ĐẠO CHÚA KHÁC ĐẠO PHẬT
Là người Việt Nam, chúng ta cần tìm hiểu về Đạo Phật là đạo đang có nhiều người theo. Chúng ta cần biết sự tương đồng lẫn sự dị biệt giữa Đạo Chúa và Đạo Phật. Chúng ta tôn trọng niềm tin và quyết định của người theo các tôn giáo khác, nhưng chúng ta cần biết sự thật về sự khác nhau giữa các tôn giáo để khỏi mơ hồ và khỏi hiểu lầm.
Những điểm tương đồng giữa Đạo Phật và Đạo Chúa:
Cả hai bên đều nhìn nhận về sự kiện vô thường. Nhìn cuộc đời chúng ta thấy sự đổi thay. Không có gì là vĩnh viễn cả, cỏ khô, hoa rụng, đế quốc nầy hưng thịnh rồi suy đồi, người ta sống rồi người ta chết. Đời sống con người sinh ra, lớn lên, trở nên già, mắc bệnh rồi chết. Đó là vô thường.
Cả hai bên đều nâng cao các tiêu chuẩn đạo đức. Cả hai đều dạy mọi người phải nói thật, kỹ luật, tâm trí tinh sạch, thương người. Cả hai đều cấm giết người, cấm gian dối, cấm tham muốn tình dục, cấm nói dối, tham ăn, và say sưa. Trong Đạo Phật có Ngũ Giới và Bát Chánh Đạo thì trong Đạo Chúa có Mười Điều Răn.
Cả hai bên đều nhấn mạnh đến sự suy gẫm và kỹ luật tự giác.
Cả hai bên đều khen ngợi sự thương người và kính trọng sự sống.
Đạo Phật dạy hãy từ bỏ mọi ham muốn, Đạo Chúa dạy hãy giữ mình khỏi những dục vọng thấp hèn và ô uế.
Đạo Phật phái Đại Thừa tin nơi thiên đàng và địa ngục với phần thưởng hay hình phạt tương lai cũng tương tự như quan niệm về tương lai thưởng phạt của Đạo Chúa.
Cả hai đều nói về sự bình an trong tâm hồn.
Những điểm dị biệt giữa Đạo Phật và Đạo Chúa:
Đạo Chúa bắt đầu và kết thúc với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Căn Nguyên Đầu Tiên và Mục Đích Cuối Cùng. Đạo Phật không muốn đề cập đến Đức Chúa Trời, chỉ chủ ý đến chính mình. Theo Đạo Phật đời là không có ý nghĩa, theo Đạo Chúa đời có ý nghĩa vì có Chúa.
Đức Phật kiên quyết phủ nhận bất cứ lời tuyên xưng thần thánh nào dành cho Ngài. Đức Phật chỉ dạy: “Ta đã tìm được con đường, và bây giờ ta chỉ cho các ngươi con đường.” Đức Chúa Giê-su tự nhận là Con Đức Chúa Trời, “Ta với Cha là một.” Ngài tuyên bố rõ ràng, “Ta là đường đi, chân lý và sự sống.” Chúa Giê-su chấp nhận sự thờ phượng của nhiều người đương thời dành cho Ngài.
Giữa sự vô thường của thế giới và đời sống (Đạo Phật nhấn mạnh), có một Đấng Christ bất biến và một nước Trời không hề lay chuyển (Đạo Chúa khẳng định).
Đạo Phật tập chú vào con người—nhu cầu của con người và nổ lực của con người trong khi Đạo Chúa tập chú vào Đức Chúa Trời–mục đích của Ngài và sự cung ứng của Ngài.
Đạo Phật tin rằng không có gì vĩnh cửu hay bất tử trong thân thể con người. Không có bản ngã đời đời nào cả. Đạo Chúa tuyên bố rằng con người có một linh hồn vĩnh cửu. Sự thực hữu của bản thân và cá tính là thật.
Nan đề căn bản trong Đạo Phật là sự đau khổ. Nan đề căn bản trong đức tin Đạo Chúa là tội lỗi.
Sự giải thoát theo Đạo Phật là hết khổ, thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi không bao giờ dứt. Sự cứu rỗi theo Đạo Chúa là được giải phóng khỏi ách tội lỗi và giải hoà với Đức Chúa Trời. Đó là sự phát triển trưởng thành trong đời sống mới sau khi được Chúa tái sinh.
Trong Đạo Phật mỗi cá nhân phải tạo ra sự giải thoát cho mình qua nổ lực riêng của chính mình. Sự giải thoát thành đạt được là qua sự suy gẫm (thiền định), các việc lành, và sự hiểu biết. Đạo Chúa tuyên bố rằng không một ai có thể tự cứu chính mình. Sự cứu rỗi là một món quà của Chúa ban. Tội nhân được cứu “nhờ ân điển … bởi đức tin” (Ê-phê-sô 2:8).
Tin Lành Cho Người Theo Phật
Điều khó nhất khi người Tin Lành nói chuyện với các Phật tử là Đạo Phật không tin có Trời, cũng không bàn về Trời. Vì thế, nếu không ai có tội với Trời thì cũng không ai cần sự giải phóng khỏi tội lỗi. Theo Đạo Phật đau khổ là cái ác lớn nhất, và tham muốn là căn nguyên của đau khổ. Không còn tham muốn thì đau khổ sẽ chấm dứt. Theo Đạo Phật thì yêu cũng là tham muốn trong khi Đạo Chúa dạy hãy yêu Chúa và yêu nhau, thậm chí yêu cả kẻ thù. Vậy chúng ta sẽ thuyết phục các Phật tử trở lại với lẽ thật và tin cậy Chúa như thế nào?
Có một tín đồ của Chúa đã đề nghị cách trình bày Tin Lành dễ hiểu đối với người theo Phật như sau: Chúng ta có thể gọi đây là “Bốn Lẽ Thật” của người tin Chúa giống như người theo Phật có “Tứ Diệu Đế”.
Bốn Lẽ Thật là:
- Đau khổ là một sự kiện của đời sống.
- Căn nguyên của đau khổ là tội lỗi.
- Giải pháp cho tội lỗi là sự chịu khổ thế của Chúa Giê-su.
- Phương pháp giải cứu là lấy đức tin nhờ cậy Chúa Giê-su. Không tự cứu nhưng hoàn toàn nhờ Chúa cứu. Tin cậy vâng lời Chúa.
Ý Nghĩa của Bốn Lẽ Thật.
- Đau khổ là một sự kiện của đời sống.
Không ai chối cãi là đời sống đầy đau khổ. Khổ về tâm trí như thất bại, thất vọng, chia lìa, buồn lo, cô đơn, sợ hãi, băn khoăn xao xuyến… Khổ về thể xác như bệnh hoạn, tật nguyền, khó chịu, đau đớn thân xác và chết chóc. Sự đau khổ không từ một ai, từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo, từ có học đến thất học, từ người Á đến người Âu, không ai tránh thoát được đau khổ trên cuộc đời nầy.
- Căn nguyên của đau khổ là tội lỗi.
Đạo Phật tuyên bố rằng tham muốn là căn nguyên của đau khổ, và do đó chúng ta cần chấm dứt tất cả các tham muốn—ngay cả niềm khao khát muốn sống. Nhưng chúng ta cần biết không phải tất cả mọi ham muốn đều ác. Có một số điều ham muốn do Chúa ban cho và hợp pháp như đói, khát, yêu, nguyện vọng và tình thương. Chỉ khi chúng ta không biết kiềm chế những ham muốn nầy và cố gắng thỏa mãn những ham muốn nầy cách sai trái thì chúng mới trở thành ác. Kinh Thánh nói rõ rằng gốc rễ của đau khổ còn đi sâu xa hơn là sự ham muốn. Ham muốn chỉ là một hiện tượng của một chứng bệnh thật. Chứng bệnh đó là tội lỗi.
Nan đề căn bản của đời sống không phải là đau khổ nhưng là tội lỗi. Tội lỗi không phải chỉ là mối quan hệ không tốt với người khác như dối trá, trộm cướp… Tội lỗi chủ yếu là mối liên hệ sai trật của con người với Đức Chúa Trời. Đó là sự phản nghịch, sự bất trung mà chúng ta chứng tỏ với Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Thành chúng ta. Đó là tinh thần cậy chính mình là trung tâm, là tự mãn, là tin rằng tự mình có thể quyết định số phận của mình. Hậu quả của mối quan hệ sai trật với Chúa biểu hiện trong mối quan hệ sai trật với người khác. Giống như chúng ta từ khước hay lạm dụng Chúa, chúng ta cũng từ khước hay lạm dụng người khác. Chúng ta quên rằng không có điều gì chúng ta đang có (kể cả mạng sống của chúng ta) mà không phải nhận lãnh từ Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài” (Công Vụ 17:25).
Tính chất tội lỗi nằm ở mối liên hệ bị đứt đoạn của chúng ta với Đức Chúa Trời. Không phải chúng ta chỉ vi phạm những luật lệ đạo đức của Chúa truyền, nhưng chúng ta còn xúc phạm đến chính bản tính của Chúa. Chúng ta bất tín, bất trung, chúng ta không chịu vâng lời Chúa. Chúng ta xây lưng không tìm kiếm Chúa. Chúng ta chiều theo ý riêng và không muốn chiều theo ý Chúa. Vì thế nếu chúng ta cố tu sửa, đi theo người nào đó chỉ đường, làm một vài việc lành, nhưng không làm gì đối với ý muốn của Chúa thì chắc chắn không đủ. Kinh Thánh mô tả, “Vì mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Chúa.” Nhu cầu cấp thiết nhất của chúng ta là một Đấng Cứu Thế có thể làm cho chúng ta chính cái điều chúng ta không làm được. Ngài sẽ là Đấng biến đổi tôi, cất khỏi tôi bản tính phản nghịch với Chúa, giúp tôi giải hoà với Chúa, thiết lập một mối liên hệ hoà bình, tự nhiên và thông suốt với Chúa. Chính tôi là nan đề chứ không phải thế giới, chính tội lỗi tôi mới là căn nguyên chứ không phải là sự đau khổ. Đau khổ chỉ là hậu quả của mối giao thông của tôi với Chúa bị đứt đoạn. Chúa là nguồn sống, nguồn phước của đời sống tôi và tôi không còn giao thông gì với Chúa. Kinh Thánh chỉ rõ rằng sự đau khổ trên thế gian—như sợ hãi, lo âu, đau đớn, bệnh tật, tang tóc–tất cả là do tội lỗi của loài người mang đến. Tội lỗi là chứng bệnh nan y.
- Giải pháp cho tội lỗi là sự chịu khổ thay của Chúa Giê-su.
Đúc Chúa Trời với tình yêu của Ngài đã đi bước đầu tiên để giải quyết vấn đề tội lỗi của loài người. Nên nhớ Đức Chúa Trời dựng nên loài người với ý chí tự do. Điều nầy có nghĩa con người có thể đi sai lạc và gây đau khổ cho chính mình. Sự đau khổ của loài người làm cho lòng Chúa buồn. Khi loài người phạm tội, Đức Chúa Trời khởi đầu chịu khổ đau. Ngay từ đầu Đức Chúa Trời đã nghĩ đến “một chiên con bị giết từ buổi sáng thế.” Đó là giải pháp chết thế của Con Ngài trên thập tự giá vì tội lỗi của toàn nhân loại.
Chúng ta chỉ biết được điều nầy khi nhìn thấy chính Chúa Giê-su, Con Một Đức Chúa Trời đã trở thành một người trong dòng lịch sử, sống giữa tội lỗi và khổ đau của thế gian. Ngài sống như một người hoàn toàn với những kinh nghiệm như một người nghèo, làm nghề thợ mộc, biết đói, biết khát, biết khóc, biết cười… nhưng không phạm tội. Ngài sống như một Ông Trời sống giữa thế gian, Ngài bày tỏ quyền năng trong lời nói, việc làm, Ngài có quyền trên thiên nhiên, trên ma quỷ, trên bịnh tật, trên sự sống. Cuối cùng Ngài đã đã chấp nhận để cho loài người đóng đinh Ngài trên cây thập tự trên đồi Gô-gô-tha ở nước Do Thái. Ngài chết thay cái án chết của hết thảy loài người.
Đối với người theo triết lý Phật, chúng ta có thể nói Chúa Cứu Thế Giê-su đã gánh lấy hết cái nghiệp (karma) của chúng ta, Chúa gánh hết tội của chúng ta trên chính mình Ngài. Ngài gánh hết mọi đau khổ cả tinh thần lẫn thể chất của hết thảy loài người và biến sự chết đó thành một giải pháp cứu rỗi loài người. Ngài gánh lấy sự đau khổ bi đát nhất để biến nó thành sự đắc thắng vĩ đại nhất.
- Phương pháp giải cứu là lấy đức tin nhờ cậy Chúa Giê-su. Không tự cứu nhưng hoàn toàn nhờ Chúa cứu.
Người theo Phật tin lời Phật cho rằng con người có thể tự cứu mình bằng kỹ luật hãm mình, tu sửa. Đạo Phật dạy mỗi người phải tự cứu mình. Không có Đấng nào ở bên ngoài có thể cứu mình. Trái lại, Kinh Thánh quả quyết con người là tội nhân và tuyệt đối không ai có thể tự cứu bằng bất cứ cố gắng nào. Nếu có sự cứu rỗi nào thì giải pháp đó phải đến từ Đức Chúa Trời. Giải pháp của loài người là phải vâng theo các lời chỉ dẫn, giáo huấn trong các kinh kệ, trái lại giải pháp của Chúa là hãy tin cậy và vâng lời một mình Con Đức Chúa Trời.
Ý Nghĩa Của Món Quà Cứu Rỗi
Chúa Giê-su phán, “Ta đã đến hầu cho các con được sống và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10). Chúa cứu chúng ta để đem đến cho chúng ta đời sống có ý nghĩa. Điều nầy có nghĩa là nhập thế chứ không phải xuất thế. Chúng ta đi vào đời và làm cho đời đẹp hơn. Chúng ta được cứu khỏi tội lỗi không có nghĩa chúng ta tự động được giải thoát khỏi đau khổ và sự chết trong cuộc đời nầy. Chúng ta vẫn còn đau khổ và phải chết. Nhưng Chúa Giê-su đã rút hết nọc độc ra khỏi sự đau khổ và sự chết. Chúa đã gánh hết đau khổ để biến sự chết của Ngài thành giá cứu chuộc và bây giờ Ngài ban cho chúng ta quyền năng để đối diện sự đau khổ một cách đắc thắng. Chúa đã chiến thắng sự chết qua sự sống lại của Ngài, nhờ thế chúng ta không còn sợ chết nữa. Chết chỉ là cánh cửa để chúng ta bước vào sự hiện diện vinh hiển của Chúa cách bình an. Ngày nay chúng ta làm việc Chúa không phải để tiến tới chiến thắng nhưng là từ chiến thắng, chiến thắng của Ngài.
Một tin mừng cần biết là sự cứu rỗi chúng ta vui hưởng trong cuộc đời nầy chỉ là tiên vị chúng ta sẽ nếm biết về sự cứu rỗi hoàn toàn trong tương lai. Thời gian sẽ đến khi ngay cả tội lỗi, đau khổ và sự chết sẽ không còn nữa. Lúc đó chúng ta sẽ được sống lại với thân thể mới để sống đời đời. Chúng ta sẽ sống cùng với Chúa Giê-su trên thiên đàng.
Sự cứu rỗi đã được Chúa làm xong, nhưng phần con người thì phải biết đón nhận. Đức Chúa Trời đã đáp ứng nhu cầu của con người, bây giờ con người phải hưởng ứng với giải pháp Chúa đã làm xong. Chúng ta có thể đón nhận món quà Chúa ban hay cũng có thể khước từ. Nếu tôi từ khước sự cứu rỗi trong Chúa Giê-su và sống tiếp tục trong tội lỗi thì sự đau khổ là “tiền công” tôi phải trả. Tôi sẽ khổ trong đời nầy và sẽ khổ hơn trong đời sau. Nhưng nếu tôi ăn năn tội (thay đổi thái độ đối với chính mình và với Chúa) và tôi tin cậy Chúa Giê-su là Đấng Cứu Rỗi tôi, thì tôi sẽ nhận lãnh sự tha tội và sự sống đời đời Chúa ban. Tôi sẽ kinh nghiệm sự bình an vui thoả trong đời nầy và cả sự vinh hiển trong đời sau.
Kết quả của một đời sống được cứu rỗi là đời sống đạo đức và làm những việc lành. Kinh Thánh dạy, “đức tin mà không việc làm là đức tin chết” (Gia-cơ 2:26). Khi đã tin Chúa bạn sẽ có khả năng làm các việc lành như Chúa muốn. Đây là khả năng Chúa ban vì bạn có Chúa trong lòng. Người tin Chúa có Đức Thánh Linh ngự trị trong đời sống, Ngài sẽ ban ơn để giúp chúng ta trở nên con người Chúa muốn.
Dưới gốc cây bồ đề hay dưới chân thập tự giá?
Người theo Phật kính trọng cây bồ đề vì dưới gốc bồ đề, Đức Thích Ca đã ngồi thiền, đã suy gẫm, đã được sự hiểu biết và đạt được sự giải thoát cho chính mình. Gốc cây bồ đề có 3 ý nghĩa:
- Nó tượng trưng sự hiểu biết trọn vẹn. Bồ-đề có nghĩa là sự hiểu biết hay sự khôn ngoan.
- Nó có nghĩa là thành đạt của sự tự cứu rỗi. Đức Phật đạt được sự giác ngộ cho chính mình. Đức Phật không tuyên bố sẽ cứu rỗi được ai.
- Nó có nghĩa là thoát ly khỏi thế gian. Một người có thể được giải thoát nếu thoát ly thế gian.
Người theo Chúa yêu mến cây thập tự. Chúa Cứu Thế chết trên thập tự giá. Thập tự giá là biểu hiệu của Đạo Chúa. Trong khi Đức Phật ngồi thiền suy gẫm dưới chân cây bồ đề thì Chúa Giê-su chịu chết trên cây thập tự. Cây thập tự có ý nghĩa khác với cây bồ đề.
- Nó tượng trưng tình yêu trọn vẹn. Chính tình yêu đã thúc đẩy Chúa Giê-su tiến lên thập tự giá, Ngài không phải đi tìm sự hiểu biết.
- Nó có nghĩa sự cứu rỗi cho mọi người trên thế gian, vì Chúa chết cho mọi người.
- Nó có ý nghĩa nhập thế chứ không phải xuất thế. Chúa Giê-su dạy hãy đi khắp thế gian để giảng Tin Lành cứu mọi người.
Bạn có quyền lựa chọn, bạn sẽ chọn ai? Đã biết đường, bạn sẽ chọn đường nào?
Mời bạn suy nghĩ đến lời chứng của Tiến Sĩ Lâm Ngữ Đường, một học giả nổi tiếng người Trung Quốc, khi ông nói đến quyết định của mình về Chúa.
“Bây giờ thì tôi tin rằng nếu không có tôn giáo, con người không thể nào sống còn…
Con người không thể nào, và sẽ chẳng bao giờ có thể tự giải quyết vấn đề của chính mình, và tôn giáo nào dựa vào khả năng tự trở thành hoàn thiện để cứu giúp người thì chưa thể kể là tôn giáo…
Con người cần được nối kết với một Sức Mạnh ở bên ngoài và lớn hơn chính mình.
Tôi tin rằng đức tin Cơ-đốc, qua sự mặc khải của Chúa Cứu Thế, đã cung ứng cho con người con đường duy nhất dẫn đến Đức Chúa Trời.”
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
Sách tham khảo:
John T. Seamands, Tell It Well: Communicating The Gospel Across Cultutres, Missouri: Beacon Hill Press Of Kansas City, 1981.
———————————
ĐẠO NÀO CŨNG LÀ ĐẠO
Có người cho rằng “đạo nào cũng là đạo”. Câu nói này thoạt nghe qua có vẻ hợp lý và là một ý tưởng hấp dẫn. Nếu hiểu theo một cách đơn giản, trong phạm trù luân lý đạo đức là đạo nào cũng dạy con người làm lành tránh dữ, thì câu này rất hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cần phải suy xét và nhận định lại quan niệm đó qua lăng kính tôn giáo.
Trước hết có thể nói ngay rằng câu “đạo nào cũng là đạo” hay “đạo nào cũng tốt” chỉ là một câu nói xã giao thông thường hoặc để làm vừa lòng khách, vui lòng bạn hay có thể do sự thiếu thông tin về sự khác biệt giữa các tôn giáo. Trong phạm vi bài này người viết thu gọn về sự khác biệt căn bản giữa hai tôn giáo lớn có đông đảo tín đồ tại Việt Nam là Kitô Giáo [01] và Phật Giáo để giúp cho những người đang đứng ở giữa ngã ba đường tầm Đạo với ấn tượng đạo nào cũng tốt để nhận thấy con đường nào phải lựa chọn. Việc chọn lựa là quyền của mỗi người. Dĩ nhiên mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Người viết chỉ xin chúng ta suy nghĩ đến sự thật.
Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta cần ghi nhận rằng, Phật Giáo là một tôn giáo hoàn toàn khác biệt với các tôn giáo khác trên thế giới về mặt tư tưởng triết học. Phật Giáo không chấp nhận giả thuyết có một vị Trời hay một vị Thượng Đế sáng tạo, không có giáo điều, không có một linh hồn bất tử vĩnh hằng, và không có một đấng quyền năng sáng tạo nào ngự trị trong cái gọi là định mệnh hay số mệnh của mỗi con người. Vì thế, điểm then chốt trong việc phân biệt giữa Phật giáo với các truyền thống tín ngưỡng lớn trên thế giới là vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo? Đối với Phật giáo, ý niệm về một “nguyên nhân đầu tiên” không hề được đặt ra để lý giải do bởi ý niệm về tánh không và duyên khởi.
Điểm khác biệt căn bản đầu tiên giữa hai đạo là Niềm Tin Tôn Giáo:
Đối với Kitô Giáo, Đức Tin là cốt lõi của đạo. Nếu không tin thì không thể trở thành một Kitô hữu được. Không tin thì không thể thực hành những gì mà đạo Kitô đòi hỏi được. Đức Tin được ghi trong bản Kinh Tin Kính của các Tông Đồ (Apostle’s Creed) thường gọi tắt là Kinh Tin Kính. “Tôi tin kính Thiên Chúa, là Cha toàn năng, là Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. [02]
Đối với Phật Giáo, vị sáng lập tôn giáo này – Đức Phật Thích Ca – khuyên những người muốn theo Ngài chớ có tin một điều gì chỉ vì điều đó đã được một bậc đạo sư của mình nói ra, được phát xuất từ nơi có uy quyền, được kinh điển truyền tụng hay theo truyền thống từ xưa để lại; mà phải dùng lý trí và sự thông minh của mình để cứu xét và chỉ chấp nhận điều gì khi đã trải nghiệm được hạnh phúc an lạc. Ngài nói rằng “Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành”. Điều này đã khuyến khích những người muốn đi theo Ngài hãy nghiên cứu kỹ càng những lời dạy của Ngài và để cho họ tự do quyết định là có nên chấp nhận những điều chỉ dạy đó không. Ngài không bảo ai đến và chấp nhận tôn giáo này nếu họ chưa hiểu những lời dạy của Ngài.[Kinh Kalama] [03].
Nói gọn lại Kitô Giáo là tôn giáo của “đức tin” (faith) và Phật Giáo là tôn giáo của “lý trí” (trí tuệ). [4]
Điểm khác biệt thứ hai giữa Kitô Giáo và Phật Giáo là quan niệm về giải thoát.
Đối với Kitô Giáo, thì sự giải thoát là sự “giải thoát khỏi tội lỗi qua một Đấng Cứu Rỗi“. Giáo lý giải thoát này được đặt trên căn bản một số tín điều mà các tín hữu Kitô Giáo phải tin, và đức tin này là tuyệt đối, bất khả tranh cãi, bất khả luận bàn. Vì thế muốn được giải thoát, tín hữu Kitô Giáo phải tin vào nhiều tín điều được ghi trong Kinh Tin Kính của các Tông đồ (Apostle’s Creed). Chúa Giê-xu là nền tảng, là Tác giả và là Đấng duy nhất có quyền ban cho sự Cứu Rỗi (Rôma 3:24, 25; 5:21; Công Vụ 4:12; Hêbơrơ 12:2). Những ai không tin nhận Chúa Giê-xu sẽ không được tha thứ tội lỗi và sẽ chịu phạt nơi hoả ngục.
Đối với Phật Giáo, đạo Phật cho rằng cuộc đời này là giả tạm và chúng sinh cứ phải sống trong đau khổ vì lòng tham dục vô bờ bến, khiến con người tự mình trói buộc với những xung đột và khổ đau do không bao giờ thoả mãn, nên phải luân hồi triền miên trong vòng sinh tử. Do đó nếu muốn, con người có thể tự mình giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi bằng các nỗ lực tu tập bản thân: làm lành, tránh ác và tự thanh tịnh hoá tâm ý. Bốn chân lý nền tảng của Phật giáo (Tứ Diệu Đế) cho rằng mọi khổ đau của chúng sinh đều có một hay nhiều nguyên nhân gây nên, chúng có thể bị giải trừ và có con đường để giải trừ khổ đau đó. Con đường đó chính là con đường giải thoát, là Bát Chánh Đạo trong giáo lý căn bản của nhà Phật. Giáo lý này được qui thành ba môn học: Giới, Định và Tuệ. Thực hành Giới và Định là đưa tới trí Tuệ, là giải thoát khỏi sự mê muội, lòng ích kỷ và khổ đau, là đạt tới cảnh giới Niết Bàn.
Đó là nét đại cương sự khác biệt giữa giải thoát trong Phật Giáo và trong Kitô Giáo. Cái căn bản khác biệt này là, một bên là tha lực tức nhờ sự cứu rỗi, bên kia là tự lực, tự mình thắp đưốc lên mà đi. Với Phật Giáo, triết lý của đạo này là một triết lý sống, bởi vì nó là một chân lý giải thoát mà chỉ có ai thực hành nó mới đạt được nó, hiểu được nó trọn vẹn, người Phật tử phải tự mình tu tập để tiến tới giải thoát. Chính Đức Phật dạy, “Không ai có thể cứu vớt chúng ta bằng chính bản thân chúng ta”. Đức Phật chỉ là người dẫn đường. Ngài chỉ dạy cho chúng ta con đường tạo ra nguyên nhân và hậu quả. Số phận của chúng ta nằm trong tay chúng ta, không phải trong tay của Trời/Thượng Đế cũng không phải trong tay của Đức Phật. Với Kitô Giáo, vì là một tôn giáo cứu rỗi, con người chỉ cần đặt tất cả vào một niềm tin duy nhất ở một đấng siêu nhiên để mong cầu được giải thoát cho mình: “Thiên Chúa quá thương yêu thế gian đến nỗi ban con duy nhất (sic) của Ngài, để những ai tin vào Người sẽ không bị luận phạt, nhưng được sống đời đời.” (Crossing The Threshold of Hope, trang 76),
Điểm khác biệt thứ ba giữa hai đạo là thuyết Sáng Tạo:
Kitô giáo tin có một Thiên Chúa duy nhất, và là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã dựng nên và điều khiển toàn thể vũ trụ hữu hình và vô hình. Cuốn Genesis (Sách Sáng Thế), một trong những kinh Thánh Cựu Ước viết rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ và muôn vật và loài người trong 7 ngày. Vì thế tín hữu Ki Tô giáo tin rằng mọi thứ trên đời đều có một nguyên nhân, từ đó, cứ truy tầm lên mãi sẽ phải có một nguyên nhân đầu tiên, và Chúa Trời của họ chính là nguyên nhân đầu tiên đó.
Đối với Phật Giáo, tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp mà hiển hiện, biến đổi vô thường. Thế giới này, về bản chất, chỉ là một dòng biến ảo vô thường, không do một Đấng toàn năng nào sáng tạo. Sở dĩ vũ trụ vạn vật biến hóa vô thường chính là do vạn vật trong vũ trụ chịu sự chi phối của luật nhân quả. Cái nhân nhờ có duyên mà trở thành quả, quả lại là nhân mới, nhờ có duyên trợ giúp mà trở thành quả mới… Cứ như vậy, vạn vật trong thế giới cứ sinh hóa biến hiện không ngừng theo quá trình thành, trụ, hoại, không.
Điểm khác biệt thứ tư giữa hai đạo là vị sáng lập ra tôn giáo.
Đối với Kitô Giáo, Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài.
Đối với Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử có thật, có một tiểu sử rõ ràng được cả thế giới công nhận. Ngài đã thực sự sống trên thế giới này, Ngài không tự xưng mình hay các đệ tử của Ngài tôn xưng Ngài là đấng toàn năng, đấng tạo hóa hay là Thượng Đế v.v. Ngài là người đã giác ngộ hoàn toàn và triệt để (toàn giác), là vị Đạo sư đã tự mình tìm ra được con đường giải thoát ngang qua kinh nghiệm bản thân, không có ai truyền dạy cho Ngài, không có ai ban phép cho Ngài, không phải do thần khởi, cũng không phải là hiện thân hay hóa thân của một đấng thần linh nào. Ngài là một người như mọi người khác, nhưng chính nhờ nỗ lực tu tập cá nhân, Ngài đã tìm ra được con đường giải thoát. Sau khi giác ngộ, Ngài đã giảng dạy giáo pháp cho mọi người, nếu ai có nhân duyên thực hành giáo pháp, kể từ vua quan cho đến thứ dân, kẻ khốn cùng đều được giác ngộ như Ngài. Cho nên Ngài đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Ngài là người hướng đạo, chỉ dẫn đường lối cho những ai muốn tu tập, Ngài không thể tu tập thay cho chúng sinh mà con người phải tự mình tu tập mới giải thoát được khỏi khổ đau phiền não do tham sân si trói buộc, mới ra khỏi sinh tử luân hồi được. Cho nên Ngài đã nói: “Các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Ngài khuyên hãy nên nương tựa vào chính mình và đi theo con đường giải thoát bằng nỗ lực của chính bản thân mình.
Nói tóm lại, điểm then chốt trong việc phân biệt giữa Phật giáo với Kitô Giáo nói riêng, các truyền thống tín ngưỡng lớn khác trên thế giới nói chung là vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo? Đối với Phật giáo, tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp (duyên sinh), do đó không hề có một Đấng Sáng Tạo. Ngoài ra, với Kitô Giáo, Thiên Chúa chính là Chân Lý, là hơi thở, là con đường giải thoát, bất cứ ai đến với Ngài, tin nơi Ngài sẽ được cứu rỗi. Với Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca là bậc Đạo Sư đã tìm ra con đường giải thoát, hướng dẫn những ai muốn giải thoát khỏi đau khổ trầm luân, hãy đi theo con đường mà Ngài đã kinh qua. Ngài chỉ là người dẫn đường, còn người đi theo phải tự mình làm chủ, tự mình tu tập để đi đến giải thoát chứ không nương nhờ ở bất cứ đấng Thần quyền nào để được giải thoát.
Tâm Diệu biên soạn
——-
[01] Kitô giáo bao gồm nhiều truyền thống tôn giáo với các dị biệt văn hóa cũng như hàng ngàn xác tín và giáo phái khác nhau. Trải qua hai thiên niên kỷ, Kitô giáo tự hình thành nên ba nhánh chính: Công giáo Roma, Chính Thống giáo Đông phương và Kháng Cách (Protestantism). Tính chung, đây là tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 2,1 tỉ tín hữu (chiếm khoảng 34% dân số thế giới). (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) [02] Kinh Tin Kính các Tông Đồ, cũng gọi là Biểu Tín các Tông Đồ, là kinh Tin Kính xưa nhất, có từ thế kỷ thứ II. Bản này tổng hợp các công thức đã có trước đó. Từ thế kỷ thứ VI, bản này có hình thức như ngày nay. Đây là bản tuyên xưng những tín điều chính yếu nhất khi chịu phép Rửa. [3] Kinh Kalama (trong Kinh Tăng Chi Bộ III.65) [4] Theo định nghĩa trong tự điển thì Faith hay Đức Tin là “sự tin chắc vào một cái gì đó mà không chứng minh được cái đó có thực” (Firm belief in something for which there is no proof.) Định nghĩa của Reason hay Lý Trí trong tự điển là “khả năng có những tư tưởng hợp lý, suy lý, hoặc phân biệt” (The capacity of rational thought, inference, or discrimination) hay “suy xét đúng, phán đoán hợp lý” (good judgment, sound sense). Theo những định nghĩa trên thì hiển nhiên là Đức Tin Ki-Tô Giáo và Lý Trí của Phật Giáo là hai từ có nghĩa loại trừ hỗ tương (mutual exclusive), có cái này thì không có cái kia. Thật vậy, khi chúng ta dùng lý trí để xác định và chấp nhận một điều gì thì chúng ta không cần đến đức tin, và khi chúng ta tin vào điều gì mà không cần biết, không cần hiểu, thì lý trí trở nên thừa thãi.