Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / HÃY ĐẾN CÙNG TA

HÃY ĐẾN CÙNG TA

ĐƯỢC KÊU GỌI LÀM MÔN ĐỒ

 

Tác giả: J. Dwight Pentecost

Chúa Jesus đến và phán với những người đang lao khổ và gánh nặng: “Hãy đến cùng ta.” (Ma-thi-ơ 11:28)

Lời kêu gọi này giống với lời kêu gọi của Chúa Jesus dành cho các môn đồ đầu tiên. Trong Mác 1:16, 17: “Ngài đi dọc theo mé biển Ga-li-lê, thấy Si-môn với Anh-rê, em người, đương thả lưới dưới biển; vì hai người vốn làm nghề chài. Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng họ rằng: Hãy theo ta, và ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” Và trong câu 19, 20: “Đi một đỗi xa xa, Ngài thấy Gia-cơ, con Xê-bê-đê, với em là Giăng, đương vá lưới trong thuyền. Ngài liền kêu hai người; thì họ để Xê-bê-đê, cha mình, ở lại trong thuyền với mấy người làm thuê, mà theo Ngài.” Phi-e-rơ và Anh-rê và Giăng trở nên môn đồ khi họ đáp ứng với lời kêu gọi của Chúa “Hãy theo ta. Hãy đến cùng ta.”

jesus-calms-the-storm-2-1-GoodSalt-pppas0518

Trong Giăng 1:37, một lần nữa  Chúa Jesus mời gọi người đi theo Ngài, “Hai môn đồ nghe lời đó, bèn đi theo Đức Chúa Jêsus.” Trong câu 38 họ hỏi, “Ra-bi (nghĩa là Thầy), Thầy ở đâu? Ngài phán cùng họ, Hãy đến xem. Họ đi và thấy nơi Ngài ở…” Lần nữa trong câu 43, Chúa Jesus tìm Phi-líp, mà phán rằng: Hãy theo ta. Và Phi-líp đi theo Ngài. Từ bốn người đầu tiên, số các môn đồ đã được thêm lên bởi vì Đấng Christ bày tỏ chính Ngài cho họ và phán, “Hãy theo ta.” Họ quy phục và đi theo Ngài. Bây giờ trong Ma-thi-ơ 11:28 sau khi Ngài đã kêu gọi mười hai môn đồ, Đấng Christ phán, “Hãy đến cùng ta.” Ngài không kêu gọi họ cho một hệ thống. Đây không phải là kêu gọi họ theo một tôn giáo. Chúa cũng không kêu gọi họ đến với truyền thống loài người. Ngài đang kêu mọi người đến với một Thân vị, đến với chính Ngài. Môn đồ thật là người đáp lời cách cá nhân cho một Thân vị.

“Hãy đến cùng ta.” Bạn hãy chú ý đến lời kêu gọi phổ thông này. “Hãy đến cùng Ta, hỡi hết thảy những kẻ đang lao khổ và gánh nặng.” Trong Y-sơ-ra-ên, không thể tìm thấy một người nào tìm thấy sự an nghỉ thông qua người Lê-vi, hay giáo điều Pha-ri-si, hay qua các việc làm. Qua các của lễ mà tuyển dân dâng lên trước bàn thờ, không một người nào tìm thấy sự an nghỉ. Hết thảy là gánh nặng tội lỗi. Tất cả đều bị định tội. Đấng Christ đã mời gọi tất cả những người đang lao khổ và gánh nặng, không miễn trừ ai. “Hãy đến cùng Ta, hỡi hết thảy kẻ đang lao khổ và gánh nặng.” Và Đấng Christ ban lời hứa, “Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ.”

Con bò được an nghỉ sau khi đã mang ách cày suốt ngày ngoài đồng là khi người chủ tháo ách ra, đưa nó vào chuồng, cho ăn uống. Hễ bò còn mang ách, nó ở dưới sự lao khổ. Lấy cái ách ra khỏi cổ nó, đó là an nghỉ.

Không thể có sự an nghỉ cho những người lao khổ và gánh nặng  cho đến khi Đấng Christ cất ách gánh nặng của luật pháp và cái ách của giáo điều Pha-ri-si khỏi họ. Đấng Christ không thể ban sự giải phóng cho con người cho đến khi Ngài giải cứu họ khỏi ách tôi mọi mà chính họ đã tuân phục khi họ trở nên môn đồ của Môi-se và môn đồ của người Pha-ri-si. “Hãy đến cùng ta, hỡi hết thảy kẻ đang lao khổ và gánh nặng, và Ta sẽ ban cho các ngươi sự an nghỉ.”

Đấng Christ ban sự an nghỉ như thế nào? Một sự đối lập kỳ lạ đó là Đấng Christ hoán đổi ách của Môi-se, ách của người Pha-ri-si, bằng một ách khác. “Hãy mang lấy ách ta” khi ấy con người tìm thấy sự an nghỉ. Câu hỏi ở đây là, “Nếu tôi phải mang ách, điều gì làm nên khác biệt giữa ách của Môi-se, ách của Pha-ri-si hoặcách của Đấng Christ? Đấng Christ mời gọi, “Hãy đến cùng Ta, và Ta sẽ cất đi mọi ách khỏi các ngươi và ban cho các ngươi sự an nghỉ.” Mang lấy ách của Đấng Christ  nghĩa là quy phục chính mình cho uy quyền của Đấng Christ. Nghĩa là đặt mình dưới sự cai trị của Ngài, liên hiệp với Ngài. Ngài đang mời gọi con người đặt vai của họ vào một ách mới – ách mới này Ngài cùng mang với họ. Và Ngài hứa rằng, nếu họ thuận phục uy quyền của Ngài và mang ách chung với Ngài, họ sẽ tìm được an nghỉ cho linh hồn.

Lý do con người tìm được an nghỉ qua việc mang ách của Đấng Christ là vì ách của Ngài khác với những loại ách khác. Ách của người Pha-ri-si là nghĩa vụ chấp hành các truyền thống của loài người. Ách luật pháp là tuân thủ mọi mạng lệnh luật pháp, và không phạm những điều cấm kị. Nhưng Đấng Christ phán Ngài đem đến cho họ một loại ách mới và ách của Ngài dễ chịu và gánh Ngài  nhẹ nhàng. Nếu một người bị buộc vào ách mới này, Đấng Christ hứa rằng, “ngươi sẽ tìm được an nghỉ cho linh hồn mình.” Cái ách mà Đấng Christ mời mọi người – khi mang lấy họ trở thành bạn đồng lao với Chúa Jesus Christ, thì không nặng chút nào cả. Đời sống của một môn đồ, không phải là một đời sống bị động hay bất động. Đó là một đời sống hoạt động bởi vì sự sống của Đấng Christ tuôn chảy qua những môn đồ thật của Ngài. Đấng Christ là sự sống và sức mạnh của chúng ta. Là một người mang ách với Chúa Jesus Christ nghĩa là được bày tỏ niềm vui của một môn đồ thật.

Khi còn là sinh viên Đại học, tôi quan sát một hình ảnh mà làm cho câu Kinh Thánh trên đây trở nên rõ ràng. Vào chiều Chủ nhật, tôi và một người bạn đi đến một trường Chủ nhật nhỏ ở miền quê để dạy. Tại đó có một lão nông đang cày đất bằng một cặp bò. Khi tôi trông thấy, tôi rất ngạc nhiên, vì một con bò lớn mang ách chung với một con bò đực thiến rất nhỏ. Con bò đó cao lớn so với con bò đực thiến đang làm chung công việc với nó. Tôi ngạc nhiên và lúng túng khi xem người nông dân cố gắng cày đất với hai con vật không cân bằng như thế trong một cái ách. Người bạn đi cùng tôi  nói, “Tôi muốn quan sát hình ảnh sinh động này. Bạn sẽ thấy rằng con bò lớn đang kéo tất cả sức nặng. Con bò đực thiến nhỏ bị buộc chung vào các ách nhưng nó thực sự chả kéo tí sức nặng nào cả.” Tâm trí tôi tự nhiên đến với câu Kinh Thánh trên. “Mang lấy ách ta, và học theo Ta; vì Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; và ngươi sẽ tìm được an nghỉ cho linh hồn mình.” Trong một cái ách bình thường, khối lượng được phân bố đều giữa hai đối tác được ách chung với nhau, nhưng khi chúng ta mang ách với Chúa Jesus Christ, Ngài mang lấy khối lượng nặng nề kia và chúng ta là người được ách chung với Ngài, chia sẻ niềm vui và hoàn thành sự lao khổ mà không bị nặng gánh với cái ách. Bi kịch đó là một vài người trong chúng ta chưa bao giờ được buộc vào ách này!

Làm sao một người có thể quy phục ách của Đấng Christ? Sự giải thích ở đây: “Học theo Ta.” Chúng ta có thể giải thích như sau: hãy để Ta dạy con điều con cần biết. Hãy để Ta hướng dẫn trong các hoạt động của con. Hãy để Ta lập kế hoạch cho cuộc đời con. “Học theo Ta.” Chúa chúng ta đã nói với người Do thái là những người được người Pha-ri-si dạy. Người Pha-ri-si đã truyền đạt lời truyền khẩu của loài người, và tuyển dân bị trói buộc bởi những truyền thống mà họ học được. Người Do thái đã học từ các thầy Pha-ri-si của họ. Họ gánh nặng luật pháp trên vai, ví dụ họ không được bước lên bãi cỏ vào ngày Sa-bát. Bạn có biết tại sao không? Luật pháp phán rằng, “Hãy nhớ ngày Sa-bát, đặng làm nên ngày thánh…trong ngày đó ngươi không được làm bất cứ việc chi.” Điều này nghĩa là một người không được phép gieo giống trong đồng của mình. Họ đã diễn giải luật đó rằng, nếu một người bước lên một bãi cỏ và đạp vào hạt cỏ chín làm nó rơi trên đất thì vô hình trung người đó đã phạm tội gieo giống vào ngày Sa-bát.

 

(Còn nữa)

Translated by Huong Linh

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn