Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024

100 MILES/GIỜ

kien

Tôi phải bắt đầu trở lại chuyến đi Việt Nam vừa qua như thế nào, dường như nó đã là “chuyện ở đằng sau” trong khi bây giờ tôi phải “bươn theo chuyện ở đằng trước” với một tốc độ mà một người bị diabetes và high cholesterol kinh niên phải ngần ngại. Tôi đã ngồi trước laptop vài lần, thử gõ vào khung hình trắng những tựa đề, những dòng ngắn dòng dài, thử suy nghĩ, thử nhớ lại, thử vẽ ra, nhưng rốt cuộc, nó vẫn là khung hình trắng. Vì trong cái đầu óc đang nguội dần của tôi, tất cả đều trắng.

Tôi thử vài cách để gợi hứng, chẳng hạn bức thư này:

March 1, 2016

Kính gởi nhà thơ Trần Nguyên Đán

Thưa anh,

Trang Văn Việt (www.vanviet.info) có làm tuyển tập 40 năm thơ Việt hải ngoại, nay đã đi được một số bài. Nếu được sẽ in tuyển tập ở Việt Nam.

Qua sự giới thiệu của nhà thơ Lê Đình Nhất Lang, chúng tôi mạn phép liên lạc với anh và mong anh rộng lòng hợp tác với chương trình.

Nếu đồng ý xin anh gởi cho một số bài thơ ưng ý (khoảng 10 bài), một bức ảnh và đôi dòng tiểu sử.

Hết sức cám ơn anh,

Chúc anh và gia quyến vui mạnh.

Nguyễn Đức Tùng (và Ý Nhi, Hoàng Hưng)

Nguyễn Đức Tùng là một bác sĩ, một nhà thơ, một nhà văn, viết cho Da Màu, một website văn chương có tên gọi là Văn Chương Không Biên Giới mà tôi cộng tác vài năm nay, một cây bút mà tôi mến mộ. Trong không gian chật hẹp của suy tưởng và mệt nhọc của thân thể, điều này giống như một cơn mưa phùn làm mát lại chút nóng bức khô hạn. Cơn mưa phùn rơi xuống vùng đất mơ mộng trong cuộc sống. Tôi cho phép mình chút thời gian, trở lại Da Màu, Tiền Vệ, chọn những bài thơ cũ để góp phần cho một tuyển tập mà tôi tin sẽ là một cuốn sách mang dấu ấn của lịch sử văn chương hải ngoại 40 năm. Tôi băn khoăn suy nghĩ, đắn đo, không biết nên gởi những bài thơ cho Chàng, hay những bài thơ đào bới đến nhức nhối, “thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng”.

Trận mưa phùn tắt ngấm khi những hồi chuông điện thoại reo lên, tiếng nhắn tin, email liên tiếp gởi đến. Từ Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, từ VMI, từ Hội Thánh Greenville, từ báo Hướng Đi, từ Việt Nam, từ bệnh viện, chưa hề kể đến cái sức khỏe còm cõi của mình vẫn thỉnh thoảng cấu bên sườn một cái, véo trên ngực một cái, để nhắc nhở… Và “quan trọng” hơn cả vẫn là cái đề tài bài giảng vẫn nằm “chỏng chơ” trên khung hình trắng, chưa có được “bộ xương”, mở ra trang “kế hoạch cho Hội Thánh năm 2016” lại càng muốn nhắm mắt. Đây chính là những việc ưu tiên, cần làm trước. Tôi có cảm tưởng như nắng đang chói chang hơn, và mình đang chạy 100 miles/giờ trên freeway với một chút lắc lư.

Tôi thử một vài cách khác, như tôi vẫn thường thử, khi công việc, sức khỏe và nan đề đang dồn tôi vào chân tường, nhưng chẳng có cách nào “work” cả.

Nhưng sau cùng, chính là lời của Chúa đã làm tôi thức dậy, khi tôi mở Kinh Thánh cầu cứu Ngài. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.Tôi cúi xuống, để lòng mình kết nối với Chúa. Tôi đọc Kinh Thánh, tìm được đề tài cho bài giảng, dựng được một “bộ xương” thô sơ, để tạm đó, vẽ ra vài kế hoạch tổng quát, chưa chi tiết. Và nhớ lại nhiệm vụ chưa hoàn tất, chuyến đi đã qua, nhưng chưa tường trình lại. Tôi phải viết nó ra. Nhưng với bộ óc “cầu kỳ, khó tính” của một người viết văn, tôi muốn nó phải là một bản tường trình có văn chương, không chỉ là dữ kiện.

Điều đầu tiên tôi nhớ là khi bắt đầu chuyến bay thứ hai từ Seoul đến Sài-gòn, phía sau đầu bên trái của tôi bị đau, tôi cứ phải đưa tay xoa bóp chỗ đau ấy, ban đầu có vẻ chỉ là sự nhức mỏi, mà tôi nghĩ rằng mình đã dựa chỗ ấy vào thành ghế để ngủ nên nó mỏi, nó đau, thế thôi. Về đến Sài-gòn sự đau nhức tăng lên, sờ tay vào thấy có nổi vài cái mụt, lại nghĩ là mụt nhọt, vì nóng trong người. Ra đến Nha Trang, bắt đầu chương trình huấn luyện 5 ngày, vấn đề có vẻ phức tạp hơn, một vài mụt khác mọc lên, lan xuống cằm, xuống cổ, xuống ngực, to ra, nhức nhối hơn, và “nghiêm trọng” hơn, cơn đau làm cho những dây thần kinh trong đầu tôi giật lên. Khi đang huấn luyện, thỉnh thoảng tôi phải đưa tay ôm lấy phía sau đầu để “xoa dịu” cơn đau và sự co giật của các dây thần kinh mà sau này tôi mới biết, tốc độ đưa tay ôm đầu càng lúc càng dày hơn, các học viên nhìn thầy giáo ái ngại. Đến lúc ấy mới nghĩ rằng vấn đề không đơn giản chỉ là đau nhức bình thường hay mụt nhọt, mà là một cái gì khác, cần phải đi bác sĩ. Lần đầu trong những chuyến truyền giáo hàng năm, tôi phải đi bác sĩ địa phương. Sau khi nhìn, ông phán ngay: zona. Tôi chẳng hiểu chữ ấy nghĩa là gì. Ông bảo thêm: phát hiện sớm nên không đến nỗi, uống thuốc và xức thuốc, khoảng 10 ngày sẽ hết. Quốc bảo: tiếng Việt gọi là giời leo. Hoàng thêm: gọi là zona thần kinh, vì virus ăn vào những sợi dây thần kinh, con xem trên google nói vậy. Dù giời leo hay zona thần kinh, tôi phải ôm đầu thường xuyên khi huấn luyện, chương trình huấn luyện rất dày mà thời gian thì ít, thỉnh thoảng phải kêu lên, dù không muốn, vì đúng là “con giời” đang “cắn” vào những sợi dây thần kinh mỏng manh. Ban đêm, khi người ta ngủ, thì “giời” thức, chăm chỉ ăn những sợi dây thần kinh, tôi hầu như phải ôm đầu, giật nẩy mình lên, cả đêm, vì những sợi dây thần kinh bị “cắn”, và thỉnh thoảng phải kêu lên vì quá đau. Buổi chiều huấn luyện thứ tư, tôi buộc phải bỏ dở lớp học  nửa chừng vì “giời” cắn phá dữ dội, để các học viên tự tham khảo phần còn lại. Nhưng ngày cuối, môn giảng luận, phải “đứng lớp” suốt ngày, mặc kệ “giời”.

Khi tin tức này bay về Mỹ, đến những môn đồ Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, họ gọi đây là sự tấn công của ma quỷ và khẩn thiết cầu nguyện cho tôi.

Mục sư Cường từ Sài-gòn mang tấm bích chương tốt nghiệp và các chứng chỉ ra Nha Trang, làm lễ tốt nghiệp giáo viên cho 11 người, và 3 giáo sĩ mới: Nguyễn Thiên Quốc, Đinh Huỳnh Hải Yến, Trần Thị Mỹ Dung, nhìn tôi đang ôm đầu theo dõi các “sinh viên” đang giảng thực tập, nói: công nhận Mục sư giỏi thật đấy. Chắc ông nói tôi giỏi chịu đựng những cơn đau J Sự huấn luyện chắc chắn bị ảnh hưởng vì “giời” tấn công, nhưng chắc chắn là vẫn có hiệu quả tích cực. Chúa phải thắng hơn ma quỷ. Tôi tạ ơn Chúa vì Ngài thêm sức trong suốt thời gian huấn luyện và bị “giời” hành hạ, chỉ có hơi “buồn” là dù đang ở Nha Trang, mùa xuân ấm, không thể đi tắm biển. Nhưng tự an ủi rằng, nếu không thể tắm biển lần này, có nghĩa là Chúa sẽ cho cơ hội tắm biển… lần sau  🙂

Tôi không nghĩ mình sẽ đi miền Bắc, vì sau một tuần Nha Trang, sức công phá của “giời” vẫn còn làm ê ẩm đầu óc và thân xác, để dành một ngày ra đến Đà Nẵng, nhưng không làm được gì, chỉ thăm viếng, nghỉ ngơi và định về lại Sài-gòn, nhưng dường như Chúa không muốn, đó là ý của tôi chứ không phải ý Ngài. Chúa thúc giục lòng đi miền Bắc, nơi Hoàng đã chuẩn bị một số nơi đến để huấn luyện và giúp đỡ. Về sau, khi đã xong công việc ở miền Bắc, tôi có cảm tưởng Chúa đã phán với mình như cách Chúa đã làm cho Phao-lô trong Công-vụ 16:9-10: Đang ban đêm, Phao-lô thấy sự hiện thấy; có một người Ma-xê-đoan đứng trước mặt mình, nài xin rằng: Hãy qua xứ Ma-xê-đoan mà cứu giúp chúng tôi. Phao-lô vừa thấy sự hiện thấy đó rồi, chúng ta liền tìm cách qua xứ Ma-xê-đoan, vì đã định rằng Đức Chúa Trời gọi chúng ta rao truyền Tin Lành ở đó. Tôi không có sự hiện thấy như Phao-lô, không thấy người miền Bắc nào hiện ra đứng trước mặt và bảo: hãy đi miền Bắc mà giúp chúng tôi, nhưng rõ ràng sự thúc giục đi miền Bắc không ngớt “cào sướt” vào lòng tôi trong một vài ngày, đến nỗi lòng tôi không yên và tôi quyết định mua vé máy bay ra miền Bắc. Điểm đến là Hải Phòng.

Có 2 việc đã lên kế hoạch: trại trẻ mồ côi và Hội Thánh của những người nghiện (đã được Chúa giải phóng). Có một việc không lên kế hoạch nhưng nằm trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, và điều này khiến tôi thêm tin rằng việc đi miền Bắc là ý muốn của Chúa, để giúp cho ít nhất một vài người cần được cứu. Lâu nay mặc dù làm chứng đem sự cứu rỗi đến cho nhiều người nhưng Hoàng vẫn nặng lòng về gia đình mình về việc họ chưa tin Chúa, có phải đây cũng là nỗi nặng lòng của Chúa Jesus về gia đình của chính Ngài đến nỗi Ngài phải nói: Đấng tiên tri chỉ bị trong xứ mình và người nhà mình khinh dể mà thôi, cũng là nỗi nặng lòng của chính tôi và nhiều người khác đồng cảnh ngộ?

k 2

Ngày đầu tiên khi tôi đến, bố vợ của Hoàng từ quê Đông Triều lên thăm, chở theo cá nuôi từ ao nhà và gà nuôi trên đồi cho con. Tôi biết đó là cơ hội cho tôi để nói về Chúa cho ông, vì lần trước đã bỏ mất một lần cơ hội vì bệnh bất ngờ. Có mặt vợ chồng Hoàng và một người tín hữu lúc đó, tôi hỏi thăm ông vài điều và hỏi: ông có bao giờ nghe nói về Chúa Jesus chưa? Ông nói một câu như hoạn quan Ê-thi-ô-bi nói với Phi-líp: Nếu không có ai nói cho tôi, thế nào tôi hiểu được? Xin ông cho tôi biết. Sau khi trình bày rõ ràng về Chúa Jesus, tôi hỏi, ông có muốn tiếp nhận Chúa Jesus làm chủ và làm Chúa mình không? Ông đáp ngay không do dự: Tôi muốn. Cả bốn chúng tôi đều cảm thấy bất ngờ vì ông vốn không phải là một người dễ tính. Tôi vừa cầu nguyện cho ông xong thì mẹ kế của Hoàng đến. Bà không phải là người khó khăn nhưng rất… sợ chồng, là bố của Hoàng. Nhưng đúng là Chúa đã có chương trình cứu rỗi cho bà, tôi tiếp tục làm chứng cho bà và bà cũng đồng ý tin Chúa ngay lời kêu gọi đầu tiên. Tôi biết là Chúa muốn cứu họ bằng cách cho tôi đến đây, như một cơ hội thuận tiện. Sau đó tôi nói thêm về Chúa cho họ và dạy họ cách cầu nguyện với Chúa ngay. Tôi khuyên ông Bố về nhà chia xẻ Chúa cho bà, nhưng khuyên bà mẹ kế chỉ cầu nguyện cho ông chồng và chờ cơ hội. Thật tốt lành, khi về nhà ông đã làm chứng cho bà về việc ông mới tin Chúa, tuy bị phản đối, nhưng là một dấu hiệu cho thấy ông có niềm tin thật, như Anh-rê khi tin Chúa đã ngay lập tức về nhà dẫn anh mình là Phi-e-rơ đến với Chúa.

Huấn luyện 2 ngày tại một Hội Thánh, phần lớn là các anh em đã được Chúa giải cứu chứng nghiện ngập ma túy cũng là một nơi được phước. Con “giời” đã rời khỏi, thỉnh thoảng “liếc nhìn” một cái thôi, nhưng không bị chúng “gặm” những sợi dây thần kinh nữa, không đến nỗi ôm đầu, chỉ giật mình, tôi huấn luyện một cách thoải mái, và chính mình cảm thấy được phước qua sự huấn luyện của mình. Chúa ban phước cho người trung tín làm công việc Chúa. Mọi người vui thỏa. Một em thân hữu đến dự cùng bạn mình đã tiếp nhận Chúa ngay sau bài học đầu tiên của cấp 1. Có 3 em thanh niên còn rất trẻ, từ 19-24, từ một Hội Thánh khác đến tham dự, cùng với người nữ Mục sư của họ. Ngày cuối là một điều hoàn toàn bất ngờ, khi tôi dạy môn Hội Thánh Trên Đường Phát Triển, cấp 3 của VMI, dạy cách bắt đầu một Hội Thánh mới, tôi hỏi rằng có ai muốn sau này mở Hội Thánh và trở thành một Mục sư không? Lâu nay câu hỏi của tôi vẫn thường là: có ai muốn dâng mình hầu việc Chúa không, muốn kết ước với Chúa không, chưa bao giờ hỏi là có muốn trở thành Mục sư không. Một người đứng dậy, rồi hai người, ba người, và 10 người. Chính tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên, hơi phân vân, tự hỏi mình có nói sớm quá hay không. Đây không phải là chuyện đùa. Nhưng họ đã tiến lên phía trên mà tôi không thể ngăn họ lại được. Tôi phải xác nhận lại điều tôi nói và hỏi lại ý muốn họ. Không thay đổi. Chúa đã làm việc thì tôi không ngăn cản được. Tôi cầu nguyện để họ thật sự hiểu và kết ước với Chúa bằng sự thúc giục của lòng mình, chứ không phải vì một sự phấn khích bất chợt. Tôi nghĩ rằng tôi có trách nhiệm với những người trẻ này và sẽ theo dõi, khích lệ họ, cho dù họ vẫn còn trong sự khó khăn. Trong lúc viết đến đây tôi hình dung lại quang cảnh trông có vẻ vụng về lúc ấy, một người nữ mới tin Chúa chưa được một năm là người đứng dậy trước tiên sau lời mời, rồi những người khác. Khuôn mặt họ tươi cười. Tôi cũng tự hỏi rằng có phải đây là một tiếp nối, là một hy vọng, để lại trở lại tưới mát những hạt mầm đã gieo vào đất cho chúng thật lớn lên?

k 3

Nhưng quả là Chúa có chương trình cho miền Bắc, sau Hải Phòng, Chúa vẫn dành nguyên một ngày cho Hà Nội không hề uổng phí. Một nữ tín hữu, sau suốt 4 ngày theo tôi và Hoàng đi đến bất cứ nơi nào chúng tôi muốn đến, chứng kiến những lần làm chứng cho những người thân của Hoàng, đã nhất quyết tìm cách hẹn 3 người quen của cô mà cô gọi là “Xếp” của cháu, để cho Mục sư làm chứng. Cô có bằng đại học, từng làm việc và thành công trong nhiều ngành thương mại. Cô đã hẹn được 3 người đến một tiệm ăn ngay khi chúng tôi vừa bước xuống xe đò đến Hà Nội. Cô giới thiệu sơ qua khi còn ngồi trên xe, để Mục sư nắm bắt đối tượng cho dễ: một ông là tiến sĩ, giáo sư, giám đốc, nhà thơ, một ông “xếp” công ty khác và một người trẻ hơn, kiến trúc sư, làm quản lý cho một công ty mua bán nhà. Đặc biệt là cả 3 ông cùng đi chùa, một ông chuyên ngồi thiền để tìm sự bình an cho tâm hồn, một ông thường mặc áo vàng tụng kinh cho sự giải thoát, anh kia thì đi chùa với vợ cho “nó” vui. Ba người cùng đến, trong không gian và không khí chật hẹp và khá ồn ào của quán ăn, tôi phải tìm cách “át giọng” những tiếng nói lớn và lè nhè bên cạnh. Khi thì tôi nói chung cho cả 3, khi thì tôi nói riêng cho một người, khi cần thiết. Ông tiến sĩ giáo sư giám đốc nhà thơ (hội viên hội nhà văn Việt Nam) lắng nghe cách chăm chú, hỏi một vài câu mà tôi nghĩ rằng ông chỉ muốn “make sure” vài điều chưa”sure” lắm. Khi tôi kêu gọi tin Chúa, ông nói rõ ràng, ngôn ngữ của một giáo sư trên bục giảng: Tôi đồng ý. Tôi quay sang anh chàng kiến trúc sư trẻ tuổi đẹp trai ngồi cạnh: cháu nghĩ sao. Anh đáp: cháu tin những gì đúng nhất và tốt nhất, cháu cũng tin như bác ấy. Ông “xếp” thường tụng kinh nói dài hơn: Tôi cám ơn Mục sư đã thuyết trình một đề tài rất cụ thể và thuyết phục về Chúa Jesus, nhưng cho tôi xin thêm thời gian để suy nghĩ. Anh ta xin thời gian suy nghĩ, tôi phải mất thời gian nhiều hơn cho anh ta, nhưng rốt cuộc anh ta vẫn tìm cách chui ra khỏi cái lưới yêu thương đang vây hẹp lại. Tôi cầu nguyện cho 2 người tin Chúa và cầu nguyện cho người chưa tin Chúa còn có cơ hội tin Chúa. Ông tiến sĩ ghi số điện thoại và email của tôi vào giấy: có lẽ tôi sẽ đi Mỹ trong vài tháng tới, để thăm một người bạn, cũng là một nhà thơ, sẽ liên lạc với Mục sư để Mục sư giới thiệu nhà thờ cho tôi đi. Tôi nghĩ rằng mình sẽ rất vui để làm điều ấy.

k 4

Tôi trở lại Sài-gòn, những ngày cuối, nghĩ rằng sẽ ngơi nghỉ một chút. Nhưng Chúa nói chưa hết. Một người anh em lâu nay vẫn liên lạc qua lại về chương trình VMI ngỏ ý muốn gặp và muốn được huấn luyện. Một lớp học tại một Hội Thánh tại Thủ Đức mà Kim Hân đã huấn luyện cấp 1 trong lần về năm ngoái. Nếu đồng ý sẽ phải dời chuyến bay lại 2 ngày nữa. Tiền trong túi còn 2 tờ, nhưng 1 tờ bị ngân hàng Việt Nam chê rách không đổi, còn 1, mà còn 4 ngày nữa, hai thầy trò suy nghĩ không biết có phải ăn bánh mì trừ cơm và khỏi uống cà phê sáng không, cái này thì hơi khó thật.  Tôi cũng như lần trước, hy vọng còn $50 dằn túi khi lên máy bay, vì chắc chắn sẽ phải ngủ qua đêm tại phi trường Incheon, Seoul. Nhưng không sao cả, vì đã quen… ỷ lại vào sự tiếp trợ đúng lúc của Chúa, tin chắc thế. Tôi đắn đo, không phải vì vấn đề tiền, mà vì vấn đề “người bệnh” ở nhà đang chờ đợi, dù có những lời động viên, khích lệ ở lại lo cho xong công việc Chúa. Tôi đứng trên sân thượng của khách sạn 9 tầng, nhìn xuống thành phố Sài gòn đang tấp nập người xe qua lại, sông Sài gòn trôi lênh đênh phía xa, hỏi mãi Đức Chúa Trời, hai ngày nữa, có nên không? Chúa nói nên. Tôi ở lại.

Đức Chúa Trời không cho tôi hai ngày ở lại để đi chơi, mà để làm việc, việc cần. Chúa muốn ở lại thì Chúa có việc cho làm. Giảng và huấn luyện ở Thủ Đức tốt, thêm một cơ hội để nhân ra. Nhưng điều tôi vui hơn là bắc được một nhịp cầu với anh em Hội Thánh Tin lành, đưa VMI vượt qua một biên giới (không cần thiết). Tôi nhớ mình có đọc đâu đó câu này: hãy xây những chiếc cầu, thay vì xây những biên giới. Đạo Chúa không có biên giới, những giáo phái là những hải đảo trong vương quốc Chúa, cần xây những chiếc cầu nối liền, mở rộng bờ cõi, thay vì những rào cản. Đức Chúa Trời kêu gọi đi đến cùng trái đất, nơi không có biên giới. Đạo Chúa vượt qua được những biên giới những quốc gia Cộng sản, Hồi giáo, sao lại không thể vượt qua những biên giới của giáo phái, của anh em? Chúng tôi gặp nhau trong một quán cà phê Starbucks (lại Starbucks) trên đường Pasteur, chúng tôi nhìn thấy một hy vọng Chúa đang mở ra. Mục sư trẻ quản nhiệm một Hội Thánh Tin lành vui vẻ đón nhận VNI vào chương trình của Hội Thánh và nói rằng sẽ giới thiệu cho một vài Mục sư trẻ khác. Trẻ có khác. Tôi vui mà nhờ “Xếp” trở lại điểm hẹn mới này để tiếp nối trong lần về Việt Nam kỳ này của ông.

Ngày cuối cùng, gặp và làm chứng cho mẹ và em gái của Minh Nguyệt, tín đồ của cả 2 Hội Thánh Truyền Giáo và Greenville, dù tôi và Hoàng làm chứng rất tha thiết, đặc biệt quan tâm đến linh hồn bà và cháu gái, nhưng hai “con cá” này vẫn lọt lưới, vẫn cứ “xin thêm thời gian”. Tôi đã cầu nguyện cho họ để Chúa cho họ còn thời gian, mở lòng họ và cứu họ trong thời kỳ thuận tiện.

Đổi vé, dời ngày, chấp nhận chuyến bay dài hơn 10 tiếng đồng hồ, ở lại 13 tiếng qua đêm ở phi trường, tôi đã nghĩ đến việc nằm dật dựa, ngủ vật vờ trên chiếc ghế trong phòng đợi, thỉnh thoảng giật mình thức dậy nhìn đồng hồ, mong cho trời sáng. Nhưng Chúa cho điều tốt hơn suy nghĩ, phi trường Incheon có Rest Area rộng rãi cho hành khách ở lại đêm, khoảng 20 chiếc ghế dài như những chiếc giường cá nhân có nệm gối hẳn hoi, có phòng cho internet, và có cả phòng tắm free. Tôi thoải mái “leo” lên “giường” đánh một giấc bình an từ 10 giờ đêm cho đến 5 giờ sáng. Sau khi đánh răng rửa mặt, tỉnh táo đi một vòng tìm cái gì cho buổi sáng, ngay bên cạnh là Paris Crossant, bánh crossant Pháp và cà phê Mỹ, còn mơ ước nào hơn J. $50 còn lại quả là vừa đủ cho chuyến trở về. Tôi nhìn thấy một bảng chỉ dẫn đến một phòng cầu nguyện trong phi trường, thật tuyệt, đúng là một quốc gia của Đức Chúa Trời. Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình. Dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay. Phòng cầu nguyện vừa phải, yên tĩnh, sạch sẽ, hoàn toàn không có ghế hay vật dụng, chỉ có một tủ sách nhỏ sát vách để vài cuốn Kinh Thánh tiếng Anh và tiếng Hàn. Trong nơi chốn yên lặng riêng tư, dù ngay bên ngoài vách là phòng đợi nhộn nhịp, tiếng động không thể va chạm đến nơi này, tôi quỳ xuống và yên lặng nói với Chúa những điều thầm kín riêng tư đã nói với Ngài nhiều lần, lập lại như một lời xác nhận không thay đổi. Tôi tin là Chúa biết tôi và hiểu tôi vì tôi và Ngài đã có một mối liên hệ riêng tư mà chỉ có chúng tôi hiểu rõ.

Chúa và con, tim thở những nhịp đều

Con ngẩng nhìn, ánh mắt có tình yêu

Con muốn ngã vào trong đôi mắt ấy

Sự khôn cùng ai nói được bao nhiêu

k 5

Tôi về lại Mỹ, quê hương hiện tại. Tôi bắt đầu ngay công việc với Hội Thánh như đã hứa, chỉ sau 3 ngày về đến Mỹ, “hồn” còn chưa kịp “hoàn” lại trong thân xác, tôi lái xe đi Greenville, South Carolina vẫn còn trong tình trạng chếnh choáng như say rượu (dĩ nhiên không phải 🙂 , nhưng lái một mạch gần 3 tiếng đến nơi an toàn, sau đó còn được mời đi ăn chiều ở nhà một tín hữu, gọi là bữa ăn mừng Mục sư mới đến quản nhiệm Hội Thánh, giống như cặp vợ chồng mới cưới đang hưởng tuần trăng mật (hy vọng là tuần trăng mật sẽ kéo dài, tháng trăng mật, năm trăng mật, nhiều năm trăng mật, hãy từ từ… dập mật, think positive). Về đến nhà khoảng 9 giờ thì hai mắt đã… đừ quá rồi, leo vào giường làm luôn một giấc ngủ bình an đến 6 giờ sáng. Thức dậy chuẩn bị bữa sáng quen thuộc của mình (hôm qua đã dọn mớ đồ nghề buổi sáng xuống đây, khởi đầu cuộc sống một cảnh hai quê), Chúa phục hồi lại sức lực để bắt đầu một ngày mới, một công việc mới, một giai đoạn mới trong chức vụ. Chúa đã gọi tôi go back the way you came, tôi vâng lời trở lại. Tôi vui mừng vì đã vâng phục Chúa. Xin Chúa ở cùng tôi.

Tôi bước vào nhà thờ, trong giây phút quên rằng mình mới từ Việt Nam trở về, sau 23 ngày, mà những hình ảnh ấy vẫn còn quá mới trong tâm trí như nó mới vừa hôm qua đây thôi, khi ngồi trên taxi ra phi trường, Sài gòn dần dần lùi lại, và nhòa đi, biến mất dưới cánh chiếc Boeing 747 hai tầng. Tôi ý thức rõ rằng đây là nơi tôi sẽ hầu việc Chúa, sẽ bắt đầu những nụ cười và cả nước mắt. Tôi bắt đầu một trang sử mới.

Nhưng trang sách vừa lật sang đã bị gió mạnh thổi gập lại. Nhà tôi bị bệnh phải đưa vào cấp cứu ngay trong ngày lễ Thương Khó khiến tôi phải cancel buổi tối ấy ở Hội Thánh, nhờ một anh em giúp, và ở lại trong bệnh viện sau Phục Sinh mới được về nhà. Sáng sớm Phục Sinh, khi trời chưa tưng tưng sáng, khi những người đàn bà tìm đến mộ Chúa để xức xác Ngài, tôi lái xe một mình đi Greenville, đi đến với Chúa và với Hội Thánh còn rất mới. Tôi vẫn đủ sức lái xe đi 3 tiếng, thờ phượng và ăn thông công với Hội Thánh 2 tiếng và lái xe 3 tiếng về nhà ngay trong buổi chiều. Tôi phải lái xe cẩn thận vì hai mắt cứ muốn ríu lại, chỉ chạy có 80 miles/giờ nhưng tôi có cảm tưởng là 100 miles/giờ, vì trong suốt một tháng vừa qua tôi đã chạy rất nhanh, không có thì giờ ngơi nghỉ.

Mục sư LỮ THÀNH KIẾN

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn