tranh tuyệt vời mà tôi cũng đã thấy điều ấy trên đời sống của nhiều tín đồ được dạy dỗ đúng đắn: “Hết thảy con cái ngươi sẽ được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, và sự bình an của con cái ngươi sẽ lớn. Ngươi sẽ được đứng vững trong sự công bình, tránh khỏi sự hiếp đáp, vì chẳng sợ chi hết. Ngươi sẽ xa sự kinh hãi, vì nó chẳng hề đến gần ngươi.”

Sự dạy dỗ đúng đắn đem lại sự bình an lớn; sự sợ hãi sẽ bị quăng xa. Vì sao như vậy? Vì qua sự dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời chúng ta biết được sự vĩ đại của Đức Chúa Trời, tình yêu của Ngài và sự chăm sóc của Ngài trên đời sống của chúng ta. Khi nhìn thấy được ánh sáng về tình yêu thương của Chúa và sự chăm sóc của Ngài trên đời sống mình, chúng ta sẽ không còn sợ hãi cho tương lai không vững chắc của mình. Chúng ta không kinh hãi với những khó khăn tấn công đời sống mình. Thay vì vậy chúng ta có sự bình an lớn và sự vững tin. Chúng ta luôn suy nghĩ rằng “Đức Chúa Trời yêu thương tôi. Ngài đang ở trên ngai cao nhìn xem tôi. Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc cho tôi”.

Ân tứ dạy dỗ thật phước hạnh cho Hội Thánh. Các anh em dạy dỗ Trường Chủ nhật cần nhận thấy tầm quan trọng của chức vụ mà Đức Chúa Trời giao phó cho họ. Họ có cơ hội truyền đạt cho những anh em  non trẻ thuộc linh với tâm trí còn có thể điều chỉnh những ấn tượng ban đầu về Đức Chúa Trời. Hãy khích lệ họ học thuộc Kinh Thánh. Hãy cho họ biết Đức Chúa Trời yêu thương biết bao, và gieo vào lòng họ lẽ thật nền tảng của Đức Chúa Trời.

Nếu có ân tứ dạy dỗ, anh em hãy sử dụng điều ấy. Hãy tìm kiếm sự  giúp đỡ và sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh để anh em có thể dạy dỗ tốt hơn. Hãy cầu nguyện để anh em có thể gieo lẽ thật đời đời của Đức Chúa Trời vào trong những tấm lòng của những tân tín hữu. Có thể nhiều người trong chúng ta còn nhớ những bài học mà chúng ta được dạy dỗ trong Trường Chúa Nhật. Anh em hãy dùng những minh họa thú vị đã được dạy dỗ ấy để trình bày lại cho những người mới tin để họ có thể dễ dàng nhận lấy lẽ thật. Khi ấy những bài học anh em dạy dỗ sẽ còn đọng lại mãi trong lòng họ.

Hãy vận dụng ân tứ dạy dỗ của anh em. Hãy mời những đứa bé hàng xóm vào nhà anh em và dạy dỗ cho chúng lẽ thật của Đức Chúa Trời. Hãy sử dụng ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho anh em. Phao-lô đã nói với Ti-mô-thê rằng: “Hãy nhen lại ân tứ mà Đức Chúa Trời đặt trong con”( 2 Ti-mô-thê 1:6). Hãy nhen lại ân tứ! Rồi anh em sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời làm những điều kỳ diệu xuyên qua đời sống của anh em.

Chuck Smith

Translated by Tuong Vi   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn