Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Gần Bên Chúa Hơn

Gần Bên Chúa Hơn

Closer-To-Jesus

Gần Bên Chúa Hơn
Mục sư Nguyễn Duy Tân.  TinlanhLibrary.com

Câu gốc: Philíp 3:8-11 – “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết ĐứcChúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ 9 và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; 10 cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, 11 mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.” (BTT)
++++++++++

NHẬP ĐỀ: Trong đời sống văn minh ngày nay, có một tình trạng chung của phần nhiều con cái Chúa và những người phục vụ Chúa là họ không có một mối liên hệ mật thiết với Ngài. Vì cớ đó mà dù họ cố gắng sinh hoạt đều đặn với hội thánh hay làm việc Chúa thật đắc lực nhưng vẫn không gặt được kết quả và cũng không có một đời sống thỏa vui.

Trong thời Cựu Ước, được sống gần Chúa không phải là chuyện dễ. Người ta phải đi đến đền thờ, đôi khi phải đi rất xa. Vả lại, ở nhà riêng người ta đâu có Kinh Thánh để đọc và con dân Chúa không có Đức Thánh Linh ngự cùng. Vì cớ đó đối với Đavít, được vào trong Nhà Chúa là một phước hạnh vô cùng lớn lao. Ông nói rằng: “Vì một ngày trong hành lang Chúa đáng hơn một nghìn ngày khác.” (Thi thiên 84:10) Ngày nay, chẳng những chúng ta có thể đến gần Chúa khi thờ phượng ở nhà thờ, nhưng cũng đến gần Ngài mỗi khi chúng ta đọc Lời Chúa, nhất là khi chúng ta cầu nguyện, tâm sự với Ngài hay lắng nghe sự nhắn nhủ của Đức Thánh Linh.

Phần đông tín hữu không biết điều đó là quý báu nên cứ tiếp tục sống xa cách Chúa, cho đến một lúc nào đó có thể nhờ nghe được một bài giảng đầy ơn, dự một Hội Đồng thật phước hạnh, họ mới quyết định sống gần Chúa hơn và cảm thấy thân mật với Ngài được một thời gian. Nhưng rồi sau vài tuần vài tháng thì đâu cũng vào đó. Những kinh nghiệm đó nếu cứ diễn đi diễn lại nhiều lần, cuối cùng họ đành thỏa lòng với một cuộc sống Cơ-đốc-nhân tầm thường, không hiểu được tại sao người khác luôn làm chứng về sự vui mừng, thỏa lòng, và phước hạnh trong Chúa.

bs 1

Có một câu chuyện kể rằng, ngày xưa có một thanh niên rất nghèo, để dành được một số tiền vừa đủ để mua vé tàu đi từ Âu Châu sang Hoa Kỳ tìm cách sinh nhai. Anh ta mua một bao bánh mì khô mang theo để ăn cho đỡ tốn tiền. Lên tàu, ngày nào đến giờ ăn anh ta cũng ngồi ở một nơi vắng vẻ để ăn bánh mì khô, uống nước lạnh. Có lúc anh nhìn vào phòng ăn thấy những người khác ăn toàn đồ cao lương mỹ vị mà thèm chảy nước miếng. Nhưng vì không có nhiều tiền nên anh cứ đành cam số phận ngày nào cũng ăn bánh mì khô uống nước lạnh cho đỡ đói suốt mấy tuần như vậy. Ngày kia anh không chịu nổi nữa nên hỏi thăm một người hành khách trên tàu rằng mỗi lần họ ngồi vào bàn ăn uống như vậy thì tốn bao nhiêu tiền. Người đó cho biết là khi mình mua vé đi tàu thì người ta bao luôn ăn uống không cần trả thêm đồng xu nào khác! Lúc đó anh ta cảm thấy quá hối tiếc vì tàu đã sắp tới bến!

images (1)

Một số tín hữu thay vì tìm đời sống gần gũi với Chúa thì họ lại thỏa mãn với một mối liên hệ cạn cợt bề ngoài. Họ cũng được Chúa cho bước lên con tàu cứu rỗi của Ngài, nhưng trong khi những người khác có đời sống thỏa vui và phước hạnh thì họ chỉ đứng xa xa không bao giờ dám đến gần vị Thuyền trưởng để nhận lấy những phước hạnh thiêng liêng mà Ngài sẵn sàng ban cho họ.

Hôm nay tôi muốn cùng quý ông bà anh chị em suy gẫm đến lý do nào nhiều người không muốn sống gần Chúa và cách nào chúng ta có thể có mối tương giao mật thiết hơn với Ngài.

1. ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA CÓ MỐI TƯƠNG GIAO MẬT THIẾT VỚI NGÀI

Loài người chúng ta phần lớn không thích đến gần Chúa. Từ lúc Ađam phạm tội và lẫn trốn trước mặt Chúa thì sau đó loài người cứ tiếp tục làm như vậy. Càng tội lỗi bao nhiêu người ta càng trốn xa Ngài bấy nhiêu, càng ghét nghe nói về Chúa và càng sợ đến gần Ngài. Người ta nghĩ rằng khi có tội thì mình không xứng đáng đến gần Chúa, và điều đó đúng. Nhưng họ không nhớ rằng không có con người nào xứng đáng đến gần Ngài. Một người chỉ có thể đến gần Chúa khi biết nhờ cậy nơi huyết báu của Đấng Christ để tội lỗi mình được rửa sạch và thoát khỏi mặc cảm tội lỗi mà thôi.

Là Đấng tạo dựng chúng ta, Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta, nên Ngài yêu thương chúng ta còn hơn mẹ thương con. Ngài luôn muốn đến gần chúng ta, luôn muốn có một tình bạn thân mật với mỗi chúng ta.

Sau khi Ađam và Êva phạm tội, thì ông bà trốn Chúa, nhưng Ngài đã tìm kiếm ông bà, mang họ trở về, và lập ngay kế hoạch cứu rỗi để ông bà có thể nối lại mối tương giao với Ngài. Ngài đã giết một chiên con để chết thế cho ông bà, dùng da chiên làm áo công bình cho ông bà mặc. Từ đó, ông bà biết dùng chiên con dâng lên làm của lễ để cầu nguyện và tiếp tục dạy con cháu làm như vậy để có thể đến gần Chúa. Ông bà dám đến gần Ngài vì chiên con đã hy sinh để chuộc tội cho ông bà.

Sau đó, vì cớ tội lỗi, loài người cứ tiếp tục xa lánh Chúa và Ngài phải luôn theo dõi và tìm kiếm họ, tâm sự và lập giao ước với họ. Ngài tìm được Ápraham và lập giao ước với ông để ông và con cháu ông giữ đạo Chúa cho đến khi Đấng Cứu Thế ra đời. Sau đó, Ngài tìm Ysác, rồi tìm Giacốp, rồi tìm Môise, v.v. để tái lập giao ước với họ và hứa ban phước cho hầu cho họ tiếp tục giữ đạo Ngài. Nhiều lần dân Dothái xa lánh Chúa, Ngài phải dùng những nhà tiên tri để nhắc nhở họ nhưng họ khướt từ lời mời gọi của Ngài, nên có lần Chúa Jêsus than thở:“Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những người chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng” (Ma-thi-ơ 23:37).

Khi Chúa Cứu Thế Giêxu đã làm xong chương trình cứu rỗi tại thập tự giá, thì Đức Chúa Trời vẫn tìm kiếm những người Ngài đã chọn để nối lại nhịp cầu thông cảm với họ. Chúng ta hãy nhớ lại những ngày tháng trước khi tin Chúa, Ngài đã nhiều lần tìm kiếm chúng ta, nhiều lần chúng ta đã nghe tiếng kêu gọi của Ngài qua những hoàn cảnh khó khăn, những hoạn nạn và khổ đau. Ngài kêu gọi chúng ta qua những lời mời và làm chứng của những người bạn Cơ đốc nhân. Khi chúng ta đã trở thành con cái Chúa, nhiều lần Chúa muốn chúng ta đến gần Chúa để được ban phước nhưng nhiều người trong chúng ta cứ hờ hững tiếp tục sống như những người đang mộng du (sleep walking) hay tệ hơn nữa, như những zombies (người chết biết đi). Nhiều người đọc Lời Chúa mà không hiểu, nghe lời giảng dạy mà như nước đổ lá môn, có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy. Nhiều lần Ngài vẫn dùng những hoàn cảnh khó khăn và thử thách để thức tỉnh và đem họ đến gần Ngài. Có lúc, họ trở lại đọc Lời Chúa, nhóm lại thường xuyên hơn, cảm thấy gần Chúa hơn, nóng cháy hơn. Nhưng khi tai qua nạn khỏi thì nhiều người lại bị những bận rộn hằng ngày lôi cuốn, rồi họ vẫn tiếp tục hững hờ nguội lạnh trước tình yêu của Ngài.

c2

2. LÝ DO NÀO CON CÁI CHÚA KHÔNG MUỐN GẦN NGÀI?

Khi nghĩ đến sự yếu đuối của chính mình, nhiều người tưởng rằng đến gần Chúa rất là khó, vì Ngài đòi hỏi những tiêu chuẩn sống quá cao mà họ không thể làm nỗi. Họ nghĩ rằng sống gần Chúa thì phải hoàn toàn thay đổi nên e ngại không dám đến gần Ngài. Có lẽ họ e rằng sống gần Ngài thì sẽ phải làm việc nhiều hơn, phục vụ cực nhọc hơn. Họ không thấy được sự vui mừng và phước hạnh của những người có cơ hội phục vụ Chúa là thế nào.

Khi nghĩ rằng mình không có khả năng sống đạo đức cách cao độ như người khác, một số người chỉ muốn bắt chước lối sống đạo đức bề ngoài vì làm vậy thì dễ hơn. Nhưng vì không muốn ai biết về những yếu đuối của mình, nên họ cũng cố gắng nhóm lại đều đặn, cũng ca hát, cũng dâng hiến, cũng nói lời đạo đức, cũng bày tỏ những cử chỉ hiền lành và lễ độ. Họ có thể qua mặt nhiều người cách dễ dàng, nhưng trong thâm tâm họ cũng ý thức rằng Chúa biết họ chỉ là người giả dối.

Vả lại, nhiều người khi đã lỡ phạm nhiều tội lỗi, không chịu ăn năn nhưng còn tìm cách xa lánh Chúa, không chịu nhóm lại thường xuyên, không muốn thông công với tín hữu khác, không dám cầu nguyện cách thân thiện với Cha trên trời nữa.

Một số người khác thì đơn giản là vì họ đã để cho những bận rộn của cuộc đời nầy giành (cướp) hết thì giờ nhóm lại, giờ cầu nguyện hay đọc Lời Chúa, lắng nghe tiếng Thánh Linh, nên không thể nào có đời sống gần gũi với Chúa được.

Dần dần, những người như vậy chỉ lo trao dồi hình ảnh đạo đức giả tạo bên ngoài của họ và không tìm sự tương giao thành thật với Chúa để được phước hạnh.

3. PHAO LÔ TỎ BÀY CHO CHÚNG TA BIẾT SỰ GẦN GŨI VỚI CHÚA LÀ GÌ.

Trong Philíp 3:8-11 ông viết: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ 9 và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; 10 cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, 11 mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.” (BTT) hay “Hơn thế, tôi cũng xem tất cả mọi sự như là lỗ, vì sự nhận biết Đấng Christ Jêsus, Chúa tôi, là quý hơn hết. Vì Ngài, tôi đành chịu lỗ tất cả, và xem những điều đó như rác rưởi, để được Đấng Christ, 9và được ở trong Ngài. Được vậy không phải nhờ sự công chính của tôi dựa trên luật pháp mà nhờ đức tin nơi Đấng Christ, là sự công chính đến từ Đức Chúa Trời dựa trên đức tin, 10để tôi được biết Ngài, quyền năng phục sinh của Ngài, được chia sẻ sự thương khó của Ngài, và trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài; 11hi vọng rằng tôi có thể đạt được sự sống lại từ cõi chết.” (BHĐ) –

Chúng ta chú ý, điều mà Phaolô xem là quan trọng hơn hết trong đời sống ông là “Sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ” (c.8) tức là sự “được Đấng Christ, và được ở trong Ngài” (c.9). Người muốn biết Chúa là người phải muốn sống gần Ngài. Sống gần Chúa là để biết Chúa nhiều hơn mỗi ngày. Chưa được sống gần người nào chúng ta không thể nói rằng tôi biết người đó. Người Pháp có câu: “Chỉ khi nào bạn đã ăn tối với người nào ít lắm 3 lần mới có thể nói là tôi biết người đó”. Biết một người nào đó không phải chỉ nghe nói về người đó, nhưng phải được sống gần gũi với người đó lâu ngày.

Ví dụ: Bên Mỹ người ta thích được quen biết với những người danh tiếng, nên thỉnh thoảng có những người danh tiếng sẵn sàng ăn trưa với bất cứ người nào dám bỏ một số tiền lớn ra dâng vào một cơ quan thiện nguyện mà họ lựa chọn. Năm 2012, có người đã từng dám bỏ ra 3.5 triệu đô-la để được ngồi ăn trưa với nhà tỷ phú Warren Buffett. Số tiền ít nhất mà có người đã bỏ ra để được ăn trưa với ông Buffett là 1 triệu đô! Chúng ta có cơ hội để trò chuyện 24 tiếng mỗi ngày suốt cuộc đời chúng ta với Đấng đã giúp cho ông Buffett trở thành tỷ phú. Nhưng nhiều khi chúng ta không dám bỏ ra 30 phút mỗi ngày để mở Kinh Thánh ra nghe Ngài phán dạy hay để hỏi han, tâm sự (cầu nguyện) với Ngài. Từ nay quý ông bà có hứa với chính mình sẽ dành thì giờ mỗi ngày để tâm sự với Chúa, lắng nghe Chúa phán dạy qua việc đọc Lời Ngài để biết Chúa nhiều hơn không?

images

Thật ra, biết Chúa không phải chỉ có việc đọc Lời Ngài. Câu 10 cho thấy biết Chúa cũng là kinh nghiệm được “quyền phép sự sống lại của Ngài.” Đó là quyền phép mà Đức Chúa Trời, qua Đức Thánh Linh, đã đem Chúa Jêsus ra khỏi phần mộ. Khi sống gần Chúa chúng ta có cơ hội kinh nghiệm được quyền phép đó qua sự đổi mới con người chúng ta, qua sự chữa bệnh diệu kỳ, hay những phép lạ mà Ngài sẵn sàng bày tỏ khi chúng ta cầu xin cho mình hay cho người khác. Càng biết Chúa chúng ta càng tin cậy nơi Ngài, càng trông đợi sự cứu giúp của Ngài nên sẽ càng thấy rõ quyền năng vô biên và ân điển lớn lao của Ngài mỗi khi chúng ta kêu cầu Đức Chúa Trời trong Danh Cứu Chúa Jêsus Christ.

Câu 10 cũng cho thấy, biết Chúa cũng là “biết được sự thông công thương khó của Ngài”. Ở đây Phaolô không nói: “biết được sự thương khó” nhưng ông nói đến “sự thông công thương khó”, điều đó nghĩa là gì? Thông công trong sự thương khó của Chúa không phải là chịu roi đòn và đóng đinh như người Philippino hay làm trong lễ hội Mùa Thương khó của họ. Nhưng “thông công trong sự thương khó của Ngài” là xem những hoạn nạn, đau đớn, bệnh tật mà mình phải trải qua trong cuộc đời trên đất nầy là những thử thách nhẹ nhàng khi so sánh với những sự thương khó nặng gấp trăm lần mà Chúa phải chịu.

Khi chúng ta kinh nghiệm những gì mà Chúa đã chịu nơi thập tự giá thì chúng ta mới có thể nói chúng ta biết Ngài, đã thông công trong sự thương khó với Ngài. Ví dụ như, nơi thập tự giá Chúa chịu sự phản bội và thù ghét vô cớ của những người mà Chúa thương yêu và muốn cứu vớt họ. Chúng ta có vì Danh Chúa hay vì công việc Chúa mà bị bạn bè hay người thân phản bội, chê cười, và oán ghét chăng? Đừng vội buồn bã, đó là cơ hội đưa chúng ta đến gần Chúa và giúp chúng ta biết Ngài nhiều hơn. Khi nghĩ đến những sỉ nhục và đau đớn mà Chúa đã gánh chịu, chúng ta sẽ không còn buồn bã mà lại vui mừng hơn vì được dự phần thông công trong sự thương khó của Ngài, và sẽ thấy sự đau khổ của chúng ta nhẹ nhàng hơn. Biết Chúa như thế giúp chúng ta biết cầu thay và tha thứ cho kẻ thù như Chúa: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”.

Nơi thập tự giá, Chúa cũng bị các môn đồ của mình ruồng bỏ trong khi Ngài cần họ. Chính Cha Ngài cũng đã quay mặt khỏi Ngài. Ngài phải thốt lên những lời đầy đau đớn và tủi hổ: “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Gần Chúa chúng ta càng hiểu rằng Ngài thấu hiểu nỗi cô đơn của chúng ta.

Nơi thập tự giá Chúa bị đánh đập và đau đớn không lời nào diễn tả được. Khi chúng ta mang lấy tật bệnh và đau đớn trong thân thể, chúng ta biết Chúa còn đau hơn chúng ta bội phần. Nghĩ đến những lằn roi kinh hoàng và những mủi đinh mà Ngài đã chịu, sẽ giúp chúng ta có đủ can đảm và nghị lực để tiếp tục đi theo Chúa và hầu việc Ngài dù gặp phải không biết bao nhiêu gian lao khổ cực.

Câu 10 và 11 cũng cho chúng ta thấy, người biết Chúa và sống gần Chúa là người có phước lớn vì sẽ được chết trong Chúa. Tại sao? Vì người đó dù đã chết cũng sẽ được sống lại giống như Ngài để hưởng phước đời đời. Chúng ta có ao ước luôn trung tín sống gần Ngài để ngày kia khi đến giờ thì chúng ta được “qua đời trong Chúa” không?

Chúng ta biết vua Salômôn là người kính sợ Chúa như thế nào rồi. Nhưng khi ông già yếu, ông đã bị cám dỗ mà xa cách Chúa. I Các Vua 11:4 ghi lại rằng: “Trong buổi già yếu, các hoàng hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người” – Chúng ta thấy, càng theo Chúa lâu năm, chúng ta càng phải cẩn thận, nhất là khi tuổi đã già yếu. Dù vậy, đừng quên là không phải lúc già yếu chúng ta mới qua đời, vì không ai biết được ngày mai. Kinh Thánh cho biết, “Từ rày phước cho những người chết là người chết trong Chúa” (Khải Huyền 14;13). Nếu quý vị ước mong được hưởng phước đời đời thì bắt đầu ngay hôm nay hãy quyết tâm bền lòng sống gần Chúa luôn, trung tín giữ đức tin cho đến lúc già nua hoặc cho đến lúc phải lìa cỏi tạm nầy.

+++++++++++

TÓM LẠI: Từ đầu thế kỷ thứ 21, chúng ta nhận thấy xã hội nầy dù là ở Hoa kỳ, ở Việt Nam, hay bất cứ nơi nào trên thế giới đêù trở nên càng phức tạp, càng rắc rối, càng khó khăn hơn. Sự bắt bớ đạo sẽ gia tăng, đạo Chúa sẽ bị kẻ thù ganh ghét và tấn công nhiều hơn. Sự gian ác, sự tham lam vật chất sẽ gia tăng, kẻ lường thầy phản bạn sẽ nhiều hơn, chiến tranh loạn lạc, dịch lệ, động đất, thiên tai, địa biến, sống thần, núi lửa, …. cũng sẽ càng kinh hoàng hơn. Đó là những dấu hiệu cho thấy rằng ngày Chúa trở lại đã gần rồi. Vì cớ đó chúng ta cần phải càng sống gần với Chúa nhiều hơn.

Có 1 bài hát mà con cái Chúa ở Việt Nam rất thích hát, trong đó có một câu như lời cầu nguyện: “Gần bên Chúa, Chúa ơi cho con gần Chúa luôn…” Thật sự chúng ta không cần xin Chúa cho chúng ta được gần Ngài. Muốn có đời sống phước hạnh, chúng ta hãy tự kỷ luật, tự đến gần Chúa qua sự kiên trì đọc, suy gẩm và nghiên cứu Lời Chúa mỗi ngày.

Chúng ta cũng có thể sống gần Chúa hơn khi siêng năng nhóm lại, gần gũi với những con cái thật của Ngài, cầu nguyện nhiều hơn, tập sống bằng đức tin, trông chờ quyền năng của Chúa nhiều hơn trong đời sống mình.

Chúng ta có thể được gần Chúa hơn khi sẵn sàng thông công với Chúa trong sự thương khó của Ngài, xem mọi thử thách, khó khăn, đau khổ, buồn chán, cô đơn, thất bại, v.v… là những cơ hội để đến gần Chúa, để kinh nghiệm tình yêu và ân điển Ngài nhiều hơn, để yêu Chúa hơn, thương người nhiều hơn, tha thứ dễ hơn, hy sinh nhiều hơn, phục vụ Ngài đắc lực hơn.

Sống gần Chúa, chúng ta cần sống với tinh thần sẵn sàng để gặp Ngài. Chúng ta phải ao ước được cất lên không trung khi Chúa trở lại hoặc trông mong được vào nước Thiên đàng vinh hiển lúc qua đời.

Nguyện xin Đức Chúa Trời ban cho tất cả chúng ta biết dâng trọn đời mình để phục vụ và sống gần Chúa hơn mỗi ngày, hầu có thể kinh nghiệm được sự vui mừng và những phước hạnh mà Ngài đang dành cho chúng ta. Amen.

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn