Tôi thương một câu nói của một người tín hữu của Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, mặc dù ông đang chịu đựng “những thử thách trăm bề thoạt đến”: tôi chịu đựng, chấp nhận mà không dám than phiền đâu. Tôi cũng tập mình giống như vậy nhiều năm nay, nhiều khi mưa lớn quá thì “than thở”, Gióp cũng nhiều lần than thở vì hoạn nạn, có lần lên tiếng nguyền rủa ngày sanh của mình và ước rằng mình chưa bao giờ ra đời, nhưng tuyệt đối không than phiền Chúa: dẫu Chúa có giết tôi, tôi cũng còn nhờ cậy nơi Ngài.
Tôi đang viết những dòng này trong căn phòng một motel ở Houston. Tôi đưa nhà tôi đến đây ngày 31/8 để hẹn với một bác sĩ thần kinh ngày 1/9. Vì reserved motel online, tìm chỗ gần văn phòng bác sĩ, nên cái motel ấy tương đối bất tiện cho sinh hoạt của nhà tôi. Sau khi từ văn phòng bác sĩ ra, chẳng còn gì để nói nữa, tôi đưa nhà tôi đến motel này, mắc gấp đôi cái kia, để nhà tôi có chút thoải mái, tiện lợi hơn, chẳng sao cả, tiền bạc bây giờ cũng không làm cái gì, cái mình mong đợi thì không đến, tiền bạc có quan trọng gì đâu.
Tôi đang viết những dòng này khi thân thể rời rã, hai mắt đờ đẫn, nhưng cái quan tâm hơn là tâm hồn rời rã. Tôi cố gắng không than phiền, tôi giữ sự bình tĩnh, bình an, mỗi khi mệt mỏi quá, chuẩn bị nói vài lời với Chúa, tôi nói với tôi: hãy bình an, mình thế này còn tốt hơn rất nhiều người, còn có thể đi qua đi lại nhanh nhẹn, còn nấu ăn, còn cắt cỏ, dọn dẹp, nhiều người chỉ ao ước được nấu ăn, dọn dẹp, đi qua đi lại, mà còn không được. Tôi nghĩ đến người tín hữu có đứa con gái bệnh tật đang nằm ở hospice, mà vẫn nhớ sinh nhật tháng tám người Mục sư thân mến của mình, nhờ chồng mua quà rồi tự tay viết thiệp gởi lên cho Mục sư. Tôi nhớ người Mục sư mà tháng 6 năm kia tôi có dịp đến thăm, nằm trên giường bệnh trong nhà thương, không nói được, hơi thở hụt hẫng, dây nhợ chằng chịt, biết ông là một nhạc sĩ, biết tôi là một… ca sĩ, người Mục sư đi theo yêu cầu tôi hát một bài thánh ca của ông, tôi hát:Ngài biết rõ những nhu cầu của đời sống tôi, Ngài biết rõ những tấm lòng nặng nề vỡ tan… khi hát tôi nhìn chăm vào mặt ông, khuôn mặt lộ vẻ cảm động, nhưng không có một giọt nước mắt (trong trường hợp tôi, chắc là sẽ tôi sẽ khóc) có lẽ vì lâu ngày khắc khoải trên giường bệnh, nước mắt đã khô cạn rồi chăng.
Tôi đang viết những giòng này khi người ta đang đi chơi ngày lễ Labor day, hôm qua nhà thờ tương đối vắng vì tín hữu đi chơi nhiều, tôi hình dung vợ chồng con cái đang tung tăng ngoài bãi biển đầy nắng, tôi ao ước một ước mơ đơn giản đưa nhà tôi đến đó, để cả hai có thể đi một vòng trên bãi nhìn sóng vỗ ngoài khơi xa, hay ngắm đàn hải âu bay chao chác trong nắng chiều, như ngày nào chúng tôi ngồi trên ghế gỗ, dưới bóng cây, trong một khu retreat center nhìn ra mặt hồ nhuộm vàng nắng quái.
Tôi đang suy nghĩ, dò xét, bươi móc trong trí tưởng, xem có thấp thoáng chút than phiền nào không, chắc là có đấy, nhưng nó cũng thấp thoáng, chao chác, lặng lẽ, như một lòng người buồn phiền. Tôi cố gắng an ủi, khích lệ mọi người bình an, nhờ cậy Chúa, nhưng tôi không thấy vui. Một chút than thở thôi, chứ không than phiền, thưa Chúa.
Những khi cảm thấy mình hơi đuối sức trong chặng đua đường dài, tôi thường nhớ đến câu Kinh Thánh này, mà tôi đã đọc từ những ngày đầu tiên mới tin Chúa, nếu ngươi chạy thi với kẻ chạy bộ, mà còn mỏi mệt, thì làm sao thi được với ngựa? Khi trong xứ yên lặng, ngươi được an ổn, nhưng khi sông Giô-đanh tràn, thì ngươi sẽ làm thế nào? Thưa Chúa, sức con chỉ có thể chạy thi với kẻ chạy bộ, chứ không thể thi với ngựa, có lẽ nào Chúa không mở đường cho ra khỏi?
Thôi thì, nếu không thể đi biển được, hôm nay tôi sẽ chở nhà tôi đi một vòng phố, tìm cái Macy’s nào còn mở cửa muộn, đẩy cái wheelchair vào, lang thang trong đống bộn bề quần áo, đồ đạc, ngắm nhìn người ta shopping, mà vui tạm.
Mục sư LỮ THÀNH KIẾN